Trong dòng đời cuồn cuộn thường hay có người than rằng cuộc sống thật quá ư mệt mỏi. Kỳ thực cuộc sống thuận lòng hay không là do bản thân lòng người quyết định. Giữ một tâm thái bình hòa, làm tròn chức phận, làm một người nhân hậu, đơn giản như vậy đã là hạnh phúc rồi.
Cổ ngữ có câu: “Nhấc lên nghìn cân nặng, buông bỏ nhẹ khơi khơi”, con người ta hễ tham nhiều quá thì sẽ thấy cuộc đời thật khổ như núi đè trong tâm, mà hễ xuất niệm muốn buông bỏ sẽ đột nhiên cảm thấy thân tâm nhẹ bỗng. Khoáng đạt thì vui vẻ, đơn giản thì hạnh phúc, đạo lý ấy bao nhiêu người hiểu được?
Trong “Tiểu Song U Ký” của Trần Kế Nho còn lưu lại 2 câu thơ về cách tu thân xử thế rằng:
Vinh nhục tâm không động, ngắm hoa nở hoa tàn trước sân,
Đi ở tùy duyên, lặng nhìn mây hợp mây tan khắp chốn.
Vinh nhục, sướng khổ đều nên coi là chuyện bình thường, hoa nở rồi lại tàn, phù vân tan tan hợp hợp, bậc trí giả “được mà không mừng, mất mà không lo”. Như vậy mới có thể đạt đến tâm cảnh bình hòa, tinh thần an lạc.
Năm xưa nhà tâm học Vương Dương Minh khi còn nhỏ đã có tư chất cao tuyệt. Là con của trạng nguyên đương thời, ông 8 tuổi liếc mắt đã thuộc bài, 10 tuổi hạ bút là thành thơ. Người đời cho rằng, sau này Vương Dương Minh chắc chắn sẽ trở thành một trạng nguyên tài năng.
Nhưng đến năm 22 tuổi, Vương Dương Minh liên tiếp hai lần tham gia thi hội đều thất bại. Bạn học của ông đều cho rằng việc ấy thật đáng mất mặt. Nhưng Vương Dương Minh lại nói: “Người đời cho rằng thi không đỗ là điều đáng xấu hổ, ta lại cho rằng động tâm vì thi không đỗ mới là điều đáng xấu hổ.”
Dùng tâm thái bình hòa đối diện với thất bại, dốc trọn sức mình nhưng lại xem thiên mệnh, khi cần nỗ lực thì dốc sức làm, không để tâm thị phi thành bại, ấy chính là cách hành xử của kẻ trí.
Trong “Phá diêu phú”, Lữ Mông Chính viết: “Trời chưa gặp thời, thì mặt trời mặt trăng không tỏa sáng, Đất chưa gặp thời, thì cây cỏ không sinh sôi. Nước không gặp thời, thì sóng gió sẽ nổi lên. Con người không gặp thời thì vận may không đến. Phúc và lộc của con người, trong số mạng đã được an bài định sẵn, giàu sang phú quý có ai mà chẳng muốn? Người ta nếu không theo căn cơ, có thể nào làm quan làm tướng được không?”
Người có đức hạnh, khiêm hạ trước thiên mệnh, chăm chỉ làm tròn phận sự, nỗ lực làm tốt mỗi việc mình đảm trách, thì năng lực sẽ không ngừng đề cao lên, dần mài giũa biến mình trở thành vàng ròng, vàng ròng thì ắt sẽ có ngày tỏa sáng. Chỉ cần làm tròn chức trách, phúc phận tự đã được nuôi dưỡng trong đó. Còn tranh đoạt cao thấp hơn thua thì không chỉ nhọc tâm tổn trí mà còn phí công vô ích, hại người hại mình.
Có câu: “Tài lai sinh ngã dị, ngã khứ sinh tài nan”, tài vận đến thành tựu ta thì dễ, ta đi tìm cửa sinh tiền tài thì khó. Còn “Đạo Đức Kinh” lại nói: “Hoạ không gì bằng không biết đủ, lỗi không gì bằng tham dục đạt được, cho nên biết đủ thường sẽ đủ”.
Người biết đủ thường là người nhân hậu. Họ lương thiện, coi nhẹ danh lợi, không vì lợi riêng mà làm những việc trái với lương tâm. Người hậu đạo có thể kết thiện duyên, luôn được quý nhân phù trợ mà thành việc lớn.
Tương truyền Thương Thang, vị vua khai quốc của nhà Thương là người có lòng nhân hậu lớn. Một lần, ông thấy một nông phu giăng lưới bắt động vật, mà Đông Nam Tây Bắc đều quây lại, lại còn khấn xin trời đất cho tất cả các loài vật mắc lưới. Thương Thang bèn lệnh cho thuộc hạ tháo ba mặt lưới, chỉ để lại một phía, gọi là “Võng khai nhất diện”. Sau đó ông cầu rằng: “Chim bay trên trời, thú chạy dưới đất, muốn trốn thoát hãy cố gắng trốn thoát, nếu không nghe lời thì mới sa vào lưới này!”
Rất nhanh sau đó câu chuyện “Võng khai nhất diện” của Thương Thang được lưu truyền rộng rãi khắp chư hầu. Chư hầu thấy Thương Thang đối với chim thú cũng nhân từ như vậy đều lũ lượt quy thuận ông. Thế nên người nhân hậu có một nguồn sức mạnh cảm hóa và hiệu triệu mọi người tự nguyện tới phò tá, trợ giúp họ.
Bởi vậy “Đạo đức Kinh” khuyên: “Đại trượng phu lập thân nơi thuần hậu, không ở nơi bạc bẽo, giữ tâm chất phác, không xảo trá”. Đó chính là cách con người đối diện với cuộc đời vậy.
Nguồn Trithucvn.org
VANDANBNN st tu thân/gt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét