Thứ Bảy, 15 tháng 11, 2014

Mời chia sẻ/Tôn vinh Văn Bạn Văn 1/ 4. Văn Truyện Văn Chinh/ Mừng Nỗi Buồn Qua

VĂN BẠN VĂN 1/ TOÀN TẬP
Nhiều tác giả/ Nguyễn Nguyên Bảy chủ trương/
NXB Văn Học ấn hành 1.2013

4. Văn Truyện
VĂN CHINH

MỪNG NỖI BUỒN QUA

Bạn ép uống mừng mười năm tái kiến
Mừng nỗi buồn không thể buồn hơn

(Lương Hữu)



Lần theo câu thơ có lời đề tặng, tôi đã gặp được thầy Ban. Sau bốn mươi mấy năm, thầy trò mới gặp nhau dầu rằng mỗi thành công nho nhỏ trên đường đời, tôi đều nhớ đến thầy. Học hết lớp 7, tôi theo bố mẹ lên rừng lập nghiệp, có gửi thư cho thầy ba lần nhưng cả ba đều bị giả lại. Những bức thư ấy bây giờ tôi vẫn giữ, cái thứ mực Trường Sơn xanh đen thật xứng với tình nghĩa con người, nó không chịu phai ngay cả chỗ đã dập xoá bằng tẩy.

Thư thứ nhất: ...Em vẫn còn nhớ như in, trong căn phòng nhỏ tường đất ngày nắng thì trắng lên mầu muối mặn, ngày mưa lại ri rỉ nước mà thầy vẫn để nguyên, không dán giấy báo như các thầy cô khác, ôi cái mầu đặc biệt Tiền Hải mà bây giờ nhớ lại em đã khóc. Em cũng rất nhớ một dòng chữ khắc chìm tô phấn đỏ: “Lâu đài tình yêu của B -  L.” Thầy ơi, em cảm phục sự chung thuỷ, nhưng vẫn xin thầy hãy dán giấy xi măng hay giấy báo lên tường. Vì một lần thầy D đến thăm lớp, hỏi ai dạy hay, ai dạy dở chị Th có nói rằng thầy dạy hay, thì thầy D nói thầy “có chuyên mà không có hồng,” lại có mối quan hệ với dân di cư theo Mỹ Diệm, chúng em cần cảnh giác!

Thư thứ hai: Cái dòng chữ khắc chìm tô phấn đỏ vậy là đã làm hại thầy. Vậy là em đã linh cảm đúng, thầy đã đi đánh trống trường thay vì đứng trên bục dạy các đàn em những bài văn thật hay: “Cái ông quan xử kiện bằng thơ chứ không bằng luật pháp, cái anh chàng sẵn sàng bỏ ra ngàn vàng để được có người đẹp, nhưng lại sợ cô vợ cả con quan, để mặc cho nhân phẩm người đẹp bị sưng tấy, bị nát rữa trong nọc rắn ghen tuông; thì Tố Như ơi, thì chúng ta ơi, các em học sinh kiêu hãnh của thầy, chúng ta còn sống làm gì mà không bảo người nhà “Được, được” chứ nhất định không thuốc thang chữa bệnh!”

Đoạn sau bức thư nói về việc bức thư thứ nhất bị giả lại, thầy đã chuyển đi chỗ khác mà không để lại địa chỉ. Thằng Bảo cho em địa chỉ mới của thầy, nó nói nó đã sửa được lối văn lòng thòng câu sau chửi cha câu trước là nhờ thầy đã giễu chúng em: “Có anh chàng thanh niên râu dài quá rốn, cưỡi con ngựa bạch hồng phi nước đại từ từ...”. Nó cũng nói thầy đi đánh trống trường nhưng “lâu đài  tình yêu của  B - L” thì vẫn khắc chìm tô phấn đỏ, nguy quá thầy ơi! Bố em mới về quê lên, nói thầy bị kỷ luật vì viết văn, nên cấm em không được đọc sách nữa. Em không biết sao từ trường ta về xã em xa sáu cây số, mà việc thầy đang là sinh viên Tổng hợp bị đưa về nông thôn dạy học, lại có thể đến tai bố em, một nông dân đang bận rất nhiều việc cơm áo trên rừng, chỉ tạt về quê mấy ngày mua thóc giống? Xin thầy cẩn thận, em chỉ muốn các em học trò lớp lớp được nghe thầy giảng, để được sung sướng và biết ơn những bậc tiền nhân đã viết nên áng văn bất hủ!

Thực ra, cái dòng chữ khắc chìm tô phấn đỏ chỉ là cái cớ, những bức bưu thiếp mới làm nên tội. Nó vẽ đôi trái tim hồng ôm nhau trong lâu đài đặc biệt Sài Gòn những năm ấy, lại viết những câu cực ngắn, cực khó hiểu đối với người thứ ba: Ôi cái đêm nhà thờ 24 - 12 - 1953. Anh còn nhớ? Chỉ còn 1 năm 2 tháng 6 ngày nữa thôi! Khốn khổ cho thầy là những năm tháng ấy, ông Ngô Đình Diệm lại không ngớt lời tuyên bố Bắc tiến, “Lấp sông Bến Hải để Bắc tiến!” Và các con số đêm Noen 1953, 1 năm 2 tháng 6 ngày nữa, cộng với ngày tháng đề trên bưu thiếp, nó lại thành Nôen 1956. Thầy Ban cho chúng tôi xem bưu thiếp, nói: “Đó là nàng muốn nhắc tôi nhớ tới cái hôn đầu tiên, ôi nó mới ngọt ngào làm sao. Cầu thang lên gác chuông nhà thờ chật và bụi. Nó làm chỉ vừa một lối đi cho ông bõ già mỗi lần lên quét bụi, nhưng tôi biết đêm Noen chỉ lên trên ấy mới có thể hôn nàng. Yêu nhau, viết thư cho nhau đã ba năm có lẻ mà vẫn chưa từng hôn nhau. Nàng luôn nói, anh ơi, chiến tranh còn thì còn máu chảy. Người ta đầu rơi máu chảy, mình hôn nhau nó cứ bất nhẫn thế nào. Vậy thì bao giờ mới được gần nhau, Pháp giàu mình nghèo, biết bao giờ mới thắng? Đến Nôen năm 1956, em vừa tròn 20, anh cũng vừa 25 nếu chiến tranh chưa hết thì đành vậy. Mình thèm hôn lắm. Đôi môi nàng, các cậu xem đây, có đúng là đôi môi trái tim không? Đỏ mọng như nhót chín đã chùi hết vẩy, chứ tay thợ ảnh tô mực đỏ thế này là thẩm mỹ phố huyện, là giết cái đẹp. Mình như lôi phứa nàng lên gác chuông, cái gác chuông lâu ngày đã ọp ẹp, phải đi nhẹ nói khẽ. Tay trong tay, thân thể cọ vào thân thể, ai mà chịu được. Đúng vào lúc chuông nhà thờ đổ mừng Chúa giáng sinh, mình ôm chầm lấy nàng, môi run run tìm môi, vậy là hôn nhau; hôn nhau trong khi trống ngực chúng mình đập liên hổi kỳ trận, chuông nhà thờ gióng giả ngân nga hết ba hồi chín tiếng mà trống ngực vẫn chưa dừng, môi chưa rời môi.”

Thầy Ban kể với đám học trò thân thiết như kể lại một chiến công của tình yêu, khi ấy tôi 16 tuổi, càng thấy tình yêu là thiêng liêng và từ đó, mỗi khi tiếng chuông nhà thờ ở đâu đó cất lên, tôi cứ có cảm giác không gian ngập tràn nụ hôn và tiếng tim đập. Nhưng thầy không thể giải thích với ngành an ninh về các con số bị coi là mật mã của các hoạt động tình báo. Thầy bị thầy D đề nghị chuyển trường và thôi dạy. Bấy giờ tôi chưa hiểu tại sao một ông thầy nói lắp, nói quỹ tích của các điểm n thành quỹ - tích của - của các điểm en lờ  như thầy D lại ghét thầy Ban như vậy, nhưng bây giờ thì tôi hiểu và bớt ghét thầy hơn nhiều. Trong quyền mưu cầu hạnh phúc của con người, lòng đố kỵ có cái lý của nó và nó còn chứng tỏ một chiều kích khác của khát vọng sống.

Tôi hỏi, sao các con số ngày tháng nó rành rành ra thế, thầy không giải thích rõ, để bị nghi ngờ nặng nề cả một sinh mệnh chính trị? Thầy chỉ nói, cậu mười sáu tuổi, cậu chưa yêu nên có nói cậu cũng không hiểu. Sao tôi lại không hiểu và sao tôi lại chưa yêu? Tôi đã thầm yêu chị Th hơn tôi hai tuổi, người sau này lấy anh con bác tôi, tôi cảm thấy hơi con gái cứ nồng nàn và có thể nói, nó đã vỡ lòng cho tôi về giới tính chứ không phải là môn sinh lý giải phẫu người. Nhưng tôi hiểu rằng bí mật riêng tư và sự thiêng liêng của nó, khiến thầy Ban im lặng, chịu đi đánh trống trường chứ không để tình yêu bị hoen ố.  Thầy nói, L của thầy cũng bị Sài Gòn kỳ thị, điều ra mãi Quảng Ngãi để dạy và dầu nàng tốt nghiệp đại học, họ cũng chỉ cho dạy tiểu học. Nghi kỵ mặc nghi kỵ, dẫu sao anh vẫn phải cho người mang bưu thiếp của tôi từ Sài Gòn ra tận Quảng Ngãi cho nàng; có thể nói, cả một hệ thống chính trị của Sài Gòn đã phải phục vụ cho tình yêu của tôi với nàng. Thầy đã nói với chúng tôi như vậy, có cả Th cùng nghe và tôi còn nhớ rất rõ, khi thầy nói thế, hơi con gái từ Th như nồng nàn hơn phả vào gáy tôi dù nó không dành cho tôi. Sinh viên Tổng hợp đẹp trai, con một đại trí thức cũ Hà Nội hiện đang lưu dung, lại giảng văn hay, mỗi khi nói về tình yêu như hát thánh ca như thế, Th không yêu thầy mới là lạ. Th đã mười tám tuổi, mắt sắc ngực nở, nói chuyện với ai cứ đung đưa như mời. Nhưng tình yêu của Th đã bị lợi dụng. Thầy D với tư cách Bí thư Đoàn trường đã giao nhiệm vụ cho Th phải báo cáo tỉ mỉ mọi hành tung, mọi phát ngôn của thầy Ban, một đối tượng hoạt động ngầm. Một trong các báo cáo của thầy D gửi an ninh có viết: “Đối tượng nói cả một hệ thống chính trị Sài Gòn đã phải phục vụ cho tình yêu của anh ta, tức là cũng ám chỉ cả một hệ thống chính trị của chúng ta cũng phải phục vụ cho một “luyến ái quan” (!) với bên địch của anh ta.”

Chu Thế Bảo từ Trường Sơn viết thư cho tôi: “Thầy Ban đi đánh trống trường rồi Chinh ạ. Mày biết tính thầy rồi đấy, nhiều lúc tiếng trống đĩnh đạc và gióng giả nhưng cũng nhiều khi uể oải cất lên rồi rời rạc kết thúc và thậm chí có hôm còn… quên khiến học sinh mót đái kêu ầm ĩ cả. Thì cũng tỉ như Bàng Thống đi làm tri huyện chứ gì? Chị Mùi tao đi dự lớp tập huấn hè về có kể, thầy D còn lên diễn đàn nói như là thánh phán rằng thầy đã nường trước mọi việc, rằng “có chuyên mà không có hồng” thì thì thì đến như việc đánh chống chường rồi cũng không nàm lổi. Chị Mùi còn nói, chính Th của mày đã mật báo với thầy D. Thầy Ban sau khi biết thế, sinh tật uống rượu rồi lảm nhảm.” Chuyện Th với thầy D thì chính Th kể với tôi. Năm 1968, sau khi không vào được đại học Tổng hợp vì lý lịch, tôi đã buồn chán bỏ về quê. Về quê mới biết Th sắp làm chị dâu tôi. Bằng một giọng chán đời, tôi nói với Th rằng, tôi từng yêu Th, nếu làm chị dâu thì rồi gặp nhau trong các giỗ chạp thế nào? Th đã khóc mà bảo, tớ xin cậu, tớ 22 tuổi rồi, cả làng những ai đáng mặt làm trai đã vào hết chiến trường, may mà còn anh của cậu, vì lý lịch họ không cho đi bộ đội. Sao nghe nói Th yêu thầy D, làm bà hiệu trưởng không sướng hơn vợ một thằng có lý lịch vớ vẩn ư? Sao cậu cũng nói hệt như ông D vậy? Cái người cứ nghĩ đến là ức muốn khóc. Cậu có thể lấy một người xúi bẩy, chia rẽ một mối tình, rồi nhảy vào thay thế không? Th nói thế, sao lại báo cáo với ông ấy chuyện thầy Ban? Tớ nông nổi quá, ông ấy lại nhân danh Bí thư Đoàn; mà dạo ấy ông ấy đã nói yêu mình đâu. Nếu thế, mình đã cảnh giác mà không mắc sai lầm. Chỉ khi thầy Ban phải làm bản kiểm điểm, ám chỉ nói xấu chế độ rồi xuống làm nhân viên đánh trống; rồi ông ấy lại vừa tấn công tớ, vừa nhờ người mai mối tớ mới biết mình bị lừa. Cậu không là con gái, cậu không hiểu nổi là sau khi làm hại người mình yêu, tự phá tan mối tình đầu của mình, tớ ê chệ đến thế nào đâu. Thầy Ban bây giờ suốt ngày say sưa, như người ra dại, tất cả là tại tớ...

Tôi gần như ép Th phải chở tôi sang Thuỵ Anh thăm thầy Ban. Tôi không tin người đã cho tôi điểm 5, điểm tuyệt đối ngày ấy, lại có thể là người hoạt động ngầm. Đề văn không giống ai: “Em hãy tưởng tượng trường em được địa phương cử đi rước văn kiện Đại hội Đảng III.” Tôi viết: “Là người cao lớn, em được thầy chủ nhiệm phân công là một trong bốn người khiêng kiệu. Kiệu chỉ có ba cuốn sách mỏng, nhưng đi trên con đường làng em gập ghềnh sống trâu, em cố đi cẩn thận. Em đang khiêng sự no ấm hạnh phúc từ huyện về cho dân làng, cho bố mẹ em.” Thầy gạch chân chữ em, ghi ra lề: Anh không viết bài cho riêng tôi đọc, xưng em với ai? Lại gạch chân cả đoạn văn,  ghi ra lề: Hay! Anh rồi sẽ thành nhà văn lãng mạn cách mạng. Đó là một mùa hè rực đỏ. Đỏ hoa phượng, đỏ lửa bom mạn Hải Phòng hắt về, đỏ vết thương lòng và niềm thất vọng không được vào đại học. Trường của thầy sơ tán về một làng khuất sau rừng phi lao sau khi Mỹ ném bom trường Thuỵ Dân, rất vắng vẻ. Thầy Ban về Hà Nội, chỉ có cô thôn nữ thấy khách của thầy Ban thì chạy sang mở cửa mời vào. Trên tường, vẫn dòng chữ chết người: Lâu đài tình yêu của B - L khắc chìm tô phấn đỏ. Cô thôn nữ đậm người, mắt ti hí nhìn Th dò xét, cô cậu là ai? ở đâu đến thăm anh Ban? Có nhắn gửi gì không, ghi tất cả vào đây? Tôi ngờ ngợ, nói ngay rằng chúng em là học sinh cũ, nhân công tác qua ghé thăm thầy. Rồi kéo Th nhanh chóng ra về. Thế còn cua? Mang về, thả xuống biển. Nhưng Th là người phụ nữ thiết thực, trên đường về chị đã nhặt cành lá phi lao nhóm lửa nướng cua, còn lì mặt đến một ụ pháo phòng ngự bờ biển xin muối của các anh bộ đội. Trong ánh lửa thông, má Th hồng lên, tôi lại bắt chợt hơi con gái, đành nói quấy quá để xua đi tà ý cứ bừng bốc lên đầu: Bà chị dâu nhiệt tình quá, đã nịnh thằng em họ rồi ư? Th chợt nghiêm nghị. Cậu ước mơ trở thành nhà văn mà chả hiểu gì con người. Nãy cậu cũng chả hiểu, cái chị có chìa khoá nhà thầy Ban sẽ lấy thầy, chứ chả phải công an chìm như cậu nghĩ đâu. ở lại, thổi cơm ăn với cua luộc, rồi nhân chuyện mà khéo léo giới thiệu tớ sắp làm chị dâu cậu, có phải là lòng chị ấy cũng ấm hơn không chứ để lại thêm một mối nghi ngờ cho người phụ nữ ít học thì tử tế gì?  Còn lửa đêm nay nướng nốt tuổi học trò, tháng sau cau vừa bánh tẻ, tớ đi lấy chồng, cơm lành canh ngọt hay không chưa biết, chỉ biết là chấm hết yêu đương.

Tôi, quả thật có điều còn chưa thấu hiểu con người. Cái ngờ ngợ ánh nhìn dò xét của cô thôn nữ khiến tôi càng tin vào một nhận xét của Lý sau bốn mươi mấy năm xa cách. Như bạn thấy, tôi có viết văn và thỉnh thoảng có viết phê bình.  Một lần đọc thấy bài thơ của Lương Hữu ghi rõ tặng thầy tôi, tôi có viết cho mục Đến với bài thơ hay của một tờ báo, một người nguyên là đồng nghiệp cũ của thầy tên là Lý tìm đến tôi chơi. Anh ta đã ngoài năm mươi, vẫn chưa vợ nên tính hơi gàn gàn. Lý nói như đinh đóng cột, cô vợ của thầy Ban là công an mật, có nhiệm vụ theo dõi hành tung và phát ngôn của thầy rồi mật báo.  Qua chuyện của Lý, tôi biết một phần đời còn lại của thầy:
Đặc tình yêu đối tượng theo dõi là chuyện thường, nhưng vợ chồng là vợ chồng, còn theo dõi cứ theo dõi. Thế mới thánh chúa thằn lằn. Lấy nhau xong, đã có hai con rồi thầy mới phát hiện ra cô vợ đặc tình. Đó là vào khoảng đầu những năm 70, thầy Ban đột ngột nhận được bưu kiện từ Pháp gửi về. Nó gồm bộ comple hàng tropican ghi sáng, chemise hãng pirrecardin, cavat đỏ sậm kèm chiếc khăn fula xanh sẫm. Lại một tấm lụa Tân Châu màu hồng đủ may bộ áo dài nữ, chiếc khăn vuông len hồng sậm. Ngoài ra, còn một bì thư, đựng hai trăm dollas với dòng chữ: Mừng hôn lễ. Oái oăm là bưu kiện không đề tên và địa chỉ người gửi, nhân viên bưu điện hỏi thầy Ban ai gửi cho, thì thầy không trả lời được. Sao lại có việc ai gửi cho một đống của cải như thế mà lại không biết, ngay cả chữ đề trên phong bì đựng tiền là chữ của ai, thì một trí thức như thầy, thầy phải biết chứ? Vậy thì đây đích thị là tiền của bọn gián điệp từ Sài Gòn trả thù lao hoạt động cung cấp tin tình báo gửi về, gửi qua con đường Pháp. Từ nhân viên bưu điện, câu chuyện đáng nghi vấn này loang ra nhanh chóng và ngành an ninh lập tức nhập cuộc. Bên an ninh gọi thầy lên, tìm mọi cách cả răn đe lẫn thuyết phục, nhưng vẫn không biết ai đã gửi. Có lẽ thầy Ban quá biết là quà tặng của cố nhân gửi qua một đức cha đồng hương định cư ở Pháp, người đã nghe L xưng tội sau cái hôn vào thời khắc Đức Chúa chào đời? Nhưng làm sao cô giáo L lại biết thầy Ban sắp lấy vợ, qua một trùng điệp bưng bít thông tin là cả một cuộc chiến tranh? Điều này thì đến chính thầy Ban cũng không tự hiểu nổi, hẳn là vậy, nên càng không dám tin đấy là quà tặng của cố nhân. Đó là những năm tháng đầy cảnh giác, người có tật như thầy Ban càng phải ý tứ khi xác nhận một cái gì đó, liên quan đến người nước ngoài. May mà bên an ninh họ có nguyên tắc của mình, nghi vấn cứ nghi vấn, nhưng còn cuộc sống thì vẫn cứ phải cho nó chảy tự nhiên, nên bảo bưu điện cho thầy Ban nhận quà. Đám cưới thầy Ban, chú rể mặc comple, thắt cavat đỏ nhưng không thể hớn hở nổi vì cô dâu nói thế nào cũng chỉ đánh áo phin gụ, quần phíp đen không ra đen; mọi người bảo không thì cũng cố chùm cái khăn len mới, nhưng cô dâu khóc rống lên mà bảo không thèm mặc đồ của địch. Th đã linh cảm đúng, vợ thầy Ban ghen lạ ghen lùng. Chính sự ghen tuông ấm ức, mỗi lần giải thích mỗi kiểu, về món quà từ trên giời rơi xuống kia đã khiến cho cả cái phố huyện, cả ngành giáo dục tỉnh tôi râm ran một tin đồn, rằng nghi vấn thầy Ban hoạt động gián điệp cho Sài Gòn thì ra là sự thật mười mươi. Mấy ngày lại có tin đồn, đã bắt thằng Ban, thằng Ban đã khai ra một lô một lốc đường dây gián điệp, ăn lương tháng hay là ăn lương từng việc, đủ loại. Sau đấy có người nói vẫn gặp thầy Ban, thầy Ban vẫn đánh trống trường bên Thuỵ Anh. Thì tin đồn lại rẽ ngoặt sang hướng khôn ngoan hơn: Ai người ta vội bắt. Thằng Ban làm gián điệp thì rõ như bố nằm với mẹ trên giường, nhưng vội gì, cứ đợi cất vó cả bọn. Thế rồi thầy Ban đi đến đâu cũng thấy người ta chỉ trỏ, đôi khi ngoái lại sau, còn nhìn thấy cả nắm đấm vung lên thù hận. Thầy bắt đầu mắc chứng sợ hãi, sợ người quen đã đành, sợ cả những người lạ bỗng xuất hiện ở làng. Một buổi sớm kia, mới đánh chưa dứt hồi trống thứ nhất, thầy đã hốt hoảng bỏ chạy, vì nhìn thấy một cái ô tô hùng hổ lao vào trường, học trò chạy tớn tác. Thầy bị sốc lần nữa, nên ra dại thật, đi đâu gặp ai cũng hỏi địa chỉ của cô giáo L, dân di cư ở Hố Nai, dạy học ngoài Quảng Ngãi. Gia đình thầy có người làm to, xin cho đi Trâu Quỳ. Đâu như mất ba năm hay bẩy tám năm gì đấy. Hết bệnh thì mất việc, khiếu nại mãi, cho đến thời đổi mới thì mới được cái suất hưu non. Bi đát lắm, nhưng bệnh làm thơ thì không sao chữa nổi. Thỉnh thoảng có in thơ trên tờ văn nghệ tỉnh, nhưng tuyệt nhiên không ghi địa chỉ, chỉ biết nhà đâu ở mạn ngoại ô thị xã. Khoan đã, ông nói nhà thầy có người làm to ở Hà Nội, ai vậy? Ông Tri chứ còn ai nữa, ông không biết ư? Khổ quá, biết thì tôi đã tìm ra thầy, cần gì phải hỏi ông.

Ông Tri có cô em út chơi với vợ tôi, cũng dạy học. Ngay hôm sau tôi đã biết Lý cũng chỉ có thông tin gián tiếp. Thì ra thầy vẫn ở ngôi trường cấp II huyện Thuỵ Anh mà chúng tôi, tôi với Th đã đến thăm mùa hè đỏ ấy, chứ không phải trên thị xã. Em gái thầy cũng cho số điện thoại, là số công cộng, chứ thầy không mắc riêng. Tôi gọi rồi chờ người ta đi tìm thầy. Mấy phút chờ máy, ở đầu kia vẫn giọng người đàn bà khê nồng: “Đã bão ông này không mấy khi chịu nghe, thai bà vợ nhưng bà vợ cũng ngại giời mưa, bão biết ai mà lói truyện? Thôi nhé!” Tôi gọi lại cho em gái thầy, hỏi cách để gặp được thầy, cô em nói: “Anh tôi bây giờ khác lắm, đến tôi muốn nói chuyện cũng phải bịa ra là chị L ở Californie gọi điện về, mới chịu sang nghe. Nghe xong chuyện gia đình, còn mắng cô em lừa anh dám nhân danh chị L để cứa vào vết thương lòng đã liền sẹo của anh, khiến mình ức phát khóc lên. Chỉ da thịt anh mới biết đau thôi ư? Còn em không biết đau, khi phải bịa ra người ở đâu đâu gọi về anh mới thèm nghe điện thoại? Thôi cho anh xin lỗi. Tại chúng nó cứ gọi điện đến khủng bố anh, chửi anh là đồ phản quốc. Khổ thế đấy, anh ạ. Nào có ai người ta còn bận tâm đến phản quốc hay ái quốc nữa, vào lúc này, nhưng thôi, cuối năm nay nhà tôi có giỗ; có giỗ bố mẹ thì bão chết cò anh ấy cũng lên, rồi tôi sẽ bố trí cho anh với anh ấy gặp nhau. Nhưng tôi nói trước, anh sẽ thất vọng lắm đấy. Đến tôi là em anh ấy, cũng còn thấy khác xưa như là một người xa lạ, chứ không phải là ông anh rất uyên bác mà cả nhà kỳ vọng. Chỉ có một điều cần phải nói ngay, chị Ban tôi không phải là công an mật như bạn anh nói đâu đấy nhé. Chị tôi cũ người nhưng tốt tính, chị ấy cũng khổ sở vì bị tiếng oan. Đã lấy phải ông chồng gàn, bị nghi vấn, đầu óc lại cứ nếu không ở bên Californie thì cũng vẩn vơ thơ phú như bọn anh ấy; chị ấy khổ cả đời.Nhưng số phận đã muốn cho tôi gặp lại thầy mình sớm hơn. Hay chính xác hơn, những người bạn của thầy muốn vậy.
Vào một buổi chiều thứ sáu mưa tầm tã, tôi nhận được cú điện thoại. Em gái thầy, đúng là em gái thầy Ban không trộn vào đâu, bởi vì cô ấy nói: Anh liệu có muốn gặp lại anh cả tôi nữa không? Sao lại không, thầy Ban đang ở Hà Nội à? Không, nhưng chị L ở bên Mỹ vừa về, tôi đã cùng với các bạn anh ấy ở thị xã Thái Bình đi đón chị, hiện đang trên đường về Hà Nội. Nếu anh muốn, mời anh ra ngã tư Đại La Lê Duẩn ta cùng về Thuỵ Anh. Tôi đã hấp tấp mặc áo mưa, chỉ kịp xách theo chai rượu rồi ra chỗ hẹn đứng chờ. Trời tháng chín ta mà mưa như trút nước, cái gạt nước không lau kịp nước mưa khiến cho kính xe như cũng run rẩy khi tôi nhìn thấy người đàn bà thật ra là còn xa lạ. Bà mặc áo dài Tân Châu gụ cải hoa dâu rỗng, khiến màu hoa chính là màu da thịt và đó là tất cả sự trang điểm của người đàn bà luống tuổi nhưng còn khá thon thả, cặp môi quen thuộc thủa nào vẫn hình quả tim màu nhót chín. Nhìn bà, rồi nhìn lại hai ông giáo bạn thầy Ban mặc comple đặc Pháp, cẩn thận cài cả măng séc vàng giả (cố nhiên,) cả em gái thầy Ban nữa đeo đầy đồ trang sức nhưng chỉ cho thấy các nghi thức lễ tân đang làm bật lên sự giàu sang không son phấn, không vàng ngọc. Tôi thở phào nhẹ nhõm, tật ách thầy tôi mang cả đời, thì ra cũng bõ.

Đến thị xã, thầy Ban không có mặt như đã hẹn với bạn. Lễ tân khách sạn bảo, có một ông già dưới Thái Thuỵ gọi lên bảo, giời mưa không lên được, nếu có thật là cố nhân, thì chính người ấy phải gọi, ông ấy chờ ở số thường khi các ông vẫn gọi. Ông Hữu nói: Thì ra nó vẫn chưa tin bà về. Nó ngại nghe điện thoại, chúng tôi vẫn nói dối rằng bà từ bên Mỹ gọi về để nói chuyện với nó. Bà L nói: Có thể anh ấy ý tứ để tôi có thì giờ ra nghĩa trang tổ tiên, hẳn vậy? Nhưng tôi đường đột đến nhà anh ấy liệu có bất tiện không, khi? Chị ấy liệu có hoan nghênh? Cô em gái thầy phàn nàn rằng các anh cố tạo bất ngờ làm gì, khéo đột ngột sốc rồi lăn đùng ngã ngửa ra đấy thì khổ. Mọi người còn đang bàn tán thì trời đã tạnh đột nhiên lại đổ cơn mưa. Bà L như lây bệnh trời, cũng đột nhiên hăm hở giục mọi người lên xe. Chiếc xe lao về phía biển, nơi mịt mờ mưa lẫn với biển cả đang réo sôi bão gió.

Họ ôm chầm lấy nhau, cả hai cứ giàn giụa nước mắt. Điều ấy có thể hiểu được. Điều không thể hiểu nổi là tại sao vợ thầy Ban cũng khóc. Khóc còn to hơn, nức nở hơn. Rồi nói:

- Thôi em giả anh ấy cho chị. Em vưỡn biết là em mượn mà chưa có nhời của chị, giờ thì em xin giả chị. Cũng khí lâu, nhưng không phải tại em.

- Bà L buông thầy Ban, lại ôm lấy vợ thầy vừa cười vừa khóc:

- Lạy Chúa, vậy mà người ta cứ kêu em nông dân rặt, em nói như nhà văn vậy à! Nhưng em đừng nói vậy, các cháu nó buồn, chồng em cũng buồn. Mà đâu có đúng hết. Có tình có nghĩa với người ta, chị mới con đàn cháu đống, phải không?

Thầy Ban đi quanh hai người đàn bà, nhìn như nhìn một sự lạ dưới trời mưa. Một lúc sau thầy mới như chợt hiểu ý nghiax lời đối đáp của hai người đàn bà. Thầy khẽ gắt:

- ơ cái bà này...Mà tôi có nói gì đâu, sao bà cũng biết?

- Cần gì ông nói?  Cứ mỗi đêm nghe ông thở dài, tôi lại nghĩ đến tấm ảnh, cái miệng người trong ảnh không phải miệng bà L thì là miệng ai?

Ông Hữu đành cười, xuê xoa:

- Cứ bảo đàn bà sâu sắc như cơi đựng giầu mãi đi, có ngày sặc gạch, chị Ban nhỉ?

- Một tuần sau, thầy Ban tiễn cố nhân tại nhà tôi, gồm cả ông Hữu tháp tùng. Ông Hữu thanh minh với tôi, ông đã giảng giải hết nhẽ rằng thống nhất đã hơn ba mươi năm rồi, những tay maois nhất như tay D chẳng hạn, thì cũng không ai còn nghi ông là gián điệp nữa. Mấy chục năm mới có dịp tình cũ nghĩa xưa, phải dành nhiều thời gian đôi hồi cho nó hả. Nhưng ông ấy cứ nhất thiết bắt phải đi cùng, còn làm chứng rằng hai bên không bí mật gặp nhau và rằng bà L không hề cho ông ấy dollas hay vàng bạc châu báu gì, chỉ có tình người với nhau mà thôi. Thấy tôi buồn âu sầu, đang tìm cách thanh minh với bà, thì có vẻ như linh cảm mách bảo, bà L đã an ủi tôi:

- Cậu không phải nghĩ ngợi làm gì cho nhọc. Ngay tôi, mang tiếng tha hương đi đến xứ sở tự do, mà còn bị người ta tống ra ngoài khu Năm đi dạy chỉ vì không chịu đoạn tuyệt hẳn với người tình là cán bộ Bắc kỳ, lại dạy cấp tiểu học tuy tôi có bằng cử nhân. Nhưng, như anh Hữu đây có nói, bây giờ bên mình mở cửa, xoá bỏ hết thảy kỳ thị. Còn bên kia, tiếng là xứ sở tự do, nhưng nhiều người mình vẫn làm dữ lắm. Kỳ thiệt, có thứ người đánh võ mồm cả đời không biết chán. ở Sài Gòn thì kêu Bắc tiến, chạy sang Mỹ thì lập một tiểu Sài Gòn riêng rồi từ đó kêu là sẽ về phục quốc. ấy là tôi muốn nói tới đám đánh nhau với cối xay gió, với sự ấm ức của chính mình. Như đôi khi làm ăn bể mánh, dân Mỹ thiệt thì chửi thề số phận, còn dân Mỹ Việt lại đổ lỗi cho Việt cộng rồi chửi luôn những ai năng về cố hương. Nhọc lắm!

Tôi lại cảm thấy mình hiểu biết còn chật hẹp. Từ hôm đọc được bài thơ của Lương Hữu viết tặng thầy Ban, tôi đã đinh ninh chỉ một nửa sự thật. Tôi muốn nói lời cảm ơn bà, cả về cái tiếng nhọc đặc biệt quê tôi từ miệng người con gái ly hương hơn nửa thế kỷ đã thành bà lão thốt ra, nhưng tôi cảm thấy trước con người giản dị là bà, những lời ấy thành khách sáo và có thể khiếm nhã. Đành chỉ khen món chả rươi do tay bà làm, nó thấm thía và gợi tình gợi nghĩa. Là người Công giáo, bà làm dấu trước khi ăn, tỏ lòng ơn Chúa đã cho chúng con miếng ăn hằng ngày. Tôi trân trọng niềm tin Chúa của bà, nhưng trong khi bà làm dấu, tôi bồi hồi nhớ đến dòng chữ khắc chìm tô phấn đỏ của thầy Ban và chợt hiểu ra một ý nghĩa khác hẳn mấy lâu tôi vẫn nghĩ. Tổ quốc - chứ không phải từng căn nhà cụ thể mới là lâu đài tình yêu của chúng ta.



Hà Nội , mùa lập Đông, Bính Tuất



Văn truyện Văn Chinh/ Tác giả gửi bài

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét