Thứ Bảy, 15 tháng 11, 2014

Mời chia sẻ/Tôn vinh Văn Bạn Văn 1/ 9. Văn Chân Dung Trích Ngang NGUYỄN KHẮC PHỤC/ KỊCH ĐỜI & THƠ MAN, BẢN TÌNH CA DƯỚI LỐT ĐỒNG DAO VÀ NHỮNG TIẾNG NẤC CỤT

VĂN BẠN VĂN 1
TOÀN TẬP
Nhiều tác giả/ Nguyễn Nguyên Bảy chủ trương/
NXB Văn Học ấn hành 1.

Văn Chân Dung Trích Ngang

NGUY
ỄN KHẮC PHỤC
 
KỊCH ĐỜI & THƠ MAN,
BẢN TÌNH CA DƯỚI LỐT ĐỒNG DAO
VÀ NHỮNG TIẾNG NẤC CỤT

“Kịch đời” cũng là một nén nhang thắp muộn tưởng nhớ Nguyễn Lâm.



Bản thảo "Thơ Man" chúng tôi có trong tay gồm ba phần Lều cỏ - Vách s­ương - Đ­ường gió, mỗi phần có đúng 36 bài. Sau đó, chúng tôi lấy thêm bài “Tém tóc” của Nguyễn Lâm mà thi sĩ Hoàng Hưng giới thiệu trên “Người Hà Nội”, vị chi là 109 bài. Có lẽ đây cũng là gia tài Lâm Man gửi lại cho trần thế sau 30 năm xa cố hương làm một cuộc “hành phương nam-vạn lý ”!

Trong bản thảo, nhiều chỗ bị mờ do đánh máy hoặc vấp phải những lỗi mà nếu tự tác giả sửa chữa thì hẳn là khá dễ dàng. Nhưng nay thì mọi sự đã trễ tràng, nhóm bạn của Lâm khi đem bản thảo này soạn lại thành tập để in, không dám mạo muội nhúng bút vào, chỉ đôi lúc chú thích bên dưới gọi là bàn góp nhời thêm cho bạn mình thôi. Ngay cả cái tên phụ “Kịch đời” cũng là bất đắc dĩ. Xin vong linh cố thi sĩ tha lỗi và bạn đọc lượng thứ.
Sao lại gọi là “Kịch đời”? Số là từ xưa, cụ tổ tuồng Đào Tấn đã bảo: "Sự đô như hí - Sự đời như kịch". Cái nhẽ này, Nguyễn Lâm thấm thía hơn ai hết.
Cũng hơi lạ, Nguyễn Lâm sinh ngày 10 tháng 8 năm 1943, thì cũng trung tuần tháng 8 năm 2005, ra đi! Cứ như có bàn tay của Đấng Bí Mật Tối Thượng sắp xếp sự trùng hợp này để mai sau, những người ruột thịt, anh em bạn bầu của Lâm hàng năm có thể vừa mừng sinh nhật vừa giỗ Lâm một ngày!? Chẳng phải, trong một bài thơ của mình, Lâm đã từng nơm nớp chờ đợi “mười ba thứ sáu - ban mai nhễ nhại mưa phùn”?
Rồi đọc Thơ Man càng thấy kịch đời của Lâm Râu - Người đã sống kịch trần thương yêu, say đắm, hào hiệp và thất cơ lỡ vận. Hay nói kiểu bây giờ, với Nguyễn Lâm, tất cả mọi thứ đã “kịch kim”!

Đọc “Hành khất”, chẳng thấy ở đâu có bản tự thuật “kịch đời” hơn Lâm nữa:

phận hèn há mơ sang
ai ơi
chớ lấy thằng tàng
nó không biết hát
đi hoang trót đời
đói lòng quỳ vái lung tung
đốt nhang đốt giấy
chắp tay khấu đầu
lạy trời lạy đất
chút tình tôi xin
tình cuồng để thụ hoang thai
đưa tay vịn trượng trúc dài
con đi chập chững dắt thằng man man
tối trời chẳng chỗ náu chân
áo manh cởi đại che đầu
mưa giăng bốn phía che đâu
trắng phênh chút cháo của đời

Chẳng vậy, lúc sinh thời, Lâm Râu đã từng hớt hải kêu váng lên:
ôi ngày hôm qua/ ngày hôm qua/ chẳng quá hôm nay/ chẳng tới ngày mai…

Có người nói: Đọc Thơ Man nghe như có tiếng nấc ở trong, mà là nấc cụt!
Nhưng không phải ai cũng nghe ra tiếng “nấc cụt” đó. Thoạt đầu, nếu ta vồ vập đọc Thơ Man, rất dễ nản. Nhất là với ai có thái độ hãnh tiến, trịch thượng hay quá ỷ y vào khả năng cảm thụ văn chương và thẩm quyền giám định các thang giá trị một cách trưởng giả của mình.
Bởi khi ấy, Thơ Man sẽ hiện ra lổng chổng, câu cú, chữ nghĩa chủng chẳng, rời rã. Cấu tứ xiêu vẹo, lệch đổ. Giọng điệu lắm lúc giả ngô giả ngọng. Lại có khi đột ngột ngắt câu, chuyển ý tùy tiện, mê hoảng. Vân vân và vân vân. Chẳng vậy, có người bảo Thơ Man là “thơ vỉa hè”. Nhưng trong cái thế giới vạn vật giai không này, đã chắc gì “thơ vỉa hè” ít đáng đọc hơn “thơ xa-lông” hoặc “thơ hậu hiện đại”?
Xin trở lại với chính Thơ Man. Càng đọc, ta sẽ càng thấy mình đã bị nhầm lẫn khi đọc thi phẩm này với một tốc độ quá nhanh. Ngày xưa, khoảng những năm 1967-68, ở nhà Nguyễn Lâm có một cái máy quay đĩa do Liên Xô sản xuất, nhãn hiệu Xu-pra-phôn gì đó. Máy phát hai loại tốc độ: 33 và 78 vòng/phút dành cho hai loại đĩa tương ứng. Đĩa 78 mà để tốc độ 33 thì nghe giao hưởng số 9 của Bít-tô-ven cũng cứ như nghe xẩm hết hơi rên ư ử. Đĩa 33 mà để tốc độ 78 thì Xê-rê-nát hoặc nhạc buồn của Sô-panh cũng rít lên, cuống quít léo nhéo như nhại giọng trẻ con…
Ta sợ rằng, tai họa đã xảy ra với cách đọc Thơ Man, thuộc trường hợp thứ hai: đĩa 33 nghe tốc độ 78. Thậm chí, còn nhanh hơn nữa vì chúng ta đang sống trong thời buổi chụp giật, ăn sống nuốt tươi, làm gì có thời giờ cho loài gậm nhấm thơ thẩn?
Hóa ra, muốn đồng cảm chút gì đó với Thơ Man, ta phải đọc chậm lại. Ít nhất cũng chậm gần bằng tốc độ đi bộ của chính thi sĩ  Nguyễn Lâm. Và chỉ khi đó, mới thấy ta đang cầm trong tay một tập thơ tình thuần khiết - đúng hơn là một thẻ căn cước, của Lâm Man trong tình trường. Với thuốc hiện hình pha nhạt trong buồng tối thợ ảnh, dưới ánh sáng đỏ tù mù, chân dung của một tình nhân chậm chạp và lờ mờ hiện dần ra.
Lâm đã yêu, thổ lộ tình yêu ngay từ câu đầu của bài thơ đầu trong “nhật kí yêu” của anh. Rồi cứ thế, niềm yêu mê đắm trải dài suốt 109 bài thơ, với mỗi lần dứt bài này, ta lại nghe thấy một tiếng nấc cụt của anh nối tiếp sang bài sau. Để rồi mọi cái lại diễn ra như vậy. Tiếng nấc cụt đã thành các dấu chấm, phảy trong thơ Lâm. Ta bỗng thương bạn, thương mình đến nghẹn lại. Ta phải đặt tập Thơ Man xuống bàn, ngồi thừ ra mà ngẫm nghĩ: Sao một tình nhân như Lâm, tận tụy hiến dâng, cam chịu mọi thất thoát, hắt hủi, tủi hờn mà không một lần được reo vui trong vòng tay người đàn bà mình yêu, thờ phượng hoặc run rẩy một thoáng môi hôn? Lúc nào cũng bàng bạc, ngậm ngùi, xa ngái. Dù ngay cả khi đứng trước một “trần nữ”, chàng tóc quăn, mắt nâu, râu rậm Lâm Man cũng chỉ thẫn thờ từ xa mà ngắm nghía, vừa trầm trồ, hồi hộp, vừa luyến tiếc chính cái mà mình chưa bao giờ thực sự chiếm hữu. Đó là Tình Yêu mê đắm, xả thân của chàng và sự hồi đáp hờ hững, lắm lúc khinh bạc, cay nghiệt và lạnh giá của Nàng:
tóc ướt vành trăng
mưa xanh vòm sóng
trưa tàn mũ đen
mím cười áo trắng
mắt chớp một phương
người đi sương vàng
thủa nào búp vắng
lá biếc hoa dăng

Vâng, từ đây Nàng hiện ra đúng 105 lần dưới lốt chữ “em” trong suốt 108 bài Thơ Man! Và Lâm chỉ đối thoại (đúng hơn là độc thoại) với duy nhất Nàng. Chàng chiêm ngưỡng Nàng kém gì con chiên ngắm Mình Thánh Linh? Tất cả những gì thuộc về con người Nàng chiếm giữ cảm giác, thị giác, thính giác, vị giác và cả xúc giác của chàng, hết ngày sang đêm.
Từ Mắt: ngực vuông tròn tìm mắt - mắt đan xa - mắt chớp một phương - mắt em mênh mông trời thẳm - rơi mắt lối chờ - cười mởn trên đôi mắt...
Rồi Môi: biếc môi nây - môi kiễng - cháy môi - môi thoáng hé - hè cỏ môi rung - môi khuya thốn cơn hào hển - hạ môiĐến Tóc: tóc ướt vành trăng - tóc cứ lệch - tóc cứ xòa…
Chàng dâng lên “bàn thờ Ái Tình” toàn bộ gia tài tâm huyết và trí tưởng tượng của mình. Chàng phủ lên đầu Nàng đủ loại trăng sao, rải ra dưới chân Nàng đủ loại hoa cỏ, đeo lên cổ Nàng đủ loại trang sức. Ru Nàng bằng đủ loại âm thanh, từ tiếng gió đến tiếng sóng và cả tiếng “người rơi bóng”. Chàng làm thơ cho Nàng - hàng đêm không mắt nhắm - ngày ngày lang thang - kẽo kẹt chữ - lùng bùng - hình phất. Thảng hoặc chàng rủ Nàng lên Rừng (vẻn vẹn 8 lần, tính đếm theo lối thống kê tần suất chữ Rừng xuất hiện trong Thơ Man), thì trái lại, hễ hở ra là chàng rắp tâm rủ Nàng về với Biển - Sông - Sóng - Thuyền - Gió - Giông bão - Cầu vồng (tần suất của những chữ liên quan đến sông nước, biển cả, gió… trong Thơ Man không dưới 300-400 lần). Mà lạ thật, Nguyễn Lâm cả đời hết sống ở phố phường Hà Nội lại tá túc trong một ngôi nhà ngoại ô và lăn lóc trên những quán cóc bụi bặm đất Sài Thành, nghĩa là những nơi xa biển hàng trăm cây số, Lâm lại chưa xuất ngoại lần nào, ấy thế mà biển, đại dương, sóng, giông tố cứ quanh quẩn sôi réo trong thơ Lâm. Phải chăng BIỂN chỉ phản chiếu một giấc mộng tự do, sự phóng khoáng và vượt thoát khỏi mọi tù túng, đã bị biến dạng và trương phồng lên thành sóng-nước và gió?
Vô khối lần rủ và cũng vô khối lần Nàng làm chàng tẽn tò. Nào tay tìm tay - nghe mưa mắng nắng - mắt đan xa - mơn man - sa biển cũ - gió lộng. Rồi vồng vồng mái nắng - sóng khuya - biển trong cát - cát trong tranh - em trong dạ khúc - nắng khỏa lưng - vệt cong mưa lẻ. Ngay cả lúc bềnh bênh sóng rẽ, chàng vẫn: cồn cơn si - biển nghẹn đáy sóng - nắng rập rênh - sương thanh lả tả - tiếng tù và bện sóng - trùng khơi ngơ ngái - con thuyền không lái - xoay hoài ảo ảnh - tóc mây vơ vất - lạc hồn tiếng sóng hoang.
Chính chàng tự thú nhận:
em ướt tóc cho anh mơ biển cả/ gió qua bỗng hóa khúc du ca

Nhưng rốt cuộc, chàng cay đắng nhận ra mình chỉ là một gã “thủy thủ trong chai” và đành chấp nhận đi “tìm em trong rượu tràn bờ đất”!
Chàng tình nhân nồng nhiệt, chu đáo và khiêm nhường, niềm ao ước được Nàng biết đến cái tình của mình sao mà tội nghiệp: thon von hạt nhớ - ước là gió thoáng theo em…
Rốt cuộc, ta ứa lệ thương chàng khi đọc tới hai câu:
cho anh cười theo gió/ tóc bỗng thành mưa bay

Cười theo gió thì chỉ là cười gượng khi đến tóc cũng bồng bềnh nước mắt mà Lâm Man thi vị hóa thành “tóc bỗng thành mưa bay”!
Và đương nhiên, chàng còn là “bé ngoan” nữa khi bao giờ cũng đinh ninh những lời Nàng dặn, tuy biết mình hậu đậu “đánh đâu hỏng đấy”:
chi chi chành chành
đánh đâu hỏng đấy
cái đanh đã gẫy
cả lửa cũng tàn
lẽ đời đã cạn
lại thêm hứng nạn
ới a
em dặn đừng có đi xa
ngựa trời cương đứt
ba vương ngũ đế
mơ mơ tỉnh tỉnh
non cao tự cười
chi chi chành chành
cái đanh nổi lửa
chót quên đường cũ
về đâu

Đôi khi thấy Nàng vô tình quá, chàng chỉ dám trách yêu:
có lần hát về em/ mà em chả biết

Cùng lắm, để trấn áp nỗi thất vọng có thể làm mình phát nổi khùng, văng đủ thứ lên bàn thờ Tình Ái thiêng liêng, chàng cũng chỉ cho phép mình một lần nghiến răng, âm thầm “chém cha cái sự bời bời”:
bời bời một kiếp
gỡ không ra nợ đời
yêu ai
thì mặc ai yêu
nụ hôn môi đắng
hờn vai
đau dài cơn dại
kệ cha sự đời
Ôi, Nàng không còn là giấc mơ, Nàng đã trở thành nỗi ám ảnh trong tâm thức se sắt, thất vọng và hờn dỗi của bạn tôi. Để rồi những ẩn ức lặn sâu trong cơ cấu tâm lý bị dồn nén của thi sĩ, được tự giải tỏa bằng những hình ảnh, lối liên tưởng và cách vặn vẹo chữ nghĩa gợi nhục cảm:
ấp iu gió/ thõn thẽn trăng thâu/ cơn mơ ơ ầu/ môi thoáng hé/ hoa về nụ

Cái “thõn thẽn” có họ hàng dây mơ rễ má gì với “thỗn thện vú vế” chăng? Rồi lúc Nàng đứng trước mặt chàng “giũ yếm nghênh phong”, hẳn không nghi ngờ gì nữa, khi buông chữ “vằng vặc núm hồng” ắt là trong tâm trí chàng Lâm nhà ta đang đỏ mặt mơ màng đến đôi núm tuyết lê của Nàng? Đến câu “nong tay chi bẹn dõ chữ” chả ai biết “dõ chữ” là cái gì, nhưng có lẽ hình ảnh “nong tay chi bẹn” thì khá gần gũi với “nong tay gí bẹn đỏ hân hân” trong giai thoại Trạng Quỳnh, mô tả tâm trạng của giới mày râu khi hứng lên mà phải cam chịu cảnh trớ trêu “thịt treo mèo nhịn đói”?

Biết đâu lần tìm “đáy nguyệt lòng sông”, ta cắt nghĩa được vì sao Thơ Man có vẻ gì đó của đồng dao với cái lối đặt nhan đề chỉ gồm hai từ và thơ thường được cắt theo nhịp thể thơ 4 hoặc 5 chữ: ai đem người ngọc/trèo lên quán dốc/tựa gốc cây đa/thu đông xuân hạ…
Thẳng hoặc, chen vào lối lục bát biến thể: phận hèn há mơ sang/ai ơi /chớ lấy thằng tàng/nó không biết hát/đi hoang trót đời… Hoặc:
năm canh chong mắt/ quên đời/ lời ru của mẹ vương vời gió thu

Ta sẽ không ngạc nhiên, với lai lịch và “điệu tâm hồn” như vậy, hẳn Thơ Man sẽ có cái gì đấy phảng phất hơi hướng Bùi Giáng:
thăng hoa
hun hút bờ mây
áo đâu sặc sỡ
cỏ cây la đà
phù dung tim tím
sương tà
trắng trong lửa biếc
biển sa

mất rồi
Và một chút thoang thoảng Hoàng Cầm cùng không khí “Về Kinh Bắc”, dễ thấy nhất trong bài “Tam cúc”: úp úp - xòe xòe - thực thực hư hư - chiềng làng - chiềng chạ - đi đâu tứ tử - kết đôi - cướp cái - thoắt trắng tử tư - đỏ đen - chui hết - thì thôi tạ từ…
Và càng về cuối, Thơ Man càng có khuynh hướng dài ra, không còn chắt lọc câu chữ, nắn nót tỉa tót như những đoản thi nửa đầu. Những Du ca, Dã thảo, Thênh thếch, Lời ru, Hôm qua, đặc biệt là Ơ phỗng Man man…, trong phần kết “Đường gió”, câu chữ dài thượt, ý nghĩ của thi sĩ nhiều khi được nói toạc ra như kể lể, đâu còn giọng điệu huyễn hoặc, mơ màng, ví von vặn vẹo như đoạn “Lều cỏ” và “Vách sương”. Chuyện gì đã xảy ra ở đây? Phải chăng, Lâm hoảng hốt khi đã thấy hơi thở của cái kết thúc khốc liệt và bất khả chống đỡ đang phả hơi nóng hầm hập vào gáy mình? Anh không còn đủ kiên nhẫn để đủng đỉnh gặm nhấm nữa, mà cuống quít giãi bày, trách móc, hờn dỗi:
mưa lại rơi
đầm đìa dĩ vãng
miếng cơm nhục nhã
độn bao lời hay ho
nỗi đau thành thật
chìm trong lọc lừa
như giọng hát đắm say
trong dáng ngạo ngông
tay trùm cướp
thiên đàng hay địa ngục
chỉ mặt hàng thời thượng
như nụ cười chiều khách
kẻ bồi bàn
như chiếc nơ thắt cổ
gã nhạc công đỏm dáng
như một chút men say
để vứt đi tuốt tuột
nỗi sầu trong đêm
cứa ruột
ngày hôm qua
mưa cứ rơi

Khoảng khắc này, Lâm chới với như muốn tìm một nơi dựa dẫm, an ủi và để trút bao điều còn chất chứa trong tâm trạng bất an của mình. Và Lâm chỉ tìm thấy một bờ vai duy nhất để tựa đầu vào đấy: Bờ vai của Thời Gian Giá Lạnh trên nền đá hoa!
Ta càng thương những bài thơ của Lâm Man bàng bạc màu “thơ biên tái” nghìn năm trước rêu phong tâm cảm của chàng hôm nay, khi chàng trải qua những “đêm câm/cười dầm khóc bấc/chờ rạng đông/trong ai”. Dường như Lâm đã tiên cảm được những gì đang đợi mình ở phía cuối con đường?

Và tâm thế thi sĩ luôn canh cánh nỗi nhớ nhung cố hương và luyến tiếc những kỉ niệm thời hoa niên:
hơ hải đường xa
đường dài vội vã
nhịp chân sai rồi
em trắng quá
giữa đất trời lạnh giá
một sớm mênh mang
bụi đời vờn như gió
cho anh cười theo gió
tóc bỗng thành mưa bay…

Và giờ đây, tất cả đã thành “ngày hôm qua” rồi, chẳng riêng gì với thi sĩ Lâm Man, mà với rất nhiều bạn bè cùng trang lứa của anh:
ngày hôm qua
mưa lại rơi
giọt giọt gieo lanh tanh
trên mái nhà dột nát
phím dương cầm nức nở
ướt từng miền thịt da
cơn gió lạnh lạc về
trong nhành mai trắng
nhạt màu tấm áo

Và một nỗi thống hối hành hạ tâm trí Nguyễn Lâm trong những ngày tuyệt vọng nhất từ phương Nam đến đất mẹ, nơi chôn nhau cắt rốn của mình, dù chỉ gần 2000 cây số trong thời buổi phi cơ bay mất không đầy 2 giờ, mà thăm thẳm, diệu vợi đến ngậm ngùi, tê tái.
ngày anh ra đi
Hà Nội thu về đẫm ướt
những trận mưa dài
phố vắng
mà quen
mặt người gần lại
hương lan đầm tóc rối
anh chỉ nhìn em không nói
câu hát buông thầm mưa đêm
bây giờ tháng mấy rồi
chân lơ đãng
chiều vương trên thảm cỏ
lá chưa rơi cho vàng bờ xanh
ngôi chùa xưa buồn tênh tựơng cổ
người người về
sao anh ra đi

Sao ra đi? Một câu hỏi chẳng riêng làm Nguyễn Lâm day dứt. Đến tận lúc ấy, Lâm Man mới như đứa trẻ biết mình có lỗi và tự chuốc lấy đau khổ khi bỏ quên lời ru của mẹ trong đáy sâu tâm trí. Lâm Râu bỗng hiền và thơ như “con đỏ” quay về tìm kiếm:
năm canh chong mắt/ quên đời/ lời ru của mẹ vương vời gió thu

Giờ đây chàng trai đất Tràng An thủa nào chỉ còn mơ hồ một nỗi niềm, vịn vào “lênh đênh sóng úa”, lấy “tiếng hát bắc cầu” để về với “miền hoang gió - quên quên nhớ nhớ”. Tổng thuật đời mình, Lâm chỉ còn biết thốt lên:
một thủa dang dở
những cuộc tình đã dứt
ta lại về hoang sơ
ngậm ngải tìm người
bập bùng lửa nhỏ

Bập bùng lửa nhỏ
là tên giấc mộng cuối cùng của Lâm: xum vầy và hoàn nguyên, quay trở lại làm đứa trẻ đồng đồng vãng lai. Không biết liệu Lâm có tìm ra thứ ngải cho kẻ vong thân ngậm mà tìm người không? Ngải ấy ở đâu? Hay ta đã đánh mất vĩnh viễn trong “tấn kịch đời” bon chen, cấn cái bao chuyện thị phi, điên đảo, lo âu? Đó cũng là bản “du ca bạc trắng” cuối cùng của Lâm trên trần thế, trước khi rong chơi ở cái nơi tót vời miên viễn Phi tưởng phi phi tưởng xứ !
Mọi chuyện đã trôi về miền “quên quên nhớ nhớ”? Cả tiếng nấc cụt và những bản tình ca thời mồ ma của bạn, hãy để chúng đấy cho loài gặm nhấm chúng tôi. Lần lượt, từng “con” trong số ấy sẽ đến với bạn một mai. Nói như lũ trẻ Hà Nội bây giờ, xong là xong!
Chỉ biết, Lâm ơi, chúng tôi yêu bạn, nhớ bạn. Mãi mãi như thủa nào tụ bạ ở 28 phố Triệu Việt Vương, Thăng Long, nơi bây giờ là quán rượu Tiên Tửu.
Thật đúng là trò đời như kịch. Nhà cũ đã thành quán rượu mà người cũ lại ngậm ngùi nhấm nháp từng ly đắng nơi đất khách quê người, rồi hôm nghe tin bạn đi xa, chúng tôi lại kéo về quán Tiên Tửu uống chén rượu suông tiễn bạn, thôi cũng đành coi cái quán ấy là “mái nhà xưa” của những vị trích tiên hiện đại vậy?
Trò đời vui là thế, ngậm cười thôi Lâm ơi. Ngậm cười mà về với chốn xưa như Lâm ao ước, mộng cũ không thành trên cõi ta-bà, biết đâu Lâm Man lại chẳng y cẩm hồi hương tận nơi Quê Mẹ Đại Tịch Diệt: / một thân áo trắng/ mịt mù/ rừng hoang nắng/ mẹ ru/ con về…

Hà Nội, ngày 29 tháng 8 năm 2005


Văn chân dung trích ngang
Nguyễn Khắc Phục viết về thơ Nguyễn Lâm
Tác giả gửi bài


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét