Thứ Năm, 6 tháng 5, 2021

TUỔI GIÀ NƠI ĐẤT KHÁCH ! Tuệ Phong

TUỔI GIÀ NƠI ĐẤT KHÁCH
Tuệ Phong

Những ngôi nhà lớn nhỏ vắng vẻ nằm cách xa nhau trên những triền đồi tĩnh mịch trong một làng quê hẻo lánh, thi thoảng lại có một vài chiếc ô tô BMW hay Mecedes lừ đừ chạy qua trên đường... Những chiếc ống khói nghi ngút trên mái nhà báo hiệu một mùa lạnh sắp về.

Trong những ngôi nhà đó thường chỉ có hai ông bà già ở, người ta đóng cửa im ỉm cả ngày thỉnh thoảng họ mới gặp nhau và chào hỏi vài câu rồi lại đóng cửa vào trong nhà... Người ta có cảm giác hình như mình đang bị giam lỏng trong một không gian của “tự do”. Cuốn lịch treo tường, mỗi ngày vẫn cứ đều đặn bóc đi từng tờ đúng như kiểu ngày xưa mấy anh phải đi trại cải tạo Tân lập, Ba sao ngồi bóc vài chục quyển lịch chờ đến ngày... Nếu một ai đã ra đi và sống lâu ở nước ngoài thì nỗi nhớ nhà thường sẽ không bao giờ nguôi ở trong lòng, càng lâu lại càng nhớ và đặc biệt là với người lớn tuổi. Nó thôi thúc và bất cứ lúc nào cũng có thể trào dâng...

Người ta luôn có một câu hỏi ở trong đầu đó là ở hay về ? Thực ra đây là một câu hỏi rất khó để trả lời vì con người ta luôn ở cái thế giằng xé... Bởi vì nếu có hồi hương thì lúc đó cũng chẳng còn bà con họ hàng gì nữa, bạn bè thì cũng xa cách chẳng còn ai, nếu có về thì phố xá đổi thay và người ta luôn cảm thấy xa lạ, lạc lõng với cách sống mới của lớp trẻ hiện tại ở trong nước... Còn nếu ở lại thì người ta sẽ phải đối diện với một cuộc sống cực kỳ buồn tẻ và cô đơn khi cuộc đời đã xế bóng trên xứ người, nơi mà ngôn ngữ, văn hoá và cách sống không giống mình nhất là càng có tuổi thì nhiều khi nó lại càng khác và khó hoà đồng. Nhất là những khi thời tiết chuyển mùa trong năm, cái ánh nắng ngày một yếu dần thay vào đó là một bầu trời xám xịt của một mùa thu ảm đạm, cái nhiệt kế treo ở bên ngoài cửa sổ để đo nhiệt độ cứ ngày một hạ dần... lúc đó con người ta mới thực sự cảm thấy những cái cô đơn của tuổi già nhất là lại ở cái nơi đất khách, xứ người cô quạnh. Một cái lạnh từ bên trong... Con cái thì đã lớn và phương trưởng, đều ở xa, có gia đình và công việc, chúng đều thuê nhà và lập nghiệp ở đó. Ngôi nhà mà người ta ngày đêm làm việc để ra sức tích cóp và trả nợ, những năm tháng đằng đẵng xây sửa với bao nhiêu sức lực và tiền của bỗng một ngày trở nên trống vắng, lạnh lẽo. Một hình ảnh trái ngược hẳn với lúc khi những đứa con của họ còn nhỏ, còn quây quần sống trong căn nhà đầy ắp tiếng cười với cha mẹ, có lẽ con người ta lúc đó là lúc hạnh phúc nhất. Và thời gian sau này khi chúng trưởng thành bay đi lúc này con người ta trở nên ngày càng cô đơn và bất hạnh hơn.

Bao nhiêu năm sống trên xứ người, nhiều lúc người ta tự hỏi được cái gì ? Và mất cái gì ? Người ta cứ băn khoăn cào cấu tự hỏi trong đầu như thế, nhưng cuối cùng cũng chẳng bao giờ tìm thấy được một câu trả lời đúng đắn, vì xét cho cùng người ta cũng chẳng được mà cũng chẳng mất cái gì... Từ lúc sinh ra đến lúc chết có ai mang theo được cái gì đi đâu ?
 

Người Việt sinh sống ở đây đã hai ba thế hệ, từ lúc tuổi còn trẻ khi con người ta còn háo hức đi tìm một miền đất hứa với bao nhiêu hoài bão và ước mơ để hoà nhập vào dòng chảy của cuộc sống nơi đất khách xứ người... cho đến bây giờ khi đã quá nửa đời người, trên đầu đã hai thứ tóc mà người ta gọi là “muối nhiều hơn tiêu”, nhiều lúc ngồi ngẫm lại mà thấy chua chát. Cả một thời thanh niên trai trẻ làm việc và lao động đến bây giờ khi đã sang cái tuổi xế chiều, khi đã bước qua phía bên kia của quả núi, người ta không còn cái hứng thú để bươn trải và dành giật nữa, con người ta thường sống bằng những hoài niệm về hồi ức và quá khứ, mặc dù cố quên đi nhưng hình như càng quên thì nó lại càng nhớ và càng hoài niệm hơn. Họ bắt đầu yên lặng, ít nói và thích yên tĩnh. Cứ như vậy những thế hệ người Việt ở châu Âu cứ càng ngày càng già đi, càng ít đi và họ sống với một cuộc sống thầm lặng nếu không muốn nói là như đã chết từ lâu...

P/S: xin lỗi, đây chỉ là một góc nhìn riêng của một số người chứ không phải ai cũng như vậy.
 

Tuệ Phong/ Ảnh St.
VANDANBNN chia sẻ/ gt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét