Thứ Sáu, 25 tháng 7, 2014

Tiểu thuyết NNB / Linh Hồn Lang Thang/ Đoạn 6


Chiến tranh đã ở phía sau lưng lâu lắm rồi, nhưng cứ mỗi khi ngoái đầu nhìn lại, ta vẫn thấy khói súng như còn thoang gió đâu đây và những linh hồn các anh hùng liệt sĩ còn như vói gọi. Vói gọi không thanh âm, không ngôn ngữ, mà luôn làm lòng ta nấc lên thao thức, ngậm ngùi... Linh Hồn Lang Thang, tiểu thuyết được viết từ những năm 1980 thế kỷ trước, NXB Sông Bé ấn hành, và nay, được bước vào thập kỷ thứ hai  của thiên kỷ 2000, NXB Văn Học in lại.

LINH HỒN LANG THANG

tiễu thuyết
nguyễn nguyên bảy

Sáu, 

Yngơn từ buôn Đrâyda chạy về báo tin, Hơben đã bị bọn lính bắt về đồn. Ama Vàng lại thấy Yblem hiện nguyên gương mặt giận dữ như ngày đầu anh gặp. Đôi mắt Yblem long lên như đôi mắt cọp, chiếc ná và giỏ tên trên vai run bần bật. Ngồi họp với Ama Dú, Ama Vàng mà lòng Yblem vẫn không hạ lửa.
-          Phải cho tôi dẫn đội du kích đi đánh cái đồn Đrâyda để cứu Hơben.
-          Đánh đồn Đrâyda không dễ như đánh cái đồn buôn Mùng đâu. Bọn giặc phòng kỹ lắm.
-          Ama Dú không muốn cho tôi đi cứu Hơben?
-          Tao cũng thương Hơben như mày thương Hơben nhưng phải bàn kỹ để đánh được cái đồn, cứu được Hơben. Ama Vàng thấy tao nói vậy có đúng không?
-          Tất cả chúng ta ai cũng thương Hơben cả. Hơben là em gái tao, tao không thương nó sao được. Nhưng phải bình tĩnh Yblem ạ.
-          Giàng ơi, làm sao yên cái bụng được. Bọn lính giải Hơben về đồn, chúng nó tra tấn, chúng nó làm nhục Hơben. Tao thà chết cũng phải đánh đồn Đrâyda.
Sau khi mất đồn buôn Mùng, bọn giặc lo xây cất đồn Đrâyda kiên cố hơn. Chúng giăng mắc dây kẽm gai quanh đồn, có chó bécgiê canh gác và có bốn lô cốt bảo vệ trại lính. Muốn tiêu diệt đồn Đrâyda phải có chi viện của chủ lực. Ama Dú quyết định nhân dịp này xin chủ lực chi viện đánh đồn Đrâyda và đồn Dú luôn.
Yblem cũng hiểu là không có cách nào khác.
Nhưng Yblem làm sao yên cái bụng. Yblem ngồi suốt đêm ở bìa rừng, sát với đồn giặc, mắt chong chong nhìn vào chòi canh. Khi Ama Vàng tìm thấy Yblem thì vai áo Yblem ướt đẫm sương.
-          Hơben thương tao lắm. Tao thề với Giàng là tao thương Hơben như thương Hơli, tao không bao giờ để Hơben phải khổ. Vậy mà bây giờ Hơben phải khổ, tao nghe tiếng Hơben gọi tao mà tao không thể cứu được Hơben. Giàng ơi, tôi có tội gì mà Giàng trừng phạt tôi thế này.
-          Tối mai chủ lực về đánh đồn cứu Hơben.
-          Tối mai?
-          Ama Dú bảo tao đi tìm Yblem, báo cho Yblem yên cái bụng.
-          Làm sao tao yên cái bụng được. Còn cả ngày mai nữa, làm sao Hơben chịu được những đòn tra tấn của thằng giặc.
Yblem nghiến răng ken két, cằm bạnh ra, lông mày dựng ngược.
Anh nhớ, những ngày Hơben chăn nuôi anh ở Quân y viện tỉnh, ngày nào anh cũng nói chuyện với Hơben về Yblem. Hơben chỉ lặng thinh. Anh tưởng đã kho1lay chuyển được Hơben. Nào ngờ, khi anh bệnh, trở lại buôn, anh đã gặp Hơben đi soi cá với Yblem vui như một đứa trẻ.
-          Ama Vàng ơi, em gái Ama Vàng yêu Yblem rồi.
Yblem bảo, Yblem cũng không biết vì sao Hơben yêu Yblem. Nhưng khi nghe Yblem kể lại, Ama Vàng mới hiểu là sự tác thành của mình cho hai người không thật quan trọng, mà trái tim Hơben đã cảm Yblem.
-          Đêm ấy, hình như Hơben ở buôn Đrâyda về, không hiểu vì nó mệt, hay vì cảnh đêm rủ rê nó, nó ngồi tựa lưng gốc cây bên bờ suối và ngủ. Giàng ơi, nó không biết sợ con ma rừng, không biết sợ con thú dữ sao. Cái gan của nó giống Hơli quá. Yblem muốn đánh thức nó dậy, và nếu nó bằng lòng, Yblem có thể bồng nó về nhà. Nhưng Yblem không dám lại gần nó. Nó sẽ nghĩ Yblem là một thằng đàn ông xấu. Hơli vẫn bảo Yblem thế mà, khi con gái Êđê ngủ, đừng có lại gần, lại gần là muốn làm điều bậy. Yblem đã thức canh cho nó ngủ.
-          Hơben có biết không?
-          Nửa đêm nó tỉnh dậy, nó biết. Nó nói Yblem: Sao Yblem không đánh thức Hơben dậy? Không được đâu. Yblem đã trả lời nó như thế. Nó đứng dậy sửa lại váy và đi xuống suối. Yblem không dám đi theo, chỉ đứng nhìn. Một lát, nó ở dưới suối lên, lại ngồi xuống gốc cây khi nãy. Mắt nó nhìn Yblem đẹp như mắt con hoẵng cái. Ama Vàng, nó bảo Yblem yêu Hơben nhiều lắm, nhưng Hơben viết Yblem không yêu Hơben nhiều bằng yêu Hơli đâu. Yblem lắc đầu: Đừng nhắc tới Hơli, tội nó. Hơben vun những lá khô rải sát chỗ nó ngồi. Yblem ngồi xuống đây, Yblem ngủ đi, Hơben canh cho. Thế là lời cầu của Yblem đã thấu đến Giàng, Giàng đã cho Hơben yêu Yblem.
Hơben không chấp nhận tình yêu của Yblem chỉ bởi Yblem đã yêu Hơli, thế rồi Hơben yêu Yblem vì chợt cảm thấy mình đang được hưởng tình yêu mà mình ghen tuông ấy. Mình còn sung sướng hơn Hơli, bởi Hơli đã chết mà mình thì đang sống và Yblem đang ở sát bên mình. Quá nhiều thử thách, nhưng cuối cùng tình yêu cũng đã tới với Yblem. Biết quý trọng và nâng niu một tình yêu thì sớm hay muộn tình yêu cũng sẽ tới.
Yblem vẫn ngồi lặng, bất động nơi bìa rừng.
Ama Vàng không có cách gì làm thuyên giảm nỗi lo lắng của Yblem.
Cầu Trời, đừng cho bọn lính làm nhục Hơben. Con gái Êđê thích tắm trần dưới suối, thỉnh thoảng phô bầy bộ ngực của mình như trái cam chín trên cành. Nhưng bộ ngực ấy là của chồng mình, của con mình, bất kỳ một kẻ lạ nào muốn vọc bàn tay bẩn thỉu lên bộ ngực ấy đều khiến người con gái Êđê cảm thấy nhục nhã, chồng và con của họ phải trả thù, nếu không rửa được mối nhục ấy, thì người con gái Êđê thà chết.
Chẳng phải Ama Vàng đã thấy Hơben tắm bên bờ suối. Chẳng phải Ama Vàng đã thấy vú Hơben đong đưa như hai trái cam trên cành. Không phải con đực trong Ama Vàng không hý lên tiếng hối thúc của ngựa. Nhưng Ama Vàng là Ama Vàng, Ama Vàng chạy trốn sự thèm muốn của mình. Nhưng những thằng lính trong đồn là những thằng lính. Cánh tay trần săn chắc của Hơben, cặp giò khỏe mạnh của Hơben và chỉ cần giật sợi dây buộc mỏng manh nơi lưng, là Hơben đã bị biến thành một con cái, hoàn toàn không còn là Hơben đẫm ánh trăng đang tắm suối.
Nếu cái đêm Yblem thức canh cho Hơben ngủ, sự thèm muốn tầm thường con đực của Yblem thức dậy, Yblem có thể chinh phục được Hơben bằng sức mạnh của con đực trước con cái, nhưng Yblem sẽ mất vĩnh viễn Hơben, bởi Hơben không thể yêu một kẻ làm nhục mình. Yblem đã không làm thế, đã nuốt cơn thèm muốn và chờ đợi tình yêu rung động trái tim Hơben.
-          Tao đã trông thấy tất cả rồi, Ama Vàng ạ.
Yblem đột ngột quay về phía Ama Vàng, giọng lạc đi.
-          Yblem thấy gì?
-          Hơben… Nó chết mất.
-          Yblem đừng nghĩ tới chuyện xấu.
-          Tao biết Hơben, tao biết lũ con gái Êđê mà. Chúng nó không chịu nhục. Tao thề trả thù cho Hơben.
Ama Vàng hiểu rằng, Yblem đã linh cảm thấy cái chết của vợ mình.
Đêm sau, chủ lực về đánh đồn Đrâyda và đồn Dú.
Tiếng súng vừa nổ, Yblem đã lao về phia trước như một con báo. Từ phút ấy cho tới k hi đồn Đrâyda bị tiêu diệt hoàn toàn, Ama Vàng không thấy bóng Yblem.
Chiến thắng. Đuốc thắp sáng rừng, nhưng tiếng reo hò chừng như không nghe thấy.
Ama Vàng linh cảm chuyện dữ. Anh cùng Ama Dú và mấy đồng chí bộ đội chạy lại phía đám người đang đi im lặng một dòng suối đuốc.
Yngơn và Ypang cùng du kích khiêng Hơben và Yblem đi trong dòng suối đuốc ấy. Hơben mặt rách nát, tím bầm, phủ trên người một mảnh vải bê bết máu. Yblem trúng đạn trên trán, máu trong ánh đuốc làm gương mặt như đang cháy.
Ama Vàng lao tới.
-          Hơben, Yblem!
Không một tiếng đáp. Anh chợt thấy từ thân xác hai người bay vụt lên trời một đôi chim. Đôi chim bay sóng hàng, cánh xòe rộng, chao liệng trong ánh đuốc, chấp chới như cánh tay vẫy, rồi bay đi. Trời cao vút, chi chít sao, đôi chim bay về phía những vì sao ấy.

*

Anh cứ nghĩ rằng qua ngày thứ hai, thế nào Cúc cũng lên viện thăm anh. Anh đã thấp thỏm suốt một ngày. Sự chờ đợi khiến thần kinh của anh khi căng, khi chùng, khi như người lên cơn sốt giận dữ, chỉ muốn đập phá cái gì đó cho hả, lại khi như người không trọng lượng, chơi vơi. Cho tới khi anh buộc phải lên giường ngủ, Cúc vẫn không tới.
Có lý nào Mai Vàng không nói với Cúc bề anh? Anh như tưởng thấy cảnh hai mẹ con ngồi đẩy củi trong bếp và Cúc bắt con gái kể mọi chi tiết về cuộc gặp gỡ với anh. Nhưng anh lập tức bác bỏ sự tưởng tượng ấy. Con bé mải mê chuyện tem phiếu sẽ chẳng nói gì với mẹ nó cả. Không thể. Hay là Cúc bị choáng và ngã bệnh ngay sau khi Mai Vàng nói chuyện gặp anh. Nếu vậy thì tội nghiệp Cúc. Cúc là người đàn bà dễ xúc động, chuyện này đối với Cúc sẽ là cú sốc lớn lắm. Lại lần nữa anh tưởng tượng ra Cúc đang nằm trên giường bệnh, mặt mày hốc hác, nước mắt đầm đìa. Tội nghiệp Cúc, Cúc phải khóc. Những năm tháng xa anh, Cúc đã khóc hết mấy giếng nước mắt, bây giờ anh trở về Cúc lại phải khóc.
Những bênh vực của anh đối với Cúc chẳng đứng vững ngay trong tâm hồn anh. Cúc không còn yêu mình nữa rồi. Chỉ cần nghĩ tới điều này lòng anh đã vữa ra. Anh đã yêu Cúc bằng tất cả tấm lòng. Mãi mãi anh còn yêu Cúc. Vậy mà Cúc lại hết yêu anh. Thật là một trớ trêu. Có phải vì anh đi xa mà Cúc hết yêu anh? Không hẳn. Anh chợt thấy hiện lên hình ảnh người bác sĩ, yêu vợ và lúc nào cũng ở bên vợ, vậy mà vợ còn tìm cơ hội để cắm sừng lên đầu chồng. Mình cũng sẽ rơi vào bi kịch đó. Khi người đàn bà nuôi ý định ngoại tình, thì họ sẽ thực hiện được ý định đó bằng mọi cách. Thời gian và không gian không có nghĩa với họ. Năm mười phút, một gốc cây, một bờ tường đều có thể trở thành giường ngủ vội vàng đầy khoái lạc của họ. Anh rùng mình như trông thấy cảnh chó và gà “lẹo” nhau giữa sân.
Cúc không đốnmạt như thế, nhưng Cúc dễ dãi lắm. Vừa nhìn thấy anh mắt Cúc đã cười say. Nếu anh không phải là anh mà là một thằng đàn ông nham nhở khác, thì chỉ cần sau bữa đi chơi lần thứ hai với Cúc, anh đã có thể đưa Cúc lên giường. Anh bỗng nghe linh hồn lên tiếng. Đàn ông các người thật bẩn thỉu. Tới với người đàn bà nào, các ngươi cũng muốn chinh phục và chiếm đoạt. Gặp phải sự chống trả, các người cũng tìm mọi cách vượt qua. Nhưng khi cởi được khuy áo người đàn bà, các người liền cảm thấy con đàn bà dễ dãi, hư thân mất nết. Ai cho phép ngươi nghi ngờ tình yêu của Cúc? Trước đây, có bao giờ ngươi nghi ngờ đâu?
Mà thôi. Nếu Cúc không còn yêu mình nữa, thì có gì để nói. Tình yêu không một chiều. Có lẽ mặc cảm tội lỗi. Mình đã hơn một lần nói với Cúc rằng, em chẳng có lỗi gì, mọi sự chỉ tại thằng súc vật. Nhưng Cúc bảo rằng, Cúc còn chút liêm sỉ cuối cùng, Cúc không dám tiếp đón tình yêu của mình. Có thật Cúc nghĩ như vậy? Hay chỉ là cách nói, cách thoái thác? Mình có với Cúc một đứa con. Còn Cúc có với thằng súc vật ấy những hai đứa. Con nào chẳng là con. Mẹ nào chẳng là mẹ. Sức níu kéo của hai đứa vẫn mạnh hơn sức níu kéo của một đứa. Chẳng lẽ Cúc lại đem lên bàn cân sự lựa chọn giữa mình và Thế? Thôi! Anh đột ngột quát lên với dòng ý nghĩ của mình. Nhưng dòng chảy không chịu ngừng. Anh quyết định xin cô y tá hai viên thuốc ngủ. Chỉ có ngủ mới giải thoát cho anh khỏi những suy nghĩ đau đớn, dằn vặt.
Thuốc ngủ phát huy tác dụng. Linh hồn rời thân xác anh, bay đi.
Khác với những lần trước, lần này linh hồn không la cà những nơi ghi dấu những kỷ niệm của anh, linh hồn bay thẳng về dốc Thọ Lão, ngồi thu mình trên cành dừa nhìn vào căn nhà thân yêu.
Trong nhà, đèn vẫn sáng. Mai Vàng đang ngồi xếp những tem phiếu vào chiếc ví da nhỏ. Mặt nó bần thần, hình như nó đang nhẩm tính cái gì đó.
Thế ngồi trên ghế bố, nhắm mắt, nhưng không ngủ. Chiếc áo sơ mi ca rô thùng thình che cái bụng phưỡn.
Cúc đang ngồi trong màn quạt cho Mai Duyên, thỉnh thoảng lại đưa tay lên sờ lên trán con. Hình như con bé bị cảm.
Một lát. Mai Vàng thu dọn đồ đạc của mình, treo cái túi xách lên tường, vào buồng, bước lên giường nằm cạnh Mai Duyên. Con quạt choe m, để mẹ… Mai Vàng không nghe hết câu, đáp lại gọn lỏn: Vâng, rồi nhận cái quạt nan từ tay mẹ.
Cúc bước ra nhà ngoài.
-          Anh tưởng hôm nay em vào bệnh viện thăm…
-          Mai Duyên nó ốm.
-          Chớ không phải tại anh?
-          Không.
-          Anh phải xa nơi này một thời gian, nếu không muốn nói là mãi mãi. Mai anh sẽ đi.
-          Anh định đi đâu?
-          Có lẽ là xa… Mọi chuyện bây giờ do em quyết định. Anh chỉ muốn nói với em về các con.
-          Sao?
-          Nếu anh phải chăm lo Mai Vàng tử tế hơn, thì bây giờ cũng đỡ ân hận. Nó đi mua bán tem phiếu có kiếm được không?
-          Đủ miệng nó ăn.
-          Còn Mai Duyên, thằng Quảng khi lớn bằng Mai Vàng, thì cũng tự đi kiếm lấy miếng mà sống. Anh với em có còng lưng cũng không nuôi được chúng nó sung sướng. Mà nếu nhà ta có đào được mỏ vàng, thì cũng bắt chúng nó phải tự kiếm sống.
Mọi ngày, mỗi khi Thế nhắc lại điệp khúc này, thế nào Cúc cũng lớn tiếng với Thế. Nhưng hôm nay, Cúc thấy lòng dịu lắng, có lẽ cũng bởi Thế nói với Cúc bằng tông giọng khác, cách xưng hô cũng nền nã hơn.
-          Em thấy thế nào?
Cúc im nín.
-          Anh biết là em không đồng tình với quan niệm đó của anh. Em luôn nghĩ anh là thằng thực dụng…
Thế cười nhạt. Chỉ những thằng ngu mới không thực dụng. Mình đang sống, không chịu ý thức sự sống của ngày hôm nay, của chính mình, mà hễ mở miệng là nói sống cho con cháu mai sau. Nếu hôm nay ta không sống đầy đủ, giàu có, thì liệu con cháu mai sau hứng sự đầy đủ, giầu có từ trên trời rơi xuống chăng?
Thế vẫn lớn miệng nói ra điều ấy. Chẳng ai thèm nghe, chẳng ai thèm dây. Người thì cho những lời lẽ đó phản động, kẻ thì bảo nó lạc lõng, xa lạ. Thực ra, đó cũng là những điều phải suy nghĩ. Nhưng cũng bởi tư cách của Thế dơ dáy quá, lúc nào cũng buông tuồng chụp giật, ích kỷ hại nhân, nên những điều Thế vừa nói ra đã bị chính tư cách của Thế làm cho hề, làm cho nhơ bẩn.
-          Anh chẳng hứa trước điều gì với em…
-          Anh đừng hứa.
-          Anh biết, chưa bao giờ em tin anh.
Cúc thở dài. Cuộc đời thật ngắn ngủi. Mới đó mà tôi đã mẹ của ba đứa con. Mới đó mà tôi đã ngoài ba mươi tuổi, đã hai đời chồng, đã coi như đời chẳng có gì đáng sống nữa. Hơn hai năm sống với Mạnh, tôi những tưởng là người hạnh phúc. Sinh ra ở đời được hưởng hoa thơm quả ngọt. Nhưng Mạnh đã bảo tôi đó không phải là hạnh phúc đích thực. Mạnh đi kiếm tìm cho tôi hạnh phúc khác. Và hạnh phúc đích thực đã đến. Thế bước vào cuộc đời tôi. Tôi chưa có lấy trọn vẹn một ngày đáng sống. Ngày đầu tiên, , Thế nhấc bổng tôi lên giường như nhấc một món đồ chơi. Tôi càng chống cự, càng bẹp dí xuống giường. Từ đó, Thế đã dậy cho tôi hạnh phúc bằng những cái tát, những lời tục tằn. Tôi còn biết tin vào ai nữa. Họ đều là đàn ông, đều nói với tôi những lời mầu sắc về cuộc đời và tôi đều thấy có lý. Bây giờ, người ở chiến trường về, tôi không thể đánh mất liêm sỉ của mình để đón nhận tình yêu của anh ấy. Còn một người, cảm thấy lương tâm mình cắn rứt và quyết định bỏ mẹ con tôi ra đi. Tôi cũng đúng và họ cũng đúng. Chỉ có điều gánh nặng của cuộc đời trút cả xuống vai tôi.
-          Những năm tháng sống với em, anh đã làm cho em… Anh thực không phải… Anh xin em…
Thế ôm mặt khóc.
Cúc vẫn ngồi nín thinh. Hình như Cúc đã quá quen thuộc với những giọt nước mắt này. Cúc cũng đang khóc, nhưng nước mắt chảy ngược vào trong, ngập ứ phổi. Cúc húng hắng ho.
-          Em hãy nói với anh Mạnh là anh xin chuộc tội.
-          Anh chẳng có tội gì hết.
-          Sao, em nói sao?
-          Chuộc lại cũng chẳng thể được.
-          Anh biết.
-          Cũng có thể.
-          Nhưng em nhất định phải lên thăm anh ấy.
Cúc không trả lời. Đứng dậy, bước lại bàn thờ Mạnh. Lặng một lát, Cúc cầm bức ảnh Mạnh để nhiều năm trên bàn thờ, lấm láp mạng nhện và bụi. Bức ảnh Phật Bà Quan Âm bấy lâu đã bị ảnh Mạnh che khuất bây giờ hiện ra. Chẳng hiểu tiếng mõ ai tụng, tiếng kinh ai thỉnh, mà âm âm không gian một giọng giảng tích kinh.
“Vua A-xà-thế tuy đã quy y Phật, nhưng còn những cơn sầu hận. Chỉ vì một việc cãi lẫy giữa một người ở Vương Xá với một người ở bên Xá Vệ mà vua lại ra binh đánh vua Ba-tư-nặc”.
Trời ơi, tới đâu cũng nghe rao giảng lời Phật khuyên bỏ chiến tranh. Linh hồn Mạnh đang ngồi trên ngọn cây dừa chợt bưng tai, bay lên.
Những cơn sốt rét kéo dài, khiến sức khỏe của anh giảm sút nghiêm trọng, cấp trên quyết định đưa anh ra miền Bắc chữa bệnh và điều dưỡng. Trước ngày lên đường, anh cùng già làng và Ama Dú đi thăm mộ Yblem và Hơben.
Hai người sống cùng tắm chung một con suối, chết cùng nằm chung một nấm mộ. Anh hái một ôm bông trang đặt lên mộ hai người. Nén hương thắp đỏ.
Hơben linh thiêng, Yblem linh thiêng, hãy về nghe anh nói.
Anh như thấy Hơben và Yblem đang ngủ, bừng mắt tỉnh dậy.
-          Giàng ơi, Ama Vàng.
-          Anh tới chia tay vợ chồng em để về Bắc thăm Amí Vàng.
-          Thăm Amí Vàng? Đừng đi Ama ơi.
-          Hơben đừngnói vậy. Ama Vàng về miền Bắc thăm Amí Vàng, thăm bạn bè đồng chí, rồi Ama Vàng lại trở vô với người Êđê mình.
-          Không, Hơben không muốn Ama Vàng đi đâu. Ama Vàng hãy ở lại với các buôn làng Êđê. Già làng sẽ gả cho Ama một cô gái Êđê xinh đẹp làm vợ.
-          Không được đâu, Hơben, Ama Vàng phải về với Amí Vàng thôi.
-          Giàng ơi…
-          Kìa Hơben, sao Hơben khóc? Ama Vàng nhất định sẽ trở lại với các buôn làng Êđê mà. Ama Vàng cũng sẽ cùng với người Êđê đánh Mỹ, Ama Vàng sẽ cùng với người Êđê trả thù cho hai em…
-          Bồ Tát đến rồi, chúng em phải nghe giảng kinh, Ama Vàng có muốn nghe giảng kinh với vợ chồng em không?
-          Kinh gì?
-          Phật khuyên bỏ chiến tranh.
Anh chưa kịp hỏi gì thêm, đã nghe tiếng mõ vang ran, ngân nga cùng lời Bồ Tát.
“Vua A-xà-thế tuy đã quy y Phật, nhưng còn những cơn sầu hận. Chỉ vì một việc cãi lẫy giữa một người ở Vương Xá với một người ở bên Xá Vệ mà vua lại ra binh đánh vua Ba-tư-nặc”.
“Quân binh rầm rộ, chiêng trống vang tai, xe pháo nhộn nhàng, can qua dấy động. Hai bên đánh nhau ròng rã trong bốn ngày. Ngày đầu, vua Ba-tư-nặc mất hết voi. Ngày thứ nhì, vua mất hết ngựa. Ngày thứ ba, vua mất hết chiến xa. Ngày thứ tư, binh lính của vua lớp chết, lớp bị bắt làm tù binh”.
“Vua Ba-tư-nặc cả thua, bươn bả chạy về thành Xá Vệ trên một cỗ xe còn sót lại”.
“Vua lấy làm lo lắng, âu sầu, nước mắt chảy ròng ròng. Một người bước vô. Ấy là thương gia Chân Tế Bần Phạp (là Đức Phật giả danh). Nhà thương gia an ủi vua, và chịu ra tiền để vua đánh báo thù. Nhờ vàng của Chân Tế Bần Phạp, vua lại chiêu binh mãi mã, mua thêm khí giới. Ngài ra binh, đánh bắt được A-xà-thế. Như vua Ba-tư-nặc không giết, lại đem giao cho Đức Phật để ngài định luận”.
“Lúc ấy Đức Phật cũng vừa mới trở lại vườn Cấp Cô Độc. Vua Ba-tư-nặc đem kẻ giặc đến và hỏi: Bạch Như Lai, vua A-xà-thế đánh thua, bị tôi bắt. Người oán ghét tôi, nhưng tôi tử tế với người. Vì một cái nguyên nhân nhỏ nhít, người xuất binh đánh tôi. Người ăn tôi trước, nhưng bây giờ lại thua và sa vào tay tôi. Tôi không muốn giết người, cha người khi trước, vua Tần-bà-sa-la với tôi là bạn, nên tôi vì tình ấy mà muốn tha thứ cho người”.
“Đức Phật phán: Nên tha đi. Tranh đấu mà làm gì? Hơn là bị oán ghét, thua là bị khổ nhục. Bực Thánh Triết không bàn sự hơn thua. Ganh gổ sanh ra ganh gổ. Oán ghét sanh ra oán ghét. Bậc Thánh Triết không màng sự ganh gổ với ai, mà cũng không oán ghét ai. Giết người là người giết, hơn người là người hơn. Bậc Thánh Triết không giết hại ai mà cũng không màng ai hơn thua với mình”.
“Trước mặt Đức Phật, vua A-xà-thế hứa trở nên trung hậu với vua Ba-tư-nặc”.
Lời rao giảng của Bồ Tát vừa dứt, đã nghe tiếng của Yblem vang lên như cồng:
-          Bồ Tát rao giảng điều đó với chúng tôi nghĩa lý gì?
Hơben cũng đế tiếp vào câu hỏi của chồng:
-          Có phải người muốn kẻ thù chà sát, tiêu diệt chúng tôi, bắt chúng tôi phải làm nô lệ, và chúng tôi không có quyền cầm vũ khí?
-          Các người hiểu sai điều rao giảng của ta. Nếu Đức Phật chưa nhập cõi Niết Bàn thì chính Ngài sẽ là vị thương gia kia, tới với các người, mua vũ khí cho các người đánhlũ yêu ma. Nhưng lẽ sống của muôn loài không phải là chiến tranh. Vì thế, các người cần phải hiểu cái lẽ thuận hòa mà chung sống. Các người cần phải biết tha thứ rộng lượng. Các người hãy diệt bớt dục vọng, những ham muốn, những ganh gổ, những oán ghét lẫn nhau. Hòa bình là cõi phúc. Chiến tranh là địa ngục. Đừng tưởng sẽ tìm thấy cõi phúc trong địa ngục ấy.
Bồ Tát nói xong tung tràng hạt bay đi.
-          Ama Vàng, anh có nghe thấy lời Bồ Tát?
-          Anh nghe rõ lắm. Nếu Đức Phật chưa nhập cõi Niết Bàn thì chính Ngài sẽ là thương gia Chân Tế Bần Phạp đến với chúng ta, mua vũ khí cho chúng ta đánh lũ yêu ma.
Ama Dú vỗ mạnh tay vào vai anh, xốc anh đứng dậy. Ta phải về thôi. Già làng rưng rưng cặp mắt nhìn anh như hỏi: Mày có trở lại với người Êđê chúng tao nữa không, con? Anh đáp lại chắc nịch: Già làng tin đi, Ama Vàng là con của già làng, Ama Vàng sẽ trở lại với các buôn làng Êđê.
Anh đã chia tay với những người Êđê thân thiết của mình bằng lời hứa đó. Giờ đây, nhìn cuộc chiến tranh này dưới con mắt khác, anh vẫn hiểu lời thề là lời thề và đã là lời thề thì phải thực hiện.
Linh hồn anh lại liệng xuống ngọn cây dừa. Trong nhà, không thấy Thế, chỉ một mình Cúc ngồi nín lặng trước ảnh Quan Thế Âm Bồ Tát.

*

Cúc tới bệnh viện thăm anh, mặt lạnh toát không một giọt nước mắt, không một lời kể lể trần tình. Nhưng anh hiểu rằng, nước mắt Cúc đã ngập đầy hai buồng phổi. Hơi thở đã có nước mắt, nặng nhọc lắm, anh chẳng muốn nói thêm câu gì cho nước mắt đầy thêm.
-          Sao cô không bảo Thế và các con cùng lên với tôi.
Cúc nín lặng.
-          Chuyện cô với Thế, tôi không trách. Hoàn cảnh xô đẩy các số phận, biết sao khác được. Tôi chỉ mong cô và Thế hạnh phúc…
-          Anh Mạnh. – Cúc òa khóc. Anh nhìn thấy những giọt khóc chảy ra cùng với máu.
-          Cái gì đã qua, cho qua luôn. Tôi với cô cũng như tôi với Thế, chẳng người nào sung sướng gì mà phải ganh tỵ, mà phải hiềm thù nhau. Tôi ở trong kia, cô ở ngoài này, chúng ta đều đã nhìn thấy những người quanh ta chết bom, chết đạn. Dù sao chúng ta cũng may mắn hơn vì chúng ta còn sống. Còn sống có nghĩa là còn xây dựng lại được cuộc đời, còn tìm kiếm được hạnh phúc. Chúng ta vẫn còn những đứa con, và chúng ta có bổn phận phải lo cho tương lai chúng nó. Cô đừng khóc nữa. – Cúc vẫn khóc. – Cô đã lên thăm tôi, như thế có nghĩa là cô còn tưởng nhớ đến tôi. Tôi chỉ yêu cầu cô một điều. Cô thu xếp giấy tờ để tôi gửi Mai Vàng đi học.
-          Anh không cho em quyền nuôi con?
-          Cô vất vả với các con nhiều rồi, tôi có bổn phận san sẻ vất vả đó với cô.
-          Em có tội với anh, bây giờ anh muốn gì em cũng…
-          Tôi không muốn gì cả, tôi phải có trách nhiệm với con tôi.
Lại những giọt nước mắt nhạt nhòa trên mặt Cúc.
Mạnh nhắm mắt lại.
…Quanh một chiếc bàn, Ama Dú, Ama Thương và một số đồng chí trong Tỉnh ủy đang chờ anh nối điện thoại với Tư lệnh khu.
-          Alô… T500 đâu… Vâng… Báo cáo các đồng chí Tư lệnh… Đêm nay, Tây Nguyên có một đoàn xe đặc biệt… Rất đặc biệt đi qua cung đường Hồng Hà… Xin được sự bảo vệ tối đa của các đồng chí… Vâng… Vâng…
Anh bỏ máy, nở nụ cười rất tươi, quay ra với mọi người:
-          Mọi chuyện ổn cả. Đồng chí Tư lệnh mặt trận đã chỉ thị các đơn vị yểm trợ tối đa cho đoàn xe của chúng ta. Chúng ta sẽ đưa các cháu tới đèo Cô Tiên. Rồi từ đó, xe của Bộ Tư lệnh Trường Sơn sẽ đưa các cháu ra Bắc.
Anh nhìn đồng hồ.
-          Chúng ta đưa các cháu ra xe.
Ama Dú nắm tay anh:
-          Ama Vàng đưa các cháu tới nơi tập kết an toàn nghe.
Xe từ từ chuyển bánh. Bàn tay các chú, các bác vẫy theo các cháu. Lũ trẻ ngồi trong xe, chưa hết ngơ ngác, chỉ có Dú, lớn nhất bọn, đưa tay vẫy lại mọi người.
Những chiếc máy bay quân thù thả pháo sáng tung tóe giữa trời. Cánh rừng nghiêng ngửa. Chiếc xe như đi trong giông bão.
Mạnh ngồi bên cạnh người lái xe, căng thẳng nhìn ra con đường. Bỗng một chùm pháo sáng thả ngay trước mặt. Mạnh nói với người lái xe:
-          Dừng lại.
Lại một chùm pháo sáng bừng nở, soi sáng con đường.
-          Chúng nó đánh chặn đấy, cho các cháu xuống hầm.
Mạnh nhảy xuống xe. Chạy về phía sau, nhảy lên thùng xe. Người lái xe cũng chạy theo anh.
Anh ôm từng đứa trẻ đưa xuống. Người lái xe nhanh chóng đưa chúng vào hầm ẩn nấp.
Trong ánh pháo sáng của địch, thấy rõ những bước chân trẻ thơ hốt hoảng.
Còn một đứa trẻ cuối, Mạnh ôm choàng lấy nó, lao xuống. Một loạt bom nổ rất gần. Anh nằm đè lên nó. Bom dứt, anh bế nó chạy thốc vào một căn hầm gần đó.
Sau loạt bom, là lũ cánh bằng đi xăm. Những loạt đạn nổ dọc đường. Có tiếng trẻ khóc vì sợ hãi. Anh định lao ra khỏi hầm. Đứa trẻ níu tay lại.
-          Ama, con sợ, Ama đừng đi…
-          Để Ama xem ai khóc? Có phải thằng Ylưu khóc.
Anh chạy về phía hầm thằng Ylưu.
-          Ylưu…
Ylưu lại hét toáng lên:
-          Con sợ…
-          Đừng sợ. Có Ama đây. Nín đi con…
Thằng bé ngồi run rẩy trong vòng tay anh. Mặt nó cắt không còn giọt máu. Chùm pháo sáng đã tắt ngúm giữa trời. Tiếng máy bay xa dần. Anh bồng Ylưu ra khỏi hầm, đặt nó lên xe, rồi nhanh chân chạy tới từng hầm, bồng trên tay từng đứa một.
Anh bấm đèn pin, soi khắp lượt lũ trẻ, đếm từng đứa, đầy đủ cả, anh thở phào nhẹ nhõm.
-          Dú… Con bắt nhịp cho các bạn hát to lên. Sắp tới vị trí tập kết rồi đấy.
Lũ trẻ hát.
Chiếc xe lại lao đi. Vầng trăng muộn màng cuối tháng đã dần nhô cao, tỏa ánh bàng bạc xuống khắp con đường.
-          Anh nhất định đưa Mai Vàng vào trường miền Nam?
Anh gật đầu:
-          Con tôi phải đi con đường của cha nó.
Cúc lấy khăn tay lau mắt. Cô lẳng lặng ra về. Anh không tiễn chân mà nằm vật xuống giường. Ở trong anh, Cúc đã chết.
Ama Vàng! Chợt anh nghe ai đó gọi mình. Tiếng gọi to lắm, quen lắm. Anh ngước mắt nhìn. Từ phía lớp học, một đứa trẻ lao về phía anh. Anh nhận ra Dú. Chưa kịp gọi Dú đã nghe bừng dậy một loạt âm thanh đan kết bằng tên anh: Ama Vàng… Ama Vàng…! Theo sau Dú là Thương, là Lê, là Ylưu, là Ypăng. Những đứa trẻ Tây Nguyên mà anh đã đưa chúng vượt qua bom đạn để tới học dưới mái trường này. Anh thấy cả Mai Vàng trong đám trẻ ấy, gương mặt tươi tắn, lỗng lẫy như mùa xuân. Anh lao về phía đám trẻ. Các con ơi, Ama của các con đây. Mai Vàng ơi, ba đây…! Nước mắt anh tự nhiên túa ra. Những giọt nước mắt ngọt ngào. Có lẽ đây là lần đầu tiên, anh được nếm vị nước mắt ngọt ngào của đời mình. Chảy nữa đi, nước mắt…

Đà Nẵng 1985
Thành phố Hồ Chí Minh 1987
In lần đầu năm 1987, NXB Tổng hợp Sông Bé


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét