Thứ Tư, 9 tháng 2, 2022

6 QUY LUẬT ÂM DƯƠNG LỚN NHẤT ẢNH HƯỞNG ĐẾN ĐỜI NGƯỜI


6 QUY LUẬT ÂM DƯƠNG LỚN NHẤT ẢNH HƯỞNG ĐẾN ĐỜI NGƯỜI

Văn hóa cổ đại cho rằng, vạn sự vạn vật trong vũ trụ đều không tách rời khỏi âm dương. Bởi vậy Đạo gia lấy âm dương làm chuẩn tắc để giải thích thế giới. Khi con người đã hiểu quy luật âm dương thì có thể hiểu được quy luật phát triển của sự vật, hiểu được đạo lý nhân sinh từ đó mà giải quyết được những sự tình xảy ra trong cuộc sống. 

Nói một cách khái quát, âm dương có 6 đại quy luật. Người nắm giữ được 6 đại quy luật này sẽ có được lối suy nghĩ toàn diện, viên dung trong phân tích và giải quyết một sự vật sự việc.

1. Nhất thể
Vạn sự vạn vật trong vũ trụ đều có tồn tại hai mặt âm và dương. Âm và dương mặc dù là hai mặt đối lập nhau nhưng lại cũng thống nhất với nhau, ở trong biến hóa mà sinh thành ra vạn vật. Giống như trong mỗi người đều có tồn tại hai đức tính thiện và ác, ai cũng có điểm mạnh và điểm yếu…
Trong âm dương cũng có tồn tại quan hệ tương sinh tương khắc. Một khi có sinh mà không có khắc thì vạn vật sẽ không ngừng phát triển và đi đến cực đoan tột cùng, tạo thành “vật cực tất phản”, từ tốt mà biến thành xấu. Có khắc mà không có sinh thì vạn vật sẽ bởi vì bị đè nén quá mức mà không còn sức sống, do đó sẽ bị suy bại, diệt vong. Bởi vậy, một người muốn được lâu dài, thì cần phải cân bằng âm dương.
Một người thanh cao thì càng phải khoan dung, nếu không sẽ dễ dàng biến thành cao ngạo, cô độc. Một người nhân từ thì càng phải biết hợp thời quyết đoán, nếu không sẽ dễ dàng trở thành yếu nhược. Một người cường đại thì càng phải có tâm kính sợ, nếu không sẽ dễ dàng sinh ra thô bạo, hung hãn và ngang ngược. Người giàu có thì phải tiết kiệm, nếu không sẽ dễ dàng trở thành người xa xỉ hoang phí. Người thông thái học rộng thì khi nói chuyện càng nên dùng những lời dễ hiểu với người nghe, nếu không sẽ trở nên cứng nhắc, không tự nhiên. Người tôn quý thì càng phải khiêm nhường, nếu không sẽ dễ sinh ra tâm ngạo mạn.

2. Tương sinh
Cổ ngữ nói: “Họa hề phúc sở ỷ, phúc hề họa sở phục”, tức là họa là chỗ dựa của phúc, phúc là nơi ẩn náu của mối họa. Con người một khi gặp được sự tình đắc ý thì trong tâm sẽ bị rung động, sẽ khó tránh khỏi tâm cao khí ngạo, khinh thường người khác. Chính vì thế nên người ta dễ dàng bị thua bại khi gặp lúc dương dương tự đắc. Trái lại, con người một khi gặp xui xẻo thì trong lòng thường trống rỗng. Nếu đúng lúc ấy có thể hợp thời suy xét lại bản thân mình, tích lũy tu dưỡng, đợi chờ cơ hội thì vận may có thể đến.
Người xưa giảng rằng, chịu khổ là tiêu nghiệp, hưởng phúc là tiêu phúc. Bởi vậy, trong khổ sẽ có hy vọng, khi phúc đến thì cần phải đề phòng. Do đó, tâm thái tốt nhất nên là tĩnh khí và bình hòa, đứng trước phúc hay họa, thuận cảnh hay nghịch cảnh đều nên đón nhất một cách bình thản, được phúc không quá mừng rỡ, gặp họa không quá sầu bi.

3. Âm dương tiêu trưởng
Đời người là hữu hạn. Nếu một người tiêu phí rất nhiều thời gian và tinh lực ở phương diện này thì ở phương diện khác sẽ giảm đi rất nhiều. Cho nên, người sáng suốt sẽ hiểu được sự vận dụng phép cộng và phép trừ một cách thích hợp trong cuộc sống.
Phép cộng chính là sự theo đuổi tri thức, sự thành công, phú quý, danh lợi, tiền của… Nhân sinh cũng bởi vì thế mà muôn màu muôn vẻ. Nhưng nếu muốn quá nhiều, lòng tham không đáy, tham dục không thỏa mãn thì sẽ rất bi ai. Vì thế cần phải làm phép trừ như xem nhẹ danh lợi thành bại, biết đủ, biết tiết chế, biết cảm ơn, tích phúc, rời họa. Khi một người biết cách an bài hợp lý trong việc tiến hay thoái, lấy hay bỏ thì cuộc sống của người ấy mới ngày càng tráng kiện, không gặp họa. Phép cộng là một loại phát triển, nhưng phép trừ lại là một loại thành thục.

4. Chuyển hóa
Chuyển hóa là vật cực tất phản, chuyển theo hướng ngược lại, dương biến thành âm, âm biến thành dương, giống như ngày đêm, bốn mùa luân chuyển. Như vậy, bất kỳ một sự tình nào muốn được lâu dài thì cần phải học cách không quá độ. Trong cuộc sống hiện thực, nắm được chữ độ là điều vô cùng quan trọng.
Độ chính là sự đúng mực, là ranh giới giữa tốt và xấu, giữa chính xác và sai lầm, giữa lợi và hại. “Có độ” chính là sự thỏa đáng. Nắm chắc được “độ” là trí tuệ. Loại trí tuệ này không tự nhiên mà có được, nó được tích lũy và ma luyện trong cuộc sống mà ra, từ trong thất bại mà ngộ ra được, là hồi báo của những cực khổ trong cuộc sống.

5. Âm dương bù đắp
Trong học thuyết âm dương, những vật chất có thuộc tính dương sẽ mang đặc tính mạnh mẽ, hướng lên trên, sinh sôi, phát triển, mở rộng ra, hướng ra ngoài, rõ ràng, tích cực, hiếu động… Trái lại, những vật chất có thuộc tính âm sẽ mang đặc tính mềm yếu, hướng xuống dưới, thu mình, ẩn, hướng vào trong, tiêu cực, an tĩnh.
Những người trẻ tuổi khí huyết mạnh mẽ thường coi trọng và theo đuổi mặt “dương” mà thường bỏ qua mặt “âm”, như không ngừng vươn lên, khắc khổ học tập, nỗ lực làm việc… Nhưng quá nhiều “dương” mà thiếu “âm” thì cũng sẽ không thể thành công và tồn tại lâu dài. Cho nên, những người trẻ tuổi cần phải bổ sung thêm mặt “âm” cho mình như ôn hòa, khiêm tốn, kính trọng người lớn tuổi, quan tâm người khác…
Trái lại, những người già, người lớn tuổi thì thường lại nhiều “âm” – quan tâm quá nhiều đến người khác mà không đủ “dương” – sao cho bản thân vẫn duy trì được tâm thế của tuổi trẻ. Vậy nên, người lớn tuổi cần phải bồi bổ thêm mặt “dương” cho mình.

6. Âm dương hấp thu
Cổ ngữ có câu: “Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu” hay “Đồng tính tương xích, dị tính tương hấp” nghĩa là cùng tính thì đẩy nhau, khác tính thì hút nhau. Nhưng đằng sau hút và đẩy ở đây cũng có lý của “âm dương”. Nhược điểm và ưu điểm thông thường cũng có sự hỗ trợ lẫn nhau.Những người có ưu điểm trác tuyệt, hơn người, thì thường cũng có nhược điểm khiến người khác khó chịu đựng nổi. Bởi vậy, nếu chỉ biết được ưu điểm của một người mà không biết được nhược điểm của người đó thì cũng chưa phải là hiểu người đó. Điều này rất quan trọng trong việc tìm hiểu và lựa chọn bạn đời, bạn bè, bạn đồng sự.

Theo TrithucVn
St Tu thân/gt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét