Thứ Ba, 30 tháng 11, 2021

6 TU DƯỠNG ĐỂ TRỞ THÀNH NGƯỜI BIẾT TÔN TRONG NGƯỜI KHÁC



6 TU DƯỠNG ĐỂ TRỞ THÀNH NGƯỜI BIẾT TÔN TRONG NGƯỜI KHÁC

Mạnh Tử nói: “Thương người thì người thương lại mình, kính người thì người kính lại mình”. Khi kết giao với người khác, nếu có thể hiểu và tôn trọng họ thì sẽ được họ hiểu và tôn trọng lại gấp nhiều lần.

Người thông minh ưu tú đối đãi với bất kể ai cũng đều tỏ thái độ khiêm nhường, tôn trọng. Phật gia có giảng “duyên”, con người gặp nhau đều là nhờ “duyên”. Mỗi người xuất hiện trong cuộc đời chúng ta đều không phải vô duyên vô cớ, đều là nhân duyên cần trân quý. Tôn trọng hết thảy là cách hóa giải oán duyên, kết thiện duyên và tích phúc báo cho bản thân mình.

Không tùy tiện bình phẩm người khác

Mỗi người đều là một cá thể sinh mệnh độc lập. Tín ngưỡng, đạo đức, quan niệm, cách nhìn nhận vấn đề, cách thức làm việc hay cách sống của một người đều chỉ có thể thích hợp với bản thân người ấy. Dùng những điều đó làm thước đo để bình phẩm người khác là không tôn trọng họ.

Trong cuộc sống, rất nhiều khi những sự tình mà chúng ta nhìn thấy chưa hẳn đã là sự thật. Vì vậy, đừng vội vàng đánh giá đức hạnh của người khác và mang lại tổn thương cho họ.

Không áp đặt, khống chế người khác

Khi trao đổi, giao tiếp với người khác, thì vừa phải có cảm xúc, lại vừa phải có đạo lý. Cảm xúc cần bắt nguồn từ sự tôn trọng lẫn nhau. Không nên dùng tiêu chuẩn của cá nhân mình để áp đặt cho người khác, càng không nên yêu cầu người khác phải phù hợp theo tiêu chuẩn của mình. Kỳ thực tư tưởng tình cảm của một người luôn không ngừng thay đổi, không ai có thể bảo đảm rằng quan điểm và thái độ của mình là vĩnh viễn bất biến cả.

Khi một người không tự tin vào bản thân, cảm thấy mình không có giá trị, thì thường áp đặt và khống chế người khác, thông qua đó mà tự khẳng định chính mình.

Không xúc phạm tôn nghiêm của người khác

Không ít người thường đánh đồng sự tôn nghiêm với trình độ học vấn và độ giàu nghèo của một người. Do đó, họ thường thiếu tôn trọng đối với những người học vấn thấp và khốn khó. Thật ra dù là ai, ở địa vị xã hội như thế nào, thì đều có sự tôn nghiêm của mình, chúng ta không nên coi thường bất kỳ ai.

Không tùy tiện tức giận người khác

Một người hay cáu giận với người khác, hay phủ định, phê phán người khác cũng là biểu hiện của khuyết thiếu tôn trọng người khác. Người cao thượng biết cách chấp nhận sự khác biệt, bao dung, rộng lượng với người khác, biết kiểm soát hành vi của bản thân, có thể tiến có thể lùi, biết làm thế nào để có sự lựa chọn đúng đắn nhất. Cho dù đối phương có thật sự sai sót thì khi chỉ ra sự sai sót của đối phương, người ấy cũng thiện ý rộng lượng, không quá khắt khe, kiêu ngạo, coi thường họ.

Cố gắng liễu giải người khác


Mỗi người đều mong muốn được người khác hiểu mình, chú ý đến mình, khen ngợi những điểm tốt của mình và được tự khẳng định mình. Do đó khi giao tiếp với người khác chúng ta cần chú ý tới điều này, cần cố gắng đáp ứng nhu cầu này của đối phương. Đây cũng chính là một biểu hiện của việc tôn trọng người khác.

Khi chúng ta có thể hiểu được ý nguyện của người khác, chúng ta sẽ có thể chú ý tới trạng thái cảm xúc của họ, đoán được mong muốn cũng như động cơ đằng sau những trạng thái tính cảm của họ, từ đó mà hành xử cho phù hợp, biết lời nào nên nói, lời nào không và nói vào thời điểm nào cho phù hợp. Từ đó khiến cho mối quan hệ của chúng ta với mọi người được hài hòa, an vui.

Biết tự nhìn lại sai sót của bản thân

Biết nhìn nhận lại bản thân mình là biết tôn trọng người khác. Một người không biết tự nhìn nhận lại bản thân, rất nhiều khi sẽ vô tình làm tổn thương người khác. Trong giao tiếp sinh hoạt hằng ngày, mỗi người chúng ta khi gặp vấn đề nên tự nhìn lại sai sót của bản thân để kịp thời biết sửa sai và xin lỗi.

Chúng ta nên học cổ nhân, tự vấn bản thân: “Hôm nay mình có nổi giận với ai đó không? Lời nói cử chỉ của mình hôm nay có làm tổn hại tới ai đó không? Mình có biểu hiện nào không tôn trọng người khác hay không?” Như thế vừa có thể hoàn thiện bản thân lại vừa được người khác tôn trọng.

Theo Trithucvn.org
Vandanbnn st tu thân/gt


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét