99 BÀI VĂN NGẮN MỞ LÒNG
Bài 19. NGUYỄN NGUYÊN BẢY – LÝ PHƯƠNG LIÊN.
MỘT TẤM LÒNG NHÂN.
1. Gặp lại anh.
Vào năm 1972.
Tiếng còi báo yên vừa dứt anh cùng nhiều người vội lao đến nơi bị bom Mỹ ném trúng. Vào sâu trong đống đổ nát anh thấy một thanh niên đã chết với mười đầu ngón tay bị cháy mùi thịt khét lẹt mà xương ngón tay còn đang bốc khói.
Anh cùng bạn cứu nạn khiêng người chết ra ngoài, xung quanh anh, tiếng kêu đau đớn của người bị thương xen lẫn tiếng gào thét của người thân nạn nhân. Ngay lúc đó anh cảm nhận được sự tàn bạo, mất mát, sự dã man của chiến tranh. Anh thương xót cho chính bản thân, cho con người và cho cả đất nước mình.
Tôi đã gặp anh từ 25 năm trước với tư cách là Phó giám đốc một công ty xây dựng tư nhân. Lúc đó tôi đã đọc các tiểu thuyết của anh: Đêm chẳng của riêng ai, Ma trận tình, Tình biển, Linh hồn lang thang, Giọt đắng… Khá thích thú. Nhất là 2 cuốn “Ma trận tình” và “Tình biển”. Vậy mà mấy năm quen anh tôi không hề biết anh đã viết văn, làm thơ và đã có hơn chục cuốn tiểu thuyết được in mà trong số đó tôi đọc không ít. Ngày đó anh ít nói hầu như không nói gì về nghề nghiệp, về gia đình mình.
Từ năm 1997 – 1998 tôi không gặp lại anh nữa.
Khoảng tháng 7/2013 tôi nghe nhà văn Châu La Việt nhắc tới anh qua sự kiện ra mắt: tập 1, tập 2 “Thơ bạn Thơ” và “Văn bạn Văn 1” với đầy sự ngưỡng mộ và ái mộ tài thơ và tấm lòng quảng giao. Vào tháng 10 năm đó TS Phạm Quang Trung đến thăm thư viện của tôi cũng nhắc tới anh chị và rủ tôi đến thăm vợ chồng nhà thơ Nguyễn Nguyễn Bảy.
Sau 15 năm giờ mới gặp lại tôi không nhận ra anh và hình như anh cũng như vậy. Riêng tôi thấy ở anh có nét quen quen mà không nhớ gặp ở đâu. Tôi cũng không dám ngỏ lời sợ mang tiếng “thấy người sang bắt quàng làm họ”
Tôi kể anh nghe khá chi tiết về hoạt động của thư viện, của CLB NYS. Anh nói: “Việc làm của cậu rất tốt, rất ý nghĩa, tôi sẽ ủng hộ cậu:.
Khi ra về anh chị tặng cho chúng tôi ba cuốn đầu của Thơ Bạn Thơ và Văn Bạn Văn.
Bẵng đi khoảng một năm đột nhiên anh gọi điện mời tôi đến. Cũng như lần trước, anh và vợ – nhà thơ Lý Phương Liên, tiếp chuyện tôi. Hôm đó anh chị kể cho tôi nghe về cuộc đời gian khổ của mình. Anh nói anh cũng đã từng làm thầu xây dựng.
Nghe đến đó tôi lập tức nhớ đến anh và các tác phẩm của anh mà tôi đã có. Tôi vừa định bật ra lời thì anh đã nói:
Tôi biết cậu là cậu Cường công ty 32.
2. Một tấm lòng chân thành
Lớn lên và trưởng thành trong giai đoạn ác liệt nhất của cuộc Chiến Tranh Nam Bắc, ở miền Bắc anh chị đã chứng kiến, cảm nhận được sự hy sinh mất mát của dân tộc. Nhiều lần trò chuyện anh nói về chiến tranh và sự hy sinh của thanh niên nam nữ. Với tuổi đời rất trẻ, họ chưa biết đến hương vị của tình yêu, hương vị của cái hôn, của sự âu yếm chứ đừng nói đến chuện quan hệ nam nữ.
Sống trong hạnh phúc gia đình bên cạnh vợ con nên anh càng thấu hiểu sự hy sinh khi chứng kiến những đám cưới vội vã của gia đình có con trai sắp lên đường nhập ngũ. Với họ chỉ là vấn đề duy trì nòi giống. Họ đến với nhau do gia đình hai bên tìm hiểu, sắp đặt. Sau vài ngày cưới người con trai lên đường vào Nam bỏ lại sau là người vợ đang mơn mởn ngày ngày còm cõi nhớ nhung. Mà cái nhớ ấy không phải cái nhớ thổn thức của tình yêu mà chỉ là cái nhớ ái ân đầu đời.
Trước cái đau ấy. Thơ anh viết:
…
Chúng tôi thành cát bụi cả rồi
Những người con gái con trai thiết tha yêu đất nước
Chúng tôi hy sinh trăm ngàn cách khác nhau
Người còn nguyên hài cốt
Người chỉ là tờ báo tử mầu xanh
…
Chúng tôi chết khắp mọi miền đất nước
Rừng dài biển thẳm non cao
Chúng tôi người vừa tân hôn
Người trầu cau mới dạm
Người đã có con dâu con rể
……
Và lời thổn thức xót xa
Anh không thể trở về xin em đừng đợi
Đừng một đời ở giá với tình yêu
Bao hồn trinh than tiếc ước ao
Được một lần âm dương ôm ấp
(Lời Nghĩa Trang)
Nhà thơ Nguyễn Nguyên Bảy là một người cần kiệm và luôn coi trọng sức lao động, cống hiến của mình và mọi người. Một lần anh đưa cho tôi xem Giấy chứng nhận CHIẾN SĨ THI ĐUA cấp TP.HCM và nói:
“Đây là giấy chứng nhận tôi rất quí, quí hơn tất cả mọi thứ huân chương niên hạn nào! Giấy này chứng nhận thành tích lao động của tôi, một thành tích đích thực do anh em cơ quan bầu. Tôi chỉ giữ duy nhất cái giấy nhỏ nhắn”.
Rồi anh nói tiếp:
“Tính theo năm công tác tôi được nhà nước cấp Huân chương Kháng chiến hạng II nhưng tôi không nhận vì huân chương đó là huân chương niên hạn, người làm tốt kẻ lười lao động, thằng trộm cắp chưa bị phát hiện đều được nhận”.
Chính vì vậy anh làm nhiều nghề để kiếm sống, để nuôi vợ con, nhưng những công việc đó phải là việc không phi pháp.
Anh có thể chi hàng trăm triệu đồng in sách tặng mọi người nhưng anh là người rất tiết kiệm, anh nói:
“Tôi làm việc cật lực để kiếm những đồng tiền chính đáng nuôi gia đình, đó là đồng tiền mồ hôi nước mắt nên sử dụng làm sao phải có ích, không lãng phí nhưng cũng không ki bo hà tiện”.
Thật vậy anh rất trân trọng đồng tiền mồ hôi nước mắt của mình của mọi người, nhiều bạn bè, người thân Tết lễ mừng tuổi anh chị nhưng anh chị chỉ nhận tượng trưng để họ vui lòng.
Tôi đã ăn cơm với anh chị nhiều lần, cả ở nhà riêng và nhà hàng, anh chị không bao giờ gọi món nhiều, nấu nhiều quá khả năng ăn uống của mình và khách nhưng anh chị luôn yêu cầu khách được mời tự chọn món ăn ưa thích của mình. Anh chị cũng nhiều lần lên án những bữa ăn nhậu nhẹt thừa thãi, tốn kém.
Nhà thơ Nguyễn Nguyên Bảy – Lý Phương Liên sống với bạn bè cũng rất chân thành. Nếu ai gặp khó khăn trong cuộc sống hoặc khi bệnh tật ốm đau anh chị luôn động viên và tài trợ ít nhiều về vật chất. Như: Đỗ Thủy Hà, Nguyễn Khắc Phục…
3. Thơ văn tình người
Với những người yêu thơ văn nay ở tuổi 60-70 trở lên đều có thể biết đến tai nạn chữ “nghĩ về Thúy Kiều” (1970). Đối với nhà thơ Lý Phương Liên và 15 chữ: “Thơ là thơ, thơ không phải là địa vị xã hội của người làm thơ” (1972) của anh. Và từ đó anh chị gần như không xuất hiện trên văn đàn nhưng viết thì anh vẫn viết, anh từng nói:
“…Tôi không có thói quen chọn ngày làm việc, chọn tháng làm việc và chọn giờ làm việc. Với người nghèo thì phải tranh thủ, bất cứ lúc nào có thời gian cũng tự động làm việc. Cứ có 30’ nhàn rỗi là có thể làm thơ…”
Chính vì vậy đến nay anh có gần trăm bản thảo đánh bằng máy chữ thời xa xưa.
Năm 1987, văn học nghệ thuật bắt đầu được cởi trói nhà văn Nguyễn Nguyên Bảy in liền một mạch gần chục cuốn tiểu thuyết. Đây cũng là lần đầu tiên tôi đọc sách của anh, tôi rất thích đọc những quyển: Đêm chẳng của riêng ai, Ma trận tình và Tình biển. Các tác phẩm của anh đều là những câu chuyện tình đầy thổn thức và ngang trái. Thoạt đầu đọc thấy chất bi, chất hài nhưng đọc kỹ sẽ thấy tác giả lồng vào trong ấy nhiều suy nghĩ táo bạo về thời cuộc về cuộc sống về sự kiện chính trị-xã hội đang diễn ra. Sau này khi “đò đưa” với tôi ông nói thời kỳ đó ông viết rất nhanh với tốc độ 5 cuốn/năm. Ví dụ: Cuốn Tình Biển sau khi phỏng vấn các nhân vật ông viết có 10 ngày là xong. Thật là sức làm việc kinh khủng.
Trong năm 1988 ông cũng cho ra mắt tập thơ mỏng có tựa THƠ NGUYỄN NGUYÊN BẢY do NXB Văn nghệ TP.HCM cấp phép.
Thực tế đã có nhiều tác phẩm văn xuôi của anh được in từ năm 1979 với:
Lối thoát/ Đêm trắng (1980). Đất hẹn (1985)./ Vượt dốc (1986)
… Và khoảng 10 cuốn lẻ, nếu tổng cộng lại có hơn 24 đầu sách ra đời từ năm 1979 đến 1988.
Năm 2010 từ câu chuyện của một cựu chiến binh đã từng đọc thơ của Lý Phương Liên từ chiến trường miền Nam khốc liệt thợ chống Mỹ và đã hâm mộ thơ chị, ông tìm kiếm chị bao năm và đã kiếm được số điện thoại gọi điện được cho anh chị, được tin anh chị đã đến gặp người cựu chiến binh đó. Sau cuộc gặp gỡ đó vợ chồng anh đã quyết định thời điểm quay lại với thơ. Kế hoạch mà anh chị đã ấp ủ hơn 10 năm trước. Anh kể:
-.Ngay từ cuối thế kỷ XX tôi đã mở một sổ tiết kiệm ngân hàng. Hàng tháng, hàng tuần tôi gửi vào khoản tiền nho nhỏ, tích tiểu thành đại… Số tiền lớn dần để đến khi bắt tay vào làm sách tôi đã có một số tiền lớn, số tiền này tôi chỉ dùng duy nhất trả tiền in sách.
Tập thơ đầu tiên ra mắt bạn đọc sau bao năm “ủ mưu” là tập NGUYỄN NGUYÊN BẢY THƠ do NXB Văn học cấp phép và in tại nhà in Người Hà Nội vào quý II/2010 khổ 20x20 cm, bìa cứng dày gần 500 trang, giấy tốt in chỉ 500 cuốn. Đặc biệt trong cuốn này có in hơn chục phụ bản là tranh của con gái anh chị - Nguyễn Lý Phương Ngọc.
Trong lời mở đầu rất khiêm tốn, anh viết: “Tôi không phải là nhà thơ, tôi chỉ là người chép chữ, xuôi thì bảo là văn, vần bảo là thơ. Tôi chép từ hồi học tiểu học Lương Yên – vào những năm đầu tiếp quản Thủ đô. Bạn trong lớp gọi đùa là Trương Chi. Chép chữ suốt từ ngày ấy đến giờ, ngày nào ít nhiều cũng chép…”
Rồi anh cũng cho biết lý do ra tập thơ đúng dịp 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội.
- Sáng tôi ngồi ghế đá Bờ Hồ, nhìn đồng hồ điện tử báo còn 123 ngày nữa là Đại lễ Thăng Long ngàn tuổi. Giật mình nhớ ra mình cũng đã trước thềm 70 thu. Lời hứa những chép này chóng chầy gì cũng được in ra.
Đã làm thì phải làm ra hồn. Anh chị bắt tay vào biện tập, soạn lại các bản thảo cũ, dàn trang với sự tham gia của con gái Phương Ngọc. Phương Ngọc vẽ bìa sách nên tháng 2/2011 tập thơ CA BÌNH MINH dày 100 trang gồm 46 bài thơ của nhà thơ Lý Phương Liên đã ra mắt bạn đọc bằng những buổi chào sách ở Hà Nội và Tp Hồ Chí Minh như tập NGUYỄN NGUYÊN BẢY THƠ trước đây đã từng làm.
Tháng 5/2011 lại ra tiếp tập thơ THỦNG THẲNG VỚI THƠ. Trong đó có 9 bài thơ của chị, 40 bai thơ của anh, 27 ảnh chụp tranh sơn dầu của Phương Ngọc. Đặc biệt còn dành gần 100 trang cuối với phần 4 đề tựa: THỦNG THẲNG VỚI THƠ gồm 14 chương tự sự, nó như một tuyên ngôn về sáng tác thơ, quan niệm thơ của anh.
Với lòng yêu thơ, văn mãnh liệt nên anh chị đã sưu tầm được hàng nghìn bài thơ, bài văn hay của những người làm thơ văn từ xưa đến nay và tập hợp in trong các tập: THƠ BẠN THƠ, VƯỜN NĂM NHÀ (in thơ của 5 nhà thơ do anh chị tuyển chọn).
“Cám ơn các đấng sinh thành đã gây dựng nền thơ Việt Nam. Cám ơn các thi nhân tiền bối giờ nay nơi cõi khác vẫn mong đợi ngâm thơ con cháu. Cám ơn và kính dâng lên miền thiêng thơ những áng thơ thời chúng tôi đang sống.
Cám ơn thơ, cám ơn các người thơ cao cả đã ban cho chúng tôi vinh dự thực hiện ước mơ tự nguyện được đọc được chọn và quảng bá những bông thơ bầu bạn. Bảo là ước mơ tự nguyện bởi đây là sự tri ân đạo lý với thơ và các bạn thơ đã sinh dưỡng đức tin, trợ cứu đời sống, chỉ dạy chúng tôi tu thân sống làm người tử tế…”
Lời tựa cho tập “Thơ bạn Thơ”
Vâng! Anh chị đã lựa chọn các bài thơ và xin phép tác giả được đưa vào sách. Anh chị cám ơn họ vì họ đã làm thơ cho mình và cho mọi người đọc khi anh chị dùng thơ họ in không phải để bán mà chỉ là để tặng những người yêu thơ.
“Cảm ơn các bạn thơ mở lòng đón nhận tập THƠ BẠN THƠ, xin hỉ xả chúng tôi kiểu văn giới hạn trước vườn thơ trăm hoa, khó tránh việc đọc chọn còn nhầm quên mạch nguồn tiềm ẩn…”
Lời tựa cho tập “Thơ bạn Thơ”
Anh chị không những cám ơn bạn thơ mà còn kêu gọi sự đồng lòng để tiếp tục hành trình THƠ BẠN THƠ.
“Cám ơn bạn thơ đã hưởng ứng, trợ sức chọn đọc, phát hiện thơ. Xin nắm tay nhau, đồng lòng, hiệp sức cùng đi tiếp hành trình THƠ BẠN THƠ”.
Bên cạnh THƠ BẠN THƠ anh chị còn biên soạn 2 tập VĂN BẠN VĂN. Đây cũng là tuyển chọn của anh chị với những áng văn hay, độc đáo, mới lạ.
Tôi có cảm tưởng anh chị làm hai tập này để dâng lên hương hồn nhà văn Trần Hoài Dương. Thủa sinh thời ông là một người bạn tri kỷ, tri ân của anh chị. Ngay trang đầu anh chị đã viết một bài với tựa đề “Cửu tụng tiễn bạn văn” trong sách VĂN BẠN VĂN 1 như một lời điếu Trần Hoài Dương, rất chân thành và rất cảm động.
“Dương ơi! Thật khó mấy ai chọn nghiệp văn chương, mà khu vực văn chương ấy lại là văn chương cho thiếu nhi, thủy chung như Dương nhỉ? Không quá lời nếu nói rằng ai muốn là một người viết văn chân chính sẽ chọn một tượng đài nào đó để tu thân nhân cách. Tôi chọn Trần Hoài Dương là một trong số không nhiều những tượng đài ấy…
Năm mới 2020, năm Canh Tý, cũng là kỷ niệm 50 năm thơ Lý Phương Liên đi vào đời sống xã hội tạo một tiếng vang ít có trong văn đàn. Em chúc anh bước vào tuổi 80, chị vào tuổi 72 vẫn nhiều sức lực để tiếp tục đưa đến cho bạn đọc những áng thơ văn hay, độc đáo của bạn văn, bạn thơ và của chính mình.
Vâng! Anh là nhà thơ, nhà văn Nguyễn Nguyên Bảy.
Từ đó trở đi tôi thỉnh thoảng đến thăm anh chị. Nếu thấy lâu lâu tôi không đến thì chính anh gọi điện nhắc nhở tôi. Mỗi lần đến tôi đều được anh chị tặng sách và mời ở lại ăn cơm. Anh chị thường hay hỏi thăm về hoạt động của thư viện CLB và luôn động viên, khuyến khích, sẵn sàng tặng tôi và nhóm thư viện tư nhân mà tôi hợp tác hàng trăm cuốn sách mà anh chị xuất bản.
Sau này khi nghe tôi có quen anh Bảy chị Liên thì những nhà văn như: Nguyễn Mạnh Tuấn, Nhật Tuấn, Lê Quang Trang, Nguyễn Quang Thân, Dạ Ngân, Lê Sơn… Đều nói rất ngưỡng mộ việc làm cũng như nhân cách của anh chị.
Đến nay anh chị đã ra được 9 tập THƠ BẠN THƠ, 2 tập VĂN BẠN VĂN, 3 tập VƯỜN NĂM NHÀ, 4 tập CHÉM GIÓ MUÔN MÀU và các tập thơ văn của anh chị. Tất cả đã trên 20 đầu sách đều in với số lượng 1.000 bản mỗi tựa sách. Điều đáng nói số lượng sách in ấy đều dùng để tặng cho những người yêu thơ văn bằng nhiều hình thức như ở gần thì trao tặng tại nhà, ở xa thì gửi tặng qua đường bưu điện. Ngoài ra anh chị còn tổ chức các buổi “Chào sách” để giới thiệu và trao tặng sách cho bạn bè, người thân cũng là để cám ơn bạn thơ, bạn văn, bạn bè đã giúp đỡ tuyển chọn, động viên anh chị tiếp tục dấn bước trên con đường khai sáng văn hóa đọc và bảo tồn văn hóa nước nhà.
Tôi vô cùng trân trọng những việc làm đầy tính nhân văn của anh chị. Nó chỉ xuất phát ở người có tấm lòng nhân, giàu cảm xúc, thương thân, thương đời, giàu lòng trắc ẩn mới có thể làm được.
Sài gòn ngày cuối 2019.
P.T.C/ Ấn phẩm Người yêu sách sô 96 (tháng 1.2020), trang 11.
99 BÀI VĂN NGẮN MỞ LÒNG
Bài 19. NGUYỄN NGUYÊN BẢY – LÝ PHƯƠNG LIÊN.
MỘT TẤM LÒNG NHÂN.
Sugar Land Houston Texas Hoa Kỳ. July 2021.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét