VĂN BẠN
VĂN 1/ TOÀN TẬP
Nhiều tác giả/ Nguyễn Nguyên Bảy chủ trương/
NXB Văn Học ấn hành 1.2013
16. Văn Truyện
BÙI
NGỌC TẤN
TRUNG SỸ
Đời
có quá nhiều việc phải suy nghĩ, nghiền ngẫm khiến ai cũng có thể trở thành
triết nhân. Như anh bạn Hiếu lái xe đang ngồi uống bia hơi trước mặt tôi đây
chẳng hạn. Một cuộc gặp gỡ bất ngờ và thú vị. Tôi đang đạp xe kiếm một người
bạn văn chương nào đó để ngồi trước một bàn bia vỉa hè chứ uống bia một mình thì còn văn vẻ gì !(1), thì có tiếng gọi.
Hiếu
đang uống bia một mình. Tôi mừng rỡ ghé vào. Lấy
mùa bù chiêm. Không một bạn văn thì một bạn xế. Càng hay. Hiếu lái xe ở xí nghiệp tôi.
Một tay lái xuất sắc. Chiến sĩ thi đua nhiều năm. Trước anh lái xe cho phòng
cung tiêu, chuyên chở cá, cân cá. Khi đánh cá “dẹp tiệm” vì thua lỗ, vì tầu bè
nát, vì “biển Đông hết cá”, Hiếu chuyển về văn phòng, cùng đơn vị với tôi. Lái
xe con. Toyota, Mazda chạy lạnh. Phục vụ các sếp. Khi xe tải xẹp thì xe con
phình ra. Thế đấy!
- Dạo
này sếp ra sao?
Hiếu
vẫn gọi tôi là sếp dù khi còn đi làm tôi cũng chỉ là nhân viên quèn như anh.
- Vỉa
hè thôi.
- Quả
chanh vắt hết nước à?
Tôi
cười:
- Đâu
có. Mình cũng chẳng phải là quả chanh, chẳng có nước cho người ta vắt.
- Quả
chanh vắt hết nước vất ra vỉa hè mà rơi xuống chỗ có nước nó lại ngậm nước, lại
trở lại hình dáng cũ. Sếp có công nhận không? Chứ anh em mình bị vất ra ngoài
đường, xe rác nó cũng không hót đi đâu.
-
Triết lý gì mà ghê thế? Tôi nhấp một ngụm bia mát lạnh hỏi lại Hiếu. Trên bàn
chỗ Hiếu ngồi, một vại còn đầy ắp và ba vại đã cạn, chỉ còn dính bọt bia. Hiếu
tiếp tục dòng suy nghĩ:
- Bây
giờ là lúc anh phải viết. Nhiều chuyện lắm. Tôi rất muốn viết về cái bếp nhà
tôi. Cái bếp nhỏ thật, mấy mét vuông thôi nhưng nhiều chuyện lắm. Chổi nói
chuyện với chảo. Chảo nói với lọ mỡ. Lọ mỡ nói với than tổ ong. Than tổ ong nói
chuyện với khói. Khói tâm tình với các nhà chung quanh. Cái bếp đâu chỉ là cái
bếp. Nó là đồ thị biểu diễn biến thiên cuộc sống.
Thú
thật đến bây giờ tôi mới biết Hiếu có những ý nghĩ thú vị như vậy. Trước đây
tôi chỉ biết Hiếu là một tay lái xuất sắc đã qua hàng vạn cây số an toàn. Là
một cây sáng kiến. Và cũng là một tay rất ngại viết. Có thể lái một xe cá đông
lạnh chạy một lèo lên khu gang thép Thái Nguyên hay ra mỏ, nhưng viết một bản
thành tích để đề nghị khen thưởng bao giờ Hiếu cũng phải nhờ tôi.
Hiếu cười vung tay chỉ về một ngôi nhà bốn tầng chênh chếch bên kia đường.
- Nhà
hàng Nu Ni ngay kia, anh có trông thấy không? Kia kìa!
Đó là
một nhà hàng xinh đẹp nổi tiếng với mặt tiền đá ốp lát, với những cửa kính đổi
mầu vút lên cao ngất, với những món ăn ngon, những căn buồng gắn máy lạnh và
nhất là với một bầy tiên nữ xiêm y rực rỡ thấp thoáng ra vào càng gợi thêm trí
tưởng tượng về chiều sâu thăm thẳm của ngôi nhà. Nó vừa hấp dẫn vừa xa vời đối
với những người túi tiền lép kẹp như tôi.
- Tôi
đã vào đấy - Hiếu tiếp - và sếp biết không? Trong đám tiếp viên ùa ra đón chúng
tôi có người đồng đội. Người đồng đội reo: "Anh Hiếu!" và chạy
tới nắm tay tôi. Tôi cũng kêu lên: "Trung sĩ!" và nắm chặt tay cô ấy.
Bỗng tôi thấy người đồng đội rời tay tôi ra và có biểu hiện đi giật lùi. Lan
Anh! Sếp có nhớ Lan Anh không nhỉ. Lan Anh làm ở tổ bốc, quân của ông Phúc đen
ấy.
Tôi
không nhớ được một cô gái nào ở tổ bốc cá có tên Lan Anh. Với tôi, chị em ở tổ
bốc là một khái niệm chung, hoàn toàn giống nhau: ủng cao, quần áo bông rộng thùng
thình ẩm ướt khăn khẳn, mũ bông chụp đầu, hai tai mũ phật phờ hai bên má, găng
tay bảo hộ sờn bẩn, với móc sắt, xẻng, lồ. Họ làm việc dưới hầm lạnh và đi đến
đâu là có mùi cá ủng toả ra đến đó. Mùi đặc trưng của họ. Cũng như khái niệm
tiếp viên của tôi là một cái gì giống nhau giữa những cô gái trẻ mắt xanh mỏ đỏ, quần áo hiện
đại, những cô gái ríu rít niềm nở tươi vui, tình cảm tràn trề niềm hiếu khách.
Mùi đặc trưng của họ là thơm nức.
Thấy
tôi suy nghĩ, Hiếu cau mặt:
- Anh
không nhớ Lan Anh à? Cái cô tổ bốc mà hôm có đoàn quay phim xuống, lấy cá tiếp
khách cho anh đấy. Anh cứ thích mãi vì lâu lắm mới được ăn cá đé ấy.
Có
biết bao lần tôi lấy cá tiếp khách (và ghé vào đó cho mình một suất). Có biết
bao cô tổ bốc đã lấy cá cho tôi. Hơi bực vì đầu óc mụ mị của người đối thoại,
Hiếu quyết lay động trí nhớ của tôi, chợt anh reo lên:
- Sếp
còn nhớ hôm tết năm .... không? Sếp ra cung tiêu chúc tết. Dạo ấy cung tiêu vẫn
là một phòng, chưa thành xí nghiệp như bây giờ. Chúng tôi mời sếp uống bia, ăn
mứt. Có một cô ngồi cạnh một đứa bé. Thằng bé con cứ đòi ăn hạt bí. Mẹ nó bảo
để mẹ nó cắn cho, đừng ăn cả vỏ, ho. Mẹ nó cắn tách vỏ hạt bí rồi thè lưỡi cho
cái nhân ra. Thằng bé ghé mồm vào hớp lưỡi mẹ... Đấy. Lan Anh đấy. Người đồng
đội đấy....
Hiếu
cười sung sướng vì tôi đã nhớ ra. Tôi đã nhớ ra cô gái ấy. Mặc cho chúng tôi
nâng cốc chúc tụng, cô ngồi ở một góc nhà, chơi trò cắn hạt bí và thè lưỡi cho
con hớp, thỉnh thoảng cô lại rụt lưỡi lại khiến thằng bé đớp hụt và hai mẹ con
cười với nhau. Khi trông thấy các cô tổ bốc ăn mặc đẹp, son phấn đàng hoàng,
tôi hơi ngỡ ngàng. Ngỡ ngàng vì vẻ đẹp, vì dáng người thanh tú của các cô. Cứ
như họ đã trút đi lớp vỏ bọc xấu xí sù sì để trở lại nguyên hình tiên nữ vậy.
Hôm ấy tôi trông thấy Lan Anh như lần đầu tiên được thấy. Một cô gái ngoài ba
mươi, thon thả với gò má phơn phớt hồng, với tất cả sự hồn nhiên tinh nghịch và
âu yếm trong trò chơi hạt bí. Có cái nhí nhảnh của trẻ con, vẻ đẹp của tuổi ba
mươi và sự cao cả của tình mẫu tử.
- Nhớ ra rồi chứ sếp? Lan Anh ấy đấy. Để tôi kể tiếp. Tôi kêu lên: "Trung
sĩ!" Đó là cái tên tôi vẫn gọi Lan Anh khi còn ở Trường Sơn, rồi nắm chặt
tay người đồng đội nhưng Lan Anh rời tay tôi ra, đi giật lùi rồi biến mất. Tôi
cứ tưởng Lan Anh ngượng khi gặp lại người quen. Nhưng lúc theo các tiếp viên
vào phòng lạnh, tôi thấy Lan Anh mở cửa bước vào. Một cô Lan Anh khác! Không
phải Lan Anh mặc quần bò nữa mà là Lan Anh mặc váy. Một chiếc váy hoa mỏng,
không có tay. Tôi chẳng hiểu sao Lan Anh lại thay đồ như vậy. Cho mãi tới khi
ổn định chỗ, cặp nào vào cặp ấy, ngồi cạnh Lan Anh, định hỏi Lan Anh điều đó,
Lan Anh đã thì thầm vào tai tôi: "Vừa nẫy em mặc quần bò trông ngố lắm
phải không?" Tôi hỏi lại : “Ai bảo em thế?” “Thế sao anh lại gọi em là
Trung sĩ?” Sếp thấy chưa? Con người ta như thế đấy. Tôi bảo: “Em quên mất em đã
là trung sĩ ở Trường Sơn à?”. "Em nhớ chứ. Nhưng em cứ tưởng anh
giễu em về cái quần bò”. Trung sĩ vừa là quân hàm vừa là tên chúng tôi gọi Lan
Anh, Lan Anh vẫn nhớ. Nhưng lâu quá rồi không ai nhắc đến, giờ nghe tôi nói Lan
Anh lại nghĩ cách ăn mặc giống như bộ đội của mình là ngố, sếp có thấy đấy là
một điều đáng viết không?
Tôi
im lặng. Xa vời Trường Sơn rừng đại ngàn. Lán trại. AD6 bay vè vè soi mói. B 52
rải thảm. Bộ đội xanh mầu lá cây. Tôi nhìn Hiếu. Anh im lặng nhìn tôi rồi quay
lại cô chủ quán: "Cho thêm hai vại nhé". Và rướn người về phía
tôi:
- Sếp
chưa trả lời tôi đấy. Nhưng thôi để tôi kể tiếp. Tất nhiên là tối hôm ấy tôi
ngồi cặp với Lan Anh. Lan Anh có vẻ sợ hãi, nhấp nhổm không yên. Tôi bảo ngay:
“Em yên tâm. Cứ ngồi đây. Không phải đi đâu cả. Em ngồi với anh. Anh chịu trách
nhiệm về em”. Lúc ấy người đồng đội mới tự tin, ngồi im trên ghế. Lan Anh sợ
chủ tiệm, bởi vì trong đám tiếp viên tiếp chúng tôi hôm đó, Lan Anh nhiều tuổi
nhất, kém nước nhất, nói thẳng ra là dề nhất, tức là già nhất đấy sếp ạ. Xem
nào. Nếu tôi nhớ không nhầm thì đã bốn mươi mốt tuổi. Tất nhiên Lan Anh có dáng
người đẹp, khuôn mặt dễ coi như sếp đã biết, nhưng làm sao có thể so sánh được
với đám tiếp viên mới mười tám mười chín tuổi kia. Ngồi cạnh những em ấy Lan
Anh đúng là mẹ họ. Lan Anh sợ mình ngồi đó sẽ làm khách... Nói thế nào nhỉ,
khách nào chẳng thích những em trẻ đẹp. Lan Anh ngồi tiếp khách mà chưa được sự
phân công của chủ và có thể gây những thiệt hại cho chủ. Tôi rất thương Lan
Anh.
Chẳng
gì cũng là tình đồng đội.
Tôi
ngắt lời Hiếu:
-
Trước anh với Lan Anh cùng đơn vị?
-
Chẳng những cùng đơn vị mà còn cùng học một trường nữa. Thời chiến tranh bắn
phá, bệnh viện sơ tán về ngay làng tôi. Mẹ Lan Anh làm ở bệnh viện. Lan Anh
theo mẹ về học ở đấy. Dạo ấy chỉ gọi là biết nhau thôi. Lan Anh học dưới tôi ba
bốn lớp cơ mà. Đến khi vào bộ đội, đi B, lái xe cho đồng chí chính uỷ sang bệnh
viện thăm anh em thương binh nằm điều trị bên ấy, tôi gặp lại Lan Anh. Lan Anh
làm hộ lý ở đó. Từ ấy mới chính thức là quen nhau. Từ ấy thỉnh thoảng tôi lại
sang thăm Lan Anh. Chả là bệnh viện cách bộ tư lệnh một cánh rừng. Khi đó Lan
Anh và cả đám bộ đội tóc dài bệnh viện làm cho khu rừng cứ sáng ngời lên. Chẳng
bông hoa nào sánh được với các cô. Biết bao phóng viên, phái viên, uý, tá vè vè
quanh các cô. ấy thế mà thằng thượng sĩ Lê Minh Hiếu này thắng đo ván một trung
tá đấy. Cho thủ trưởng phải gút bai.
-
Nhưng với ai? Lan Anh à?
-
Không phải với Lan Anh mà là bạn của Lan Anh. Sự đời nó ngoắt ngoéo như thế sếp
ạ. Một đồng đội của Lan Anh, hơn Lan Anh một tuổi. Vừa nãy tôi nhớ chính xác
tuổi của Lan Anh là vì thế. Nếu còn năm nay Huyền bốn mươi hai. Tôi nhớ vậy vì
Huyền kém tôi ba tuổi.
Hiếu ngồi ngả người trên ghế, châm một điếu thuốc. Anh đang sống lại những kỷ niệm
xưa. Một thời trai trẻ, cái tuổi đẹp nhất của một đời người và mối tình của anh
với một cô Huyền nào đó hẳn cũng là mối tình đẹp nhất.
- Lan
Anh và Huyền là đôi bạn thân. Tôi nắm tình hình Huyền qua Lan Anh rất chặt,
chính vì vậy tôi đã thắng nốc ao đồng chí trung tá. Thực sự Lan Anh đã góp phần
quan trọng, có thể nói là quyết định vào thắng lợi của tôi. Lan Anh tỉ tê với
Huyền rằng tôi còn trẻ, đã học xong phổ thông, hết chiến tranh là về thi vào
đại học, hứa hẹn một tương lai sán lạn. Rằng tôi có một thằng em đi Đức, rằng
tôi là một thanh niên rất hay. Vân vân và vân vân. Tóm lại toàn những điều tốt
đẹp về tôi. Tôi và Huyền yêu nhau được hơn hai tháng thì Huyền hy sinh. Lẽ ra
Lan Anh cùng bị với Huyền. Trưa hôm ấy hai cô đã bàn nhau vào rừng hái thuốc
nam, nhưng Lan Anh phải ở lại đun nước phục vụ cho một ca mổ đột xuất. Một mình
Huyền vào rừng. Nó bỏ bom bệnh viện nhưng lại chệch ra rừng. Thế là Lan Anh
trong bệnh viện thì sống mà Huyền ngoài rừng thì chết. Sếp thấy không? Con
người ta sống chết có số, chẳng thể nào tránh được.
Hiếu
thở dài. Nỗi đau vẫn còn đó trong anh dù sự việc đã đi vào một vùng thẳm sâu
nào đó của ký ức, dù biết bao thời gian và sự kiện đã phủ lấp lên nó. Tôi quyết
định không hỏi gì Hiếu nữa. Hãy cứ để anh nói những điều anh thấy là cần thiết.
Trời đổ một cơn mưa bóng mây nhẹ. Cô chủ quán căng một tấm ni lông từ bờ tường
hoa một cơ quan nào đó tới gốc cây, che mưa cho chúng tôi và ở những bàn bên,
khách đã vội vã lên xe ra về. Chỉ còn hai chúng tôi. Tôi giơ hai ngón tay
cho cô chủ quán. Hiểu ý, cô bưng hai cốc bia nữa đến bàn.
- Tôi
với Lan Anh thân nhau là vì thế. Trong những ngày đau khổ nhất của tôi ở Trường
Sơn, Lan Anh đã động viên tôi rất nhiều. Lan Anh đã cùng tôi phủ những nắm đất
lên mộ Huyền, hái những bông hoa rừng rắc lên mộ Huyền. Lan Anh đã khóc cùng
tôi... Bởi vậy sếp ạ. Thấy Lan Anh làm tiếp viên tôi rất buồn. Nhưng rồi tôi
hiểu. Đó là cơn lốc cuộc sống. Sau khi đánh cá “dẹp tiệm”, toàn bộ số quân của
ông Phúc đen bị quăng ra vỉa hè. Những bà Nhớ, cô Thiêm, cô Quế, cô Dung,
cả ông Thạch lái cần cẩu thiếu nhi... Nghỉ tất. Vậy là Lan Anh làm ở xí nghiệp
được bảy năm tất cả. Phải rồi. ở bộ đội ra còn mất hơn nửa năm chạy vạy xin
việc. Tôi còn nhớ hôm ấy tầu Hạ Long 505 về bến. Đánh xe ra cầu cảng nhận cá,
người trèo lên thùng xe giật đụt chính là Lan Anh. Suýt nữa chúng tôi bổ nhào
vào nhau. Lan Anh còn mừng hơn tôi rất nhiều. Ai mới chân ướt chân ráo đến một
nơi lạ nước lạ cái gặp người quen mà chả mừng. Nhưng Lan Anh mừng còn vì tôi là
lái xe chở cá cho cung tiêu, mà trên thùng xe của chúng tôi bao giờ chẳng có
những túi cá của chị em tổ bốc gửi, có khi hàng chục túi kể cả của bảo vệ. Các
sếp ở phòng ban nhưng chắc cũng chẳng lạ gì cách làm ăn của chúng tôi. Phải nói
rằng kinh tế của bọn tôi khá hơn cánh gián tiếp các sếp. Thu nhập của chị em tổ
bốc vào loại cao nhất xí nghiệp dù phải làm dưới hầm cá thâu đêm. Với lại ca
đêm mới là ca khá nhất.
Khi
tổ bốc giải tán, Lan Anh bảo tôi có lẽ sẽ bán nước chè chén vỉa hè. Chồng
Lan Anh làm ở xí nghiệp cơ khí Hồng Minh cũng đang thất nghiệp. Lan Anh lại có
mẹ già. Tôi không biết nói gì, chỉ chúc Lan Anh gặp nhiều may mắn. Nuôi một gia
đình bốn miệng ăn sếp tính đâu phải dễ dàng gì. Đứa con của Lan Anh lại đang
tuổi học, chỉ lo mua sách bút, đóng tiền cho nó vào năm học mới cũng đủ gay
rồi. Tôi vẫn nghĩ Lan Anh bán nước chè chén, thế mà lại gặp Lan Anh trong khách
sạn Nu Ni...
Hiếu
không nhìn tôi. Anh nhìn những hạt mưa rơi hay đang dõi vào một chốn nào đó của
quá khứ. Rừng Trường Sơn. Cảng cá. Nhà hàng đặc sản?...
-
Ngồi quanh bàn hôm ấy có tám người tất cả, Bốn chúng tôi và bốn tiếp viên. Khi
tới nhà hàng bao giờ các sếp cũng là những người dễ tính, vui vẻ. Bao giờ tôi
cũng được ngồi cùng bàn với các sếp, hưởng mọi tiêu chuẩn như các sếp. Hoàn
toàn bình đẳng, không có chuyện cấp bậc, phân biệt nào. Đã vào đến đấy, lái xe
cũng như giám đốc, cũng như trưởng phòng, cũng như các vị khách quý mà xí
nghiệp đưa đi chiêu đãi. Bởi vậy nên tôi nói với tất cả: “Xin báo cáo với các
sếp và các em đây là người bạn cũ của tôi. Hôm nay chúng tôi xin phép được ăn
ít, uống ít, chuyện nhiều”. Hai vị khách quý cùng sếp chủ và ba tiên nga vỗ tay
hoan nghênh “tình cảm thiêng liêng của những người cũ gặp nhau”. Một vị hỏi:
- Dì
mấy đấy bạn Hiếu?
-
Kiểu này là dì hai, đúng không? Một vị khách nói.
Sếp
chủ - sếp cứ cho tôi tạm đặt tên như vậy, vì sếp biết ông ta - giả bộ ngơ ngác:
- Thế
còn dì tuần trước gặp ở Đồ Sơn là thế nào? Dì Chín à?
Một
tiên nga hôn đánh chụt vào má sếp chủ:
- Anh
chẳng nói “năm con năm nhớ mười vợ mười thương” là gì. Anh ấy cũng giống anh
đấy.
Sếp chủ cười, ngả đầu tiên nga vào vai mình:
-
Trời ơi! Vợ anh hiểu anh quá. Vậy thì Hiếu với em gì nhỉ? Lan Anh. Hiếu với Lan
Anh phải hôn nhau đi thì mới được ăn ít chuyện nhiều, nghe không?
Tất
cả reo lên tán thưởng. Tôi còn đang tìm cách từ chối lệnh sếp thì Lan Anh đã
mỉm cười duyên rồi quàng hai cánh tay trần qua cổ tôi, gắn vào môi tôi một nụ
hôn. Một nụ hôn dài đắm say ngay trước mắt mọi người. Sau đó Lan Anh lướt đôi
mắt lên ba vị khách đàn ông, nũng nịu:
-
Thôi đấy. Thế là chúng em đã hoàn thành nhiệm vụ rồi đấy.
Tôi
vẫn chưa hoàn hồn. Không. Tôi cũng chẳng thánh thiện gì đâu. Tôi đã nhiều lần
đi với các sếp và dù muốn hay không, để có công ăn việc làm, phục vụ các sếp
được lâu dài, mình phải tuân thủ hai nguyên tắc: Thứ nhất chịu chơi, thứ hai
chuyện đâu bỏ đấy. Tôi đã gặp nhiều tiếp viên nhưng chưa bị một vố thế này bao
giờ. Hẳn là lúc ấy mặt tôi thộn lắm nên tất cả cười phá lên. Với bất kỳ ai đó
tôi sẵn sàng đáp lại cái hôn, nhưng với Lan Anh tôi quá bất ngờ. Mãi sau tôi
mới hiểu Lan Anh không chỉ hôn tôi. Lan Anh còn gửi nụ hôn của mình tới những
vị khách và tới cả bà chủ tiệm to béo lúc ấy cũng vừa bước vào phòng lạnh, trên
tay cầm một chai Hennessy. Lan Anh muốn xoá bỏ sự chênh lệch về tuổi tác của
mình với mấy tiếp viên trẻ trung và tươi như hoa đang ngồi bên cạnh. Thì ra
người ngồi bên tôi không phải là Lan Anh nữa. Người vừa hôn tôi không phải là
bạn của Huyền, không phải là người đã khóc cùng tôi năm trước ở rừng Trường
Sơn, không phải là cô trung sĩ năm nào khi giải phóng Sài Gòn, tôi đã mời lên
xe com măng ca chở chiêu đãi một đoạn đường dài ra quốc lộ và cứ mở to con mắt
nhìn dòng người xe xuôi ngược...
Hiếu
ngừng kể. Anh uống một hơi dài cái thứ nước mát lạnh đến tận ruột gan. Cơn mưa
qua nhanh như nó đã ập đến. Một ông già đẩy chiếc tủ hàng có bánh xe lăn, bên
trên bày những đĩa nộm và những chùm chim sẻ quay tới.
- Ăn
con chim nhé sếp?
Tôi
lắc đầu :
-
Uống vo thôi. Kể tiếp đi.
-Ờ.
Đến đâu rồi nhỉ. Tôi đãi Lan Anh và mấy cô y tá, hộ lý một cuốc xe ra đường
quốc lộ. Chao ơi! Giá sếp được nhìn thấy các cô ấy lúc đó. Các cô như bay lên.
Không phải là đi xe nữa mà bay lên, bay lên với trời xanh. Thì chính tôi chuyên
ngồi sau tay lái cũng thấy mình bay lên nữa là. Ai mà chẳng thấy một trang đời
mới đang mở ra trước mắt. Rồi các cô xúm lại trước một cửa hàng mỹ phẩm. Gọi là
cửa hàng mỹ phẩm cho oai thôi, chứ thực ra là một gian hàng tạp hoá, có bán từ
kẹo bánh, mì ăn liền, thuốc lá tới xà phòng Ca May, nước hoa và cả những đồ lót
của phụ nữ. Lần đầu tiên chúng tôi trông thấy những đồ lót mỏng manh xinh đẹp
ấy. Tất cả các cô không rời mắt khỏi những thứ mà ngay trong mơ có lẽ cũng
không hình dung ra được. Thấy tôi nhìn những thứ vẫn được mặc vào bên trong kín
đáo ấy của giới nữ, các cô xấu hổ và chỉ có Lan Anh thân với tôi hơn cả, Lan Anh
đẩy tôi: "Anh Hiếu đi đi...". Tôi lang thang sang bên kia đường để
các cô được tự do chọn lựa. Đâu rồi cô Lan Anh ấy? Đâu rồi cô Lan Anh đã từng
thức trắng bao đêm săn sóc thương binh và tự tay chôn bao đồng đội trong rừng?
Cho nên sau khi Lan Anh hôn tôi, tôi đờ người ra vì choáng váng và giận. Nhưng
rồi tôi xác định được ngay bởi vì sếp ạ, đời tôi đã được thấy nhiều chuyện, dù
kém tuổi sếp nhưng cũng đã được tận mắt thấy nhiều chuyện.
Buổi
tối hôm ấy hai chúng tôi ngồi riêng ở một góc. Có một chiếc bàn con và hai cái
ghế dành cho chúng tôi. Sau khi đã hôn phớt lên má bà chủ béo núc trong tiếng
cười rinh rích của mấy cô tiếp viên, ông sếp chủ nói với bà chủ tiệm:
-
Mình ạ. Thằng Hiếu hôm nay gặp lại vợ nó. Mình cho anh một cái bàn con đặt vào
góc kia. Còn anh hôm nay đã có dì tư ngồi với anh rồi. Mình cứ xuống xem chúng
nó làm ăn ra sao. Khách khứa đến nhà đừng để anh mang tiếng là được. Anh cám ơn
mình trước.
Chúng
tôi ngồi riêng ở một góc và chuyện. Cũng chẳng để ý đến bàn bên kia ăn uống ra
sao, trò chuyện những gì. Tôi đã quá biết. Chẳng có chuyện gì đâu sếp ạ. Chẳng
qua chỉ là những câu chuyện giả vờ, những tình cảm giả vờ, những sự âu yếm giả
vờ. Cái chính đối với những ông khách là những giây phút giải trí và với những
tiếp viên là làm sao gọi nhiều đồ ăn thức uống dù vẫn còn thừa mứa trên bàn để
làm lợi cho bà chủ và những món tiền khách sẽ boa cho họ. Nhưng trước khi chỉ có hai
người ngồi với nhau chúng tôi phải cụng ly chung với tất cả. Mỗi người một ly
Hennessy, loại ly của Tiệp có chân. Uống rồi giơ cốc ra để mọi người chứng kiến
chỗ rượu mình đã uống. Tôi ngạc nhiên: Ba cô tiếp viên trẻ dường như chỉ chạm
môi vào rượu. Riêng cốc của Lan Anh dễ chừng hết một phần ba, nghĩa là ngang
với ly của bốn người cánh đàn ông chúng tôi. Rượu lại được rót đầy cốc và chúng
tôi trở về bàn của mình. Đặt ly rượu xuống bàn, Lan Anh đứng lên đi lấy xô đa,
bia và thức nhậu tới. Xúp khai vị, tim trần, nộm, cua rang muối, cật tẩm thuốc
bắc nướng vân vân, nghĩa là toàn những thứ chỉ có thể mua bằng tiền chùa thôi
sếp ạ. Trừ món xúp khai vị mỗi người một suất, còn lại là dùng chung, mỗi cặp
chỉ có một cái bát và một đôi đũa. Lan Anh bón thức ăn cho tôi như người ta vẫn
làm với một người ốm nặng và tôi cũng gắp miếng tim trần cho vào cù dìa đưa lên
miệng Lan Anh để “có đi có lại”. Tôi đã làm như vậy với những tiếp viên
khác ở những nhà hàng khác, nhưng với Lan Anh thật quá là kỳ cục. Hệt như mình
đang diễn một vở kịch kệch cỡm, sống sượng, trơ trẽn. Nhưng tôi vẫn bón cho Lan
Anh một lần nữa, chỉ để được trông thấy miệng Lan Anh chúm lại, cái lưỡi cong
cong đón thức ăn tôi đưa tới. Lúc đó tôi nhớ đến hồi Lan Anh ở tổ bốc, tết năm
nào cắn hạt bí và thè lưỡi có nhân bí ra cho con hớp. Ngày ấy tôi nghĩ một
người mẹ, một người vợ như Lan Anh là tuyệt vời. Tôi hỏi:
-
Cháu Bình năm nay bao nhiêu tuổi nhỉ?
-
Cháu mười sáu tuổi. Năm nay cháu thi vào đại học đây. Cháu chịu khó lắm anh ạ.
Em cũng gửi cháu vào học thêm ở một lớp toàn những thày dạy giỏi. Tốn kém bao
nhiêu cũng chẳng nề hà. Nhiều đêm ở nhà hàng về khuya lắm, em vẫn thấy cháu
ngồi học.
Tôi
mừng cho Lan Anh. Bởi vì sếp ạ, đứa con chính là tài sản vô giá, hơn mọi thứ
nhà đất, xe Dream, tờ xanh tờ đỏ. Lan Anh cũng đồng ý với tôi như vậy. Tôi hỏi
thăm chồng Lan Anh, người tôi đã gặp nhiều lần. Lan Anh thở dài nói chồng Lan Anh
sa vào con đường nghiện hút và hai người đã ly dị. Tôi biết các tiếp viên
thường hay bịa ra những éo le thương tâm về gia cảnh, không thể nào tin được
nhưng lần này tôi chỉ mong những điều Lan Anh nói là sự thật. Dường như không
muốn tiếp tục câu chuyện theo hướng ấy, Lan Anh đưa ly rượu lên môi tôi: “Anh
uống đi”. Rồi Lan Anh nhấp từng ngụm nhỏ cho đến khi vơi hẳn. “Em thích nhất
Hennessy. Uống nó “vào” lắm, "mềm" lắm chứ không như rượu Ông Cụ”.
Đây lại là một nét mới nữa ở Lan Anh. Một người sành rượu. Chúng tôi nhâm nhi
và Lan Anh đã phải đứng lên sang bàn bên kia rót hai li nữa. Các ông khách bên
đó nhìn Lan Anh vừa thán phục vừa âu yếm: “Trời. Em uống được quá nhỉ. Lần sau
phải ngồi với anh. Có khi anh chào thua em mất. Tối nay em có nhiệm vụ cho thằng
bạn em đo ván hộ anh”.
Rượu Hennessy rất êm. Không hề nhức đầu. Nó chỉ làm ta lâng lâng và cởi mở hơn.
- Em
làm ở đây lâu chưa?
- Em
làm được hơn nửa năm rồi. Trước em làm bên Hải Khách.
-
Được không?
-
Cũng được anh ạ. So với tất cả những việc em có thể làm thì việc này được nhất.
Hơn cả hồi bốc cá. Bốc cá vất vả thế cũng chẳng bằng. Em nói vậy để anh mừng
cho em. Tất nhiên là ở lứa tuổi em... Anh đừng tưởng bọn em ríu rít thế này là
vui vẻ với nhau đâu. Ganh ghét, cạnh tranh ghê gớm lắm. Ôi! Giá em mới chỉ hai
mươi tuổi như hồi còn ở Trường Sơn....
Người
tôi nổi gai vì câu nói ấy, vì sự thành thật thiết tha của nó. Và định nói với
Lan Anh suy nghĩ của tôi về những ngày sống ở Trường Sơn. Nhưng Lan Anh đã
tiếp:
-
Nhưng cũng có những ông khách thích em. Đó là mấy ông có tuổi. Mấy ông không
thích những cô gái quá trẻ chỉ đáng tuổi cháu ông ta. Chênh lệch tuổi cao, các
cô lại hoàn toàn thụ động, miễn cưỡng, làm sao mấy ông thích được. Mà những ông
này bao giờ cũng lịch sự và không tiếc đồng tiền.
Tôi
gợi lại những ngày ở Trường Sơn, xa hơn nữa là những ngày Lan Anh về quê tôi sơ
tán, Lan Anh bảo: “Đó là những ngày tháng tươi đẹp nhất của em. Nhưng làm sao
có lại được. Cái gì đã qua là qua hẳn. Phải sống với hiện tại. Hiện tại khác
rồi. Với lại em cũng không có thời gian nghĩ đến nữa”. Và hình như đoán được
câu hỏi mà tôi không dám hỏi, Lan Anh nắm chặt tay tôi:
- Anh muốn nghĩ về em thế nào thì nghĩ. Em không làm việc gì xấu. Em không ăn
cắp, không tham nhũng, không lấy tiền của nhà nước về xây biệt thự. Em chỉ đem
bản thân em ra để kiếm sống. Nếu trưa hôm ấy em không ở lại đun nước và đã chết
như Huyền, như bao người khác gửi xác lại Trường Sơn thì cũng chẳng còn cái
thân này nữa. Em vẫn may mắn hơn Huyền. Với lại em cũng chẳng nghĩ sâu xa đến thế
đâu. Chỉ có ngồi với anh....
Tôi
không biết nói với Lan Anh như thế nào còn Lan Anh vò tóc tôi, nũng nịu: “Thôi.
Đừng nghĩ vớ vẩn nữa. Anh hãy đứng lên nào”. Tôi ngơ ngác đứng lên và nhìn
quanh phòng: Vắng ngắt. Tất cả bọn họ đã rời khỏi phòng lạnh từ bao giờ. Lan
Anh nhìn thẳng vào mắt tôi:
- Em
muốn được hôn anh thực sự. Một cái hôn của em Trung sĩ Lan Anh ngày trước.
Tôi
làm theo lời Lan Anh. Sếp ạ, nụ hôn tôi trao cho Huyền ngày nào dưới một gốc
cây ven suối bỗng trở lại trong tôi. Nhưng không phải Huyền. Đây là Lan Anh.
Tôi thì thầm:
-
Vĩnh biệt Trung sĩ.
- Cám
ơn anh. Lan Anh vừa thở gấp vừa nói khẽ bên tai tôi.
Rồi
chúng tôi lại ngồi xuống ghế. Uống. Lan Anh hỏi tôi tuần tới có đi Hà Nội
không, cho Lan Anh đi nhờ xe. Tôi trả lời mấy ngày nữa tôi phải đưa giám đốc đi
Hà Nội, nhưng ông giám đốc này ghê lắm, không thể để phụ nữ đi nhờ được, trông
thấy em ông ấy sẽ biết ngay. Lan Anh vẫn nài nỉ. Tôi phải giải thích mãi về sếp
Thoại để Lan Anh hiểu. Sếp không biết sếp Thoại nhỉ. Phải rồi. Khi sếp Thoại về
xí nghiệp thì sếp đã hưu rồi. Sếp Thoại gầy gò khắc khổ. Nói sa sả. Chửi cán bộ
vuốt mặt không kịp. Không bia rượu, không thuốc lá, không nhà hàng. Tiếp khách
là chỉ cử sếp phó đi. Lúc nào cũng nói đến công việc, đến xí nghiệp... Tôi cố
gắng trình bầy những phẩm chất ấy của sếp Thoại để Lan Anh hiểu rằng ông sếp
này khác lắm, nhưng Lan Anh không muốn nghe và bực bội quát lên với tôi.
- Như! Nhau!
Đó là
lời phán quyết của một người hiểu quá rõ cánh đàn ông chúng mình, một người có
thẩm quyền sếp ạ.
Tôi
ước lượng thời gian các vị khách và các tiếp viên kia sẽ trở lại phòng lạnh mà
tôi thì không muốn cho tiền Lan Anh trước mặt những người khác. Nó như một sự
xúc phạm tới Lan Anh và tới cả những gì đã có giữa hai chúng tôi.
Tôi
vội lục túi lấy ra một xếp tiền dúi vào tay Lan Anh.
-
Biếu em đem về mua thêm sách vở cho cháu.
Cầm
xếp tiền tôi đưa, Lan Anh đếm. Trời ơi. Tôi không thể nào hình dung được. Đếm
xong, Lan Anh ngẩng lên ngơ ngác:
-
Những một trăm nghìn cơ à? Sao anh cho em nhiều thế? ấn xếp tiền vào
trong xu chiêng, Lan Anh ôm lấy tôi và áp vào người tôi.- Hay là anh em mình...
Đi. Phòng ở ngay bên này thôi.
…
- Sếp
hãy viết về Trung sĩ của tôi. Và phải viết đúng như thế.
Hiếu
bảo tôi sau một hơi bia dài nữa. Người anh còng xuống. Có vẻ anh đang bị mệt.
Tôi im lặng rít thuốc. Tiếng Hiếu gần như thì thầm:
- Ắt
hẳn sếp sẽ khai thác triệt để mọi nguyên nhân khách quan đã đẩy Lan Anh đến con
đường ấy. Nào là mẹ ốm, anh chồng nghiện hút, bản thân thì thất nghiệp, nợ
nần... Nhưng sự việc không phải thế. Tôi đã gặp Cát, chồng Lan Anh. Một người
hiền lành chân chất, không hề nghiện ngập, đã chuyển làm thợ xây cho mấy anh
thầu xây dựng. Hai người đã li dị bởi Lan Anh không thể từ bỏ nhà hàng và đã
nói thẳng với Cát: “Anh không muốn thì li dị. Tôi không thể sống chui rúc,
nghèo khó. Tôi sợ nghèo lắm rồi. Còn con tôi nữa. Xã hội bây giờ phải có tiền,
anh hiểu không ? Tôi làm ăn lương thiện. Tôi không làm gì xấu...”
Đúng
là Lan Anh đã chăm sóc con mình như bất kỳ một người mẹ nào khác có thể chăm
sóc cho con. Nhà Lan Anh đầy đủ các tiện nghi: Đầu vi đê ô, ti vi mầu JVC, tủ
gương, tủ trang điểm, bàn ghế, chăn đệm. Lan Anh đang phấn đấu để mua một cái
Chaly. Đó là sự thật. Điều đã đẩy Lan Anh đến nhà hàng chính là quan niệm của
Lan Anh. Cái quan niệm ấy có cả trong mỗi chúng ta.
Có thể như Hiếu nói: Mỗi chúng ta ít nhiều đều mang chất tiếp viên. Nhưng sao
tôi vẫn thấy đau lòng khi nghĩ đến một cô Lan Anh đã từng bốc cá ở xí nghiệp
tôi, một cô trung sĩ năm xưa và ước ao điều Hiếu vừa nói về cô là không đúng.
9/1995
(1)Nam Cao: Chửi nhau một mình thì còn văn vẻ gì
(Chí Phèo)
Truyện ngắn Bùi Ngọc Tấn/ HXH đọc chọn
Hiếu cười vung tay chỉ về một ngôi nhà bốn tầng chênh chếch bên kia đường.
Hôm ấy tôi trông thấy Lan Anh như lần đầu tiên được thấy. Một cô gái ngoài ba mươi, thon thả với gò má phơn phớt hồng, với tất cả sự hồn nhiên tinh nghịch và âu yếm trong trò chơi hạt bí. Có cái nhí nhảnh của trẻ con, vẻ đẹp của tuổi ba mươi và sự cao cả của tình mẫu tử.
- Nhớ ra rồi chứ sếp? Lan Anh ấy đấy. Để tôi kể tiếp. Tôi kêu lên: "Trung sĩ!" Đó là cái tên tôi vẫn gọi Lan Anh khi còn ở Trường Sơn, rồi nắm chặt tay người đồng đội nhưng Lan Anh rời tay tôi ra, đi giật lùi rồi biến mất. Tôi cứ tưởng Lan Anh ngượng khi gặp lại người quen. Nhưng lúc theo các tiếp viên vào phòng lạnh, tôi thấy Lan Anh mở cửa bước vào. Một cô Lan Anh khác! Không phải Lan Anh mặc quần bò nữa mà là Lan Anh mặc váy. Một chiếc váy hoa mỏng, không có tay. Tôi chẳng hiểu sao Lan Anh lại thay đồ như vậy. Cho mãi tới khi ổn định chỗ, cặp nào vào cặp ấy, ngồi cạnh Lan Anh, định hỏi Lan Anh điều đó, Lan Anh đã thì thầm vào tai tôi: "Vừa nẫy em mặc quần bò trông ngố lắm phải không?" Tôi hỏi lại : “Ai bảo em thế?” “Thế sao anh lại gọi em là Trung sĩ?” Sếp thấy chưa? Con người ta như thế đấy. Tôi bảo: “Em quên mất em đã là trung sĩ ở Trường Sơn à?”. "Em nhớ chứ. Nhưng em cứ tưởng anh giễu em về cái quần bò”. Trung sĩ vừa là quân hàm vừa là tên chúng tôi gọi Lan Anh, Lan Anh vẫn nhớ. Nhưng lâu quá rồi không ai nhắc đến, giờ nghe tôi nói Lan Anh lại nghĩ cách ăn mặc giống như bộ đội của mình là ngố, sếp có thấy đấy là một điều đáng viết không?
Hiếu ngồi ngả người trên ghế, châm một điếu thuốc. Anh đang sống lại những kỷ niệm xưa. Một thời trai trẻ, cái tuổi đẹp nhất của một đời người và mối tình của anh với một cô Huyền nào đó hẳn cũng là mối tình đẹp nhất.
Sếp chủ cười, ngả đầu tiên nga vào vai mình:
Rượu Hennessy rất êm. Không hề nhức đầu. Nó chỉ làm ta lâng lâng và cởi mở hơn.
- Anh muốn nghĩ về em thế nào thì nghĩ. Em không làm việc gì xấu. Em không ăn cắp, không tham nhũng, không lấy tiền của nhà nước về xây biệt thự. Em chỉ đem bản thân em ra để kiếm sống. Nếu trưa hôm ấy em không ở lại đun nước và đã chết như Huyền, như bao người khác gửi xác lại Trường Sơn thì cũng chẳng còn cái thân này nữa. Em vẫn may mắn hơn Huyền. Với lại em cũng chẳng nghĩ sâu xa đến thế đâu. Chỉ có ngồi với anh....
- Như! Nhau!
Đúng là Lan Anh đã chăm sóc con mình như bất kỳ một người mẹ nào khác có thể chăm sóc cho con. Nhà Lan Anh đầy đủ các tiện nghi: Đầu vi đê ô, ti vi mầu JVC, tủ gương, tủ trang điểm, bàn ghế, chăn đệm. Lan Anh đang phấn đấu để mua một cái Chaly. Đó là sự thật. Điều đã đẩy Lan Anh đến nhà hàng chính là quan niệm của Lan Anh. Cái quan niệm ấy có cả trong mỗi chúng ta.
Có thể như Hiếu nói: Mỗi chúng ta ít nhiều đều mang chất tiếp viên. Nhưng sao tôi vẫn thấy đau lòng khi nghĩ đến một cô Lan Anh đã từng bốc cá ở xí nghiệp tôi, một cô trung sĩ năm xưa và ước ao điều Hiếu vừa nói về cô là không đúng.
9/1995 (1)Nam Cao: Chửi nhau một mình thì còn văn vẻ gì (Chí Phèo)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét