NGUYỄN NGUYÊN BẢY
CHÉMGIÓMUÔNMẦU
Văn ngắn/ nxb hội nhà văn
Sách dày 240 trang, khổ 20x20, bìa carton in 4 mầu, giấy Ford indo trắng, gồm tập hợp 33 bài chém gió xanh/đỏ/tím/ vàng của bút nhân Nguyễn Nguyên Bảy, chủ trang vandan BNN, đã..đã có mặt tại gia, và sẽ là món quà nhỏ/ thân/yêu tặng bầu bạn trước thềm Tết năm Mùi Ất..2015
Bài 22.
CÓ MỘT TÔ HOÀNG TIỂU THUYẾT
Hỏi em anh bỗng nhiên buồn
Chiều nhạt nắng tóc xõa vai nhạt nắng
Sông Tương
Sông Tương ở đâu
mà ai cũng đi qua sông Tương Nhỉ
Ai đi qua cũng rớt mái chèo.
Cuốn tiểu thuyết dày 374 trang, tôi đã đọc một mạch từ 8 giờ tối cho đến quá nửa đêm thì xong, chợp mắt một lúc là sáng, tỉnh dậy, tôi gọi điện thoại cho Hoàng. Câu hỏi: Sự thật là như thế nào? Hoàng đáp: Trăm phần trăm sự thật. Tôi cúp máy và trở lại với Ngửa Mặt Kêu Trời, đọc lướt chừng một giờ. Lại nối máy với Hoàng. Ông vẫn là chính ủy đấy chứ? Hoàng đáp: Ông mất lòng tin ở tôi từ bao giờ vậy? Tôi cúp máy. Ngay từ thời chúng tôi cùng thần tượng Paven, đám bạn cùng thời với Hoàng, tất nhiên cả tôi, chúng tôi đều coi Tô Hoàng là chính ủy, chính ủy từ tâm hồn đến lời ăn tiếng nói, đến chiếc sà cột luôn khoác vai đến cái vẫy tay, cái miệng mở câu chào, cái gì cũng chính ủy cả, chính ủy toàn phần. Tôi vừa lật dở cuốn sách của Hoàng, vừa lan man nghĩ về câu hỏi của Hoàng: Ông mất lòng tin với tôi từ bao giờ vậy? Vì không đáp thoát được câu hỏi của Hoàng, tôi nối lại điện thoại, lần này chúng tôi nói với nhau bằng tiếng Nga. Hoàng cười từng cười ngắn và nói câu thành ngữ Nga “ Rứbắc rứbắcka vídít idờ đalêka “, nôm na là “Người đánh cá nhìn thấy người đánh cá từ xa”, ứng với một câu tám trong Kiều “ Phải người cùng hội cùng thuyền đâu xa”, ý rằng tôi nên là Hoàng mà đồng cảm với Hoàng. Tôi từ câu nói đó của Hoàng mà viết bài đò đưa này.
Cuốn tiểu thuyết Ngửa Mặt
Kêu Trời, Tô Hoàng viết năm 1991, năm 2004, NXB Hội Nhà Văn in 500
cuốn, bản thân tôi mãi đền đầu năm 2011 mới được Hoàng cho sách. Thử hỏi liệu
bao nhiêu người đã được đọc cuốn sách này? Hỏi rồi đáp, rồi tiếc cho người chưa
được đọc, một cuốn sách nên đọc. Đây đúng là Con Tiểu Thuyết theo định nghĩa “Đầu
Gà, Mình Báo, Đuôi Công”, Con Thuyết này đã cứu tôi việc tóm tắt nội
dung tác phẩm, vì bạn đọc chưa đọc thì đò đưa thuyền trên cát sao?
Dưới đây tôi xin chép lại ít dòng
Đầu Gà và ít dòng Đuôi Công, để nếu bạn có đọc bài
Đò Đưa này thì mở lòng mà tự thăng hoa phần mênh mông, phần vằn sọc của Mình
Báo.Đầu Gà của Thuyết, cuối trang 7:
“ Bà Tamara Grigôépna (nhân
vật chính đại diện phía Liên Xô cũ), phó khoa, có thói quen vừa tiếp sinh viên
vừa trang điểm, thủng thẳng nói với Duy (nhân vật chính đang làm luận án phó,
sau này đồng loạt thành tiến sĩ ở Việt nam). Mùi sơn, mùi nước hoa từ phía bên
kia bàn thoang thoảng bay sang khiến Duy gây gây cái cảm giác sắp lên cơn sốt.
- Tôi không cần điều gì khác
ngoài sự yên tĩnh.
- Có thật thế không? Bà phó
khoa ngước đôi mắt vừa tô xong một lớp phấn xanh nhìn Duy, tủm tỉm,- Chỗ người
lớn với nhau xin anh thành thực cho.
- Tôi, tôi không còn lý do nào
khác.
- Tất nhiên các bạn Việt nam
bao giờ cũng cần được ưu tiên giúp đỡ rồi. Nhưng nói anh Duy đừng giận, đồng hương
của anh mấy năm trở lại đây trở nên ranh mãnh, quí quái quá trời. Tôi mới nghe
được câu chuyện này đây: ở một trường đại học kia có anh chàng Việt Nam thi môn
triết học. Anh ta gắp phải câu hỏi về mấy cặp phạm trù. Quả là anh ta nói tiếng
Nga quá tồi, khiến các vị trong hội đồng thi cứ lắc đầu quầy quậy. Nhưng tự
nhiên anh ta nói tiếng Nga khá sõi: “ Thưa các giáo sư, tôi rất hiểu vấn đề,
tôi chỉ không đủ vốn tiếng Nga để diễn đạt thôi. Xin phép các giáo sư cho bạn
tôi vào dịch giúp”. Các vị hội đồng thi chấp thuận. Câu trả lời thật tuyệt vời.
Các vị giáo sư đã định cho điểm 5. Nhưng bỗng có một vị sinh nghi tự hỏi; tại
sao khi anh ta ngỏ ý cho bạn vào dịch hộ, anh ta nói tiếng Nga chuẩn đến như
vậy? Điều tra, té ra anh chàng đã thuê người bạn kia trả lời thay bằng năm
chiếc nồi áp suất! Ôi, đến cả các cặp phạm trù triết học cũng mua được, tài
tình đến thế là cùng.
- Bà Tamara Grigôépna ngửa
lưng vào thành ghế cười rũ rượi khiến hai múi thịt bên má rung lên bần bật. bà
ta rút khăn tay lau nước mắt, giọng nói vẫn còn nghèn nghẹn trong tiếng cười,
bà hỏi Duy:
- Nghe nói bên nước anh bây
giờ một cái tủ lạnh Xaratốp bán đi gần đủ tiền xây một căn buồng, còn giá một cái
nồi áp suất thì bằng cả tháng lương của một ông họa sĩ, có đúng như thế không?
- Duy đưa tay lên xoa nhẹ thái
dương, anh đáp cụt lủn:
- Tôi không rõ.
- Anh không rõ thì cô Phương (
nhân vật nữ chính, đội trưởng đôi lao động Việt Nam ở Liên Xô thời đó) hẳn biết
rõ. Cô ấy mới sang đây ít lâu, nghe nói đã mua được cả đồ gỗ gửi về nước rồi
đấy. Mà đồng lương của một đội trưởng bao nhiêu thì chúng tôi biết chứ.
- Duy thoáng rùng mình. Cái
cảm giác gây gây sốt kia đã thực sự nôn nao, cồn cào trong anh. Thảo nào đám
đồng hương trong trường đã mệnh danh cho bà phó khoa lá “ chuyên gia số 1 về
Việt nam”.
- Xin lỗi, anh cần ra ngoài đó để tập trung hoàn
thành bức phác thảo tốt nghiệp hay là do cô Phương xúi giục? Ngoài đó gần
metro, gần trung tâm phố xá lại không có thường trực canh cổng…Tha hồ tụ tập
bạn bè, tha hồ khuân hàng về, chở hàng đi…
- Duy thọc tay vào túi áo,
nhưng ngón tay run bần bật chạm ngay vào lọ nước hoa Eau de Parfum Phương mua
cho Duy với giá hơn bốn chục rúp và khuyên anh nên sử dụng khi cớ sự đã đến
nông nỗi này. Lúc Duy sắp cáo lui, bà phó khoa ân cần tiễn anh ra tận cửa,
giọng nói trở nên sởi lởi thân tình.
- Anh nhớ đấy nhé, đừng dính
vào công việc buôn bán của cô bạn anh, nguy hiêm lắm đấy! Anh hãy tỉnh táo bảo
vệ lấy tài năng của mình”
Đuôi Công của Thuyết,
cuối trang 371:
“Nađia và giáo sư Nataxôn đi
rồi Phương mới chợt nhận ra quang cảnh phòng khách sân bay Sêrêmêchiêvô lúc này
có nét gì đó hao hao giống khi lần đầu tiên Phương đặt chân đến đây. Hành khách
cũng đã vận áo khoác ngoài. Cái ẩm ướt lạnh lẽo của tiết thu cũng ùa ạt theo
vào đây mỗi lần có đám khách mới bước vào phòng đợi. Càng ngạc nhiên hơn khi
Phương nhận ra chị cũng cảm thấy trơ lì, cái lạnh hệt như dạo đó, cho dù chị
mới chia tay Nađia, chị đang đeo phía sau lưng cái ba lô đựng chiếc bình tro
hài cốt của Duy. Phương chỉ cảm nhận ra chị đang mệt mỏi lắm, đang cần chỗ dựa
lưng để nhắm mắt lại thiếp đi trong giấc ngủ thật sâu. Khách” đầu đen”
hôm nay không đông nên mọi thủ tục kiểm tra khá nhanh chóng. Igor và ông Bỉnh
đưa Phương tới bên hàng lan can sắt thì dừng lại. Nhận chiếc va ly Igor trao
cho, Phương không còn nhớ cả đền việc bắt tay tạm biệt ông Bỉnh và Igor nữa,
chị tiến về phía bàn kiểm tra giấy tờ và hành lý. Đứng phía sau bàn là hai nhân
viên hải quan Nga vóc dáng cao lớn nhưng gương mặt lại non choẹt, cố để ria mép
để tạo vẻ đạo mạo, đứng đắn. Hai nhân viên hải quan chậm rãi xem giây tờ rồi
lục lọi chiếc va ly của Phương. Khi họ đẩy trả chiếc va ly về phía Phương, chị
vừa định quay lại vẫy tay chào tạm biệt ông Bỉnh và Igor, thì một trong hai
chàng trai tóc vàng kia yêu cầu được kiểm tra chiếc ba lô phía sau lưng chị.
Phương tháo cái ba lô khỏi lưng, lấy ra chiếc bình tro đặt trước mặt họ. Chị
cũng nhanh chóng lấy ra từ ví đưa họ tờ giầy chứng nhận của nơi hỏa táng, nhưng
hai nhân viên hải quan hình như chưa yên tâm. Kéo chiếc bình về phía mình, một
trong hai người ngay tức khắc moi đâu ra được một chiếc que sắt thò vào khoắng
khoắng trong lọ. Lại vẫn chưa yên tâm.Anh chàng hải quan đó cúi xuống lôi từ
hộc tủ chiếc bục họ đang đứng một tờ báo, trải ra trước mặt rồi nắm đáy chiếc
lọ dốc ngược đám tro cùng mấy chiếc lá bạch dương ra mặt báo. Phương giật mình
khi nghe tiếng Igor thét ngay sau phía lưng chị;
- Các anh nhẫn tâm như thế thì
chưa bao giờ từng thấy đấy,- Igor khua khua tấm thẻ nhà báo lên trước mặt hai
nhân viên hải quan, gương mặt anh đỏ lựng- Đổ ngay vào, đổ ngay vào để chị ấy
đi!
Hai nhân viên hải quan ngước
nhìn Igor, giọng lạnh tanh:
- Xin anh đi ra ngay để chúng
tôi thi hành công vụ. Igor gào lên tức tối:
- Đồ man rợ, chúng mày mất hết
tính người rồi sao? Tao sẽ đưa tất cả chuyện này lên mặt báo.
Một nhân viên hải quan chạy
tới không nói không rằng xô Igoz về phía bên kia hàng lan can sắt. Anh chàng
còn lại bình thản đặt chiếc bình tro lên băng truyền máy soi. Sợi dây cáp
chuyển động. Chiếc bình tro mầu xanh nhạt hơi lắc lư…
Phương dướn người nhìn vào mặt
máy. Chị còn kịp nhìn thấy trên màn huỳnh quang của máy soi cái bình đựng tro
hài cốt của Duy hiện ra rõ mồn một. Chỉ có điều phía bên trong bình cũng là một
khoảng trắng đục trên mặt máy, chị không thấy nhúm tro và mấy chiếc lá bạch
dương đâu.
Đén tận lúc đó Phương mới tin rằng Duy không còn trên cõi đời này, anh đã
thực sự tan hòa vào một thế giới khác, vô hình, vô ảnh…
Thưa bạn đọc. Hết con thuyết. Còn
lại chỉ thấy những gương mặt người, ai cũng giống Igor Ngửa Mặt Kêu Trời
mà gào: Đồ man rợ, chúng mày mất hết tính người rồi sao? Tiếng gào ấy
thấu đến tận trời xanh, dù đã bảy chục năm trời bịt tai che mắt mà nhìn CCCP
(Liên bang Xô Viết) xây dựng thiên đường người. Khi trời bừng tai mở mắt, thiên
đường chẳng thấy đâu, chỉ thấy những Igor đang ngửa mặt muốn nuốt trời, trời
bèn mỵ dân nổi đóa cho CCCP sụp đổ. Thế là xong một Liên Xô tôi đã từng thần
tượng, đạ từng si tình, yêu mến, tôi đã từng được một bà mẹ người Nga tên
Vaxilepxkaia ở Lêningrat gọi là Xưnôchếc (thằng Út cưng), và Duy, giờ đây chắc
cũng về cõi Mẹ Vaxia. Lá cờ xanh trắng thời Nga Hoàng hạ bệ cờ búa liềm của ông
Lê, ông Sít, bay lại với trời xanh và dọn dẹp đám quỷ sứ mặt người non choẹt,
cố để râu cho chững chạc CCCP.
Xin đừng hỏi tôi Tiểu thuyết của
Tô Hoàng mang thông điệp dự báo về sự sụp đổ của CCCP? Nếu thế chẳng hoá trao
huân chương “tài năng dự báo” cho Tô Hoàng? Tôi chắc chắn là Tô Hoàng chẳng thể
dự báo được điều đó, mà có thể đến giờ phút này, tức là sau 20 năm viết xong Ngửa
Mặt Kêu Trời, Tô Hoàng vẫn còn bàng hoàng và không tin ở chính tai
mình, mắt mình là CCCP sụp đổ. Sụp đổ rất nhanh, sụp đổ vô phương cứu, bởi đó
là trừng phạt của Giời, trừng phạt giải thoát cho chính nước Nga và nhiều nước
“ anh em’ bị Nga quy gom vào CCCP mà thống trị mà bắt cùng xây dựng cái thiên
đường bánh vẽ, vô vọng và đầy ma quỉ. Chắc chắn là Tô Hoàng đồng ý với nhận xét
của tôi, mà nếu phản đối tôi cũng không bận tâm, vì tôi chỉ nói chân lý theo
chữ nghĩa của Tô Hoàng. chữ nghĩa ngay từ cái tên Con thuyết đặt là Ngửa
Mặt Kêu Trời. Cái tên đó cũng đủ làm nên một nhà văn chính ủy Tô Hoàng,
bởi những năm 1990, chỉ cần nói xám một câu về CCCP cũng đủ tong một đời, nói
chi đến Ngửa Mặt Kêu Trời xin Giời ban phép thần tiêu diệt ma
quỷ. Cảm ơn dũng khí của Tô Hoàng. Và với riêng mình, tôi xin phép Hoàng cải
tên có mùi CCCP – chính ủy- thành Nhà Văn ( chữ nhà văn viết hoa) Tô Hoàng, để
rồi rung đùi mà rằng: Tôi có một người bạn Tô Hoàng Nhà Văn.
Trước khi trở lại với con Thuyết Ngửa
Mặt Kêu Trời, Tôi xin kể vắn một câu chuyện tếu trong một bối cảnh hết
sức nghiêm túc của một nữ sinh Mỹ hỏi tôi trong một buổi ngoại khóa về Kinh
Dịch, tại UW, Seattle,USA. Thưa thầy, cô nữ sinh hỏi, xin thầy mở lòng cho
biết, người Việt Nam có nhược điểm gì xét trên bình diện tính tình, tính cách?
Một người bản tính huyênh hoang, vỗ ngực như tôi đã choáng trước câu hỏi của cô
trò lí lắc. (Nói thêm, trước câu hỏi này, tôi đã trả lời được ít nhất hơn hai
chục câu hỏi về nhiều đề tài khác nhau trôi chảy như sông Hồng mùa nước lớn).
Choáng trước câu hỏi, trong tôi nổi một cục “tự hào dân tộc” và những toan tính
lấp liếm dối trá. Nhưng tôi đã kịp nhận ra những lấp liếm dối trá ấy, nếu xẩy
ra, sẽ chỉ nhận được được những khinh miệt của những tâm hồn trong sáng trung
thực như tuổi các con tôi đang ngước nhìn tôi với đức tin mến yêu của trò đối
với thầy, của con đối với cha. Liêm sỉ và sự cầu thị đã chiến thắng. Tôi hơi
cúi đầu trước cử tọa và nói: Thầy xin lỗi, thầy đã không thể trả lời được
câu hỏi của em. Khán phòng ran tiếng vỗ tay khích lệ trước cúi đầu tôi. Cô
nữ sinh nhoẻn cười như nắng và thưa với tôi lời đôn hậu: Thưa thầy, hè năm rồi
con được du lịch Việt nam. Con đã gặp bao nhiêu là người Việt Nam tài giỏi và
xinh đẹp. Con yêu mến và ước mơ ( cô hơi ngắc ngứ, định không nói, nhưng cuối
cùng cô vẫn nói) nếu có chàng trai Việt nào bỗng nhiên ngỏ lời yêu con, thì có
lẽ con sẽ nhận lời và ở lại làm dâu Việt Nam luôn (cả lớp rộ cười). Và nếu
chuyện đó là sự thật, thì con sẽ nhận lời cầu hôn với một điều kiện chồng con
phải học cười. Thưa thầy, theo nhận xét của con, người Việt Nam có một nhược
điểm trên phương diện tính tình tính cách, cần thay đổi càng sớm càng tốt, đó
là nhược điểm không biết cười. Tất nhiên người chồng ảo của con không ngoại lệ.
Ôi, thật đúng là Ngửa Mặt
Kêu Trời: Chẳng lẽ người Việt Nam còn phải học cười ? Tôi ấm ức vì câu
hỏi và câu trả lời ấy, nhưng không cãi. Tôi mang theo ấm ức ấy từ sân Seattle
bay quá cảnh Taiwan, nơi hội tụ nhiều chuyến bay khắp thế giới về đây để đủ
khách bay về Sài Gòn. Bạn thử hình dung xem những nụ cười Việt Nam ở sân bay
quá cảnh này được mấy nụ cười sáng lòa hoan lạc? Bay hai chục tiếng trên trời,
khi xuống đất, nụ cười ngon hơn ly chanh mát, nhưng thử hỏi bạn tìm được máy nụ
cười nơi những người “đang thi hành công vụ” tiếp rước bạn ở sân bay Tân Sơn
Nhất…và sau cùng, vợ tôi đón tôi, ôi nụ cười nước mắt. Tôi lên Taxi về nhà, dọc
đường tôi gặp bao la nụ cười, tiếc là nụ cười chỉ kịp lóe lên rồi tắt trên
gương mặt hình sự, trên gương mặt đăm chiêu suy tư, trên gương mặt dấu chứa bao
điều lo nghĩ. Xin bạn đừng vôi mắng tôi vì câu chuyện tếu có vẻ như nhảm nhí
này. Chúng ta hãy nhìn nhau cười rồi cùng ngẫm nghĩ.
Thuyết Ngửa Mặt Kêu Trời của Tô Hoàng, 374 trang, mỗi trang non ba trăm chữ, hai mươi bốn dòng, vị chi là một núi chữ, một núi văn, thế mà tịnh không có lấy một trang, một dòng văn cười. Mời đọc một trang bất kỳ trong phần Mình Báo, hay là một lá thư gửi từ Hà Nội do dễ đọc trọn vẹn thư.
Thuyết Ngửa Mặt Kêu Trời của Tô Hoàng, 374 trang, mỗi trang non ba trăm chữ, hai mươi bốn dòng, vị chi là một núi chữ, một núi văn, thế mà tịnh không có lấy một trang, một dòng văn cười. Mời đọc một trang bất kỳ trong phần Mình Báo, hay là một lá thư gửi từ Hà Nội do dễ đọc trọn vẹn thư.
Mình Báo của Thuyết, thư
trang 304
Hà Nội, ngày…
Phương ơi, Liên viết thư cho
Phương đây. Lý ra chẳng vội viết thư cho cậu làm gì. Cậu mới sang bên ấy chưa
đầy một năm thì cũng chẳng ai di chuyển Tháp Rùa , Chùa Một Cột đi đâu mà cậu
phải quan tâm, lo lắng. Ví thử cậu ở bên ấy một lèo cả bốn năm hoặc cho dù mười
năm đi nữa thì hòn gạch trước bậu cửa nhà cậu ở chỗ nào , khi cậu về nó vẫn nằm
nguyên chỗ ấy thôi. Chả có gì mà đáng náo nức, trông nhờ ở những đổi thay trong
hiện tại và tương lai cả. Thêm vào đó, dù bộc tuyệch, vô hồn vô cốt như mình đi
nữa, về đến nhà mình vẫn phải đi chào hỏi họ hàng hệt như một cô dâu mới. Mình
rất bận, ấy thế mà mình lại thấy cần phải viết thư ngay cho cậu, dù rằng mình
biết những dòng chữ cậu sắp đọc sau đây sẽ khiến cậu không vui.
Mình đã tới thăm gia đình cậu
hai lần. Hôm đầu chỉ có ông Minh ở nhà, con bé Thủy đi học, thành thử mình phải
đến lần thứ hai đễ gặp được con bé như điều cậu mong mỏi mình. Trước tiên mình
nói ngay với cậu điều này: Hà Nội Mátxcơva xa xôi, cách trở là thế mà bây giờ
lại gần gũi chẳng khác gì Bờ Hồ với cầu Giấy. Đám người vô công rỗi nghề ở nhà
ngán chuyện tiếu lâm chính trị đã chuyển sang đàm tiếu vế cánh chị em có chồng,
có con sang lao động ở bên ấy. Mình là nạn nhân của sự đàm tiếu kia là lẽ đương
nhiên rồi. Mo phú hết! Nhưng cậu cũng đã trở thành nạn nhân đấy. Sáng thứ Sáu
mới rối mình đến nhà cậu lần đầu. Ông Minh than vãn với mình dạo này đây cậu có
vẻ trễ tràng gửi hàng về cho ông ta. Theo lời ông Minh thì trong tháng trước
ông Minh đã móc nối cho cậu ba người quen sang bên Nga họp, có thẻ VIP, cậu chỉ
tới nhận hàng ông ta gửi sang thôi, mà không lợi dụng thẻ ngoại giao của họ gửi
hàng về. Ông chồng cậu nói là vàng ở Hà Nội mỗi ngày một giá. Ông xuất vốn mua
hàng sang, nếu cậu không gửi hàng về ngay thì việc quay vòng cũng chỉ là công
cốc. Lẽ dĩ nhiên mình có thanh minh cho cậu rằng, bây giờ” đám gà con”
đã xuống phân xưởng, cậu phải theo chúng đi ca, không còn thời gian như dạo
chúng còn học tiếng Nga, rằng chị em sang Nga đều hoạt động theo một quy luật
như sau: Mới đầu mới sang rất hăng hái, sôi sùng sục lên để vét hàng, gửi hàng
về, nhưng rồi sự hăng hái đôn đáo kia sẽ phải chững lại, giảm đi. Mình nói để
ông Minh yên tâm, sự chững lại ấy chính là sự nghỉ ngơi về thể xác, xem xét,
đúc rút lại phương diện tinh thần để rồi sẽ làm những phi vụ lớn lao, có hiệu
quả hơn. Nói tóm lại chồng cậu đúng là những gì cậu đã kể về ông ấy hay mình đã
hình dung về ông ấy. Chiều hôm thứ Bảy, mình đến nhà cậu lần thứ hai thì gặp
con bé Thủy. Biết mình đã đến nhà cậu hôm trước, con bé hỏi mình ngay: “ Bác
ơi, hôm qua bố cháu có hỏi bác chuyện mẹ cháu “nhăng nhít” (mình dùng đúng chữ
của con bé Thủy) với chú Duy ở bên Liên Xô không? Mình giật thột, hỏi lại con
bé ông Minh nói với nó như vậy à? Nó lắc đầu, rồi nó nói nó nghe lỏm được trong
lúc chồng cậu than thở với bà chị và cô em gái của ông ấy. Con bé kể, ông Minh
nói đại loại nhự thế này: Cậu sang Mátxcơva gặp Duy, thế là tình yêu cũ bùng
cháy trở lại, Duy viện cớ bị thần kinh để được ra ở riêng một căn nhà ngoài phố
lấy chỗ cậu và Duy gặp nhau. Duy buôn bán thua lỗ, công nợ dầm dề. Về nước thì
sợ ế mặt với vợ con, cứ dùng dằng ở lại bên ấy sống bám vào vốn liếng của cậu.
Còn cậu vì nặng lòng thương người tình cũ nên chi xài tiền không tiếc để mong
sống lại mối tình đầu xa xưa. Phương ơi, dĩ nhiên là mình rất đau lòng khi phải
nghe những chuyện đơm đặt như thế, nhưng mình còn bực mình hơn khi tự hòi ai là
người đưa đẩy những tin tức ấy về Hà Nội. Chả lẽ là “ anh già” hay là lão vùng
trưởng, hay bọn đội trưởng, đội phó, thông dịch viên ở Klin? Câu có để ý thấy
điều này không, trong câu chuyện mà con bé Thủy nghe được vừa có những điều
dựng đứng, vừa có phần trăm của sự thật. Mình cứ suy nghĩ mãi có nên gửi lá thư
này sang cho cậu không? Ví như cậu thuộc dạng người máu cá như mình nhỉ? Nhưng
cậu lại không phải là mình dám bỏ ngoài tai tất cả. Hoàn cảnh gia đình nhà cậu
cũng không giống hoàn cảnh gia đình nhà mình. Thôi, cậu biết vậy để mà biết.
Đừng buồn bã nghĩ ngơi làm gì.Mình sống cho chính mình chứ không phải sống chi
thiên hạ. Đã chuốc vào thân cái kiếp đi Tân Thế Giới làm phu đồn điền thì gắng
gỏi mà chịu đựng. Cho mình gửi lời chào Duy. Tuần tới mình nhật định sẽ tới thăm vợ con ông ấy”.
Tôi đã đọc hơn một lần những dòng
văn ngùi ngùi này, trang nào cũng vậy, dòng nào cũng vậy, văn chậm rãi buồn,
trì triết buồn, đôi lúc nấc buồn thành tiếng khóc. Thuyết Ngửa Mặt Kêu
Trời lý giảng nguồn cội của lối văn viết không biết cười này căn nguyên
từ cái đói, cái nghèo hèn người Việt Nam đang phải gánh chịu mà ra. Thông điệp
của tiểu thuyết chính là đây, thông điệp kêu gọi lòng liêm sỉ, đức tự trọng và
phẩm hạnh tự hào dân tộc Việt hãy thức dậy, trước khi vùi lún chúng quá sâu vào
bùn lầy tanh tởm. Tôi như nghe âm âm trong tâm khảm lời cha mẹ răn dậy làm
người Đói cho sạch, rách cho thơm, rồi lời ca của Chu Minh “
ta tự hào đi lên ôi Việt Nam” và tiếng ru da diết của vợ những đêm đói
rét ngân nga ru chồng: Cái nghèo chẳng dễ hiểu đâu/ Xa sâu như tiếng đàn
bầu trong khuya/ Linh thiêng lời mẹ dăn dò/ Kiếp người là một gánh lo hãi hùng…
Thưa bạn, câu chuyện tếu nói ở
trên, cô trò nhỏ mách tôi, yêu cầu người chồng ảo và nguyện vọng với người Việt
Nam chúng ta, một nguyện vọng xuất phát từ yêu quí, rằng chúng ta phải học
cười. Học Cười. Tôi đọc to hai chữ Học Cười mà ngộ
ra rằng trong tiếng cười ấy có vui sướng, có kiêu hãnh, có đức tự tin, có liêm
sỉ, có tự trọng. Tôi nguyện với lòng mình, sẽ học cười cho đến khi có được hồn
nhiên nụ cười tự hào là người Việt Nam mà sống trong trời đất. Phải chăng
thuyết Ngửa Mặt Kêu Trời cũng đơn giản là lời kêu muốn được vậy,
kêu muốn thành vậy, được thành người Việt Nam biết cười.
Một cuốn sách, dù cuốn sách đó là
cuốn sách gì, viết theo dạng thể nào, văn chương ngôn từ ra sao, mà nếu mang
tới cho ta một thông điệp thức tỉnh, ta cầm đọc và đọc hết nó, thì cuốn sách ấy
chính là tuyệt phẩm. Tiểu thuyết Ngửa Mặt Kêu Trời của Tô Hoàng
là một trong số không nhiều những cuốn sách (viết thời đổi mới), thành công và
đáng được trân trọng tìm đọc.
Và sau cùng, chữ Nếu Như …bất kỳ
nào lóe lên trong đầu bạn lúc đọc xong Ngửa Mặt Kêu Trời, dù khen
hay trách, bạn có thể trực tiếp trao đổi với Tô Hoàng Tiểu Thuyết hoặc đò đưa
cùng tôi, để chúng ta cùng góp phần gieo mùa tiểu thuyết Việt Nam…
Nguyễn Nguyên Bảy / Mời đọc tiếp bài 23/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét