Thứ Bảy, 15 tháng 11, 2014

Mời chia sẻ/Tôn vinh Văn Bạn Văn 1/ 10. Văn Chân Dung Trích ngang Nguyễn Thái Sơn/ Tế Hanh trôi dạt..


VĂN BẠN VĂN 1
/ TOÀN TẬP

Nhiều tác giả/ Nguyễn Nguyên Bảy chủ trương/
NXB Văn Học ấn hành 1.2013
Văn Chân Dung Trích Ngang

NGUYỄN THÁI SƠN 

TẾ HANH, TRÔI DẠT GIỮA HAI BỜ SÔNG MÊ 



Khoảng 1960, đang là học trò năm đầu ở Trường cấp II thị xã Phủ Lý, lần đầu tiên trong đời được đọc cả một tập thơ - tập Gửi miền Bắc của Nhà thơ Tế Hanh, tôi choáng ngợp như lần đầu đứng trước đại dương. Cái khoang tâm hồn nhỏ hẹp của tôi kể từ đó chứa đầy ắp thơ Tế Hanh, dường như không còn chỗ cho thơ của những người khác. Nửa thế kỉ qua đi, những câu thơ tình Mắt đen một mí cười sau liễu, Lá phong đỏ như mối tình đượm lửa / Làn nước qua ánh mắt ai đưa”…vẫn còn ám ảnh tôi.

Phải đến mấy chục năm sau tôi mới hiểu rằng, nếu không bị Gửi miền Bắc mê hoặc, chắc hẳn tôi đã không “thử” làm thơ, để rồi sa chân vào làm thơ “thật” lúc nào không biết. Những bất hạnh, rủi ro chủ yếu tôi gặp trong đời, và cả những nỗi đau tôi gây ra hoặc mang lại cho người khác, suy cho cùng, đều bắt nguồn từ thơ đều dính dáng đến thơ. Với tôi, nếu không làm thơ biết đâu cuộc đời lại đã chẳng êm ả dễ chịu hơn!

Tôi có quan hệ giao tiếp với gia đình nhà thơ Tế Hanh từ hơn hai chục năm trước, khi ông sức còn khoẻ mắt còn sáng, bà Trần Lâm Yến, phu nhân của nhà thơ, vẫn đang làm việc ở Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam. Cùng với nhà văn Triệu Huấn (đã mất), Tế Hanh đã rất nhiệt tình trong việc kí tên vào đơn giới thiệu tôi vào Hội Nhà văn Việt Nam. Mỗi lần ra Hà Nội tôi thường đi bộ đến thăm ông bà ở số 10 phố Nguyễn Thượng Hiền, chụp vài kiểu ảnh, nghe ông đọc dăm bảy bài thơ mới viết, rồi cũng khoe với ông bà mấy bài thơ vừa làm. Lần nào cũng vậy, ngồi một chặp, tôi cùng ông đi bộ hết phố Nguyễn Thượng Hiền, rẽ phải vào phố Yết Kiêu để đến quán phở gà quen thuộc. Có hôm tôi trả tiền, có bữa, trước khi ra khỏi cửa, tôi thấy bà Lâm Yến kín đáo nhét vào túi áo chồng khoảng chục ngàn đồng. Vào những năm cuối thập niên tám mươi đầu thập kỉ chín mươi của thế kỉ trước, một bát phở gà hoặc phở bò loại ngon ở Hà Nội có giá ba ngàn đồng, rồi tăng lên năm ngàn đồng. Ăn phở ngày ấy đã là “sang trọng” lắm. Nhà thơ Hà Nội nổi tiếng VL. khi được tôi mời ăn phở đã nói rất thành thực “ngoài này dăm sáu tháng bọn mình mới dám bước vào quán phở”. Nhà văn Nguyễn Khắc Trường vừa cười khề khề vừa nói “khiếp thật, ở Sàigòn ra đây, ông nào nói đến “bạc triệu” cũng cứ nhẹ như không”. Một triệu ngày ấy mua được khoảng ba chỉ vàng 96%. (Sau Tết Kỉ Sửu 2009, bát phở có chất lượng kha khá đã được phong là “phở cao cấp”, ngồi ăn ở vỉa hè phố Hai Bà Trưng, gần ngã tư Hàng Bài, đã có giá 31.000 đồng. Thấy tôi gắp miếng thịt nào lên cũng không cho vào miệng ngay mà xăm xoi ngắm nghía, nhà hàng biết tỏng tôi đã phát hiện ra trò “phở bò lai…heo”, liền đến thì thào vào tai tôi “bác ăn đi, em chỉ tính bác…hai chục nghìn!”).

Ngày ấy Nhà thơ Tế Hanh cỡ tuổi tôi bây giờ, còn tôi mới ngoài bốn mươi, vẫn được khối em cháu khen nịnh “cao to đẹp giai”, mỗi khi ngó hơi kĩ vào mặt cô gái nào đó vẫn còn khiến người ta đỏ mặt e thẹn chứ chưa khó chịu như bây giờ. Có đến mấy lần hai thầy trò tìm đến quán bánh cuốn của một bà cũng ở phố Yết Kiêu, mà theo lời nhà thơ Tế Hanh, đương thời nhà văn Nguyễn Tuân vẫn thường ăn bánh cuốn nóng chấm nước mắm cà cuống, uống rượu ngang “cuốc lủi” ở đây. Bà này năng đi lễ chùa, ít nhiều có “máu” nghệ sĩ, bán hàng khá tùy hứng, có khi đóng cửa dăm ba ngày, tôi theo Tế Hanh tìm đến mấy lần vẫn không gặp được bà. Thật tiếc!

Gần giữa năm 1990, nghe lời “sui dại”, tôi đã nằng nặc đòi chuyển từ Tạp chí VănTP. Hồ Chí Minh về làm đại diện Nhà Xuất bản Lao Động tại phía Nam, lần đầu ra “xem mắt” cơ quan ở Hà Nội, tôi mang theo con trai út Nguyễn Hoàng Hải, gọi trong nhà là Bờm, chưa đầy hai tuổi. Tàu đến Nha Trang, cánh cửa sổ bằng gỗ - được ngành Đường sắt Việt Nam thiết kế đúng theo mẫu máy chém hiện còn được trưng bày tại đường Võ Văn Tần ở Sàigòn - từ trên cao lao thẳng xuống chặt ngang bàn tay phải của cháu. Chỉ mấy giây đồng hồ trước khi cánh cửa sổ - máy chém “rơi tự do” xuống, đầu cháu cổ cháu vẫn còn gối lên thành cửa, thế nên con gặp nạn mà cả nhà vẫn ăn mừng, chẳng tiếc tiền bạc, hào phóng đến độ lãng phí, chi tiêu toàn bộ số tiền cháu được ngành bảo hiểm xã hội chủ nghĩa ưu việt của đất nước bồi thường thiệt hại, để mua hẳn một con gà, lại còn những mấy kí trái cây (chôm chôm, quýt, cóc ổi) lễ tạ thần thánh tổ tiên đã phù hộ độ trì nên “đại nạn” hóa thành “tiểu nạn”. Cả chục năm sau, lần nào đến nhà số Mười phố Nguyễn Thượng Hiền tôi cũng được ông bà hỏi “bàn tay bó bột của cháu đã lành chưa”, “có để lại dị tật không”, “liệu có ảnh hưởng đến việc cầm bút?”. Tôi thưa “sau này em cho các con cầm búa chứ không cầm bút”. Nhà thơ cười, ngồi yên lặng đến mấy phút…

Quan hệ xem ra thân tình, vậy mà, theo nhà văn Hoài Anh, có lần tôi đã bị Tế Hanh nói với ông “Sơn nó ba sạo”. Chả là, trong lần ra Hà Nội cuối năm ấy, khi đến chào ông bà để hôm sau lên tàu vào Nam, tôi được nhà thơ nhờ chuyển một bài thơ viết tay đến nhà văn X. lúc đó đang làm tổng biên tập một tạp chí văn chương ở Sàigòn. Tôi đưa bài thơ tận tay ông tổng biên tập, cứ ngỡ nhà thơ có cỡ như Tế Hanh thì nhất định bài thơ sẽ được in, nhưng “nghĩ vậy mà không phải vậy”. Hình như sau lần ấy ông không gửi in bài thơ này ở đâu nữa.


oảng cuối năm Tế Hanh cùng với nhiều nhà văn nhà thơ được mời đến dự đêm thơ kỉ niệm lần thứ bốn mươi ngày mở Đường Trường Sơn (19/5/1959) tại Cung Thiếu nhi Hà Nội. Đang chăm chú nhìn lên sân khấu, nhà thơ đột nhiên gục đầu xuống bàn. Mọi người cấp tốc đưa ông vào cấp cứu tại Bệnh viện Hữu Nghị. Lúc ấy là 21 giờ ngày 4 tháng 5 năm 1999. Sau nhiều giờ cấp cứu, nhà thơ tỉnh lại, nói với bà Lâm Yến: “Tôi còn ít tiền trong túi áo, bà cất đi để mua thuốc chữa mắt”. Đến 23 giờ Tế Hanh vẫn còn nhận biết nhưng quá nửa đêm ông thổ ra huyết rồi chìm vào cơn hôn mê dai dẳng ngỡ như không bao giờ hồi tỉnh lại nữa. Tám giờ sáng hôm sau, kết quả chụp điện cho thấy máu đã tràn trong hộp sọ, chứng tỏ trước đó khá lâu đã có hiện tượng xuất huyết não ở Tế Hanh. Nằm viện hai tháng, cơn nguy kịch đã qua nhưng dấu hiệu hồi phục chưa xuất hiện, ông được bệnh viện cho về nhà điều trị ngoại trú. Mấy tháng đầu đôi khi nhà thơ cũng còn nói được những câu đơn giản “bà dọn nhà đi, các nhà văn trẻ sắp đến chơi”, hoặc “nhớ kê lại bàn ghế, các anh ở hội nhà văn sẽ đến” v.v…Cũng có lần ông “dự báo” đúng, nhưng thường thì chờ đợi mãi vẫn chẳng thấy ai.
Căn hộ của gia đình nhà thơ ở số 10 phố Nguyễn Thượng Hiền, có cầu thang xây bằng gạch kiểu “một đoạn” ở phía ngoài, gồm hai phòng khá rộng. Những ngày mới lâm bệnh ông vẫn được bà Yến dìu đi bộ từ phòng nọ sang phòng kia hoặc dọc theo hành lang, nhưng ít tháng sau nhà thơ không còn sử dụng được đôi chân nữa, nếu không ngồi trên xe lăn chỉ còn có thể nằm dài trên giường. Bà Trần Lâm Yến cho hay, trừ đại não bị tổn thương khá nặng, còn các bộ phận khác trên cơ thể ông xem ra vẫn hoạt động bình thường. Đã từ lâu rồi ông chỉ nói được những câu ngắn có hai - ba từ, thường kêu đau kêu “mệt lắm” nhưng không hiểu đau ở đâu. Giọng nói của ông lào phào, chỉ có một phần hơi lọt qua miệng, còn phần lớn thoát ra theo lỗ chích ở cổ. Thường thì nhà thơ chỉ mấp máy môi, không hiểu ông định nói gì. Hôm tôi đến thăm, bà Lâm Yến lay lay vai ông, nói: “Anh Hanh nè, có Nguyễn Thái Sơn ở Sài Gòn mới ra, đến thăm…”, ông vẫn nằm bất động, mắt hướng lên trần nhà nhưng hai tròng mắt chậm chạp đưa qua lại như kiếm tìm. Tôi cúi xuống, thấy hai tròng mắt ông ngấn nước. Tôi cùng bà Yến đỡ ông ngồi dậy, nhà thơ vẫn còn khá nặng, khoảng bảy chục kí lô. Phải có người đỡ ông mới có thể ngồi trên mép giường thõng hai chân xuống sàn nhà. Khí quản, thanh quản nhà thơ được chích một lỗ nhỏ bằng đầu đũa phía dưới cằm và được bảo vệ bằng miếng gạc nhỏ có hai sợi dây buộc vòng ra sau cổ. Miệng vết chích thành sẹo, chai cứng, dường như đã dần quen với nhiệm vụ hô hấp thay cho mũi và chia xẻ chức năng phát âm với miệng. Da dẻ nhà thơ trắng mịn do cớm nắng, và mát lạnh, khiến tôi thoáng giật mình lúc nắm bàn tay ông. Lạ một điều, và cũng thật may mắn, nằm bất động đã nhiều năm trời nhưng thân mình nhà thơ không bị sưng tấy lở loét, khác với những người nằm liệt giường lâu ngày ta từng gặp. Bà Lâm Yến cho biết ông chưa mất cái răng nào, thích ăn các loại trái cây như cam quýt, chuối, nhất là đu đủ. Nhà thơ có thể tiếp nhận thức uống đồ ăn bằng thìa, nhưng tốt nhất là bằng bơm tiêm (xem ảnh). Đôi ba ngày, mỗi khi thấy ông khó thở, người trong nhà lại dùng máy hút đờm và mở van để khí ôxy truyền theo ống nhựa vào mũi.
Áp chặt bàn tay mềm nhũn trắng mịn mát lạnh của ông vào mặt mình, tôi phải cố để không lộ vẻ mềm yếu. Phải chăng tôi đang được chứng kiến đang phải chứng kiến những tháng ngày cuối cùng của một trong những nhà thơ lớn của đất nước, được độc giả biết đến ngay từ những sáng tác đầu tiên, vừa mới xuất hiện trên văn đàn đã lập tức nổi tiếng. Lại nhớ một đêm ở Bệnh viện Thống Nhất năm nào, trong những canh giờ cuối cùng còn lại với Dương Thế của nhà thơ Chế Lan Viên, trước khi cùng những người trong gia đình ông và nhà thơ Bảo Định Giang (đã mất, khi đó đang điều trị ở bệnh viện này) đỡ ông lên xe băng ca rồi đẩy xuống nhà lạnh. Không dễ gì có được sự vinh hạnh, cũng có thể cho là may mắn đó, khi ta được ở bên các vĩ nhân danh nhân trong những thời khắc thiêng liêng có một không hai ấy; nhưng quả là, sau đó nhiều năm, cũng có thể là mãi mãi, cảm nhận về sự tiếc nuối xót xa thương cảm vẫn cứ còn nặng nề đeo đẳng trong lòng, khó có thể vơi nhẹ…
Xuân Diệu, Thế Lữ ra đi, rồi Chế Lan Viên, rồi Trần Huyền Trân; tiếp sau Hồ Dzếnh là Tố Hữu, là những nhà thơ khác. Cánh Rừng Thơ Việt thưa thớt dần những đại thụ cổ thụ. Giữa những mảng rừng “tái sinh”, vạt rừng “trồng mới”, với bạt ngàn cao su, lá tròn lá nhọn rộng dài, vài cây cổ thụ thực sự cỡ Tế Hanh đang cạn nhựa, khô rễ, không biết còn trụ được bao lâu.
Ngày 4 tháng 5 - 2009 là tròn mười năm nhà thơ Tế Hanh bị tai biến não. Trong khoảng sáu - bẩy năm đầu, hy vọng về một sự hồi phục kì diệu nào đó ở ông ít nhiều vẫn còn le lói trong mỗi chúng ta, nhưng theo thời gian, hi vọng ấy cứ tàn lụi dần. Nhà thơ vẫn tồn tại như một thực thể, mặt không vui không buồn, có dáng nét của trẻ thơ, và hình như ông không còn ý thức được thế giới nơi mình đang tồn tại. Trong những năm qua, lâu lâu tôi cũng có ra Hà Nội, không ít lần đứng trước ngõ “nhà số mười” nhưng không bước lên cầu thang. Tôi e sợ không khí buồn bã và cảm giác nặng nề dai dẳng sau những lần chứng kiến nhà thơ trong tình trạng ấy.
Tế Hanh nằm đó nhưng hồn vía ông có vẻ như không còn bám víu vào thân xác nữa, và tôi cũng không thể tự trả lời, rằng, trong những năm tháng này, với Tế Hanh, tình trạng mất khả năng nhận biết là “may mắn” hay bất hạnh. Nằm bất động đến mười năm trời, hoàn toàn tuyệt vọng về sự bình phục mà lại vẫn tỉnh táo, vẫn nhận thức được hoàn cảnh thì khủng khiếp quá, chịu làm sao nổi. Chúc nhà thơ khỏi bệnh và sớm bình phục e đã là quá muộn, không còn cần thiết, và có lẽ là tự dối lòng, nên tôi chỉ mong ông cứ “vô tri vô giác vô cảm nhận” như thế cho đến lúc trút hơi thở cuối cùng.
Tiền nhân bảo rằng sau khi rời bỏ thân xác, linh hồn mỗi người sẽ phải đi đò ngang qua giòng Sông Mê (người châu Âu gọi là sông Styx), cập vào Bến Lú để đến Cõi Âm. Riêng với nhà thơ Tế Hanh, phải chăng trong nhiều năm qua hồn vía ông khi thì đã lên đò, lúc lại quay về bến đợi, và con đò ngang thần linh ma quái muôn thuở, với riêng nhà thơ, đã hoá thành đò dọc, cứ trôi dạt giữa hai bờ giòng Sông Mê. Càng đau càng xót xa khi ta không thể làm gì nói gì mong gì chờ đợi điều gì tốt lành…

Trước khi gửi bài viết này đến Giáo sư Trần Hữu Dũng ở Hoa Kỳ, vào lúc 20 giờ 15 phút ngày Chủ nhật 19/4/2009, tôi có cuộc điện đàm với bà Trần Lâm Yến, dưới đây là một số thông tin về nhà thơ Tế Hanh từ cuộc trao đổi này
- Đã khá lâu rồi, suốt ngày đêm nhà thơ nằm dài trên giường, không ngồi dậy được nữa. Hai chân teo tóp dần nhưng thân hình Tế Hanh còn khá đầy đặn, da dẻ gần như không bị lở loét, bầm dập.

- Mắt nhắm nghiền, lâu lâu mở ra vài giây nhưng không còn biểu lộ, nhận biết, kể cả khi có người nắm tay, chào hỏi.

- Nguồn dinh dưỡng nuôi cơ thể là súp loãng, sữa, nước trái cây…,vẫn bơm vào miệng bằng bơm tiêm loại lớn như gần mười năm qua
- Bà Trần Lâm Yến năm nay đã tám mươi tuổi, cũng đã yếu, phải thuê người giúp việc để tiện việc chăm sóc chồng.

Sài Gòn, ngày 20 tháng 4, 2009


Văn chân dung trích ngang
Nguyễn Thái Sơn viết về Tế Hanh/ Tác giả gửi bài

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét