Thứ Ba, 14 tháng 9, 2021

Nv PHÙNG THÀNH CHỦNG / Tiểu thuyết / THỦY SƠN KIỂN Chưởng 4,5 và 6



Nv PHÙNG THÀNH CHỦNG


Tiểu thuyết
THỦY SƠN KIỂN
Chưởng 4,5 và 6


BNN: Thủy Sơn Kiển là tên một quẻ dịch, bạn tôi, Nv Phùng THành Chủng đã lấy tên quẻ dịch này làm tựa đề cho cuốn tiếu thuyết viết miệt mài âm ỷ từ nhiều năm nay. Bạn gửi cho tôi, tôi băm bổ đọc, đọc quên ngủ luôn, vừa đọc vừa chăm chút vi tính lại cho thich hợp với fb và blog của minh để nhanh chóng post tặng bạn đọc. Thủy Sơn Kiển là một trong vài quẻ bi ám nhât trong dịch học, vậy mà tiểu thuyết vào một đời người thì xót xa cay đáng nhường bao. Văn có mầu dịch học, nhưng thật mộc mạc, dễ hiều, lôi cuốn và ấp áp tinh người. Cảm ơn tác giả và trân trọng giới thiêu..

4

Cách nhà nó khoảng trăm mét là từ đường cụ Trạng được xây cất trên một khu đất rộng quãng hơn hai sào. Từ ngoài vào, đầu tiên là đại bái với bức đại tự “Dĩ Phúc Tư Văn” - là một ngôi nhà ba gian hai rĩ, lợp ngói mũi, kiến trúc theo lối kẻ truyền. Qua đại bái đến sân lọng. Hết sân lọng là hậu cung. Bên ngoài, phía trước từ đường là một cái ao hình bán nguyệt, có tên là Ao Nghiên. Ngày xưa, ao được thả sen, nhưng sau đó người ta cho dọn bỏ để làm nơi tắm rửa, giặt giũ! Sở dĩ có cái tên Ao Nghiên, vì theo thuyết phong thuỷ, ao có tượng cái Nghiên - quan hệ đến việc học hành, đỗ đạt của làng.

Cũng như đình chùa, từ đường cụ Trạng được người ta lấy làm trường học. Tấm bia đá từ thời Lê Hồng Đức ở đầu nhà đại bái bị bẩy đổ và đưa ra làm bậc cầu ao! Chưa cắp sách đến trường, đã được học “Chữ thánh hiền” - hết “Tam Tự Kinh”, đến “Tứ  Tự Kinh Văn” rồi “Sơ Học Vấn Tân” - nó vẫn thường được bố nó dặn: Nếu thấy tờ giấy có chữ thánh hiền rơi dưới đất, phải lượm lên, hoá bỏ, không được dẫm lên, hoặc dùng vào những việc ô uế, bậy bạ. Vậy mà, bây giờ tấm bia với những dòng chữ thánh hiền được khắc trên đó đã chẳng còn thiêng liêng nữa! Cho đến một buổi sáng, một đứa trong lũ bạn học cùng lớp với nó bỗng phát hiện  ra ‘hòn đá” được kê làm bậc cầu cao, nặng phải bốn thanh niên lực lưỡng mới khiêng nổi ấy đã biến mất! Nhưng, chuyện đó rồi cũng qua đi, chẳng ai để ý! Thì - có gì quan trọng lắm đâu - khi giá trị của nó có hơn gì một phiến đá?!

Sự tích cụ Trạng: Tiên sinh họ Nguyễn huý Trực, tự Công Đĩnh, hiệu  Hu Liêu. Nguyên quán: Xã Bối Khê, huyện Thanh Oai, phủ Ứng Thiên, trấn Sơn Nam. Nhưng từ đời thân phụ (vì có nạn người Minh) đã thiên cư đến thôn Tiểu Động Mông, xã Nghĩa Bang, huyện Yên Sơn, Phủ Quốc Oai, trấn Sơn Tây lập nghiệp. Sinh ngày 16 tháng 5 năm Đinh Dậu (1417) tại chùa Long Đẩu (huyện Yên Sơn) khi thân mẫu đến đây lễ. Đỗ: Đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ, đệ nhất danh (Trạng nguyên) năm Nhâm Tuất niên hiệu Đại Bảo thứ 3 (1442) đời Lê Thái Tông. Theo “Lưỡng Quốc Trạng nguyên Hu Liêu tiên sinh phả” thì khoa thi năm đó, kỳ Điện thí nhằm ngày mùng 2 tháng 2. Hôm đó vua ngự ra điện Hội Anh, thân hành ra đề sách vấn để định cao thấp. Trong số 33 người trúng cách, bài của tiên sinh được lấy đỗ đầu. Tương truyền thời gian được cử đi sứ Trung Quốc, gặp lúc nhà Minh mở khoa thi để chọn người tài, tiên sinh xin ứng thí, lại đỗ cao, nên được người đời gọi là “Lưỡng Quốc Trạng Nguyên”. Làm quan đến Gia Hạnh đại phu, Hàn lâm viện thừa chỉ kiêm tế tửu Quốc Tử Giám. Mất giờ sửu ngày 28 tháng 12 năm Quý Tỵ (1473) tại phường Thịnh Quang, huyện Quảng Đức, phủ Phụng Thiên, thọ 57 tuổi. Mộ táng tại xứ Muội Nguyên, xã Nghĩa Bang, huyện Yên Sơn, Phủ Quốc Oai. Sau cải táng về thảo đường cũ tại núi Thịnh Linh, thôn Đại Lại, xã Bạch Thạch, huyện Mỹ Lương (cùng phủ). Về trước tác có “Bảo Anh Lương Phương”, “Hu Liêu Tập”, “Bối Khê Tập” và “Ngu Nhàn Tập”. Khi thân phụ và thân mẫu qua đời, trong khoảng thời gian hai lần tiên sinh về cư tang, sĩ tử các nơi nghe tiếng kéo đến xin thụ giáo rất đông. Trong số đó, tiêu biểu cho đám môn sinh về gương nhà nghèo nhưng hiếu học, học giỏi và đỗ cao - người được tiên sinh chu cấp, giúp đỡ cho lương ăn và tiền giấy bút suốt thời gian thụ học - là ông Kiều Phú người trang Liệp Hạ (Sau đỗ Hoàng Giáp năm Ất Mùi, niên hiệu Hồng Đức thứ 6 (1475) đời Lê Thánh Tông).

Sinh thời đỗ đầu đại khoa, được dự vào hàng quan cao, chức trọng, nhưng tiên sinh là người coi rẻ công danh, nhiều lần cáo quan xin về không được. Tâm sự đó đã được tiên sinh gửi gắm rải rác trong các thi tập, xin được đơn cử hai bài


1. Ngẫu thành

Bệnh thừa ân chiếu cửu lưu kinh

Quy kế như kim nhất vị thành

Hà nhật Sơn Tây, sơn hạ lộ

Thoa y tiểu lạp  khán xuân canh.

Nghĩa:

Có bệnh, ơn vua lưu lại kinh đô đã lâu

Tính đường về quê đến nay vẫn chưa thành

Biết đến ngày nào mới được đứng ở bên đường Sơn Tây

Mặc áo tơi, đội nón lá xem người nông phu cày ruộng ngày xuân?!


2. Vô đề

Đại đình tằng đối tam thiên tự

Phù thế hư kinh ngũ thập niên

Bất thị vô tâm lai cấm sảnh

Chỉ duyên đa bệnh ức điền viên

Nghĩa:

Ở sân vua từng làm bài đối sách ba nghìn chữ

Giật mình về việc đã năm mươi năm trời theo đuổi hư danh phù thế

Không phải là vô tâm đối với cung cấm nhà vua

Chỉ vì lắm bệnh, nhớ cảnh điền viên.

Cũng theo “Lưỡng quốc trạng nguyên Hu Liêu tiên sinh phả”: Từ đường cụ Trạng do vua Lê Thánh Tông đích thân chỉ định cho Báo Thao đồng Tổng tri Nguyễn Như Tông chọn trong số thợ ở bộ Công lấy mấy chục người thợ khéo về làm. Khởi công ngày 20 tháng 2 năm Ất Tỵ, niên hiệu Hồng Đức thứ 16 (1485) đến ngày 19 tháng 7 (cùng năm) - nghĩa là vừa đúng 5 tháng thì hoàn thành.

Tại đây, còn bài thơ bằng chữ Nôm do tự tay vua Lê Thánh Tông viết ban cho cụ Trạng:

Đời dõi Nho tông phất ấp bang

Trong đạo đức có từ chương

Nối dòng thi lễ nhà truyền báu

Tranh giải khôi nguyên bảng chói vàng

Nam Bắc hai triều danh dậy

Phong lưu một cửa họ sang

Từ đường ở đấy niềm Tây lạnh

Dấu cũ càng thơm xạ có hương


5

Ông bà nó sinh hạ được ba người con, hai trai một gái. Bố nó thứ hai. Trên bố nó là cô Khài và dưới bố nó là chú Thụ. Cô Khài thì nó biết, vì vài năm một lần cô vẫn về chơi và mỗi lần về cô lại đưa nó ra phố huyện, khi thì mua cho nó chiếc mũ, khi thì đôi dép cao su, khi thì mảnh vải rồi dẫn nó đến nhà ông phó may già giữa phố cắt cho nó bộ quần áo. Mẹ nó kể: Cô lấy bác Vấn người cùng làng nhưng chê chồng! Khi mẹ nó về làm dâu, cô đã bỏ nhà bác Vấn trốn đi biệt tích! Vốn là người rất nghiêm khắc với con cái, ông nó đã tuyên bố từ mặt cô, coi như không có cô, như cô đã chết rồi, vì việc làm của cô, theo ông nó, là đã làm điếm nhục gia phong.

Sau khi ông bà nó qua đời, nhờ một người quen chuyên buôn chuyến đường dài tuyến Hà Nội - Lào Cai mách là đã gặp cô ở ga Mậu Đông (Yên Bái) bố nó liền cơm đùm, cơm nắm lặn lội lên tìm. Lúc này, cô đã lấy một người chồng khác. Bác Mỵ - người chồng sau của cô quê Nam Đinh, nghe đâu có chân trong Quốc dân Đảng, không hiểu vì sinh kế hay do sự phân công của tổ chức, lên đây sống bằng nghề buôn bè. Không cưới treo, dạm hỏi, bác và cô gặp nhau, yêu thương nhau rồi nên vợ, nên chồng. Nơi cô ở là một xóm nhỏ tập trung dân tứ xứ, loi thoi mấy chục nóc nhà nằm heo hút sát bờ sông, nhìn ra xung quanh chỉ thấy bạt ngàn những nứa là nứa, cách ga chừng độ hơn một tiếng đồng hồ đi bộ. Lần ấy, sợ phía nhà chồng cũ gây khó dễ, cô để bác Mỵ theo bố nó về trước, vừa để cho biết cửa biết nhà, vừa để thăm dò và cô đã tính đến chuyên sau chuyến đó sẽ thu xếp về để trả của, nhưng rồi chiến sự diễn ra ngày càng ác liệt, việc đi lại khó khăn, mãi đến ngày hoà bình lập lại cô mới về được. Đến lúc đó, chuyện đã mười mấy năm, bác Vấn chồng cũ của cô cũng đã lấy vợ, đã có con có cái cả rồi! Hơn nữa, cũng chẳng ai còn nhắc đến chuyện ấy nữa, nên việc đó rồi cũng thôi.

Nó nhớ, trong con mắt của mẹ nó hồi đó, cô không phải là người giàu có nhưng cũng vào loại khá giả. Mỗi lần về, cô thường đem theo cao, mật ong, măng khô, mộc nhĩ, có lần cả mấy cái cẳng nai và cẳng lợn lòi sấy gác bếp - nghĩa là toàn những thứ đặc sản rừng - để làm quà. Anh em, họ hàng mời cô đến ăn cơm, vì cô hay cho nó đi theo, mẹ nó thường dặn nó để ý xem cô có cho ai cái gì không (?!)

Nó nhớ, trước đó nó chỉ biết đến những bộ quần áo ta được may bằng độc một thứ vải thô, nhuộm với nước củ nâu rồi phơi nắng nhiều lần. Áo mỗi kiểu cổ chó, hai túi dưới. Quần thì thắt giải rút lòng thòng trước bụng, khi đi tiểu phải vén một ống lên. Nhờ cô, lần đầu tiên nó biết đến “quần áo tây”. Đó là một chiếc quần vải xanh chéo, có hai túi sườn, một túi hậu và sáu “con đỉa” đính quanh cạp để lồng dây thắt lưng, có cúc đóng mở ( chứ không phải thắt giải rút) và một chiếc áo sơ mi, cổ bẻ, vải phin trắng. Khi cô đưa nó đi cắt, mẹ nó dặn đi dặn lại: “Cô phải bảo người ta may cho cháu nó dài, rộng một tý, phòng lớn”! Do đó, khi mặc thử, chiếc áo còn khả trợ, riêng chiếc quần, nó phải vận lên dến ba gấu! (Về điểm này, mẹ nó đã quá lo xa, bởi mặc dù đã rất giữ gìn, chiếc quần vẫn bị rách trước khi nó đủ lớn để buông nốt hai gấu còn lại!) Nó nhớ, sau đó mẹ nó bắt phải để dành đến tết mới được mặc. Trước tết một tháng, nó đếm giật lùi từng ngày: 30, 29, 28, 20, 19, 18, rồi đến 10, 9, 8, mong cho đến 1 - tức 30- tết - ngày nó được lấy xuống mặc, và mỗi lần như thế, nó lại chạy vào buồng, nơi bộ quần áo được vắt trên chiếc dây thừng, ấp mặt vào đó để hít hà cái mùi hồ của vải đến nỗi bây giờ nhắm mắt lại, nó có thể “gọi” được cái mùi “ấy” ra, hoặc một khi khứu giác của nó bất chợt “chạm” phải cái mùi “ấy” ở đâu là những kỷ niệm kia lập tức sống lại

Chú Thụ thì nó không biết mặt, bởi chú đi từ lúc nó còn chưa đẻ rồi bặt tin luôn! Nghe nói, chú là người hiếu động, hay nghĩ ra những trò nghịch ngợm tinh quái, và rất lỳ! Ngày ngày, nếu không lên động Hoàng Xá trong dãy núi Tượng Linh sau nhà bắt chim, bắt sáo, chú lại vác cần câu đi câu ném. Chú rất “sát” chim và cá, không đi thì thôi, đã đi là có chim hoặc cá mang về. Mẹ nó kể: Chú mắc tật nói ngọng, nhưng khoẻ và chịu khó. Là hai anh em, song tính nết bố nó và chú không giống nhau một tý nào! Bố nó thích ăn diện, lại bài bạc, nhân tình nhân ngãi. Còn chú thì quanh năm quần nâu áo vá, thấy con gái đã đỏ mặt, không biết rượu chè, cờ bạc là gì. Vậy mà, ông nó lại quý bố nó hơn chú, bởi - theo ông nó - chỉ có bố nó là nối được nghiệp nhà. Khi mẹ nó về làm dâu, bố nó đã theo ông nó đi cúng các nơi và lúc cần có thể đi một mình, không cần phải ông nó đi kèm. Ngược lại, chú chỉ rình ông nó không để mắt đến là trốn đi chơi! Chẳng những thế, chú lại còn thường xuyên “dính” vào những cuộc ẩu đả, mà kết cục là đối thủ - kể cả nhứng đứa lớn hơn - đều bị chú đánh cho bươu đầu, sứt trán, khiến ông nó không ít lần phải đích thân đến tận nhà người ta để van xin! Do đó, hễ chú đi đâu thì chớ, còn chú cứ thò mặt về là y như lại bị ông nó mắng chửi! Cho đến một hôm, chỉ có mẹ nó ở nhà, chú gấp hai bộ quần áo vào chiếc tai nải, xin mẹ nó một cái nón, chú bảo:

“Em theo người ta vào Nam Kỳ làm ăn, lúc nào thầy mẹ và anh về, chị nói lại giúp em” Nghe chú nói, mẹ nó hơi bị bất ngờ! Chẳng biết chú có tiền nong gì không? Mới về làm dâu, mẹ nó cũng chẳng có tiền để mà cho chú và cũng không dám gàn bởi biết có gàn cũng không được! Rồi từ đấy chú biệt tăm luôn! Duy chỉ có một lần sau ngày chú đi được hai năm, một người cùng làng ở trong đó ra nói là có gặp chú và cho biết sau đó chú đã sang Xiêm

Mẹ nó bảo: Thực tình, mắng chửi thì mắng chửi, nhưng trong thâm tâm ông nó rất thương chú. Bằng chứng là ông nó vẫn nhắc đến chú trước khi mất! Còn bà nó, quanh năm đòn gánh trĩu vai, tất tả ngược xuôi nay chợ này, mai chợ khác, chắt chiu nhặt nhạnh từng xu, từng đồng, mua được một sào ruộng cắm trầu - thuộc hạng nhất đẳng điền - để phòng khi chú về, có cái bán đi lo vợ cho chú. Chuyện này, mãi đến khi ốm nặng, biết là không qua khỏi, bà nói mới “dối” lại cho bố mẹ nó biết.

Một dạo, nó thấy bố nó rất chăm đọc nhật trình. Đó là thời gian kiều bào ta ở Thái Lan (Xiêm) và Tân Đảo về nước. Bố nó hy vọng sẽ gặp lại chú. Nhưng, niềm hi vọng ấy đã tắt ngấm khi danh sách những người về chuyến cuối cùng được đăng trên báo vẫn không có ai tên là Lạc Âu Thụ người Sơn Tây! Đúng lúc đó thì thím và hai em nó (vợ và con chú) tìm về. Đưa cho bố mẹ nó bức ảnh chân dung chú cùng với bút tích của chú, qua những lá thư chú gửi cho thím và chờ ở bố mẹ nó một sự khẳng định là thím đã tìm đúng địa chỉ, thím cho biết thím về nước đã được hơn một tháng, nhưng về thẳng quê ngoại. Theo đó, thím là người Kẻ Sặt (có tên mới là xã Trần Phú), thuộc huyện bên, cách nhà nó ngót hai chục cây số. Thím kể, thím hơn chú 5, tuổi và trước khi gặp chú, thím đã có một đời chồng (người cùng làng, cũng sang đấy làm ăn), nhưng hai người đã chia tay nhau sau khi có với nhau một đứa con trai! Cùng thời gian này, chú được bên nước giao nhiệm vụ sang Thái Lan hoạt động trong tổ chức Việt kiều yêu nước và một trong những địa chỉ đầu tiên chú tìm đến để gây cơ sở là thím. Thím nhớ khi gặp chú, chú đang bị lên ổ gà ở cả hai nách và bị sốt cao, thím phải đưa chú về nhà để chạy chữa. Cũng từ đó, thím được chú giác ngộ và trở thành người liên lạc cho chú. Về việc chú thím đến với nhau, thím bảo thím cũng không hiểu tại sao chú lại yêu thím! Khi nghe chú ngỏ lời muốn lấy thím làm vợ, thím đã từ chối bởi tuổi tác của hai người quá chênh lệch, nhưng chú bảo nếu không lấy được thím, chú sẽ ở vậy suốt đời

Lấy nhau bốn năm, có với nhau hai mặt con (là thằng Đạo và cái Bích bây giờ) nhưng thời gian thím và chú được ở bên nhau rất ít, vì theo thím: “Chú cứ đi suốt, không mấy khi ở nhà”! Cho đến đầu năm 1953, dưới danh nghĩa quân tình nguyện chú được điều sang tham gia chiến dịch Thượng Lào và đã hy sinh (Theo giấy báo tử là ngày 3/5/1953) tại Sầm Nưa, khi thằng Đạo mới hơn 2 tuổi, còn cái Bích mới được 6 tháng! Cũng theo đó, chú đã là đảng viên Đảng cộng sản Đông Dương từ năm 1946.

Như vậy, rõ ràng chú là người “của ta”! Như vậy, gia đình nó cũng có người tham gia hoạt động cách mạng! Hơn nữa, là một đảng viên, một liệt sĩ! Và - như vậy - những định kiến với “giai cấp phong kiến bóc lột” trong lý lịch nhà nó hẳn sẽ bớt phần nặng nề, nếu không muốn nói là sẽ được cải thiện, sẽ được định giá lại (?) Bố nó đã nghĩ thế (Ôi! bố tội nghiệp) và đã đi khắp làng, gặp cả chính quyền (với cái cớ là trình báo giấy tờ khi có người lạ ngủ lại qua đêm!) để mời mọi người đến uống nước (nhân sự kiện thím và hai em nó tìm về) và để ngầm lấy chú ra làm cái mác bảo hiểm cho “lô hàng hoá kém phẩm chất” là cái lý lịch gia đình nhà nó!

Sau khi thím và hai em nó trở lại quê ngoại (thím đã đăng ký hộ khẩu ở đó), bố nó đã lập một bàn thờ riêng cho chú, trên đó là ảnh của chú với dòng chữ: Đảng viên, liệt sĩ Lạc Âu Thụ” ở một vị trí trang trọng ở gian biên. Chỉ có điều, ảnh thì nhỏ mà hàng chữ lại to, choán gần như hết lòng khung (hồi đó, chỉ ảnh các lãnh tụ mới được phóng to!) nên trông rất phản cảm!

Phải mãi về sau, nó mới hiểu bố nó đã kỳ vọng vào cái mác “liệt sĩ” của chú như kỳ vọng vào một thứ bùa yểm


6

Niên khóa 1964 -1965
Nó học lưu ban lớp 6 (hệ 10 năm) mặc dù điểm tổng kết hai học kỳ và cả năm cho các môn không có môn nào dưới trung bình, chưa kể ba môn: Văn, Sử  và Sinh vật còn thuộc diện nhất nhì lớp nhưng nó phải lưu ban vì bị xếp vào loại
 hạnh kiểm kém!

Nó không ngờ đó cũng là năm cuối cùng của cuộc đời học sinh của nó!

Hồi đó, các trường chưa có cơ sở nội trú cho giáo viên như sau này. Bởi vậy việc ăn ở của các thầy cô giáo, nếu không phải là người địa phương đều phải dựa vào chính quyền sở tại, nhằm vào những gia đình có con em đi học, nhờ ngoại trú. Ở trọ nhà nó là thầy Diên, người khu trong, mới chuyển về trong niên học này. Không hiểu ngẫu nhiên hay là có sự dàn xếp nào đó giữa ông đội trưởng đội sản xuất với bố mẹ nó khi đặt vấn đề cho một thầy giáo đến ở mà lại là thầy chủ nhiệm lớp nó. Buổi tối hôm thầy dọn đến nó nhớ sau ngày khai giảng khoảng trên dưới một thoáng. Trước đó, không hiểu thầy trọ ở đâu và không hiểu vì lý do gì mà thầy phải đổi chỗ? Chuyển đồ cho thầy là mấy đứa con gái cùng lớp. Cho đến lúc đó nó mới biết thầy chủ nhiệm đến ở nhà mình. Ghen tị với lũ con gái vì không được thầy bảo đi chuyển đồ cho thầy, nó nghĩ “chắc thầy chỉ nhờ một hai đứa nhưng chúng nó rủ nhau cùng đi cho vui, bởi bọn con gái là chúa hay xí sớn, chứ đồ đoàn của thầy chỉ có ít sách vở và chiếc hòm gỗ thay cho va ly trong đựng tư trang và vài bộ quần áo chứ có nhiều nhặn gì! Song, liệu có phải vì thế, liệu có phải vì không muốn để cho mọi người thấy rõ sự nghèo khó của mình hay còn vì một lý do nào đó khác khi từ nơi ở cũ chuyển đến nơi ở mới mà thầy dọn đến nhà nó vào ban đêm?

Kể từ sự có mặt của thầy, mọi sinh hoạt của nhà nó có những thay đổi. Thầy ăn chung với nhà nó. Mỗi tháng, ngoài tiêu chuẩn lương thực 13,5kg cả màu (độn) thầy đưa cho mẹ nó 22 đồng gọi là tiền thức ăn.

Bữa sáng, mẹ nó lựa từ nồi khoai lang đã được luộc từ tối hôm trước những củ ngon nhất, xếp vào đĩa, bảo nó bưng lên chiếc bàn uống nước kê ở chính gian giữa, mời thầy; còn bố mẹ nó và mấy anh em nó xúm quanh mớ khoai còn lại đã được mẹ nó trút ra một cái rổ, ngồi ăn luôn tại bếp.

Bữa trưa và bữa tối là hai bữa chính thì cả nhà nó và thầy ngồi cùng mâm. Thức ăn chủ đạo vẫn là vại dưa, vại cà, chum tương, hũ mắm cua tự cung tự cấp lúc nào cũng sẵn trong nhà; còn rau củ quả thì mùa nào thức nấy đã có mấy thước đất phần trăm không những là nguồn cung cấp thực phẩm hằng ngày mà còn là nguồn thu nhập chính của nhà nó. Nhưng bây giờ trên mâm cơm mỗi bữa đã có khi thì đĩa trứng tráng, lúc thì đĩa cá kho hoặc thịt, hoặc đậu phụ dim tương mua theo tiêu chuẩn tem phiếu thực phẩm của thầy, hoặc mùa ngoài chợ đen. Không còn nữa cảnh mẹ nó cắp rổ ra chợ chỉ dành cho những dịp giỗ tết hoặc mỗi khi có khách! Duy khẩu phần lương thực, ngoài thêm vào tiêu chuẩn của thầy, định mức cũ vẫn được giữ nguyên, không có gì thay đổi! Bởi thay đổi làm sao được trong khi khẩu phần lương thực của cả nhà phụ thuộc vào cái gọi là định suất của hợp tác xã!

Nhà nó tuy không thuộc vào diện những gia đình khá giả ở làng nhưng chưa đến nỗi phải đứt bữa, chưa đến nỗi bố mẹ, vợ chồng, con cái phải chia nhau từng bát cơm hoặc tùy theo là lao động chính hay phụ trong gia đình, đặt ra quy ước mỗi bữa được mấy lần đơm, ăn xong tự giác mà đứng dậy, đừng có lại chìa bát ra làm ảnh hưởng đến khẩu phần của người khác, nhất là những khi nhà có khách.

Song, bữa nào ăn xong, trước khi đứng dậy, nhìn vào nồi cơm, nó vẫn thấy đói, vẫn thấy thèm cơm, mặc dù một phần cơm thì hai, ba phần khoai hoặc sắn! Cái “ ngữ” khẩu phần lương thực mỗi bữa được mẹ nó ấn định từ khi chưa có thầy đến ở đã thế và giờ có thầy vẫn thế! Mẹ nó vẫn không thể thêm một hai lẻ gạo hoặc vốc khoai hay sắn vì mẹ nó làm gì có tiền dư dật để bổ xung cho khẩu phần lương thực vốn dĩ đã bị thiếu hụt "cung thấp hơn cầu" ngoài chợ đen! Nhưng nó thấy vui vì sự đối xử của bố mẹ nó với thầy giáo chủ nhiệm, nên để vui lòng bố mẹ, nó đã cố gắng phụ giúp bố mẹ nó cả những việc nhiều khi không phải của nó (hồi đó chỉ học có buổi sáng hoặc chiều chứ không học cả ngày mà vẫn học thêm như bây giờ) và trong học tập nó cũng tỏ ra có tiến bộ hơn bởi không còn mặc cảm bị thầy cô và bạn bè kỳ thị như trước khi có thầy đến ở.

Nhưng được quãng ba tháng, một buổi tối nó thấy mẹ nó nói với bố nó “ Này thầy em, trước đây nhà mình ăn uống qua quýt thế nào cũng xong nhưng từ ngày có thầy giáo thằng Phùng, tôi nghĩ "người ta" dạy con mình, mà muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy” nên cũng đã cố làm sao để bữa ăn được thay đổi. Nay món này, mai món khác chứ không thể úi xùi như trước. Vẫn biết là mỗi tháng thầy đưa cho hai mươi hai đồng, song không lẽ chỉ mua thức ăn cho thầy mà phải lo cho cả nhà thì tốn quá! Nếu lâu dài thì lấy đâu ra tiền! Hay là, tôi bàn với thầy em thế này: Từ ngày mai đến bữa mình dọn để thầy ăn trước, còn vợ chồng con cái ăn sau…"

Rồi không hiểu mẹ nó đã nói với thầy giáo chủ nhiệm của nó thế nào mà sau đó nhà nó và thầy chuyển sang chế độ nấu chung ăn riêng! Vẫn trên chiếc bàn dành để ngồi uống nước được kê ở chính gian giữa, nếu thầy về sớm, mẹ nó sắp mâm bưng lên mời thầy, nếu thầy về muộn vì phải dạy tiết cuối hoặc phải họp hành gì đó, mẹ nó sắp mâm bưng lên đặt trên bàn, úp lồng bàn cẩn thận phần thầy. Có lần vô tình thầy và nó cùng về khi nhà nó đã xong bữa, thầy gọi nó lên ăn cùng nhưng mẹ nó ngăn lại “ xin phép thầy để cháu ăn dưới này” và thầy ăn một mình trên nhà, nó ăn một mình dưới bếp. Ấy là buổi sáng, buổi chiều thầy ở nhà chấm bài, soạn bài, nó thì lo phụ giúp bố mẹ nó những việc vặt trong nhà như trông em hoặc cơm nước để bố mẹ nó đi làm còn học bài làm bài vào buổi tối, nên thường thì - dù sáng hay chiều - mẹ nó cũng dọn để thầy ăn trước và chờ cho thầy ăn xong - bao giờ nó cũng là người dọn mâm - nhà nó mới ăn. Nó để ý từ ngày nhà nó và thầy chuyển sang chế độ nấu chung ăn riêng, mâm cơm nhà nó lại trở về chế độ tự cung, tự cấp như trước khi thầy đến ở! Riêng thầy, ngoài khẩu phần thức ăn chung cho cả nhà, còn có riêng tiêu chuẩn tem phiếu của những ô thực phẩm và 22 đồng đưa cho mẹ nó mỗi tháng, nhưng bao giờ dọn mâm nó cũng thấy hiếm khi thầy mới ăn hết. Cơm thì thừa bữa lưng, bữa dậc; thức ăn thì vài miếng mà nào có nhiều nhặn gì cho cam! Phần thừa đó, cơm thì mẹ nó sẻ cho mấy anh em nó mỗi đứa một ít, còn thức ăn họa hoằn lắm mẹ nó mới để lại cho mấy anh em nó ăn nốt, còn thì mẹ nó gạt vào xoong thức ăn riêng tiêu chuẩn của thầy rồi cất đi và bảo mấy anh em nó “ nhà người ta còn không có cơm mà ăn! nhà mình ít nhiều cũng ngày ba bữa có cái mà cho vào bụng là phúc lắm rồi…"

Vậy mà được quãng một tháng, một hôm nó lại nghe mẹ nó nói với bố nó:

"Này thầy em, cứ như những gì tôi nghe người ta nói thì thằng Phùng nhà mình có học thế chứ học nữa rồi cũng về theo đít con trâu!"

Bố nó nhìn mẹ nó: “Mẹ em định cho nó bỏ học?”

“Không bỏ! Nhưng học được đến đâu thì học chứ không vì lo cho nó mà mình phải khổ!”

“ Có gì mà khổ?" - Bố nó ngập ngừng.

Lúc này mẹ nó mới đưa ra quyết định của mình:

“Tối nay tôi sẽ nói chuyện với thầy giáo thằng Phùng để thầy nấu riêng, ăn riêng. Tôi cũng mệt lắm rồi, không thể lo phục vụ cho thầy được nữa!”

Quả nhiên, từ hôm sau nó thấy thầy không ăn ở nhà nó!

Đến bữa, thầy không thổi nấu mà đi ăn ở đâu hoặc nhờ một thầy cô nào đó thổi nấu giúp không rõ, nhưng được vài ngày thầy đã nói chuyện với bố mẹ nó xin được chuyển nhà! Buổi tối hôm thầy dọn đi (lại buổi tối), chuyển đồ cho thầy vẫn là mấy đứa con gái cùng lớp nhưng thay vì ghen tị với chúng nó hôm thầy dọn đến là cảm giác tủi hổ như bị coi thường, bị ghét bỏ vì mặc cảm bố mẹ nó đã đối xử không phải với thầy! Ngồi trong buồng, dưới ánh sáng của ngọn đèn dầu và cuốn vở mở sẵn để trước mặt nhưng nó chẳng còn tâm trí nào để mà học nữa! Ngoài nhà, cách chỗ nó ngồi chỉ vài bước chân là bọn con gái cùng lớp mà bây giờ sao cách biệt, xa lạ! Nó nghe rõ tiếng chúng nó vừa dọn đồ cho thầy vừa cười đùa như trêu ngươi, như chọc tức, như hả hê, sung sướng vì thầy đã dọn đi không ở nhà nó nữa! Và khi dọn xong, khi đã kéo khỏi nhà nó, khi nó không con nghe thấy tiếng léo nhéo của chúng nó nữa thì bất ngờ thầy bước vào, đặt tay lên một bên vai nó: “Thầy đi, chịu khó mà học em nhé!” Trước đó, mặc dù đã cố kìm nén nhưng trang vở trước mặt vẫn nhòe nhoẹt nước mắt. Đến lúc này nó mới có dịp nấc lên, tức tưởi, nghẹn ngào

Những ngày sau đó tuy vẫn đến lớp đều đều nhưng nó cảm thấy không chỉ lũ con gái đến dọn đồ cho thầy mà cả lớp đều nhìn nó với ánh mắt ghẻ lạnh! Nó nảy sinh tâm lý chán học và cũng không còn thiết tha gì việc phụ giúp bố mẹ nó những việc vặt trong nhà như trước. Lực học của nó sa sút trông thấy! Nó trở nên một đứa trẻ lêu lổng, bất cần

Rồi như là định mệnh, buổi học hôm đó có tiết sinh vật. Cũng như thường lệ trước khi học bài mới thầy ra một câu hỏi kiểm tra liên quan đến những bài đã học trước và chỉ định nó trả lời. Câu hỏi là: "Em hãy cho biết quá trình tiến hóa từ vượn thành người?” Không hiểu sao nó lại đứng lên trả lời không như những gì đã học:

"Thưa thầy, người là người, vượn là vượn. Không có chuyện nhờ quá trình lao động mà vượn biến thành người! Bởi nếu tổ tiên chúng ta là vượn thì chẳng hóa chúng ta là những quái thai (vì vượn đẻ ra người) hoặc là một bầy vượn mất gốc, bởi nếu không mất gốc thì chúng ta phải là những con vượn!"

Có lẽ không chờ một đáp án ngoài luồng như thế, sau thoáng sững sờ, thầy đã chỉ mặt nó: “Bố cậu ăn cơm mòn cả bát đũa thiên hạ mà không biết dạy con! Hình như tôi còn nghe đâu bố mẹ cậu đuổi cả thầy giáo chủ nhiệm

Không nói không rằng, nó vơ đống sách vở trước mặt và dưới ngăn bàn vào cặp rồi nghênh ngang bước ra khỏi lớp. Được một đoạn, nghĩ thế nào nó mở cặp lôi đống sách vở ra giựt xé lung tung rồi vứt vung vít dọc đường về

Cái ngày định mệnh ấy, chỉ còn vài ngày nữa là kết thúc học kỳ I.

Nv PHÙNG THÀNH CHỦNG
Tiểu thuyết
THỦY SƠN KIỂN
Chưởng 4,5 và 6
VANDANBNN gt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét