Thứ Hai, 28 tháng 3, 2022

Cám dỗ về danh lợi cho biết tiết tháo của một người


Cám dỗ về danh lợi cho biết tiết tháo của một người

Người xưa giảng: “Phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất”, không bị cám dỗ bởi phú quý, nghèo túng không làm thay đổi tiết tháo, không bị khuất phục bởi quyền uy. Đây chính là tiết tháo của người quân tử.

Một cuộc đời thành công được người đời tôn kính không nhất định phải làm quan to hay giàu có. Chi Lan ở dưới núi sâu, không vì chốn vắng vẻ mà không thơm, người quân tử tu Đạo lập đức, không vì khốn cùng mà thay đổi khí tiết. Bởi thế người đời ngưỡng mộ họ, kính trọng họ.

Cổ nhân còn dùng hình tượng của Tùng, Trúc, Mai là biểu tượng cho tiết tháo cao thượng. Ba loài cây này được gọi là “Tuế hàn tam hữu”, ba người bạn của giá lạnh. Mùa đông lạnh giá, cây cối héo rũ tiêu điều, nhưng tùng trúc vẫn hiên ngang, mai vẫn nở bất chấp sương gió. Bậc quân tử cũng như vậy, họ chính nghĩa, giữ vững khí tiết, không bị khuất phục hay lay chuyển trong nghịch cảnh.

Khổng Tử nói: “Bất giáng kỳ chí, bất nhục kỳ thân” (Vi Tử – Luận Ngữ), nghĩa là không hạ thấp chí hướng, không làm ô nhục sự trong sạch của bản thân, cần nghiêm khắc tuân thủ nguyên tắc làm người, không khuất phục trước bất cứ áp lực nào hết. Một người nếu bị khuất phục bởi cường quyền hoặc bị cám dỗ bởi những danh lợi bất chính, thì chỉ có thể hạ thấp nhân cách của mình, tự rước nhục vào thân.

Trong lịch sử có câu chuyện “Không vì năm đấu gạo mà khom lưng” của Đào Uyên Minh hết sức nổi tiếng. Đào Uyên Minh tên thật là Đào Tiềm là thi nhân cuối thời Đông Tấn. Ông sinh ra trong một gia đình nhiều đời làm quan, ông nội là danh tướng Đào Khản, người lập công dựng nước Đông Tấn. Tuy rằng cả ông nội và cha đều làm đại quan nhưng gia đình Đào Uyên Minh lại sống một cuộc sống rất đạm bạc. Đến đời Đào Uyên Minh, cha mất sớm, gia cảnh trong nhà bần cùng. Tuy vậy, ông không cảm thấy có chút phiền lòng mà vẫn đọc sách, làm thơ.

Đào Uyên Minh từ nhỏ đã là người ham thích đọc sách, không muốn theo đuổi con đường công danh sự nghiệp. Mặc dù ông thường bị đói vì trong nhà không có gì ăn nhưng vẫn lấy việc học làm vui.

Về sau, gia cảnh ngày càng khốn khó, Đào Uyên Minh dù chăm chỉ làm ruộng nhưng cũng không đủ nuôi gia đình. Lúc ấy, bạn bè đều khuyên ông nên ra làm quan, vừa phục vụ dân chúng lại có thể duy trì cuộc sống. Đào Uyên Minh đành xin làm một chức quan nhỏ. Ông được quan trên hậu đãi bởi tài năng đức độ, nhưng vì nhìn thấy những điều không tốt ở chốn quan trường, nên chẳng bao lâu ông xin từ chức. Cứ như vậy ông trải qua cuộc sống lúc làm quan lúc ở ẩn.

Lần cuối cùng Đào Uyên Minh làm quan là vào năm Nghĩa Hi thứ nhất (năm 405). Năm đó, ông đã qua tuổi “bất hoặc” (40 tuổi), theo lời khuyên của bạn bè ông ra làm huyện lệnh Bành Trạch.

Có một lần trên quận phái một người đốc bưu “cậy quyền thế” xuống xem xét tình hình. Tiểu lại nói với Đào Uyên Minh rằng phải ăn mặc chỉnh tề, cung kính mà nghênh tiếp. Ông nghe xong than dài và nói rằng: “Ta không vì bổng lộc 5 đấu gạo của huyện nhỏ này mà khom lưng khúm núm phục vụ cho những người ấy.” Nói xong ông liền từ quan về nhà.

Đào Uyên Minh làm huyện lệnh Bành Trạch chỉ hơn 80 ngày. Lần từ quan này, ông vĩnh viễn rời khỏi chốn quan trường. Từ đó trở đi ông vừa đọc sách làm thơ, vừa làm nông sinh sống.

Về sau nông điền của ông gặp phải thiên tai, nhà lại bị cháy, gia cảnh ngày càng túng bấn, nhưng trước sau Đào Uyên Minh vẫn không ra làm quan để cầu bổng lộc, thậm chí Thứ sử Giang châu tặng gạo và thịt ông cũng kiên quyết không nhận. Triều đình từng cho mời ông làm Trứ tác lang cũng bị ông từ chối.

Đào Uyên Minh qua đời trong cảnh nhà bần hàn. Ông vốn có thể sống một cuộc sống thong dong, chí ít cũng không phải lo cái ăn cái mặc, nhưng ông đã không muốn đánh đổi bằng nhân cách và khí tiết.

Một chính nhân quân tử sẽ giữ được ý chí và tiết tháo kiên định, không dễ dàng thay lòng vì vật chất cám dỗ. Cho dù không có quan tước hiển vinh và giàu sang phú quý thì họ vẫn luôn là tấm gương cho người khác về nhân cách, về đạo đức cao thượng không gì lay chuyển được. Dù cho người khác không nói ra nhưng trong lòng tất sẽ tôn sùng những người như vậy bởi ở bất kỳ đâu thì nhân cách cao thượng cũng luôn tỏa sáng.

Nguồn Trithucvn.org
VANDANBNN st/gt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét