Thứ Bảy, 15 tháng 11, 2014

Mời chia sẻ/Tôn vinh Văn Bạn Văn 1/ Thay Lời thưa sách Văn Bạn Văn 1 CỬU TỤNG TIỄN BẠN VĂN

VĂN BẠN VĂN 1
TOÀN TẬP
Nhiều tác giả/ Nguyễn Nguyên Bảy chủ trương/
NXB Văn Học ấn hành 1.2013
 
Thay Lời thưa sách Văn Bạn Văn 1
CỬU TỤNG TIỄN BẠN VĂN


1/ Tụng Nhất : Trần Hoài Dương, chầm chậm nghe mình dặn, lúc cha mình mất, người bảo mai sau bằng hữu của con đứa nào lên trời đường thủy bộ thì nhớ bảo chúng ra bến dò sông Cái, cha sẽ rước lên đò và chở qua sông. Còn đứa nào về trời đường mây, thì báo để cha nhắn mẹ, nghỉ một ngày bán hoa chợ trời, đón chúng ở đầu cầu dải yếm.
Lạy mẹ, bạn con là Trần Bắc Quì, văn danh Trần Hoài Dương, sinh ngày 8-11-1943, đơn chiếc hồn thăng, hai ngày sau, ngày 8/5/2011, thảng thốt hung tin, bằng hữu đến, bạn chỉ còn là xác nguội. Xin mẹ hãy giữ chân hồn quẩn quanh bên xác, để âm dương một đạo, hóa xong, hồn hãy về trời, đừng giận dỗi bởi ra đi đơn côi, lặng lẽ, mẹ tôi đón hồn ở đầu dải yếm với hoa xanh.

Lạy cha, Trần Hoài Dương bạn con làm báo viết văn, cả một đời làm báo viết văn, công việc bình thường, cao quí, lúc sống thân mềm, nay đi, xác cứng, qua lửa thiêu xác chỉ còn là tro bụi, tro bụi văn chương, cha hãy mang tro bụi bạn con đi suốt dòng sông Cái, trả tro bụi Bắc Quì về với phù sa.


2/ Tụng Nhị : Trần Hoài Dương, xin thanh thản đi vào Miền Xanh Thẳm(tên tác phẩm của THD), miền anh cả đời sinh dưỡng mơ mong, nay mơ mong thành sự thật, Miền Xanh Thẳm ấy chỉ toàn là tiên đồng, ngọc nữ, toàn là những trẻ em tươi đẹp như Quỳnh (con trai Dương) ngày bú mẹ, mắt trong veo như Quỳnh năm tuổi chín, tuổi mười, miệng tấu nhạc như Quỳnh ngày tuổi trăng non…

Trần Hoài Dương, nào mấy ai được hồn nhiên đi xa như anh. Những gì cần làm 69 năm ở trọ trần gian kể như anh đã làm xong. Không nhắn gửi lại gì, không mang theo gì ngoài một cái tên.


3/ Tụng Tam : Trần Hoài Dương ơi, tiếc nhớ cồn lòng người sống, nhớ ngày mình phẫu dữ, bạn tìm thăm, bạn khích lệ mình phong độ, còn thêm lời trời có mắt, ở hiền gặp lành, mình cười đón nhận, nhưng tự biết đã đặt viên gạch xếp hàng chờ đến lượt, ngờ đâu Dương vội chen ngang, một chen ngang khiếm nhã, định nặng lời, đã thấy tay bạn dúi cho phần đời còn đọng trong mắt ân, đọng trong cười tình, để rồi vồi vội bạn đi.

Cũng ngày ấy, mình tâm sự với Dương lời nguyền: Mình sẽ đò đưa đủ 50 chân dung bè bạn văn chương thời chúng mình sống gửi, rồi mới chấp nhận thác về. Mình đưa cho Dương xem danh sách 50 chân dung dự toán ấy, lúc đọc thấy tên Lâm (râu), Dương dừng một quãng lặng rồi buột miệng “thương Lâm quá!”. Và khi thấy có tên mình, giọng Dương mềm như người tình: Cảm ơn Bẩy, mình sợ mình không đáng được viết. Khi nghe câu nói này của Dương, tôi như thấy trong mắt Dương một Miền Xanh Thẳm.
Thế đó, bài đò đưa về Lâm mình chuẩn bị lâu rồi, tập hợp được cả một tập thơ tựa là Thơ Lâm Man, in hai bản, một bản lưu, một bản đưa tận tay Lân (Lotus) nhờ gửi cho Phục ( chủ xướng hô hào vinh danh Nguyễn Lâm) để bổ xung vào tuyển chọn thơ Lâm NXB Sân Khấu ấn hành, nhưng đã không được xem xét, mình đành lỗi nợ Lâm, nhưng tin đi, nhất định mình sẽ nhớ Lâm theo cách của mình! Dương lên trời có gặp Lâm nói giúp cho mình lời hứa muộn. Và bây giờ với Dương, bài đò đưa cũng đã viết chữ nào đâu, lúc sống chẳng hát cho nhau nghe, bây giờ hát…Mình chưa nói hết câu, đã như nghe thấy nhu mềm Trần Hoài Dương thủ thì: Bảy cứ viết đi, mình còn cháu Quỳnh, còn Trinh, còn bao nhiêu là anh em, bè bạn không ghét bỏ…

4/ Tụng Tứ : Trần Hoài Dương, sau khi tốt nghiệp Trường Báo chí Trung ương khóa I năm 1961, Hoài Dương về làm biên tập tại Tạp chí Học tập ( sau là Tạp chí Cộng sản ). Hai năm 1969-1970, Hoài Dương đi thực tế ở Trường giáo dục trẻ em phạm pháp của Bộ Giáo dục. Từ 1971-1981, làm ở báo Văn nghệ Hội Nhà văn Việt Nam, biên tập viên, sau phụ trách Ban Văn xuôi. Từ 1982-1992 làm biên tập Nhà xuất bản Măng non, sau là Nhà xuất bản Trẻ, là Trưởng ban Văn học. Từ 1992 đến nay, anh là nhà văn tự do, chuyên viết cho thiếu nhi. Đôi dòng tiểu sử trên (chép lại từ nguồn Triệu Xuân) thấy sáng rỡ mục đích đời sống gửi của Dương, thật cao quí trân trọng.

5/ Tụng Ngũ : Trần Hoài Dương đã không chọn công danh phú quí đời thường, dù cơ may chọn lựa của anh hơn hẳn nhiều người khác. Khâm phục thay! Nhớ lại, năm 1991, tôi cũng nghỉ biên chế theo chế độ hưu lưu. Trần Hoài Dương sau tôi một năm, 1992, anh hưu “một cục” để cùng nhau trở thành người viết tự do. Tôi nặng gánh hơn anh chăng (?) nên hàng ngày vẫn cầy cuốc đủ nghề mưu sinh và viết. Còn anh, toàn phần cầy cuốc trên cánh đồng văn học thiếu nhi. Gặp nhau, anh hỏi: Vất vả không Bẩy? Tôi gật đầu, hỏi lại: Còn Dương? Anh không đáp, chỉ tủm tỉm cười và đọc cho tôi nghe những trang viết thiếu nhi đẹp hơn hoa cây, vàng ngọc.
Trần Hoài Dương ơi, sống là hành trình nhập thế, mấy ai sống xuất bao giờ. Viết văn để nuôi sống mình đã là hoang tuởng, huống lại là viết văn cho thiếu nhi, hoang tưởng nhân đôi, mà trách nhiệm Dương cũng có nhẹ gì đâu, làm cha (với Quỳnh) với khát vọng nuôi con thành người tài, làm chồng với nguyện mong đời Trinh (vợ) hạnh phúc, và với anh em, và với bạn bè, và nhất là với các em tuổi Măng Non, Kim Đồng, Tuổi Trẻ ( các cơ quan THD từng làm việc) Trần Hoài Dương khẳm lòng chỉ yêu, bảo nựng. Thiện văn ở chỗ, đọc văn anh không gặp một than vãn, kêu rên, chỉ thấy điều tốt đẹp, cách làm điều tốt đẹp mà sống trong cuộc đời, dù sống gửi, gửi một lần duy nhất trong cõi địa đàng này. Đến bây giờ, tôi mới hiểu vì sao anh thích thú, khen cạn lời và nhận bốn câu thơ tôi viết, dẫn lại dưới đây là viết cho anh :

Dẫu không dài đời cũng trăm năm
Sao chẳng trăm năm nương cửa Phật?
Bể đời khổ sao bề đời vẫn chật
Nào mấy người vào bể Như Lai.

Dương ơi, thật khó mấy ai chọn nghiệp văn chương, mà khu vực văn chương ấy lại là văn chương cho thiếu nhi, thủy chung như Dương nhỉ? Không quá lời, nếu nói rằng, ai muốn là một người viết văn chân chính hẳn sẽ chọn một tượng đài nào đó để tu thân nhân cách, tôi chọn Trần Hoài Dương là một trong số không nhiều những tượng đài ấy.

6/ Tụng Lục : Trần Hoài Dương cả đời theo nghiệp viết cho thiếu nhi và về thiếu nhi. Hình như số trời định vậy và anh theo vậy, không thể cưỡng. Thời lực và bút lực của Dương đủ, dư để tung hoành vào văn chương khu vực người lớn, để viết những tác phẩm tích lịch trời, kình đà bể, nắng lá hoa mưa. Nhưng Dương đã không muốn thế, Dương chỉ thương yêu tuổi mới lớn thôi, trong veo tức là chưa vẩn đục, trắng tinh tức là chưa bôi bẩn, tự thơm tức là chưa bon chen hiềm khích, và dẫu có vụng đục thì lọc lại trong, bẩn thì tắm tẩy cho trắng, và đẫu có chót dại thì học lại khôn ngoan.
Mấy ai bận tâm đến kẻ viết văn cho thiếu nhi như mình? Dương bảo thế, chút khiêm nhường, chút tự ti, chút hờn giận. Dương nghĩ thế, bảo thế thì nó là thế. Đời công bằng sẽ bình công chấm điểm cho sự nghiệp thời sống gửi của Dương.
Mình công bố tặng bạn một phần cuộc điều tra xã hội học về văn đàn Việt trăm năm trở lại đây, điều tra bảo rằng các truyện thiếu nhi bao gồm thần thoại, cổ tích, dồng dao, ca dao, truyện tranh… nôm na là những truyện viết cho thiếu nhi và về thiếu nhi, được truyền khẩu từ thế hệ này sang thế hệ khác, nam phụ lão ấu đều đọc, và nhiều lời văn câu chuyện được thuộc nằm lòng, kể hát lại cho nhau nghe. Ngược với điều tra nôm na này là thống kê về sự to đùng của khu vực văn chương bảo là viết cho người lớn và viết về người lớn, hầu hết đều nguyên đai nguyên kiện trong kho thư viện dành cho các nhà nghiên cứu luận tìm đọc vì công việc phải làm. Mình công bố điều này không tàng ẩn bất kỳ ý gì khác, chỉ muốn nói với Dương rằng, Dương đã tự đánh giá đúng tạng viết của mình mà chọn đúng mục tiêu cầm bút, đó là mục tiêu cầm bút viết cho thiếu nhi, viết về thiếu nhi, viết về cái thời đẹp nhất, trong sáng nhất của mỗi con người, cái thời ngấm thuộc văn chương dễ dàng nhất, ngấm thuộc như thể hòa tan vào máu để nuôi khôn lớn thành người.

7/ Tụng Thất : Trong bài viết Trần Hoài Dương- Nhà văn tâm huyết với giới trẻ , nhà văn Triệu Xuân đã tổng kết: “Trần Hoài Dương khởi đầu sự nghiệp văn học bằng truyện ngắn. Tính đến nay, anh đã xuất bản hơn hai chục tác phẩm, chỉ có năm tác phẩm là truyện dài. Cuốn sách đầu tay xuất bản khi anh mới tròn 20 tuổi là Em bé và bông hồng (tập truyện ngắn, Nxb Kim Đồng, 1963). Kế đó là: Đến những nơi xa (tập truyện ngắn, Nxb Kim Đồng 1968); Cây lá đỏ (tập truyện ngắn, Nxb Kim Đồng, 1971); Cuộc phiêu lưu của những con chữ (truyện đồng thoại, Nxb Kim Đồng, 1975); Con đường nhỏ (tập truyện ngắn, Nxb Kim Đồng, 1976); Hoa của biển (truyện dài, Nxb Kim Đồng, 1976); Người tù vượt ngục và em nhỏ trên đảo (truyện dài, Nxb Kim Đồng, 1979); Lá non (tập truyện ngắn, Nxb Kim Đồng, 1981); Áng mây (tập truyện ngắn, Nxb Hà Nội, 1981); Bên ngoài mái trường (tiểu thuyết, Nxb Phụ nữ, 1983); Những ngôi sao trong mưa (tập truyện ngắn, Nxb Long An, 1988); Mầm đước (truyện dài, Nxb Trẻ 1994); Nhớ một mùa hoa thạch thảo (tập truyện ngắn, Nxb Kim Đồng 1994); Cô bé mảnh khảnh (truyện ngắn chọn lọc, Nxb Kim Đồng, 1996); Nắng phương Nam (tập truyện ngắn, Nxb Kim Đồng, 1998); Trần Hoài Dương Truyện chọn lọc (Nxb Văn học, 1998); Cỏ hoa thì thầm (tập truyện ngắn, Nxb Kim Đồng,1999); Miền xanh thẳm (truyện dài, Nxb. Kim Đồng, 2000). Ngoài ra còn nhiều kịch bản phim hoạt hình và kịch bản múa rối cho thiếu nhi, trong đó đã có năm kịch bản được dựng thành phim”.
8/ Tụng Bát : Trần Hoài Dương bạn tốt ơi! Chắc chắn những dòng tổng kết trên từ nguồn của bạn? Bảo đó là sự nghiệp cầm bút vĩ đại thì nó là vĩ đại, bảo đó là sự nghiệp cầm bút tử tế thì nó là tử tế. Bạn thích đời gọi bạn là vĩ đại hay là tử tế?
Chữ vĩ đại là một trừu tượng từ, thiên từ, vừa khó định nghĩa, khó được tâm phục khẩu phục, chẳng những vậy nó còn tàng ẩn ý nghĩa dịch biến, hoang tưởng và không mạch lạc giới hạn. Bời thế nào là vĩ đại? Vĩ đại phút này, lúc này, thời này, lại là bé nhỏ, tầm thường, thậm chí phản vĩ của phút khác, lúc khác, thời khác.
Còn tử tế tuy cũng là trừu tượng từ, nhưng thuộc địa từ. Thiên và Địa là hai vũ trụ thuộc tam tài, Nhân là tài đứng giữa Thiên và Địa. Thiên cao vói còn Địa thì ngay dưới chân ta. Vì thế Vỉ Đại ở rất cao còn Tử tế lại rất thấp, rất gần. Vĩ Đại khó nhận biết hơn Tử Tế. Dương sống thế nào, sự nghiệp của Dương thế nào thì Dương biết, con trai biết, vợ biết, gia đình biết, bè bạn biết.
Trần Hoài Dương ơi, phút vĩnh biệt này người đi, kẻ ở ai cũng thật lòng nhất. Bạn là một nhà văn tốt, một nhà văn tử tế.

9/ Tụng Cửu : Thưa bạn tử tế, chắc chắn là chúng ta còn nhiều điều muốn nói cùng nhau, nhưng dẫu có nói thêm bao nhiêu thì âm dương cũng không thể hoán, biệt ly xin đành ly biệt…
Nam mô Địa Tạng Vương Bồ tát, Nam mô cha mẹ trên trời xin tiếp rước bạn con, một người bạn tốt, một con người tử tế, chính danh, nhà văn Trần Hoài Dương. Dương ơi, tay những thân yêu của bạn đã thắp lửa hương-nhang. Thơm thảo linh thiêng, thơm thảo nghĩa tình xin bay theo gió thác về, đừng thương buồn những thân yêu còn sống gửi khóc giõi chân hương. Bạn tốt, xin cho mình hóa vào nhang con thơ này vĩnh biệt:

Cháy rồi, cháy hết phần thơm
Chân hương đứng lặng nỗi buồn vô vi
Rồi mầu phẩm nhuộm phai đi
Dẫu chẳng còn gì cũng đứng chân hương

Sài Gòn, 11/5/2011
Nguyễn Nguyên Bảy, tụng.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét