Trong nền văn hóa truyền thống bác đại tinh thâm, đạo làm người và xử thế là một trong những nội dung được đề cập đến nhiều nhất. Trong đạo làm người và xử thế thì “hòa” là giá trị quan quan trọng nhất. Cha con có hòa khí thì gia đình không sụp đổ, anh em có hòa khí thì gia đình không ly tán. Giữ được hòa khí với mọi người xung quanh thì sẽ không xảy ra tranh chấp, mâu thuẫn. Vợ chồng có hòa khí thì gia đình càng thêm hạnh phúc, hưng thịnh.
Cổ nhân vô cùng coi trọng chữ hòa trong xử sự và làm người, cho rằng “hòa” là một trong những cảnh giới cao nhất mà những người đạo đức cao thượng theo đuổi, là đạo lý ngàn đời trong quan hệ giữa người với người. Dùng hòa khí đối đãi với mọi người thì vạn vật thuận lợi, khi giao tiếp giữ thái độ cởi mở, ôn hòa, nhẹ nhàng thì có thể hóa giải mọi hiểu lầm, mâu thuẫn.
Trong sách cổ viết nhiều về tầm quan trọng của “hòa”. Trong “Hán Thư Lưu Hướng truyện” viết: “Hòa khí trí tường, quái khí trí dị” tức là giữ được hòa khí thì điềm lành sẽ đến, khi có quái khí thì điềm dữ xảy ra. Trong Nho gia cũng đề xướng tư tưởng “Dĩ hòa vi quý”, phàm là chuyện gì cũng lấy hòa khí, hài hòa làm mục đích cao nhất.
Trong sách “Luận Ngữ” viết: “Lễ chi dụng, hòa vi quý. Tiên vương chi đạo, tư vi mĩ, tiểu đại do chi”, ý tứ chính là đạo của người làm vua lấy hòa khí đứng đầu, hòa khí là lễ tiết đáng quý nhất, cũng là đức hạnh tốt đẹp nhất, phàm là việc lớn hay việc nhỏ đều thuận theo chuẩn mực này mà làm.
Trong lịch sử có rất nhiều người dùng hòa mà đối đãi với người khác, cuối cùng đắc được lòng người, thậm chí biến nguy thành an. “Sử Ký” có chép “Liêm Pha Lận Tương Như liệt truyện”, trong đó có một bài học về chữ “Hòa” như sau:
Lận Tương Như bởi vì có công đem ngọc quý từ Tần trả lại cho vua Triệu mà được phong làm Thượng Khanh. Địa vị của Lận Tương Như đột nhiên cao hơn của Liêm Pha, một vị tướng giỏi của nhà Triệu.
Liêm Pha không phục liền tuyên bố rằng, chỉ cần gặp mặt Tương Như sẽ làm nhục ông. Sau khi Lận Tương Như biết được, ông đã cố gắng né tránh để không phát sinh xung đột với Liêm Pha. Mỗi lần đến lúc vào triều, Lận Tương Như thường cáo ốm vì không muốn tranh giành chức vị với Liêm Pha.
Không lâu sau, lúc Tương Như ở thành Hàm Đan, khi đoàn xe của ông từ xa nhìn thấy đoàn xe của Liêm Pha, ông đã ra lệnh cho đoàn xe của mình rẽ vào một con hẻm để cho đoàn xe của Liêm Pha đi trước, tránh hai bên xảy ra xung đột.
Môn khách của Lận Tương Như thấy ông xử sự như vậy, liền cho rằng ông sợ nên đã nói: “Chúng tôi rời bỏ người thân gia đình đến hầu hạ ngài là vì ngưỡng mộ tiết nghĩa cao thượng của ngài. Bây giờ chức vị của ngài cũng tương đương với của Liêm Pha tướng quân. Tướng quân Liêm Pha mở miệng ra là nói lời ác, vậy mà ngài lại trốn tránh ông ta. Ngài quá sợ ông ta. Dù là người thường gặp phải cũng cảm thấy bị sỉ nhục, huống hồ là quan cao như ngài! Chúng tôi, những người không có tiền đồ, xin ngài cho chúng tôi được cáo từ!”.
Lận Tương Như kiên quyết giữ họ lại và nói: “Các vị thử nghĩ xem, Liêm tướng quân và Tần Vương ai lợi hại hơn?”
Mọi người trả lời: “Liêm Tướng Quân không bằng được Tần Vương.”
Lận Tương Như lại nói: “Với uy thế của Tần Vương, mà ta còn dám nói lý, quát mắng ông ta ngay trước triều thần nước Tần. Ta, Lận Tương Như mặc dù tài hèn, nhưng lẽ nào lại sợ Liêm Pha? Điều ta nghĩ đến là nước Tần lớn mạnh sở dĩ không dám xâm lược nước Triệu chúng ta, là bởi vì nước Triệu có ta và Liêm tướng quân! Hiện giờ nếu hai hổ đấu nhau, tất không thể cùng sinh tồn. Cho nên, ta nhẫn nhịn Liêm tướng quân như vậy là vì luôn đặt sự an nguy quốc gia làm đầu mà để chuyện cá nhân ở phía sau!”
Khi những lời này của Lận Tương Như được truyền đến tai Liêm Pha thì Liêm Pha vô cùng xấu hổ. Liêm tướng quân liền cởi áo, mang theo một cành mật gai đến gặp Lận Tương Như để chịu tội. Lận Tương Như thấy Liêm Pha đến xin chịu tội, vội vàng đi ra nghênh đón. Từ đó, hai người trở thành bạn tốt và đồng tâm hiệp lực bảo vệ nước Triệu.
“Sử Ký” cũng có ghi chép câu chuyện về Tần Mục Công. Tần Mục Công là vua nước Tần, một nước chư hầu nhà Chu. Một lần Tần Mục Công bị mất một con tuấn mã. Ông đã phái quan binh và tự mình đi tìm kiếm, cuối cùng quan binh cũng tìm thấy một nhóm người đã giết thịt con ngựa ở dưới chân núi.
Quan binh dẫn đám người này đến chỗ Tần Mục Công. Nhóm người ăn thịt ngựa của vua vô cùng sợ hãi. Nhưng Tần Mục Công không trách phạt họ mà còn nói: “Người có đạo đức sẽ không vì súc vật mà tổn hại người. Ta nghe nói ăn thịt tuấn mã mà không uống rượu thì sẽ làm tổn thương thân thể”. Sau đó, nhà vua lại ban cho đám người kia rượu để uống. Những người này đã không bị trừng phạt lại còn được nhà vua đãi ngộ nên trong lòng vô cùng cảm động.
Ba năm sau, nước Tấn đánh chiếm nước Tần. Tần Mục Công bị quân địch bao vây. Đúng lúc này đám người năm xưa đột nhiên xuất hiện, dũng mãnh xông pha, giải cứu được Tần Mục Công khỏi quân địch. Tần Mục Công năm xưa dùng “Hòa” mà để lại một chút ân huệ, cuối cùng chính nó lại giúp ông biến nguy thành an. Đây thực sự là “hòa khí trí tường”.
Từ cổ chí kim, phàm là những người làm nên sự nghiệp lớn đều có tấm lòng độ lượng bao dung. Họ trên thì hiếu kính, dưới thì khiêm nhường, luôn giữ được “tâm bình khí hòa” khi đứng trước mọi việc. Còn phàm là những người có ngạo khí, dễ dàng trở mặt, phủ định người khác thì cũng tự biến mình thành người cô độc.
Suy xét kỹ một chút có thể thấy, con người sống nơi thế gian kỳ thực cũng là nương tựa vào nhau, hòa hợp cùng nhau mà sinh tồn. Đạo lý này có thể nhiều người hiểu, nhưng không phải ai cũng có thể làm được. Cá nghê theo đàn nhảy ngược, chim nhạn kết đôi bay cao. Con người sống nơi thế gian cũng nên là như vậy, tạo lập quan hệ hợp tác cùng nhau, hỗ trợ lẫn nhau thì mọi việc sẽ suôn sẻ và lâu dài.
Ngày nay tư duy cạnh tranh, “cá lớn nuốt cá bé” lên ngôi, vì sự sinh tồn và phát triển của bản thân mà không từ thủ đoạn. Tư tưởng đấu tranh triết học cũng khiến người ta không còn tin tưởng lẫn nhau, người với người trở thành kẻ địch. Người ta dễ dàng trở mặt với nhau, bán đứng lẫn nhau, phá vỡ mối quan hệ hòa hợp giữa bản thân với người khác, cuối cùng biến mình thành người không đáng giá trong mắt người khác.
Một người nếu có lòng tham lam quá lớn, chỉ theo đuổi lợi ích của chính mình thì rất khó có thể giữ được hòa khí. Người có thể giữ được hòa khí phải là người có tâm quang minh khiêm nhượng, không muốn cùng người tranh cường háo thắng. Giữa người với người chỉ có thực sự thành lập mối quan hệ hợp tác hài hòa mới có thể khiến sự nghiệp phát triển, xã hội hòa thuận.
Muốn đạt tới cảnh giới “Hòa khí trí tường” thì phải có tấm lòng rộng lượng, khoan dung tha thứ, phải dưỡng thành một loại thói quen tường hòa từ bi khi đứng trước mọi việc, gặp chuyện không nóng nảy, không dễ dàng tức giận, không vì việc nhỏ mà kết oán với người khác. Nhường nhịn nhất thời có thể khiến người ta tổn thất một chút, nhưng nhìn xa hơn, lâu dài hơn sẽ thấy họ nhận lại được gấp nhiều lần.
Nguồn Trithucvn
VANDANBNN st tu thân/ gt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét