Thứ Hai, 22 tháng 11, 2021

VÌ SAO NGƯỜI XƯA COI TRỌNG RƯỢU ĐẦY, TRÀ VƠI

 

VÌ SAO NGƯỜI XƯA COI TRỌNG RƯỢU ĐẦY, TRÀ VƠI

Uống trà, mời trà là nét đặc sắc trong văn hóa của người phương Đông nói chung. Từ cổ chí kim, bất luận là người thành thị hay nông thôn, nhà giàu hay nhà nghèo, chỉ cần có khách tới nhà thì đều pha trà mời khách. Việc rót đồ uống mời khách tưởng chừng như đơn giản, nhưng kỳ thực bên trong lại ẩn chứa học vấn. Nói một cách đơn giản, khi mời nước chỉ cần có thể nhớ kỹ nguyên tắc “rượu đầy trà vơi” là sẽ không phạm phải sai lầm. Nói khó, thì chính là khó ở chỗ giao tiếp giữa người với người sao cho cân đối, kính trọng, phù hợp hoàn cảnh.

Trà đầy khinh người: Rót trà mời khách chỉ nên rót vơi

Tục ngữ nói: “Trà đầy khinh người, rượu đầy kính người”. Đây đã là văn hóa đãi khách được lưu truyền mấy ngàn năm của người xưa. Tất nhiên ở các địa phương khác nhau có thể có những cách nói khác nhau, nhưng về cơ bản thì ý tứ đều là giống nhau.

Ý tứ của nét văn hóa này chính là: Lúc châm trà mời khách thì không nên rót đầy, chỉ nên rót vơi, bảy tám phần là được rồi. Bởi vì nước trà nóng, nếu rót đầy chén chẳng những có thể làm cho khách bị phỏng, mà chén trà quá nóng, khách cũng không có cách nào bưng lên để uống được. Ngoài ra chén trà đầy sẽ khiến nhiệt độ của trà khó hạ xuống làm ảnh hưởng đến việc cảm thụ hương vị trà. Cho nên, theo cổ nhân làm như thế là không có sự tôn kính đối với khách. Nói sâu xa thêm một chút, thậm chí còn có ý là đuổi khách về. Có nhiều nơi, coi hành vi như thế chính là ‘bưng trà tiễn khách’.

Trong văn hóa trà, người xưa coi trọng ba yếu tố là xem, ngửi và phẩm khi thưởng thức trà. Xem chính là xem màu sắc của trà, ngửi chính là ngửi mùi vị của trà, còn phẩm chính là phẩm hương vị của trà. Người dùng trà chiêu đãi khách cần chú ý trong lúc nói chuyện với khách, mượn hương vị của trà để tạo nên một bầu không khí thảnh thơi, thanh nhàn, hòa ái. Vì vậy mới sinh ra quy tắc “châm trà chỉ đầy bảy phần, lưu lại ba phần cho nhân nghĩa”. Làm được như vậy là đã thể hiện đầy đủ sự tôn trọng và lễ nghĩa đối với khách.

Ngoài ra, khi uống trà cũng phải chú ý. Uống trà phải tránh nuốt chửng, uống một hơi, chú ý uống từng chút một, như vậy mới có thể cảm nhận được hết hương vị của trà cũng thể hiện ra sự tu dưỡng, lịch thiệp của bản thân.

Rượu đầy kính người: Rót rượu mời khách nên rót đầy

Thông thường lúc rót rượu, mọi người đều ồn ào hô lên: “Đầy vào! Đầy vào!” Vì sao lại như vậy, đó là bởi vì rót rượu đầy cho khách là thể hiện lòng tôn trọng khách, còn rót rượu đầy cho mình là biểu hiện thành ý của bản thân.

Rượu lạnh, trà nóng nên việc rót đầy ly rượu không làm khó cho khách. Hơn nữa, uống rượu khác với uống trà, thường chú ý đến tính hào sảng, phóng khoáng. Ngoài ra, không khí trên bàn rượu rất náo nhiệt chứ không thanh nhàn như khi uống trà. Chén rượu đầy tràn, biểu hiện ra là đối xử với mọi người nhiệt tình, bầu không khí rất thân mật, nồng nhiệt.

Đương nhiên lúc uống rượu, không chỉ rót rượu đầy ly, mà còn có chạm cốc. Việc này là một thói quen của người ngày nay, nhưng kỳ thực theo dân gian lưu truyền thì đây là cách người trong giang hồ xưa kia định ra để bảo vệ mình.

Theo đó xưa kia trong giang hồ tạp loạn, hay uống rượu bằng bát, vì để đề phòng người khác hạ độc trong rượu, cho nên bát rượu của mỗi người đều được rót đầy, sau đó lại chạm với nhau. Lúc hai bát chạm vào nhau, rượu sẽ thuận thế mà tràn lẫn vào bát của nhau. Dùng phương pháp như vậy để trao đổi, tự nhiên là có thể biết trong rượu không có độc, có thể yên tâm uống. Bởi vì khi chạm bát, rượu tràn sang nhau thì rượu trong bát của mọi người đều là giống nhau. Ngoài ra việc chạm bát cũng như một sự giao lưu hào sảng vậy. Phép tắc này lưu truyền và biến đổi, sớm trở thành cách đãi khách, trên bàn rượu vẫn thường thấy làm như vậy, dù rằng chỉ là tượng trưng.

Kỳ thực chuyện này có thể cũng chỉ là giai thoại, vì người phương Tây dù không trải qua quá trình ấy, khi uống rượu vẫn có thói quen cụng nhẹ ly rượu với nhau.

“Trà đầy khinh người, rượu đầy kính người“, đây là là văn hóa lễ nghi lưu truyền ngàn năm, tuy rằng nhìn qua trên bề mặt thì không có đạo lý gì nhiều nhưng lại thể hiện ra sự tôn trọng đối với người khác.

Xã hội ngày nay có một số người không uống trà, cũng không mấy khi đụng tới rượu. Khi tiếp những người như vậy cũng không nên cưỡng ép họ, để tránh làm mất hòa khí đồng thời cũng thể hiện lòng tôn trọng đối phương.

Đương nhiên, trong cuộc sống hàng ngày, việc uống hay mời bạn bè một chén trà, chén rượu như thế nào có lẽ không cần để ý nhiều lắm đến lễ tiết. Nhưng ở những buổi tiệc, khi mời khách hay ở trong những trường hợp long trọng, nếu sơ sẩy một chút lễ nghi rất có thể sẽ khiến không khí trở nên mất vui, thậm chí căng thẳng khiến cả chủ và khách đều cảm thấy khó xử. Vì vậy, hiểu một số lễ nghi, biết một số quy tắc truyền thống vẫn là điều cần thiết với mỗi người.

An Hòa/ Trithuc.VN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét