Chủ Nhật, 12 tháng 9, 2021

Nv PHÙNG THÀNH CHỦNG / Tiểu thuyết / THỦY SƠN KIỂN Chưởng 1,2 và 3.



Nv PHÙNG THÀNH CHỦNG


Tiểu thuyết
THỦY SƠN KIỂN
Chưởng 1,2 và 3.


BNN: Thủy Sơn Kiển là tên một quẻ dịch, bạn tôi, Nv Phùng Thành Chủng đã lấy tên quẻ dịch này làm tựa đề cho cuốn tiếu thuyết viết miệt mài âm ỷ từ nhiều năm nay. Bạn gửi cho tôi, tôi băm bổ đọc, đọc quên ngủ luôn, vừa đọc vừa chăm chút vi tính lại cho thich hợp với fb và blog của minh để nhanh chóng post tặng bạn đọc. Thủy Sơn Kiển là quẻ bi ám bậc nhât trong dịch học, vậy mà tiểu thuyết vào một đời người thì xót xa cay đáng nhường bao. Văn có mầu dịch học, nhưng thật mộc mạc, dễ hiều, lôi cuốn và ấm áp tình người. Cảm ơn tác giả và trân trọng giới thiệu..


1
Nó sinh giờ Tuất ngày mười tháng mười năm Canh Dần (Tây lịch là ngày 19 tháng 11 năm 1950). Lá số Tử Vi của nó, cung Thiên bàn ghi:

Lạc Âu Phùng: Canh Dần niên, thập nguyệt, sơ thập nhật, Tuất thời. Dương nam, mộc (tùng bách) mệnh, hoả cục. Theo đó, vị trí của12 cung và sự phân bố các sao:

Mệnh cư Sửu: Vũ Khúc, Tham Lang, Tả Phụ, Hữu Bật, Đường Phù, Hoá Quyền, Hồng Loan, Tấu Thơ, Địa Không, Quả Tú, Trực Phù, Dưỡng.

Phụ Mẫu cư Dần: Cự Môn, Thái Dương, Văn Khúc, Thiên Việt, Thiên Trù, Hoá Lộc, Trường Sinh, Thái Tuế, Phi Liêm.

Phúc cư Mão: Thiên Tướng, Đào Hoa, Thiếu Dương, Hỉ Thần, Thiền Tài, Lưu Hà, Thiên Không, Mộc Dục, Đẩu Quân.

Điền cư Thìn: Thiên Cơ, Thiên Lương, Thai Phụ, Quốc Ấn, Bát Toạ, Thiên Khốc, Tang Môn, Bệnh Phù, Quan Đới, Thiên La, Địa Giải.

Quan cư Tỵ: Tử vi, Thất Sát, Thiên Giải, Thiếu Âm, Lâm Quan, Cô Thần, linh Tinh, Đại Hao.

Nô (Vô chính diệu) cư Ngọ: Thiên Khôi, Thiên Phúc, Long Trì, Đế Vượng, Thiên Quý, Thiên Hình, Quan Phù, Phục Binh, Thiên Thương.

Di (vô chính diệu) cư Mùi: Nguyệt Đức, Thiên Hỉ, Đà La, Tử Phù, Quan Phủ, Suy.

Ách (vô chính diệu) cư Thân; Lộc Tồn, Thiên Mã, Phượng Các, Giải Thần, Bác Sĩ, Ân Quang, Thiên Sứ, Thiền Hư, Tuế Phá, Bệnh.

Thân cư Tài Bạch (tại Dậu): Liêm Trinh, Phá Quân, Long Đức, Lực Sĩ, Địa Kiếp, Kình Dương, Phá Toái, Tử.

Tử (vô chính diệu) cư Tuất: Thiên Y, Thanh Long, Tam Thai, Thiên Riêu, Bạch Hổ, Địa Võng, Hoa Cái, Mộ.

Thê cư Hợi: Thiên Phủ, Lưu Niên Văn Tinh, Thiên Quan, Thiên Đức, Phúc Đức, Thiên Thọ, Kiếp Sát, Hoả Tinh, Tiểu Hao, Tuyệt.

Bào cư Tý: Thiên Đồng, Thái Âm, Văn Xương, Phong Cáo, Hoá Khoa, Hoá Kỵ, Điếu Khách, Tướng Quân, Thai

Hai sao Tuần, Triệt đồng cư tại Ngọ (Nô Bộc) và Mùi (Thiên Di)

Vô tình hay hữu ý, lá số chỉ có phần lập trình, thiếu mất phần luận đoán! Không mách bảo được điều gì, trái lại - thật trớ trêu - phần còn thiếu của lá số, với nó, cứ lơ lửng như là một ám ảnh về cõi nhân sinh trong cuộc hành trình tìm lại cái “bản lai diện mục” của mình! Phải chăng đó là một bi kịch, khi - ở cực này - con người tin vào thượng đế, nhưng qua đó cho mình cái quyền nhân danh Thượng đế nắm giữ trong tay chìa khóa cánh cửa số phận của các tín đồ, và - ở cực kia - con người phủ nhận Thượng đế, nhưng không phải phủ nhận để phủ nhận mà với tham vọng thiết lập với các tín đồ vai trò Thượng đế của mình!


2

Trí nhớ của con người thật tuyệt vời nhưng cũng thật nghiêm khắc và lạnh lùng. Ở từng trường hợp cụ thể và với mỗi con người cụ thể, nó biết nhớ những gì cần nhớ cũng như biết quên những gì nên quên. Với nó, không có sự phụ thuộc về thời gian - nếu lấy khái niệm thời gian làm thước đo. Điều đó lý giải vì sao có những sự kiện xẩy ra chỉ vừa đây thôi, ta đã chẳng còn nhớ nữa; ngược lại, có những sự kiện xẩy ra từ nhiều chục năm về trước, song - với ta - nó vẫn tươi ròng như mới hôm nào. Ở đây, có lẽ phải kể đến vai trò của các giác quan, những bộ phận rất nhạy cảm với những gì đang được bộ nhớ lưu giữ. Bởi chỉ cần một tín hiệu của ngoại cảnh “chạm” đến một trong những chương trình được “cài đặt”, lập tức - như một phản xạ có điều kiện - giác quan nơi nhận sẽ “lệnh” ngay cho bộ nhớ, và - cũng ngay lập tức - những dữ liệu cần thiết sẽ được lấy ra

Với nó, đó là ấn tượng về một bài hát. Nhiều chục năm đã trôi qua, bài hát đó bây giờ không còn thấy ai hát nữa, nhưng trước đây chỉ nghe đến câu mở đầu: “Kết đoàn chúng ta là sức mạnh” là nó như người bị ám thị! Một đứa trẻ mới năm, sáu tuổi là nó ngơ ngác không hiểu tại sao trong khi những đứa trẻ khác cùng chạc tuổi nó được là “đội viên nhi đồng”, tối tối được tập trung sinh hoạt, được các anh, các chị phụ trách dạy học múa, học hát, còn nó thì không (?!) Trong cái đầu còn non nớt của nó, nó chưa thể biết được những gì đang xảy ra xung quanh, liên quan đến những chuyện của người lớn. Bởi vậy, nó chỉ đơn giản nghĩ rằng có thể nó bị bỏ sót, có thể do một sự sơ xuất nào đó mà người ta quên mất nó, người ta đã không nhớ ra còn có một đứa trẻ khác là nó hiện đang tồn tại trên cõi đời này

Một buổi tối mùa đông, dưới ánh sáng của ngọn đèn bão nơi sân đình làng, khoảng năm, sáu chục đứa trẻ xấp xỉ tuổi nó, trai có, gái có, được anh phụ trách “cầm càng” đồng thanh hát bài hát ấy - bài “Kết đoàn” mở đầu buổi sinh hoạt. Cách đó không xa, phía sau lưng anh phụ trách và đứng day mặt về phía lũ trẻ là nó. Hai hàm răng va vào nhau lập cập vì rét, vì cảm giác lẻ loi của kẻ ngoài cuộc, nhưng nó lại toát mồ hôi vì ước muốn được hoà nhập với đám đông những đứa trẻ bạn nó, đã khiến đôi chân nó từng lúc, từng lúc tiến dần về phía ánh đèn. Bây giờ thì không thể được nữa rồi! Khoảng cách giữa nó và lũ trẻ đã được rút ngắn đến mức nó có cảm tưởng chỉ cần anh phụ trách lùi một bước và vung tay ra là chạm phải nó, và, nếu được vào “sinh hoạt”, chỉ ba bước, nó đã ngồi ở hàng đầu ngay dưới chân anh. “Báo cáo anh, còn bạn Phùng ạ!” - Giá đứa nào nhắc với anh phụ trách sự có mặt của nó! Giá anh phụ trách quay lại: “Ơ, Phùng! Sao em lại đứng đây? Vào hàng, sinh hoạt với các bạn đi em!” - Nó tưởng ra như thế và mong điều đó sẽ xẩy ra, nhưng chẳng ai để ý đến nó cả. Lũ trẻ vẫn đang chăm chú ngồi nghe, còn anh phụ trách thì vẫn đang say sưa nói. Ngây thơ và rất trẻ con, nó quay qua kịt kịt mũi để đánh động. Rồi, có lẽ cảm thấy như thế vẫn chưa đủ, ngoài kịt mũi, nó còn hắng giọng và ho gằn. Việc làm không bình thường và lộ rõ là có ý đồ của nó đã khiến lũ trẻ chú ý.

- Các em trật tự!  - Tiếng nhắc nhở của anh phụ trách làm nó giật mình! Mong khơi gợi nơi anh lòng trắc ẩn và nhận được ở anh sự thương hại, nó cúi gằm mặt như kẻ có lỗi - “Ơ, Phùng! Sao em đứng đây?...” - Nó chờ anh quay lại và chờ để được nghe một câu nói như thế hoặc tương tự thế; nhưng không, anh vẫn đang nói với những đứa kia: “Các em phải thấy vinh dự và tự hào đã được đứng trong hàng ngũ của Đội, bởi có những em dù muốn cũng không được, vì hàng ngũ chúng ta không có chỗ đứng cho con em bọn cường hào, ác bá, bọn địa chủ, phong kiến bóc lột - Lúc này anh mới quay lại và chỉ vào nó -  cụ thể, như em Phùng đây!”

Thì ra, không phải anh phụ trách không nhận ra sự có mặt của nó! Không phải nó bị quên, bị người ta bỏ sót như nó vẫn tưởng!

Tai nó ù đi! Đất dưới chỗ nó đứng như đang sụt! Lòng tự trọng bị tổn thương, nó mếu máo vùng chạy ra khỏi sân đình. Như người bị đánh oan, tiếng khóc của nó lúc oà ra nức nở, lúc tức tưởi nghẹn ngào. Từ đình làng về nhà nó, dọc theo hai bên con đường nhỏ ngoằn ngoèo lát gạch nghiêng là những luỹ tre được vậy quanh bởi những bụi mây mái um tùm, là ao chuôm, miếu mạo, cầu quán - Những nơi nó nghe người ta kể có những con Ma, con Nam quần áo trắng lôm lốp, đêm đêm vẫn thường hiện lên để nát người, khiến nó chưa một lần dám nghĩ đến chuyện đi qua một mình vào ban đêm. Nhưng đêm hôm đó, lần đầu tiên, nó chẳng còn thấy sợ như mọi lần. Cũng chẳng thấy con Ma, con Nam nào hiện ra để nát nó cả. Chỉ có tiếng hát của lũ trẻ đồng thanh hát bài “Kết đoàn” kết thúc buổi sinh hoạt từ sân đình vẳng đến như vẫn đuổi theo nó


3

Cải cách ruộng đất. Với tài sản mười thước đất ở, năm gian nhà tranh và bốn sào ruộng cấy, nhà nó được xếp thuộc thành phần bần nông. Bần nông nhưng nằm trong hàng ngũ giai cấp phong kiến bóc lột! Lý do: Bố nó là thầy cúng!

Tiếp theo việc người ta tuyên bố nó không được vào Đội, nó đã chứng kiến cảnh bố nó run lên vì sợ khi đội thiếu niên với dàn trống ếch trợ oai tiến vào nhà nó. Sau mỗi tiếng hô: “Đả đảo bọn phong kiến bóc lột” của đứa cầm trịch là tất cả mấy chục cánh tay lại nhất loạt giơ lên, hạ xuống cùng đồng thanh: “Đả đảo! Đả đảo! Đả đảo!” Trong khi lực lượng dân quân có nhiệm vụ chuyển những pho tượng Phật nơi gian điện thờ nhà nó mang đi. Sau đận ấy, tinh thần bố nó sa sút hẳn. Không một buổi họp nhân dân nào bố nó dám vắng mặt và là người luôn gương mẫu trong việc chấp hành các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước đề ra. Điều đó giải thích vì sao bố nó đã sốt sắng tham gia phong trào tổ đổi công ngay từ những ngày đầu thành lập và là một trong những người đầu tiên làm đơn xin vào Hợp tác xã

Cũng may, nó còn được đi học. Người ta không cấm nó đến trường! Nhưng các sinh hoạt đoàn thể của trường, nó vẫn không được tham gia! Giờ chào cờ hoặc khi xếp hàng vào lớp phải đứng cuối vì không có khăn quàng đỏ (không phải là đội viên). Chưa kể những chuyện trớ trêu: Không được học hát, học múa, nó chẳng thuộc một bài hát nào cho đến đầu, đến đũa. Điều đó dẫn đến việc: Thường đầu giờ học, cả lớp - theo lệnh của đứa quản ca - phải đồng thanh hát một bài. Những khi như thế, nó chỉ còn biết ngồi nghe! Vì việc này, các thầy cô giáo đã cho nó là thiếu ý thức tổ chức kỷ luật, nghĩa là kéo theo điểm hạnh kiểm kém, mà nó không biết kêu ai!

Những bài ca dao và những chuyện kể mang nội dung chống mê tín dị đoan được đưa vào chương trình giảng dạy trong sách giáo khoa môn văn cũng làm khổ nó:

Chập chập rồi lại cheng cheng

Con gà trống thiến để riêng cho thầy

Đơm xôi thì đơm cho đầy

Đơm vơi thì Thánh nhà thầy mất thiêng!

Nó đã tái mặt, còn hai tai thì nóng lên, cảm tưởng như mấy chục cặp mắt của những đứa bạn cùng lớp đang đổ dồn vào nó trong giờ giảng văn hôm đó. Loáng thoáng tiếng thầy giáo, nhưng rõ ra tiếng thì thào của bọn con trai và những tiếng cười khúc khích của bọn con gái. Nó bậm môi để khỏi oà khóc và để ngăn những dòng nước mắt chỉ chực trào ra. Rồi bài luận văn “Phù thuỷ sợ ma”: Một thầy phù thuỷ vẫn thường khoác lác với vợ về tài “trừ tà, tróc quỷ” của mình. Để thử xem thầy “cao tay ấn” đến đâu, nhằm một lần thầy đi làm lễ phải về khuya, vợ thầy đã đón đường với cục than hồng trên tay, giả làm “ma trơi” để doạ thầy! Lúc đầu thầy còn làm bộ “cứng”, cũng bắt quyết, cũng đọc thần chú, nhưng sau đó thấy “con ma trơi” làm dữ quá, thầy đã sợ đến ríu lưỡi, phải quẳng bỏ cả xôi chuối và cái thủ lợn người ta biếu để chạy và chạy cho nhanh! Hôm sau, thấy trên mâm cơm vợ dọn ra, cũng có xôi chuối, thủ lợn - những thứ như người ta biếu hôm trước - thầy đã buột miệng: “Ủa! Sao thủ giống thủ, xôi giống xôi?”. Lúc này, vợ thầy mới tủm tỉm: “Thủ chẳng giống thủ, xôi chẳng giống xôi thì giống gì? Hay là giống cái con “ma trơi” tối hôm qua?!” Nghe thế, biết là bị mắc lừa vợ, thầy ngượng quá, từ đấy trở đi không còn dám phét lác nữa!” Đề bài luận văn lần đó: “Em hãy tóm tắt nội dung truyện “Phù thuỷ sợ ma” và cho biết cảm tưởng của mình”. Lúc đầu nó đã định bỏ giấy trắng không làm, nhưng gần đến giờ phải nộp bài, nó bỗng dưng đổi ý. Thời gian 90 phút dành cho bài luận văn rốt cục được nó nguệch ngoạc mấy chữ: “Thầy không sợ ma! Thầy chỉ sợ mụ vợ voi dày của thầy thôi!” Kết quả là nó đã bị không (0) điểm với lời phê: “Không học bài!” Thấy điểm không to tướng như quả trứng ngỗng trong tập bài kiểm tra của nó, chẳng cần tìm hiểu nguyên nhân, bố nó đã nọc nó nằm sấp xuống đất để hỏi tội. Không phân bua, không khóc lóc, nó đã “vui vẻ” nằm xuống và nhận đủ mười ngọn roi mây phần thường vào đít. Sau đó, hình như biết chuyện gì đã xảy ra với nó, nó đang tay bế tay dắt hai đứa em tha thẩn ngoài sân, bỗng nghe một giọng là lạ, không bình thường, như giọng của người nghẹt mũi: “Phùng vào đây bố bảo!” Quả nhiên, bố nó đã kéo nó vào lòng, rất âu yếm, rất dịu dàng, một cử chỉ hiếm thấy ở bố nó: “Lúc nãy bố đánh con có đau không?!” Rất bản năng, nó đã lắc đầu và lần đầu tiên nó thấy bố nó khóc!

Chưa kể, những bài học đó còn là đề tài, là cái cớ để nó bị đám bạn bè cùng lớp đem ra châm chọc, chế diễu; là nguyên nhân dẫn đến những cuộc ẩu đả mà kết cục nó luôn là kẻ bại trận, vì những trường hợp như vậy, thường thì đó là những đứa lớn hoặc khoẻ hơn nó!

Bù lại, nó học tương đối khá và có dịp kết thân với những người “bạn” mới. Đó là những pho truyện kiếm hiệp, truyện trinh thám và dã sử trong cái “rương” sách của nhà nó. Lần đầu tiên, nó biết đến một thế giới khác cùng với những nhân vật như: Tiết Đinh Sơn, Tiết Đinh Quý trong Chinh Đông, Chinh Tây, Tống Địch Thanh, Phàn Lê Hoa trong Ngũ Hổ Bình Nam, Ngũ Hổ Bình Liêu, Kim Hồ Điệp, Ngọc Kỳ Lân trong Giao Trì Hiệp Nữ và Bồng Lai Hiệp Khách: La Côn, La Sán trong Phấn Trang Lâu, La Thông trong La Thông Tảo Bắc, Chiêu Quân, Tô Vũ, Mao Diên Thọ trong Chiêu Quân Cống Hồ. Rồi Tam Quốc Chí (với lời bàn sau mỗi hồi của Mao Tôn Cương), Thuyết Đường, Thuỷ Hử, Đãng Khấu Chí (Tục Thuỷ Hử), rồi Tả Ao, Tiêu Sơn Tráng Sĩ, Người Nhạn Trắng, Vụ Án Mạng Không Có Thủ Phạm cho đến những truyện thơ Nôm khuyết danh như: Nhị Thập Tứ Hiếu, Tống Trân - Cúc Hoa, Phạm Tải - Ngọc Hoa, Nhị Độ Mai, Hoàng Trừu, Trê Cóc, Trinh Thử

Nhờ đọc sách, nó biết thêm được nhiều điều. Ở trường, người ta dạy nó về nguồn gốc và xuất xứ của câu thành ngữ: “Con Rồng, Cháu Tiên”. Đó là chuyện tình cuả Quốc phụ Lạc Long Quân và Quốc mẫu Âu Cơ. Chuyện kể:

Lạc Long Quân lấy Âu Cơ đẻ ra một cái bọc một trăm quả trứng, nở ra một trăm người con trai. Tuy vậy, hai người ít gần gũi nhau! Khi các con đã trưởng thành, một hôm Lạc Long Quân bảo Âu Cơ: “Ta là giống Rồng, nàng là giống Tiên, tuy âm dương tương hợp nhưng thuỷ hoả tương khắc, dòng giống bất đồng, chung hợp thật khó”! Họ bèn chia tay! Một trăm người con, một nửa theo mẹ lên rừng, một nửa theo cha xuống biển. Người con trưởng theo mẹ, được mẹ và các em suy tôn lên ngôi Vương, lập nên nước Văn Lang, đóng đô ở Phong Châu, chính là Hùng Vương, tổ của người Lạc Việt

Người ta dạy nó như thế, nhưng nhờ đọc sách, nó còn biết được những điều mà ở nhà trường người ta không dạy, hoặc không muốn những đứa trẻ ở tuổi như nó được biết:

Đế Nghi và Lộc Tục (Kinh Dương Vương) là hai anh em cùng bố khác mẹ. Đế Nghi là anh, Lộc Tục là em.

- Đế Nghi (anh) sinh ra Đế Lai; Đế Lai sinh ra Âu Cơ

- Lộc Tục (em) sinh ra Lạc Long Quân (Sùng Lãm)

Âu Cơ là cháu gọi Lạc Long Quân bằng chú ruột. Lạc Long Quân lấy Âu Cơ, nghĩa là chú lấy cháu!

Như vậy, lịch sử “Con Rồng, Cháu Tiên” bắt đầu từ một chuyện loạn luân

Nv PHÙNG THÀNH CHỦNG
Tiểu thuyết
THỦY SƠN KIỂN
Chưởng 1,2 và 3.
VANDANBNN gt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét