Người nghiên cứu lịch sử, khi sưu tầm được một sử liệu mới, thường nghĩ ngay đến việc phối kiểm. Qua tiến trình phối kiểm, nếu gặp được tư liệu tương tự từ các nguồn khác như sử sách, phim ảnh, đồ hình hoặc hiện vật khảo cổ thì rất quý; nhờ đó độ tin cậy của sử liệu sẽ tăng cao. Cho dù không tìm được nguồn tư liệu tốt như trên để phối kiểm, thiết tưởng gặp các nguồn kém tin cậy như ca dao, sấm ký cũng không từ.
Ðối với sấm ký, hãy bỏ qua những nét thần thoại tiên tri; chỉ cần chú ý đến khía cạnh liên quan đến lịch sử.
Ví như truyền thuyết nói đến một đêm mưa bão, sét đánh cây gạo tại làng Cổ Pháp, trong thân cây hiện ra bài sấm như sau:
Thụ căn diểu diểu,
Mộc biểu thanh thanh.
Hòa đao mộc lạc,
Thập bát tử thành.
Ðông a nhập địa,
Mộc dị tái sinh.
Chấn cung hiện nhật,
Ðoài cung ẩn tinh.
Lục thất niên gian,
Thiên hạ thái bình.
Có thể tạm hiểu bài thơ như sau:
Gốc cây bé nhỏ chỉ triều đình suy yếu,
Cây lá xanh tươi ám chỉ quan đại thần lắm quyền.
Hòa [禾] đao [刂] mộc [木] rơi xuống, chiết tự: họ Lê [梨] sụp đổ.
Thập [十] bát [八] tử [子] thành, chiết tự: họ Lý [李] lên ngôi.
Ðông [東] a [阿] (họ Trần 陳) vào chốn cung đình,
Lại một cây khác (triều đại) sinh ra.
Chấn cung (phương đông) mặt trời xuất hiện,
Ðoài cung (phương tây) ngôi sao ẩn mình.
Trong vòng sáu, bảy năm,
Thiên hạ thái bình.
Ðứng về phương diện lịch sử bài sấm ký đã làm chứng một giai đoạn lịch sử kể từ khi con vua Lê Ðại Hành, là Long Ðĩnh lên ngôi; vị vua này hoang dâm tàn ác, chính sự đổ nát, khiến lòng dân hướng về viên đại thần Lý Công Uẩn, nên họ Lý được ngôi vua. Rồi thời thế đổi thay, Trần Cảnh vào được chốn cung đình, kết duyên cùng Lý Chiêu Hoàng, sau đó ngôi vua được nhường từ họ Lý sang họ Trần.
Lại một bài sấm ký, được cho là của Trạng Trình, với 4 câu như sau:
Minh Mệnh thập tứ,
Thằng Trứ phá đền.
Phá đền rồi lại làm đền,
Nào ai cướp nước tranh quyền của ai.
Có bản khác, giống 2 câu đầu, nhưng 2 câu cuối chép rằng:
Phá đền phải làm đền,
Nào ai đụng đến doanh điền nhà bay.
Bản sau này được giải thích rằng Nguyễn Công Trứ làm Doanh Ðiền sứ, vì cho đào sông nên phải phá đền, tình cờ thấy được bài sấm ký, nên sợ bèn cho làm đền lại. Lời giải thích này không ăn khớp với sự kiện lịch sử; vì một lẽ dễ hiểu, Nguyễn Công Trứ giữ chức Doanh Ðiền sứ năm Minh Mệnh thứ 9 [1828], riêng sự kiện “phá đền” xảy ra vào năm Minh Mệnh thứ thập tứ tức thứ 14 [1833], lúc này Nguyễn Công Trứ đang giữ chức Tổng đốc Hải An.
Riêng bản có hai câu cuối:
Phá đền rồi lại làm đền
Nào ai cướp nước tranh quyền của ai,
có thể làm chứng cho sử liệu sau đây trong QUỐC SỬ DI BIÊN:
Ngày Ðinh Mùi mồng 8, tháng 6, năm Minh Mệnh thứ 14 [1833]; thành Hải Dương có cháy lớn từ giờ Mùi đến giờ Dậu. Tổng đốc Hải An [Nguyễn Công] Trứ bắt ngụy Hoành tại am Trung. Trước đây có hậu duệ của Trình Quốc công [Nguyễn Bỉnh Khiêm] tên Hoành, có dị tướng hai tai tựa ngọc rũ xuống, tay dài quá đầu gối; Hào mục am Trung nhân chuyện cành cây dung trước am sống lại, nên cho rằng đây là điềm lành hưng vượng, bèn suy tôn Hoành làm tướng, thiết triều, cử binh. Trứ vây bắt, lại kinh lược 17 am Trình Quốc công, bèn hủy am và cả tượng; rồi cho tu tạo lại. (1)
Vào năm này [1833] trong nước xảy ra những cuộc nổi dậy lớn của Lê Văn Khôi, Nùng Văn Vân; vua Minh Mệnh chủ trương cứng rắn đánh dẹp. Nguyễn Công Trứ lúc này giữ chức Tổng đốc Hải An, bèn cho làm công việc an ninh nội bộ, trước khi mang quân đánh dẹp Nùng Văn Vân. Căn cứ vào sử liệu nêu trên, Nguyễn Công Trứ giải quyết vấn đề qua 2 giai đoạn:
– Thứ nhất là trấn áp, đánh dẹp, phá am Trình Quốc Công là nơi cơ sở nổi dậy.
– Sau đó cho tu tạo lại am, để cho dân thờ Trạng Trình, với ý nghĩa suy tôn một danh Nho trong lịch sử.
Việc làm của Nguyễn Công Trứ hầu như đã giải quyết được vấn đề, vì ông có thể mang quân tỉnh Hải An lên Cao Bằng đánh Nùng Văn Vân vào tháng 9 năm đó, mà không gặp rắc rối gì trong tỉnh hạt.
QUỐC SỬ DI BIÊN chép 2 văn bản liên quan đến việc bắt phụ nữ các tỉnh từ Nghệ An đến Bắc Kỳ phải bỏ váy mặc quần. Văn bản thứ nhất là sắc mệnh của vua đề tháng 9 năm Minh Mệnh thứ 9 [1828] nội dung cho biết đất nước thống nhất, y phục phải theo một kiểu; bắt đầu từ mùa xuân năm tới phải cải đổi y phục giống như từ tỉnh Quảng Bình trở vào Nam:
“Phó Tổng Trấn Bắc Thành Phan văn Thúy xin cải đổi y phục quần tại Bắc Thành, được nhà vua chấp thuận. Nhà vua dụ rằng:
Quốc gia ta thống nhất hải vũ, phong tục chính đáng, há có thể khác! Tháng trước các quan trấn thủ Nghệ An, Thanh Hóa lần lượt xin cải y phục của kẻ sĩ và dân, đã chấp thuận theo lời xin; nay toàn hạt Bắc Thành [Bắc Kỳ] cũng cần kịp thời thay đổi để thống nhất quy chế. Việc thay đổi phong tục đáng được thực hiện hàng loạt, nhưng dân gian giàu nghèo không giống nhau, nên biện pháp cần thiết nên căn cứ vào tháng và mùa thích hợp. Dụ các ngươi biết rằng điều cần thiết đặc biệt phải thông sức cho sĩ và dân, phàm kiểu y phục đều cải theo Quảng Bình trở vào nam. Chuẩn cho mùa xuân năm Minh Mệnh thứ 10 [1829], nhất tề cải đổi, để biểu thị ý nghĩa tuân theo Vương hoá.” (2)
Văn bản thứ hai đề tháng 10 năm Minh Mệnh thứ 9 [1828] cho biết lệnh truyền đạt xuống tận nơi, lại cho tư lại đến nhà dân phố chợ để hạch sách kiểm soát, nhưng không thực hiện được triệt để, mà lòng dân oán hận đầy đường:
Lệnh thông báo cho toàn hạt, không kể trai, gái, già, trẻ; thể chế về y phục quần đều phải sửa cho đúng, hẹn trong vòng 3 tháng, riêng kẻ nghèo hạn trong 6 tháng. Lúc này tư lại tự tiện đến chợ búa, nhà dân để hống hách gây ra mối tệ. Oán giận đầy đường; nhưng trong triều ngoài nội đều bị che đậy, biểu dâng lên rằng lòng dân hoan nghênh. (3)
Các sử liệu nêu trên được kiểm chứng bởi câu ca dao truyền tụng đương thời, mỉa mai rằng các bà nội trợ vốn chỉ mặc váy, nay thình lình có lệnh vua sai quan kiểm soát, nên đành phải lấy quần chồng mặc để đi chợ:
Chiếu vua mồng 6 tháng 3,
Cấm quần không đáy, người ta hãi hùng.
Không đi thì chợ không đông,
Mà đi thì cướp quần chồng sao đang.
Cuộc nổi dậy của Nùng Văn Vân tại Cao Bằng kéo dài trên 2 năm, khiến triều đình phải huy động binh lực các tỉnh từ Nghệ Tĩnh trở ra Bắc mới đánh dẹp nổi. Trai tráng ra đi, hàng vạn cặp vợ chồng trẻ phải chia lìa, nỗi đau khổ của họ được diễn tả qua câu ca dao dưới đây với tiếng khóc nức nở, cùng cảnh từ biệt đau buồn:
Cái cò lặn lội bờ sông,
Gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non.
– Nàng về nuôi cái cùng con,
Ðể anh đi trảy nước non Cao Bằng.
Ở nhà có nhớ anh chăng,
Ðể anh kể nỗi Cao Bằng mà nghe.
“Nỗi Cao Bằng” trong ca dao, là cảnh chết chóc thập tử nhất sinh kéo dài trên 2 năm trời. Khởi đầu Nùng Văn Vân dấy quân từ tỉnh Hưng Hóa, chiếm tỉnh Thái Nguyên rồi đến Cao Bằng, Lạng Sơn; giết Tuần phủ Thái Nguyên, bắt Tổng đốc Sơn Hưng Tuyên, Án sát Thái Nguyên; riêng Án sát và Lãnh binh Cao Bằng đều tự tử:
Tháng 8 năm Minh Mệnh thứ 14 [1833], Nùng văn Vân đánh lấy Lạng Sơn. Vân từ Hưng Hóa đến Thái Nguyên cầm đầu bọn Lý Nhân Hồng, Lý Duy Thanh, Lý Chử (người Thái Nguyên) chia đường tiến binh. Từ Hoàng Gia, Ðức Lễ vượt qua một số núi hướng đến Thượng Pha, Lạng sơn. Tuần phủ Thái Nguyên mang 500 quân đến tiếp viện, đến đồn Tiên Lệ bị giặc đánh ép nên tử trận; Án sát đem quân giữ đồn, rồi giặc đánh đồn, nên bị bắt. Giặc tiến chiếm Lạng Sơn, tên Ba An đầu sỏ tại Quảng Yên cũng xin theo.
Tiếp đến, Nùng Văn Vân đánh chiếm Cao Bằng, Án sát Phạm Thành Trạc tự tử. Vân cùng bọn Ngọc Lý, Ba An đem hết sức lực đánh Cao Bằng, đem viên Án sát Thái Nguyên đã bị bắt xuất hiện dưới thành cho mọi người xem, rồi khuyên nên sớm hàng. Hơn một tháng sau, viên Án sát [Cao Bằng] không chống nổi, cho đặt bục cao rồi bước lên, hướng về kinh đô vọng bái vua, đọc thơ như sau:
Tam thập hựu tam nhật,
三 十 又 三 日
Thần lực dĩ kiệt hỹ.
臣 力 已 竭 矣
Bất năng bảo toàn thành,
不 能 保 全 城
Ðản nguyện tử Vương sự.
但 願 死 王 事
(Chống cự ba mươi ba ngày,
Sức lực thần đã kiệt.
Không thể giữ được thành,
Nguyện chết vì Vương sự.)
Rồi cả nhà 7 người tự chôn. Nghe tin, vua khen trung tín; chỉ trách rằng đã giữ danh tiết cho mình nhưng không dựa vào thành đánh trận cuối, chiếu vua ban 4 chữ “從 容 就 義 Thung dung tựu nghĩa” (4). Sai Tạ Quang Cự mang quân giải cứu.
Tuần vũ Cao Bằng tên Hoàng thắt cổ tự tử; quan Lãnh binh cũng tự tử. Chiếu chỉ xây “Tam trung miếu” hợp táng, ban tế Thái lao (5).
Vân vào đóng tại Cao Bằng, đón mẹ và những người thân cũ ngày đêm yến ẩm; giữ những quan quân bị bắt gồm Phó đội Thước người Sơn Tây, cùng 6 người Ðô lại, 300 lính. Sai quân đóng tại Tiên Lệ để trinh sát quan quân.
Tổng đốc Sơn Hưng Tuyên Lê Ðại Cương bị giặc bắt, bèn trốn thoát; chiếu chỉ bắt làm hiệu lực quản lãnh Thập kỳ… (6)
Tháng 9, quân triều đình chia làm 3 cánh do Lê Văn Ðức, Nguyễn Công Trứ, Trịnh Ðình Vũ tiến đánh; Nùng Văn Vân rút lui về giữ Vân Trung, Ngọc Mão tại Cao Bằng; rồi cuối cùng đạo quân của Trịnh Ðình Vũ bị thua:
Tháng 9, sai Binh bổ Lê Văn Ðức, cùng Tổng đốc Nguyễn Công Trứ, Trịnh Ðình Vũ cầm quân 3 vạn đánh Nùng Văn Vân. Quân tiến đến đồn Xã Tắc tại Thái Nguyên, dàn trận đóng các đồn Ðảng, Ðô Giang, Tiên Quan, Triều Chí, Hoàng Thị phố; đặt Cai tổng tại các huyện, sai nghĩa binh tiên phong. Lê Văn Ðức mang quân đến đồn Tiên Lệ, bọn Phó đội Thước bắt đồn trưởng quy thuận. Vân bèn giết hết hàng binh, thiêu hủy nhà trại rồi rút về Cao Bằng giữ Vân Trung và Ngọc Mão. Lê Văn Ðức chiếm cứ Lạng Sơn, vừa tiến vừa đánh chiêu an người trong châu. Trải qua 17 ngày, Nguyễn [Công] Trứ tiến đến đồn Tiên Lệ vòng qua núi Cao Xiển ra phía bắc Thái Nguyên Cao Bằng, phá 5 đồn tại Na Dương, vây Lũng Ao, Lũng Lợi nhưng không phá được. Ngày 28 tháng 10, Trịnh Ðình Vũ tiến đánh Vân Trung bất lợi, mất quân voi không kể xiết. (7)
Trên đường rút lui, quân của Lê Văn Ðức gặp phản gián và mưa lụt, chết đến quá nửa:
Tháng 11, Văn Ðức vào Cao Bằng, thu được 300 di hài, thiêu rồi chôn rồi lại do núi Khâu Khả đến thành Tam Vạn. Trở về mất 23 ngày, phải qua rừng núi âm u không thấy mặt trời, trên đường nhiều voi rừng ác thú, quân lính nhiễm lam chướng chết quá nửa; khi rời núi rừng lại gặp phản gián, nước khe dâng cao, thâm nhập đất khách, không thể tiến thoái, mất 2 cỗ xe. Lúc bấy giờ giặc cỏ nổi lên, nhiễu nhương tại các xứ Như Ðông, Kim Bích, Hữu Dục Tú, Trương Trại; hịch truyền tới tấp. (8)
Tháng 7 năm sau [1834] triều đình làm cuộc phản công mới, sử dụng đạo quân chủ lực tinh nhuệ, cùng quân 5 tỉnh Hà Nội, Hải Dương, Bắc Ninh, Sơn Tây, Thái Nguyên. Quân chía làm 5 cánh, do Tạ Quang Cự giữ chức tổng chỉ huy, quân triều đình trên đà chiến thắng:
Tháng 7 Nông văn Vân lại công hãm Cao Bằng, chiếu sai Tổng đốc An Tĩnh Tạ Quang Cự dùng quân 5 tỉnh đến đánh dẹp. Trước đó [Lê] Văn Ðức làm Tiễu bổ quân vụ từ tháng chạp năm trước đến nay trải qua 18 lần đánh nhau, cuối cùng bất lợi; nhà vua nghe tin than rằng: “Nhân tài Bắc Kỳ phụ với sự đề cử như vậy ư!”
Bèn sai Quang Cự chỉ huy quân 5 tỉnh Hà Nội, Hải Dương, Bắc Ninh, Sơn Tây, Thái Nguyên; chính diện dùng quân tinh nhuệ nón lông, áo cổ vàng tiến đánh Văn Vân. Quân chia làm 5 đạo, tháng 8 đến đồn Thiềm Thừ, em Vân là Cẩn ngăn đường triệt lương. Ðạo Hải Dương dưới quyền Nguyễn [Công] Trứ tiến trước, bị vây hơn 10 ngày, thiếu lương phải dùng khoai vàng, gạo lức nấu cháo; sau đó 5 ngày, quân các đạo tới, đốt pháo thăng thiên thông tin, quân man kinh sợ rút. Rồi dùng kế phá vây, đến Cao Ca, được 12 người hướng đạo chỉ đường tắt sau núi, ban đêm vượt gai góc, phá đồn, giết sạch quân đồn trú, nên dùng đường tiến đến Cao Bằng mà quân giặc không biết.
Lúc bấy giờ Vân và Cẩn tranh núi để giữ hiểm, ý không thống nhất; Ma Ngọc Lý không phục nên đến Quang Cự hàng và xin làm tiên phong. Rồi bắt được Cẩn hiến trước quân Môn; Cự cho chém Cẩn và phát lương tiền biểu dương Lý.
Văn Ðức từ Hưng Hóa tiến đến cửa tây bắc thành giặc, đêm đến rải chông; rồi dùng thang dài theo cửa đông nam đánh. Giặc mở cửa tây bắc chạy, vướng chông ngã, chém bắt được hàng trăm, thu tài sản khí giới rất nhiều, Vân chạy trốn vào đồn Hồng La.
Ðịnh Vũ tiến từ Thái Nguyên, từ hai núi An, Bác theo khe mà đi, hợp với các đạo binh khác, nổi lửa thiêu đánh. Vân sai đồ đảng bó thân chịu hàng, Ðịnh Vũ qua núi, phục binh nổi lên, chuyển đá ngăn khe, quan quân vấp ngã, Thập kỵ, Cai đội bại chết.
Nguyễn [Công] Trứ đi cùng các quân, bảy lần đánh bảy lần thắng, đến châu Bảo Lạc, phá 18 doanh, thiêu hủy đồ tích trữ, phủ thành bị phá nát thành gạch vụn. (9)
Cuối cùng Nùng Văn Vân bị chết cháy, triều đình thu phục Cao Bằng, vua Minh Mệnh mừng rỡ, cho dạy các cung nữ ca hát “Cao Bình bình phục, Cao Bình bình phục”:
Mùa đông tháng 10, Nùng Văn Vân chết, Cao Bằng yên ổn. Vân tiến lui cùng đường, tự đốt mà chết. Quan quân chém đầu, đưa truyền báo các tỉnh; bắt được mẹ, cùng vợ và hầu thiếp, giải tống về kinh đô. Nhà vua rất vui, mệnh bày tiệc rượu, sai cung tần ca hát liên hô “Cao Bình bình phục, Cao Bình bình phục.”
Tham bổ: Ngoại truyện kể rằng quân 5 tỉnh hợp vây, phóng lửa; Vân trốn sau vách đá, bị nóng mà chết. Lại có thuyết Vân từ đồn Hồng La chạy sang nhà Thanh, quan tỉnh nhà Thanh đuổi về, bị quan quân giết. (10)
Hồ Bạch Thảo
Đăng lại từ Forum Diễn Đàn (diendan.org)
Theo Trithuc VN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét