Thứ Năm, 19 tháng 11, 2020

NGUYỄN NGUYÊN BẢY /Thư gửi bạn hỏi về việc học dịch


NGUYỄN NGUYÊN BẢY
Thư gửi bạn hỏi về việc học dịch 
Thưa bạn, quả đúng là có những điều tuyệt hay, mãi đến lúc tuổi già mới ngộ, lực bất tòng tâm, tiếc đứt ruột, ngửa mặt nhìn trời mà than: Hỡi trời, sao không cho tôi ngộ sớm hơn! Nhưng điều bạn ngộ là ngộ Kinh Dịch tuyệt hay (chữ bạn dùng) thì sao lại than là muộn? Nghe nói thi sĩ Tản Đà lúc tuổi già suốt ngày mải mê nghiên cứu Kinh dịch, như vậy chắc chắn là Ngài ngộ muộn, nhưng Ngài không buông xuôi mà tuổi già hối hả, mải mê nghiên cứu dịch.

Tôi có người bạn xem xem tuổi nhau, cùng mê kinh dịch từ thuở đôi mươi, cùng theo học một thầy và cùng "xuống núi" một thời. Thầy bảo bạn đi về hướng Đông Nam và bảo tôi đi về hướng Đông Bắc. Tôi không dám hỏi thầy chỉ lờ mờ cảm rằng thầy yêu bạn hơn mình. Ngày thầy sắp về trời, thầy nhìn bạn hỏi: Tới cửa Đông Nam có trồng hái được nhiều tiền bạc? Bạn òa khóc. Thầy quay sang hỏi tôi: Qua sơn Đông Bắc cực nhọc là thế có oán trách thầy? Tôi cúi lạy thầy. Mặt thầy sáng rỡ: các trò đều đã đã ngộ dịch, chỉ có điều sớm muộn khác nhau. Nói rồi thầy thăng. Bạn gọi thầy nức nở: con đã phụ thầy, thầy ơi. Cửa Đông Nam tên gọi là Tốn còn có tên khác là Phú Quí. Cửa Đông Bắc tên là Cấn sơn còn có tên khác là Trí thức (hoàn thành).

Một người bạn khác, nhận tôi là thầy lúc tuổi đã cao, nhưng bạn không tự thấy mình nhiều tuổi, mà cảm mình như đôi mươi, bạn học dịch hăm hở, nghiêm túc lắm. Thoắt một khúc ba năm, ngồi đàm thoại với bạn ngửa nghiêng thuyền đời, bạn đã giỏi lật tay gieo quẻ ứng biến. Bạn hỏi cảm tưởng, mới bảo rằng: Lúc ngộ dịch là hay thì đúng là muộn, nhưng theo được dịch tầm cỡ này thế là sớm. Bạn thưa, em sẽ theo dịch mãi. Bèn đáp, tôi cũng vậy, bể dịch tu thân biết khi nào lòng ôm hết bể?

Có một thiếu niên, cỡ tuổi tôi lúc nhập môn kinh dịch, nghe chuyện dịch, mê quá, đòi cắp sách theo học, buổi đầu dạy hai chữ say mê, buổi thứ hai dạy hai chữ kiên trì, buổi thứ ba dạy hai chữ liên tục, buổi thứ tư lễ phép đến xin nghỉ học, thưa rằng: Chừng nào con luyện mình theo được sáu chữ thầy dậy con sẽ xin thầy dậy con kinh dịch. Từ bấy đến nay tôi vẫn có ý chở người thiếu niên đó quay trở lại.

Thưa bạn, như vậy vấn đề không phải là sớm hay muộn, mà lúc nào, tuổi nào nhập môn với dịch cũng đều thuận hợp cả. Nhập môn Dịch học phải hội đủ 6 chữ Say mê, Kiên trì, Liên tục, đi theo con thuyền sáu chữ ấy nhất định sẽ tới được bến bờ kinh dịch mình muốn. Nhân đề cập sáu chữ trên, cho tôi nói đôi dòng về mình, thời tôi nhập môn kinh dịch, đất nước đang chiến tranh, chính quyền cai trị tẩy chay kinh dịch, coi là trò mê tín dị đoan, cản đường tiến hóa của xã hội, của đất nước, vì thế những bài học đầu đời của tôi chỉ là những bài truyền khẩu, một thầy một trò đi vòng vòng quanh hồ Bầy Mẫu (Hànội) mà học, vừa đi vừa học, gọi là học đi, cứ thế kiên trì bền bỉ học, mặc nắng mưa, mặc giông gió, mặc bận rộn, mặc ham muốn khác gọi mời, cứ liên tục đều đặn, mổi ngày, sau giờ làm việc, thường là từ 5 đến 7 giờ tối. Những bài truyền khẩu ấy cho đến nay vẫn là cẩm nang quan trọng nhất trong kiến thức kinh dịch của tôi. Nhìn lại, từ đó đến nay, đã ngoài 60 năm, tôi vẫn say mê, kiên trì, liên tục với Kinh Dịch, lòng chẳng đổi thay, chỉ bởi kinh dịch là pho kinh dạy người ta sống làm người tử tế, tử tế cho đến khi thăng về thế giời khác, vì thế không có sự sớm, sự muộn, mà chỉ có sự tu thân, lúc nào, tuổi nào cũng phải tu thân.

Bạn đừng dị ứng với hai chữ tu thân, sống ở trên đời này ai mà chẳng phải tu thân, tu thân không phải là lời cao đạo dậy dỗ, tu thân là nghĩ, hành, là thói quen đời sống. Để tránh dị ứng với hai từ Tu thân, bạn nên hiểu chữ tu thân theo nghĩa tương thích giữa đời sống với vũ trụ, với môi trường sống quanh ta. Sự tương thích ấy thành cát hay thành hung là tùy thuộc ở tu thân mỗi người. Tỉ lệ phần trăm tương thích giữa ta và vũ trụ, môi trường xung quanh bao nhiêu thì đó chính là đáp số của số phận xấu hay tốt. Kinh dịch chính là bộ sách dạy ta muôn vàn cách thức tương thích để nghênh phúc tránh họa, để cát vượng đời sống, để tránh bỏ khổ hèn. Kinh dịch hay vậy, cớ chi không học, cớ chi lo là muộn, muộn thì học cách bay thú vị về trời chẳng hơn là van khóc Diêm vương?

Bạn có biết, ở Trung Hoa,người ta dậy Kinh Dịch cho học sinh tiểu học. Bởi họ quyết rằng, các nhà cầm quyền nước Trung Hoa trong tương lai nhất thiết phải uyên thâm kinh dịch. Ở Việt Nam ta chưa có trường kinh dịch, nhưng đây đó đã đưa phong thủy vào chính khóa đại học, thế cũng là mừng. Sách vở tài liệu đua nhau in ấn phát hành, net mở cửa đã gặp nhiều xa lộ kinh dịch, phong thủy. Thực ra sự nới cởi này là quá chậm, muộn, nhưng chậm muộn còn hơn không. Nghĩ cái thời học truyền khẩu ngoài vườn hoa còn bị công an gọi về đồn và giám đốc cơ quan đe đuổi việc mà ứa nước mắt buồn cười. 

Thưa bạn, tôi viết dông dài những dòng trên đây thay cho lời mời bạn nhập môn kinh dịch. Chỉ cần bạn ngẫu hứng thích và bạn có chút thời gian, bạn nên bắt đầu với dịch mà không bao giờ là chậm muộn. Biết đâu từ ngẫu hứng thích, bạn đem lòng say mê, thì xin cứ say mê với công cụ Kiên Trì và Liên Tục, bạn sẽ thành công. Kinh dịch là bể, thuyền bạn vào bể, ắt sẽ tới bến bờ bạn muốn.

Kính bút,
Nguyễn Nguyên Bảy

(*) Tôi nhận được nhiều thư hỏi và đề nghị được theo học Dịch, nên đăng lại thư này, viết đã lâu, nhưng còn đọc được. Xin lượng thứ, vì không có điều kiện/ thời gian trả lời thư riêng từng người.

VANDANBNN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét