Thứ Sáu, 8 tháng 4, 2022

LÀM NGƯỜI NHẤT ĐINH PHẢI TU NHẪN


LÀM NGƯỜI NHẤT ĐINH PHẢI TU NHẪN

Cổ ngữ có câu: “Nhẫn nhịn cơn giận nhất thời, tránh được mối lo trăm ngày”. Người xưa rất coi trọng và đề cao việc tu “Nhẫn”. Trong sự tu dưỡng nhân cách của Nho gia, sự vô vi của Đạo gia, sự từ bi của Phật gia đều chứa đựng nội hàm về chữ “Nhẫn” này.

Trong kinh điển của Nho gia là “Thượng Thư”, Chu Thành Vương nói với quần thần: “Nhất định phải nhẫn mới có thể thành công, có khoan dung thì đức mới to lớn”. Chu Công nhắc nhở Chu Thành Vương: “Người xấu oán hận ngài, trách mắng ngài, như vậy ngài cần phải nghiêm túc lại đức hạnh của mình.” Con người ta nhất định phải có tâm nhẫn nại thì mới có thể làm thành được mọi việc. Người có thể khoan dung thì đạo đức mới có thể cao thượng.

Trong “Luận Ngữ”, Khổng Tử đàm luận rất nhiều về “Nhẫn”. Ông giảng: “Việc nhỏ không nhẫn được thì làm hỏng việc lớn”; “Bậc quân tử không tranh giành”; “Quân tử nghiêm cẩn mà không tranh”; “Một khi phẫn nộ, quên mất cả bản thân mình và liên lụy đến người thân, há chẳng hồ đồ lắm sao?”. Đây đều là nói về hàm nghĩa của chữ “Nhẫn”.

Lão Tử giảng về một hàm nghĩa khác của “Nhẫn”, là “vô vi”, không tranh giành. Ông nói: “Thiên Đạo không tranh mà được, không nói mà người ứng theo”, “Nước thật thiện lương cao thượng, nó ban phúc cho vạn vật mà không hề tranh giành”. Sự vật phù hợp với quy luật tự nhiên thì không tranh đấu với sự vật khác. Khéo lùi mà lại chiến thắng, không lên tiếng mà có người ứng theo, đó là vì nhẫn nhịn, nhẫn nhịn là phù hợp với Đạo Trời.

Tử Hư Nguyên Quân nói: “Tha thứ, tha thứ, tha thứ, các chủng các dạng tai họa ngay lập tức biến mất. Nhẫn nhịn, nhẫn nhịn, nhẫn nhịn, chủ nợ và kẻ thù từ đó không còn.” Xích Tùng Tử khuyên bảo đệ tử rằng: “Có thể nhẫn thì không bị vũ nhục.” Hứa Chân Quân nói: “Người mà nhẫn được cả điều khó nhẫn, thì người đó sẽ không ngừng mạnh lên.” Tôn Chân Quân nói: “Người nhẫn nhịn có thể khiến những chuyện xấu tự nhiên biến mất. Người tự hối lỗi thì tai họa tự nhiên sẽ rời xa khỏi mình.”

Phật giáo thì giảng: “Trong Lục độ vạn hành thì Nhẫn là đứng đầu”. Trong rất nhiều câu chuyện cổ Phật gia về đức Phật, về các vị Bồ Tát, La Hán, thì người tu hành đều thể hiện ra cái Nhẫn siêu xuất khỏi người thường. Trong mâu thuẫn thì Phật gia cũng giảng nhẫn nhịn để trả nợ nghiệp đã làm từ đời trước, từ đó mà thăng hoa.

Xem thêm: Chuyện cổ Phật gia: Đạo hạnh của người tu luyện
Quẻ tổn trong “Chu Dịch” nói rằng: “Sơn hạ hữu trạch: Tổn. Quân tử dĩ trừng phẫn trất dục”. Nghĩa là dưới núi có đầm là quẻ Tổn. Người quân tử lấy đấy mà dằn ép khí tức giận, ngăn lấp lòng ham muốn của mình.

Trong “Tả truyện” cũng viết: “Một khi thẹn mà bất nhẫn, chẳng phải sẽ hổ thẹn cả đời sao?”. Trong “Tả Truyện – Chiêu Công Nguyên niên” còn viết: “Người nước Lỗ dựa vào nhường nhịn lẫn nhau mà cai trị quốc gia”.

“Tả Truyện – Ai Công” cũng viết:

Tri Bá nói với Triệu Mạnh: “Ngài không có dũng khí. Làm sao ngài có thể xưng là ‘Tử’ đây?” (Người xưa xưng “tử” là người có học thức, đức hạnh). Triệu Mạnh đáp: “Bởi vì tôi có thể nhẫn nại. Ngài chế nhạo, sỉ nhục tôi, nhưng đối với Triệu Mạnh tôi có tổn hại gì đâu?”

Cũng có nhiều câu ngạn ngữ về chữ “Nhẫn”: “Dùng Nhẫn chống lại tai họa”, “Phàm việc cần Nhẫn thì phải Nhẫn”, “Người rộng lượng hẳn không si ngốc, kẻ si ngốc không thể rộng lòng”, “Nhịn được thì nhịn, ngừa được thì ngừa. Không nhịn không ngừa, việc nhỏ thành lớn”, “Lùi một bước, biển rộng trời trong”.

Từ xưa đến nay, bậc Đế Vương vì đại Nhẫn mà được thiên hạ, tướng lĩnh vì Nhẫn mà được lâu dài, thương nhân vì Nhẫn mà được giàu sang phú quý, người thường cũng đều là trong Nhẫn mà trải nghiệm nhân sinh. Nhẫn nhịn luôn là một đức tính truyền thống tốt đẹp của con người. Đây là một cảnh giới cao thượng, một loại tu dưỡng cần phải có của mỗi người.

Nguồn Trithucvn. org
VANDANBNN st tu thân/gt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét