Đối với những bậc quân tử đạo đức cao thượng thời xưa, khiêm tốn không kể công là một mỹ đức mà họ tôn sùng, cũng là điều mà họ luôn hướng đến trong suốt cuộc đời. Họ không vì theo đuổi công danh lợi lộc mà mua danh chuộc tiếng, không công nhận lộc, làm điều trái với lương tri.
Cho dù là xã hội xưa hay xã hội nay, một người có thể buông tư tâm mà thành tựu đại nghĩa, thành tựu người khác, tận trách nhiệm mà không kể công thì đều là những người đáng kính. Nhưng trong xã hội ngày nay, có lẽ những người như vậy đã không còn nhiều nữa. Thậm chí, nếu một người có công mà khiêm tốn không nhận còn bị người khác cho là ngốc nghếch, bị châm biếm chế giễu. Điều này thực sự là trái ngược hẳn với những người có đức hạnh cao thượng thời xưa, họ luôn kiên trì giữ vững đạo lý: “Tận trách nhiệm mà không kể công”. Trong sử sách ghi chép lại không ít người như vậy.
Trong sách “Hán Thư. Bính Cát” có ghi chép: Bính Cát là người nước Lỗ thời Tây Hán. Ông là người phúc hậu, hiểu biết đại nghĩa, có công nhưng không phô trương.
Lúc Hán Vũ Đế Lưu Triệt tuổi già, trong cung xảy ra vụ án oan vu khống hãm hại Thái tử Lưu Cứ, thê thiếp và con cái của Thái tử đều bị liên lụy. Cháu nội của Thái tử vừa mới chào đời được mấy tháng cũng bị giam vào trong ngục.
Bính Cát tham gia thẩm tra xử lý vụ án này, trong lòng biết Thái tử bị oan, vì thế mấy lần tấu trình lên Hoàng thượng rằng vụ án này chứng cớ không đủ, đều bị Vũ đế mắng nhiếc. Ông thương xót cháu chắt của Hoàng tộc không có ai chăm sóc, bèn đặc biệt tuyển chọn và phái một cô gái trung hậu cẩn thận vào bảo hộ và dưỡng dục. Ông cũng hàng ngày luôn vào ngục thăm nom nhà Thái tử.
Bạn bè của Bính Cát sợ ông vì thế mà chuốc tai họa nên nhiều lần khuyên ông rằng: “Vụ án Thái tử chính do Hoàng thượng khâm định, tránh đi còn không kịp, ông việc gì phải biện bạch, việc gì phải quan tâm đến thế? Ông không nghĩ tới việc bị nghi ngờ là thông đồng với Thái tử sao?”
Bính Cát lại kiên định nói: “Làm người không thể không giảng nhân đức, vốn là án oan, huống hồ chắt của Hoàng thượng vẫn còn là một đứa bé sơ sinh. Nó có tội tình gì? Tôi không đành lòng mới làm như vậy, làm người không thể đánh mất lương tâm của mình”.
Sau này Hán Vũ Đế lâm bệnh, lại nghe lời đồn đại nói rằng trong nhà ngục ở Trường An có khí Thiên tử bốc lên. Hán Vũ Đế vừa sợ vừa giận liền hạ chiếu đem toàn bộ phạm nhân tội lớn tội nhỏ ở Trường An đồng loạt xử tử. Sứ thần suốt mấy đêm liền đến nhà ngục nơi giam cầm chắt của Hoàng đế, Bính Cát đều không để sứ thần vào. Bính Cát tức giận nói: “Người vô tội không đáng phải chết, hơn nữa lại là một đứa bé như thế này. Ta sẽ không để cho các người làm như vậy”.
Sứ thần thấy thế nói: “Đây là chỉ ý của Hoàng thượng, ngươi dám kháng chỉ không tuân mệnh? Ngươi thật là kẻ ngu xuẩn!”
Bính Cát thề sống chết kháng cự sứ thần. Ông kiên quyết nói: “Ta không phải là kẻ bất trí, làm như vậy chỉ vì bảo toàn danh tiếng và tính mạng đứa chắt của Hoàng thượng và những người vô tội. Việc cấp bách như thế này, ta nếu có chút tư tâm, sai lầm to lớn sẽ không cách nào vãn hồi được nữa”.
Sứ thần không thể vào được, chỉ còn cách trở về báo lên Hán Vũ Đế. Hán Vũ Đế nghe xong cũng vừa hay tỉnh ngộ, không truy cứu tội kháng chỉ của Bính Cát, mà còn đại xá cho thiên hạ. Những phạm nhân do Bính Cát quản lý nhờ có ông đều được may mắn sống sót.
Sau khi Hán Vũ Đế qua đời, con trai thứ 6 của ông lên kế vị, trị vì 13 năm thì băng hà. Cháu lên kế vị được mấy năm thì bị phế. Sau đó thì đứa bé mà Bính Cát bảo vệ năm xưa lên ngôi, đây chính là Hán Tuyên Đế. Nhưng Bính Cát chẳng hề đề cập đến ân đức ngày trước của mình đối với vua.
Sau này người khác kể công nuôi dưỡng Hán Tuyên Đế, Bính Cát cũng nhân đó thành thực tấu lên việc làm của họ, nhưng giấu đi việc tốt mình làm. Hán Tuyên Đế thông qua một vị quan mà biết được ân đức của Bính Cát, hết sức cảm động, kính trọng phong Bính Cát làm Bác Dương Hầu.
Lúc ấy chính là khi Bính Cát đang trong cơn bệnh nặng nên Hán Tuyên Đế vô cùng lo lắng. Đại thần Hạ Hầu Thắng tinh thông những việc cát hung thiện ác và âm dương ngũ hành, bèn tâu: “Thần nghe nói những người có đức âm thầm làm việc tốt, chắc chắn sẽ được hưởng phúc lạc cùng với con cháu, hôm nay Bính Cát được hưởng thiện báo, bệnh tật sẽ chóng qua khỏi, xin bệ hạ yên tâm“. Không lâu sau quả nhiên Bính Cát khỏi hẳn, thụ phong Bác Dương Hầu, làm Thừa tướng, người đời xưng ông là Hiền tướng.
Câu chuyện Bính Cát nhân hậu, tận trách nhiệm, không tính công không kể thưởng được lưu danh sử sách không chỉ phản ánh đạo đức cao thượng của người xưa mà còn là tấm gương đáng để người thời nay học tập noi theo.
VANDANBNN st tu thân/ gt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét