Nguyễn Nguyên Bảy
“CHỈ CÒN GIẢI PHÁP TU THÂN ĐỨC TIN ”
Nhà thơ Nguyễn Nguyên Bảy nổi tiếng đa tài: Không chỉ làm thơ, viết tiểu thuyết, ông còn là dịch giả, nhà báo, nhà nghiên cứu kinh dịch, phong thủy, tử vi. Trong đời người, mỗi cá nhân đều có cách trở về khác nhau. Mỗi dân tộc lại càng có cách về khác biệt. Ở nhiều góc độ như vậy, ông có cách nhìn sâu sắc và thâm thúy quanh cái sự về của người Việt.
@ Ông nghĩ gì về một chữ “về” khi năm hết Tết đến và chữ “tụ” trong tâm hồn Việt?
Nguyễn Nguyên Bảy: Vì lý do này hay khác, người ta có thể cứ đi mãi, lang thang mãi, xa quê mãi vì miếng cơm manh áo. Nhưng mỗi khi có dịp, ngay lập tức, người ta trở về, trở về nơi cắt rốn chôn nhau, quê làng, hương xóm cũng là nơi gốc hồn…để hít thở, để tắm gội, để dưỡng nuôi cái xác bấy lâu vì sinh tồn, sinh lý mà tha hương hồn. Dịp trở về truyền thống nhất, đẹp nhất, ý nghĩa nhất chính là dịp Lễ Tết. Vì thế chữ Lễ Tết, theo một khía cạnh tâm linh, đồng nghĩa với hai từ Sum họp. Chữ Sum họp theo một khía cạnh mênh mang nào đó, đồng nghĩa với hai chữ Gia đình, với hai chữ Tổ tông, với hai chữ Quê hương. Chữ quê hương mở rộng nghĩa mà không lạc đề là dòng chữ tâm can: Cháu con ở đâu, quê hương ở đó. Thế nên, Tết là sum họp. Sum họp để người ở hay kẻ đi xa trở về, thắp lên bàn thờ gia tiên nén nhang tình, nhang nghĩa, nén nhang tri ân để nhớ, để tu thân, và rồi quây quần bên nhau, ông bà, cha mẹ, con cháu…trên một chiếu rượu, chõng trà, để kể cho nhau nghe chuyện chiêm mùa, giông bão, chuyện sự nghiệp, công danh, chuyện ly loạn, chuyện phản trắc, lọc lừa chỉ với mục đích báo cáo của người dưới lên người trên và nụ cười khuyên mừng của người trên ban cho kẻ dưới. Sum họp này, quây quần này là quây quần sum họp dưới gốc hồn, dưỡng lực cho xác, nuôi chí cho tâm, nói cách khác là bồi bổ đức tu thân mà làm người tử tế.
@ Là một nhà nghiên cứu kinh dịch và phong thủy nhiều kinh nghiệm, xin ông cho biết, vì sao thời nay người ta hay nói nhiều đến đức tin, tu thân và bắt đầu quay về ngôi nhà của mình, tổ chức sắp xếp một tổ ấm đúng nghĩa, thay vì tranh đấu căng thẳng ngoài xã hội? Phải chăng, quan niệm, thái độ sống của người hiện đại đang thay đổi?
Nguyễn Nguyên Bảy: Một thời gian quá dài, rất dài, chúng ta đã hoang đường như sấm (sấm lớn mưa nhỏ, sấm có tiếng nhưng không có lực) luôn rao giảng cái tốt đẹp cái vĩ đại của thời tương lai, thời sẽ thế giới đại đồng, thời cả nhân loại cùng thương yêu nhau. Chúng ta mải mê tiến bước theo cái hoang đường ấy. Mà bỏ quên hay xem nhẹ cái chỗ hiện tại mà gốc của nó là Gia đình. Lý xuôi, thuận phải là từ cái tôi trong khu vực Gia đình, từ Gia đình ra Tổ Quốc, ra thế giới. Nhưng chúng ta đã đi ngược và có vẻ như bằng lòng với sự ngược đó. Nên cái tôi bị coi là ích kỷ tầm thường, khu vực Gia đình bị xem là bé nhỏ, mờ nhạt, thế nên chân móng của đạo đức bản thể cũng như đạo lý gia đình bị xâm hại, bị lún sụt mà đức tin - bản chất của khí, của hồn - chao đảo, ngả nghiêng, hoang mang, ngã quỵ không phương bấu víu để đứng dậy, ngay cả bấu víu ấy chỉ là một câu thơ…
Vì thế, thời nay, người ta hay nói nhiều đến đức tin, tu thân và bắt đầu quay về ngôi nhà của mình, tổ chức sắp xếp một tổ ấm truyền thống như thời các cụ xưa, một truyền thống đúng nghĩa và nhất thiết phải kế thừa giữ gìn. Từ tổ ấm đúng nghĩa, người ta gây dựng lại tình ruột thịt, để thấm thía nghĩa đồng bào, mà chia sẻ sướng khố cùng nhau thay vì gươm giáo gây gộc tranh đấu căng thẳng với nhau trong môi trường xã hội.
@ Còn nhìn ở góc cạnh dịch lý, thì cái sự về ấy thuận tự nhiên ra sao, thưa ông?
Nguyễn Nguyên Bảy: Theo ma trận Kinh dịch được số hóa, thì số 1 tên gọi là sự nghiệp hay là bản thể của một con người, tiến lên số 2 tên gọi là Hôn nhân, tức là một đạo dương/âm cần được hoan phối với một đạo âm/dương để trường tồn nòi giống, để còn mãi làng quê, non nước, để sau đó tiến lên số 3 tên gọi là Gia đình.. Dẫn từ số 1 tiến lên 2, rồi 3, nhận thấy sự thuận lý vốn có từ khi có loài người, đó là sự thuân lý sống làm người (số 1), kết hợp với nhau để sinh tồn, sinh lý (số 2) mà thành môi trường, tuy số 3 chỉ ý nghĩa Gia đình, nhưng thực ra chữ gia đình hàm nghĩa môi trường nhỏ là lân bang xóm giềng, lớn hơn chút là làng quê, lớn hơn nữa là non sông, thậm chí hàm cả nghĩa thế giới, vũ trụ..1 lên 2, rồi 3 là bước ma trận tiến/ thuận…Nói cách khác là truyền thống đạo lý xã hội người từ ngàn xưa đến nay. Một thời gian, chúng ta nhầm hướng, nay đi lại, chậm hơn người khác, xã hội khác, nước khác, nhưng vẫn tốt hơn, và nếu chúng ta thành thực tu thân và mạnh bước thuận tiến, thì việc chúng ta tiến kịp người không là sự viển vông mơ hồ..
Ở trên đã nói sơ qua về bước tiến thuận từ số 1 lên số 3. Đây là ba bước khởi căn bản nhất trước khi tiến lên số 4. Số 4, tên gọi là phú quí, tàng ẩn ý nghĩa thành quả của lao động, cũng là cơm áo gạo tiền, cũng là điền sản, tài chính, ngân hàng...Đó chính điều kiện căn bản nhất của sinh tồn, là lý tưởng của cuộc sống. Nhưng, đã một thời gian dài, đạo đức của chúng ta bụng thích tiền, tham tiền, nhưng ngoài mặt coi khinh tiền, nhổ nước bọt vào tiền, rủa sả tiền, dối gạt tiền, bỏ tù tiền.. Để đến bây giờ, hiện nay, thời nay, đồng tiền hiện ra toàn phần hai bộ mặt Tiền (phải) và Bạc (trái). Mặt Tiền với ý nghĩa Xanh, Sạch, Đẹp gầy còm yếu ớt trước mặt Bạc của tham nhũng, hối lộ, mua quan, bán chức, độc quyền, băng hoại, lợi ích nhóm…Con người, gia đình, xã hội, đất nước bị đồng tiền tàn phá nghiêm trọng, đạo đức suy đồi, đức tin triệt giảm, cảnh báo nguy cơ tồn vong một xã hội, một đất nước.
Trước thảm họa này, chỉ còn duy nhất một giải pháp Tu thân Đức tin. Sau số 4 là số 5, số 5 tên gọi là Đức tin, ngự nơi trung tâm, trên mặt tượng là mũi, cửa ra vào của khí (bóp mũi chết ngay), không có đức tin là chết, trên cơ thể người là bụng và bộ phận truyền giống, không có đúng nghĩa khu vực này con người không còn là con người. Tu thân sống theo đạo lý làm người, đạo lý truyền thống của dân tộc, không còn là giải pháp lý thuyết, mà phải là giải pháp hành động, tan hòa vào máu thịt mỗi chúng ta.
Vậy Đức tin là gì? Đức tin là điều, là sự mà khi ta đặt câu hỏi và trả lời được câu hỏi, thì điều và sự đó là đức tin. Không trả lời được thì không tin, không phản bác, nhưng tạm xếp vào khu vực dị đoan.
@ Nhiều người cho rằng, một khi một xã hội ở trong hoàn cảnh bất thường, thì sẽ có những hiện tượng không bình thường về mặt tâm linh. Gần đây có những trào lưu ngoại cảm giả thật lẫn lộn, xin ông cho biết suy nghĩ của ông về vấn đề này?
Nguyễn Nguyên Bảy: Hiện đang rộ hai luồng đức tin ngược chiều nhau về thật, ảo của các “nhà ngoại cảm” về thế giới âm. Đây thực ra là hiện tượng không bình thường về mặt tâm linh, xảy ra trong một xã hội khủng hoảng đức tin. Nhưng như đã nói, đức tin có chân lý, đức tin sẽ tự mách bảo chúng ta về thật/giả của cái gọi là “ngoại cảm”. Gieo hạt mơ hồ, hoang đường, dối gạt thì sao có thể gặt hái được mùa màng đức tin?
Đức tin lúc hao khuyết theo thời thế, lúc vượt qua ranh giới thành ra mê tín, nhưng cái đạo làm người, đạo đối nhân xử thế của tổ tiên, đạo thờ cúng ông bà, gia tiên thì dường như luôn trường tồn, khiến người sống thanh thản trong tâm, bất chấp mọi biến cố lịch sử. Về tựa gốc hồn để tu thân đức tin mà sống làm người tự tế.
@ Xin cảm ơn ông.
Nguồn: Lao Động Cuối Tuần xuân Giáp Ngọ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét