Thứ Sáu, 25 tháng 7, 2014

Tiểu thuyết NNB / Linh Hồn Lang Thang/ Đoạn 5


Chiến tranh đã ở phía sau lưng lâu lắm rồi, nhưng cứ mỗi khi ngoái đầu nhìn lại, ta vẫn thấy khói súng như còn thoang gió đâu đây và những linh hồn các anh hùng liệt sĩ còn như vói gọi. Vói gọi không thanh âm, không ngôn ngữ, mà luôn làm lòng ta nấc lên thao thức, ngậm ngùi... 
Linh Hồn Lang Thang, tiểu thuyết được viết từ những năm 1980 thế kỷ trước, NXB Sông Bé ấn hành, và nay, được bước vào thập kỷ thứ hai  của thiên kỷ 2000, NXB Văn Học in lại.

LINH HỒN LANG THANG

tiễu thuyết
nguyễn nguyên bảy

Năm,


Irít ngồi trên cành cây cao, nhưng tầm mắt bị cây che khuất, không thể nhìn tung ra bốn phía. Trong căn lán nhỏ, ẩn mình dưới các lùm cây, Huyện ủy Nam Sông Ba đang họp, có đồng chí Hán trên tỉnh về dự. Yblem vắng mặt vì đang tập luyện cho đội du kích buôn Đrâyda. Hơben đang lo công việc dưới buôn Dú. Ama Vàng, Ama Dú và các đồng chí của mình đều mặc quần áo bà ba đen ngồi quây tròn bên nhau. Cuộc họp tập trung cao độ vào phương án giải phóng hoàn toàn các buôn làng khu vực Nam Sông Ba.
Không hiểu vì sao bọn giặc phát hiện cuộc họp bí mật đó, chúng đổ lính bủa vây.
Khi Irít nhìn thấy thằng lính đầu tiên, thì chúng đã tiến rất gần lán họp. Irít gõ chiêng báo động. Hàng loạt đạn nổ về phía cành cây Irít đứng. Irít trúng đạn, rớt xuống đất, tiếng chiêng cũng lặng đi.
Những người đang họp lao ra khỏi lán, chạy túa mỗi người một đường. Bọn lính lao lên, đạn xối xả đuổi theo.
Ama Vàng lao về phía suối. Đã mấy lần bị địch phục kích, lần nào anh cũng lao về phía suối. Anh linh cảm con suối luôn giúp anh thoát hiểm. Chợt anh thấy mình loạng choạng muốn té xấp.
Một ai đó bỗng thét vào tai anh:
-          Ráng lên Ama Vàng, để tôi yểm trợ cho.
Người đồng chí đó là Ama Dú. Anh nghe thấy tiếng đạn của Ama Dú bắn ngược trở lại phía mấy tên lính.
Ama Vàng cố lao người lên, anh chạy, trước mặt anh cánh rừng chao nghiêng, cánh rừng chao ngửa. Tiếng nổ phía sau lưng như xô chân anh đi. Và cứ thế anh trôi. Anh trôi giữa những vòng rừng chao nghiêng, chao ngửa. Anh trôi cho tới khi kiệt sức, vật mình xuống cỏ, mê man.
Khi anh tỉnh dậy, mở mắt, một trời sao lấp lánh đêm. Cổ anh cháy khát, anh trườn mình về phía trước, nơi có tiếng nước chảy.
Anh chợt khựng lại trước một con suối lớn. Bên kia bờ suối, một con cọp đã phát hiện ra mùi máu tanh, nó gầm gừ nhìn anh, đôi mắt thèm thuồng.
Mình chết về tay ác thú mất. Anh chợt nghĩ. Nếu con cọp quăng mình qua suối, sang được tới bên này, thì anh làm sao chống cự. Một nỗi lo sợ bản năng, anh xoay người trườn trở lại, hy vọng thoát xa dần tầm giết người của con thú. Nhưng thực ra đó chỉ là lòng ham sống vô vọng. Bởi lẽ, nếu con cọp qua được suối, thì dù anh có chạy cách xa nó bao nhiêu trăm thước, nó cũng đuổi kịp và xé xác anh.
Anh không chờ đợi một cái chết phanh thây như thế này. Thà rằng, một viên đạn của kẻ thù bắn vỡ tim anh, còn hơn nhìn thấy hàm răng đỏ lòm máu của dã thú.
Tiếng gầm rít của con cọp thật ghê sợ, gai ốc anh nổi lên, toàn thân lạnh cóng. Anh nhắm mắt lại. Chẳng còn hy vọng gì nữa. Quán Thế Âm Bồ Tát cũng không thể cứu được anh. Mạnh ơi, tôi nghiệp thân mày.
Chợt anh thấy con cọp lồng lên, sự lồng của giãy giụa, chứ không phải sự lồng của oai hùng muốn băng qua con suối. Và nó quất đuôi bỏ chạy.
-          Ớ. Ama Vàng…
Tiếng ai gọi va đập vào vách núi vọng lại. Nghe như tiếng Yblem.
Anh cố hết sức đáp lại.
-          Yblem, Yblem…
Một bóng người lao về phía anh. Giàng ơi, đúng là Yblem, chiếc nỏ trong tay.
-          Giàng ơi, Ama Vàng… Tao đi tìm mày khắp rừng, sao mày không lên tiếng cho tao hay. – Yblem ngồi xuống bên anh. – Mày bị thương nặng lắm phải không?
-          Yblem vừa bắn con cọp dữ?
-          Cũng nhờ con cọp mà tao tìm ra mày. Cọp ngửi mùi máu thính hơn người, nơi nào có nó, thì nơi đó có máu tanh. Tao thông thấy nó bên bờ suối. Nếu không phải đi tìm mày, thì con cọp không thể chạy thoát.
-          Tao khát nước quá.
Yblem chạy xuống suối, vục một tay nước lên cho Ama Vàng.
-          Giàng ơi, mày ra nhiều máu quá. Tao phải đưa mày tới nhà Ama Thương thôi.
Không kịp để anh phản ứng. Yblem xốc anh lên vai và chạy. Thoạt đầu Yblem còn chạy nhanh, sau chậm dần, anh nghe thấy hơi thở phì phò nơi hai lỗ tai Yblem. Nhưng Yblem không chịu để anh xuống, cứ vác trên vai băng qua rừng.
Ama Thương đang ngủ, Yblem đánh thức Ama Thương dậy.
Ama Thương đốt đuốc và rịt lá thuốc cho Mạnh.
Vết thương nơi chân Mạnh sưng vù, thâm tím, máu đông cứng.
-          Phải đưa nó lên tỉnh thôi, Yblem ạ.
-          Sao? Mày vẫn là thầy lang giỏi nhất buôn cơ mà.
-          Chậm rồi, cái lá không cứu được nó, đạn còn nằm trong người nó. Tao chữa không được.
-          Lên tỉnh, Ama Vàng sẽ chết mất.
-          Sao mày không đưa nó tới đây sớm hơn.
Yblem lặng người:
-          Nếu như thằng Irít nhà tao không chết, thì tao đã đi tìm Ama Vàng ngay…
Amí Thương mang võng và cây đòn ra. Thằng Thương cũng hết ngái ngủ, tay nó cầm cây đuốc.
Ama Thương và Yblem mỗi người một đầu khiêng Mạnh đi. Thương cầm đuốc dẫn đường.
-          Ama Thương, mày nói đi, thằng Ama Vàng có phải chết không?
-          Nó bị nặng, mất máu nhiều quá.
-          Nếu thằng Irít nhà tao không chết… - Yblem nhắc lại với nỗi đau đớn tột cùng. – Tao đang tập bắn súng cho đội du kích buôn Đrâyda thì thằng Dú tới báo tin. Tao chạy về thì đã thấy thằng Irít chết. Tao hỏi Ama Vàng, không ai biết Ama Vàng đâu, thế là tao vác nỏ đi tìm nó. May có con cọp gầm bên suối nên tao tìm thấy nó… Nó bị thương nằm ở đó cả buổi rồi. Nếu thằng Ama Vàng phải chết, là Giàng bắt tội các buôn làng Êđê. Ama Vàng, vì người Êđê mình mà lên đây. Nó đang lo cho thằng Dú, thằng Lê, thằng Irít, thằng Thương ra Bắc đi học như con nó thì trúng cái đạn của giặc. Ama Vàng ơi…
Anh nghe tiếng ai gọi mình, tiếng gọi từ cõi xa xăm lắm, anh đang bị nhốt trong căn nhà ngổn ngang những xác chết biết nói biết cười, phải chăng đây là ngôi nhà âm phủ? Không. Anh nghe tiếng cọp gầm. Đúng rồi, con cọp đã bay qua được suối và đuổi riết theo anh. Nó xé đôi người anh ra, bỏ cái bắp chân anh vào miệng, máu túa ra hai bên mép. Anh hốt hoảng thét lên: Yblem, cứu tôi với. Anh mở bừng mắt. Yblem đang ngồi bên anh, trên một chiếc giường của viện quân y.
-          Ama Vàng, Yblem đây mà.
Bàn tay Yblem nắm bàn tay anh run run.
-          Ama Vàng sống lại, tao mừng cái bụng lắm. Bây giờ tao về buôn, báo cho già làng, báo cho Ama Dú, báo cho Hơben biết là mày còn sống. Mày là người bạn tốt nhất của người Êđê chúng tao, mày không được chết.
Những người bạn Êđê bảo anh không được chết, anh phải sống. Cúc của anh, Mai Vàng của anh cũng bảo như thế, anh làm sao có thể chết được.
Yblem về hôm trước thì hôm sau Hơben đã đến với anh.
-          Già làng nói Hơben lên nuôi Ama Vàng, khi nào Ama khỏe, đưa Ama về buôn.
-          Giàng ơi, thế còn công việc của Hơben dưới buôn Đun, buôn Đrâyda.
-          Ama Dú giao cho Yna làm thay. Ama Dú cũng bảo, nếu Hơben không đưa được Ama Vàng mạnh khỏe về buôn làng người Êđê, thì Hơben cũng đừng về.
Anh cười. Hơben cảm thấy vui cái bụng.
-          Hơben biết cách làm cho Ama Vàng mau khỏe mà.
Anh hoàn toàn tin điều đó. Có Hơben bên cạnh, anh thấy yên lòng lắm. Đây là lần thứ hai Hơben nuôi anh trên giường bệnh. Những ngày anh ở bên Cúc, anh khỏe như một con voi, chưa một lần sổ mũi nhức đầu. Sao trời không cho anh cảm cúm một lần để Cúc nấu cho anh bát cháo tía tô, đập thêm cái trứng gà nữa thì tuyệt lắm. Anh vụng vè nắm bàn tay Hơben.
-          Hơben ơi!
-          Ama Vàng nói đi!
Đôi mắt Hơben nhìn anh ấm áp, trìu mến. Hơben đang chờ nghe anh nói điều gì mà trái tim Hơben đập mạnh thế, bàn tay Hơben run thế.
-          Mấy hôm nữa, Hơben đưa Ama Vàng về buôn, Ama Vàng sẽ xin với già làng cho Ama Vàng nhận Hơben là em gái, Hơben có chịu không?
Hơben không đáp lời, chỉ gật đầu.
-          Trong gia đình người Kinh, em gái phải vâng lời anh trai.
-          Hơben sẽ vâng lời Ama Vàng mà. Hơben sẽ ngoan mà… Nhưng Hơben biết là già làng không chịu đâu. Già làng chỉ muốn Ama Vàng ở mãi với người Êđê thôi.
-          Dù ở đâu, đi đâu, lòng Ama Vàng cũng nghĩ tới cái buôn làng Êđê, cũng nhớ tới em gái Hơben.
Hơben nhìn anh rưng rưng nước mắt.

*

Chiều thứ bảy anh Ba vào bệnh viện, xin phép bác sĩ cho Mạnh được về nhà chơi ngày chủ nhật. Bác sĩ đồng ý với hai điều kiện: Chiều chủ nhật phải đưa Mạnh trở lại bệnh viện. Đừng làm cho Mạnh quá xúc động về những chuyện gia đình. Về điều kiện thứ hai, bác sĩ giải thích thêm:
-          Những cơn sốt rét của anh Mạnh ở thể tái phát vivax sẽ trở thành sốt cách nhật lành tính. Bệnh viện chúng tôi có thể điều trị dứt hẳn. Những bết thương ở tay và chân làm cho anh ấy đau đớn, khó chịu khi thời tiết thay đổi. Điều đó cũng không đáng ngại. Chúng tôi chỉ ngại, một cái gì đó quá mạnh có thể gây nên những cơn sốc tinh thần. Hình như hoàn cảnh gia đình anh Mạnh có những trục trặc?
Anh Ba gật đầu.
-          Trong chiến tranh ác liệt thế này, gia đình nào mà chẳng có trục trặc.
-          Vợ chú ấy tưởng chú ấy đã chết nên đi lấy chồng. Chú ấy thương vợ lắm.
Bác sĩ cười nhạt:
-          Người ta không chờ đợi được mình thì thôi, có gì mà phải buồn thảm.
-          Bác sĩ nói nghe đơn giản quá.
-          Sai lầm lớn nhất của đời tôi là tôi đã lấy vợ. Nếu pháp luật rộng rãi một chút thì chúng tôi đã bỏ nhau. Gấu ó nhau suốt ngày, hết chuyện tiền bạc, lại đến chuyện ăn uống, chuyện con cái. Chiến tranh liên miên, gia đình nào cũng một chốn đôi ba nơi, làm sao mà đủ ăn. Chẳng gia đình nào mà không bi kịch. Tôi cho rằng những người sống độc thân là sướng nhất.
-          Thà là vậy, nhưng đời sống vợ chồng là cái tình, cái nghĩa.
-          Nghèo quá thì khó lòng mà nghĩa mà tình được. Ai chớ, con vợ tôi, tôi mà đi công tác vài tháng là cắm sừng lên đầu tôi ngay. Muốn có hạnh phúc gia đình phải có tiền. Lương bác sĩ chỉ đủ nuôi miệng, đào đâu ra tiền. Tôi không nhớ một văn sĩ nào đã viết: Đồng tiền là giác quan thứ sáu, không có tiền thì cả năm giác quan vốn có của con người không hoạt động được. Tôi chỉ ước sao, ngủ qua một đêm, tỉnh dậy được là người chưa lấy vợ.
-          Bác sĩ khôi hài giỏi quá.
-          Tôi nói nghiêm túc đấy. Vợ chồng thời buổi này khổ quá.
-          Nhưng chú ấy không nghĩ như bác.
-          Có nghĩa là anh ta thích có vợ. Dễ ợt. Gái thời chiến đâu phải lá mùa thu. Vợ bỏ, lấy vợ mới càng trẻ, càng đẹp hơn. Nếu anh ta muốn, tôi sẽ làm mối cho một dây gái.
Anh Ba cười, đứng dậy. Thời buổi lạ thật, người ta nói chuyện gì cũng ngược ngạo. Luân thường đạo lý mà người ta coi như trò đùa. Về điều này, những quả bom Mỹ đã ném trúng đích, tâm hồn người nào cũng bị trúng bom.
Anh Ba thoáng nghĩ tới gia cảnh mình. Yên ổn quá, đẹp quá. Con trai anh ở Liên Xô mới gửi thư về, nó khoe nó học rất giỏi. Còn chị Ba đi sơ tán theo cơ quan cũng như đi nghỉ an dưỡng. Chiều nay, thế nào chị cũng về, anh mới viết thư gửi xe cơ quan lên khu sơ tán. Anh dặn chị mua gà đãi khách. Phải chăng bom Mỹ đã né tránh ốc đảo gia đình anh? Không có gì phải sợ hãi những quả bom đó. Chiến tranh sẽ xua tan mọi bi kịch. Sẽ chẳng có di hại nào hết. Và chiến thắng đang đi từng bước, chân anh đang tới rất gần, rất gần…
Hai anh em đèo nhau trên chiếc xe đạp Phượng Hoàng mầu cánh chả. Anh Ba khoe với Mạnh, chiếc xe này của chị, tốt hơn chiếc xe đạp Liên Xô anh vẫn đi. Chị Ba mới từ khu sơ tán đạp xe về. Từ ngày đi sơ tán, chị Ba mập và khỏe hơn. Trên đó chẳng có việc gì làm, chỉ suốt ngày lo nấu ăn, đọc sách và ngủ. Tuổi năm mươi đạp xe gần năm chục cây số về nhà mà không một tiếng kêu rêm mình…
-          Chị mong được gặp chú lắm.
-          Dạ. – Anh đáp lơ đễnh.
Đường phố Hà Nội tĩnh quá, gần như thời gian chẳng làm cho thành phố thay đổi bao nhiêu. Những xe đạp guồng chầm chậm, người bộ hành bước giống nhau, một vẻ mệt mỏi. Phố xá cây cối xanh mướt, những căn nhà thấp nhỏ, xưa cổ, nhấp nhô. Anh cảm như mình chưa đi xa thành phố tới một năm, chứ đừng nói tới mười năm.
-          Hà Nội mình đánh Mỹ ác liệt như thế mà vẫn nên thơ phải không chú?
-          Dạ.
Anh không thể đáp khác. Nên thơ, đó là quan niệm thẩm mỹ của mỗi người. Một buổi chiều tà, một hàng cây quen thuộc, một tiếng rao hàng, một dòng người chậm chạp, một sắc mầu gần như đồng loạt, sắc phục bộ đội, đầu nón cối, một vài dang1nghe6nh ngang thanh niên. Không. Anh không có quyền phản bác quan niệm nên thơ đó của anh Ba hay bất kỳ ai khác. Anh chỉ cảm giác Hà Nội tĩnh quá, chẳng một đổi thay ngoại hình, một cái gì đó tội tội, khổ khổ.
-          Từ hôm chú ra tới giờ, đã hôm nào xuống hầm trú ẩn chưa?
-          Dạ, rồi. Cứ nghe loa báo tin có máy bay Mỹ là các cô y tá lại đi từng giường lùa tụi em xuống hầm.
-          Người nước ngoài phục chúng ta lắm chú ạ. Kể cũng lạ, vừa đánh giặc giỏi, vừa sản xuất giỏi, chẳng một ai bi quan. Họ khâm phục chúng ta cũng phải.
-          Em nghe nói có một nhà báo phương Tây ước mơ sau một đêm có phép mầu, tỉnh dậy thành người Việt Nam.
-          Cả nhân loại, ai cũng ước mơ được sống, chiến đấu như người Việt Nam. Chúng ta sinh ra vào thời đại kỳ diệu thật. Đáng sống, đáng kiêu hãnh lắm.
Mạnh không nối lời anh Ba.
Anh ấy tốt quá, nhân hậu quá, nhưng cũng đơn giản quá. Đối nghịch với cái đẹp đẽ là sự xấu xa, cái cao cả là sự thấp hèn, cái nhân nghĩa là sự phản bội, cái hạnh phúc là sự bất hạnh, cái no đủ là sự đói khát. Chiến tranh, dù là chiến tranh gì đi nữa cũng sản sinh cùng lúc cả hai luồng âm dương đó. Vì thế, không nên chỉ biết mặt phải của tấm huân chương, mà còn phải biết mặt trái của nó. Phải biết hai mặt của chiến tranh.
-          Tôi muốn dành cho chú một bất ngờ.
-          Đối với em, cái gì bây giờ cũng bất ngờ cả.
-          Tối hôm qua, vợ chồng tôi lại nhà chú. Cô ấy về quê thăm thằng Quảng, còn thằng Thế đang ngồi uống rượu. Chúng tôi xin phép sáng nay cho Mai Vàng lại đằng tôi.
-          Có nghĩa là anh đã nói với Thế về em?
-          Không. Nó đang có hơi men nên chẳng biết nghe chuyện gì cả.
-          Thực tình em chưa muốn gặp cháu.
-          Con nhỏ đâu có tội tình gì mà chú giận nó.
-          Em muốn chữa cho lành bệnh rồi mới gặp cháu.
-          Gặp chú, chắc nó mừng lắm.
-          Liệu nó có nhận ra em không anh?
-          Sao không? Tôi chưa nói cho cháu biết đâu. Muốn dành cho nó một bất ngờ.
… Bữa đó, thằng Irít chụm lửa nướng cá cho anh ăn. Anh đã kể cho nó nghe về Mai Vàng. Nó há hốc mồm ra nghe. Trước mắt anh Mai Vàng hiện ra bằng xương bằng thịt, chứ không phải trong tưởng tượng của anh. Đứng cao tầm thước, nhí nhảnh với mái tóc xõa vai. Nước da trắng nõn, thêm cái rét đầu mùa miền Bắc làm cho ửng hồng. Hai lúm đồng tiền thật sâu.
-          Ba giới thiệu với con, đây là anh Irít.
-          Mai Vàng chào anh Irít.
-          Mai Vàng ạ, anh Irít nhiều tuổi hơn con, nhưng anh Irít biết ít cái chữ hơn con. Bởi anh Irít còn phải cùng buôn làng Êđê đánh Mỹ. Anh Irít đánh Mỹ rất giỏi, anh đi giao liên cho các bác, các chú. Anh Irít biết bắn con thú trong rừng, biết tát con cá dưới suối. Bây giờ anh Irít ra miền Bắc, con giúp anh Irít học thật giỏi để mai sau anh Irít trở về xây dựng các buôn làng Êđê.
-          Nhất định con sẽ giúp đỡ anh Irít ạ. Con sẽ nói các bạn con cùng giúp đỡ anh Irít. Anh Irít sẽ kể chuyện Tây Nguyên cho tụi con nghe, tụi con sẽ dạy anh Irít múa hát, sẽ vui lắm ba ơi.
-          Em Mai Vàng sẽ dẫn con đi chơi, Irít ạ. Ở miền Bắc, những thiếu nhi cỡ tuổi con, tuổi Mai Vàng sung sướng lắm, được đi học, được múa hát. Các con có thầy cô giáo, có đội thiếu nhi, cóa các ba, các mẹ thương yêu.
Mai Vàng nhẩy chân sáo trước mặt anh. Tay Mai Vàng nắm tay Irít, hai đứa tung tăng trên đường phố náo nhiệt đông đúc của Hà Nội.
Thế rồi Irít chết.
Ngày buôn làng tiễn đưa Dú, Lê và mười thiếu nhi Êđê khác ra Bắc đihọc, anh đã dẫn xấp nhỏ tới trước mộ Irít. Cuộc chia tay không có nước mắt, chỉ có lời thề. Irít ơi, mày nằm đây, mày không được ra miền Bắc học tập như chúng tao. Chúng tao hứa với mày, sẽ học thật giỏi, để sau này về xây dựng buôn làng, chúng tao sẽ xây cho mày một ngôi mộ thật đẹp. Mày đừng buồn, đừng khóc vì chúng tao phải xa mày nghe, Irít…
Đám thằng Dú giờ học ở đâu? Anh chưa hỏi được tin chúng. Ít ngày nữa, ra viện anh sẽ đi tìm chúng.
Chị Ba từ trong bếp chạy ra đón Mạnh, nước mắt lưng tròng.
Một bé gái đứng tựa cửa bếp, nhìn về phía anh trân trân. Mai Vàng đấy ư? Phải Mai Vàng của ba không? Anh hỏi lòng mình trong nước mắt mờ nhòa. Bé gái vẫn nhìn anh trân trân. Mặt cháu nghiêm trang, khô gầy, đen đúa. Tóc kẹp gọn trong chiếc kẹp ba lá. Chiếc áo mầu hoa cà đã dây nhiều vết bẩn. Chiếc quần lụa đen ngắn cũn cỡn.
-          Kìa Mai Vàng, ba con đó.
Con bé vẫn không nhúc nhích, đôi mắt nó không chớp, môi bậm miệng.
Anh bước lại phía con gái.
-          Mai Vàng, ba đây mà.
Con bé vẫn đứng im, nhưng nước mắt túa ra.
-          Mai Vàng, - Anh choàng tay ôm con vào lòng, - Ba đã về với con đây mà.
Con bé chợt khóc òa:
-          Có phải bác là ba cháu không?
-          Thật mà con, ba thật mà con.
-          Mẹ bảo ba chết rồi
Anh chị Ba đứng nép vào nhau. Chị Ba mặt đầy nước mắt. Anh Ba cũng không nén được xúc động.
-          Ba con đó Mai Vàng ạ, ba con mới ở chiến trường ra. Ba con chưa chết, người ta báo tin lầm…
Con bé ôm chặt lấy cổ anh, khóc nấc.
-          Ba ơi, sao lâu quá ba không về với con, con chờ ba, con khổ quá ba ơi.
Anh Ba nhìn hai cha con Mạnh, một chút ngậm ngùi, anh kéo chị ra sau nhà.
Mạnh bồng con lên lòng, hai cha con ngồi xuống ghế.
Lòng anh xát muối. Mai Vàng của anh tong teo quá, nhẹ quá, như một phiến lá. Tại sao Mai Vàng lại khác xa trong trí tưởng tượng của anh thế này. Nước da đen đúa, cả đến hai đồng tiền, trong nhớ của anh nó sâu lắm, vậy mà bây giờ nó như biến mất trên gương mặt khô nhám, già trước tuổi.
-          Hôm nọ ba về thăm mẹ và con phải không?
-          Sao con biết?
-          Con nghe Mai Duyên kể lại, con đoán ngay là ba, nhưng tại sao ba đi mất, ba hứa trở lại mà con chờ hoài không thấy. Ba có nhớ con không?
-          Ba nhớ con nhiều lắm.
-          Nhớ con tại sao ba không về với con?
-          Ba còn phải đánh giặc.
-          Sao dượng nói ba chết rồi?
-          Đó là sự lầm lẫn thường tình trong chiến tranh con ạ.
-          Tôi nghiệp ba quá.
-          Mẹ có khỏe không?
-          Dạ, khỏe.
-          Mẹ có biết con tới đây gặp ba?
-          Không. Bác Ba đâu có nói. Khi nãy tới đón con, bác Ba gái mới nói cho con biết.
-          Mẹ về quê à?
-          Dạ, chủ nhật nào mẹ cũng phải về quê thăm thằng Quảng. Chiều mẹ ra. Ba có muốn gặp mẹ không?
-          Rồi ba sẽ gặp.
-          Ba giận mẹ lắm phải không?
-          Không. Mẹ con tốt với ba.
-          Ba có vợ rồi à?
-          Sao con hỏi ba như vậy?
-          Dượng bảo, nếu ba con còn sống thì ba con cũng đã lấy vợ rồi. Chỉ có lấy vợ thì ba mới quên mẹ và con.
-          Ba nhớ mẹ con và con lắm.
-          Con không tin.
-          Sao vậy?
-          Nếu nhớ thì ba đã tìm mọi cách để về với mẹ và con.
-          Sau này lớn lên, con sẽ hiểu tất cả.
-          Chẳng cần phải lớn lên đâu ba ạ. Con sắp mười ba tuổi rồi.
-          Con học giỏi không?
-          Học giỏi chẳng để làm gì ba ạ. Con chỉ cần có nhiều tiền để mẹ khỏi khổ.
-          Con cần tiền lắm à?
-          Ai chẳng cần tiền hở ba. Dượng với mẹ cãi nhau luôn, con thừa biết vì sao hai người cãi nhau, lúc cãi nhau là lúc không có tiền đấy ba ạ.
-          Dượng và mẹ có đánh con không?
-          Trước đây hay đánh lắm. Mỗi khi dượng đánh con, dượng còn rủa: Đồ đĩ non. Còn mẹ thì kêu giời kêu đất: Sao mày không chết đâm chết chém đâu cho tao thoát tội thoát nợ với mày, Vàng ơi. Lúc chửi con, mẹ chỉ gọi con là Vàng thôi. Vàng là chó đấy ba ạ. Nhưng bây giờ, cả dượng và mẹ đều không đánh con nữa.
-          Sao vậy?
-          Tại vì con cũng đã kiếm được tiền.
-          Con kiếm được tiền?
-          Ba ngạc nhiên lắm ạ? Con đi phe tem phiếu với cô Phúc. Ba còn nhớ cửa hàng bách hóa ở chỗ Cây Đa Nhà Bò không? Con phe ở đó. Tem phiếu đủ loại ba ạ, mỗi ngày cũng kiếm được vài đồng, con đưa cho mẹ tất cả. Ba thấy con gái ba có giỏi không nào?
Anh cảm như người ta đang đặt trái tim anh lên thớt và sai con gái anh cầm con dao thật bén thái nó ra từng lát, những lát tim tươi rói, tứa máu.
-          Phe tem phiếu ngon lắm ba ơi. Phiếu đường, phiếu đậu, phiếu thịt, phiếu vải. Ngon nhất là tem gạo. Loại hai trăm hăm lăm gam đó ba. Cán bộ đi công tác được phát tem phiếu họ đâu có ăn, họ đem bán. Nếu con có nhiều vốn, con sẽ đem tem đó đi đong gạo, rồi bán gạo, như vậy sẽ lời hơn. Nhưng cô Phúc bảo con đừng có làm vậy nhỡ bị bắn rụng. Con chẳng sợ gì cả, nhiều tuổi bị bắn rụng mới đi Hỏa Lò, chớ con, người ta có bắt cùng lắm là chịu mất tem. Hôm rồi con mới mất hai chục ký tem đó ba.
Tai anh đầy tiếng chiêng, tiếng trống, tiếng súng, tiếng bom, chẳng lọt một tiếng thỏ thẻ nào của con gái anh cả.
Anh chợt thấy chị Ba hiện ra nơi cửa bếp, vẫy tay gọi Mai Vàng. Mai Vàng chạy vào, một lát, quay ra.
-          Bác Ba bảo con đừng kể chuyện nhảm nhí đó cho ba nghe. Con xin lỗi ba.
-          Con không có lỗi gì cả.
-          Ba kể chuyện đánh Mỹ cho con nghe đi.
-          Để khi khác con ạ.
-          Ba mệt à?
-          Không. Ba thích được ngồi với con. – Con bé im lặng tay nó mân mê chiếc cúc áo nơi cổ anh. – Con học thầy giáo hay cô giáo?
-          Cô giáo. Cô giáo con tên Hương.
-          Cô Hương có biết con đi phe tem phiếu không?
-          Biết.
-          Cô không bảo gì con sao?
-          Cô ấy còn sợ con nữa ba à?
-          Sao?
-          Cô ấy cũng đi phe ở chợ Hôm, rồi đem tem phiếu xuống Cây Đa Nhà Bò bán. Con gặp cô ấy mấy lần, cô ấy dặn con đừng nói cho ai biết. Bù lại, cô ấy cho con điểm năm các môn, để con được lên lớp. Con thân với cô ấy lắm, con còn bán hộ tem phiếu cho cô ấy. Cô Phúc biết tem phiếu của cô giáo con nên không mua rẻ. Cô ấy bảo, làm thế là giúp đỡ con. Con sẽ giới thiệu cô Phúc với ba. Cô ấy khoe với con là cô ấy biết ba mà, cô ấy khen ba đẹp trai, ngày ba lấy mẹ cô ấy đang đi học.
-          Có phải cô Phúc con ông thợ rèn cuối dốc không?
-          Trời ơi, ba nhớ giỏi quá. Cô Phúc đó đó. Nhưng ba đừng có thân với cô ấy, bởi vì thỉnh thoảng cô ấy đi làm phò. Mấy người bán phiếu kể lại co con nghe hết.
Anh định hỏi con: Làm phò là làm gì. Nhưng anh chợt hiểu. Thế là tất cả những gì cặn bã nhất của xã hội, con gái anh đã ngửi thấy rồi.
Chị Ba bưng mâm cơm ra. Một đĩa thịt gà luộc, một đĩa lòng gà xào với dứa, một bát canh dưa nấu cá trê. Kể ra cũng thịnh soạn. Nhưng không hiểu sao Mạnh cứ gây gây một cảm giác muốn ói.
Mạnh nhìn Mai Vàng. Nó ăn ngon lành. Có lẽ đã lâu rồi nó không được thưởng thức những món ngon như thế này.
Chị Ba gắp thịt gà cho Mạnh, cho chồng. Chị không già bao nhiêu so với hồi Mạnh đi. Có lẽ do chị mập hơn. Đôi mắt chị vẫn sắc sảo.
-          Ra miền Bắc lần này chắc chú ở hẳn?
-          Em chưa biết. Nghe đâu ta lại sắp đánh lớn.
-          Đánh lớn, đánh nhỏ là chuyện quốc gia đại sự chú ạ. Được ra miền Bắc an dưỡng, chú cứ phải ăn nghỉ cho khỏe đã. Nước da chú xấu lắm. Nghe nói trong đó cực lắm phải không chú?
-          Em hoạt động ở vùng Tây Nguyên, hoàn cảnh có cực thật. Còn miệt đồng bằng và thành phố thì khá hơn.
-          Khá gì đi nữa thì cũng cực hơn ngoài mình.
Anh Ba nhấm môi ly rượu:
-          Chuyện đó đương nhiên, bà khỏi cần phải nói. Đồng bào miền Nam không cực hơn mình, thì mình giải phóng miền Nam sao được.
Mạnh không muốn tranh luận đề tài này.
Hồi còn ở trong ấy, bao nhiêu đêm, trong nhà dài,, anh đã kể chuyện miền Bắc cho người Êđê nghe. Anh đã đọc thấy trong mắt họ niềm hy vọng sáng rỡ vào một ngày mai khi Tây Nguyên và cả miền Nam giải phóng, mọi người sẽ được sống sung sướng, hạnh phúc như đồng bào miền Bắc. Con gái Êđê, người nào người nấy đều tươi đẹp như Cúc của anh. Con trai Êđê, mạnh khỏe, can trường như Thế, bạn anh. Và xấp nhỏ thất học Êđê sẽ tung tăng đến trường như Mai Vàng của anh. Chẳng phải vì những điều đẹp đẽ ấy mà anh đi chiến đấu đó sao.
-          Cháu Hùng có hay gửi thư về cho anh chị?
-          Thằng bé chăm lắm, cứ nửa tháng lại nhận được thư nó. Nó chỉ mong sao chóng tốt nghiệp, về nước, rồi xin đi B chiến đấu. Để lát nữa tôi lấy ảnh của cháu cho chú coi. Ngày Quốc Khánh vừa rồi, sinh viên các nước tới phòng nó chúc mừng Việt Nam chiến đấu và chiến thắng.
Anh Ba tiếp hơi cho vợ:
-          Các chú, các bác nó chiến đấu để cho nó được hưởng vinh quang. Là người Việt Nam, thời đại này sướng thật, cả thế giới này ngưỡng mộ mình.
Nếu không phải ở nhà anh Ba, mà ở chỗ khác, thì chắc anh đã đứng dậy, bỏ đi. Thực lòng anh không phản bác chân lý đó, nhưng sao anh cứ cảm thấy như nói những điều cao đẹp ấy vào lúc này thực tôi nghiệp cho anh quá.
Anh đưa mắt nhìn Mai Vàng đang ăn. Nó hầu như chẳng chú ý tới chuyện gì ngoài đĩa thịt gà. Anh chạnh một nỗi xấu hổ về sự phàm ăn của con, nhưng chẳng có cách gì ngăn được. Mẹ nó đã chẳng dạy cho nó phép lịch sự tối thiểu. Mà trách nó cũng tội. Có thể đây là lần đầu tiên nó đi ăn cơm khách.
-          Cuộc sống của anh chị hạnh phúc quá, trông thấy mà thèm.
-          Ăn thua gì đâu chú. Lương anh chú mới tới cỡ bìa C, còn lương tôi cán sự bốn, chưa vào hạng nào. Cứ như trước đây thì cũng gay chú ạ, từ ngày thằng Hùng đi học Liên Xô, nó viện trợ về, nên cũng đỡ.
-          Cháu đi học mà còn giúp được anh chị.
-          Nó đi ba năm gửi về cho ba chiếc xe đạp Liên Xô, loại tám mươi rúp ấy, đem bán chợ giời được bẩy tám trăm, cũng đỡ. Tôi với anh chú viết thư cho cháu, bảo đừng có gửi đồ về, ráng mà học cho giỏi. Cháu nó nghe lời. Chứ như con mấy ông Vụ, ông Cục, chúng buôn bán tài lắm. Gia đình vừa có bìa Nhà Thờ, bìa Tôn Đản, vừa có con ở nước ngoài, sướng đáo để chú ạ.
-          Thôi mình, chuyện đó hay ho gì mà nói.
Anh Ba ngắt lời vợ.
Chị Ba định nói gì nữa, thấy anh Ba đứa mắt nhìn, đành nín.
Mai Vàng đã ăn no, lẳng lặng đứng dậy đi vào nhà sau, lấy nón và túi xách của mình.
-          Con đi đâu vậy?
Mạnh sững người khi thấy Mai Vàng đội nón và cầm túi hiện nơi cửa bếp.
-          Con phải về thôi ba ạ.
Chị Ba đứng dậy, giằng cái túi xách của cháu:
-          Cháu đã bằng lòng ở đây chơi cả ngày với ba và hai bác rồi cơ mà.
-          Không, cháu phải về. Chủ nhật người ta đi bán tem phiếu nhiều lắm, bỏ thì phí.
Anh Ba cũng đứng dậy:
-          Cháu phải ở đây chơi với ba chứ. Bác sẽ cho cháu tiền.
-          Cháu chẳng lấy tiền của bác đâu.
Anh móc chiếc ví ở túi quần sau:
-          Ba cho con tiền.
-          Con không lấy tiền của ba đâu. Ba làm bộ đội làm gì có tiền. Con sẽ kể chuyện với mẹ, và con sẽ đưa mẹ lên bệnh viện thăm ba. – Cháu quay nhìn chị Ba. – Bác cho cháu xin cái túi, cháu phải về, bác đừng giữ cháu.
Nó giằng lại cái túi xách và đi ra cửa. Anh chỉ kịp gọi với theo. Mai Vàng vẫn đi như chạy, cun cút, cun cút. Anh thấy lòng quặn xé, nước mắt tự nhiên ứa ra.
-          Con bé đến lạ. – Chị Ba thở dài.
-          Trăm sự cũng tại thằng Thế.
Anh Ba vừa nói vừa kéo tay Mạnh ngồi lại vào mâm. Anh lắc đầu từ chối. Làm sao có thể nuốt được miếng cơm trộn với máu và nước mắt.
Anh như trông thấy Mai Vàng đang đứng trước cửa hàng bách hóa Cây Đa Nhà Bò, cạnh một người phụ nữ mà nó kêu băng cô Phú “Phò”, đang đếm đếm trên tay những đồng tiền hào vừa bán lời tem phiếu.
-          Em không ngờ người ta lại xô đẩy cháu nó đến nước ấy.
Chị Ba vừa dẹp những chiếc bát dơ vào rổ, vừa trách móc:
-          Cô Cúc lụy thằng Thế quá, chứ đồng lương của chú để lại, hai mẹ con sống đến nỗi nào. Lần này chú phải có biện pháp cứng với thằng Thế mới được.
-          Em… - Mạnh định nói: Em sẽ bắn bể sọ nó. Nhưng anh kịp ngậm lại.
-          Chú đừng cả nghĩ…
Anh Ba hốt hoảng trước ánh mắt đe dọa của Mạnh. Mạnh im lặng, tự trách mình trong ý nghĩ. Giết chết một con người không dễ đâu. Hơn nữa anh cũng không có gan giết người.
Mạnh đứng dậy:
-          Bây giờ em xin phép anh chị, em phải về viện, em mệt quá.
-          Chú hứa với tôi là chiều chú mới về cơ mà. Tôi đâu dè vợ chồng cậu Thế để con bé hư hỏng cỡ này. Chú cần bình tĩnh rồi ta tính.
Chị Ba nói thêm vào:
-          Theo tôi, chú nên gửi cháu vào trường học sinh miền Nam. Dù sao cũng phải cách ly môi trường xấu.
-          Ý của nhà tôi hay đó chú.
-          Em cũng chưa biết sao.
Mạnh không thể ngồi thêm chút nào trong không gian nặng trĩu này. Anh Ba choáng choàng khoác vội chiếc áo, dẫn chiếc xe đạp Phượng Hoàng ra, đưa Mạnh về lại viện. Như vậy chắc ăn, vì dù sao, anh cũng viết giấy xin phép đưa Mạnh đi chơi, có chuyện gì xảy ra, cũng phiền.
Mạnh không nói thêm lời nào với anh Ba suốt dọc đường. Tai anh u u âm âm náo loạn toàn những tiếng chiêng cồng và tiếng gầm rít của bom đạn.
Hàng ghế quan tòa mặc áo thụng thâm, chánh án đội mũ chóp đỏ. Mạnh đứng trước vành móng ngựa. Trời vỡ trên đầu anh. Đất sụt dưới chân anh. Tai anh u u âm âm náo loạn toàn những tiếng chiêng cồng và tiếng gầm rít của bom đạn. Mạnh đã giết chết Thế bằng ba viên đạn. Hai viên vào đầu và một viên vào tim. Ngực Thế phun ra một thứ máu đen và tanh như bùn, đến nỗi mọi người hiểu rằng phải lôi ngay cái thây ma ấy ném xuống biển ngay, nếu không từ xác chết ấy có thể phát sinh ra một loại dịch. Nhất thiết phải vứt xuống biển, bởi chỉ có biển mới có thể làm rữa nát cái thây ma thối tha ấy. Còn Mạnh, theo pháp luật hiện hành, ra tòa, nhẹ nhất cũng chung thân. Cúc ngồi nơi hàng ghế các nhân chứng, toàn thân co rút mỏng manh trong bộ quần áo tang đen nhức. Tòa rung chuông và bắt đầu xét xử.
Quan tòa: Tên sát nhân, nói cho Tòa biết, tại sao mi giết người?
Mạnh: Hãy đưa cho tôi khẩu AK báng gập, tôi sẽ trả lời vì sao tôi giết người.
Quan tòa: Mi muốn tiếp tục giết người?
Mạnh: Không một ai có súng trong tay mà không nghĩ tới việc trả thù, có nợ thì phải đòi.
Quan tòa: Mi còn thù hằn ai nữa?
Mạnh: Với chính ngươi đó. Tại sao các người có thể lập một tòa án bất công thế này?
Quan tòa: Tất cả mọi kẻ sát nhân đều đứng trước vành móng ngựa, đó là luật pháp.
Mạnh: Ta nhổ toẹt vào cái luật pháp bất công của các người.
Quan tòa: Tên sát nhân kia, mi nên nhớ rằng, lăng nhục luật pháp mi sẽ bị xử nặng gấp hai lần.
Mạnh: Các ngươi xử nặng gấp triệu lần ta cũng không cần, ta đang muốn được chết.
Quan tòa: Muốn chết không dễ đâu. Mi phải sống để đền tội. Mi hãy nhìn người đàn bà kia, nhìn bộ quần áo tang bà ta đang mặc, mi thấy tội giết người của mi tàn ác tới mức nào, mi đã giết chồng và cha của những đứa trẻ vô tội.
Mạnh: Sao các ngươi không chịu giết kẻ nào đã làm tan nát cuộc đời ta, đã cướp trên tay hạnh phúc của ta?
Quan tòa: Nếu mi gọi đó là tội lỗi, thì tội đó không cụ thể, không ghi trong pháp luật.
Mạnh: Chẳng lẽ lừa thầy, phản bạn, không là tội?
Quan tòa: Hãy nói rõ hơn.
Mạnh: Ta đã nhặt nó lên từ bùn rác, ta đã cưu mang nó, vực nó dậy làm người, cái tên nó đi theo ta mà khẳng định, mà tồn tại, vậy mà nó nhẫn tâm vu ta là đã chết và cướp lấy vợ ta. Tội ác của nó chưa dừng lại, nó đã hành hạ vợ ta, xô đẩy con ta tới miệng vực của sa đọa. Ta giết nó, vì muốn diệt trừ hậu họa của hành động và tư tưởng do nó gây ra.
Quan tòa: Những tội lỗi như mi vừa kể, thuộc lĩnh vực tòa án lương tâm.
Mạnh: Không. Đó là tội ác.
Quan tòa: Cho dù vậy mi cũng không được giết người. Hãy còng tay tên sát nhân thêm một vòng khóa nữa.
Mạnh: Hãy cho ta khẩu AK.
Quan tòa: Khóa miệng nó lại.
Miệng Mạnh bị khóa lại. Lưỡi dồn cục cứng ngắc trong miệng. Viên quan tòa đứng dậy, chuông rung trong tay từng hồi. Một lúc lâu, phòng xử án mới trở lại im lặng, giọng chánh án giận dữ: Tòa tuyên án…
Anh không nhìn thấy gì cả. Hai mắt bị kéo một màng khăn đen, anh ngỡ là mình bị dẫn ra trường bắn. Nhưng chân anh vẫn như chôn xuống đất, không nhấc lên được và cũng chẳng có ai xô bước anh đi. Anh chờ đợimột tiếng nổ. Có thể người ta sẽ bắn anh ngay nơi vành móng ngựa này. Im lặng, chết chóc. Chợt anh nghe tiếng ai đó, rót ngôn ngữ vào trong tiềm thức anh: “Sanh là khổ, Già là khổ, Bịnh là khổ, Chết là khổ! Ôi, cái khao khát nó dắt người ta đi từ đời này, đến đời kia, nó làm cho người ta sanh ra mãi mãi. Khao khát quyền tước, khao khát vui chơi, khao khát sống đời, những sự khao khát ấy tạo ra sự khổ. Này hỡi các sự khao khát xấu xa, bậc Phật Thánh không biết đến các ngươi, bậc Phật Thánh diệt sạch lòng ham muốn, bậc Phật Thánh rõ thông tám nẻo chánh của con đường thanh tịnh”. Anh mở mắt, trước mặt anh Cúc đang ngồi đó, lạnh nhạt, khô gầy.
-          Anh Mạnh, xét xử em đi…
-          Cúc ơi, em không có tội gì hết.
-          Muốn giải thích cách nào đi nữa, thì em cũng đã phản bội anh. Hãy tha tội cho em. Nếu không có ba đứa trẻ, thì liều thuốc chuột là mơ ước lớn nhất của em lúc này.
-          Không, em không được nghĩ bậy…
-          Hãy xét xử em đi.
-          Anh nói rồi, em không có tội gì hết, anh yêu em.
-          Em còn mặt mũi nào dang tay đón nhận tình yêu của anh. Về chuyện đó, xin anh coi như em đã chết.
-          Anh đã nói là anh mãi mãi yêu em.
-          Em không thể vô liêm sỉ như thế được, anh ạ.
-          Anh hiểu. Em đến với Thế hạnh phúc chứ?
-          Giữa cái sống, cái chết thực hư của anh, em còn cố kéo dài cuộc sống vợ chồng với Thế, nhưng bây giờ hết rồi. Không có anh và cũng không có anh ấy, em chỉ còn lũ nhỏ.
-          Trời ơi, em nói đi, như vậy có nghĩa là sự trở về của anh đã phá vỡ hạnh phúc của em.
-          Em nói rồi, hạnh phúc của đời em là được chết. Sống thế này khổ quá, nhục quá. Nếu anh không nỡ xét xử em, thì em sẽ tự xét xử mình.
-          Cúc, kìa Cúc, đừngnghĩ dại, em không có lỗi gì hết, phải chi anh đừng trở về… Em hãy sống với Thế, dù sao như vậy vẫn tốt hơn. Bởi những đứa trẻ không có tội gì, chúng cần phải có tình thương của cha mẹ.
-          Nhưng em, em không thể tiếp tục cuộc sống vợ chồng với anh ấy, đó là chút liêm sỉ cuối cùng của em.
-          Anh sẽ nói với mọi người là chính anh đã chết, anh đã yêu cầu Thế thay anh chăm sóc em và các con.
-          Vấn đề không phải là mọi người, vấn đề là em không thể chịu đựng được chính nỗi đau khổ và nhục nhã của em. Chỉ mong anh tha thứ…
Anh định nói với Cúc điều gì nữa, nhưng Cúc đã nhoang nhoáng bay đi.
Anh đuổi theo bóng hao gầy của Cúc, đuổi mãi mà không kịp. Gánh cuộc đời đổ xuống vai cô ấy trĩu nặng đến nỗi bóng cô ấy đổ xiêu. Cô ấy làm sao có thể đương đầu được với bao nhiêu vất vả khó khăn do chiến tranh gây ra. Cái ăn, cái mặc, cái đau ốm, bệnh tật, rồi con cái, rồi Thế. Vậy mà mình còn hành hạ cô ấy. Mình cứ tưởng cuộc trả thù làm cho mình hỉ xả, ngờ đâu, chỉ riêng việc trở về của mình đã xáo trộn tất cả, đã làm đổ vỡ tất cả. Lương tâm cô ấy thức dậy. Nỗi đau khổ dằn vặt thức dậy. Yêu mà để khổ cho cô ấy, mình còn đáng gì nữa. Lẽ ra mình không nên trở về. Có trở về thì cũng trở về trong im lặng, chẳng cần phải hằn thù Thế, chẳng cần phải nghĩ ngợi về một con người không đáng nghĩ ngợi, cứ để mặc Thế với chính nó, với cuộc đời.
Anh tỉnh hẳn trong cơn mơ hoang tưởng. Chẳng có tòa án nào hết, anh đangnằm trên giường bệnh. Thật may, như thế có nghĩa là anh chưa giết người. Thế vẫn sống giữa đời, dù vậy, trong lòng anh, Thế đã bị chôn dưới ba tầng đất…

*

Già làng vuốt râu, nhìn khắp lượt mọi người trong nhà dài. Giọng chắc nịch như thân cây lim và tưng bừng những bông trang nở dài theo bờ suối.
-          Hỡi lũ làng, hỡi đám con trai, con gái Êđê, hãy nghe ta nói. Ta muốn Hơben thành vợ Ama Vàng, để Ama Vàng sống mãi với người Êđê chúng ta. Nhưng Ama Vàng đã có Amí Vàng, nó chỉ xin ta cho nó nhận Hơben là em gái nó. Ta đã ưng thuận. Nó còn xin ta cho Hơben được lấy Yblem làm chồng. Lũ làng cũng đã biết, Yblem đã chết vợ, con nó cũng bị thằng giặc giết, nó sống một mình, lòng nó thương Hơben. Thằng Yblem là đứa trai giỏi, nó có công với buôn làng. Hơben cũng là đứa gái giỏi, nó có công với buôn làng, ta cầu xin Giàng cho Yblem được lấy Hơben.
Tất cả mọi người trong nhà dài đồng thanh reo lên. Những tiếng Hơben, Yblem hòa vào cung bực chiêng cồng.
Hơben hiện ra. Hơben đẹp quá. Đôi tay trần đung đưa. Cặp vú căng tròn, chắc nịch…
Yblem cuồn cuộn những cơ bắp, vững chãi như núi rừng, chiếc khố nâu, thêu tua vàng.
Già làng đi giữa hai người, tay phải nắm lấy Hơben, tay trái nắm lấy Yblem, cùng tiến lại phía những cần rượu.
-          Hãy uống đi, rồi say nhau mãi mãi.
Cả ba cùng vít cong cần rượu.
Tiếng hát của đám trai gái nổi lên vang lừng.
Trên trái đất này, chuyện trai gái yêu nhau, chuyện đám cưới ở đâu cũng vậy thôi…
Từ sáng tới giờ, nao nao trong lòng, anh chưa ăn hạt cơm nào vào bụng. Trong nhà ngoài sân rầm rập khách khứa. Những bô lão trong làng râu trắng như cước, nhìn anh bằng cặp mắt đằm thắm, ai cũng thương cảm hoàn cảnh của anh, ba má ở trong Nam không có mặt trong ngày vui của con mình. Các lão bà, miệng bỏm bẻm nhai trầu. Nhiều lão bà, răng đã rụng, phải giã trầu trong những chiếc cối đồng nhỏ xinh đặt trong lòng bàn tay. Quết trầu làm môi các lão bà cũng đỏ như môi con gái. Đám con gái, bạn của Cúc ngồi kín cả giường cưới, họ tíu tít sửa sang quần áo, chải tóc, vén tai cho Cúc. Anh ghen với họ. Nếu như đám cưới không rình rang thì chắc chắn đã kết thúc và lúc này anh đã ôm Cúc trong vòng tay. Ngoài sân đám trai làng phì phèo thuốc lá. Anh không nhận ra người trai tên Vương, cháu bà Quản Bình đã dọa đánh anh khi biết anh yêu Cúc. Chuyện hão. Đó chẳng qua chỉ là lời dậm dọa ghen tuông.
Men rượu làm cho Hơben sóng sánh cặp mắt. Sóng sánh cặp mắt làm Hơben đã đẹp càng đẹp hơn. Cái đẹp thoát tục. Hơben như nàng tiên khỏa thân tắm bên suối đêm trăng hôm nào. Kể cũng là duyên số, trong cái bữa tắm suối dưới trăng ấy, anh đâu có can đảm để nhìn ngắm thân thể đẫm mầu trăng của Hơben. Vậy mà Yblem, không hẹn, lại được chiêm ngưỡng Hơben trọn vẹn. Trời đã sắp đặt tình yêu. Chỉ có người chồng mới xứng đáng được nhìn ngắm toàn phần sắc đẹp của vợ mình. Bữa đó, khi biết chuyện, anh đâu có ghen với Yblem. Mà lòng còn mong hai người mau nên vợ, nên chồng.
Tiếng cười rúc rích của các cô gái trong buồng vọng ra. Rồi tiếng ai đó, hình như tiếng cậu Lâm, em mẹ Cúc, giục Cúc ra chào hai họ. Cúc e lệ nép vai bạn bước ra. Anh bắt gặp đôi mắt Cúc cũng sóng sánh. Cái sóng sánh không phải của rượu, mà của thẹn thùng. Toàn thân Cúc như phát sáng. Anh chợt liên tưởng Cúc như một nàng tiên đang bước ra từ trong chuyện cổ tích. Chỉ có điều không cổ tích, mà nàng tiên ấy sẽ là vợ anh, sẽ thuộc về trái tim anh. Nhiều tiếng trầm trồ. Các lão ông, lão bà, các bậc cha mẹ, đám thanh niên ngoài sân cũng ngước mắt, lặng người. Anh hiểu là mọi người ngạc nhiên về sắc đẹp của Cúc. Cúc vốn đã đẹp, càng đẹp hơn trong ngày hạnh phúc này.
Anh bước lại, đi bên Cúc, tới từng bàn chào hỏi mọi người. Anh nói thay Cúc tất cả, Cúc chỉ cúi đầu e lệ. Chẳng hiểu vì sao hôm ấy anh lại nói được nhiều đến thế. Những cụm từ gần như thuộc lòng, đó là những lời cảm ơn.
Ai cũng chia sẻ hạnh phúc với anh. Ai cũng chúc đôi lứa bách niên giai lão, đầu năm sinh trai, cuối năm sinh gái. Nhưng phải nói, người vui nhất lúc này là bố Cúc. Mặt ông già sáng rực, nụ cười thường trực trên miệng. Duy chỉ có đôi mắt của mẹ Cúc là cười buồn. Trong ánh mắt ấy anh cảm nhận một nỗi lo lắng, băn khoăn. Anh biết nỗi lo lắng đó. Ngay từ khi biết anh và Cúc yêu nhau, mẹ chỉ lo một điều, anh là người Nam, mai kia thống nhất nước nhà, enh đem vợ về quê là mẹ mất con. Nhưng niềm vui hiện tại, hạnh phúc hiện tại khiến mẹ không nỡ ngăn cản tình yêu của hai con. Cảm ơn mẹ, dù sau này, nước nhà thống nhất, chúng con về Nam, lòng chúng con lúc nào cũng ở bên cha mẹ. Anh thầm hứa với mình như thế. Cúc sóng sánh bên anh, quá sung sướng với hạnh phúc, chẳng mảy may nghĩ tới điều gì thuộc về ngày mai. Niềm tự tin đó lây lan sang anh, anh hiểu rằng, với người con gái này, sẽ chẳng có chuyện gì khó khăn mà cô không thể giúp anh vượt qua. Anh nắm tay Cúc, rung rung đến từng vi ti máu…
Hơben đang nhẩy múa.
Núi rừng Tây Nguyên, đâu tiếng gió ngàn, đâu tiếng hổ gầm voi rống. Đâu những bè trầm, bè bổng ríu rít của chim. Anh như cảm thấy tất cả điều đó trên đôi vai Hơben, những cái lắc lư đều nhịp, uyển chuyển. Cả thân hình Hơben mềm như gió, như suối, mà sừng sững uy nghi như núi, như rừng. Ai uống rượu cần, cứ uống. Ai cười vang ran cứ cười vang ram. Ai nhẩy múa theo nhịp uyển chuyển của Hơben cứ nhẩy múa.
Ai đó gọi anh! Ama Vàng đâu rồi, hãy nhẩy múa với lũ làng Êđê…
Anh bước vào vòng nhảy, chẳng có lý do gì không cười vang ran lồng ngực, không nhẩy múa tưng bừng chia vui cùng Hơben, em gái anh, nên vợ, Yblem, em rể anh, nên chồng.
Rượu cần, anh uống từng ngụm, không biết say, chỉ thấy người nóng ran như có lửa cháy.
Con người ta kém hơn chim ở đôi cánh. Nếu có đôi cánh, chắc chắn lúc này anh phải bay về ngay với Cúc. Và anh sẽ bay ngược thời gian trở về cái ngày vui nhất của đời anh, cũng như ngày hôm nay của Hơben và Yblem.
Già làng như đọc được niềm ao ước của anh.
-          Mày nhớ Amí Vàng lắm phải không?
Anh gật đầu.
-          Mày thương Amí Vàng một, thì Amí Vàng thương mày mười, bởi đàn bà họ biết thương giỏi hơn đàn ông…
Già làng vô tình nhắc lại câu nói của Cúc với anh, khi hai người tranh cãi với nhau ai thương nhiều hơn ai. Anh luôn tin là Cúc thương anh nhiều hơn anh thương Cúc. Thua Cúc cho Cúc vui. Anh lẳng lặng dẫn Cúc vào buồng, bỏ mặc hai họ và bạn bè ngồi ngoài sân chuyện vãn. Anh khép nhẹ cửa buồng, sợ tiếng kẹt cửa làm mọi người chú ý. Có chú ý cũng chẳng sao, lúc này, chẳng có chuyện gì quan trọng đối với anh hơn là được nằm xuống giường ôm Cúc trong lòng.
Ngọn đèn dầu hạt đỗ vẫn như thừa sáng. Căn buồng này ông bà già vợ nhường lại cho hai vợ chồng làm phòng tân hôn.
-          Cúc ơi, - Anh nói như rót vào tai vợ, - Em có mệt không?
Cúc lắc đầu.
-          Quần quật khách khứa suốt từ sáng tới giờ còn gì.
-          Anh mệt à?
Đến lượt anh lắc đầu.
Anh kéo Cúc vào lòng. Một chút ngượng ngùng cô dâu. Anh hôn nhẹ má Cúc.
Chuyện yêu đương không ai phải dạy ai. Người Cúc mềm như nhành liễu. Tiếng thở gù gù của con bồ câu mái. Cúc không hưởng sự run rẩy khoái lạc thụ động, mà tự mình làm cho sự run rẩy bốc lửa.
-          Cúc ơi, anh yêu em suốt đời.
-          Mạnh ơi, em yêu anh suốt đời.
-          Khổ mấy cũng yêu phải không?
-          Miễn là anh đừng phụ em.
-          Sao lại phụ em?
-          Là em nói thế.
-          Em đẹp quá.
-          Anh khỏe quá, như con mãnh hổ ấy.
Yblem và Hơben cũng đã rời khỏi nhà dài. Họ cũng như anh và Cúc thôi, bỏ mặc hai họ và bạn bè. Hạnh phúc ngọt như mật ong, họ đang uống từng giọt.

*

-          Chẳng nên nằm bẹp như thế đồng chí ạ. Đàn ông lúc nào cũng phải cứng rắn, tự tin. – Bác sĩ vừa nói vừa nhẹ tay nâng anh dậy. – Nếu đồng chí bằng lòng, chúng ta cùng đi dạo một chút.
Anh miễn cưỡng bước chậm theo.
-          Nghe nói trước đây đồng chí viết báo?
Anh gật đầu.
Họ bước lững thững dọc hành lang, ra vườn hoa bệnh viện.
-          Đồng chí thích thơ không?
-          Thích, nhưng tôi không thụ cảm được hết cái hay của thơ.
-          Những lúc buồn đời, tôi thường đọc thơ. – Giọng bác sĩ lặng chuyển. – Đời nếu chỉ toàn niềm vui, có lẽ chán lắm, đồng chí ạ. Phải có nỗi buồn mới cân bằng âm dương. Đồng chí đang buồn phải không? Không ai nói cho tôi biết đâu, tôi đoán vậy. Lúc con vợ tôi nó ngoại tình, gương mặt tôi cũng u ám như gương mặt đồng chí bây giờ. Song, tôi lấy lại được bình tĩnh ngay. Người ta không chung tình với mình thì có gì phải buồn. Đồng chí thứ lỗi cho, tôi quyết định trả đũa con vợ ngoại tình bằng cách ngủ với một con mụ có chồng khác.
Anh thấy gai ốc mình nổi lên. Thế này là thế nào? Anh nheo mắt nhìn vị bác sĩ như không tin vào tai mình.
-          Đồng chí có mê thơ Loócca không? (Federico Garcia Lorca (1898-1936), nhà thơ, nhà soạn kịch Tây Ban Nha, ông còn nổi tiếng là nhạc công và họa sĩ. Thơ của ông được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới, trong đó có tiếng Việt. – NBT). Nhà thơ Tây Ban Nha ấy thật cừ, cứ như đi guốc trong nỗi đau của mình. Tôi đọc cho đồng chí nghe bài thơ “Cô nàng ngoại tình” của Loócca nhé!
Không cần biết anh có bằng lòng hay không, giọng bác sĩ vang lên đều đều, như không có những dấu phẩy và chấm xuống dòng.
Cô nàng tôi bắt được bên sông. Gái đi vụng chồng tôi tưởng gái son. Hội đêm đợi lúc lửa tàn. Thắp lên tiếng dế ran ran hẹn hò. Đến góc hàng rào tôi chạm vú cô. Dạ hương bỗng mở sững sờ cành thơm. Váy hồ trắng muốt rập rờn. Nghe như lụa xé kêu giòn bên tai. Hàng cây tối ngọn vươn dài. Một chân trời chó sủa ngoài xa sông. Bụi bờ gai góc đã băng. Búi tóc cô nàng lún xuống đất sa. Tôi bỏ khăn, cô vén váy, dây lưng tôi tháo, bốn lần áo lót cô cởi ra. Da đâu da mịn hơn hoa. Pha lê trăng chiếu cũng thua ánh ngời. Đùi cô chạy trốn dưới chân tôi. Như đàn cá sợ quẫy đuôi. Nửa kia lạnh ngắt, nửa này nóng ran. Tôi phi con ngựa tuyệt trần. Xà cừ lấp lánh chẳng cần yên cương. Tôi chẳng kể ra đây lời tâm sự cô nàng. Đàn ông mình phải giữ gìn cho người ta. Đưa cô từ bến nước ra. Mình cô đầy vết hôn và cát dơ. Cành cây như kiếm đung đưa. Trước làn gió nhẹ mơ hồ nửa đêm. Xử sự theo đúng luật gi-tan. Tôi tặng cô nàng một giỏ đồ khâu. Nhưng tôi chẳng có mê đâu. Vì cô nàng là gái đêm thâu vụng chồng. Mà làm ra vẻ còn không. Khi hai đứa đến bên sông tự tình.
Lời thơ ngân nga theo từng bước đi bác sĩ.
-          Tôi chợt cảm thấy vui vui. Vợ anh ta đi ngoại tình, anh ta cũng đi ngoại tình, thế là hòa. Đồng chí có thích bài thơ đó không?
-          Không. – Anh đáp sống.
-          Tôi biết đồng chí thích bài thơ nào rồi. – Không để cho Mạnh hỏi lại, bác sĩ lại cao giọng. – Tự do và ái tình. Vì các ngươi ta sống. Vì tình yêu lồng lộng. Tôi xin hiến đời tôi. Vì tự do muôn đời. Tôi hy sinh tình ái. (Thơ của Sándor Petõfi (1823-1849), nhà thơ, nh hùng dân tộc Hungari. – NBT).
-          Nếu tôi thích bài thơ đó thì sao?
-          Chẳng sao hết, vì tôi cũng thích. Có điều mỗi người hiểu nghĩa chữ tình yêu và chữ tự do theo một cách. – Bác sĩ tủm tỉm cười như chẳng có chuyện gì hệ trọng với anh cả. – Ta lại sắp đánh lớn, lần này tổ chức không cho đi, tôi cũng nhất định lên đường.
-          Bác sĩ có ý định đi B?
-          Trên đời này có một hạng người không đáng bàn, đó là những kẻ không dám ra trận khi đất nước lâm nguy. Tôi đã viết ba lá đơn tình nguyện, lá mới rồi viết bằng máu. Người ta giải thích cho tôi, ở đâu cũng là mặt trận, ở đâu cũng là đánh Mỹ. Buồn cười thật, khi cần mình đi, thì họ bảo chiến tường đang gọi anh. Khi không muốn cho mình đi, thì họ bảo hậu phương cần anh có mặt. Xuôi ngược gì họ nói cũng đúng cả. Đồng chí có biết vì sao tổ chức không chấp nhận cho tôi đi B? Con vợ tôi nó lên tận Ban Thống Nhất (Tên đầy đủ là Ủy ban Thống nhất Trung ương, cơ quan chủ trì việc tuyển, cử người đi công tác chiến trường B, tức miền Nam. – NBT), khóc lóc trình bày gia cảnh. Tổ chức không cho đi. Tôi ở lại với nó mong vun vén hạnh phúc, nào ngờ nó cắm sừng lên đầu tôi, với một thằng bác sĩ, bạn tôi. Tôi với nó đưa nhau ra tòa ly dị, nó lại không chịu, tòa án lại bênh nó, kêu tôi chưa có bằng chứng cụ thể. Còn cụ thể nỗi gì nữa. Tôi bắt gặp hai đứa hôn nhau ngay trong phòng làm việc. Hai đứa đó, phạm cùng lúc hai sự phản bội ghê tởm nhất của con người ta là phản bội tình yêu và phản bội tình bạn. Lần này, tôi nhất định phải đi, chỉ có cách đó, mới thoát khỏi tình trạng bế tắc này…
Càng nói, giọng của bác sĩ càng lạc đi và trầm xuống. Anh hiểu tâm trạng bác sĩ. Anh ấy đang nói những điều đau đớn nhất của trái tim mình. Cảnh ngộ của anh ấy đâu có gì khác Mạnh. Nếu Mạnh không đi B, Mạnh vẫn sống bên Cúc, liệu Cúc có bỏ Mạnh mà theo Thế không? Người bác sĩ này cũng ở bên vợ, họ đang sống với nhau hòa thuận, hạnh phúc, vậy mà chuyện éo le vẫn cứ xảy ra. Không gian và thời gian không có ý nghĩa gì đối với lòng chung thủy. Nhưng cách nghĩ của bác sĩ thì Mạnh không thể chấp nhận. Không thể lấy cuộc chiến đấu với ý nghĩa cao đẹp của nó làm cứu cánh giải quyết những bi kịch bình thường trong cuộc sống cá nhân. Bác sĩ muốn đi B chỉ bởi muốn thoát khỏi người vợ đã phản bội. Không thể lấy chiến tranh làm cứu cánh cho bất kỳ mục đích nào. Anh định nói với bác sĩ điều đó, nhưng anh không đủ can đảm để cắt ngang dòng tâm sự của người bạn.
-          Tôi cam đoan với anh, nếu Giônxơn và Níchxơn ra trận một tuần, thì lập tức vợ chúng sẽ tặng chúng những cái sừng ngay. Chúng có biết điều đó k hông? Đảm bảo với anh là chúng biết. Nhưng chúng vẫn cứ tiến hành chiến tranh, bởi chúng không phải ra trận, người khác ra trận và chết thay cho chúng. – Bác sĩ cảm thấy mình bị lạc đề, và cách nói của mình có phần bốc đồng, bồng bột. – Anh ráng điều dưỡng cho khỏe rồi trở lại mặt trận, tôi sẽ đi cùng anh. Phải giải quyết cho xong cuộc chiến tranh này, thì mới sắp xếp được mọi trật tự xã hội.
-          Bác sĩ thấy sức khỏe tôi thế nào?
-          Sốt rét đã dứt cơn. Hy vọng sẽ không tái phát. Nhưng anh cần bình tâm để điều trị, đừng bị chi phối bởi những chuyện không cần thiết. Chúng ta là đàn ông, không nên sống ủy mị.
-          Cảm ơn bác sĩ.
-          Chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên anh có sợ không?
-          Sợ gì?
-          Tôi nghe nói, ở vùng đó đồng bào sống còn thô sơ, nguyên thủy lắm. Nghe nói họ còn có tục cà răng, căng tai…
Anh cười. Người ta hiểu Tây Nguyên đơn giản như thế đó. Người nào cũng cà răng, căng tai, đàn ông đàn bà chỉ đóng khố, họ sống với nhau trong tình trạng quần hôn. Những tuyên truyền từ thực dân Pháp về một giống người mọi rợ tới bây giờ vẫn còn là một định kiến trong suy nghĩ nhiều người. Họ đâu có biết, những con người ấy sống gần thiên nhiên, họ sống chân thực biết bao. Họ đối xử với nhau tràn đầy tình người, ý nghĩ về sự phản bội hầu như không xuất hiện trong đầu họ.
Trước mắt anh hiện ra hình ảnh Yblem và Hơben đi về phía bờ suối. Bông trang nở vàng. Một vai Yblem đeo nỏ, Hơben xuống suối, Yblem ngồi trên bờ canh cho vợ tắm. Với Hơli trước đây, Yblem cũng làm như thế.
-          Đồng chí có tin tôi không?
-          Tin.
-          Vậy thì đồng chí hãy giúp tôi.
-          Chuyện gì?
-          Tôi muốn được vào chiến trường Tây Nguyên chiến đấu với đồng chí.
-          Về chuyện đó tôi làm sao giúp được.
-          Đồng chí vừa ở mặt trận ra, được quyền xin cán bộ.
-          Được quyền đó tôi cũng không thể xin cho đồng chí.
-          Sao vậy?
-          Cuộc chiến tranh của chúng ta không phải là một thiên đường cứu vớt cho mọi nỗi bất hạnh…
-          Đồng chí nói vậy là sao?
-          Người muốn bỏ vợ, kẻ muốn bỏ chồng, người muốn chạy trốn cuộc sống nghèo đói, chạy trốn pháp luật. Cuộc chiến tranh chúng ta đang tiến hành chẳng hề có những lối thoát cho những mục đích đó.
-          Ơ kìa, đồng chí Ama Vàng… Tôi…
-          Tôi nói thật đó, bác sĩ đừng giận. Nếu bác sĩ thấy không thể chung sống với vợ, thì nên tìm một giải pháp khác, đừng bao giờ chọn giải pháp đi B. Chiến tranh không phải một cứu cánh, một giải pháp…
Anh bỏ vị bác sĩ đứng chưng hửng một mình, đi ra vườn hoa. Cây cỏ, hoa lá sẽ giúp anh bình tâm trở lại.

/ Mời xem tiếp Linh Hồn Lang Thang, đoạn 6/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét