Thiên nhân hợp nhất là lý niệm thâm sâu và cốt lõi trong văn hóa truyền thống phương Đông, cho rằng nhân thể là một tiểu vũ trụ, có sự đối ứng và hòa hợp không phân cách với vũ trụ và tự nhiên. Bởi vậy, người xưa tuân thủ cách sống và làm việc thuận theo trời đất tự nhiên, thuận theo hiện tượng thiên văn, kính Thiên tín Thần. Một đặc điểm vô cùng quan trọng của cách sống thuận theo trời đất, tự nhiên chính là “thuận thế” (thuận theo hình thế tự nhiên). Đây cũng là một trong những trí tuệ trị quốc của bậc minh chủ thời xưa.
Khi Đại Vũ trị thủy đã thuận theo Ngũ hành, đặc tính của nước, quan sát địa hình, căn cứ địa thế và chọn dùng phương pháp khéo léo dẫn dắt, xẻ núi, đào kênh, khơi thông dẫn đường, thuận theo thế nước để dẫn lũ ra biển lớn. Cuối cùng, trải qua 13 năm, Đại Vũ đã trị thủy thành công, tạo phúc cho dân chúng.
Còn trước đó, cha của Đại Vũ là ông Cổn đã dùng cách xây dựng rất nhiều công trình đê đập để ngăn chặn lũ. Phương pháp này của ông đi ngược với đặc tính của nước. Kết quả là làm cho lũ lụt liên tục dâng lên và phá vỡ các con đê hết lần này tới lần khác. Ông Cổn trị thủy suốt 9 năm trời mà không có hiệu quả gì, ngược lại còn đem đến tai họa rất lớn cho dân chúng.
Trong dân gian còn có một câu chuyện ngụ ngôn kể rằng: Một ngày nọ, gió và mặt trời tỷ thí sức mạnh với nhau xem ai mạnh mẽ hơn. Hai bên đưa ra thách đấu bằng cách xem ai có thể khiến cho con người trên mặt đất cởi quần áo ra trước. Gió cậy mình có sức mạnh cường đại nên đã nổi trận cuồng phong để kéo quần áo của mọi người ra. Nhưng gió càng mạnh thì người ta lại càng giữ chặt quần áo của mình lại. Kết quả là gió mạnh đã khiến cho con người bị ngã, còn quần áo thì lại quấn chặt lấy thân thể người ta hơn.
Mặt trời xem xong, mỉm cười và nhẹ nhàng tỏa ra một luồng nhiệt làm mặt đất ấm lên. Khi nhiệt độ không khí tăng lên, người ta cảm thấy nóng hơn nên ai nấy đều cởi bớt quần áo của mình ra.
Đây đều là kết quả của hai loại trí tuệ khác nhau, một bên là thuận thế còn một bên là nghịch thế.
Các đời minh quân trong lịch sử khi trị quốc cũng đều theo đuổi cảnh giới “vô vi mà trị”, thuận theo tự nhiên mà trị. Trong cách trị quốc có phân chia thành Hoàng đạo, Vương đạo, bá đạo. Còn có dùng Nho trị quốc, dùng Đạo trị quốc, dùng Pháp trị quốc. Nhưng các bậc minh quân nói chung đều vận dụng tổng hợp các cách thức để trị quốc chứ không chỉ dùng một cách nào.
Vô vi mà trị là thành tựu cực cao của thuận thế trị quốc. Trong lịch sử, đạt tới cảnh giới này có Hoàng Đế, Nghiêu Đế và Thuấn Đế.
Viết về Hoàng Đế, trong sách “Hoài Nam Tử” có ghi lại: Sau khi Hoàng Đế trị vì thiên hạ, dân chúng không nhặt của rơi trên đường, đêm ngủ không cần đóng cửa, thiên hạ không có trộm cắp, ngoài chợ mua bán không có lừa gạt, người dân trong thiên hạ không tranh giành lẫn nhau mà còn nhường nhịn nhau từ của cải, miếng ăn…
Trong sách “Ẩn sĩ truyện” viết rằng: Khi Đế Nghiêu trị vì, thiên hạ thái bình, hài hòa, cuộc sống của dân chúng thong dong tự tại, chăm lo làm ăn mà không có lo âu sợ hãi, từ già đến trẻ ai nấy đều vui mừng. Trên thửa ruộng bên đường, một lão nông cất tiếng ca rằng: Mặt trời mọc thì làm, mặt trời lặn thì nghỉ, đào giếng mà uống, cày ruộng mà ăn. Cảnh tượng ấy giống như chốn tiên cảnh ở nhân gian vậy.
Phong tục và đạo đức của dân chúng nhờ sự cai trị theo đạo thuận thế, vô vi đem lại. Kết quả ấy không phải trong thời gian ngắn mà có thể đạt được, nó cần phải thông qua trường kỳ giáo hóa và dẫn dắt dân chúng. Từ đó mà khiến dân chúng thiên hạ quy về đại đạo, phù hợp với tự nhiên, hết thảy đều thuận theo đạo mà làm, không cần đến sự can thiệp của đế vương, triều đình.
Đạo gia cho rằng vạn vật trong thiên hạ đều sinh ra bởi tự nhiên, bởi đạo. Bản tính tiên thiên của con người đều ở trong đạo, chính là hậu thiên dần dần khiến cho con người rời xa tự nhiên, rời xa đạo. Giống như sông Trường Giang và Hoàng Hà lúc đầu cũng đều quy về biển rộng. Nhưng chính những thứ hậu thiên như bùn, đất, cát đá… đã làm tắc nghẽn, làm thay đổi dòng chảy của chúng, khiến chúng không thể quy về biển lớn nữa mà gây ra họa hoạn.
Các bậc Quân Vương hiểu đạo, thay vì áp đặt, cưỡng chế dân chúng thì sẽ chọn cách khai thông dẫn đường, lấy mình làm gương để giáo hóa đạo đức cho dân chúng, khiến dân chúng quay về với bản tính tiên thiên, quay về với đại đạo. Nhưng để làm được điều này thì yêu cầu tu thân của quân vương phải nghiêm khắc, đạo đức phải cực cao, trí tuệ phải cực lớn. Khi đức hạnh của bản thân tỏa ánh hào quang như vầng thái dương tỏa sáng trên đại địa thì dân chúng tự khắc cũng noi theo, thiên hạ tự sẽ thuận đường mà đi, càng ngày càng tốt đẹp.
VANDANBNN st tu thân/ gt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét