Thứ Tư, 28 tháng 1, 2015

CHÉM GIÓ MUÔN MẦU/ Bài 14. Tôi chém gió tôi

NGUYỄN NGUYÊN BẢY
CHÉMGIÓMUÔNMẦU
Văn ngắn/ nxb hội nhà văn

Sách dày 240 trang, khổ 20x20, bìa carton in 4 mầu, giấy Ford indo trắng, gồm tập hợp 33 bài chém gió xanh/đỏ/tím/ vàng của bút nhân Nguyễn Nguyên Bảy, chủ trang vandan BNN, đã..đã có mặt tại gia, và sẽ là món quà nhỏ/ thân/yêu tặng bầu bạn trước thềm Tết năm Mùi Ất..2015
Bài 14.
Thơ Luận Dịch
TÔI CHÉM GIÓ TÔI



Trăng như da ngực trinh tân
Hỡi trăng hỏi đã một lần ai hôn?
 
TÔI CHÉM GIÓ TÔI!
NNB: Tôi chém gió tôi, đò đưa này, chỉ trong lĩnh vực thơ, khi thưởng thức thơ nhau nên khen hay hay nên chê?..Tiếp đó là cuộc chém gió tay đôi giữa hai bạn thơ tôi, nhà thơ Nguyễn Anh Tuấn và nhà thơ Phùng Thành Chủng, về hay dở thơ tôi..


1. TÔI CHÉM GIÓ TÔI..
Thực lòng, không dối trá, khiếm nhã, hay không biết xấu hổ mỗi khi được thưởng thức thơ của bạn mình, thì hoặc gật gù mặt cười, hoặc nói nhỏ nhẹ những lời khen tặng, hân hoan, chí ít cũng reo lên một tiếng hoặc tán thưởng vỗ tay..Bởi tôi thưởng thức thơ bạn tôi với tình chia sẻ, chia sẻ tiếng lòng, mà đã tiếng lòng thì nhất định tàng ẩn một sâu sắc, một đẹp đẽ, một hay ngân, một mơ hồ ước ao..nào đó..Và còn bởi, suy từ bụng, tôi là người rất thích được người khác khen thơ mình hay, dù đôi khi biết, thứ thơ mình đang đọc chỉ ở mức tầm tầm, nhạt hoắng, thậm chí quá dở ngay khi vừa phun ra khỏi miệng. Vì thế, khá nhiều bè, trở thành bạn thiết cốt của tôi chỉ vì đã khen thơ tôi, và thật khổ, nhiều bạn thiết cốt bỗng thành bè, thậm chí thành thù vì đã trót chê thơ tôi đáng quẳng vào thùng rác..Cái sự cố chấp khen chê thơ ấy đã lấy mất bao nhiêu bằng hữu thân yêu, đã cưu mang tôi, trợ lực tôi, cho tôi vịn tay mỗi khi đuối sức trong đua bơi bể đời..Thế nên, có thể quan niệm sắp nói dưới đây của tôi là chưa đúng, thậm chí sai, thì xin cũng cứ nên chiều mà nghe tôi: Khi thưởng thức thơ của bạn mình, gì thì gì cũng nên coi sự khích lệ, khen ngợi làm trọng..

Hai trải nghiệm viện dẫn sau đây. Một/ Nhà thơ, nhạc sĩ tài danh Văn Cao kể rằng: Hồi kháng chiến chống Pháp, ông và nhà thơ Tố Hữu, lúc đó vai vế quan lộc ngang nhau, Văn Cao đã đùa vui chê thơ Tố Hữu. Sau này, khi nhà thơ Tố Hữu thành lãnh tụ thi đàn, đã đì lại "cái sự chê thơ" ấy bằng cách biến Văn Cao " thành nhân văn giai phẩm nằm trong xó bếp hát Quốc Ca"./ Hai/ Phần tôi, cũng từng sừng sừng, vô danh tiểu tốt, dám thốt lời " Thơ là thơ/ Thơ không phải là địa vị xã hội của người làm thơ". Thế là "xong phim" ( chữ Triệu Xuân) một đời..ngã gục dưới chân thơ. Sau nạn ách này, tôi càng thấm thía lời răn dạy của Lão tiến bối Lê Quý Đôn và coi đó là phẩm hạnh đời mà tu thân: “ Văn chương là của chung thiên hạ/ Ý mỗi người mỗi khác/ Phân tích thì được/ Chứ không nên chê mắng”.

Thế nên, tôi đã chọn giải pháp khen/ chê thơ bằng cách viết lại vắn tắt những thu hoạch lợi lạc sau khi thưởng đọc thơ bạn thơ. Những thu hoạch ấy trước hết cho tôi, sau, có thế, nếu bạn yêu cầu, là với bạn. Thu hoạch khen/chê này thường được bạn đón nhận, không quá vui cũng không quá buồn. Nói thực, chơi thơ là để tìm vui, chứ ai chơi thơ tìm buồn, đò đưa thơ nhau tìm hay đã vui, vui hơn, tìm dở, đâu có buồn, vì ta chữa được dở thành vui, thành hay..

Từ sau 2010, bầu bạn mở đón cho vào chơi thơ trong vườn thơ hoa cỏ, thơ tôi đa phần được bầu bạn khen, tai như nở ra, mũi như phổng hơn, giọng nói đã có mùi huyênh hoang, cúi xin bầu bạn phạt. Bầu bạn mở lòng phat ngay, một tranh luận nho nhỏ nổ ra, thân ái, nhưng sâu sắc của hai bạn thơ Nguyễn Anh Tuấn và Phùng Thành Chủng về cái sự dở/ hay của thơ Nguyễn Nguyên Bảy. Tôi coi đây là một thu hoạch cho mình, tri ân lắng nghe và xin chia sẻ lắng nghe này cùng bầu bạn.


2. NGUYỄN ANH TUẤN: “ĐÒ ĐƯA VỚI NHÀ VĂN PHÙNG THÀNH CHỦNG”

Tôi vừa đọc được một bài viết khá thú vị của nhà văn Phùng Thành Chủng trên vandanbnn, trong đó luận điểm cơ bản là: "muốn giải mã được “99 khúc tặng Liên” của Nguyễn Nguyên Bảy đòi hỏi người đọc phải có rất nhiều kiến văn", và: “99 khúc tặng Liên” là những trắc nghiệm với những ai có hứng thú rà soát và kiểm tra 99 cánh cửa kiến văn của mình."

Những kiến văn đó, ông đã liệt kê khá đầy đủ, nào là: "Tam tài, là Thiên, Địa, Nhân; là cõi nhân sinh, là "Dịch”, là lẽ biến thông: Thiên địa bĩ và Địa thiên thái – 2 trong số 64 quẻ của Dịch." Nào là: "tín ngưỡng phồn thực cũng không ngoài thuyết âm dương với những câu thơ khó... viết về những điều khó viết". Rồi: "là âm dương, ngũ hành; là tương sinh, tương khắc; là đạo Càn Khôn, là Dịch". Rồi: "sự hiểu biết về Phật pháp và thiền... sự hiểu biết về tín ngưỡng dân gian cùng các lễ tiết trong năm và những nghi thức trong đạo thờ cúng tổ tiên ông bà...phận số mỗi người đã đựơc lập trình và được các ngôi sao trong khoa Tử Vi định vị... những bài thuốc dân gian được truyền khẩu có tác dụng như một thứ bùa ngải để giữ gìn tình yêu..." Những điều ông PTC nêu ra là chính xác, chứng tỏ ông không chỉ đọc thơ NNB rất kỹ lưỡng mà đã áp dụng kiến văn phong phú của mình để mong "giải mã" Núi thơ NNB, và để ông có thể tự tin “nhái” lời tiên sinh Thánh Thán: "Chẳng cũng sướng sao!”

Là một người yêu thơ và đọc khá kỹ thơ NNB, hơn thế, còn là bạn vong niên của anh từ khi là một cậu sinh viên văn khoa năm nhất từng bị "thôi miên" trước hàng chồng thơ chép tay cao vật vưỡng của đôi vợ chồng thi sĩ nổi danh NNB & Lý Phương Liên, tôi xin được “đò đưa” (chữ NNB) với nhà văn Phùng Thành Chủng đôi lời.

Tôi hoàn toàn đồng ý với ông về những điều kiện "kiến văn"- đặc biệt là khi đọc thơ NNB. Song tôi nghĩ đó không phải là những điều kiện tiên quyết, và hơn nữa, nếu chỉ vậy thì thực không đủ! Hơn nữa, những đoạn thơ ông trích từ “99 khúc tặng Liên” để minh chứng cho sự "giải mã" của mình, theo tôi lại là những đoạn thơ khô khan, chỉ nhằm minh họa cho các lý thuyết Kinh Dịch, Tử vi, Phật pháp... mà NNB vốn thông thạo với tư cách là đại sư Phong thủy. Những kiến thức dày đặc về triết học Á Đông, về sử học, nhân học, văn học dân gian... được thể hiện trong thơ NNB thực ra không làm nên giá trị thơ anh, chúng chỉ là cái phông nền của cảm xúc, của ý tưởng, của tứ thơ mà không phải lúc nào cũng được xử dụng đúng chỗ, đắt giá, thậm chí đôi khi chúng làm thơ anh nặng và rườm. Tôi nghĩ, những kiến thức được vận dụng trong thơ NNB chỉ có thể trở thành yếu tố thi ca để lôi cuốn, làm ngạc nhiên người đọc một khi chúng được nhào nặn, được lặn sâu trong cảm xúc và trí tưởng tượng. Và để có thể hiểu được, cảm được, "giải mã" được thơ NNB thì điều tiên quyết lại chính là cảm xúc và trí tưởng tượng của người đọc cần được nâng lên tương xứng với cảm xúc nghệ thuật đã nung chảy kiến thức của tác giả. Khi nhà thơ kể về lai lịch dòng sông Mẹ gắn với những người thân yêu và với cuộc đời dân tộc, anh nhắc tới "Lúa Trời, Lúa Ma, Lúa Nước, Thuyền độc mộc"; có thể anh không cần biết tới những khảo cứu từ thư tịch cổ (và người đọc cũng thế), song dường như có một nguồn cảm hứng "thần linh" may mắn hỗ trợ khiến anh có thể biến chúng thành thi liệu chứa đựng thông điệp mới mẻ để gia nhập vào cuộc đời lớn lao của Dòng Sông Mẹ mà trên đó "Thuyền thơ chở đầy trăng thơ..." ( Sông Cái mỉm cười) và khiến người đọc ngây ngất sống trong thế giới huyền thoại cổ xưa có khả năng thâm nhập sâu hơn vào thân phận dòng sông lịch sử... Khi nhà thơ rút ra một triết lý Á Đông - Việt:“Để mẹ lại được khóc/ Âm dương cũng đạo làm người”thì trước đó anh đã "Ngày ngày con đem tiếng khóc mẹ ra phơi/Lạy trời đừng phạt mẹ tôi/Tội đón nước mắt con bay ngược về mắt mẹ..." và cũng là để góp phần hoàn chỉnh thêm chân dung Mẹ hằng sống động trong tâm tưởng cũng như lòng biết ơn sâu nặng của anh. Người đọc có thể không cần có kiến thức về Âm Dương ngũ hành, Mùa Tứ quý... cũng dễ xúc động tận đáy lòng, nếu thấm được cái “Tinh chất khóc ngấm vào da vào thịt” của tác giả (Mùa Tứ Quí). Không cần hiểu triết lý cao siêu của đạo Phật cũng có thể cảm được tiếng hát của Phật ( Phật hát) thực ra cũng là tiếng khóc của Mẹ trong tâm tưởng nhà thơ (Mẹ khóc), và rung động sâu sắc trước hình tượng thơ "Tọa tòa sen Phật bà khóc" bởi cái thực tại đau đớn trong đó "Giấc mơ thơ nát bấy như bùn" giữa lúc "Máu đã chảy lên thành quả Mặt trời"( Chùa Một Cột)

Chính NNB đã nói về điều này mấy chục năm trước trong Ghi chép: "Thủng thẳng với Thơ": "Thượng cách của trí tưởng tượng xử dụng rất nhuyễn, rất ảo, rất lôgích một chuỗi hình ảnh, hình tượng xảy ra trong cuộc đời đã được thơ hóa bằng trí tuệ nhà thơ... Tôi lắng nghe nhịp đập trái tim mình từ mọi phía khác nhau của cuộc đời, sự chỉ huy không phải là bộ óc, mà là trái tim, cho nên những phấn khích nội dung nơi trái tim liền tức khắc thành thơ, những vần thơ ấy nhiều khi mâu thuẫn với chính tư duy của mình" ( nnb.com). Cũng nhờ sự mâu thuẫn đó, cũng giống như trong nghề làm gốm, một bình gốm bị "hỏa biến" tức là không làm chủ được nhiệt độ thì sản phẩm bị hỏng, nhưng cũng có lúc lại tạo ra sản phẩm kỳ lạ, độc nhất vô nhị, tác phẩm thơ đôi lúc thăng hoa không ngờ. Trong thơ NNB, ta gặp không ít trường hợp như vậy. Trong bài "Hello" gần đây nhất ta có thể nhận ra: tất cả những màu sắc rực rỡ hay xám xịt, những tiếng khóc tiếng cười , những chuyện vui – buồn, cũ – mới trong cuộc đời này,  từ nước Việt xa xôi đến những bang của nước Mỹ… đều có thể ném vào hai câu thơ sau đây như một cái “thùng không đáy”: “Chỉ thấy chữ múa chữ hát chữ hôn chữ làm tình chữ gục đầu chữ khóc”(câu đầu bài )“Người viết những dòng nhật ký này hello cùng tiếng nức nở trong lòng” (câu cuối bài). Lúc đó, hình như người đọc cũng vô tình phải làm thơ theo anh, cũng đang muốn "hello" với một giọt lệ cay trong đáy mắt… Trong tập “99 khúc tặng Liên”, nếu bình tĩnh đọc và nghiền ngẫm dễ nhận thấy: mọi tâm tư, mọi nhận xét, mọi kiến thức, mọi thi hứng... của NNB dường như được liên kết lại trong/ và nhờ một trường cảm xúc - liên tưởng khá đặc biệt mà từ đó, tác giả phiêu du vào cõi Mộng; và cái cõi Mộng này (nhiều lúc kèm theo Ảo) thực ra cũng chỉ là hồi quang của ấn tượng lịch sử, của kinh nghiệm trường đời từng được lặn sâu trong mạch đời sống tâm hồn Dân Tộc. Đó là sợi tơ lòng thầm kín nhất, nhạy cảm nhất, và có thể nói là đắm đuối nhất kể từ những năm tháng người thơ được "bú mớm" bởi tình thương của các bà Tiên trong "Kinh thành cổ tích", để lúc nào cũng sẵn sàng ngân lên thành lời ân nghĩa, thành "Thơ Dâng" (Tên một tập thơ nổi tiếng của thi hào Ấn Độ R.Tagore). "Giữa âm dương mung lung" và đạn bom, máu chảy của những năm tháng chiến tranh khốc liệt, người thơ cũng vẫn dành những khoảnh khắc của "ngày xưa cổ tích" trân trọng đem đến cho Tình Yêu:

Tôi kịp lên thuyền/Hợp sức cùng em vượt thác/Cảm động tình Bích Câu thuở trước/Em là tranh Tố nữ làng Hồ/Tôi hân hoan đón kỳ ngộ bây giờ/ Nhật nguyệt yêu mưa phùn gió bấc
/ (Ca trù mùa thu)

Đây không chỉ là một tập Thơ Tình hiểu theo nghĩa hẹp, bởi toàn bộ câu chữ và tâm tư tác giả đã minh chứng hùng hồn cho cái điều giống như tuyên ngôn Thơ và tuyên ngôn Tình Yêu này:

Hỡi quá khứ với bao nhiêu mặn chát/Ngươi cũng là vị biển của tình yêu
/( Biển đổ chiều)

Cái trường cảm xúc - liên tưởng đã nói ở trên góp phần quan trọng tạo nên một người thơ NNB không giống ai, nó tựa một thứ "tâm trạng mỹ học đặc biệt " được nhiều nhà nghiên cứu văn học & nghệ thuật đã nói đến, tiêu biểu là của tác giả E. Weber: "Tảng đá tư tưởng rơi vào tâm trạng này và làm dấy lên những đợt sóng tinh thần, những đợt sóng này vươn tới sự biểu hiện bằng ngôn ngữ và sẽ phải trở thành Thơ..."(Theo "Tâm lý học sáng tạo văn học"- M. Arnaudov, Nxb Văn học, 1978, tr.536)

Trong lúc say sưa "Chuyền tay chữ hát xuống thuyền", thơ NNB không phải bài nào cũng "đắc ý" làm thỏa mãn người đọc, thậm chí có những câu - đoạn mà nếu tôi được làm biên tập sẽ yêu cầu cắt bỏ không thương tiếc, ví như: "Ôi lớn lao quá đỗi/ Cuộc tình sông núi ta/ Hề chi ngã bảy ngã ba/ Khi non sông hát bài ca xum vầy..." (Hỏi đường). Nhưng, ngay cả những sự non nớt đôi khi của câu chữ như thế trong Núi Thơ NNB (xin lỗi trước nhà thơ NNB) cũng đã trở thành kỷ niệm máu thịt trong kho "Lưu trữ yêu" của đôi vợ chồng thi sĩ có thân phận khá đặc biệt này.
Để kết thúc bài tranh luận nhỏ với ông PTC, tôi xin được trích lại một nhận xét (hay là băn khoăn) của một người bạn, nhà thơ - nhà nghiên cứu văn học hải ngoại Đỗ Quyên: "...dường như ở Thơ và Người Thơ NNB có sự chen lấn nhau, khiến cho Thơ (văn bản) bị Người Thơ cưỡng bức... Hay tác giả coi đời sống thơ như một thứ đạo, mà tác phẩm chỉ là phó sản của Sống Đạo? Thiển ý, đây là nút để mở thơ NNB ra đọc." (Thư điện tử). Cảm ơn bạn Đỗ Quyên!
Sau rốt, tôi cũng rất biết ơn tác giả PTC đã có một bài viết công phu, nhiều khám phá về thơ NNB khiến tôi buộc phải mở tập “99 khúc tặng Liên” ra để đọc lại, ngẫm nghĩ, và rút ra được thêm nhiều điều bổ ích cho tinh thần...

Hà Nội, đầu tháng 5-2013



3. PHÙNG THÀNH CHỦNG:
ĐÔI LỜI CÙNG NGUYỄN ANH TUẤN QUA BÀI “ ĐỌC LẠI 99 KHÚC TĂNG LIÊN” CỦA NNB, CỦA ANH.

Qua bài “Đọc lại “99 khúc tặng Liên” của Nguyễn Nguyên Bảy” của đạo diễn - nhà báo Nguyễn Anh Tuấn, nhằm trao đổi với bài viết: “99 khúc tặng Liên” của Nguyễn Nguyên Bảy đòi hỏi người đọc phải có rất nhiều “kiến văn” của tôi, để tránh sự hiểu lầm về phía bạn đọc, tôi xin được có đôi lời cùng đạo diễn - nhà báo Nguyễn Anh Tuấn như sau:    


1. Đạo diễn - nhà báo Nguyễn Anh Tuấn viết:

“Song tôi nghĩ đó không phải là những điều kiện tiên quyết, và hơn nữa, nếu chỉ vậy thì thực không đủ! Hơn nữa những đoạn thơ ông trích từ “99 khúc tặng Liên” để minh chứng cho sự “giải mã” của mình, theo tôi lại là những đoạn thơ khô khan, chỉ nhằm minh họa cho các lý thuyết Kinh Dịch, Tử vi, Phật pháp... mà NNB (Nguyễn Nguyên Bảy) vốn thông thạo với tư cách là đại sư phong thủy. Những kiến thức dày đặc về triết học Á Đông, về sử học, nhân học, văn học dân gian… được thể hiện trong thơ NNB thực ra không làm nên giá trị thơ anh, chúng chỉ là cái phông nền của cảm xúc, của ý tưởng, của tứ thơ mà không phải lúc nào cũng được sử dụng đúng chỗ, đắt giá, thậm chí đôi khi chúng làm thơ anh nặng và rườm”.

Xin thưa: Tôi không nói kiến văn là điều kiện tiên quyết càng không nói giá trị thơ Nguyễn Nguyên Bảy là ở “… những kiến thức dày đặc về triết học Á Đông, về sử học, về nhân học, văn học dân gian…” và chính vì sợ bạn đọc hiểu lầm như đạo diễn - nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: “… và hơn nữa, nếu chỉ vậy thì thực không đủ…” tôi đã phải mở đóng ngoặc đơn () mấy dòng ở cuối bài: (Xin xem thêm bài: Đặc sản Nguyễn Nguyên Bảy - Những câu thơ hay, đẹp và sang trọng trong “99 khúc tặng Liên” coi như phụ lục của bài viết này). Vậy mà tôi vẫn bị (được) đạo diễn - nhà báo Nguyễn Anh Tuấn cố ý hiểu lầm(!)

- Những đoạn thơ tôi trích từ “99 khúc tặng Liên” không phải để minh chứng cho sự giải mã của mình mà là minh chứng cho cái “tít” của bài viết là “…đòi hỏi người đọc phải có rất nhiều kiến văn”, nhưng không phải tất cả là “… những đoạn thơ khô khan” chỉ nhằm minh họa cho các lý thuyết Kinh Dịch, Tử vi, Phật pháp…” như đạo diễn - nhà báo Nguyễn Anh Tuấn viết. Xin được dẫn lại những đoạn (trong số những đoạn đã dẫn) không thể nói là khô khan:

"Nhện buồn sao chửa giăng vui/ Chấu chưa cắn hết những lời tro than”/ “Em rạng ngời gương nguyệt”
(Khúc 094. Viết trên giường bệnh) “Sướng đỉnh phóng lúc trăng buông”/ “Thi nhân cười gạo sôi vung/ Đũa cả em ghế một vùng tám sen/ Này giò này chả này nem (Bản chính thức in là men!)

(Khúc 093. Tiệc tình)/ “Chu tước thoải bờ sông/ Vườn rừng xanh Huyền vũ”
(Bản chính thức là huyền vũ: chữ huyền không viết hoa)

(090. Tự hoạ sau cùng)/ “Chim vợ gù giọng thuỷ/ Chim chồng gù giọng thổ/… Thuỷ thổ âm dương tương khắc/… Khắc này là khắc tương sinh/ … Chim trống gù đàn ba dây./ Chim mái gù đàn sáu khúc/ Đàn ba dây là Càn tam liên/ Đàn sáu khúc là Khôn lục đoạn /... Khắc này là khắc tương sinh/ ... Cầu cho tình tu thân đắc trung đắc chính/ Đắc câu văn người vợ mình”

(089. Lời Chim câu)/ “Khổn chị Dậu, khổn Thuý Kiều/ Đâu phải khổn nào cũng khóc
Đầm kiệt làm gì có nước/ Khổn Thị Nở, khổn Chí Phèo/ Rạch mặt chửi cả làng Vũ Đại
Cháo hành lò gạch trăng mơ/ Khổn Cao Bá Quát thánh thơ/ Gươm đàn kháng khổn
Tru di tam đại về trời/ Vận khổn chẳng dám lộng lời/ Cười qua khổn vói gọi trời mưa bay
Trạch kiệt rồi trạch lại đầy”

(078. Tụng Khổn)/ “Yếm thắm không bỏ bùa sư/ Mà sư cứ đòi xoa yếm thắm
Mẹ bảo này trọc đầu/ Trong ngực tôi có Phật/ Trọc đầu có sợ ố cà sa?/ ... Tôi ấp môi son vú mẹ
Lè phè nằm nghe Phật hát/ ... Ngày tôi phải rời xa yếm thắm/ Mẹ bảo từ nay trong ngực con có Phật/ Con thưa trong ngực con có mẹ”
/

(070. Ba khúc dâng mẹ: 1. Phật hát)/ “Con biết ở cõi trời/ Mẹ muốn khóc cũng không thể khóc
Vì thế ở cõi người/ Ngày ngày con đem tiếng khóc mẹ ra phơi/ Lạy trời đừng phạt mẹ tôi
Tội đón nước mắt con bay ngược về mắt mẹ/ Để mẹ lại được khóc/ Âm dương cũng đạo làm người”

(070. Ba khúc dâng mẹ: 2. Mẹ khóc)/ ... Trăng cười phơi phơi./ Gió cười phơi phơi./ Âm dương phơi phơi tít mắt

(063. Nhật ký Seattle, 4: Tuần trăng mật kỳ lạ)/ “Năm nay dương gian cầu xin nhiều quá/ Cá vàng thả đỏ sông quê,/ Lửa hoá vàng cháy sôi bến nước/ … Hạ thuỷ thêm thuyền Bát Nhã độ chúng sinh/ …. Độ chúng sinh là việc Trời việc Phật./ Cát hung cứu giải hà sa/ ... Phật mở ngực bắc những cầu dải yếm/ Vẩy nước phúc tiễn hồn cập bến/ ... Bể đời mang mang thả ngư cầu long/ … Tràng hạt lần tay mò mẫm/ Thăng hồn gõ mõ tụng chuông....

(067. Nam mô Tết) / "Anh thả tro bụi cha vào sông/ Xin mát mẻ hồn/ ... áp thấp gió mây cờ xí
Quân hồn ngợp trời nước lửa
/ Chiến thuyền phủ kín sông trăng/ Cha thiêm thiếp nằm nghe bão nổi…/ Củ khoai thờ ngoài đình làng/ Cha thắp nhang tạ củ khoai thần/ Trước một lễ hội rước dâu/ áo đỏ áo xanh trăm sắc ngàn mầu..../ Sông hồn hắt đầu sôi/ Khí hồn bắt đầu thăng/ … Cửa mả mở/ Với anh ba ngày như mới hôm qua/ Một đời như mới hôm qua/ Cha anh còn sống hôm qua/ Mà hôm nay đã âm dương hai cõi...,/ ... Đón gạo thơm và muối trắng/ Con trai anh rắc xuống như hoa../
(041. Sông Cái mỉm cười)/ “Nơi ấy/ Tôi là đứa trẻ đẻ rơi/ Mẹ trẩy hội trên cầu dải yếm/ Các bà tiên chuyền tay nhau bú mớm/ Chuyền tay nhau hát hò/ Chày Yên Thái tôi nghe/ Trái bàng rơi tôi nhặt/ Gạo làng Gióng tôi ăn/ Sông Cái lắm thuỷ thần/ Rằm Mồng Một dâng hoa chùa Bộc/ Nơi ấy/ Các bà tiên dạy tôi biết khóc/ Các bà tiên dạy tôi biết cười/ Các bà tiên cho tôi giấy bút/Dạy tôi vẽ lên trời hình Rồng thăng/Dạy tôi chép chữ thành vần/Dạy tôi làm chồng, làm vợ/ Năm ấy sấm Trạng Trình ran nổ/ Trời thật nhiều đạn bom/Nơi ấy lẽ Càn Khôn/ Các bà tiên lần lượt về mây trắng/ Con đưa mẹ đến đầu cầu dải yếm/ Mẹ trắng vào mây/Mẹ thăng vào gió
Mẹ đi trẩy hội Tiên Rồng ...”

(001. Kinh thành cổ tích)./ “... Đùa nước thả đàn vịt cỏ/Vịt giấy tom tom qua thác

Gió cho vịt cánh/Chát chát qua ghềnh/Quần mưa áo nắng/Bắt con cá chao đào con cua trốn
Cứ thế thuyền trôi/Sông đời ơi có về xuôi?/Ơi! Ơi! Ơi!/Thuyền đời người xuôi được/Sông đời làm sao xuôi?/Về xuôi bỏ nguồn cho ai/Bỏ thác bỏ ghềnh cho ai/Không giông không gió/Không thác không ghềnh/Làm gì còn sông đời/Cho người yêu sông xuôi xuôi xuôi/Thế nhé chào thuyền xuôi…/ Ừ xuôi ừ xuôi ừ xuôi ...”

(014 Thác ghềnh sóng gió ơi!)/ “Soi mình vui cả mặt gương”/(026. Ngã bảy)


2. Đạo diễn - nhà báo Nguyễn Anh Tuấn viết:

“Người ta có thể không cần có kiến thức về Âm Dương ngũ hành, Mùa tứ quý... cũng dễ xúc động tận đáy lòng, nếu thấm được cái “tinh chất khóc ngấm vào da vào thịt” của tác giả (Mùa Tứ Quý). Không cần hiểu triết lý cao siêu của đạo Phật, cũng có thể cảm được tiếng hát của Phật (Phật hát) thực ra cũng là tiếng khóc của Mẹ trong tâm tưởng nhà thơ (Mẹ khóc) và rung động sâu sắc trước hình tượng thơ “Tọa tòa sen Phật bà khóc) bởi cái thực tại đau đớn trong đó...”
Xin thưa: Đầu đề bài viết của tôi là “99 khúc tặng Liên” của Nguyễn Nguyên Bảy đòi hỏi người đọc phải có rất nhiều kiến văn” là nghiêng về phần lý tính và vì vậy để tránh hiểu lầm - như trên đã nói - tôi đã phải mở đóng ngoặc đơn mấy dòng ở cuối bài: (Xin xem thêm bài: Đặc sản Nguyễn Nguyên Bảy - Những câu thơ hay, đẹp và sang trọng trong “99 khúc tặng Liên” coi như phụ lục của bài viết này) do tôi đọc chọn, mang tính thuần túy cảm tính. Vậy mà đạo diễn - nhà báo Nguyễn Anh Tuấn vẫn còn bắt bẻ?! Nhân đây, tôi bỗng nảy ra một ý thú vị muốn trao đổi cùng đạo diễn - nhà báo Nguyễn Anh Tuấn:

- Nếu cảm được cái hay của một bài thơ khi hiểu được nó và cảm được cái hay của nó mà không hiểu được về nó thì cái cảm nào sâu hơn (?) Và nữa, chưa kể người đọc còn phải là người đồng sáng tạo cùng với tác giả, như vậy đòi hỏi phải ngang bằng về mặt kiến văn chứ chưa dám nói cao hơn.


3. Đạo diễn - nhà báo Nguyễn Anh Tuấn viết:

“Đây không chỉ là một tập Thơ Tình hiểu theo nghĩa hẹp, bởi toàn bộ câu chữ và tâm tư tác giả đã minh chứng hùng hồn cho cái điều giống như tuyên ngôn thơ và tuyên ngôn tình yêu này:

“Hỡi quá khứ với bao nhiêu mặn chắt/ Ngươi cũng là vị biển của tình yêu”
/(Biển đổ chiều)

- Xin thưa: Rất mong đạo diễn - nhà báo Nguyễn Anh Tuấn chỉ dùm đoạn nào trong bài viết của tôi đã khiến anh phải phản bác lại: “Đây không chỉ là một tập thơ tình hiểu theo nghĩa hẹp... (!)”

4. Đạo diễn - nhà báo Nguyễn Anh Tuấn viết:
“Trong lúc say sưa “chuyền tay chữ hát xuống thuyền” thơ NNB không phải bài nào cũng “đắc ý” làm thỏa mãn người đọc, thậm chí có những câu - đoạn mà nếu tôi được làm biên tập sẽ yêu cầu cắt bỏ không thương tiếc, ví như: “Ôi lớn lao quá đỗi/ Cuộc tình sông núi ta/ Hề chi ngã bảy ngã ba/ Khi non sông hát bài ca xum vầy...” (Hỏi đường).
- Xin thưa: Đạo diễn - nhà báo Nguyễn Anh Tuấn nên sòng phẳng và minh bạch với tôi và nhà thơ Nguyễn Nguyên Bảy trong đoạn viết trên vì bạn đọc (nếu không đọc bài viết của tôi) sẽ dễ hiểu lầm là với tôi (và với nhà thơ Nguyễn Nguyên Bảy) “99 khúc tặng Liên” bài nào cũng “đắc ý”, cũng “làm thỏa mãn người đọc”. Lại nữa: 4 câu thơ anh dẫn, dễ làm người đọc hiểu lầm là tôi đã coi đó là những câu thơ hay, đẹp và sang trọng của NNB trong “99 khúc tặng Liên”

5. Đạo diễn - nhà báo Nguyễn Anh Tuấn đã viện dẫn đến Đỗ Quyên (mà theo anh) là: ... “của một người bạn, nhà thơ - nhà nghiên cứu văn học hải ngoại: “... dường như ở thơ và Người thơ NNB có sự chen lấn nhau, khiến cho thơ (văn bản) bị Người thơ cưỡng bức... Hay tác giả coi đời sống thơ như một thứ đạo, mà tác phẩm chỉ là Phó sản của Sống Đạo? Thiển ý, đây là nút để mở thơ NNB ra đọc”.
Xin thưa: Như vậy là đạo diễn - nhà báo Nguyễn Anh Tuấn đã tán đồng với nhận xét và đánh giá về thơ NNB của nhà nghiên cứu văn học (tôi không quan tâm đến quốc nội hay hải ngoại) Đỗ Quyên và đó là quyền của ông Đỗ Quyên và Nguyễn Anh Tuấn, tôi xin tôn trọng. Nhưng với tôi “... Thơ và Người thơ NNB không phải lúc nào cũng “có sự chen lấn nhau, khiến cho thơ (văn bản) bị Người Thơ cưỡng bức...” Và nữa, tôi không tán đồng với ý kiến “... Hay tác giả coi đời sống thơ như một thứ đạo, mà tác phẩm chỉ là phó sản của Sống Đạo?”. “Nói có sách, mách có chứng”, một lần nữa xin đạo diễn - nhà báo Nguyễn Anh Tuấn hãy xem thêm bài viết: Đặc sản NNB - những câu thơ hay, đẹp và sang trọng trong “99 khúc tặng Liên” của tôi (Ngoài các câu thơ được dẫn trong bài viết, tôi còn có thể dẫn ra được nhiều hơn nữa). Không lẽ với những câu thơ đó “Thơ và Người thơ NNB có sự chen lấn nhau, khiến cho Thơ (văn bản) bị Người Thơ cưỡng bức”? Không lẽ đó chỉ là “phó sản” chứ chưa phải là “Chính sản” (thơ) của Sống Đạo?

Cuối cùng, xin được lưu ý đạo diễn - nhà báo Nguyễn Anh Tuấn nếu muốn trao đổi về vấn đề gì thì nên cần và phải bám sát nội dung văn bản của bài viết của người mà mình cần trao đổi.

Nguyễn Nguyên Bảy / Mời đọc tiếp bài 15/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét