Binh pháp Tôn Tử được coi là kiệt tác của nhà binh, được viết thành sách vào thời Xuân Thu Chiến Quốc, được tôn xưng là “Vũ kinh quan miện” hay “Bách thế đàm binh chi tổ”. Ngày nay, khi chiến tranh chủ yếu dựa vào khí tài quân sự hiện đại, thì người ta lại tìm đọc Binh pháp Tôn Tử để ứng dụng vào các lĩnh vực như quản lý doanh nghiệp, đàm phán ngoại giao, v.v.. Xét về mặt này thì nó quả là có giá trị trường tồn.
Chẳng hạn, Binh pháp Tôn Tử viết: “Biết mình biết người, trăm trận trăm thắng; không biết người mà biết mình, nửa thắng nửa thua; không biết người không biết mình, trận nào cũng bại.” Thói đời, người ta khi hành sự, điều trước tiên luôn nghĩ rằng phải tìm hiểu đối phương, tìm hiểu công việc, từ đó bắt đầu lên kế hoạch, đưa ra đối sách. Nhưng kỳ thực, lỗi lầm lớn nhất của con người thường nằm ở chỗ coi nhẹ việc nhìn thẳng vào bản thân mình.
Hiểu mình là bài học tất yếu của kiếp nhân sinh, thản nhiên tra xét từng khuyết điểm của bản thân, mỗi lần thiếu sót, lại là một lần tiến bộ, mỗi phút cống hiến lại là biểu trưng cho dũng khí và trí tuệ. Vậy nên, đứng trước cơ hội, thách thức, việc trước tiên không phải là thăm dò, nghe ngóng, tìm điểm yếu của người ta, mà là xem xét chính mình, hiểu sở trường của bản thân, từ đó mà luôn sáng suốt trong các lựa chọn.
Binh pháp Tôn Tử lại viết: “Lấy kỳ binh mà giành chiến thắng. Tướng lĩnh giỏi tạo ra kỳ tích giành thắng lợi, thì chiến lược, thế trận của họ sẽ vô cùng vô tận, như sông suối biển hồ không khi nào cạn kiệt.” Người tài giỏi không phô trương, không hiển lộ bản thân, luôn giữ lại một phần để dành cho lúc nguy cấp.
Binh pháp Tôn Tử còn viết: “Cần kinh qua 5 việc, một là đạo, hai là trời, ba là đất, bốn là tướng, năm là pháp… Từ đó mà hiệu chỉnh kế sách, tìm hiểu cặn kẽ tình hình, xem: Vương chủ của ai có đạo? Tướng của ai có tài? Thiên địa ai đắc? Pháp lệnh ai thi hành? Binh sỹ của ai mạnh? Sỹ tốt của ai lão luyện? Ai thưởng phạt phân minh?”
Trong cuộc sống thường ngày, khi làm một việc lớn thì nhất quyết phải xem xét tỉ mỉ mọi phương diện. Không chỉ là nhân lực, vật lực, mà còn xem tình hình thị trường, xu hướng xã hội, v.v.. Nhưng điều quan trọng nhất cần phải cân nhắc là làm việc ấy có hợp với đạo trời đất không, có tổn đức không, có khuyết thiếu lương tri không, có chính nghĩa không, đó cũng là điều mà người thời nay khuyết thiếu.
Quá trình chuẩn bị và chờ đợi cố nhiên là gian khổ, nhưng một khi vạn sự chu toàn, thì chỉ cần một cơn gió Đông đã có thể giúp bạn dễ dàng đột phá.
Không chỉ thế, chuẩn bị việc lớn còn cần phóng tầm mắt xa hơn, cũng như binh pháp Tôn Tử viết: “Phàm là phép dụng binh, xe tứ mã nghìn cỗ, xe cách nghìn chiếc, giáp trụ 10 vạn, lương thực nghìn dặm, thì chi phí trong ngoài, binh khách chi dùng, vật liệu keo sơn, ngựa xe, giáp trụ, một ngày chi phí cả nghìn vàng, sau đó còn phải thống lĩnh cả quân đoàn 10 vạn người.”
Từ đó có thể thấy, thời xưa hễ dấy binh thì cần quốc gia phó xuất một lượng lớn nhân lực, vật lực, tài lực, thậm chí có thể khiến bách tính không còn nơi sinh tồn, chư hầu bốn phương nổi dậy. Như vậy làm việc gì đó thì nhất định không thể xem cái lợi trước mắt, cần tính kế lâu dài, nhìn xem cái giá phải bỏ ra liệu bản thân có thể gánh vác được không, từ đó mà xét trên toàn cục xem chuyện này có đáng làm hay không.
Và quan trọng nhất khi làm việc lớn là: “Thắng bại là chuyện thường của nhà binh”. Dẫu có thiên thời, địa lợi, nhân hòa, có binh pháp tuyệt thế, cũng không ai dám đảm bảo chắc chắn rằng bản thân có thể trăm trận trăm thắng. Kỳ thực binh pháp không chỉ dạy chúng ta phương pháp giành chiến thắng, mà ở một phương diện nào đó, còn dạy chúng ta cách chấp nhận thất bại.
Nhân phẩm của một người không chỉ thể hiện ở cách họ hưởng thụ thắng lợi ra sao, mà còn thể hiện ở việc họ tiếp nhận thất bại thế nào. Thân ở trong vòng xoáy khó khăn không đáng sợ bằng tâm ở trong tận cùng vực thẳm danh lợi. Những chuyện chẳng như ý trong cuộc sống chiếm tới 8, 9 phần 10. Chỉ khi thản nhiên đối mặt với thất bại và thành công, ôm giữ tâm thái tự tại, thì người ta mới có thể thản đãng trên đường đời.
VANDANBNN st tu thân/gt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét