Thứ Sáu, 6 tháng 8, 2021

99 BÀI VĂN NGĂN MỞ LÒNG../ Bài 11. Tựa Gốc Hồn Quê

Có thể là hình ảnh về Bnn Nguyen, ngoài trời và cây

Ảnh: Vườn nhà thờ họ Lý.

Nguyễn Nguyên Bảy


99 BÀI VĂN NGẮN MỞ LÒNG..
Bài 5. Tựa Gốc Hồn Quê

Phải tha hương cơm áo thật xa, xa lắm, thật lâu, lâu lắm.. Phải hoặc ngâm thành tiếng, hoặc ngâm thầm, hơn một lần, nhiều lần, nhiều lần lắm hai câu thơ của cụ Viên: 
Khi ta ở chỉ là nơi đất ở/ Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn/ để hạ cơn thương lúc nhớ..về quê Mẹ.

Và phải an ủi mình, an ủi nhiều lần lắm, câu cửa miệng của người tha hương: Cháu con ở đâu, quê hương ở đó...Ôi, nói là nói vậy, chứ có người tha hương nào, lúc thư nhàn hiếm hoi, không thoát hồn về ngồi tựa gốc quê khóc hát..

Chợt nghe thoang thoang trong gió, tiếng hát ai, lời ca bật cười: Quê hương ta bánh đa, bánh đúc..Lời ca nhắc đến ăn, bèn gọi Huyến ( Hà Nguyên Huyến): Em ơi, cho anh bữa tương cà trưa nay nhé, cả em nữa là bảy, đóng cỗ mười, phòng xa..Bên kia alo, Huyến đáp giọng mừng nước đầy giếng cổ, không vơi lo cạn như giếng ao chuôm. Mừng là mừng trưa nay đón khách nhớ quê thèm bữa rau dưa thời cổ tích, vơi lo, là lo mùa này giáp hạt (Tết) khách du lịch thưa về thăm làng cổ Đường Lâm..

Vào làng gặp cửa chợ? Bảo là một góc chợ xưa thì là chợ xưa, bảo là chợ nay thì là chợ nay, nhưng mái ngói âm dương võng theo thời gian thế này thì đúng là xưa thật, nhưng nước vối, thuốc lào, kẹo chè lam, kẹo lạc, bánh gai, và răng đen và tóc vắn chùm khăn mỏ quạ, và giọng nói "quê" ơi là duyên, ngọt ơi là say, thế này, thì phải gọi là đặc sản xưa nay mới đúng là làng cổ từ xửa xưa đến nay vẫn cổ..

Tôi đã đi dọc những con đường làng..như thế này, ở làng tôi, vùng Sấu Giá, cách Đường Lâm đôi ba thôi đường..Tất nhiên, thời ấy, ấu nhi, ký ức tràn ngập tiếng cồ cộ mùa nước lên, thơm nặng mùi ổi đào (hái trộm), thấp thoáng khắp nơi những tiên đồng ngọc nữ, và những đêm trăng nấp sau giếng cổ trộm ngắm mấy cô thôn nữ..tắm tiên mà chép thành thơ tiên tắm..

Nhà cổ không cửa nẻo, không bóng người, vườn rau trước nhà mơn mởn rau xuân, nên nhà hoang bớt phần nát dại. Hoang có thể vì cháu con phải để "cổ" ở làng ra tỉnh mưu sinh cơm áo, hoặc cũng có thể, Ban bệ bảo tồn làng cổ cấp trên không cho phép sửa chữa nhà hoang, bảo thế là mất đi nếp cổ..Con cháu lớn khôn sinh đàn sinh đống, tam tứ đại đồng đường, cứ chồng giường lên mà nằm mà giữ cho xán lạn sắc phong Làng Cổ..

Những vách nhà này, nghe chuyện từ thời cổ chăng mà mòn thủng cả tai ? Đáp: Xửa xưa toàn nghe chuyện cổ tích, vui ơi là vui, tai nghe miệng hát. Tai vách mới thủng từ hồi cải cách, từ hồi đổi công, từ hồi nghe kẻng gọi ra đồng mới thủng thẳng vác vồ đi..đập đất.

Làng sắc phong cổ, nhưng đường không chịu nhận mình là đường cổ, vài mươi năm nay mới đổ bê tông..Đường chi đống nhỏ rạ rơm vừa gánh từ đồng về, ngày mới đấy, nhưng mà cổ, cổ  từ khi đồng làng trồng lúa nước, ăn hạt để lại rạ-rơm cho mái nhà, cho trâu bò mùa giáp cỏ, cho bếp chiều đông lam khói gọi cò về tổ trĩu cành tre..

Qua vòm cổng "đời tân"..

Chúng tôi vào thăm ngôi nhà vào loại "cổ" nhất Đường Lâm..Văn tả không được, ảnh minh họa cứ như vẻ làm mầu..Phải đến tận nơi, mà chiêm, mà ngắm, mà nghĩ, mà luận.. Đường Lâm cổ mức bậc nào ?

Chớp ảnh làm bằng, mà ảnh không đăng, mượn chú thích làm hình, từ trái sang: Nhà thơ Hoàng Xuân Họa/ chủ nhà cổ trong "làng phục áo nâu tàu"/ Người đưa tin tên Bảy/ Nhà văn Nguyễn Tiến Lộc/ Vợ người đưa tin, tên Liên/ Nhà văn Hà Nguyên Huyến, con trai làng cổ Đường Lâm thứ thiệt/ và..nhà thơ Bích Ngọc../ Nhà thơ Trần Vân Hạc đứng chớp ảnh không lưu hình..

Hà Nguyên Huyến đưa chúng tôi đi qua một sân chum tương để lên nhà anh..

Làng cổ, chớp bức ảnh nào cũng thấy cổ, không chỉ cổ bởi rêu phong, bởi sắc mầu thênh thếch, mà quan trọng hơn, thưa ba, con gái tôi chen nói, quan trọng ớ cái nếp cổ của men mặt, của sắc cười của tục sống, của thói nghĩ, của nếp nhà, của hương ước, của tình nghĩa xóm làng, thuần Việt, Việt cổ, mà giờ đang bị tây-tầu hóa nguy cơ mai một đua đòi thời trang..

Con gái tôi, họa sĩ, cháu đã sống nhiều tháng như một cô thôn nữ chính hiệu Đường Lâm, để chép lại thanh sắc dáng hình làng Đường Lâm cổ, trước là cho vợ chồng nửa tây, nửa ta của cháu, sau là cho con cháu của cháu biết mà nhớ về quê ngoại..

Chúng tôi ngồi chăm chú như những trò nhỏ thời ấu thơ, nghe thầy giáo làng kể lan man những tích Đường Lâm cổ..

Lòng tôi lại âm âm vang thơ, những câu thơ mặn chát xa quê:/ Ly hương ư? Mắt bà heo may/ Lưng còng ngồi se sợi gió/ Nhà cha giột ai lên rừng tìm tre nứa/ Canh bờ rào mẹ nấu để ai ăn../

Hà Nguyên Huyến không nghe thơ mà như cảm hiểu tất cả. Chúng tôi vừa ăn cơm, món không thua kém nhà hàng "xịn" ngoài tỉnh. Thịt gà luộc lá chanh chấm tiêu/ Miến xào 18 vị đặc sản "Huyến Đường Lâm"/ Dưa cải muối xổi chấm tương (cũng đặc sản)/ và..rau thì tươi hết cỡ, khoe, vừa sang vườn nhà hoang, xem không ảnh, hái..làm quà..

Huyến đã đúng trong bài giảng lan man làng cổ của mình: Yên bình vô cùng, vững chắc vô cùng..truyền thống Việt cổ trường tồn cùng người Việt..

Một thực tế: Nào mấy ai ở  mãi được với quê? Đất Ba Vua thiếu gì  người nuôi mộng công danh. Đất Ba Vua thiếu gì người khoe tài cơm áo. Quê cổ hay tân không buồn, không vui, không nỡ trách một lời. Cứ ly hương mà tung hoành ngang dọc, vai quê rộng lắm, lòng quê ấm lắm, hỡi người xa quê, lúc đói lòng, khi đuối sức, hãy về tựa hồn gốc quê mà chân cứng đá mềm..

Nguyễn Nguyên Bảy
99 BÀI VĂN NGẮN MỞ LÒNG..
Bài 5. Tựa Gốc Hồn Quê
Văn Ngắn bt lại tại Sugar Land Texas Hoa Kỳ July 2021.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét