Thứ Năm, 14 tháng 4, 2022

BA LOẠI LÒNG THAM KHIẾN ĐỜI NGƯỜI UỔNG PHÍ


BA LOẠI LÒNG THAM KHIẾN ĐỜI NGƯỜI UỔNG PHÍ 

Người xưa có câu “Thấy lợi quên nghĩa”, tham và nghĩa là đối nghịch nhau, lòng tham thật sự nguy hại, ví như hình ảnh rắn muốn nuốt voi. “Người tham ba thứ uổng phí một đời” là kinh nghiệm của cổ nhân về cuộc sống, biết sớm sẽ có thể tránh được sự nguy hại của lòng tham. Vậy ba điều tham đó là gì?

Thứ nhất là tham rượu

Uống rượu vừa hao mòn thân thể lại hao tổn thần trí, đạo lý này ai ai cũng đều hiểu rõ nhưng lại thường biết mà vờ như không. Từ xưa tới nay, những chuyện uống rượu làm lỡ việc lớn nhiều vô số. Trương Phi vì say rượu mà mất đi tính mệnh, Lưu Bị vì ngấm rượu mà nói lời làm tổn thương lão tướng Hoàng Trung, Tôn Quyền vì say rượu khiến Lưu Hoàng Thúc chạy mất…
Uống rượu ngoài việc gây hại tới sức khỏe, thì cách hành xử sau khi uống rượu cũng trở thành một trong những mối nguy hại. Bởi lẽ khi đã ngấm hơi men, thần trí con người không còn tỉnh táo, gây tổn thương tới sinh mệnh của người khác, ngay cả sự an nguy của bản thân cũng không màng.
Cũng có người cho rằng công việc của bản thân cần phải uống rượu. Kỳ thực có rất nhiều việc không uống rượu cũng có thể hoàn thành, mà chuyện mượn rượu để làm việc thông thường liên quan tới những việc không chân chính, thường tiềm ẩn những điều sai trái cần mượn hơi men để đáp ứng.
Uống rượu hại người, nhưng những người tham rượu vẫn để ngoài tai, thích gì làm nấy. Cuối cùng tới một ngày họ phát hiện ra sức khỏe của mình không còn như trước, bèn tới bệnh viện kiểm tra, thì phát hiện ra lục phủ ngũ tạng đã bị tổn hại. Họ mới bắt đầu sợ hãi và quyết tâm phải cai rượu. Nhưng hễ nghiện rồi thì cai rượu không phải là chuyện dễ. Ý chí không đủ mạnh thì cuối cùng cũng sẽ thất bại. Muốn tránh nỗi thống khổ này, chi bằng ngay từ đầu nên tránh xa rượu.

Thứ hai là tham sắc

Những người háo sắc thường có kết cục là vợ con ly tán, gia bại thân vong. Tiền đồ sáng lạn, gia đình hạnh phúc, bình yên chỉ vì “sắc dục” mà bị hủy đi chỉ trong phút chốc. Trong lịch sử, từ Babylon, Ai Cập cho đến La Mã cổ đại, những nền văn minh huy hoàng trước khi bị tiêu diệt thì cũng là trong trạng thái hoang dâm vô độ.
Cổ nhân giảng “vạn ác dâm vi thủ”, trong vạn điều ác thì tà dâm đứng đầu. Nếu một người phóng túng dâm dục, thì đừng nói đến trở thành chính nhân quân tử, tư cách làm người thường cũng không có, còn bị coi là kẻ ác.
Cổ nhân sinh sống theo quy luật của trời đất, ăn uống và sinh sống đều thuận theo mùa, vậy nên sức khỏe và tinh thần hài hòa. Người xưa khi dưỡng sinh thì đúc kết ra một quy tắc căn bản là ước chế sắc dục.
Nói xa hơn một chút, Trụ Vương và Chu U Vương là những ví dụ sống động về việc tham sắc mà nước mất thân vong. Người tham sắc vẫn hay nhìn mà không thấy, nghe mà chẳng hiểu, mê lạc chốn phong hoa tuyết nguyệt, ngụp lặn, đắm chìm trong đại dương dục vọng, che mờ cả lý trí, cuối cùng thân bại danh liệt.

Thứ ba là tham tài
Vì lòng tham tài mà cha mẹ, con cái, anh chị em trở mặt thành thù, có người còn từ mặt người thân, cắt đứt tình bạn. Nhưng tiền tài không phải là thứ vạn năng, chẳng thể mua những điều trân quý kia trở lại. Trên bình diện quốc gia, tham tài thậm chí còn khiến người ta làm hại đến dân tộc.
Xưa kia tể tướng nước Sở thời Xuân Thu là Nang Ngõa rất tham tài. Khi vua Đường là Đường Thành Công và vua Sái là Sái Chiêu Hầu tiếp kiến Sở Vương còn nhỏ, Nang Ngõa là phụ chính đã mượn cớ yêu cầu ngựa quý và ngọc bội của họ. Hai người không cho, Nang Ngõa bèn dâng lời sàm tấu lên Sở Vương bắt giam hai người ấy 3 năm, mãi tới khi hai người chịu giao ra bảo vật mới được thả về nước. Họ về nước rồi mang tâm thù hận nước Sở, cuối cùng họp chư hầu tấn công Sở, lại cầu Ngô đánh Sở, cuối cùng đại phá Sở.
Nang Ngõa không chỉ mang tới họa hại vô cùng cho nước Sở, mà bản thân ông ta cũng tan gia bại sản, phu nhân bị người ta chiếm mất. Cuối cùng Nang Ngõa bỏ trốn rồi buộc phải tự sát.
Lòng tham mà độc chiếm nhân tâm sẽ biến con người thành quỷ dữ, mất hết lý trí, từ đó làm ra những việc “bội tín phản nghĩa”, họa hại cho bản thân, thậm chí gây tai vạ cho quốc gia dân tộc. Có câu “Tri túc thường lạc”, biết đủ thường vui, sống một đời tiêu diêu, tự tại, há chẳng phải là một niềm hạnh phúc hay sao?

VANDANBNN st tu thân/ gt


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét