Thứ Hai, 15 tháng 12, 2014

Mời cùng tôn vinh/ Sách Văn Bạn Văn 2/ 15. Văn truyện TỪ NGUYÊN TĨNH ĐÒ DỌC

NHIỀU TÁC GIẢ
Chủ biên: Nguyn Nguyên By
Văn truyện TỪ NGUYÊN TĨNH
ĐÒ DỌC

 
Năm ấy tôi không có công ăn việc làm. Rời làng đi bộ đội lớ ngớ không biết cày cuốc, trở về cũng chẳng biết gì hơn. Nhìn ruộng mạ nhổ dễ ợt nhưng không tài nào bó cho gọn. Lại thuận tay trái nên buộc nút lại như đánh dấu sự vụng dại của mình. Mấy bà cấy cứ đè tôi mà chửi:

- Đúng là đồ cầm đũa tay chiêu …. Chả hiểu bộ đội người ta phải chế cho hắn khẩu súng có cò tay trái chắc?

Tôi thành trò cười cho mấy bà nạ dòng. Mấy cô gái đến tuổi chồng con thì chép miệng. Lấy phải thằng chồng như vậy, cầm chắc cái khổ, thương cho chị Chỉ quá. Là họ nói thương cho vợ tôi, một kỹ sư làm việc trên huyện đấy. Lấy tôi, một anh lính thuở ấy là đã dũng cảm rồi. Còn bây giờ, không nghề ngỗng, không bằng cấp đến nước rồi cũng li dị. Tiếng ấy ồn ào từ huyện về làng. Bàn tay trái của tôi và những nút buộc nọ tự dưng thành nỗi buồn khó tả. Biết sao được, tôi vẫn ra sông tắm sau mỗi buổi ra đồng ruộng về. Chỉ có dòng sông mới làm vơi đi nỗi buồn thôi. Nhìn theo những chiếc bè của lâm khẩn xuôi dòng, nhìn con thuyền buồm lướt qua mà ao ước. Giá mà đi được nhỉ, làm gì cũng được cho thoát khỏi cơn bĩ cực này.
- Thằng cha kia! Muốn chết hay sao mà lao vào gầm thuyền của người ta!
Trồi trên mặt nước dưới ánh nắng nhạt, tôi kịp nhận ra một chiếc thuyền ván, có buồm đang lao tới. Hú vía, tôi nói cũng để thanh minh sự bất cẩn trọng của mình:
- ừ, muốn chết đấy.
Thằng Tịnh phải không Tịnh! - Một người béo đen đang bá con thuyền hỏi chõ xuống.
- Ông là ai mà biết tôi!
- Kìa! Tao là Hoá … Mày quên rồi hả! - Người đàn ông cao lớn cười, tay bát lái cho thuyền bạt vào bến.
Tôi nhớ ra rồi, anh Hoá bạn với anh tôi, vẫn hay đến nhà tôi trao đổi sách đọc. Nhưng anh có vợ đẹp làm máy khâu ở cầu Quần Kênh kia mà! Đoán được ý nghĩ của tôi, anh Hoá cười hơ hớ: - Tạm bỏ nghề máy khâu kiếm chiếc thuyền đi đò dọc, chú thích không? - Em cũng chán đời lắm, chả có nghề ngỗng gì sất. Học không hay cày ruộng không biết…
- Này chú mày! Hay đi với anh … Khắp sông biển … Biết đâu lại hay …
Nói rồi anh Hoá nhảy tùm xuống bến sông, như ngày xưa dùng hai tay nhấc bổng người tôi lên, nhìn vào mặt quan sát tôi như nhìn con chó cún nói chuyện:
- Đồng ý không.. mà nghe nói chú có viết lách hả?
- Em cũng thích cái món ấy … Nhưng chẳng ra hồn. Thật viển vông … Đi với anh biết làm việc gì được.
- Thật chán chuyện. Làm gì chả được. Vác đá chở xuôi về, chở vôi từ Nhồi lên. Chở cá mắm từ Lò Chum đi Hồi Xuân - La Hán.
Ôi chao lúc gặp gió thì đi buồm. Lúc không gặp gió thì kéo thuyền mà nghêu ngao … Mấy đứa đàn bà con gái còn dám ngồi trên thuyền mà đái xuống sông, huống chi cậu. Tôi trả lời qua quýt cho anh vui:
- Vâng! Anh cho em đi với!
- Thế nhé, chiều mai tớ quay lại đây đón... Không phải mang cái gì cả! - Hạ giọng thấp xuống như sợ có ai đó nghe thấy - Thậm chí chú chỉ mặc độc quần cộc cũng được. Anh cười vang cả khúc sông, nhảy tót lên mạn thuyền. Có tiếng ai đó từ thuyền hà ra một giọng nửa hò mà nửa như ngâm, thật buồn:
Em muốn xuôi mà anh lại ngược sông Lèn
Em muốn duyên thành bến cho thuyền anh lên i làm... cho đôi ta nỡ đứt lương duyên
Anh về biển cả em lên miền thượng du.
Tự dưng nước mắt tôi ứa ra lúc nào. Đêm ập đến thấm đẫm nỗi buồn ai oán, mông lung.

*

Đi thuyền dọc ngoài vợ chồng anh Hoá ra còn cô Thơm tuổi nhập nhoàng ba chục. Thoạt mới nhìn Thơm có vẻ già trước tuổi, da đỏ au màu hồng do chan nắng gió. Thấy anh Hoá giới thiệu tôi, Thơm nguýt một cái rõ dài, ý chừng cái loại ấy thì chấp làm gì, chỉ tội ngứa mắt. Ngày đầu thật thanh thản, gió lên ngồi trên thuyền nằm phơi bụng mơ mơ màng trôi theo dòng nước, xóm làng lướt qua trước mắt như một cuốn phim dài miên man. Gần chiều tối đang mơ mơ màng màng thì có người lay gọi:
- Anh gì ơi! … Lên bờ kéo thuyền. Tôi chưa kịp mở mắt, Thơm đã nhảy tùm xuống nước bơi vào bờ mặc cho nước vẫn chảy ròng ròng, chằng dây vào vai, neo người kéo thuyền như chực vập xuống cùng bờ sông. Tôi cũng vội vàng nhảy tùm xuống nước bơi vào theo. Thơm đưa cho tôi một mối dây ngoắc vào vai, giọng êm ái:
- Không mệt lắm đâu … Nhưng đi lâu mỏi chân là muốn lăn ra đường ngủ đấy!
Tôi bắt chuyện cô nàng.
- Đi lâu chưa!
- Mới vài ba tháng, nửa năm.
- Trước đây làm gì?
- ở đâu … Nữa phải không! - Thơm cười … dây thừng thắt lại làm cho ngực phập phồng.
- Sao anh đi thuyền? Kéo mạnh vào cho nó ra dáng. Đừng có mà dựa dẫm vào người ta …
Định nói một câu chọc tức Thơm nhưng kịp kìm lại … Chắc cô nàng cũng là loại gái liều, dám phiêu lãng trên con thuyền nay đây mai đó …
- Anh nghĩ gì đấy! - Thơm nghiêng người nhìn tôi.
- Không, tôi không nghĩ gì cả - Tôi chống chế.
- Thôi đừng giấu nữa … Anh nghĩ về tôi phải không? Tôi đang nghĩ về anh đấy.
Tại sao anh lại mò xuống thuyền. Bị vợ bỏ rơi phải không? Hay muốn tìm khoái cảm?
- Có nhìn thấy đường mà đi không đấy! - Tiếng anh Hoá từ thuyền gọi với lên.
- Chết rồi … Khéo không đâm đầu phải cầu, anh ơi!
Thật chả hiểu cái cô này ra làm sao nữa. Vừa mới chanh chát vậy mà đã ngọt ngào. Cô nàng áp mãi ngực vào vai tôi làm như vô tình. Thật chả ra gì, tôi tự lên án mình, lên án ý nghĩ đen tối đĩ bợm mà trái tim gã đàn ông thường có …
- Chui qua gầm cầu đi anh! - Tôi ngoan ngoãn theo Thơm chui qua gầm cầu.
Đầu tôi chạm vào bờ vai, từ đó phả ra mùi xác thịt mằn mặn. Tôi không xác định được điều gì cho rõ rệt. Sự mệt mỏi, mất nước làm tôi nôn nao muốn ngã gục xuống, tìm một bãi cỏ làm một giấc.
-Đừng nhắm mắt kẻo ngã gãy cổ đấy! - Thơm cảnh cáo tôi.
Nỗi dày vò của gã đàn ông làm tôi đau khổ.. Tôi muốn làm một cái gì cho ra hồn mà không làm nổi. Tôi như một cái xác không hồn được buộc vào con thuyền mà đúng hơn buộc vào cô gái mới vừa quen biết.
Nếu cắt tôi ra khỏi sợi dây này là gục ngã …
Thơm vẫn giậm chân đều đặn trên bờ sông đầy cây dại. Mặt đăm đăm, không tài nào hiểu hết được cô nghĩ gì. Tôi muốn gặng hỏi, cô nghĩ gì đấy, vì nhìn vào khuôn mặt cô lúc này, tôi thấy day dứt khó chịu, tôi thấy mình là kẻ có lỗi. Tại sao vậy, một thằng đàn ông mà không làm được việc gì ra hồn cả … Phải nương tựa vào một người đàn bà … Con đường bờ sông uốn lượn, dằng dặc. Nhìn thấy lưng con đê trước mặt mà phải vòng vèo đi mỏi rạc bàn chân. Bao giờ cho được trèo lên mạn thuyền ngồi mà ngắm đôi bờ mà thả lỏng vào mây trời … Mải nghĩ ngợi, tôi nằm gục xuống bờ cỏ lúc nào. Thơm cười ngặt nghẽo dường như không hề có chút mệt mỏi nào.
- Anh điếc à … Không muốn lên thuyền hả?
Tôi nhảy ùm theo Thơm xuống nước bơi theo con thuyền. Tôi lấy hết sức đôi tay đu người lên mạn thuyền, nhưng bàn tay không chịu nghe, thảm hại thật, không tài nào đu nổi lên thuyền. Thơm phải cúi rạp người xuống sông kéo nách tôi lên, nước từ người Thơm chảy tràn vào người tôi. Tôi không sao quên được hơi thở hào hển đầy mãnh lực của nàng toả sang, mấy sợi tóc ngậm trong khoé miệng mới duyên dáng đầy ma lực: - “ Đàn ông ơi hỡi đàn ông … Biết bao giờ mới sang … hàng đò” - Thơm cười … cả tôi và nàng đổ ầm như cây chuối mặc cho gió thổi khô áo quần và da thịt …Người ta nói ăn như dân hàng thuyền, tôi nào biết nếp tẻ gì. Nhưng tôi bảo ăn như dân đò dọc, ăn chẳng biết no là gì, mà lại ngon hơn cả bữa cỗ ngày tết có đủ giò chả … Có lẽ chuyện ăn thì đã đời cho cơn đói ban ngày kéo thuyền. Nhưng mệt mỏi bả hơi thì chẳng thể nào diễn tả nổi. Một sự mệt nhọc ê chề thấm vào và tan ra từng thớ thịt - Gió mát từ làng xóm ven sông thổi về làm cho mắt cứ nhíu lại. Không cần biết mùi hôi khăm khẳm từ hũ lọ của cá muối xông lên, không cần biết vị nồng từ dòng sông được khua khoắng ợ lên, nằm ngay trên mui mà ngáy. Trong tiềm thức chỉ réo lên một niềm miên man … ơi con sông! Ta nào biết bến này là bến nào … Ta chưa từng lặn hụp xuống đáy dòng. Ta chỉ là sinh linh nhỏ bé bất ngờ được gán ghép, chắp nối trôi đi cùng con thuyền phiêu lãng …Tôi nằm ngủ và may mắn làm sao quên đi hết thảy sự đời … Mà điều đó có phải là tôi đang trông đợi, muốn thoát khỏi nỗi day dứt của gã trai vô nghề nghiệp, đang vào chốn vô gia cư … Lặn hụp theo dòng chảy, mon men ở mỗi xóm làng ven sông …
- Ông trời, dậy đi nào! … Mau lên nào! … Có việc đấy!
Thơm lay tôi dậy. Mình mẩy còn đau ê chề nhưng tôi cũng kịp nhận ra vầng trăng hư thực trôi trên giữa đỉnh trời.
- Làm gì mà gọi dậy? - Tôi khẽ hỏi nàng - Đây là đâu rồi?
- Ngã Ba Bông rồi … con gà gáy cả tỉnh Thanh Hoá nghe rồi đấy!
- Làm gì mà gọi tôi dậy? Cô không ngủ à!
- Không ngủ được! - Thơm lào thào vào tai tôi - Ngứa ngáy khó chịu lắm.. Trăng sáng thế kia rạo rực lắm
… Ngủ sao được.
- Chỉ được cái khoảnh vặt … Biết người ta không quen đi thuyền cứ hành tội mãi …
- Thì nhảy xuống sông tắm cái đã rồi ngủ lại - Nói rồi, Thơm nuốt đến ực tiếng cười vào ngực kéo tôi lăn tùm xuống khỏi thuyền, kiểu như người ta lăn soạt đất khi hộ đê mùa lũ. Thơm kéo tay, còn tôi cứ ỳ ra mặc kệ. Ghé sát vào tai tôi nàng nói dậm dọa:
- Này không bơi là em túm đấy! Tôi sợ quá phải bơi ào theo nàng. Hai đứa vào trong một bãi sông, Thơm nói như ra lệnh: -
Vào trong bãi kia … khua khoắng ít quả bí, vài bụi lạc mai còn bươi thì …
- Chết! Tôi không làm được đâu!
- Sợ hả! Cái đồ…
- Không! Mà sợ đấy.. Ai bảo cô làm cái trò ấy!
- Trò gì … không ăn cắp cũng mang tiếng là dân buôn nước mắm, dân hàng thuyền - Nàng dịu giọng vỗ về tôi như đứa em - Mới lại mình có ăn cắp đâu … ăn sấm lộc trời một chút thôi mà … có gì em chịu cho anh… Nhưng khẽ thôi kẻo họ mà tóm được là họ trói nghiến lưng lại với nhau như kiểu bắt được hai đứa hủ hoá ấy - Suýt phì cười tôi buột miệng định quát Thơm, nhưng nàng bịt ngay lấy miệng tôi. Rồi vội vàng kéo tôi vào bãi hoa màu mênh mông … Tôi chẳng làm được gì vì sợ và mắt hoa không nhận ra được cây quả gì cả. Thơm dúi vào tay tôi quả bí đỏ còn ráp lông. Nàng nói làm tôi thấy đói cồn cào - Cái món này xào tỏi làm một bát ô tô rồi ngủ là khoái …
- Tay Thơm vơ vội ôm lạc.. Tôi sợ quá sinh buồn ỉa. Không thèm nể nài gì nữa, tôi sồn sồn nói: - Chờ tôi đi ngoài cái!
- Thật vô tích sự … Sợ đến nỗi trồi cả cứt non ra rồi … Anh sao ấy … Thế mà họ lấy đi bộ đội.. Em nói đừng giận nhé nhịn đi … kẻo dân họ phát hiện ra đấy.. Mà này họ trói cả em nữa thì khốn khổ đấy …
Nghe nói anh còn muốn thi vào Đại học cơ mà … Đi học là phải thôi … cái ngữ anh may ra chỉ học thôi chứ làm được quái gì…
- Cô có im đi không để tôi bảo! - Tôi gầm lên … Sợ lộ, Thơm đấu dịu.
- Anh thật quá đi mất! Em muốn cho anh chốc nữa về thuyền, ngồi… có phải sướng không nào. Có lẽ tôi không còn lý nào để tranh luận với Thơm. Hơn nữa, tôi cũng tự nhận thấy một điều gì đó ở Thơm mà mình không lý giải được. Chuyến “ăn bớt” lộc trời như lời Thơm nói không xảy ra chuyện gì bi đát. Lúc lên thuyền phi tang cây cỏ thả xuống dòng, rất hồn nhiên, Thơm nói với tôi:
- Bây giờ anh ra đây em bảo này.
- Gì nữa đây!
- Ngồi xuống đây! - Nói rồi Thơm xổ xuống dòng sông như người quăng từng hòn đất - Phải biết quen với cuộc sống sông nước anh ạ! Đó là điều thú vị mà trời ban cho đấy. Tôi nằm ngửa mặt nhìn bầu trời … Tôi không tài nào ngủ được … bên cạnh, Thơm mở mắt nhìn vầng trăng. Thật khác xa cô Thơm ở dưới bãi vừa rồi.

*

Những ý nghĩ vu vơ làm trái tim tôi thổn thức …. Tại sao thế nhỉ, con người loay hoay đi tìm kiếm miếng cơm manh áo, tìm kiếm hạnh phúc … xóm làng ở ven sông muôn đời chung sống thân thương.. Tắm táp dòng nước mát, chèo chống con đò mùa lũ lụt, trỉa hạt ngô trồng cây lạc.. Đêm ngày bận bịu nhưng được đắm mình trong dòng nước mát, buông những lời ca mà chỉ họ mới có được:
Con gái vắng thằng con trai
Khác chi hoa nhài thiếu bãi cứt trâu …
Hoặc:
Yêu nhau chẳng lấy được nhau
Con lợn để béo buồng cau để già.
Ngay như Thơm đấy thôi, cù mì cục mịch như đất thó mà vận ra những câu hò đáo để:
Nồi tròn mà úp vung tròn
Em đây nồi méo nên còn đợi anh.
Ánh trăng nhạt nhoà lướt lên khuôn mặt Thơm cái màu dịu dàng đầy huyền bí khêu gợi trái tim thổn thức, khát vọng sống đến vô cùng.. Mệt mỏi bởi công việc ban ngày nằm ngủ, phó thác cho con đò trôi theo dòng sông. Vô tâm đến mức trong giấc ngủ mê mệt bàn tay tìm đến quàng lấy nhau bởi cái gió hồn hậu của dòng sông mát dịu. Giấc ngủ hồn hậu của trẻ thơ đến lúc nào, thiên tư của loài người ban cho … Mãi lúc anh Hoá réo lên, cả hai mới lười nhác mở mắt, ánh sáng chan hoà của trời đất phơi ra trước nhỡn tiền. Thơm vẫn cặp chặt lấy đùi của tôi, chắc là khi đêm vì thấy lạnh, đã chờm lấy lúc ngủ. Thật xấu hổ, nghe anh Hoá nói đùa:
- Anh bảo chú mà! Dòng sông sẽ làm cho chú mất đi nỗi buồn phiền …
Sáng ra, mặt trời vỡ oà nhuộm hồng cả bến sông. Cùng lúc xóm làng hiển hiện. Những cô thôn nữ chân trần ra sông gánh nước. Tiếng người đi chợ gọi đò. Chị Hoá vác bụng chửa nặng nề bước chậm chạp lên mui thuyền giọng vỡ ra như thể trút bỏ sự mệt nhọc hàng đời người:
- Nào… ông bà chủ ơi! … Tối quần nhau cho kỳ lắm vào ngủ quên cả trời đất…
Người ta trộm mất cả rồi!... Tôi mở mắt ra nhìn chị mà xấu hổ. Thơm đêm qua ngủ mệt đã cặp chặt lấy đùi tôi, chắc lạnh … Tôi không hiểu được điều gì …

*
Một năm trôi đi, tôi quen dần với sông nước. Vai mọc ra những lớp sừng. Con sông và làng xóm đi qua hẹn tôi những lần trở lại. Bóng dáng của ai đó gặp trên bờ có ánh nhìn chờ đợi. Tôi thèm lên bờ đi tìm một ai đó trò chuyện. Có lúc thuận buồm xuôi gió nhớ vợ, lòng chạnh buồn. Tôi toan lên bờ về quê, an lòng cày ruộng. Nhưng nỗi buồn của kẻ thất cơ lỡ vận nào buông tha… Thơm hiểu được lòng tôi, em nói như tự nhủ với chính mình:
- Buồn làm gì hở người lính! Có hàng triệu nỗi buồn nếu chép ra sách mà đọc ai chịu nổi. Đằng nào chả phải sống… Cứ sống rồi tìm được niềm vui… Anh và em chèo thuyền đi nào… Tôi và Thơm ôm lấy mái chèo. Tôi nghe được nhịp đập của con tim em. Hơi thở ngọt ngào của sông nước. Nhiều lần tôi định dứt bỏ con thuyền để lên bờ mà nào dứt nổi. Đó là sự cám dỗ, sự cay đắng của mùi vị mồ hôi hoà cùng sông nước, gió trời và hương cỏ hoa của xóm làng ven bờ ấp ủ… Một hôm về đến cầu Quần Kênh thì trời vừa chiều, anh Hoá neo thuyền lại ở căn nhà nhỏ cạnh bờ, nơi vợ chồng anh mở hiệu may dạo trước. Anh nói:
- Lâu rồi chưa có bữa nào uống rượu trên bờ, hôm nay uống một bữa cho đã.
- Hay lắm! - Tôi dô vào.
- Đừng cho rằng anh chị kiết. Uống trên thuyền, ngắm trăng thì còn gì bằng…
Nhưng hôm nay anh muốn đãi chú món ốc chợ Rạng, rồi nói chuyện này cùng chú nghe, hay lắm. Tôi nghe anh rào đón mà không khỏi hồi hộp. Anh Hoá vốn chơi cùng anh tôi, những năm đi củi vỏ qua hiệu may của anh, dù đêm khuya khoắt cũng la toáng lên: “Anh Hoá ơi! Ngủ chưa”. Anh Hoá chẳng hề bực tức còn mở cửa qua cầu Quần Kênh dúi vào tay điếu thuốc “Cửu Long” cười hề hề: “Bọn em vất vả quá… Phải dậy sớm, thức khuya đi kiếm củi bán mới có tiền học phí… ước gì có một nghề nhỉ!”. Năm tháng trôi đi, anh Hoá tóc đã lốm đốm bạc. Bỏ may mặc, làm nghề chụp ảnh rồi bỏ nghề ảnh sắm chiếc thuyền thả sông nước ăn chơi. Nói là ăn chơi nhưng nào rỗi rãi gì. Hết Hồi Xuân - La Hán lại về Sầm Sơn ra Hải Phòng. Được cái chị cũng mắn đẻ, chắc ăn uống no và theo sông nước nên con chúng cứ dắt nhau mà ra... Tôi biết anh chạnh buồn vì nỗi các cháu ít được học hành… Ngày xưa ai dám bảo anh ít chữ nghĩa. Kể chuyện cổ kim vanh vách, người ta mời ra dạy cấp hai đâu có ưng… Mê cái bà chị dân thợ may lưng ong, mông lồng bàn, rõ khổ. Chị Hoá nặng nhọc đặt mâm rượu xuống bãi cỏ cạnh bờ sông, gọi với vào trong nhà:
- Dì Thơm ơi! Tắm để thành tiên hả? - Chị khẽ nói với tôi: “ Cái con bé đến lạ… Sướng lại không muốn… Muốn sự lãng mạn.
Đọc sách lắm vào, anh Hoá nhà chị, chú bảo có lạ không, sách để mục ra rồi!”.
- Giờ thì bà nói tôi sao chả được… Cái thuở tôi phải lòng bà, bà mê tôi chuyện sách vở mà lỵ… Uống đi chú. Thơm để xõa tóc ngồi vào mâm, tay khẽ đẩy tôi ra ngoài rìa sông, giọng lả chả:
- Cho em ngồi với nào… Dễ đến đầy năm rồi mới được ngồi cùng anh… Biết mai sau thuyền xuôi mà bến ngược, có gặp được nhau không…
- Dì chỉ nói… Anh chị nói thật nhé!
- Chị đừng đùa nữa… Anh Tịnh nói cùng em rồi, chuyến này về đi cày… còn chị ấy ngoài huyện, ai lại nỡ bỏ nhau… Anh Hoá chống đũa nhìn lên bầu trời khẽ thở dài, giọng thiểu não:
- Anh định nói với Tịnh và dì Thơm điều này, sợ các em lại hiểu lầm anh nên ngại quá đi mất.
- Anh nói ra đi xem nào. Em sốt cả ruột từ chiều đến giờ - Thơm khẽ đánh đầu vào vai tôi, mùi lá sả thơm ngào ngạt.
- Anh không muốn chuốc cái khó cho các em… Nhưng lần này chị có vẻ đẻ khó, anh đưa chị lên bờ…
Bán con thuyền thì tiếc, mới lại mấy lão mất dạy nó biết anh bí nên ép giá quá… Giá không bằng chiếc xe đạp Phượng Hoàng… Anh tính để hai em coi sóc thuyền, kiếm sống. Nhưng lại ngại…
- ồ chuyện đó có gì mà anh phải ngại… Em nhất trí liền… chị sợ cô Thơm không cáng đáng nổi thôi… - Sau này tôi ân hận vì câu nói do rượu khiến, nhưng lúc đó tôi như một người nghĩa tử chẳng hề tiếc đến thân mình - Lúc nào anh chị trọn vẹn với cháu là em bàn giao thuyền… Thơm thấy thế nào? Thơm tròn mắt nhìn tôi, nói giọng lạc hẳn đi:
- Chân tay học trò làm sao anh chịu nổi?...
- Yên chí … Anh quen mà!
Thơm và tôi nghiễm nhiên thành chủ con thuyền. Lâu lâu qua cầu Quần Kênh dừng lại nộp cho vợ chồng anh Hoá chút tiền hoa hồng gọi là. Chị Hoá mặc dù sinh cháu được tròn năm nhưng ngại đi thuyền và bận, lại các cháu học dở niên khóa nên không nói gì đến chuyện xuống thuyền. Đứa cháu đầu ở với tôi và Thơm theo bạn đi kén nghĩa vụ rồi khăn gói một mạch, trơ khấc lại còn hai đứa trên sông nước. Có đêm tôi định trốn lên bờ nhưng nghĩ lại: Trong chiến trận mình không hề rời đội ngũ, nay để lại mình Thơm, còn mặt mũi nào sống trong trời đất nên lại thôi. Đám cưới tôi với Thơm chỉ có anh chị Hoá và bầy cháu dự tiệc. Anh Hoá tuyên bố bàn giao con thuyền cho vợ chồng tôi. Khi nào các em có tiền đưa cũng được, miễn là cô chú đừng làm vỡ nát thuyền. Tôi nhìn làng quê sinh ra mình mà ngậm ngùi xót xa. Chỉ một đỗi đường là về đến làng mình, nhưng tôi không tài nào về được. Rồi đây những đứa nhóc ra đời, con thuyền này đã thành số phận và nghề nghiệp của chúng. Không biết sau này chúng có oán tôi, người cha đã sớm phó thác cuộc đời mình cho sông nước.
Tôi và Thơm lao động quần quật để kiểm tiền - chở vôi đá từ Nhồi lên mạn ngược. Chở nước mắm, xì dầu từ Sầm Sơn lên Kim Tân… Thôi thì ai mua gì, nhờ gì thì chở nấy, lấy công làm lãi. Mệt mỏi và đam mê quên đi những câu hát thuở nào… gặp gỡ bạn bè người quen, tôi nhận ra họ nhưng họ không nhận ra tôi. “ Bác gì ơi! Chở cho tụi này một chuyến vại sành, một chuyến xi măng được chứ…”. Râu tóc, nắng gió phút chốc tôi thành người khác, tặc lưỡi cười thầm, quên đi nỗi thổn thức một thời ước mơ khát vọng. Thơm dường như hiểu được nỗi lòng của tôi, em ôm choàng lấy cổ tôi, áp bờ vú núc ních của nàng vào lưng tôi. Chao ôi, biết bao lần em đã làm như vậy rồi. Lần nào cũng vậy, làm gã đàn ông can trường như tôi, không khỏi rầu lòng nghe em nói:
- Anh lại buồn rồi. Anh tiếc cuộc đời lắm hả. Em cũng từng ước mơ. Học xong Đại học đem kiến thức của mình đến cho đời. Em cũng có một gia đình bề thế, nhưng em đã chán cảnh đời giả tạo. Kẻ nịnh nọt vì mưu sinh, đứa uốn mình vì cầu danh, họ nào nghĩ đến phẩm giá làm người. Đi tu ư? Làm sao lại phải nhốt mình trong chốn thâm nghiêm này, tung mình ra cùng sông nước gió trăng, cởi bỏ chốn tục tằn. Mà anh xem, vẫn đắm mình cùng nẻo đời… Đừng buồn anh, em sẽ sinh cho anh những đứa nhóc. Những đứa biết chèo thuyền, mơ mộng cùng gió trăng … Tôi định bàn cùng Thơm nhượng lại thuyền để rồi lên bờ, kiếm một túp lều, vài sào đất ở chốn núi non mà trồng tỉa. Thơm cười ngất, dí ngón tay vào trán tôi giảng giải:
- Anh mới dại chưa… Đem cái phóng khoáng, giang hồ mà lên non ở, không tìm nổi sự xê dịch. Anh không biết làm thơ là phải… Ngày nào chúng mình chẳng có trời và trăng. Chẳng gặp những mặt người… Tôi nhớ rồi, có giấc mơ, thuở ấu thơ, tôi gặp một nàng tiên đi trên một con thuyền. Xa lắm, đi không hết vùng sông nước. Con thuyền chở đầy trăng và mùi mặn mòi… Có phải giấc mơ đó ứng nghiệm cho đoạn đời của tôi và Thơm hôm nay?

Truyện ngắn Từ Nguyên Tĩnh/ Tác giả gửi bài

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét