Thứ Bảy, 15 tháng 11, 2014

Mời chia sẻ/Tôn vinh Văn Bạn Văn 1/ 3.Văn Truyện LÊ THẾ BIÊN / HẠNH PHÚC CHỐN BÌNH YÊN

VĂN BẠN VĂN 1/ TOÀN TẬP
Nhiều tác giả/ Nguyễn Nguyên Bảy chủ trương/
NXB Văn Học ấn hành 1.2013

3.Văn Truyện
LÊ THẾ BIÊN

 
HẠNH PHÚC CHỐN BÌNH YÊN

1.  Sau bốn năm cặm cụi dùi mài kinh sử ở giảng đường, Hoàng ra trường với tấm bằng loại ưu và bầu nhiệt huyết mong ngày về cống hiến cho quê hương. Thế  nhưng, cuộc đời lại muốn Hoàng đi đến một nơi khác, cái nơi mà cho đến giờ đây khi sự trải nghiệm cuộc đời đã hằn trên từng nếp nhăn của một con người từng trải, Hoàng vẫn thanh thản để tự hào rằng mình đã kiếm tìm được hạnh phúc trong bình yên.

***

Mười giờ tối, khi chiếc vali cồng kềnh toàn sách vở bị gã lơ xe vứt đến xịch xuống đường thì Hoàng mới chắc chắn rằng mình đã đặt chân xuống một vùng đất mới. Vùng đất mà chưa bao giờ Hoàng nghe kể và cũng chưa bao giờ Hoàng hình dung. Bị đẩy xuống xe, đón chờ Hoàng là sự tầm tã của miền Nam đang độ mùa mưa. Hoàng choáng ngợp trước sự mời mọc, giành giật của toán xe ôm khi họ biết Hoàng cần một chỗ nghỉ vì chưa đến được nơi Hoàng cần. Hai trăm mét, quãng đường quá ngắn so với cái giá ba chục ngàn Hoàng phải trả. Hoàng chưa bao giờ bị lừa như vậy, uất ức xen lẫn cam chịu vì Hoàng biết mình đang ở xứ người.
Gửi xong cái vali được bọc một lớp nilông bên ngoài mà mẹ Hoàng đã cẩn thận lo lắng từ mấy hôm trước, Hoàng mới yên tâm nhận chìa khoá phòng. Tắm rửa xong, Hoàng chợt nghe tiếng gõ cửa.
“Anh có cần massage không?” Trước mặt Hoàng là một cô gái ăn vận khá mát mẻ với giọng miền Nam đặc sệt. Cô gái trẻ và rất đẹp, chắc khoảng tuổi em gái út của Hoàng.
- Em làm nghề này?
- Vâng, đó là quy định của nhà nghỉ nơi đây, khách hàng luôn là thượng đế anh ạ.
- Em bao nhiêu tuổi?
- Dạ 16.
Mười sáu tuổi? Hoàng thấy rùng mình. Mười sáu là cái tuổi trăng tròn, em Hoàng còn vô tư khoác trên mình tà áo dài trinh trắng. Thế mà…
- Anh sao “dzậy”? Anh khỏi lo, anh “zdô” chỗ này rồi thì bọn em phải có nghĩa “zdụ” làm anh ưng ý.
Hoàng bần thần trước lời đong đưa cô một cô gái trẻ.
“Mày ngu lắm, con trai thì mất mát gì. Cứ lý tưởng như mày rồi cuối cùng cũng vớ phải đồ cổ thôi”. Thằng bạn thân nhất của Hoàng cũng từng đã nói với Hoàng như vậy.
- Em quê ở đâu? Tại sao phải làm cái nghề này?
- Em  ở Tiền Giang, bố mẹ em mất sớm… tủi nhục lắm anh ạ. Cô gái trả lời khi đang mân mê cơ thể Hoàng.
Hoàng gạt phăng tay cô bé. Em dược bao nhiêu qua một đêm nhục nhã như thế này?
- Tuỳ à anh ơi,  khách “bo” nhiêu thì em được nhiêu!
Hoàng rút ra tờ 100.000 ngàn, dúi vào tay cô gái và yêu cầu như đuổi:  Em có thể xong nghĩa vụ của mình.
Cô gái ngây dại như chưa bao giờ gặp người khách như vậy, cứ trân trân nhìn Hoàng, ánh mắt của một cô gái chưa trưởng thành. Đoạn chạy vụt ra khỏi phòng và ném lại tờ polymer Hoàng đưa ban nãy, để lại Hoàng miên man suy nghĩ về cuộc sống rồi thiếp đi.
Chợt giật mình tỉnh giấc, theo thói quen của đứa con nhà nghèo, Hoàng kiểm tra ví, còn ba triệu rưỡi - số tiền mà mẹ Hoàng đã chạy khắp xóm mới vay đủ cho Hoàng vào miền Nam. Nhẩm tình một lát, Hoàng thở phào nhẹ nhõm, chắc là đủ trang trải cho những ngày đầu tiên ở vùng đất này.
Sáng sớm, Hoàng ra đón xe về nơi Hoàng nhận công tác, chuyến xe đưa Hoàng đi quá một quãng khá xa. Hoàng phải bắt xe ôm ngược trở lại, ngồi trên xe Hoàng cảm thấy sợ, sợ lại bị lừa.
“Năm ngàn”. Lời bác xe ôm làm Hoàng phấn chấn, ít ra cuộc đời vẫn còn tình người. Tự nhiên Hoàng thấy hy vọng vào vùng đất mới này.
Ngôi trường Hoàng công tác lụp xụp ẩn dưới tán cây xà cừ cổ thụ. Nghèo và heo hút. Hoàng chỉ kịp cảm nhận như vậy rồi vội vã tiến về khu tập thể giáo viên sau khi đã nộp quyết định bổ nhiệm. Gì thì gì an cư mới lạc nghiệp.
- Anh ơi…
- Giáo viên mới hả? Hết chỗ rồi em ơi! Phòng toàn hai người.
- Dạ! Em ở tận ngoài Bắc…
- Lên mà gặp công đoàn, chật chội thế làm sao mà ở?
Suốt mấy ngày hôm sau, Hoàng mới ổn định được chỗ ở của mình. Sống ở vùng đất không ai thân thích, buồn và tủi thân, song Hoàng vẫn tin vào cuộc sống. Hình ảnh cô gái miền Tây, gã lơ xe, lão xe ôm rồi những lời từ chối của giáo viên tập thể, với Hoàng chỉ là một mảng tối nhỏ trong bức tranh toàn màu hồng của cuộc sống mà bấy lâu đã trở thành lý tưởng của Hoàng.

***
Hoàng bị cuốn vào cuộc sống mới, yêu nghề, vững chuyên môn nên được đồng nghiệp và học trò yêu quý. Hoàng cảm thấy yêu và nợ một điều gì ở mảnh đất biên cương khó nhọc này.
Càng ngày Hoàng càng khẳng định được mình từ năng lực của bản thân. Nhà trường giao cho Hoàng nhiều nhiệm vụ mới nên Hoàng có dịp tiếp xúc với nhiều vị lãnh đạo của Sở. Hoàng thấy vui về điều đó và gia đình Hoàng cũng tự hào về Hoàng lắm. Qua những lần tiếp xúc với các vị cán bộ Sở, Hoàng thấy mình có cơ hội đi học thạc sỹ, một điều mà không chỉ Hoàng mà cả gia đình và dòng tộc đều mong mỏi. Muốn thế Hoàng phải tự học Tiếng Anh, điều đó đồng nghĩa phải có một chiếc máy vi tính. Thế nhưng một năm qua rồi dù tiết kiệm lắm song Hoàng vẫn chưa thể mua một chiếc máy vi tính khoảng 6 triệu đồng. Đang thất vọng về mình thì Hoàng nhận được một cuộc điện thoại của đứa bạn chung lớp thời đại học.
-   Khoẻ không Trần Hoàng ? Nghe nói ông đang dạy ở miền Nam ? Tôi giờ đang thất nghiệp. U tối lắm ông ơi! Ông xem trong đó có vô được không? Hết bao nhiêu không thành vấn đề. Cốt là tôi giải quyết được khâu tư tưởng cho gia đình.
- OK, ông vô đây với tôi cho vui, một chầu nhậu là xong. Chuẩn bị hồ sơ đi!
Hoàng vẫn nhiệt tình với bạn bè như vậy. Nhưng tối về phòng Hoàng cơ man trong suy nghĩ, lỡ như mất tiền thật thì…Cực chẳng đã, Hoàng bấm máy:
- Sếp ạ! Em có việc cầu cứu sếp đây! Thằng bạn em…
- Vụ này hơi căng đó, giáo viên giờ chỗ nào cũng thừa. Hoàng nhận được câu trả lời đầy nghiêm trọng của sếp “Sở” sau khi sếp nghe Hoàng kể lể.
- Sếp cố gắng giúp em.
- Chỗ thân quen thầy nói thật, vé này phải hai chục mới gọn.
Hoàng choáng váng, lâu này bạn bè vẫn bảo Hoàng quá lý tưởng cuộc đời, Hoàng mặc kệ những lời đó, hàng ngày Hoàng vẫn say sưa trên bục giảng truyền cho đám học sinh thơ ngây niềm tin và sự khát khao cuộc sống. Mấy lần Hoàng gặp những tình huống rất khó xử như học trò nhét trong gói quà một chiếc phong bì lạnh ngắt với lời nhắn: “Bọn em hổng biết mua gì tặng thầy vào ngày 20/11, thầy chịu khó mua giùm nhé! Bọn em thương thầy nhiều!” Hoàng trả lại chiếc phong bì, chỉ giữ lại món quà nhỏ làm kỷ niệm và vẫn tin rằng đó là sự bồng bột, thiếu chín chắn của học trò mà thôi. . Thế nhưng giờ đây, khi nghe mồn một từng lời “Chỗ thân quen thầy nói thật, vé này phải hai chục mới gọn”, Hoàng sụp đổ hoàn toàn.

***
- Alô! Sao rồi ông? Có chắc cú để tôi gửi hồ sơ.
- À…, chắc…!
- Sao vậy? Bao nhiêu?
Nghe thấy thằng bạn Hoàng đến hai chữ “bao nhiêu” Hoàng choàng tỉnh: À thì ra học sinh thân yêu của mình không phải bồng bột mà là cuộc đời đã chìa ra cho các em thấy những điều mà đáng ra các em không phải thấy trong lứa tuổi này. Tất cả đều phải quy đổi bằng tiền, cả giá trị nhân phẩm của con người, cả tình cảm thiêng liêng của người thầy mà chúng rất yêu thương. Sao mà rẻ mạt, bi đát quá.
- Hai… chục triệu. Hoàng chát đắng cổ họng.
- OK, chắc chắn  nhé, ông cho tôi địa chỉ.

***
Ngày thằng bạn nhận quyết định cũng là ngày Hoàng nhận được một phong bì đựng ba triệu rưỡi kèm theo lời khen ngợi từ sếp “Sở”: Em làm tốt lắm, sang năm có vụ nào cứ phone cho thầy. Cuộc sống là vậy mà, chúng ta phải vận hành cùng guồng quay của  nó Hoàng ạ!
Cầm một số tiền lớn trong tay, Hoàng cảm thấy day dứt. Ngày sinh viên,  Hoàng nổi tiếng vì luôn đòi sự công bằng cho tập thể. Giờ đây, Hoàng vẫn ra rả với học trò là phải biết đứng lên chống lại cái xấu, tôn vinh cái đẹp. Thế mà…
“Mày cứ sống như thế sẽ bị đào thải, cuộc sống không phải là một thảm hoa hồng, mày chẳng là cái thá gì nếu mày không có một xu nào, đẹp trai đi bộ không bằng thằng rỗ đi xe”. Lời anh bạn cùng khu tập thể văng vẳng bên tai Hoàng.
“Chẳng có đứa con gái nào dám yêu mày trong khi tài sản của mày chỉ là một đống lý tưởng của cái thời đã qua gần nửa thế kỷ. Tỉnh lại đi chú em tội nghiệp”…Đưa ly rượu đánh cái ực, Hoàng thấy vô vị, lạc lõng và tuyệt vọng. Những lúc ấy Hoàng thấy nhớ Huế và thời sinh viên vô cùng. Bốn năm gắn bó với xứ Thần Kinh, Hoàng nguyện theo đuổi một cuộc sống sâu sắc và trong sạch, Hoàng hiểu tại sao Huế buồn và dường như trong cái buồn của Huế có sự đồng cảm dành cho Hoàng. Giờ đây, lý tưởng sống của Hoàng bị dè bỉu, khinh mạt. Hoàng trở thành đề tài tâm điểm của sự bàn tán, là một kẻ non nớt không hiểu đời, ngô nghê đáng thương hại. Nhiều lúc Hoàng thấy hoài nghi cách sống của mình, nhất là khi đồng lương còm cõi không đủ sinh hoạt cho một cuộc sống xa gia đình, Hoàng phải vay mượn và cảm nhận được sự khinh bỉ từ  những người xung quanh. Hoàng muốn thay đổi, Hoàng muốn chứng tỏ cho mọi người thấy cái tôi thiệt lớn của mình. Nhiều đêm nằm trằn trọc không thể nào chợp mắt được, Hoàng nghĩ: Ừ, người ta khinh mình cũng phải, mình còn thiếu nhiều lắm, đi dạy một năm rồi mà vẫn phải đi bộ, ước mơ lớn nhất là sắm một cái máy tính vẫn đang dang dở. Với ba triệu rưỡi nằm gọn lỏn chiếc phong bì này mình sẽ đạt được ước mơ, rồi mình sẽ được đi học, mọi người phải há hốc mồm ra nhìn mình ngẩng mặt với đời và mình sẽ có tất cả….Hay là cứ nhận tiền đại, ngoài ông sếp ra, không ai biết nguồn gốc số tiền này, mà họ có biết cũng thế, có khi họ lại vui là đằng khác, vì kể từ nay không phải ngứa mắt với một thằng lập dị, một thằng hâm nữa.
Nhưng như thế thì nó có quả rẻ mạt so với những gì mà mình đã dày công theo đuổi hay không? Như vậy có xứng đáng với tư cách một nhà giáo hay không? Cuộc sống này rốt cục rồi vì cái gì? Giàu sang, danh vọng rồi để lại cái gì đây? Hoàng luẩn quẩn trong mớ bòng bong câu hỏi rồi thiếp đi tự lúc nào, trong cơn mê vẫn rành rọt từng câu chữ: “Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi, đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt…”
Sáng mai thức dậy, Hoàng uể oải lên trường. Hôm ấy là ngày khai giảng, trời mưa lâm thâm do miền Nam bị ảnh hưởng bão từ miền Trung, ngồi bên dưới là đám học trò ngây thơ trong tà áo trắng. Bài hát “Người thầy” vừa kết thúc cũng là lúc Hoàng chạy vụt ra ngân hàng huyện làm thủ tục chuyển tiền cho thằng bạn. Ba triệu rưỡi là một con số đổi bằng cả một vụ lúa của bố mẹ Hoàng, của bố mẹ thằng bạn, của bao nhiêu nhục nhã của cô bé Tiền Giang đêm đó. Hoàng trở về trong mưa với tâm trạng nhẹ nhõm y như cái ngày Hoàng kiểm tra lại cái ví của mình trong nhà nghỉ một năm về trước.
2. Thấm thoát đã ba năm, Hoàng dự thi cao học để nâng cao chuyên môn, ba năm qua, vẫn cái lý tưởng mà mọi người coi là gàn dở đó đã giúp Hoàng thổi vào các thế hệ học sinh mình niềm tin vào cuộc đời. Dù sao các em cũng đáng được như thế. Trong mắt học sinh, Hoàng trở thành thần tượng và tấm gương sáng về đạo đức nhà giáo. Hoàng thấy vững tin thêm lần nữa cho đến một ngày niềm tin tưởng như sắt đá đó nát vụn.
Phòng tổ chức cán bộ. Bận họp. Đợi….
- May quá, báo cáo đồng chí…
- Việc gì? Một thanh niên to béo vừa trong phòng bước ra hất hàm. Theo bảng tên anh ta là chuyên viên phòng tổ chức tên Nguyễn Lâm.
- Báo cáo anh, đây là giấy báo nhập học cao học của tôi…
- Đi học hả? Phải cán bộ nguồn không? Đảng viên chưa? Nguyễn Lâm ngắt lời.
- Nan giải đây, làm việc không có kế hoạch thế này thì hỏng hết. Giờ tớ bận, có gì cuối giờ trao đổi tiếp.
Và từ cái cuối giờ trao đổi tiếp đó, Nguyễn Lâm đã hướng dẫn Hoàng tường tận: Phải thế này, thế này và thế này…
Hoàng đi học như chạy trốn cái bỉ ổi của cái Sở mà gọi với cái tên rất hay là giáo dục và đào tạo. Và tất nhiên, thấy sự bỉ ổi chình ình trước mặt mà không dám đấu tranh, thậm chí còn dúi phong bì cho gọn chuyện thì Hoàng cũng là bỉ ổi rồi còn gì. Thế là cái lí tưởng bền bỉ kia của Hoàng đã ruỗng nát thật rồi.
Hoàn thành luận văn thạc sĩ, Hoàng trở về trường với một tâm hồn chắp vá, những tưởng học thạc sĩ để nâng cao trình độ chuyên môn, để về mà cống hiến cho mảnh đất không duyên mà lại nợ này, ai dè đi học để chạy trốn cái xấu xa này lại vấp phải cái khốn nạn khác. Thế mới biết lâu này Hoàng ngu đến mức nào. Hai năm học thạc sĩ đã trang bị cho Hoàng diện mạo hoàn toàn mới, ít nhất là cái nhìn đời, thực tế và thực dụng hơn.
Đem vốn liếng từng trải đó ra ngênh ngang với đời, con đường hoạn lộ của Hoàng lên như diều gặp gió. Từ phó bí thư lên bí thư đoàn trường kiêm tổ trưởng chuyên môn, 1 năm sau lên chủ tịch công đoàn và nằm chễm chệ trong danh sách cán bộ nguồn hiệu phó. Năm đó Hoàng 28 tuổi.

3. Trò đời lắm oái oăm, nghèo thì người ta khinh, còn thông minh thì người ta ghét. Khi đã là một người đàn ông thành đạt, vượt qua mọi ánh mắt đố kị của người đời, vượt qua sự thành công mau chóng, Hoàng thấy vô vị và đơn độc thực sự. Đã đến lúc Hoàng cần một tổ ấm để được ngơi nghỉ sau những tháng ngày bon chen và đánh mất mình.
Hoàng chợt nghĩ đến Tuệ Minh, người con gái mà Hoàng yêu thầm 4 năm nay giờ cũng sắp sửa tốt nghiệp đại học, người con gái đó gọi Hoàng bằng thầy.
Bốn năm cho một cuộc tình câm nín vì cái ranh giới không gì khỏa lấp của hai tiếng thầy trò. Hoàng yêu Tuệ Minh ngay từ cái nhìn đầu tiên, sự linh cảm của một người từng trải giúp Hoàng nhận ra dù không rõ rệt, Tuệ Minh là người con gái mà số phận mang đến cho Hoàng. Thế nhưng đạo đức người thầy không cho phép Hoàng hé răng. Hoàng lao vào công việc để nhét vội tình yêu cháy bỏng với Tuệ Minh vào góc khuất tâm hồn. Để đêm về lại lôi ra, hành hạ bản thân suốt 4 năm đằng đẵng. Hoàng quyết định nói ra cái điều lâu nay anh ấp ủ.
- Tuệ Minh, em còn nhớ tôi không?
Chỉ một câu nói đó đã kéo hai người từ khoảng cách rất xa lại gần nhau hơn bao giờ hết. Thì ra 4 năm qua, Tuệ Minh cũng khổ sở không kém gì Hoàng, sự chờ đợi đã hằn lên thành những dấu vết mệt mỏi trên khuôn mặt thánh thiện của Tuệ Minh.
Những ngày yêu nhau, hai người đã dành cho nhau tất cả những gì mãnh liệt nhất của tình yêu, họ như muốn bù đắp cho nhau sau những tháng ngày cắn răng chịu đựng. Và cũng chính Tuệ Minh đã kéo Hoàng trở lại với ngày xưa, kéo Hoàng thoát khỏi cạm bẫy của danh vọng hảo huyền. Tuệ Minh đã giữ Hoàng lại đúng lúc.
Ngày sinh đứa con trai đầu lòng cũng là ngày Hoàng nhận quyết định bổ nhiệm chức vụ Hiệu phó, chức vụ mà nếu đi tắt thì đã đến sớm hơn. Cái chức vụ được khẳng định do chính sự cố gắng và năng lực thực sự của Hoàng, chứ không phải đổi bằng 70 triệu như lời gợi ý của ông trưởng phòng tổ chức cán bộ.
Nhìn đứa con kháu khỉnh và khuôn mặt rạng ngời hạnh phúc của người vợ hiền Tuệ Minh, Hoàng thấy hạnh phúc quả thật mong manh nếu mình không biết nắm giữ. Mọi công danh, tiền tài đến rồi lại đi, chỉ có những gì xuất phát từ con tim và khối óc mới là vĩnh cửu. Hạnh phúc bình yên, đó mới là thứ mà cuộc đời Hoàng theo đuổi.

Truyện ngắn Lê Thế Biên/ Nguyễn Văn Hòa đọc chọn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét