Thứ Bảy, 15 tháng 11, 2014

Mời chia sẻ/Tôn vinh Văn Bạn Văn 1/ 19. Văn Truyện TRIỆU XUÂN NỖI ĐAU

VĂN BẠN VĂN 1/ TOÀN TẬP
Nhiều tác giả/ Nguyễn Nguyên Bảy chủ trương/
NXB Văn Học ấn hành 1.2013

19. Văn Truyện
TRIỆU XUÂN
NỖI ĐAU

Chiều hai mươi chín tháng Chạp, trong ngôi biệt thự xây từ thời Pháp, ở gần dinh Thống Nhất, không khí vô cùng ngột ngạt. Ông Đạo ngồi một mình nhìn đống hàng Tết mà Cẩm Hà, người vợ nổi tiếng xinh đẹp, nết na một thời của ông, vừa thuê người khuân vác về. Cô nhắn rằng cô đi cúng, cứ ăn cơm trước, khỏi chờ, đến khuya cô mới về!
Dăm năm qua, Cẩm Hà rất thích đi chùa, đi coi bói, đặc biệt tin tưởng ông thày cúng bên quận Tư. Trước khi tiến hành một thương vụ nào, cô đều đi coi bói, đi lễ chùa, và dứt khoát là phải yết kiến thày cúng. Chẳng biết nhờ tài năng thật sự của thày, hay chẳng qua chỉ là may mắn gặp cơn sốt đất, Cẩm Hà trúng quả, vào cầu lia chia, mua đâu trúng đó… Như thế, hỏi làm răng không tin cho được! Ông Đạo nhiều lần được nghe vợ ca ngợi ông thày cúng…

Nghe lời nhắn của vợ, Đạo thở dài. Ông nhìn đống hàng Tết mà lòng dửng dưng. Đạo thừa biết vợ mình mua cho oai, cho sướng tay! Chỉ riêng hoa đã gần một chục loại! Một thùng inox chứa tôm càng xanh đang bơi, có gắn bình ôxy, tôm bự bằng cánh tay Mai Phương, một ký đúng bốn con. Thịt bò Australia đỏ hồng, nguyên khối hình chữ nhật. Giò, chả, bánh chưng đặt từ một tiệm chuyên nấu theo khẩu vị người Bắc; rồi măng, miến, mộc nhĩ, nấm hương, nếp cái hoa vàng, gạo tám xoan, cá chép tươi… đều là đặc sản thửa từ Hà Nội. Bánh kẹo thì có nhiều thứ ông Đạo chịu, không biết là thứ gì, chưa ăn bao giờ!
Trung tá Đạo cứ ngồi thừ ra như thế suốt cả buổi chiều. Năm cũ đang trôi mau. Xuân mới đang đến gần. Ông không thiết gì cả! Ông đang đau, nỗi đau tưởng như tận trong tim trong óc, quặn thắt. Đêm qua ông lại thức trắng. Biết bao nhiêu đêm rồi ông thức trắng… Làm sao mà ngủ được khi con ông, thằng bé đẹp trai, thông minh vào loại nhất ở trường, sa vào nghiện ngập. Hai năm qua, nó bị hốt lên hốt xuống cả chục lần rồi!
Vợ ông, sau năm 1993 tự ý xin nghỉ việc, tối ngày lo buôn bán bất động sản. Nhà ông giàu lên nhanh quá! Người ta bảo “bạo phát bạo tàn”, phất nhanh thì tàn lụi cũng nhanh; ai mà giàu xổi thì thế nào cũng gặp nạn! Phải chăng trời đã quả báo? Biết thế này, cứ nghèo như cách nay mười năm về trước lại hơn. Thời đó, gia đình ông thật êm ấm, hạnh phúc. Chồng là sĩ quan quân đội. Vợ là con gái thành Vinh, mỏng mày hay hạt, nhà giáo, dạy toán ở trường cấp ba. Con trai Vinh Phúc khỏe mạnh, cao ráo, rất giống bố, ngoan, học rất giỏi. Con gái Mai Phương cũng luôn giỏi nhất khối, năm nào cũng được bầu làm lớp trưởng, hát hay, đẹp hơn mẹ. Cả khu chung cư ai cũng khen gia đình ông hạnh phúc, lý tưởng, đẹp như… mơ!Vậy mà cái giấc mơ ấy ngắn ngủi quá! Chiều hôm qua, công an đến nhà báo tin thằng Phúc con trai ông bị bắt quả tang đang chơi heroin cùng nhóm bạn của nó ở quán cà phê Chợt Yêu, trong túi nó còn sáu tép heroin nữa. Đây là lần thứ mười mấy rồi, trong vòng hai năm qua, cho nên ông Đạo không thể chạy, không thể xin xỏ được nữa! Thằng bé bị đưa lên trại cai nghiện Ba Lá. Vợ ông gầm lên: “Cái lon trung tá của ông để làm gì mà ông ngồi trắng mắt nhìn người ta bắt con đi tù? Đồ vô tích sự!”. Mấy năm gần đây, vợ ông đã hàng chục lần chửi ông là đồ vô tích sự, đồ ăn hại! Lần đầu thì ông cho qua, con bị bắt, cô ấy thương con, điên lên, nói càn, chấp làm gì. Thế nhưng, nói một lần rồi hai lần, thành quen miệng. Cứ mỗi lần con bị bắt cô ấy lại bắt ông vác mặt (vác cái lon trung tá, đã từng nhận Huân chương từ mặt trận biên giới Tây Nam thì đúng hơn) đi chạy chọt, xin xỏ. Ông không đi thì cô ta cất miệng chửi. Đàn bà chửi chồng được một lần, quen miệng sẽ chửi hoài… Họ quên mất rằng khi họ ngoác miệng chửi chồng tức là họ đã mất tất cả, vì họ chà đạp lên tình yêu của chính họ, giày xéo lên những gì cao đẹp nhất, thơ mộng nhất mà lẽ ra họ được hưởng!
Cái lần bị vợ chửi đầu tiên, Đạo không thể nào quên.
Hôm đó, Đạo chủ trì buổi lễ của đơn vị kỷ niệm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam. Đó là một trong những ngày đẹp nhất, thiêng liêng nhất của cuộc đời Đạo. Đang đọc diễn văn trước gần sáu trăm quan khách, người cần vụ hớt hải chạy vào đưa cho anh mẩu giấy: Chị Cẩm Hà đang chờ anh ở ngoài cửa, cháu Vinh Phúc bị công an bắt! Đạo tái mặt, ráng đọc cho hết bài phát biểu viết sẵn rồi rút.
- Con trai anh bị công an bắt vô tù. Còn anh, đang vi vu với những điều xưa như trái đất! - Giọng người vợ mà anh đã từng nghĩ tuy nằng nặng nhưng có cái hậu ngọt, bây giờ xoe xóe như giọng chó cái bị thiến. Nghe vợ nói, anh chưa kịp bàng hoàng vì tin dữ thì cái giọng chó cái thiến lại xả liên thanh:
- Anh chỉ mải mê chuyện cơ quan, không biết lo gì cho vợ, cho con, để bây giờ con anh hư hỏng! Tội của anh đó! Anh không mau mau chạy cho nó ra tù, còn đứng trương mắt ra đó hả? Cái lon trung tá của anh để làm gì hả Trời? Đồ vô tích sự!
Lần ấy, Đạo bỏ ngoài tai sự hỗn hào của vợ, vì nghĩ rằng cô ấy xót ruột vì con, nói càn vậy thôi. Anh tới cơ quan chức năng mới hay rằng thằng Vinh Phúc thường xuyên bỏ học, cầm đầu một băng đua xe, chích choác. Đêm qua, chúng nó đua xe cán chết một người trên cầu Bình Thái, bỏ mặc nạn nhân, đua tiếp ra Long Hải đú đởn… Sáu cặp trai gái thuê khách sạn rồi hành lạc tập thể, bắt chước y hệt phim con heo cho đến sáng, lúc công an ập vào thì đúng sáu giờ.
Cái xe cán nát ngực nạn nhân không phải là xe thằng Phúc, cộng với cái lon trung tá của Đạo, thằng Phúc được bảo lãnh… Thế nhưng tình cảm vợ chồng Đạo thì cho dù cấp tá, tướng, nguyên soái chứ đến ông Trời cũng không bảo lãnh nổi!
***
Sau lần ấy, thằng Vinh Phúc còn bị bắt dài dài. Đạo kêu nó là thằng vô phúc! Đạo yêu cầu vợ cấm vận nghĩa là không cho tiền để nó ăn chơi phá phách nữa, nhưng Cẩm Hà cứ lén lút cho tiền thằng nghịch tử. Hai năm, Hà cho con tiền mua tới sáu xe, toàn xe xịn. Mỗi tháng, thằng Phúc được mẹ dấm dúi cho không dưới ba chục triệu đồng. Đó là nói cái nhớ được, còn những lần không nhớ được và những cú thằng Phúc úp của cha mẹ thì vô cùng!
Cúng ông Táo về Trời xong, chưa kịp nghỉ thì công an đến báo tin: thằng Phúc bị bắt vì đang chơi ma túy, đang tàng trữ, buôn bán ma túy! Cẩm Hà quăng ra hai xấp tờ xanh, mỗi xấp là một trăm tờ loại một trăm đôla, hối chồng lên gặp ông K. Đạo nhìn trân trân vào gương mặt trái xoan, cặp mắt to và đen lay láy, cái cổ cao ba ngấn của vợ, tuy đã tứ tuần mà vẫn phây phây. Ngày hai người mới thương nhau, gương mặt ấy lúc nào cũng sáng như sao hôm… Thấy Đạo cứ ngồi chết gí trên salon, Cẩm Hà gầm lên:
- Đồ vô tích sự! Cái lon trung tá của ông để làm gì mà ông ngồi trắng mắt nhìn người ta bắt con đi tù? Con ông hư là tại ông đó, ông hiểu chưa? Quanh năm suốt tháng chỉ chúi mũi vào cơ quan, có làm được đồng xu cắc bạc nào không? Đồ ăn hại! Tại ông, do ông mà con trai tôi phải vô tù, ông hiểu không, đồ vô tích sự?!
Chiều cuối năm này, Đạo thấm thía một điều rằng trong những lời hỗn hào, vô văn hóa của Cẩm Hà có một phần sự thật. Đúng là do ông, tại ông mà thằng Phúc hư hỏng!
… Hồi đó, gia đình Đạo ở chung cư, căn hộ hơn năm chục mét vuông, một phòng khách, một phòng ngủ. Phòng ngủ kê giường hai vợ chồng và tủ quần áo. Phòng khách ngăn ra làm chỗ học và ngủ cho con trai. Con gái Mai Phương còn nhỏ, ngủ chung với cha mẹ. Khách ngoài quê vô Sài Gòn thì trải chiếu nằm ngủ ở khoảng trống của phòng khách. Vậy mà vui, mà đầm ấm! Đùng một cái, năm 1993, đơn vị phân cho ông một miếng đất, bề ngang mười mét, bề sâu bốn chục mét. Nhận đất rồi ông không biết làm gì! Tiền đâu mà xây nhà? Thế rồi vợ ông, cô giáo Cẩm Hà, có người mách bảo, đem bán đi, sang tay chứ có giấy tờ gì! Lần đầu tiên trong đời ông và vợ biết thế nào là cây vàng lá! Hai vợ chồng cầm trên tay mười cây vàng! Cả đêm, không ai ngủ được! Rồi cũng chính vợ ông bảo đi mua đất! Sao vừa bán đất lại mua đất, mà lại mua ngay lô đất bên cạnh đất mình vừa bán? Vợ cười, bảo: Từ nay, chuyện đất đai để em lo!
Cẩm Hà quay vòng mười cây vàng giữa mùa sốt đất, chỉ trong một tháng, chục cây biến thành hai trăm cây. Rồi cô nghe lời bạn, bỏ nghề dạy học, bỏ ngang, phi sang Thủ Thiêm, mua năm hécta, gọi là đất chứ thực là ra vùng sình lầy toàn dừa nước và những cây vớ vẩn. Một thời gian sau, cô bán sạch, chỉ chừa lại lô đất vuông vức sát mặt lộ, bề ngang một trăm mét, bề sâu năm trăm mét ra đến tận mép sông. Số vàng có trong tay sau phi vụ này là hai ngàn năm trăm cây! Lô đất năm ngàn mét vuông Hà giữ lại bây giờ thuộc về địa phận trung tâm quận Hai. Vợ ông khoe rằng một mét vuông tới mười lăm triệu đồng! Cầm hai ngàn năm trăm cây, Cẩm Hà bỏ ra bảy trăm cây mua ngôi biệt thự tọa lạc trên thửa đất rộng năm chục mét, dài một trăm mét, trên con đường yên tĩnh ở gần dinh Thống Nhất. Còn lại, Cẩm Hà mua sáu căn nhà cũ nát trên các đường phố thuộc quận Nhất, quận Ba, và liên tục sang tay. Không ngôi nhà nào Hà giữ lâu quá bảy ngày. Vàng biến thành nhà, nhà lại biến thành vàng với số lượng gấp mười, gấp trăm. Cho đến khi thằng Vinh Phúc bị bắt lần đầu tiên thì tài sản mà vợ chồng ông Đạo đang sở hữu đã kếch sù, gồm ngôi biệt thự gần dinh Thống Nhất, hai khách sạn mini ở quận Năm, hai nhà hàng ăn uống lúc nào cũng đông nghẹt khách, lô đất năm công ở trung tâm quận Hai, năm chục hécta đất đang xanh tốt cao su ở Bình Dương, một trăm hécta rừng trồng ở Bình Phước, và năm căn nhà đang cho người nước ngoài thuê nhìn xuống kênh Thị Nghè.
Ông Đạo đã đi kiểm toán cặn kẽ từng hạng mục trong danh mục mà vợ ông khoe với tất cả niềm kiêu hãnh. Đạo không ngờ, bắt đầu chỉ là miếng đất quân đội cấp cho ông trên đường Cộng Hòa quận Tân Bình, vợ ông đã thiên biến vạn hóa thành cả một đống tiền, vàng, nhà, đất… Nếu tính thành đôla thì là bao nhiêu? Vợ ông nói rằng: Chưa kể ngôi biệt thự đang ở thì mình đang nắm trong tay số bất động sản trị giá ba triệu đôla! Đêm đêm, ông thấy vợ không ngủ được, bật dậy mở két đếm tiền, ngắm nghía hôn hít những tờ giấy bạc. Nhiều lần ông thấy Cẩm Hà hôn lên những tờ giấy bạc màu xanh, nơi có in hình một người Mỹ.
Thấy vợ mê làm giàu, mê tiền thái quá, đôi lúc Đạo cũng rờn rợn, khuyên nhủ vợ. Mỗi lần khuyên vợ, Đạo lại nhận được một lời nanh nọc: Dào! Chó có từ cứt thì người mới từ của! Rồi Đạo cũng quen dần. Khi người ta ăn xài quen rồi, dễ nghiện xài tiền lắm. Tiền bạc, sự giàu có mang đến cho người ta cảm giác thật dễ chịu… Tuy thế, đồng tiền chảy vô nhà ào ạt quá, dễ dàng quá khiến Đạo cứ lo lo, nhiều đêm không ngủ vì ác mộng… Đang nghèo, thoắt giàu, khiến Đạo chưa bao giờ thật sự thanh thản. Ông sợ… Còn nhớ cái lúc vợ ông trả lời rằng nhà ông đang có ba triệu đô, Đạo kinh hoàng, sởn gai ốc! Con số ba triệu đô thật sự làm ông choáng váng một thời gian, hệt như khi ông nghe tin thằng con trai nghiện hút, bị bắt. Thế nhưng… họa vô đơn chí, phước bất trùng lai… điều làm ông choáng váng nhất, khiến ông gần như quỵ hẳn chính là khi nghe người tài xế báo tin: Con gái rượu của ông, bé Mai Phương, bỏ nhà đi bụi, bị bắt đưa lên trại phục hồi nhân phẩm!
- Đúng là quả báo rồi! Cô đã thoả mãn chưa? - Ông hét lên như thế trước mặt vợ.
Vợ ông gầm lên:
- Ông nói thế mà nghe được à? Mấy năm qua, tôi chạy đôn chạy đáo là vì ai? Tôi lo làm giàu là vì ai? Tôi bỏ cả nghề dạy học, cái nghề mà tôi say mê nhất, là vì ai? Ông nhìn coi, tôi có đắp vàng dát ngọc lên da thịt tôi không? Hử? Một cái nhẫn vàng Tây tôi cũng không mang. Quần áo tôi nè, đi ăn cưới, tôi mặc như con sen con ở trong khi ông thì complê, cà vạt! Sáng sáng cha con ông ăn phở, còn tôi ăn cơm nguội hâm nóng với dưa cải chua, với chút thịt hoặc cá kho thừa từ hôm trước! Tôi đi chiếc xe cà khổ, có vứt ngoài đường bảy ngày chó cũng không gặm! Chưa đủ sao? Tôi có kiến tài ám nhãn hồi nào, ông Đạo ơi! Nỡ lòng nào ông miệt thị tôi, vu cho tôi cái tội tày đình là vì tôi mà con cái hư hỏng! Hu! Hu! Ối Giời ôi là Giời!Chuyện đó xảy ra vào năm Mai Phương vừa học hết lớp mười một, trường chuyên. Nghỉ hè được một ngày, bé biệt tích!
***
Từ năm học lớp chín, Mai Phương thấy cha mẹ cãi nhau mà không cần giấu con nữa! Họ cãi nhau trước mặt con. Rồi anh Hai đua xe, làm chết người ta, anh Hai nghiện hút! Xì ke là thứ gì mà nó khiến anh Hai của bé mê đến thế? Có lần anh Hai đã khóc và hứa trước cha mẹ, trước bé Phương là sẽ quyết tâm từ bỏ… Vậy mà… Anh Hai xạo. Ngựa quen đường cũ! Càng ngày, anh Hai càng quái đản, quái dị, với rất nhiều quái chiêu! Ví như có lần cha mẹ vắng nhà, anh Hai đã đưa bạn về nhà, mang theo đĩa DVD coi phim con heo. Bé Phương dòm trộm qua khe cửa thấy cảnh trên phim mà mắc ói, chạy vội vào phòng tắm, ói ra cả mật xanh mật vàng…
Từ lớp sáu đến hết lớp chín, Phương học bán trú. Rời nhà tới trường từ sáu giờ rưỡi, đến năm giờ chiều mới về, đó là khoảng thời gian Mai Phương vui nhất. Trường của Mai Phương là trường đẹp nhất thành phố, với các thầy cô giáo nghiêm khắc, nhưng chưa ai nặng lời với bé bao giờ. Bé ngoan, học giỏi, hát hay, nhiệt thành vì những công việc trường lớp. Lớp của Phương có những người bạn học phần đông là dễ thương, ai cũng khen bé đẹp, hiền… Chỉ có một vài bạn lười học, ham chơi, bướng bỉnh, y như anh Hai của bé. Trong lớp, có một bạn tên Nga, cha mất sớm, mẹ bán hột vịt lộn, nhà rất nghèo. Nga chăm học, học giỏi đứng trong top 5 của lớp. Bé Phương thân với Nga. Phương làm lớp trưởng từ lớp một tới giờ, không ai trong lớp cãi lại bé, chọc ghẹo bé trừ vài người bạn ham chơi, lười học. Ở trường, bé không phải nghe những lời gay gắt, cay đắng của cha và mẹ. Hơn một lần bé chứng kiến cảnh hai người cãi nhau, thậm chí mẹ còn dùng những lời thô tục y như đám đá cá lăn dưa chửi nhau ở chợ Cầu Muối! Hơn một lần, khi cha và mẹ sắp oánh nhau, bé lao ra, miệng mếu máo:
- Cha ơi! Mẹ ơi! Hãy thương yêu nhau như cha mẹ đã dạy con! Cớ gì mà cha mẹ lại khinh ghét nhau như vậy?
Ông Đạo nghe con gái nói, nhào tới ôm chặt con vào lòng…
Ngày đầu tiên của kỳ nghỉ hè, Mai Phương chứng kiến cảnh cha mẹ chửi nhau thậm tệ. Bé buồn quá, lê những bước chân nặng nề theo đường Huyền Trân Công Chúa. Mai Phương cảm thấy ngột ngạt, u uất trong lòng. Cha mẹ như thế, anh Hai như thế, gia đình mình chẳng khác gì những người mà báo chí gọi là dưới đáy xã hội! Ôi, ghê sợ quá! Mười giờ đêm, trời se lạnh, bé đang co ro cất bước trên lề đường thì một người đàn ông tấp xe vô lề hỏi: Đi chơi nghe em? Bé như người mất hồn, mắt mở lớn, nhìn, không hiểu ông ta nói gì. Người đàn ông lặp lại câu hỏi. Bé đáp: Chú nói sao, cháu không hiểu! Đúng lúc đó, xe cảnh sát hụ còi ầm ĩ. Một cuộc bố ráp càn quét tệ nạn xã hội diễn ra… Bé Mai Phương bị hốt lên xe jeep. Ở nơi sơ kiểm và phân loại, mọi cố gắng phân bua của Mai Phương đều vô ích! Bé không có giấy tờ tùy thân. Những người thi hành công vụ đã quá quen và chai lỳ với những lời kêu oan thảm thiết vốn là những màn kịch của gái mại dâm! Bé xin được gọi điện thoại về nhà cũng bị từ chối! Ngay trong đêm đó, bé bị tống lên xe bít bùng và đưa lên rừng. Gần sáng đoàn xe tới trại.
Dọc đường cũng như những giờ đầu tiên ở trại, Mai Phương liên tục gập người kêu gào cho mọi người hay rằng em là học trò, không phải bụi đời, em đọc số điện thoại của nhà mình và đòi đưa em về với cha mẹ. Thế nhưng không ai chịu nghe em!
Ngày đầu tiên bé phải sống trong thế giới của xì ke, mại dâm… Bé rùng mình khi nghĩ đến anh Hai. Những lần bị hốt, anh Hai cũng sống ở đây! Cả hai bữa ăn, bé đều không ăn, chỉ luôn miệng kêu gào đòi về nhà, đòi gặp chỉ huy trại… Vẻ kinh hoàng làm gương mặt bé trắng bệch ra. Đêm xuống, ở rừng, mới bảy giờ mà màu đen đã bao trùm đậm đặc rồi! Bé co rúm trong chiếc mền hôi rình, người run lên bần bật vì sợ. Bé nhớ nhà, nhớ cha, mẹ, và tự hỏi: Cha mẹ ơi, giờ này cha mẹ có nhớ tới con? Vì sao nhà ta đang hạnh phúc, êm ấm mà thành ra tan nát? Tại sao cha mẹ cứ cãi nhau hoài? Ngày xưa nhà nghèo mà thương nhau, nay giàu có để làm gì mà chỉ thấy oánh, chửi nhau? Bé không hiểu. Thà nghèo mà êm ấm, thương nhau như gia đình bạn Nga, thật sung sướng! Trong lòng bé chợt nhói lên niềm ân hận đã bỏ nhà lang thang trên đường Huyền Trân Công Chúa. Sống với những người nghiện và gái mại dâm này, bé sợ quá. Rồi sẽ ra sao? Tại sao những người làm công việc chống cái ác, chống tệ nạn xã hội lại không nhận ra bé là một người lương thiện, một học sinh giỏi, một đứa con ngoan, một người bạn tốt? Tại sao người ta lại không tin lời bé, lời một người tốt? Chẳng lẽ người tốt với kẻ xấu lại lẫn lộn với nhau đến mức không thể phân biệt ư? Đến bây giờ bé mới thấm: Xa cha, xa mẹ, con người sẽ bất hạnh biết chừng nào! Bé nhớ đến tình thương yêu mà cha mẹ dành cho mình từ nhỏ đến nay. Bé thấy mình có tội với cha mẹ… Bé muốn chết cho rồi!
Xung quanh vắng lặng quá! Sự im lặng khiến bé không còn biết bấu víu vào một cái gì. Một đứa trẻ thơ như bé, đang độ tuổi ngọc ngà cớ gì sa chân vào môi trường kinh khủng này? Từ sáng tới giờ, biết bao cặp mắt của bọn con trai nhìn bé như muốn lột truồng bé ra. Ít nhất đã có năm sáu thằng nhào tới sờ xoạng, nắn bóp vào ngực, vào đùi, vào… chỗ kín của bé. Bé hét toáng lên kêu cứu, nhưng những người chứng kiến chỉ nhăn răng cười. Năm giờ chiều, trời nhập nhoạng, lừa lúc bé vào nhà vệ sinh, một thằng có thân hình to đùng đè ngửa bé ngay tại sàn nhà nhơ nhớp, khai rình, một tay bịt miệng, một tay thọc vào chỗ kín… May mà bé còn kịp nhớ đến những bài tập teakwondo. Thằng to đùng đang toan giộng cả hai ngón tay bẩn thỉu vào cõi trinh nguyên của bé thì bị liên tiếp hai cú lên gối: đầu gối giã vô bộ hạ và be sườn hắn. Bé thoát thân.
Bé cảm thấy mình bị coi như con vật. Nhục quá!
Hồi chiều, bé đã thấy có một cái hồ lớn trước trại nữ. Bé len lén rời khỏi chỗ ngủ, đi như lướt trên mặt đất. Chả mấy chốc, bé ra đến bờ hồ. Hồ nước mênh mông. Lạnh quá trời! Bé lại lội giỏi! Làm sao bây giờ? Kệ! Bé lao xuống nước. Bụng đói, nước lạnh, bé chưa kịp ra đến chỗ sâu của hồ thì có ánh đuốc và tiếng người hô hoán:
- Bé Mai Phương ở đâu? Cha em lên đón về nè!
Nghe tiếng hô, nước mắt bé trào ra. Bé khóc tức tưởi nhưng… Thật lạ, bé không thèm bơi vào bờ mà nằm ngửa, thả mình cho trôi ra ngoài… Khi người ta vớt bé lên thì bé đã thực sự xỉu rồi, có lẽ vì đói, vì lạnh và quá tuyệt vọng, hoảng sợ.
Người tài xế tên Nhân năm nay gần sáu mươi tuổi. Đêm qua, suốt lộ trình từ Sài Gòn lên Ba Lá ông đã nhức đầu vì tiếng kêu gào của bé Mai Phương: Tôi là học trò, cha tôi là trung tá Đạo, số điện thoại của nhà tôi là 821 92… Trả tôi về nhà với cha mẹ. Tôi không phải gái mại dâm! Tôi bị bắt oan! Sau khi rời khỏi trại Ba Lá trở về Sài Gòn, ông Nhân động lòng trắc ẩn, đã gọi điện thoại theo số máy mà bé Mai Phương nói. Trung tá Đạo đang điện thoại đi khắp nơi tìm con, gặp điện thoại của ông Nhân, không kịp nói lời cám ơn, cuống cuồng lao lên Ba Lá.
Sau khi được sơ cứu ở trạm y tế tại Ba Lá, bé Mai Phương tỉnh lại. Mở mắt ra, nhìn thấy cha, bé không mừng, không khóc, không biểu lộ một xúc cảm nào. Ông Đạo nói gì, hỏi gì bé cũng im lặng.
Về thành phố, một tuần liền bé vẫn yên lặng như thóc để trong bồ.
Đưa bé vô bệnh viện, bé vẫn như kẻ vô tri… Đến bữa, bé không ăn, ép mãi, bé chỉ uống nước suối. Sau một tuần, thân thể bé chỉ còn da với xương. Duy có đôi mắt bé là như ngày càng to ra, nhìn cảnh và người xung quanh như nhìn vào cõi mông lung, không có sự sống, y như thời hồng hoang… Bác sĩ hội chẩn, cho là bé bị chấn động thần kinh, dạng trầm trọng, cần phải được nghỉ ngơi, an ủi, may ra mới thoát khỏi điên dại hoặc chết vì hết chất dinh dưỡng trong người.
Cẩm Hà một thời là nhà giáo dạy toán giỏi nhất, nay lại tin rằng con mình bị ma ám. Cẩm Hà mời thày cúng về nhà cúng liền một tháng trời. Vẫn vô vọng! Thế rồi có lẽ chính bà Cẩm Hà bị ma ám thật! Nếu không thì tại sao bà lại bỏ nhà đi theo gã thày cúng nhỏ hơn bà những sáu tuổi. Gã vốn là một cây cờ bạc và cá độ có tiếng ở quận Tư. So với ông trung tá Đạo, cơ bắp của gã rắn hơn nhiều… Ông Đạo biết được sự tình này vài tháng trước nhưng ông không tin. Ông không thể nào tin được một cô giáo như vợ ông mà lại mèo mả gà đồng. Ông vốn là người của thế hệ giàu niềm tin mà! Chỉ đến khi ông chứng kiến nhãn tiền cảnh diễn ra trên chiếc giường của vợ chồng ông: Vợ ông nằm dưới, rên ư ử, chân tay quặp chặt lấy thân thể nhãy nhụa mồ hôi của gã thày cúng đang hành sự hùng hục, hùng hục như giã giò… Đạo xô cửa nhảy bổ ra phòng ngoài, không phải để tìm vũ khí tiêu diệt quân lang chạ, mà để… ói. Ông là người nhạy cảm. Đạo ói liên tục hai ngày. Người ta bảo, ói mửa, ngoài lý do bệnh tật còn là một trạng thái sinh lý thường xuất hiện khi quá sợ hãi, quá ghê tởm hoặc quá đau khổ. Ông Đạo đã trải qua chiến tranh chống Mỹ rồi chiến tranh biên giới, đã chứng kiến nhiều cái chết, không là kẻ nhát gan, sợ hãi. Vậy thì cái sự ói mửa của ông chỉ là vì quá ghê tởm và quá khổ đau. Nỗi đau của người nặng tình nặng nghĩa mà bị phản bội.
Sau hai ngày ói mửa, Đạo thề rằng từ nay, trên đời này, ông không còn coi Cẩm Hà là một con người nữa! Riêng Cẩm Hà thì phởn phơ! Da thịt cô như được bón thần dược, cứ như là có cánh, có ma lực. Ban đầu, hễ chồng đi làm là cô phắn đến nơi hẹn hò với gã thày cúng. Sau, chẳng thèm hẹn hò chi cho tốn thời gian, tốn tiền, cô dọn hẳn đến một trong những ngôi biệt thự cho thuê vừa mãn hợp đồng, ở luôn với gã tình nhân. Công việc của họ là: ăn uống, chìm trong hoan lạc và đánh bạc. Người ta đồn từ ngày cặp với Cẩm Hà, có canh bạc gã thày cúng chơi tới vài chục ngàn đôla. Chả biết thực thế hay chỉ là đồn đại. Người ta còn nói, nếu cứ cặp với gã thày cúng, chả mấy đỗi mà Cẩm Hà lại trắng tay!
***
Bé Mai Phương được đưa về nhà, người yếu lắm, cả ngày chỉ uống được nước và vài muỗng sữa. Bỗng một hôm, có tiếng chuông điện thoại. Thì ra là bé Nga, bạn thân của Mai Phương. Nga vừa đi nghỉ hè ở quê ngoại Cà Mau, vừa về tới Sài Gòn là điện thoại cho Mai Phương liền. Nghe ông Đạo báo tin dữ, bé Nga hớt hơ hớt hải đến thăm Mai Phương. Đang nằm bất động trên giường, nghe tiếng bước chân của Nga, bé Mai Phương ngồi dậy. Vì ráng sức để ngồi dậy mà không nổi, mồ hôi túa ra trên trán bé. Nga ùa vào phòng, như một làn gió xuân mát mẻ, đầy sinh khí, xua tan bầu không khí tù đọng ngột ngạt trong ngôi biệt thự. Nga lấy bàn tay mềm và ấm lau mồ hôi lạnh ngắt trên trán bạn, tặng bạn một con chim họa mi nuôi trong cái lồng bằng tre vàng óng, rất đẹp, do ông ngoại của Nga tự tay làm. Và, đột nhiên con chim họa mi cất tiếng hót. Tiếng chim trong veo, lảnh lót. Rồi, như là phép nhiệm màu, họa mi khơi dậy lòng ham sống trong bé Mai Phương.
Chim họa mi hót trong ngôi biệt thự được một tuần, bé Nga ở lại chăm sóc bạn được một tuần thì bé Mai Phương gần như bình phục. Bé đã hát cho Nga và cho họa mi nghe. Tuy nhiên, bé vẫn không hé môi nói với cha, với mẹ một câu nào kể từ ngày lâm nạn tới giờ. Biết bao nhiêu lần ông Đạo năn nỉ con gái, nhưng bé vẫn chỉ nhìn ông, câm như hến. Bà Cẩm Hà thi thoảng về thăm con, cũng không được con hé môi. Rồi ông Đạo nghĩ ra: phải cầu cứu bé Nga. Ông sang nhà bé Nga. Nga đi bán vé số từ sáng, đến sáu giờ chiều mới về. Cô bé nhanh nhẹn cất tiếng chào má, chào khách rồi xin phép xuống rửa mặt rửa tay. Khi ông Đạo ngỏ lời nhờ Nga, bé cười giòn tan:
- Dễ ợt! Bác cứ cho Mai Phương qua nhà cháu chơi, là xong!
Thế là bé Mai Phương đi bán vé số cùng với Nga. Tối, em ngủ lại nhà bạn. Trước năm học mới một tuần, Mai Phương và Nga nghỉ bán vé số, để chuẩn bị tựu trường. Ông Đạo thuyết phục cách nào con gái ông cũng không về nhà.
Ông Đạo nhờ bà Tư, má bé Nga, khuyên nhủ Phương. Phương vừa nói vừa khóc:
- Con khổ quá dì Tư ơi! Con chỉ mong sao cho má con tỉnh trí, trở về với ba con, ba má sống êm ấm như ngày xưa… Nếu được như thế, con sẽ về nhà ngay tức thì!
Việc ấy đến tai Cẩm Hà. Hà thương con lắm, nhưng đó là việc khó! Nó còn khó hơn chuyện dời non lấp bể! Cẩm Hà không thể nào từ bỏ được sự quyến rũ bởi thân xác gã thày cúng, hơn thế, bà không thể nào dứt rời được cây cờ bạc, cá độ. Vì chính bà từ khi bỏ chồng bỏ con phới theo gã thày cúng cũng đâm ra si mê thú bài bạc! Thế mới hay sự quyến rũ có quyền năng vô cùng! Cưng chiều con trai là thế mà giờ đây chìm đắm trong mê lộ nhục dục, Cẩm Hà rất ít khi đến bệnh viện thăm con. Thằng con trai Vinh Phúc bị bệnh nhũn não nằm bệnh viện, mỗi ngày cần đến một triệu đồng tiền thuốc! Não nhũn nên nó đâu có hay rằng nó chỉ còn chờ cái giây phút thần chết kêu đi…
Thời gian trôi qua cõi người thiệt là lẹ. Mai Phương vẫn sống cùng gia đình Nga. Ông Đạo nhiều lần tới đưa tiền chợ cho má Nga, cậy nhờ chăm sóc con gái, nhưng bà mẹ nghèo kiên quyết không nhận. Bà bảo:
- Nhà tui ăn sao cháu ăn dzậy, khi nào cháu chịu cực không nổi thì tùy cháu!
Ông Đạo chỉ còn làm được mỗi một việc là đến trường đóng các loại tiền trường, tiền học… Ông gặp bé Nga, nói muốn gãy cả lưỡi, bé Nga mới chịu nhận tiền quà sáng ông gửi cho Phương. Hai bé chăm học và vẫn giỏi nhất nhì lớp. Chả mấy mà đã đến ngày thi.
Mai Phương nhớ cha, nhớ mẹ vô cùng, muốn chạy về nhà sà vào lòng cha mẹ như ngày nào. Nhưng… cha mẹ của bé, gia cảnh bé lâm vào bi kịch khó có thể hóa giải, ngày càng trầm trọng. Anh trai bé, Vinh Phúc chết sau một cơn đau đớn hành hạ suốt mấy ngày liền. Ông Đạo tìm vợ để báo tin con trai thì mới hay vợ ông và người tình thày cúng đã bị công an bắt vì can tội là chủ sòng bạc, trùm đề và cá độ xuyên Việt.
***
Ông Đạo tìm quên lãng trong công việc cơ quan. Thế nhưng, sau giờ làm việc, nỗi đau lại tràn ngập tâm hồn, ánh mắt, cào xé lòng dạ trung tá Đạo. Con người, bản tánh vốn yếu đuối. Cũng như bao nhiêu người đàn ông khác, Đạo tìm quên lãng trong bia rượu. Trước kia ông uống một thì nay uống mười, chỉ uống, không ăn. Không ít lần, ông uống ở nhà nguyên chai Hennessy; chưa say, ông ra quán uống tiếp. Lạ thay, càng uống, ông càng tỉnh, càng tỉnh ông càng đau!
Nỗi đau này, theo ông, một phần do chính ông gây nên… Ông phải tự trừng phạt mình! Rồi cái gì phải đến ắt đến. Ông bị viêm gan, xuất huyết bao tử trầm trọng, ngất lịm giữa quán nhậu bình dân, nơi những người thu nhập thấp đến để uống bia hơi, ăn ruột heo và đậu phụ chiên. Chủ quán kêu xe hồng thập tự. Ông hôn mê kéo dài hai ngày. Khi ông tỉnh lại thì con gái ông mới hay tin. Mai Phương từ trường học hốt hoảng đến với cha. Em ân hận lắm. Em nghĩ rằng chính là do em không chịu về nhà nên cha sinh ra nhậu nhẹt bê tha và mắc trọng bệnh… Em xin nghỉ học để chăm sóc cha.
Bệnh tình thuyên giảm, ông Đạo xin ra viện. Ông lo sợ con ông nghỉ học nhiều sẽ không được thi tốt nghiệp. Ông đâu biết rằng đêm đêm, con ông được bé Nga giúp, vẫn chưa bỏ một bài học nào dù không đến trường.
Nhìn con gái vừa từ trường về, cất cặp sách là thoăn thoắt, đảm đang việc nhà, thuốc men phụng dưỡng cha, ông Đạo rất mừng! Dẫu sao Trời còn cho ông đứa con gái hiếu thảo, thông minh, thục nữ. Kỳ thi tú tài năm ấy, con gái ông Đạo là một trong ba học sinh đạt điểm cao nhất, được học bổng đi du học tại Australia.
Nhưng, bé Phương không đi Australia, vì nếu đi thì ai sẽ chăm sóc cha em? Ông Đạo khuyên nhủ thế nào bé cũng nhất quyết chỉ học đại học trong nước, để gần cha. Đêm ngày bé cầu mong cho cha khỏi bệnh. Nhưng bệnh gan của Đạo cộng với nỗi đau của những vết thương thời chiến tranh, nỗi đau do gia cảnh… khiến sức khỏe ông suy sụp. Ông biết mình chẳng thể nào lành bệnh!
Một buổi sáng đầu xuân, trong khi con họa mi đang hót say sưa, ăn sáng và uống thuốc xong, thấy nhẹ nhõm trong người, Đạo hỏi con:
- Con có oán cha không?
Phương xót xa ngước nhìn cha, mắt đẫm lệ, đáp:
- Ba nói sao? Con mà oán cha mẹ ư? Con chỉ oán thói nô lệ đồng tiền…
Nghe con gái nói, ông Đạo chìm vào nỗi đau không thể thốt thành lời…
Ngoài kia, những bông mai vàng hé nở, rung rinh trong gió xuân. 

Thành phố Hồ Chí Minh, tháng 11 năm 2004. 
Truyện ngắn Triệu Xuân/ Tác giả gửi bài


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét