Khổng Tử giảng rằng: “Đạo đức của người quân tử giống như gió, đạo đức của kẻ tiểu nhân giống như cỏ, gió thổi hướng nào, cỏ rạp theo hướng đó.” Ông còn giảng rằng: “Chính giả, chính dã. Tử suất dĩ chính, thục cảm bất chính?”, người trị vì thiên hạ phải ngay chính, lấy chính dẫn dắt người thì thiên hạ ai dám không chính?
Chính hay không là ở người nắm quyền, một người nhân đức, một nước nhân đức, một người không tranh, cả nước không tranh, một kẻ tham lam tàn bạo, một nước rối loạn. Đây gọi là “một người mà định quốc”.
Những minh quân thời xưa biết rõ đại nghĩa trị quốc này nên đều tu dưỡng thiện tính thiên phú của bản thân, tu thành quân tử đại đức xứng với Thiên Địa. Đây được coi là nhiệm vụ chính yếu của người trị vì, không dám có chút bê trễ.
Dẫu biết vậy nhưng Thiên Địa là không lên tiếng, cái đạo của Thiên và cái đức của Địa là nhìn không thấy sờ không được, cho nên con người thế gian có ai có thể không mắc lỗi lầm? Hơn nữa đức hạnh người quân tử lại liên quan đến đại sự quốc gia, sẽ dẫn đến hưng thịnh hay chiêu mời tai họa. Vì vậy bậc minh quân thời xưa phải biết cách tự “chính” lại bản thân khi gặp mâu thuẫn.
Thứ nhất, Thiên tử tự tra xét lại bản thân mình, chủ động sửa chữa lỗi lầm. Từ xưa đến nay người quân tử và minh quân đều có hành động ấy.
Thứ hai, quần thần can gián, quân vương cần có thể tiếp thu lời can gián và sửa sai. Như vào thời Đường Thái Tông, gián quan Ngụy Trưng dâng “Thập Tư sớ”, khuyên Hoàng đế 10 điều, Thái Tông đặt tại bàn làm việc, lấy sách làm bình phong, phong là châm ngôn… Điểm đặc biệt của triều đình thời xưa là có các gián quan chuyên trách chỉ ra những sai sót của quân vương.
Thứ ba, Trời hiển lộ thiên tượng, hòa với điềm lành, cảnh báo điều ác. Trong triều đình ngày xưa đều có các chức quan như Thái Sử Lệnh hoặc Ti Thiên Giám, Khâm Thiên Giám, phụ trách việc quan sát thiên tượng biến hóa, lý giải thiên mệnh, thiên ý, làm căn cứ cho việc triều chính được mất. Khi chớm có dị tượng như nhật thực, nguyệt thực, v.v.. thì bậc minh quân xuống chiếu hỏi han lời khuyên của khắp thiên hạ.
Thứ tư, những hiện tượng kỳ lạ của Trời Đất mà quân thần bỏ sót, hoặc rà soát thấy mà không sửa, khiến Trời đất phẫn nộ, sẽ dẫn đến thiên tai nhân họa, hoặc núi long đất lở, lũ lụt, hạn hán, hoặc thiên tai tuyết lạnh… Thiên Địa kỳ thực không phải là không lên tiếng, những thiên tai kỳ dị đó Hoàng đế và quần thần cần phải giải đoán cho thận trọng. Xuyên suốt bộ chính sử Tư Trị Thông Giám nổi tiếng của Tư Mã Quang, nếu để ý tới Thiên tượng như động đất, hạn hán, nạn châu chấu, v.v.. đều có thể thấy liên hệ với những chuyển biến trong triều đình hoặc dự báo cho một tương lai gần. Cho nên người xưa nói rằng thiên tai nhân họa là sự cảnh báo của Thiên thượng tới hạ giới, khiến các bậc Đế vương thức tỉnh mà tự ăn năn hối lỗi, chính lại bản thân, điều chỉnh lại phương hướng trị quốc.
Thứ năm, nếu Trời Đất phẫn nộ mà vẫn không thức tỉnh, ăn năn, thậm chí còn khiến con người và thần linh cùng phẫn nộ, Thiên lý bất dung, sẽ xuất hiện lòng dân căm phẫn, tai họa trỗi dậy, thiên hạ đại loạn, không thể trị được, người mất, triều đình đi đến diệt vong.
Các vị minh quân thời xưa cho rằng những hiện tượng bất thường như thiên tai nhân họa còn là một hình thức trừng phạt khi con người thế gian rời xa khỏi những quy phạm về hành vi, đạo đức mà Thiên thượng quy định cho con người, lấy đó để cảnh tỉnh con người nên quay trở về Thiên đạo. Việc thiên hạ rời xa chính đạo, thì đầu tiên là tội do các bậc Đế vương.
Bởi vì trong văn hóa truyền thống, vua là con của Trời nên mới được gọi là Thiên tử. Vua giúp Trời trị vì, kỳ thực chính là thay Trời hành Đạo. “Suất thiên hạ dĩ Đạo”, lấy Đạo Trời mà thống lĩnh thiên hạ là chức trách mà Thiên thượng quy cho Thiên tử. Vậy nên mới có câu: “Quân quyền Thần thụ”, quyền của Vua là do Trời ban.
Thuở ban sơ, Vua Nghiêu nhường lại ngôi vị cho vua Thuấn đã từng dặn dò Ngu Thuấn rằng: “Hỡi Thuấn! Ngươi đã mang trên mình Thiên mệnh rồi, phải nắm vững đạo trong đó, nếu người dân lâm vào cảnh cùng khốn, điều Trời ban cho sẽ mãi mãi kết thúc.” Về sau, khi Ngu Thuấn nhường ngôi vị cũng nói lại lời này truyền cho Hạ Vũ.
Nói cách khác, Đế vương là sứ giả của Thần linh, Hoàng đế có vinh diệu lớn nhất, đồng thời cũng phải gánh vách trách nhiệm lịch sử trọng đại nhất. Bảo hộ dân chúng hạ giới tránh khỏi tổn hại là thiên chức của Thiên tử. Người dân nghèo khó, lầm than là cái tội của Thiên tử. Cho nên, Thiên tử ắt sẽ bị Trời trừng phạt.
Các vị minh quân đời sau đều nghiêm cẩn tuân theo di huấn này, coi an nguy của dân chúng, của thiên hạ là trách nhiệm của bản thân. Các bậc Đế Vương đầu tiên phải tự kiểm điểm sai sót của mình, công bố cho Thiên thượng và vạn dân thiên hạ rằng: “Vạn phương hữu tội, tại dư nhất nhân. Dư nhất nhân hữu tội, vô dĩ nhĩ vạn phương”, trăm họ có tội đều do một người, một người có tội chứ không phải trăm họ. Ví như khi Thương Thang cầu Trời mưa lúc hạn hán có khấn rằng: “Thân Trẫm có tội, không thể giáng cho trăm họ; Trăm họ có tội, tội cũng tại thân Trẫm”. Chu Vũ Vương cũng nói rằng: “Bách tính hữu quá, tại dư nhất nhân”, nghĩa là người trong thiên hạ có điều sai thì lỗi là ở ta, là trách nhiệm của ta.
Cách kiểm điểm sai sót này của các Hoàng đế là sự sám hối xuất phát từ nội tâm, hơn nữa còn thực sự sửa chữa, quy chính lại bằng hành động thực tế. Quan niệm này được hậu thế kế thừa lại thông qua các chiếu tự trách bản thân của Hoàng đế, gọi là “Tội kỷ chiếu”. Đây là chiếu thư trong đó Hoàng đế tự công bố sai sót của bản thân, công khai nhận sai sót với thiên hạ và lập tức sửa đổi.
Chẳng hạn những năm cuối thời Hán Vũ Đế, do chiến tranh liên miên, xa hoa lãng phí nên quốc gia nguy nan. Hán Vũ Đế tỉnh ngộ và suy xét lại bản thân, khẩu dụ cho các quần thần, truy xét lại những sai sót của mình, điều chỉnh lại sách lược trị vì theo kiến nghị của các vị đại thần. Hán Vũ Đế công bố “Luân Đài Tội Kỷ Chiếu”, thừa nhận sai lầm. Từ đó mâu thuẫn xã hội được hòa hoãn, cứu vớt được cục diện nguy nan lúc đó, giúp chiều Hán tránh khỏi vận mệnh diệt vong.
Vào thời Hoàng đế Đường Thái Tông, Đại tướng Đảng Nhân Hoằng bị tố cáo vì tội tham ô, theo pháp luật Đại Lý Tự ban lệnh tử hình. Đường Thái Tông thấy ông là một nhân tài hiếm có, không nỡ giết, nên hủy bỏ phán quyết của bộ hình, sửa thành lưu đày tại biên cương.
Sau đó, Đường Thái Tông trong lòng rất bất an, thấy rằng mình đã dùng tình mà xử lý công việc, không coi trọng pháp luật quốc gia. Ông thấy mình không nên làm như vậy. Cho nên, ông triệu các đại thần đến, lòng nặng trĩu tự kiểm điểm với các đại thần rằng: “Luật pháp quốc gia, là đế vương nên đi đầu chấp hành, không được mang tư niệm, không chịu ước chế của pháp luật, thất tín với dân. Ta che chở cho Đảng Nhân Hoằng, quả thực là lấy tư tâm mà làm loạn quốc pháp.”
Thế là, Đường Thái Tông viết một bức “Tội kỷ chiếu”, kiểm điểm bản thân: “Về việc xử lý chuyện Đảng Nhân Hoằng, ta đã mắc phải ba sai sót lớn: Một là không biết nhìn người, tin dùng nhầm Đảng Nhân Hoằng. Hai là lấy tư tâm làm loạn pháp, bao che cho Đảng Nhân Hoằng. Ba là thưởng phạt bất minh, xử lý không công bằng.” Sau khi Đường Thái Tông tuyên đọc cho các đại thần, liền hạ lệnh công bố cho thần dân cả nước “Tội Kỷ Chiếu” của ông.
Hoàng đế thời xưa hạ “Tội kỷ chiếu” có không ít, mà những vị Hoàng đế dám hạ “Tội kỷ chiếu”, thông thường đều làm nên công trạng. Ví như Hán Văn Đế, Hán Vũ Đế, Tấn Vũ Đế, Lương Vũ Đế, Trần Văn Đế, Bắc Ngụy Hiếu Văn Đế, Bắc Chu Vũ Đế, Đường Thái Tông, Đường Cao Tông, Tống Thái Tông, Tống Nhân Tông, Minh Thái Tổ, Minh Thành Tổ, Thanh Thế Tổ, Thanh Thánh Tổ, v.v.. đều từng hạ “Tội kỷ chiếu”. Hơn nữa trong đó rất nhiều Hoàng đế không chỉ hạ chiếu một lần.
Hoàng đế tự hạ “Tội kỷ chiếu”, dù cho đứng ở phương diện nào cũng đều thể hiện rõ được đức hạnh và trách nhiệm của các bậc Đế vương. Cho nên mới nói người cầm quyền, bậc Quân vương phải chính, lấy ngay chính trị vì, dẫn dắt người, ai dám không chính?
VANDANBNN st tu thân/gt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét