Thứ Tư, 23 tháng 2, 2022

4 ĐỨC TÍNH CỦA NGƯỜI LÀM ĐƯỢC VIỆC LỚN


4 ĐỨC TÍNH CỦA NGƯỜI LÀM ĐƯỢC VIỆC LỚN

Đạo Đức Kinh là trước tác chứa đựng trí tuệ thâm sâu của Lão Tử, thông qua đó người đời sau có thể lĩnh ngộ được rất nhiều trí tuệ thâm sâu, rất nhiều đạo lý về làm người, làm việc. Trong đó đạo làm việc sâu sắc nhất, dành cho những người ôm chí lớn, phải kể đến 4 đức tính sau.

1. Muốn thành sự nghiệp phải bắt đầu từ việc nhỏ

Chương 63 của Đạo Đức Kinh viết: Làm việc khó từ việc dễ, làm việc lớn từ việc nhỏ. Các việc khó khăn trong thiên hạ, đều từ việc dễ mà thành. Các việc lớn trong thiên hạ, đều từ việc nhỏ mà nên. Cho nên thánh nhân suốt đời không làm chuyện lớn, mà vẫn nên được chuyện lớn.

Chương 64 cũng viết rằng: Cây to dùng hai tay mới ôm hết là từ cây non nhỏ bé sinh trưởng thành, đình cao chín tầng được xây từ một mô đất, hành trình hàng ngàn dặm được bắt đầu từ một bước chân.

Hết thảy sự vật to lớn trong vũ trụ đều bắt đầu từ sự vật nhỏ bé mà phát triển ra. Bởi vậy, muốn làm thành việc lớn thì phải bắt đầu làm tốt từ những việc nhỏ.Thời cổ đại có rất nhiều bậc học giả có học vấn uyên bác và tài hoa xuất chúng. Nhưng đó không phải là thành quả của một sớm một chiều, cũng không phải tài năng thiên phú. Thực tế họ đã phải học hỏi để thành tài, ngồi rách đệm cối, mài mòn yên mực.

Bởi vậy, làm tốt từng việc nhỏ thể hiện hoài bão của một người lập chí lập nghiệp, biết nhìn xa trông rộng, bắt đầu từ làm việc nhỏ, vừa không suy nghĩ viển vông, lại càng không nói lời khoác lác. Chỉ có không ngại gian khó, từng bước từng bước một thực hiện thì mới có thể hoàn thành được mơ ước của mình.

2. Kiên trì mục tiêu, từ đầu đến cuối đều không lơi lỏng. 

Chương 64 của Đạo Đức kinh viết: “Thận chung như thủy, tắc vô bại sự” tức là thận trọng từ đầu đến cuối thì việc nào cũng thành. Đối với bất kể sự tình gì, trước sau đều phải thận trọng, phải thủy chung bảo trì nhiệt tâm đối với công việc, làm được đến nơi đến chốn thì sự mới thành.

Trong xã hội náo nhiệt ngày nay, vô luận là nảy sinh sự tình gì, chúng ta trước sau đều phải thận trọng như giẫm trên lớp băng mỏng, như đi bên mép vực sâu (Như lí bạc băng, như lâm thâm uyên). Người khiêm tốn cẩn trọng, kiên trì trước sau như một, không quên cái tâm thuở ban đầu, ấy chính là đáng quý nhất.

Tỉ như tác phẩm “Bản thảo cương mục” của danh y Lý Thời Trân phải mất 27 năm với ba lần viết lại mới được hoàn thành. Tuy vậy nó đã trở thành cuốn sách y dược được tôn sùng, về sau này còn được dịch thành hơn mười thứ tiếng trên thế giới.

3. Không phô trương, không tự cho mình là đúng

Chương 22 của Đạo Đức Kinh viết: Không phô trương, nên sáng; không tự cho mình đúng, nên hiển dương ở đời; không kể công, nên có công; không kiêu căng, nên trường tồn. Vì không tranh với ai, nên không ai tranh với mình.

Một người muốn làm thành được sự nghiệp thì thứ nhất phải không khăng khăng tự cho mình đúng, thứ hai là phải hết sức phòng ngừa phô trương khoe tài, tự cao tự đại. Một người không cố chấp thì có thể nhìn rõ được hình thế của sự tình, nhìn rõ được bản chất của sự vật. Một người không cao ngạo mới có thể phán đoán được rõ ràng thị phi, đúng sai. Cổ ngữ có câu: “Đào lí bất ngôn, hạ tự thành khê”, cây đào cây mận không tự khoe mình nhưng nhiều người đến hái mà thành đường nhỏ dưới gốc cây vậy.

Người cẩn thận khiêm tốn thì sự nghiệp sẽ thành công, kiêu căng ngạo mạn cho mình là tài giỏi thì nguy cơ bại vong luôn luôn ẩn khuất. Bởi vậy chương 73 của Đạo Đức Kinh viết: Đạo của trời không tranh mà khéo thắng, không nói mà khéo ứng; không gọi mà tự đến, thản nhiên mà khéo mưu thành.

4. Coi mạng sống cao hơn hết thảy

Trong chương 13, Đạo Đức Kinh viết: Người nào lấy thái độ quý trọng sinh mệnh của chính mình để đối đãi với thiên hạ thì có thể giao trọng trách của thiên hạ cho người ấy. Người nào lấy tín niệm bảo vệ thân thể của chính mình để đối đãi với thiên hạ thì có thể giao phó thiên hạ cho người ấy.

Người coi trọng sinh mệnh thì sẽ coi nhẹ lợi ích, người coi trọng lợi ích thì sẽ xem nhẹ sinh mệnh. Người coi thường mạng sống của mình, không biết thương xót sinh mạng của mình sẽ vì theo đuổi danh lợi, cuối cùng là bỏ thân vì vật chất. Người mà ngay cả bản thân mình cũng không thể bảo an được thì sao có thể làm nên được sự nghiệp, càng không thể trị được thiên hạ.

Theo Trithuc.Vn
St tu thân/ gt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét