Trong cuộc đời, rất nhiều khi người ta thống khổ là bởi vì quá chấp nhất vào một suy nghĩ nào đó hay trong lòng có một nút thắt không mở ra được. Một khi mở ra được, buông bỏ được chấp nhất ấy, thay đổi một ý niệm, một chút suy nghĩ thì thống khổ lại biến mất, thậm chí có thể chuyển thành động lực của thành công và hạnh phúc.
Có một câu chuyện kể rằng, một ngày nọ, có hai người thanh niên trẻ tuổi cảm thấy rất không hài lòng với nơi làm việc của mình. Họ không biết nên nghỉ việc hay ở lại tiếp tục công việc, vì thế họ đã quyết định cùng nhau đi tới một ngôi chùa tìm một vị đại sư xin khai mở giúp.
Khi gặp được vị đại sư, một trong hai người nói: “Thưa đại sư, chúng con ở nơi làm việc hay bị ức hiếp, cảm thấy quá thống khổ, cầu xin ngài chỉ bảo, chúng con có nên xin nghỉ việc ở đó hay không?”
Vị đại sư từ từ khẽ nhắm hai mắt lại, giống như đang trầm ngâm suy nghĩ. Rất lâu sau, vị đại sư cuối cùng cũng mở lời, nhưng lại chỉ nói đúng 5 từ: “Bất quá nhất oản phạn” (Chẳng qua cũng chỉ là một bát cơm). Sau đó, vị đại sư vẫn không nói thêm gì, chỉ phất phất tay, ý bảo hai người rời đi.
Sau khi hai người trở lại công ty, một người trong hai người họ lập tức nộp đơn xin nghỉ việc. Anh ta quyết định trở về quê hương làm ruộng, người còn lại tiếp tục ở công ty làm công việc của mình.
Thoáng một cái đã mười năm trôi qua, người trở về quê hương làm ruộng, luôn tích cực học hỏi kinh nghiệm từ những người nông dân đi trước, lấy môi trường thân thiện làm phương thức kinh doanh, kết quả của sự cần cù cố gắng ấy chính là anh ta đã trở thành một chuyên gia nông nghiệp nổi tiếng và giàu có.
Còn vị ở lại công ty thì sao? Cũng không hề thua kém, anh ta đã tự mình điều chỉnh lại mọi thứ của bản thân cho phù hợp hoàn cảnh, cũng cố gắng tích cực thể hiện năng lực của mình, nên dần dần anh ta được coi trọng, hiện giờ đã trở thành người quản lý cao cấp ở công ty.
Đến một ngày, hai người họ gặp lại nhau. Vị chuyên gia nông nghiệp nói: “Thật là kỳ lạ, đại sư nói cho chúng ta biết ‘Chỉ là một bát cơm’, năm chữ này tôi nghe xong liền hiểu ngay, chẳng qua cũng chỉ vì một bát cơm thôi, sao phải miễn cưỡng ở lại công ty mà không chịu buông bỏ đi? Cho nên tôi đã xin nghỉ việc ngay lập tức, trở về quê hương làm việc.”
Sau đó, anh ta có vẻ khó hiểu, hỏi người quản lý: “Tại sao khi đó anh lại không nghe theo lời mà đại sư nói vậy?”.
Người quản lý vừa cười vừa nói: “Tôi nghe đại sư nói xong ‘chỉ là một bát cơm’, nên mỗi khi phải chịu nhiều sự phiền muộn, chịu nhiều khó khăn rắc rối, tôi chỉ cần nghĩ: ‘Cùng lắm cũng chỉ là để kiếm miếng cơm ăn’, cho nên dù ông chủ hay ai có nói bất kể điều gì khó chịu, chỉ cần mình buông bỏ đi, bớt hờn giận, bớt so đo một chút là được rồi. Đại sư không phải là có ý này sao?”
Một ngày khác, hai người họ lại đến thăm vị đại sư năm xưa. Dĩ nhiên, vị đại sư ấy đã già đi nhiều rồi, ông ngồi trước mặt hai người nghe kể chuyện cuộc đời họ, vẫn từ từ nhắm mắt lại, cuối cùng, ông chỉ nói ra năm từ: “Bất quá nhất niệm gian” (Chẳng qua cũng chỉ là một niệm).
Sau đó vị đại sư lại một lần nữa phất phất tay ý bảo hai người rời đi. Nhưng lần này thì hai người bèn nhìn nhau cười, dường như trong lòng họ đã hiểu rõ được ý tứ của vị đại sư.
Cuộc sống luôn có những lúc không thuận lợi, thất ý. Khi chúng ta ở vào lúc bế tắc, nếu như có thể buông bỏ chấp nhất, thay đổi hướng suy nghĩ, chúng ta sẽ phát hiện ra rằng, ngõ cụt lại có thể biến thành con đường mới rộng rãi, quang đãng.
Đúng như cổ nhân nói: “Sơn trùng thủy phục nghi vô lộ, Liễu ám hoa minh hựu nhất thôn“, giữa cảnh núi non trùng điệp, sông ngòi chằng chịt, tưởng như không còn đường đi nữa, thì bỗng nhiên ở ngay trước mắt, phát hiện thấy trong bóng râm rặng liễu xanh mát và khóm hoa tươi đẹp rực rỡ sắc màu còn có một thôn làng. Nếu không ngại, khi ở vào hoàn cảnh khó khăn, chúng ta hãy thử nghĩ thoáng hơn một chút, buông bỏ đi, thay đổi tâm cảnh của bản thân mình một chút xem sao!
Theo Trithuc.Vn
St Tu thân/gt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét