NHIỀU TÁC GIẢ
Chủ biên: Nguyễn Nguyên Bảy
Chủ biên: Nguyễn Nguyên Bảy
LẠC VÀO
MA TRẬN TÌNH VỚI NGUYỄN NGUYÊN BẢY
Nhà văn TÔ HOÀNG
Nhà văn Tô Hoàng/ Tác giả
gửi bài
Nhà văn TÔ HOÀNG
“Ma trận tình và Linh hồn lang thang” hai cuốn tiểu thuyết in chung một
tập sách là ấn phẩm mới nhất của nhà văn Nguyễn Nguyên Bẩy, nằm trong dự kiến
tái bản và xuất bản hàng chục tập thơ và văn xuôi trong vài năm gần đây của
anh. Năm cận, Tết đến xin ghi vội ít dòng cảm nhận, trước hết với tiểu thuyết “
Ma trận tình”.
“Ma trận tình” theo
cách đặt tên của NNB, hay lưới tình, mê lộ, mê cung tình, thiên la địa võng
tình… gì gì đi nữa cũng là chốn một thời trai trẻ anh và tôi rất dễ sa chân
vào. Lại có một cách khác để tóm lược và đặt tên cho “ Ma trận tình” giản dị
hơn. Đó là câu chuyện tôi kể cho tôi khỏi quên, để con cái tôi nghe về thời con
gái của tôi đã kết thúc bao giờ và như thế nào. Để tôi ngậm ngùi, cam chịu bước
chân sang phía bên kia vạch mốc yên phận làm một người đàn bà…
Nhân vật “Tôi” tựa như dãi bày tâm tình ngay từ trang một. Và
cô gái đầy tự tin, đầy bản lĩnh để tự phác họa chân dung mình: “Tôi đậu tú tài năm mười bẩy.Không
quá hợm mình để khoe rằng tôi xinh đẹp, nếu không muốn nói là rất đẹp. Tôi say
mê chính sắc đẹp của mình. Mỗi khi tắm, tôi ngắm mình trước gương. Khuôn mặt
cân đối. Nước da lụa. Hai mắt to đằm, lúng liếng như cười. Mũi cao giống ba.
Môi mọng và đỏ như môi má. Vú trắng tươi,hình sừng, đẹp hơn vú má.Khai hội đời
mình như thế nào đây?Tôi thường hỏi câu hỏi ấy trước mỗi ban mai”.
Mãi mươi, mười lăm trang nữa ta mới biết tên cô là Long với
một “sơ lược lý lịch” vắn gọn: Sau ngày Sài gòn thuộc chính quyền mới, đã từng
nhận làm thư ký cho ba vị giám đốc, mỗi vị dăm ba ngày hoặc nửa tháng để rồi
“good bye” vì “máu dê” của các vị. Được một đạo diễn rủ rê làm phim, gặp thêm
một con dê khác. Là con chiên của Chúa, Long trở về làm thư ký của Cha Minh
Đức, một vị linh mục kiêm giám đốc một xưởng in. Xưởng in chuyển qua tay Bẩy
Trọng- một giám đốc cách mạng, từng tập kết ra Bắc, từng được du học ngành in
ấn tại Đông Đức. Cha Đức Minh nuối tiếc công việc kinh bang và những dự kiến
hiện đại hóa cơ sở in ấn của mình chuyển qua tay người khác, Cha cầm lòng đưa
Long sang làm thư ký của Giám đốc Bẩy Trọng.
“Ma lộ tình” được khai triển mọi diễn tiến vẫn độc nhất bằng
một giọng kể của “ Tôi” tức Long. Mổ sẻ, phanh phui tính cách, dục vọng có thực
và dục vọng được che đậy của những người tham gia vào câu chuyện, đặc biệt là
của Cha Minh Đức và giám đốc Bẩy Trọng; mổ sẻ, phanh phui nội tâm, các trạng
huống cảm xúc, khát vọng sống, khát vọng yêu của chính mình. Xin được nhấn một
điều: Tất cả vẫn bằng giọng kể của “ Tôi”. Sự cứng tay của tác giả Nguyễn
Nguyên Bẩy mong được ghi nhận, trước hết, ngay từ điểm này. Bởi lẽ thường tình
ai cũng biết, đan cài chi tiết một truyện ngắn, thậm chí một truyện vừa chỉ với
ngôi thứ nhất có thể làm được. Nhưng chuyển tải chất tiểu thuyết, mà cốt kịch
ít nhiều gắn bó với những dấu ấn thời cuộc, với những xung đột giữa thế lực này
thế lực kia mà cứ khư khư một cái “ Tôi” đâu phải là điều đơn giản. Dùng mũi
dao cái “ Tôi “ để lọc lách các trạng huống tâm lý đâu phải là việc dễ. Nhưng
ngòi bút đầy bản lĩnh và kinh nghiệm nghề của Nguyễn Nguyên Bẩy đã tài tình
vượt qua được thử thách này.
Dẫn ra vài ví dụ. “Tôi
vốn là cô gái chỉ thích người khác chú ý tới mình, bất cứ ở chỗ nào cũng muốn
thành nhân vật trung tâm, thu hút mọi ánh nhìn. Tôi có thủ thuật lôi cuốn sự
chú ý ấy. Bằng một ánh mắt thì thầm. Bằng một câu nói nũng. Bằng một chuỗi cười
long lanh âm thanh. Và bằng cả cái nhan sắc trời cho. Nhưng phút giây này tôi
tự biết mình là ai. Tôi đang là tâm điểm của mọi luồng nhìn” ( Long-nhân vật thuật chuyện ). “Khi con người ta, như Cha chẳng
hạn, khi đã được Chúa giải thoát cho những ham muốn trần tục, thì dù đứng trước
một đàn bà lõa thể, Cha cũng không chao dục, mà chỉ chiêm ngưỡng nét đẹp do
Chúa ban thưởng cho con người” (
Cha Minh Đức). “Anh đã thấy
những người anh hùng một thời của anh giờ đang múa kiếm giữa chợ. Đau lòng lắm.
Chúng ta quá say mê chiến thắng, tự hát cho nhau nghe mãi một khúc chèo, dù hay
mấy cũng phải chán. Chủ nghĩa xã hội chẳng thể đẹp hơn chủ nghĩa tư bản trong
lý thuyết mà hòng thuyết phục được con người” ( Giám đốc Bẩy Trọng).
“Khai hội đời mình như thế nào đây? Tôi thường hỏi câu hỏi
ấy trước mỗi ban mai” ( lời
Long ). Cô gái có một vẻ đẹp trời phú, có học vấn, thông minh, nhậy cảm, biết
ủng hộ, bảo vệ cái đẹp, cái mới. Ý thức được tất cả những thế mạnh ấy của bản
thân khiến Long không chỉ có cá tính lạ mà còn thực sự có bản lĩnh. Một cô gái
như vậy luôn luôn trăn trở với câu hỏi sẽ nhập cuộc trước hết là với Tình yêu,
sau nữa với hạnh phúc gia đình là điều đương nhiên. Tiểu thuyết “Ma trận tình”
mở màn khi Long đã chịu “thua cuộc” khi muốn “khai hội đời mình” với Cha Minh
Đức; cô gái đã bị cuốn vào một cơn xung động tình yêu mới- Giám đốc Bẩy Trọng.
Kín đáo, kiềm nén nhưng không kém phần sôi sục, mãnh liệt Cha Minh Đức cay
đắng, sót sa khi phát hiện ra con chiên ngoan đạo của mình bỗng tôn thờ một
thần tượng mới Cha không ngờ được. Mà biết làm sao được khi Cha Minh Đức tự
giác đồng ý để Long chuyển qua làm thư ký riêng cho Bẩy Trọng. Bởi Cha muốn
Long “..là cầu nối giữa quá
khứ oanh liệt của Cha và hiện tại nhiều bi thương mà cha đang gánh chịu, với
những dự tính tương lai của Cha trên đường trở về giành lại nhà máy”.
Thú thật, đọc tới đây tôi đã nơm nớp nỗi lo “ Ma trận tình ”
sẽ lăn theo vết xe cũ thông qua một cuộc tình để thể hiện cuộc chiến giữa Mới
và Cũ; giữa niềm kiêu hãnh, sự chủ quan thái quá của kẻ thắng trận với nỗi đắng
cay, chua sót đến hậm hực, bầm gan tím ruột của kẻ bại trận..v..v… Giữa trận
chiến đó, một cô gái như Long sẽ là vật hy sinh. Bởi Long “ khai hội đời mình”
tại Sài gòn đâu đó vào giữa thập niên những năm 1980 khi Long và bè bạn của cô
vẫn phải tổ chức “chui” những tối khiêu vũ; vẫn bị truy hỏi vì sao không chịu
tham gia những tổ chức như đoàn thanh niên, công đoàn…
May sao, “ Ma trận tình ” biết lánh xa thói quen dễ dãi của
văn chương nước ta một thưở. “Ma trận tình” nguyên si là một truyện tình, kiểu
những chuyện tình muôn thuở như “ Romeo và Juyliet”, “Đỉnh cao gió hú”, “ Dòng
nước mùa xuân”, “Anna Karenina”…
Cha Minh Đức và Giám đốc Bẩy Trọng- hai con người của hai
thời buổi, hai đối cực và trong cái Tam giác Tình yêu của “ Ma trận tình” cũng
có thể coi là hai địch thủ của nhau. Nhưng hóa ra Cha Minh Đức và Giám đốc Bẩy
Trọng có những điểm rất giống nhau. Hoặc, họ “ tuy hai nhưng một “. Người viết
những dòng này không muốn làm giảm đi hứng thú của bạn đọc khi tiếp xúc với “
Ma trận tình” nếu vụng về thuật lại những diễn thái tâm lý, những toan tính,
những ngụy biện, trí trá của cả hai người đàn ông-nhân vật chính của tiểu
thuyết, khi họ buộc phải đặt lên bàn cân giữa những xúc động, những rung cảm
với những gì được coi là trách nhiệm, là nghĩa vụ để vật vã, nhọc nhằn lọc lựa
câu hỏi nên, không nên. Nhà văn Nguyễn Nguyên Bẩy ở phương diện mổ xẻ tâm lý,
đối lập để so sánh, khắc họa các mảng sáng tối trong tạo dựng tính cách Cha
Minh Đức và Giám đốc Bẩy Trọng sẽ lại xuất hiện trước chúng ta với vai trò “
Thầy Bẩy”. Chữ nghĩa chọn lọc, gạn chắt. Suy tư, lý giải rành rõ, đầy sức
thuyết phục. Trong cấu trúc tiểu thuyết rất biến báo, đặc biệt “ Thầy Bẩy” sính
dùng và dùng thành thục thủ pháp montagiơ điện ảnh, phá vỡ logic thói thường
tìm tới thứ logic hiệu quả nhất, ấn tượng nhất. Hóa ra, hai gã đàn ông- hai
nhân vật chính trong truyện đều là hai thằng hèn. Chí ít ra là hèn trước rung
động đích thực của con tim mình, sau đó trước một nhan sắc trời cho! Nhà văn đã
giành hết tình yêu, nỗi sót sa, niềm cảm thông chia sẻ cho một thân phận Nàng
Kiều thời hiện đại. Dù nữ nhân vật Long của “ Ma trận tình” không phải trải qua
những quăng quật, vật vã đến ê chề, nhục nhã như Thúy Kiều, nhưng quả là Long
cũng đã gặp rặt những Mã Giám Sinh, Sở Khanh thời bây giờ. Sự đắng cay, nỗi
thất vọng chưa xô đẩy Long đến bước phải trẫm mình xuống một khúc sông nào đó,
nhưng ở cuối phần truyện ghi lại cho con cái Long dường như cố tình không muốn
nhắc tới người chồng của mình là ai! Không đao to búa lớn, không quy kết tội trạng,
nhưng bạn cứ đọc “ Ma trận tình “ đi, bạn sẽ cảm nhận ra hơi thở hổn hển, nghẹn
đứt; thái độ cố tỏ ra tỉnh táo, bình thản để mọi chuyện được khách quan, hợp lý
nhưng đầy cuống quýt, bối rối; sự sót sa đến đứt ruột gan trước những gì phải
chứng kiến của Long-nhân vật chính, người thuật chuyện cũng tức thị của nhà
văn-người ghi chuyện. Với “ Ma trận tình” quả là khi cầm bút, “Thầy Bẩy” đã
“giỏ máu năm đầu ngón tay”.
Được biết “Ma trận tình” viết ra đâu đó những năm 1986-1987.
Sách không tới tay bạn đọc, cứ giữ nguyên số phận bản thảo ấy cho tới tận hôm
nay. Lý do đơn giản; vì tác phẩm không được cấp phép in.
Có một khoảng cách sấp sỉ 20 năm để đọc, để nhìn nhận, bình
giá một cuốn sách.Chuyện cắt xén, cấm doán đâu chỉ xẩy ra với “ Ma trận tình”
và cũng đã trở thành nụ cười khinh miệt, cái phẩy tay thể tất, cho qua trong
những buổi trà dư tửu hậu, những bữa nhậu…Mươi năm trở lại đây, văn nhân nước
ta thường bàn tới mấy chữ “đổi mới”, “cách tân” sáng tác; “thi pháp của tiểu
thuyết”… Những khái niệm ấy vừa là yêu cầu tất nhiên, thứ thiệt mà nhiều khi
cũng là thứ ngụy biện, mặt hàng “dổm” nhằm che đậy cho thứ văn chương hằn học,
chửi bới hoặc thứ văn chương đề cao nhục dục, thú tính, gieo rắc niềm hoài nghi
và sự tuyệt vọng vì bất lực của con người trước những biến thái phức tạp trong
thiên nhiên và xã hội.
Tiểu thuyết “Ma trận tình” được viết lâu lắm rồi, dĩ nhiên
nằm ngoài những yêu cầu, đòi hỏi cách tân, đổi mới tiểu thuyết hiện nay. “ Ma
trận tình” kể một truyện muôn đời về tình yêu; sót sa, nuối tiếc thực lòng thân
phận một trong rất nhiều, rất nhiều nàng Kiều của xã hội muôn đời.. Kể, vào
những năm tháng mọi người phải ăn bo bo, gia đình vừa tụ họp đã phải gạt nước
mắt chia tay kẻ ở người đi… Kể, vào thời kỳ văn chương vừa thay mũ cối, áo màu
xanh màu cỏ bằng quần Jeal áo Pul làm thời trang. Thiết tưởng, “Ma trận tình”
phải được tính là sự đổi mới văn chương mãi từ thuở xa xưa đó…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét