Lê Thiếu Nhơn
NGUYỄN NGUYÊN BẢY – LÝ PHƯƠNG LIÊN
VỢ CHỒNG CẦM BÚT, BUỒN VUI GẬP GHỀNH
Trong giới cầm bút, có nhiều cặp vợ chồng nổi tiếng. Thế nhưng, cả vợ lẫn chồng đều làm thơ và sống bên nhau trọn đời, lại không có nhiều. Năm nay Nguyễn Nguyên Bảy – Lý Phương Liên tổ chức đám cưới vàng, đánh dấu nửa thế kỷ họ sánh vai trên đường thi ca buồn vui gập ghềnh. Thi sĩ vợ chỉ cười hiền hậu khi nhắc đến hạnh phúc, còn thi sĩ chồng tếu táo: “Khi mới đến với nhau, chúng tôi nằm trong số những người khổ nhất quả đất. Còn bây giờ, chúng tôi lọt vào top những người sướng nhất quả đất”.
1. Đều sinh trưởng ở Hà Nội, thi sĩ Nguyễn Nguyên Bảy lớn hơn thi sĩ Lý Phương Liên 8 tuổi. Khi chàng cử nhân Nguyễn Nguyên Bảy đã đường bệ cán bộ biên tập ở Đài Tiếng nói VN thì nàng công nhân Lý Phương Liên tập tễnh làm thơ để vơi bớt niềm riêng cay cực. Là chị cả của bốn đứa em. Lý Phương Liên phải bươn chải cùng mẹ gánh vác gia đình khi người cha mất sớm. Năm 18 tuổi, Lý Phương Liên lại hứng chịu thêm một cú sốc, người mẹ trúng bom Mỹ qua đời. Gạt nước mắt, Lý Phương Liên xin làm công nhân ở Nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo để nuôi em ăn học. Khoảnh khắc ấy, chị viết: “Em đón nhận đời em sau một thoáng hãi hùng/ Chôn mẹ, nuôi đàn em thơ dại/ An phận ư? Mơ hồ sợ hãi// Sống vẫn lời mẹ dặn thiêng liêng…”. Và cũng từ xót xa số phận mình, Lý Phương Liên đã có bài thơ “Tâm sự với Thúy Kiều” gây chấn động đời sống văn học cuối thập niên 60 của thế kỷ trước. Lý Phương Liên không chỉ khước từ ngõ cụt tăm tối “Sông Hồng đó, nọ Hồ Tây/ Chết trong nước cuốn có ngày nổi lên/ Kiểu gì chết cũng thấp hèn/ Kiểu gì chết cũng làm hoen ố đời” mà còn quyết liệt chọn lấy một sự tồn tại hướng đến tương lai: “Chúng ta mở cửa cuộc đời/ Và cầm lái con thuyền nhân định/ Giữa biển lớn thuyền chúng ta lướt đến/ Sáng toàn thân ánh sáng của con người”!
2. Vụt lên như một hiện tượng thơ, nhưng đối với Lý Phương Liên, sự thành công dạo đó chỉ đơn giàn “cha mẹ mất sớm, thất học, vì thế thơ tôi chỉ là đôi ba hoa cỏ, ghi chép lại chính cuộc đời mình, nào ngờ thành tiếng mõ cầu rung lên hỉ ái, và cũng là sấm sét nộ ố… Thơ tôi chỉ là thơ học trò bình thường, nếu không muốn nói là tầm thường, ăn may là do toàn cảnh éo le đắng đời nên lấy được nước mắt của người đọc mà thành thơ. Tôi trở nên nổi tiếng có lẽ là cơ may, vậy thôi!”. Nói là nói vậy, nhưng một nàng công nhân làm thơ “Ca bình minh” về chính nhịp sống lao động bộn bề trên miền Bắc vừa xây dựng vừa ủng hộ miền Nam đánh Mỹ, cũng đáng để công chúng mến mộ: “Bạn bè em có nhiều ý lạ/ Khi nói tới ca ba/ Ca của những đêm đầy trời sao hoa/ Ca của những đêm đông bập bùng ánh lửa/ Còn em với niềm vui bé nhỏ/ Em gọi ca ba là ca bình minh/ Ý nghĩ ấy gặp em như một sự vô tình/ Đêm ca ba đi dọc đường Nam Bộ/ Tay vẫy chào những đoàn tàu rời ga Hàng Cỏ/ Đưa bộ đội lên đường/ Các anh đi suốt ca ba thẳng tới chiến trường/ Đón bình minh đất nước”.
Chính nhờ những câu thơ trong sáng và đắm thắm của cô công nhân Lý Phương Liên, đã khiến chàng thi sĩ Nguyễn Nguyên Bảy tìm kiếm cơ hội hạnh ngộ. Vốn đã đồng cảm với thơ, lại gặp người con gái xinh đẹp và tháo vát, thi sĩ Nguyễn Nguyên Bảy lập tức đem lòng si mê. Bài thơ “Thư tình đầu” được Nguyễn Nguyên Bảy viết năm 1968 đánh dấu thời hẹn hò của họ: “Tình yêu gọi dòng sông xuôi về biển/ Chim đầy vườn ríu rít gọi mai lên/ Mỗi bông hồng chọt hiện một nàng tiên/ Em đã đến để lòng anh thương nhớ”. Còn nàng thì sao? Giữa những giờ đứng máy và bao việc vun vén cơm áo cho bốn đứa em, Lý Phương Liên bất chợt nghĩ đến người yêu ngày đêm chia sẻ những ngược xuôi túng bấn: “Muốn khuyên anh nhiều lắm/ Gặp nào cũng muốn khuyên/ Nhưng gặp lại quên/ Vì sao? Vì sao em không biết/ Cái cười anh thương thương/ Thế là em quên hết/ Rồi về nhà lại lo/ Rồi về nhà lại thương/ Những điều khó nói/ Không đành để mãi trong lòng/ Nên viết gửi anh/ Bài thơ về những điều khó nói”.
Khi tình yêu đã chín muồi, Lý Phương Liên nhận lời cầu hôn của Nguyễn Nguyên Bảy cuối năm 1969. Hoàn cảnh nàng chật vật, mà hoàn cảnh chàng cũng không dễ chịu hơn. Không sao, trái tim thi ca giúp họ tự tin gắn bó với nhau. Cũng chẳng có gì phải chuẩn bị cho ngày làm cô dâu, Lý Phương Liên thắp mấy nén hương lên bàn thờ để “Xin phép mẹ đi lấy chồng” bằng lòng thành trong khói tỏa: “Anh ấy cao cao/ Căn nhà cao đồ đạc thường cũng mát/ Vẻ thông minh thu vào đôi mắt/ Nốt ruồi cửa miệng làm duyên/ Anh đến với con choáng ngợp phút đầu tiên/ Là đôi mắt say và nụ cười như nói…/ Rồi thời gian sẽ đáp lời thủy chung/ Rồi thời gian biết gừng cay muối mặn/ Trong hương thoảng nghe rõ lời mẹ dặn/ Cách làm vợ làm chồng sau đám cưới tình yêu…”. Còn chú rể Nguyễn Nguyên Bảy cũng cam kết: “Anh hứa đôi ta mùa gặt/ Nếp cho đời là nếp cái hoa vàng/ Tẻ cho đời là tẻ xoan tẻ dự/ Anh chỉ xin tình một điều/ Chợt đôi lúc anh lạc mê lạc lú/ Em hãy Bồ Tát khoan dung”.
Hai mảnh đời thi sĩ run rẩy của Nguyễn Nguyên Bảy và Lý Phương Liên bước vào cuộc sống vợ chồng với bao khó khăn chồng chất. Lý Phương Liên xa dần những vần điệu khát khao, chỉ còn Nguyễn Nguyên Bảy níu giữ những phút giây lặng lẽ sống, lặng lẽ thơ của họ: “Có em tủi tủi mừng mừng/ Khỏi than thở nỗi chưa từng được yêu/ Có em như có tín điều/ Thuyền đời phải vượt bao nhiêu thác ghềnh”. Nguyễn Nguyên Bảy ghi lại sự bình yên trong lam lũ: “Câu văn vần này em đã không quên/ Anh ngủ nướng ban mai nghe chổi hát ngoài thềm/ Quét bụi mưa bụi gió/ Thức dậy không thấy nón thấy rổ/ Biết là cò đã đi chợ cỏ lau/ Đổi kẹo lạc kẹo vừng lấy củi lấy rau…” và ghi lại sự sóng gió trong tin cậy: “Mất việc, bạn cho mượn chiếc máy may/ Cấp vốn một chỉ vàng/ Vợ te te đi mua vải/ Chồng thành thợ may hiên ngang/ Thương vợ mòn chân đi ký gửi hàng/ Học Tú Xương ơn thương cò lặn lội/ Người có lúc biết đâu ngày mai hỡi/ Khúc sông này bát ngát một tình ca/ Chở máy khâu trả bạn cười xòa/ Vàng hẹn sẽ có ngày trả đủ/ Vợ ôm con nhìn chồng cười nắc nẻ/ Trên trời máy bay Mỹ đã bay xa”. Nhờ họ có nhau và có thơ, nên tại tổ ấm nhỏ bé mà Nguyễn Nguyên Bảy thường ghi chú “dốc Thọ Lão, căn nhà muỗi 16”, cũng có một “Vườn chiều” mơ mộng: “Một vườn chiều có thực/ Máy bay địch đã bay xa/ Hai đứa nhoi lên từ hầm trú ẩn/ Và một vườn chiều khác hẳn/ Tiên Dung căng màn trên cát mềm/ Sao em chọn chỗ này để tắm/ Chử Đồng Tử tôi nghèo lắm/ Khoan khoan xối nước khoan khoan/ Chớ để thịt da tôi đắc tôi/ Chớ để đau lòng mẹ cha…”.
3. Non sông thống nhất, vợ chồng Nguyễn Nguyên Bảy – Lý Phương Liên đưa nhau rời Hà Nội vào đô thị sầm uất nhất phương Nam để bắt đầu một hành trình mới mẻ. Thi sĩ chồng công tác ở Đài Truyền hình TP.HCM, còn thi sĩ vợ công tác Đài Tiếng nói nhân dân TP.HCM. Tuy nhiên, thời bao cấp gieo neo, lắm phen cả thi sĩ chồng lẫn thi sĩ vợ phải dắt díu nhau ra chợ trời mua bán đồ cũ để có thêm thu nhập nuôi hai đứa con. Thế nhưng, kinh doanh đâu phải trò đùa. Mấy bận thua lỗ, Nguyễn Nguyên Bảy đành chuyển sang viết… tiểu thuyết, để Lý Phương Liên đạp xe đi bỏ mối cho các hiệu sách. Đất nước mở cửa, thi sĩ chồng xông xáo tay năm tay mười, còn thi sĩ vợ nhẫn nại dành dụm chắt chiu, cuộc sống của Nguyễn Nguyên Bảy – Lý Phương Liên cũng khá giả dần lên.
Đứa con trai đầu được đi du học ngành điện ảnh, rồi đứa con gái thứ cũng được đi du học ngành mỹ thuật. Nhiều lần đổi nhà, cơ ngơi sau luôn khang trang hơn cơ ngơi trước, nhưng những nhọc nhằn còn in sâu trong đôi mắt Lý Phương Liên vẫn là nỗi ám ảnh của Nguyễn Nguyên Bảy: “Một nửa tôi không lời/ Thương đau có gì phải kể/ Cảnh mất cha đổ buồn mắt mẹ/ Mất mẹ trút khổ vai em/ Mười bảy tuổi mỏng manh thuyền/ Chèo chống đàn em dại/ Chỉ còn đôi mắt vợ của tôi/ Toàn thân em như cây thị rũ lá/ Khô cành trước gió ban mai/ Chỉ còn đôi mắt/ Đôi mắt kể tôi nghe/ Lưng ngày nắng quật/ Đêm ngôi bỏng vú môi con/ Vai gánh nỗi thương chồng/ Đôi mắt u hoài trong vắt/ Đôi mắt ấy chính là hai ngôi sao trên trời/ Đêm đêm nhìn anh/ Thức với anh/ Đi cùng anh/ Hai ngôi sao không lặn bao giờ”.
Hiện tại, hai người con của vợ chồng Nguyễn Nguyên Bảy – Lý Phương Liên đã định cư ở Mỹ. Ngoài thời gian bay sang bên kia bờ đại dương thăm con bồng cháu, vợ chồng Nguyễn Nguyên Bảy – Lý Phương Liên tự bỏ kinh phí biện soạn hợp tuyển văn chương cho bạn bè. Những tập “Thơ bạn thơ” và “Văn bạn văn” rất chỉn chu và rất sang trọng lần lượt ra đời, chứng minh tình yêu văn chương chưa bao giờ nguội lạnh trong tâm hồn họ: “Thơ này em tung câu sáu/ Anh hứng câu tám/ Câu sáu em bay cò trắng/ Câu tám anh ôm tình trắng mướt bến sông xanh”.
Sau nửa thế kỷ chồng vợ, cặp thi sĩ Nguyễn Nguyên Bảy – Lý Phương Liên vẫn “ tương kính như tân”. Bằng chứng là thi sĩ chồng có cả tập “99 khúc tặng Liên” để trao dâng ấm áp cho thi sĩ vợ: “Tình yêu hai chúng mình/ Không ngôn từ mây gió/ Không ngọt ngon cám dỗ/ Mộc mạc lời trăng rằm/ Mà nên duyên tri kỷ/ Mà nên tình tri âm/ Vầng trăng con mắt nhìn/ Như thần linh chứng giám/ Mỗi khi gặp hoạn nạn/ Lại nhìn vầng trăng treo/ Mỗi khi tắt lửa yêu/ Lại gọi trăng xin lửa/ Nợ trăng chỉ trả đủ/ Thủy chung yêu một đời.
Báo An ninh Thế giới Cuối Tháng 3.019
& Báo Giáo Dục & Thời Đại số 78, ngày 1.4.019
VANDANBNN tổng hợp
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét