Trong “Tứ khố toàn thư” có viết: “Đừng nhìn tướng mạo người mà trước tiên hãy nghe thanh âm của người ta, đừng nghe thanh âm người mà trước tiên hãy quan sát hành vi của người ta, đừng quan sát hành vi người mà trước tiên hãy xét cái tâm của người ta.” Câu nói này nhấn mạnh mối quan hệ khăng khít, chẳng thể tách rời giữa “tâm” và “tướng”, cái “tâm” quyết định cái “tướng” của con người, trong tâm chất chứa điều gì, hết thảy đều hiển lộ tường tận trên dung mạo và dáng vẻ. Người thiện tâm có nhân duyên tốt lành, đây là điều hoàn toàn có thể lý giải được.
Cảnh tùy tâm chuyển
Nếu trong tâm một người chứa đựng sự chân thành, thiện lương, và lòng biết ơn thì cuộc đời của người ấy cũng tràn ngập ánh mặt trời. Khi làm bất cứ điều gì, trước tiên họ đều nghĩ tới cảm nhận của đối phương. Họ không tính toán được mất cá nhân, không phải vì mình mà là vì người. Dẫu gặp phải mâu thuẫn gì, trước tiên họ cũng sẽ tìm lỗi ở bản thân mình và tu chỉnh.
Trong tâm luôn bao dung người khác, mỗi khi hành sự họ sẽ cân nhắc đến xem việc làm của mình liệu có phương hại đến ai không? Có chân chính không? Do vậy, họ không dễ làm việc ác, việc xấu, hay gây tổn hại cho người khác. Dẫu người khác đối đãi với họ không tốt thế nào thì mâu thuẫn ấy cũng sẽ tiêu tan bởi tấm lòng bao dung của họ. Ai nấy đều yêu mến, muốn gần gũi, nhờ vậy mà kết được thiện duyên.
Nếu tâm của một người có thể dung nạp vạn sự vạn vật trong trời đất thì người ấy sẽ hòa tan giữa thiên nhiên, vũ trụ, cảm nhận được niềm vui nội tại trong chính bản thân mình. Khi ấy, hết thảy tranh đấu thị phi, công danh lợi lộc, vinh nhục trong đời cũng chẳng thể che lấp được trí tuệ và sự lôi cuốn của họ. Người ấy có thể thản nhiên tự tại, cảm thụ được vẻ đẹp của cuộc sống.
Đại thi hào Tô Đông Pha từng viết rằng: “Phúc hữu thi thư khí tự hoa” (Bụng chứa sách vở tất mặt mũi sáng sủa). Vậy nên dù thân khoác áo vải thô kệch, nhưng bụng đầy kinh sách, thi thư, tướng mạo bên ngoài tự nhiên cũng cao quý, tự thân toát ra khí chất khiến người khác kính nể.
Trái lại, nếu trong tâm một người nuôi dưỡng mầm mống của sự oán hận, chúng sẽ nảy mầm, bén rễ và đơm bông kết trái thù hận trong cuộc đời của họ. Con người thường quên rằng, khi mắng nhiếc người khác chính là tự làm ô uế miệng của mình trước, khi đánh đập người khác thì tự làm đau tay của mình trước, thù hận người thì trong tâm tự chứa đựng độc tố thù hận trước, làm thương tổn người khác kỳ thực lại làm thương tổn chính mình.
Trong tâm chứa đựng sự đố kỵ, ghen tức, tính toán, tham lam, ích kỷ thì người ấy mãi cũng chẳng thể thoát ra khỏi cái bóng của sự hẹp hòi. Người luôn oán trời trách đất, bạn bè, người thân ngày càng ngày lánh xa, cuối cùng cũng sẽ trở thành kẻ cô độc.
Trong tâm luôn chất chứa danh lợi, địa vị, tiền tài thì sinh mệnh người ấy mãi mãi sẽ mệt mỏi vật lộn trong thế giới vật chất, phù hoa. Phật gia giảng rằng, hết thảy những điều ấy đều là vật ngoài thân, khi sinh không mang theo đến, khi tử chẳng mang theo đi. Cho nên, người cả đời theo đuổi lợi danh, đến khi nhắm mắt xuôi tay chỉ có thể mang theo niềm tiếc nuối và sự hổ thẹn.
Giống như một căn phòng, nếu bên trong chứa đầy rác sẽ sinh mùi xú uế, nếu chứa đầy hoa tươi sẽ ngào ngạt hương thơm, và nếu bên trong là kim cương sẽ tỏa sáng lấp lánh. Bởi vậy, tâm của một người chứa đựng điều gì, hết thảy hoàn cảnh xung quanh người ấy sẽ biến đổi theo. Tâm của một người như thế nào thì cuộc đời của họ cũng sẽ như thế nấy. Âu cũng chính là đạo lý mà cổ nhân giảng “Tướng do tâm sinh, cảnh tùy tâm chuyển”.
Tư tưởng của một người kỳ thực sẽ hấp dẫn những thứ mà người ấy mong muốn. Nếu tư tưởng theo hướng tích cực thì trường năng lượng của người ấy cũng sẽ theo hướng tích cực. Ngược lại, trong tư tưởng chứa đựng những mặt trái, tiêu cực thì trường năng lượng của người ấy cũng sẽ tiêu cực. Vậy nên, muốn tăng thêm nguồn năng lượng thuần chính, thì cần có tư tưởng tích cực, chính diện. Tư tưởng của một người lại được nuôi dưỡng bởi sự tu tâm dưỡng tính của người đó.
Một chuyện hài hước về tâm và tướng
Chuyện kể rằng, một ngày nọ, một học giả lên chùa và ngồi thiền cùng một vị thiền sư. Một lúc sau, học giả mở mắt ra và hỏi thiền sư: “Ngài thấy bộ dạng ngồi thiền của ta thế nào?”
Thiền sư nhìn khắp thân học giả, sau đó gật gù khen ngợi: “Ngài ngồi thiền trông thật trang nghiêm vậy!” Học giả nghe xong vô cùng mãn nguyện.
Ngay sau đó, nhà sư cũng hỏi lại: “Vậy ngài nhìn thấy ta ngồi ra sao?”
Vì cố tình muốn trêu ngươi thiền sư, học giả cười khà khà rồi trả lời: “Ta nhìn ngài ngồi quả giống đồ bỏ đi!”.
Thiền sư nghe xong không hề khó chịu, chỉ mỉm cười và cũng không phản bác lại điều gì. Học giả vốn quen biết thiền sư đã lâu, tự cảm thấy mình đã thắng được thiền sư một phen nên lấy làm vui mừng lắm.
Vừa về đến nhà, học giả phấn khích kể lại với em gái của ông. Không ngờ, em gái nghe xong, chẳng những không khen ngợi mà còn phá lên cười.
Học giả thấy hiếu kỳ, khó hiểu, bèn hỏi: “Muội vì sao lại cười ta?”
Em gái học giả nói: “Nhà sư vì trong tâm có thiện niệm, cho nên nhìn huynh ngồi thấy trang nghiêm. Còn trong tâm của huynh có đầy đồ bỏ đi nên huynh mới nói thiền sư như vậy!”
Tướng do tâm sinh, duyên tùy tâm định, tu hành cốt ở tâm tính, tâm là ngọn nguồn của hết thảy. Tâm niệm nảy sinh sẽ tác động đến thân thể, nếu thân tâm bình hòa tĩnh tại, lòng thanh thản bao dung, thì khí huyết hài hòa, ngũ tạng yên định, nét mặt bình ổn, thần sắc sáng sủa, khiến người khác dễ chịu, thoải mái, vì vậy mà tự nhiên muốn kết giao, thân cận.
Tâm của một người giống như chiếc bình rỗng, chứa đựng điều gì thì cảnh giới của người ấy sẽ là như thế, tự nhiên cũng sẽ kết được nhân duyên giống như thế.
Theo Trithuc.Vn
VANDANBNN st tu thân/gt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét