Tự cổ chí kim, dẫu tháng năm xa vời vợi, nguồn mạch văn minh, lịch sử và văn hoá truyền thống Á Đông suốt hàng ngàn năm vẫn chảy mãi không dừng. Con người sống trên đời, lấy Đức lập thế, lấy chân thành làm gốc. Đãi người chân thành là hạt nhân tinh thần của đạo đức truyền thống, là đức tính cơ bản trong giao tiếp xã hội và cái gốc tu thân. Thành thực là nguyên tắc cơ bản, cũng là cái gốc để có được sự tín nhiệm của người khác. Những người nói như gió cuốn, nói mà không giữ lời, dẫu có thể lừa gạt người khác thậm chí nhất thời đắc ý, nhưng tuyệt đối chẳng thể bền lâu.
“Thành” tức là thành thực, trung thực, chân thực không giả dối, là sự phủ định với những điều dối trá, lừa gạt, giảo hoạt, bợ đỡ. Khi con người tu dưỡng về phương diện thành thực cũng chính là đang tạo dựng cái gốc lập thân tu đức. Mọi hành vi đạo đức tốt đẹp đều bắt nguồn từ chữ “Thành”, không thành thực thì chẳng thể tu đức. Kiên trì giữ vững sự chân thành trong nội tâm, thì việc tu dưỡng đạo đức của con người mới có thể đạt tới cảnh giới bác đại, tinh thâm, cao minh, rộng lớn và sâu sắc.
Heinrich Heine, một nhà thơ nổi tiếng của Đức từng có câu danh ngôn rằng: “Sinh mệnh chẳng thể nở ra những đoá hoa tươi rực rỡ từ những lời dối trá.” Chỉ khi mỗi người đều có một trái tim thành thực, mới có thể thiện đãi cha mẹ, thiện đãi bạn bè, từ đó khiến xã hội trở nên hài hoà. Do vậy, thành tín chính là cái gốc lập thân của mỗi người, cũng là nền tảng sinh tồn của một dân tộc, một quốc gia. Tự cổ chí kim điều này thể hiện cảnh giới nhân cách được các dân tộc Á Đông tôn sùng. Chỉ những người thành tín, mới có được tâm trí sáng suốt, lựa chọn và theo đuổi cái Thiện.
Tu thân là nền tảng và cái gốc của việc “Tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Muốn tu cái thân này, trước tiên phải giữ chính được cái tâm này, thành thực với lòng này. Đạo gia giảng: Nói lời chân, làm việc chân, làm chân nhân. Trong Đạo Đức Kinh, Lão Tử cũng giảng: “Khinh nặc nhi quả tín”, nghĩa là “Dễ hứa hẹn thì ít giữ lời”. Câu này nhắc nhở chúng ta rằng khi đã hứa với người khác nhất định phải suy xét thận trọng, tuỳ sức mà hành.
Những việc đã nhận lời người khác thì nói được, cũng phải làm được, một lời hứa đáng giá ngàn vàng. Phật gia cũng giảng người xuất gia không nói lời những lời cuồng ngôn. Khổng Tử còn coi “Tín” là một trong 5 ngũ thường “Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín”. Trong đó sự thành tín giữa người với người là một trong những đạo đức tốt đẹp nhất.
Khổng Tử từng nói: “Nhân nhi vô tín, bất tri kỳ khả dã” (Vi Chính – Luận Ngữ), nghĩa là làm người mà không giữ chữ Tín, thì không biết họ làm thế nào mới có thể lập thân, xử thế. Khổng Tử còn nói: “Dân vô tín bất lập” (Nhan Uyên – Luận Ngữ), nghĩa là những người cầm quyền đánh mất lòng tin ở dân thì chẳng thể đứng vững, một chính quyền như vậy chẳng thể tồn tại dài lâu.
Ngôn luận của con người nên lấy thành tín làm gốc. Thành tín ở đây bao gồm danh thực đồng nhất, ngôn hành đồng nhất, trong ngoài đồng nhất, tức là ngôn luận phải phù hợp với hiện thực, ngôn luận phải phù hợp với hành động, những lời nói ra phải phù hợp với những suy nghĩ trong tâm, không thể miệng nói một đằng, tâm nghĩ một nẻo. Xã hội thời cổ đại có một tiêu chuẩn đạo đức khá cao, con người trong các ngành các nghề đều coi thành tín là trách nhiệm của mình, thành tín đãi người, không lừa gạt người khác.
Thời nhà Thanh có người tên là Thái Lân, bạn ông ký gửi ngàn vàng nơi ông, mà không hề lập bất kỳ giấy tờ gì. Chẳng bao lâu sau, người bạn mất đi, Thái Lân gọi con của bạn tới, trả lại tiền cho cậu ta.
Con trai của người bạn vô cùng kinh ngạc nói: “Sao có thể ký gửi ngàn vàng mà không viết giấy gì làm bằng được? Hơn nữa, phụ thân của con cũng không hề nói chuyện này cho con biết.” Thái Lân cười đáp rằng: “Chứng ở trong tâm, không nằm trên mặt giấy. Cha cậu hiểu ta, nên mới không nói cho cậu biết.”
Đức lấy thành thực làm gốc, thành thực lấy tín làm đầu, không thành thực ắt vô đức. Người vô đức ắt vong, nước vô Đức ắt sập.
Theo Trithuc.Vn
VANDANBNN st tu thân/gt
Theo Trithuc.Vn
VANDANBNN st tu thân/gt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét