Nguyễn Thị Bích Ngà
Sĩ diện là biết cách giữ thể diện của mình thông qua lời nói, suy nghĩ, hành động, vẻ bên ngoài cho phù hợp các tiêu chuẩn chung để nhận được sự tôn trọng từ người khác. Ai cũng có sĩ diện và điều này giúp cho con người tự điều chỉnh hành vi, học hỏi. Nhưng khi có thêm chữ hão vào thì sĩ diện trở thành quá lố và tiêu cực.
Sĩ diện hão là cố muốn làm người khác tôn trọng mình bằng những điều mình không có. Từ tâm lý sĩ diện hão mà người ta tự nâng mình lên quá tầm của mình và thích thú khi nhận được những lời khen tặng có cánh hoặc sướng rơn khi người ta nhìn mình bằng ánh mắt ngưỡng mộ hay ghen tị.
Người có thói sĩ diện hão không học hỏi, không cố gắng để nhận được sự tôn trọng đúng nghĩa mà chỉ làm ra vẻ để hòng mong nhận sự tôn trọng.
Một đàn anh cư xử với em út bằng cái tình, đối đãi anh em bằng nghĩa khí, không bỏ anh em khi hoạn nạn, không ăn hiếp người yếu thế thì luôn được anh em coi trọng, luôn giữ được thể diện của mình.
Một đàn anh đối đãi anh em không ra gì nhưng xăm trổ đầy hình thù hung tợn, ăn bận hổ báo, lời nói ra lúc nào cũng quát nạt gầm gừ thể hiện ta đây, sẵn sàng chém bất kỳ ai có cái nhìn không tôn trọng mình chỉ làm người yếu thế sợ mà tuân phục chứ không hề nhận được sự tôn trọng, nhưng đại ca tưởng đó là tôn trọng. So sánh ta thấy rõ sự khác biệt giữa cái thực chất và cái hão.
Nhìn vào xã hội Việt Nam ngày nay ta thấy thói sĩ diện hão hiện diện khắp nơi bất kể người giàu hay nghèo. Nó hiển hiện ở mọi tầng lớp từ người lao động cho đến giới giang hồ, từ tầng lớp bình dân cho đến tầng lớp nhà giàu và rõ ràng nhất là trong giới quan chức, thậm chí trong cả các chính sách, các môi trường giáo dục, y tế, xây dựng..
Quan chức không có phẩm chất tốt đẹp, không có kiến thức và văn hóa, bèn xây biệt phủ thật to thật nổi bật để người ngoài nhìn vô phải lác mắt. Không có triết lý giáo dục để đào tạo ra người tài, ngành giáo dục chạy theo thành tích với những số liệu 98-100%.
Không có các chính sách để phát triển kinh tế bền vững, từ chính quyền cơ sở cho đến trung ương đề ra các kế hoạch rất kêu. Những phát ngôn của quan chức thường thành trò cười cho quần chúng… Thói sĩ diện hão làm nhiều người dân và cả chính phủ thành những kẻ “trưởng giả học làm sang” rất buồn cười.
Giá trị tốt đẹp tự thân con người không có nên người ta đắp lên người hàng hiệu, đồ sang, xe đẹp, điện thoại mắc tiền để thể hiện và đòi hỏi ánh nhìn ngưỡng mộ từ người khác. Thấy đứa khác xây cái nhà hai tầng thì mình cũng phải vay mượn giật gấu vá vai để xây hai tầng cộng thêm cái tum cho cao hơn hàng xóm một chút, dù không ai ở.
Rồi gia đình có người bị xâm hại tình dục thì không dám lên tiếng, không dám tố cáo vì sợ mất danh tiếng gia đình, coi đó là vết nhơ nên giấu nhẹm. Che đậy những cái sai cái xấu của bản thân, của gia đình, phô trương hào nhoáng bên ngoài để tự hào hão.
Đi ăn uống thì gọi thật nhiều, thật đắt, thừa mứa ăn không hết cũng không dám đem về vì sợ mất thể diện. Chơi phải thật sang, thật độc đáo, mà ngôn ngữ bây giờ gọi là “phải hoành tráng thì mới chất”. Làm công nhân, ở nhà trọ nhưng điện thoại thì phải cao cấp dù không biết hết các chức năng, chỉ để nghe, gọi, nhắn tin, vào mạng coi phim giải trí.
Người ta cà phê, trà chiều để thư giãn, nói những câu chuyện công việc hoặc trao đổi về một điều hay ho trong cuốn sách thì mình cũng cà phê, trà chiều để nói xấu và tán dóc.
Trên mạng xã hội, nhiều người mới đạt được một chút thành công đã khoe khoang khắp chốn, coi thường tất cả người khác. Ai dạy gì cũng không nghe, ai chỉ ra cái thiếu sót thì lập tức cho rằng người đó ghen ghét. Mới học được chút kiến thức thì đã huênh hoang muốn người khác phải phục mình chứ không phải để truyền đạt.
Viết thì phải dùng những từ ngữ rối rắm hoa mỹ đao to búa lớn, chê bai người yếu thế đủ kiểu, hạ nhục dân tộc để tự nâng mình lên hàng “cấp tiến” chứ không phải chỉ ra cái xấu để cùng nhau sửa chữa.
Người mắc thói sĩ diện hão không nghe lời khuyên của ai cả. Lời khuyên chân thành nhất của người khác cũng làm người sĩ diện hão khó chịu và phản ứng rất cực đoan. Lời khuyên vô hình chung làm rớt cái bình phong mà người sĩ diện hão đang cố che chắn quanh mình.
Làm sao để sửa thói sĩ diện hão?
Mỗi người cần học, học, học để có kiến thức cho mình. Đọc nhiều sách ắt dần tự nhận ra mình còn thiếu nhiều lắm, còn phải học nhiều lắm để khiêm cung.
Học lại những giá trị nền tảng để hiểu con người được tôn trọng bởi những điều bên trong chứ không phải những thứ thể hiện bên ngoài.
Học để biết cách ứng xử, đi đứng, nói năng cho đúng mực, đúng giá trị của mình thì tự nhiên mình đẹp trong mắt người khác và được tôn trọng đúng nghĩa.
Học để biết chấp nhận chính con người mình, vị trí của mình hiện tại mà cố vươn lên bằng thực lực chứ không phải đẩy người khác xuống để tự coi mình cao.
Người có phẩm cách đạo đức, có tri thức, có văn hóa trong ứng xử, trong hành động thì luôn được tôn trọng dù chỉ mặc cái áo một trăm ngàn, đi cái xe cà tàng. Ngược lại, ta chưa có thì phải học cho có, nếu không chịu học thì dĩ nhiên là phải bồi đắp bằng những thứ bên ngoài để tô vẽ và đòi tôn trọng nhưng cuối cùng cũng không được tôn trọng. Hiểu được điều này là biết cần phải sửa mình như thế nào.
Mà, cần phải kiên trì, không lười biếng thì mới học được.
Theo fb Nguyễn Thị Bích Ngà
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét