Thứ Năm, 16 tháng 12, 2021

CẢ ĐỜI NGƯỜI ĐỀU ĐANG HỌC LÀM NGƯỜI


CẢ ĐỜI NGƯỜI ĐỀU ĐANG HỌC LÀM NGƯỜI

Người ta nói rằng học làm người là việc của cả đời, không có cách nào tốt nghiệp được. Câu nói này quả thực rất có đạo lý. Đời người, bất kể là ai đều cần phải học tập, chỉ cần có học tập thì nhất định sẽ có tiến bộ. Học làm người là một môn học vô cùng quan trọng và thâm sâu. Vậy, một người cần học những gì?


1. Học nhận lỗi

Con người thường có xu hướng không muốn nhận lỗi, nhận khuyết điểm. Phàm việc gì xảy ra đều nói là do lỗi của người khác, cho rằng bản thân mình mới là đúng.

Kỳ thực, không nhận lỗi là một loại sai lầm. Người biết nhận lỗi thì chẳng những không bị mất cái gì, trái lại, còn hiển lộ ra đó là người có tấm lòng chính nghĩa, dũng cảm, biết sửa sai.

Con người cần phải có dũng khí. Dũng khí không phải là đánh nhau với người khác, cũng không phải là tranh chấp, so đo với người khác. Mà dũng khí lớn nhất chính là tự mình nhận sai, cảm thấy bản thân không nên nói câu nói như vậy, không nên làm việc như vậy, không nên làm cản trở người khác.

Người có dũng khí là một người mà có thể sám hối, nhận sai lầm và sửa chữa. Người như vậy sẽ luôn đề cao đạo đức, phẩm chất của bản thân và trở thành người hoàn thiện.

Sống trên đời, biết nhận lỗi là đạo đức tốt đẹp, cũng là một phương pháp tu hành.

2. Học nhu hòa

Nếu nói rằng đời người như một thảo nguyên hoang sơ bát ngát, thì nhu hòa như dòng sông quanh co, thảo nguyên sinh trưởng, sinh sôi nảy nở nhờ nguồn nước ấy.

Nếu nói cuộc sống như bầu trời trong vắt, thì nhu hòa như những đám mây lững lờ trôi vắt ngang bầu trời. Trời xanh có mây trắng mới nên thơ, vì mây bay mà bầu trời trở nên lung linh, huyền ảo.

Có ví von hài hước rằng: Hàm răng của con người là cứng rắn, nhưng đầu lưỡi lại mềm mại. Đến cuối cuộc đời, răng đều sẽ lần lượt rụng hết, chỉ lưỡi là vẫn còn. Cho nên phải mềm mại, nhu hòa thì cuộc đời mới có thể lâu dài được.

Người trong lòng ôn nhu, hòa nhã thì mới có thể sống được khoái hoạt, dài lâu. Một người càng trưởng thành thì tâm tính càng ôn hòa, tĩnh lặng. Cho nên, ôn nhu, hòa nhã cũng là một đức tính mà mỗi người đều nên dụng tâm học tập.

3. Học nhẫn nại

Nhẫn một chút, gió êm sóng lặng, lùi một bước, biển rộng trời cao. Nhẫn giúp mọi sự được bình an, tiêu tan tai họa. Người trong lòng có nhẫn, có thể nhận rõ được tốt xấu, thiện ác, đúng sai trên thế gian, từ đó mà bình thản tiếp nhận chúng.

Khi đời người gặp phải nghịch cảnh, hãy nhớ kỹ phải nhẫn nại. Có thể nhẫn được việc người khác không thể nhẫn, mới có thể đắc được những thứ người khác không thể đắc.

Bạn cứ tiến thẳng về phía trước, đương nhiên sẽ gặp phải bóng tối. Nhưng khi vượt qua giai đoạn này bạn sẽ đón nhận được những tia sáng tinh khôi.

4. Học thấu hiểu

Một người khuyết thiếu sự thấu hiểu với người khác thì thường sinh ra thị phi, tranh chấp và hiểu lầm. Trong cuộc sống, có rất nhiều việc tận mắt nhìn thấy mà chưa hẳn đã là đúng như bản thân mình nghĩ. Vì vậy, hãy luôn giữ một khoảng hòa hoãn, lắng nghe, tìm cách liễu giải người khác. Khi có thể hiểu người khác, người ta sẽ sống vị tha hơn, yêu người, yêu cuộc đời hơn.

Hết thảy những kết quả trong cuộc đời này đều không phải vô duyên vô cớ mà được sinh ra. Bất luận ai làm việc gì, đều có nguyên nhân và lý do của họ. Bất luận trong cuộc đời của một ai đều có những “hỉ, nộ, ái, ố” mà không muốn người khác biết.

Khi thay đổi một góc độ, chúng ta sẽ phát hiện ra rằng không phải chỉ có mình chúng ta là nhân vật chính trong thế giới này. Mỗi người một dạng khác nhau, mỗi người đều có câu chuyện riêng của mình, mỗi người đều là nhân vật chính trong câu chuyện ấy. Cho dù câu chuyện ấy là bình thường hay là ly kỳ lạ lẫm, mỗi người đều phải trải qua những bi thương và hạnh phúc khác nhau.

Nhân sinh vô thường, ai cũng có nỗi niềm, có nước mắt riêng, chúng ta nên học cách xót thương và bao dung, học cách đối xử tử tế với người khác, bởi vì suy cho cùng đó là cuộc sống của một con người nơi trần thế.

5. Học buông bỏ

Đời người rất nhiều thứ là như chiếc va li hành lý vậy. Lúc cần dùng thì ta nhấc nó lên, lúc không cần thì đặt nó xuống. Nếu lúc cần buông mà cũng nhất định không đặt xuống thì giống như kéo một chiếc va li hành lý nặng nề, sao có thể tự do tự tại đây?

Những năm tháng trong cuộc đời là hữu hạn, không ai dám chắc ngày mai ra sao, có còn khỏe mạnh hay không, cho nên nếu ngay ngày hôm nay có thể buông bỏ hết những cố chấp, thì sẽ khiến người khác tiếp nhận mình, từ đó mới được giải thoát khỏi bao nhiêu mâu thuẫn.

6. Học cảm động

Khi nhìn thấy điểm tốt của người khác cần phải biết vui mừng, nhìn thấy việc tốt mà người khác làm cần phải biết cảm động. Cảm động chính là một loại tình cảm có sức mạnh phi thường.

Sự cảm động có thể khiến người ta cải biến, có thể khiến người ta từ bỏ những ác tâm, và khơi gợi thiện tâm. Con người không chỉ cần biết cảm động, mà sống trên đời cũng nên làm nhiều sự tình để người khác cảm động.

7. Học sống khỏe

Để cuộc sống tươi đẹp, trước hết chúng ta cần một thân thể khỏe mạnh. Thân thể khỏe mạnh không chỉ có ích lợi đối với chính bản thân mà còn khiến cho bạn bè và người thân an tâm. Cho nên, sống khỏe mạnh cũng là một hành vi có hiếu đễ.

Cổ nhân cho rằng, đời người chính là một quá trình học làm người, cũng là một quá trình tu hành, tu luyện. Làm người không phải để hưởng thụ vinh hoa phú quý. Việc tu luyện của đời người là quý giá ở tu tâm, lấy tâm bất động để đối mặt với đủ mọi hoàn cảnh trong cuộc đời. Người có thể cố gắng học tập, không ngừng nâng cao tâm tính, đạo đức thì cuối cùng nhất định sẽ có tương lai tốt đẹp.

Theo Trithuc.Vn
VANDANBNN st tu thân/gt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét