Thứ Hai, 15 tháng 12, 2014

Mời cùng tôn vinh/ Sách Văn Bạn Văn 2/ 16. Văn truyện VŨ VĂN SONG TOÀN NHỊ HỒ CẦM

NHIỀU TÁC GIẢ
Chủ biên: Nguyn Nguyên By
Văn truyện VŨ VĂN SONG TOÀN

NHỊ HỒ CẦM
    
Ở chỗ hàng cây trẩu nở ra những bông hoa trắng ngần như  mây mỗi độ cuối xuân có nếp nhà sàn,có anh mù hay kéo nhị mỗi đêm. Cách một bãi thầu dầu là nhà anh Ngọc Hồ, có vợ là Kim Líu, hai vợ chồng có đứa con gái tên là Hỷ Nhị. Mỗi khi tiếng đàn nhị hồ cất lên nỉ non , có ít nhất ba người khóc. Họ đã từng là người một nhà.

Kim Líu con ông thầy đàn Linh Cầm. Líu mất mẹ khi chưa dứt sữa. Hằng ngày Cò Ke phải bế đi bú mày mấy người trong xóm. Một bữa ở chỗ đám ma, bà khóc mướn vạch vú cho đứa con trai bú, đứa bé khóc mãi không thôi. Bà khóc mướn hát ru mãi không được, đứa con trai không chịu bú, Linh Cầm lấy nhị hồ ra kéo một đoạn lưu thủy hành vân, đàn kêu một đoạn thì đứa con trai hết khóc. Đứa con gái bò lại tranh bú. Linh Cầm nhận bà khóc mướn ở lại nhóm bản ty. Thấy đứa bé thích tiếng đàn hồ nên gọi là Ngọc Hồ. Đàn hồ là một loại nhị, có cái bầu lớn hơn đàn líu. Đứa con gái thì đặt tên là Líu, ông có một ái nữ nên quý như vàng đệm thêm chữ Kim.Riêng đứa con trai nuôi lớn hơn năm tuổi đặt tên là Vỹ Thanh, họ Cồ. Tên ở nhà hay gọi Cò ke .Cò ke tiếng dân tộc Ao Tá là cái nhị hay dùng trong phường bát âm.  Họ sống cùng nhau ,làm nghề nhạc lễ đám tang cho người Mường lẫn người Thổ, đôi khi người Thái và Người Kẻ Chợ. Khi thì hát lễ ở mấy chỗ đền chùa. Rảnh rỗi thì trồng thầu dầu  nuôi tằm. Mỗi lần đi đám ma hay hát lễ, con ngựa ô gầy già kéo chiếc xe sơn đỏ như cái linh sa. Năm người sống cùng nhau. Ngày ngày ông Linh Cầm dạy đàn cho cả Vỹ Thanh, Kim Líu và Ngọc Hồ.

Càng lớn Kim Líu càng xinh, mắt thanh mày tú, răng trắng đều như hạt bắp ,da trắng như hoa trẩu mới nở lúc ban mai. Líu mặc áo khóm Thái, thêu chỉ xanh rất thanh nhã. Kim Líu mười bảy tuổi đi ra chợ ai thấy cũng trầm trồ. Vỹ Thanh hai mươi hai tuổi, dáng người tầm thước, mặt mũi phương phi, giọng nói trầm hùng. Vỹ Thanh biết chơi đàn nhị, thổi kèn nhưng không biết hát. Ngọc Hồ mười bảy mặt trắng bạch diện thư sinh . Lúc đóng kịch Nàng Kiều Vỹ Thanh đóng vai Từ Hải, nhưng hát thì phải có người lồng tiếng. Ngọc Hồ đóng vai Thúc Sinh vừa hát hay vừa vũ đạo đẹp .

Kim Líu đóng vai cô Kiều. Cô Kiều mặc áo dài kiểu Kinh, đầu đội khăn piêu Thái. Kim Líu có lòng yêu Vỹ Thanh . Nhưng ngọc Hồ cũng yêu Kim Líu . Lúc phân vai Ngọc Hồ hay phân bì với Vỹ Thanh , Ngọc Hồ muốn  thử vai Từ Hải . Kim Líu cười : Anh nhìn mặt mình ở trong gương đi, bạch diện thư sinh. Hễ Ngọc Hồ ra đường thì đám con gái Mường đi chợ  ném bã trầu trêu Hồ. Hồ trách Kim Líu:Nhưng tôi muốn làm Từ Hải , tôi muốn cứu Kiều ra khỏi chốn nhơ nhuốc. Kim  Líu cười : tôi thương Anh Cò ke từ thở lên mười, cha cũng không ngăn cấm, mẹ anh cũng vun cho cả hai. Ngọc Hồ nói : nếu anh lấy dao rạch bụng anh cho em biết , em thấy tấm lòng của anh, anh cũng làm. Anh và em cùng bú chung một mẹ , sao mà khác lòng nhau? Kim Líu ngồi dệt vải làm rối hết cả tơ. Em thương anh như anh trai thôi. Hồ nói : chúng ta đâu phải tình huynh đệ, chỉ là đồng nghiệp đồng môn. Kim Líu với Kim Hồ trời sinh một cặp. Cò ke- Cò ke nghe sao lệch lạc. Cò kè nghe như: Tham ăn mà lấy thợ kèn- phồng mồm láo mắt tay lèn cục xôi . Kim Líu nhíu màu giận dỗi nói : Anh đừng có biếm, việc nghĩa của nhà ta đấy, nghĩa tử là nghĩa tận. Ngọc Hồ im lặng  rồi đi kéo đàn hồ. Một bữa thầy sai Ngọc Hồ đi lấy lông đuôi ngựa ô làm cái mã vỹ. Ngọc Hồ cầm con dao cau toan cắt lông , con ngựa ô đá hậu Ngọc Hồ không cho anh cắt, sau Vỹ Thanh đến thì nó đứng im cho Vỹ Thanh cắt lông. Ngọc Hồ nói buồn với Vỹ Thanh : đến con ngựa nó còn thương huynh , em chỉ là người thừa. Vỹ Thanh im lặng  bỏ đi, dáng điệu lừng lững  như con gấu ngựa . Kim Líu vẫn se sợi dệt vải , lúc căng dây dọc thì cần người chung tay, ngọc Hồ luôn lon ton giúp .Hồ nói dệt vải cũng phải có đôi, khung cửi cũng thành vô dụng nếu không có đủ bốn bàn tay. Kim Líu hiểu tình khuyên Hồ nên để cho Líu được lấy anh Vỹ Thanh.  Hồ khóc lóc đau khổ lắm. Một bữa Líu nhuộm lụa đỏ rồi ra sông Hiếu giặt. Tự dưng nước xoáy cuốn lấy tấm vải, Kim Líu bị nước kéo đi, nước xoáy quá  vải cứ quấn lấy Líu. Ngọc Hồ thấy vậy để nguyên quần áo nhảy ùm xuống sông . Ai ngờ cả hai cùng ôm nhau giã gạo. Vỹ Thanh nhảy xuống nắm tóc cứu Ngọc Hồ trước , cứu Kim Líu sau. Vỹ Thanh cầm chân dốc ngược Ngọc Hồ cho nôn ra hết nước. Lúc nữa thì Hồ tỉnh dậy. Líu trách Hồ : đã không biết bơi mà còn đòi cứu tôi, chút nữa nhồi tôi chết đuối. Ngọc Hồ trách sao Vỹ Thanh không cứu Líu trước , vậy Cò ke đâu có thương Líu bằng tôi. Vỹ Thanh cười nói Líu bơi giỏi như rái cá, chỉ có Hồ là không biết bơi, đúng y như con cáo sợ nước. Ngọc Hồ nói: đúng là khinh thường tôi mà.
Hai tháng sau, Hồ nói đăng ký đi bộ đội. Hồ nói tôi đi bộ đội chắc đi mãi , Líu ở nhà lấy Anh Vỹ Thanh hạnh phúc . Tôi biết tình yêu dễ gì ép buộc, hạt trẩu ép ra dầu, chứ ép duyên ứa ra đau khổ. Nhưng đến ngày nhập ngũ cả Vỹ Thanh và Ngọc Hồ đều đi. Họ ở cùng một tiểu đội và  được đi nghĩa vụ quốc tế tại Campuchia .  Lúc ra đi Líu trao cho Vỹ Thanh chiếc nhẫn vàng mặt đá ngọc. Hẹn khi nào hết chiến tranh thì về cưới nhau. Tiễn Vỹ Thanh đi, Líu một mình đứng dưới gốc cây trẩu , hoa trẩu rụng trên tóc Líu . Líu nghĩ hoa tàn kia có ngày thành trái , chứ không biết Vỹ Thanh biết khi nào về . Líu  ngồi buồn se sợi, sao sợ chỉ dọc cứ đứt mãi. Líu muốn dệt cho nó quên cái buồn, nhưng chả có ai cùng bắt sợi dọc khung dệt. Có hai bàn tay sao thấy vô phương .
Ba năm sau. Một buổi sáng, Líu ngồi dệt vải bên gốc cây mận, con chim khách cứ kêu lách chách mãi, Líu nghĩ chiều nay sẽ có khách. Buổi chiều Líu đang ngồi ở bên chái bếp hông xôi thì thấy một anh bộ đội đi vào . Nhìn kĩ  ra thì là Ngọc Hồ. Ngọc Hồ nói với Líu anh Vỹ Thanh đã hy sinh rồi . Kim Líu  không tin vào tai mình . Tấm vải Líu dệt sao thành tấm thành cuộn , cây trẩu nở hoa mấy lần , rụng chừng nấy lần , Líu nhặt bao trái trẩu khô  ép thành mấy ang dầu . Vỹ Thanh đã hẹn sẽ về cưới Líu, nhẫn cũng đã trao, lời đã nói . Sao nay anh lại hy sinh? Anh cao lớn hùng dũng như Từ Hải, Từ Hải lúc chết đứng, cô Kiều đến còn khóc lạy xác anh, nay sao người ta báo anh chết, chỉ đưa cho Líu một miếng giấy báo tử . Hồ đưa cho Líu chiếc hộp , bên trong có chiếc nhẫn của Líu. Vật hồi cố nhân sao Vỹ Thanh không về. Nước mắt của Líu thấm phai cả tấm lụa mỡ gà Líu đang giặt . Lụa phai mặc kệ lụa phai , Líu chả thèm nhuộm nữa. Không có Vỹ Thanh về áo khóm Líu mặc cũng chả có màu, Líu có nhìn xanh nhìn đỏ cũng chả thấy lòng rộn ràng như lúc chuẩn bị đi hội . Líu thấy thân thể  như đi mượn, người như vô hồn.  Mà sao lúc trước khi cha Líu trăn trối có trao kỷ vật lại cho ba người . Cha trao cho Líu cây đàn líu, trao cho Ngọc Hồ  cây đàn nhị hồ. Nhưng không trao cho Vỹ Thanh gì cả, ông nắm tay Líu trao cho Vỹ Thanh. Hồ đứng bên cũng thấy. Nhưng nay không còn Vỹ Thanh, thân thể Líu này để cho ai .
Ngọc Hồ kể hai người đi hành quân ở gần biên giới Tịnh Biên nước campuchia , bất ngờ bị quân Pol Pot phục kích . Một trái mìn bị ném về phía Hồ, Vỹ Thanh nhảy vào kéo Hồ ra. Hồ nghe một loạt mìn nổ, sau thấy Vỹ Thanh nằm trong vũng máu . Vỹ Thanh trăn trối với Ngọc Hồ, nếu Hồ sống sót thì về quê cưới Líu dùm anh. Vỹ Thanh biết Ngọc Hồ yêu Líu , mong rằng anh nối dây, ở trên đời không ai yêu Líu bằng Vỹ Thanh và Ngọc Hồ. Ngọc Hồ  Kim Líu là Kim đồng Ngọc nữ xứng đôi. Ngọc Hồ cưới Líu, ba bàn tay cũng hơn hai bàn tay . Ngọc Hồ chỉ có một tay , ba bàn tay cũng bắt được sợi dọc trên khung . Nhưng một bàn tay khó chơi đàn nhị, mà có chơi cũng không có người lên dây. Vỹ Thanh chết rồi Líu chả buồn nghe tiếng nhị hồ, Líu chả thèm hát, chả thèm múa kịch nàng Kiều.  Mà hai mùa hoa trẩu nở, bao nhiêu trái trẩu rơi Líu nhặt hết , Líu ép lấy dầu hết, Líu đốt thành bao nhiêu đèn dầu bên di ảnh của Vỹ Thanh mỗi đêm , mỗi tia lửa từ cái đèn dầu trẩu dệt nên bao nỗi nhớ Vỹ Thanh.
Ngọc Hồ luôn ở bên cạnh, Líu dần cũng quên đi.  Ngọc Hồ hát cho Líu nghe, điệu hát con chim sơn yến lẻ bạn, Líu nghe nhưng giả vờ bụi bay vào mắt. Hồ thấy vậy Hồ lại thổi cho Líu . Tính Hồ là người quân tử, thương Vỹ Thanh mà có cả tình bao dung với Líu, yêu thương Líu nhiều hơn dù là đã không được tình cảm của Líu. Kim Líu Ngọc Hồ trời sinh một cặp. Líu cất kỹ hai cây đàn trong tủ chè, thi thoảng lại lấy ra ngắm và nhớ cha. Đến khi líu mang bầu, Líu sinh con, Líu bận cho con bú. Líu cũng dần dần quên đi .
Ngọc Hồ là thương binh, nhưng vẫn làm công tác xã hội. Ngọc Hồ lên chức Phó chủ tịch xã . Líu không mê kéo đàn nhị nữa. Líu thích ngồi gần dại cửa ru con. Líu và Hồ đặt tên con là Hỷ Nhị. Đàn nhị tiếng nỉ non hay dùng trong đội bát âm nhạc hiếu, nhưng có lúc cũng dịu dàng vui tươi khi hát đánh đệm , lúc duyên dáng ấm áp khi lưu không. Có khi dùng trong hát xẩm, hát chèo, hát cô đầu. Hỷ Nhị là đàn nhị chỉ dùng trong việc vui. Líu và Hồ đặt tên con như vậy mong đời Hỷ Nhị vui vẻ viên mãn .Có con lòng Líu cũng vui hơn. Líu bận trồng thầu dầu lấy lá  cho tằm ăn, nuôi tằm dệt lụa,trồng trẩu xung quanh đồi lấy hạt đánh dầu. Có Hỷ Nhị  lại có Ngọc Hồ ở bên lòng Líu như hồi sinh . Đôi khi Líu nhìn qua bên nhà Vỹ Thanh là nếp nhà sàn , bỏ không mấy năm nay.  Có mấy cây cọ nở hoa , đơm trái mỗi mùa.  Những trái cọ béo vàng  mặc cho đàn vọc tranh nhau hái quả.
Một đêm khuya nọ, Hồ nằm bên phải, Hỷ Nhị nằm bên trái . Tay Hồ Mân mân mê núm vú tròn như hoa lài của Líu . Hồ thơm lên mái tóc thơm mùi lá xả và cỏ cứt lợn của Líu. Thơm vào đôi má hồng như bông hoạ địa liền của gái một con trông mòn còn mắt của Líu.  Bỗng đâu một điệu lưu  thuỷ hành vân. Líu nằm dưới  chồng, tay trái ôm Hỷ Nhị. Líu xô Hồ ra. Líu nói : đàn ở đâu lạ vậy? Đàn chi nghe quen lạ. Hồ lau nước mắt cho Líu, Hồ thấy như mùi khói đâu đây, mắt Hồ cũng chảy nước, Hồ nói chắc ai thắp hương khuya vậy trời ơi !
Sáng sớm tinh mơ, mặt trời còn chưa tỏ, Líu  dậy sớm phơi lụa hồng dưới gốc cau. Líu nhìn qua bên phía nhà sàn, cau tới vụ vàng nãu chả ai thèm hái, rụng đầy cả một chái nhà sàn. Bỗng đâu Líu nghe một điệu " Lả lơi tình " . Nghe lời sao mà ai oán : nghe đâu hương sắc thay màu- nghe đâu ván đã qua cầu vứt đi .Líu quay lại giường ôm con. Hồ nằm ôm lấy Líu. Đàn ai nghe quen quá. Líu tự dưng vứt tay Hồ ra, ôm chặt con vào lòng.
Sáng ra khi mặt trời lên tỏ, bóng ai đứng bên  cầu thang nhà mà quen quá, dáng như  Đổng Trác cỡi ngựa, như Lục Vân Tiên đánh giặc Ô Qua. Dáng ai không  phải là Vỹ Thanh đó sao , sao chàng mò mẫn như mấy đứa xẩm mù chợ Lắng . Líu nhuộm lụa trắng thành lụa hồng, lụa sao buồn không thắm.
Đêm nay sao Hồ đi mãi không về. Gà gành canh hai mà trái kè rơi lộp bộp, trái chín thơm bốc lên mùi lan cả vào màn, làm ai nhớ lúc Vỹ Thanh hay mang đến cho Kim Líu những trái kè béo thơm ngọt . Độ khoảng gà gáy sáng, mặt trời chưa lên, sương còn giăng trăng trắng phía nhà Vỹ Thanh. Hồ về say nằm ngoắc như con mèo ăn phải mủ cóc tía.  Lúc Líu đang dệt sợi ngang thứ màu xanh, Hồ chạy lại như con chó cuồng, bứt ngang dây. Mắt Hồ long lên sòng sọc.
Đêm đó chẳng còn nghe tiếng nhị cầm nam ai. Hồ sờ lên mặt Líu, Hồ ôm con ra ngoài gian giữa nằm. Hồ ru con à ơi : thương chi cho trái cọ rừng- khỉ ăn kiến thọc ngát lừng ai hay . Líu nằm trong nhà bệnh nặng,  tiếng Cò ke lại văng vẳng bên hiên. Con gái Líu lên năm trầm trồ: chú Vỹ Thanh chơi đàn nghe đứt ruột. Con mới lên năm biết đứt ruột là như thế nào, mẹ đây mới đoạn trường.
Một bữa Hồ về say khướt, Hồ nói: Vỹ Thanh chưa chết hay Líu về với Vỹ Thanh đi. Nói xong lăn xuống cầu thang,Líu đỡ dậy, Hồ xô Líu ra.  Một bữa chả thấy tiếng nhị cả một ngày, Líu chạy qua nhà Vỹ Thanh, leo lên cầu thang, thấy mạng nhện chăng đầy nhà, bếp núc lạnh tanh. Vỹ Thanh nằm đó như một con hổ ốm. Vỹ Thanh hỏi ai đó. Giọng ai trả lời: vợ Ngọc Hồ đây. Thanh nghe Ngọc Hồ mà quen , vợ sao xa lạ. Mùi lá sả ướp hương hoa bưởi sao quen quá .Mùi trầm hương từ nước thơm Líu dùng  sao lẫn đâu được . Líu ơi, em đó ư?
Hồ về nhà người như hủ hèm. Hồ  giơ cánh tay cụt  ra, tôi thương binh à, đâu có, tôi ăn cắp bẻ tay tượng Phật nên vị mìn cắt tay đấy. Hồ nói Hồ lên lên tháp Angkor bẻ tay tượng Phật, khi xuống vị mìn cắt đúng tay.
Líu đừng thương tôi nữa, tôi Ngọc Hồ là đứa đáng khinh, chả phải anh hùng gì đâu. Líu im lặng ôm Hỷ Nhị hát hờ: Tình rằng dẹp bắc dẹp đông/ tình rằng bội phản tình không là tình.
Líu không nghe tiếng  đàn mà nghe tiếng lịch kịch hay tiếng từ quy tìm bạn tình trong đêm trăng hạ huyền vọng qua đồi. Dạo này Hồ ít về nhà, một hôm Hồ về người đầy mùi nước hoa. Líu ngồi bên bếp lửa thêu váy, miệng vờ ru một câu hát than : Đỏ thay đỏ cũng thành hồng- tình nồng sao đoạn tình không là tình.  Líu nghe đồn dạo này Hồ lên làm chủ tịch xã, có người đàn bà khác trên phố huyện. Một bữa Líu đang hái lá thầu dầu, một cô   mắt xanh mỏ đỏ gặp Líu rồi nói: chồng cô ngủ với tôi mang thai rồi, cô nhường chồng cho tôi đi.
Bên nhà sàn nghe  đàn ai oán, Tiếng đàn có phải đoạn Kiều ở lầu  Ngưng Bích nhớ chàng Kim.  Líu nghe xong , Líu nói người đàn bà kia muốn làm gì thì làm. Hồ về nhà, Líu vẫn làm cơm bưng lên cho Hồ. Hồ ăn miếng canh ngũ gia bì chân chim, rồi Hồ lại nhổ ra, canh đắng sao đắng quá, Canh đắng xưa nay vẫn có hậu ngọt. Hôm nay sao Hồ thấy đắng hoài.Hồ đổ cả cơm canh xuống sàn. Hồ nói :  Cô yêu người ta thì theo đi, tôi có vợ bé rồi . Nói xong nằm ngủ còng queo bên bếp lửa.
Ba hôm sau mà không thấy tiếng đàn vọng từ phía bên kia nhà sàn, Líu bước chân lên cầu thang nghe tiếng ho.  Sân rêu nhà mốc . Vỹ Thanh nằm co ro  bên bếp lửa tro đã tàn, đàn nhị vứt chỏng chơ, dây tơ đã đứt . Líu về nhà se sợi, cầm qua chỗ nhà sàn, không quên nấu cháo , nước củ đinh lăng chín năm già cho Vỹ Thanh. Nửa ngày sau Líu nghe tiếng đàn nhị ca lên một điệu nam ai. Hồ về, say mèm, người sực mùi nước hoa. Hồ dỏng tai lên nghe. Một  tiếng đàn hồ. Hồ đạp văng nắp tủ chè rồi lấy ra cây đàn hồ , kỷ vật của sư phụ Linh Cầm tặng cho Hồ. Hồ sờ cò đàn, sờ lên mã vỹ, sờ lên miếng nhựa thông bôi chỗ bầu đàn. Mắt Hồ long lên, Hồ bẻ ngang cây đàn, hồ mắng: vì cái của nợ này mà có người đứng núi này trông núi nọ, cô muốn theo người ta thì theo đi.
Hôm sau anh ta đi đâu mất bóng. Líu chạy qua chỗ nhà sàn tìm Vỹ Thanh mà không thấy anh ta đâu. Líu thấy Vỹ Thanh nằm dưới chân cầu thang, mặt mày đầy máu. Nước mắt Líu chảy mềm cả ngũ tạng. Líu đỡ Vỹ Thanh lên nhà, nấu cháo, rồi chạy lên đồi hái thuốc dấu đắp thương  cho Vỹ Thanh. Líu nằm bên cạnh  Vỹ Thanh thiếp đi lúc nào không biết . Tự dưng có tiếng kêu la : đồ gian phu dâm phụ, hai người dối lừa tôi. Hỷ Nhị đâu phải con tôi đúng không? Ai ngủ với cô? Người ta đi xa lúc mấy người có chửa à? Nhìn nó đi , nó giống người ta y như lột, hay dù là ngoại tình tư tưởng nên con mà không giống cha.
Ngày hôm sau chỗ nhà  sàn chả còn nghe tiếng nhị cầm. Vỹ Thanh bỏ đi đây không rõ, chỗ nhà chủ tịch xã Kim Ngươn cũng thấy bếp núc lạnh tanh, người ta cũng không thấy Ngọc Hồ đâu . Kim Líu tay đánh đàn miệng hát đôi ba bài của người Kinh kiểu xẩm lả lơi . Đi đâu cô cũng hỏi thăm có ai gặp một người ông mù nhưng mặt vuông chữ điền, dáng ngang tàng lắm, kéo đàn nhị cầm không . Líu đi khắp bốn chợ huyện, năm chợ tỉnh, một bữa gặp người ta chỉ cho nơi mãi ca của Vỹ Thanh. Líu kéo một điệu đàn, lưu không dài như vạn dặm. Người xẩm mù hỏi:  Kim Líu em đấy ư? Líu im lặng gục khóc nức nở. Vỹ Thanh nói : vì cứu anh mà Hồ cụt một tay, ở trên đời Hồ yêu em nhất nhất . Yêu sao dễ thay lòng đổi dạ, yêu sao muốn con không cha  vợ không chồng.
Có cô gái điếm hôm nọ hôm nay bụng chửa vượt mặt nói với Kim Líu : Ngọc Hồ thương Líu , thương anh Vỹ Thanh mà muốn Líu ghét bỏ Hồ mà về với Vỹ Thanh.Hồ nhờ tôi nói dối Líu là có thai với Hồ, đứa con này cũng là đứa con của của người khác, tôi chưa từng ngủ với anh Ngọc Hồ.
Nghe xong Vỹ Thanh và Líu lặng đi . Từ đó họ ra đi tìm Ngọc Hồ . Tìm mãi không thấy. Nghe đâu Ngọc Hồ đóng mảng  xuôi theo dòng sông Hiếu  đi về phía biển Cửa Lò rồi. Vỹ Thanh cúng hỏi ma xó. Ma xó đòi thứ vàng, thứ bạc. Anh hỏi xem có thứ vàng bạc nào mà Hồ đã chạm vào rồi. Anh ném chiếc nhẫn mặt đá vào lửa, vì chiếc nhẫn có hơi của Ngọc Hồ. Lửa tàn, Líu thấy một đống sắt, lòng Líu đau như cắt: tình là trang sức bằng vàng, để nguyên thì đẹp nhưng không biết rõ chân giả. Nếu đốt rồi biết rõ chân giả cũng mất đi hình dạng đẹp rồi .
Sao Hồ cố tình muốn làm cho Líu muốn rời xa Hồ, cầm bằng lòng yêu như núi . Vỹ Thanh lấy cây nhị ra, ngồi xuống đất xếp bằng rồi lấy mã vỹ ra kéo. Nhị Hồ có hai dây, một dây bằng tơ, một dây bằng đồng, Vỹ Thanh như dây đồng, Ngọc Hồ như dây tơ, cắt một dây sao còn  thành tiếng. Líu biết cắt dây nào. Từ đó ở khắp chợ cùng quê vùng Nam Thanh-Bắc Nghệ, có cặp vợ chồng nhà mãi ca, chồng thì mù, nhưng dáng điệu ngang tàng như Từ Hải, cô vợ người Thổ  đẹp lắm và một đứa con gái nhỏ. Họ đi khắp nơi hát mấy bài hát lả lơi tình. Gặp ai cũng hỏi có ai thấy người đàn ông cụt tay mà mặt đẹp thư sinh ở chân trời góc bể nào không, người đấy tên là Ngọc Hồ.

Truyện ngắn Vũ Văn Song Toàn/ Nguyễn Văn Hòa đọc chọn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét