Vương Dương Minh là một nhà hiền triết lỗi lạc của triều Minh. Ông tinh thông Nho giáo, Thích giáo và Đạo giáo, hơn nữa còn dẫn quân chinh chiến, có thể nói là văn võ toàn tài. Tâm học của ông từng có ảnh hưởng sâu rộng ở cả Triều Tiên, Nhật Bản và Việt Nam.
Từ xưa đến nay, các bậc thánh nhân đều chú trọng vào tu dưỡng đạo đức, tức là tu dưỡng tâm của mình. Vương Dương Minh cũng không ngoại lệ, ông cho rằng tâm là nơi phát ra những tinh hoa của con người. Ông cho rằng mọi phiền não, buồn khổ trong cuộc đời đều do tâm sinh ra.
Nguyên nhân tâm sinh phiền não là vì ham muốn của con người không bị bản thân giới hạn lại. Khi không có thì ao ước thèm muốn đến khổ sở, mà khi có rồi thì lại sợ mất đi. Do đó, người ta cần phải trui rèn một tâm lực mạnh mẽ, tránh khỏi những tác động hỗn loạn của bên trong cũng như bên ngoài. Vậy thì con người mới có thể sống thong dong tự tại, “được cũng không mừng rỡ, mất cũng không buồn đau”.
Trong xã hội hiện đại ồn ào ngày nay, luôn có rất nhiều người vì theo đuổi hưởng thụ vật chất, địa vị xã hội và danh vọng mà khiến tâm lực bị hao tổn, mệt mỏi quá độ. Khi không chịu được nữa thì họ oán thán, dẫu muốn thoát ra cũng không thể làm được. Đó là bởi họ xem nhẹ, không coi trọng nội tâm của mình, không hiểu được đạo lý của việc dưỡng tâm.
Trong tác phẩm “Dữ dương sĩ đức tiết thượng khiêm thư”, Vương Dương Minh viết: “Phá sơn trung tặc dịch, phá tâm trung tặc nan”, phá lũ đạo tặc trên núi thì dễ, phá những ý nghĩ sai trái của bản thân thì thật khó khăn. Do đó có tâm lực mạnh mẽ mới có thể tránh khỏi những thói hư tật xấu.
Muốn có được tâm lực mạnh mẽ, thì điều quan trọng nhất chính là gặp chuyện cần tĩnh tâm, bình thản, không loạn. Trong “Truyện tập lục”, Vương Dương Minh viết, vạn vật trong trời đất luôn vận hành không có lúc nào là ngừng nghỉ, gián đoạn. Đó là bởi vì có chủ tể thần linh an định chi phối. Con người nếu như có chúa tể như vậy thì trong một ngày dù có nhiều việc quan trọng cần giải quyết cũng sẽ thong dong, tự tại, không bị loạn.
Tâm chính là chúa tể của thân. Nếu không có chúa tể ấy chi phối thì con người sẽ dễ bị mất kiểm soát, rơi vào lo âu, rối loạn. Cho nên, nếu trong cuộc sống bận rộn mà không thể lưu lại cho tâm một phần thong dong thì sẽ khiến con người ở trong bận rộn mà rối loạn, mệt mỏi, phiền não.
Muốn trừ bỏ lo âu thì lại cần phải có lòng dạ rộng rãi. Vương Dương Minh viết: “Đối với những cảm xúc phẫn nộ, tức giận, chỉ cần thuận theo tự nhiên, không cần quá để tâm chú ý, như thế cả tâm và thân tự nhiên sẽ được khuyếch đại mà trở lên rộng lớn.”
Người có lòng dạ hẹp hòi sẽ chỉ khiến bản thân bị hạn chế ở trong một không gian nhỏ hẹp, buồn bực, không vui. Trái lại, người có lòng dạ rộng lượng, phóng khoáng thì thế giới của họ mới rộng lớn. Khi con người có thể sống thuận theo tự nhiên, mở rộng tấm lòng thì mọi lo âu, phiền não cũng sẽ dễ dàng tan biến.
Cổ nhân luôn đề cao và tuân theo đạo lý “thuận theo tự nhiên”. Bậc thánh nhân thời xưa nghiên cứu học vấn, theo đuổi cảnh giới “Đại đạo chí giản”. Con người sống cả đời cũng nên là như thế. Thay vì mệt mỏi khi bị bủa vây trong hàng rào tài phú, danh vọng và địa vị, chi bằng thử dùng một tâm thái đơn giản theo đuổi một loại cuộc sống giản đơn, như vậy thì bản thân sẽ được giải thoát.
Vương Dương Minh cho rằng bản tâm của con người chính là chân thành, chân thật. Muốn tự nhiên, muốn giản đơn thì không gì bằng chân thật. Chỉ một chút không thành thật sẽ khiến tâm con người bị sự rối loạn, phức tạp che mất. Do đó thật ra lừa người lại chính là lừa mình, đấu với người lại chính là che khuất đi lương tri của chính mình. Bởi thế Vương Dương Minh cũng nói rằng trên đời này sự chân thành của một người chính là nhận thức của họ đối với sinh mệnh bản thân.
Khi sống trong một xã hội mà người người đều coi trọng vật chất, tìm cách lừa gạt lẫn nhau, tìm cách bảo vệ bản thân, thì người ta thường quên mất rằng, thứ có sức mạnh nhất lại nằm ngay trong chính mình vậy.
VANDANBNN st tu thân/ gt
VANDANBNN st tu thân/ gt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét