Thứ Bảy, 11 tháng 12, 2021

GIẦU CÓ KHÔNG NÊN QUÊN LỄ NGHĨA


GIẦU CÓ KHÔNG NÊN QUÊN LỄ NGHĨA

Trong cuốn “Khuyến nhẫn bách trâm” (Trăm lời khuyên nhẫn) của Hứa Doanh Khuê thời Nguyên khuyên rằng: “Giàu mà hiếu lễ, Khổng Tử đã dạy; giàu mà bất nhân, Mạnh Tử từng răn. Nhân đủ để sinh phúc tiêu tai, Lễ đủ để công thành bất bại.” Giàu có không quên lễ nghĩa là điều mà cổ nhân hết sức xem trọng.

Sách “Luận Ngữ” ghi lại câu hỏi của Tử Cống như sau: “Làm thế nào mới có thể phú quý mà không kiêu ngạo?” Khổng Tử đáp: “Vậy thì khi phú quý nên yêu mến lễ nghĩa.” Thánh nhân cho rằng thay vì lo lắng chuyện không kiêu ngạo, chi bằng phú quý mà hiếu lễ. Đặt hiếu lễ ở trên thì hành xử đều có tiêu chuẩn, như vậy giàu có hay không cũng không khiến bản thân đánh mất sự tu dưỡng.

“Luận Ngữ” cũng viết: “Quân tử ái tài, thủ chi hữu đạo”, người quân tử coi trọng của cải nhưng không tùy tiện nhận. Của cải và địa vị là thứ mà mọi người mong muốn có được, nhưng nếu như không hợp với đạo nghĩa, thì người quân tử sẽ không nhận. Bần cùng và thấp hèn là thứ mà mọi người chê ghét, nhưng nếu không phải là dùng cách có Đạo mà thoát khỏi nó, thì người quân tử cũng sẽ không làm. Đây chính là lễ nghĩa.

Năm xưa, Mạnh Tử lo lắng Đằng Văn Công sẽ phóng túng dục vọng, đánh mất thiên lý, nên trích dẫn một câu của Dương Hổ nói rằng: “Phú quý ắt không thể nhân từ, nhân từ ắt chẳng thể phú quý”. Mạnh Tử không mang ý tuyệt đối hóa khi trích dẫn câu nói này. Ông muốn khuyên bảo Đằng Văn Công hồng dương thiên lý, kiềm chế dục vọng. Giàu có dễ khiến con người phóng túng dục vọng, nhân từ là thuận theo quy luật tự nhiên. Thiên lý và dục vọng của con người chẳng thể song hành. Do đó nếu không làm được “giàu có mà hiếu lễ”, thì chi bằng đừng mãi chạy theo vinh hoa phú quý mà đánh mất bản thân.

Cá nhân đã là như vậy, quốc gia lại càng như thế. Cổ nhân có câu: “Quốc vô nghĩa, tuy đại tất vong”, một quốc gia nếu không có chính đạo, không có lễ nghĩa thì cho dù rất mạnh, rất lớn, rất giàu có, cũng chắc chắn sẽ sụp đổ. Trong suốt chiều dài lịch sử từ thời cổ đại đến nay có rất nhiều trường hợp minh chứng cho đạo lý này.

Tùy Văn Đế Dương Kiên vốn là một vị hoàng đế cần kiệm, sáng suốt. Ông đã kết thúc trạng thái cát cứ phân tách của đất nước Trung Hoa suốt 400 năm từ cuối những năm Đông Hán kéo dài đến nhà Tùy. Vì vậy, ông được người đời sau ca tụng là một vị minh quân. Tuy nhiên sau khi người kế nghiệp Tùy Văn Đế là Dương Quảng lên ngôi, ông ta hoang dâm vô độ, háo sắc, hiếu chiến, khiến cho cơ nghiệp nhà Tùy hùng mạnh không còn gì chỉ trong hơn 10 năm ngắn ngủi. Cuối cùng, Dương Quảng bị chết và đất nước bị diệt vong. Cả triều đại nhà Tùy chỉ tồn tại vẻn vẹn trong 38 năm lịch sử.

Dương Quảng là một vị hoàng đế bất tài, nhưng ngay cả một vị hoàng đế có tài như Thương Trụ Vương cũng không thoát khỏi kiếp số. Ngay từ nhỏ, Trụ Vương đã thông minh, có tài ăn nói không ai biện luận bằng, có thể hành động nhanh nhẹn dứt khoát và có sức khỏe hơn người. Theo sử sách ghi chép, Trụ Vương có thể tay không vật lộn với mãnh thú. Nhưng ông lại vô cùng bảo thủ, không nghe lời khuyên can từ người khác, cho rằng người trong thiên hạ không ai có tài bằng mình. Sau khi kế vị, Trụ Vương vơ vét tiền của, sưu tập rất nhiều vật lạ quý báu, xây dựng thêm nhiều cung thất, lầu gác, lâm viên để vui chơi ngắm cảnh, thỏa mãn nhục dục và nữ sắc. Ông ta cũng giết hại trung lương, đề ra các khổ hình ngày càng tàn nhẫn. Nhưng cuối cùng, dù quân đội đông và mạnh hơn, quốc lực giàu có và hùng hậu hơn, nhà Thương cũng bị mất dưới tay Chu Vũ Vương, Trụ Vương phải tự kết liễu đời mình.

Bởi vậy người giàu nên hiếu lễ nghĩa, đừng đánh mất nó, quốc gia nên trọng đạo nghĩa, đừng xa rời nó. Giàu có mà bất nhân tất sẽ mang họa diệt thân. Giàu có mà lễ nghĩa, phúc phận sẽ nhiều, quốc thái dân an.

Theo Trithuc.Vn
VANDANBNN st/ gt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét