Cổ nhân giảng: “Tướng do tâm sinh, mệnh tùy tâm tạo”, mà lời nói của một người lại xuất ra từ tâm. Cho nên muốn biết một người có mệnh tốt hay không thì có thể nhìn xem “khẩu đức” của người đó là rõ.
Trong cuộc đời của một người, không phải ngày nào cũng làm chuyện thất đức, tổn đức, nhưng việc nói những lời thất đức, thiếu đức, khó nghe, và không đứng đắn làm tổn hao đức thì có thể xảy ra mỗi ngày. Tích luỹ qua năm tháng, phúc báo sẽ vì “khẩu nghiệp” mà chạy mất hết. Do đó người nói chuyện không có “khẩu đức” thì cuộc đời cũng không như ý, thường gập ghềnh, nhấp nhô.
Trong cuộc sống, có rất nhiều người không để ý, luôn tạo khẩu nghiệp, nên bao nhiêu phúc báo cũng đều vì cái miệng không tốt mà bị hao tổn hết. Có người nói: “Tôi không hề làm một việc xấu nào, sao có thể tổn hại đến phúc báo được?” Nhưng kỳ thực, ngày nào cũng nói điều xấu, có thể không tổn đức sao?
Khẩu nghiệp thường gặp nhất là nói dối, tung tin đồn thất thiệt, nhanh mồm nhanh miệng làm tổn thương tới người khác, hoặc vì lợi ích của bản thân, vì thành kiến mà gây ra những mâu thuẫn, xung đột và hiểu lầm không đáng có. Ngoài ra, trong các công sở ngày nay còn rất thịnh hành các kiểu chọc ghẹo, quấy rối, sắc tình. Những lời nói như vậy có thể không tổn phúc sao?
Người xưa nói: “Ngôn do tâm sinh”, lời nói là do tâm mà sinh ra. Nếu miệng thường nói những lời không hay, không tốt, thị phi, nói những lời nguyền rủa người khác, thì tâm của người ấy không thể tốt được. Tâm không tốt thì làm việc cũng lẫn vào những thứ không tốt mà bản thân không tự nhận thức ra. Hơn nữa bản thân lời nói sắc bén như dao kiếm, đôi khi còn làm tổn thương người khác hơn cả gươm đao. Bởi vậy một người luôn tạo “khẩu nghiệp” thì phúc báo sớm muộn gì cũng sẽ chạy hết.
Ác khẩu là điều mà một người bình thường dễ dàng phạm phải nhất, nó trực tiếp thể hiện sự tu dưỡng của người ta. Miệng muốn nói lời hay ý đẹp thì trong lòng phải thiện lương. Người nuôi dưỡng thiện niệm thì mới có thể tránh được việc hao tổn phúc báo.
Biết rõ một chuyện, không nhất thiết phải nói cho hết, hãy lưu lại cho người một đường lui, đây cũng là lưu lại chút thiện duyên cho bản thân mình.
Trách một người không cần phải trách móc thậm tệ, hãy lưu lại cho họ một khoảng trống, đây cũng là lưu lại chút độ lượng cho bản thân mình.
Đạt được thành quả cũng không cần đòi báo đáp chi li, hãy lưu lại cho người chút hảo cảm, đây cũng là lưu lại chút khiêm nhượng cho bản thân mình.
Đúng lý cũng không cần phô trương, hãy lưu lại cho người chút bày tỏ, đây cũng là lưu lại chút khoan dung cho bản thân mình.
Tài năng xuất chúng cũng đừng quá ngạo mạn, kỳ thực chính là lưu lại chút hàm dưỡng cho bản thân mình.
Những lời đáng giá nhất là những lời mang tính đóng ghóp, khiến người nghe cảm thấy ấm áp, chân thành. Đây chính là “khẩu đức”.
Theo Trithuc Vn
VANDANBNN st tu thân/gt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét