Thứ Năm, 15 tháng 1, 2015

Mời cùng tôn vinh/ Thơ Bạn Thơ 4/ B. THƠ NGƯỜI THƠ ĐÃ MẤT

tho ban tho


NHIỀU TÁC GIẢ

Lý Phương Liên-Nguyễn Nguyên Bảy
(Chủ biên)
 THƠ BẠN THƠ.4
Sách dày 320 trang, khổ 20x20, bìa cứng, gồm tập hợp thơ của 10 nhà thơ đã mất và 79 nhà thơ đương thời, do Lý Phương Liên và Nguyễn Nguyên Bảy chủ trương, NXB Hội Nhà Văn ấn hành, lưu chiểu 12.2014

B. THƠ NGƯỜI THƠ ĐÃ MẤT

1. Phùng Khắc Bắc / 21
2. Hoàng Cầm/ 23
3. Quang Dũng/ 33
4. Tú Mỡ - Hồ Trọng Hiếu / 39



1.Thơ PHÙNG KHẮC BẮC 

TỰ DO

Hãy cho ta một lần tự do
Dù ngắn ngủi nhưng một lần cũng đủ
Một giờ, một phút, một lời hay một chỗ
Nhưng đích thực là tự do.

Bởi khó khăn thay, trong cuộc đời này
Từ khi sinh ra nhân loại
Ai cũng đi tìm điều ấy

Lẽ rằng: khi ta sinh ra
Cái tự do đầu tiên của ta là tiếng khóc
Nhung lót ấm, chăn êm, tiếng à ơi vô nghĩa đã cám dỗ để cầm tù
Ta nín thinh - ấy là khắc giây ta đã biến thành người
Và cũng từ khắc giây ấy ủ ươm mầm ao ước
Rồi suốt đời chưa bao giờ có được
Hết sợi dây này, đến sợi dây khác, thay nhau trói buộc
Và vì vậy mà mong ước cứ đầy thêm
Và dù nhỏ nhất, làm ra cuộc sống Người
Chính điều này làm nên Đời
Nhưng cuối cùng lần thứ hai tự do lại đến
Lúc này thì ta nhận được ra nhưng nó chỉ
chợt hiện và chính ta cũng tắt trước nó
Đứng trước biển
Ta như bị tan biến ra và bay lãng đãng qua bờ qua bến
Nhưng không, biển mênh mông
và biển cũng đẹp vô cùng
Biển không bằng một nhánh suối nhỏ, một dòng sông
Bởi biển không hề cạn, vì chỉ nhận
mà chẳng cho ai dòng chảy
Biển nói rằng: biển còn biết chảy vào đâu
Bởi vậy suốt tháng, suốt năm, phải vật lộn với những nghĩ suy trên những ngọn sóng bạc đầu
Nước đấy, nước vô tận mà đời nghèo lênh đênh cứ khát
Ta mới hiểu tự do khó thật
Nhưng vẫn có
Và có hai con đường đi tới nó
Con đường đi vào cõi Chúa
Con đường đi trong nhân gian
Ta chọn con đường thứ hai
Dù gian nan
Dù chỉ một lần
Một lần thôi cũng đủ
Dù một giờ, một phút, một lời hay một chữ
Nhưng đích thực là tự do.


12-1984

Thơ Phùng Khắc Bắc/ Nguyễn Đăng Hành đọc chọn


 2. Thơ HOÀNG CẦM

BÊN KIA SÔNG ĐUỐNG


Em ơi! Buồn làm chi
Anh đưa em về sông Đuống
Ngày xưa cát trắng phẳng lì
Sông Đuống trôi đi
Một dòng lấp loáng
Nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kỳ
Xanh xanh bãi mía bờ dâu
Ngô khoai biêng biếc
Đứng bên này sông sao nhớ tiếc
Sao xót xa như rụng bàn tay

Bên kia sông Đuống
Quê hương ta lúa nếp thơm nồng
Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong
Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp
Quê hương ta từ ngày khủng khiếp
Giặc kéo lên ngùn ngụt lửa hung tàn

Ruộng ta khô
Nhà ta cháy
Chó ngộ một đàn
Lưỡi dài lê sắc máu

Kiệt cùng ngõ thẳm bờ hoang
Mẹ con đàn lợn âm dương
Chia lìa đôi ngả
Đám cưới chuột tưng bừng rộn rã
Bây giờ tan tác về đâu?

Ai về bên kia sông Đuống
Cho ta gửi tấm the đen
Mấy trăm năm thấp thoáng mộng bình yên
Những hội hè đình đám
Trên núi Thiên Thai
Trong chùa Bút Tháp
Giữa huyện Lang Tài
Gửi về may áo cho ai
Chuông chùa văng vẳng nay người ở đâu
Những nàng môi cắn chỉ quết trầu
Những cụ già phơ phơ tóc trắng
Những em sột soạt quần nâu
Bây giờ đi đâu? Về đâu?

Ai về bên kia sông Đuống
Có nhớ từng khuôn mặt búp sen
Những cô hàng xén răng đen
Cười như mùa thu tỏa nắng
Chợ Hồ, chợ Sủi người đua chen
Bãi Trầm Chỉ người giăng tơ nghẽn lối
Những nàng dệt sợi
Đi bán lụa mầu
Những người thợ nhuộm
Đồng Tỉnh, Huê Cầu
Bây giờ đi đâu? Về đâu?

Bên kia sông Đuống
Mẹ già nua còm cõi gánh hàng rong
Dăm miếng cau khô
Mấy lọ phẩm hồng
Vài thếp giấy dầm hoen sương sớm
Chợt lũ quỷ mắt xanh trừng trợn
Khua giầy đinh đạp gẫy quán gầy teo
Xì xồ cướp bóc
Tan phiên chợ nghèo
Lá đa lác đác trước lều
Vài ba vết máu loang chiều mùa đông

Chưa bán được một đồng
Mẹ già lại quẩy gánh hàng rong
Bước cao thấp trên bờ tre hun hút
Có con cò trắng bay vùn vụt
Lướt ngang dòng sông Đuống về đâu?
Mẹ ta lòng đói dạ sầu
Đường trơn mưa lạnh mái đầu bạc phơ

Bên kia sông Đuống
Ta có đàn con thơ
Ngày tranh nhau một bát cháo ngô
Đêm líu díu chui gầm giường tránh đạn
Lấy mẹt quây tròn
Tưởng làm tổ ấm
Trong giấc thơ ngây tiếng súng dồn tựa sấm
Ú ớ cơn mê
Thon thót giật mình
Bóng giặc dày vò những nét môi xinh

Đã có đất này chép tội
Chúng ta không biết nguôi hờn
Đêm buông xuống dòng sông Đuống
Con là ai? - Con ở đâu về?

Hé một cánh liếp
-Con vào đây bốn phía tường che
Lửa đèn leo lét soi tình mẹ
Khuôn mặt bừng lên như dựng giăng
Ngậm ngùi tóc trắng đang thầm kể
Những chuyện muôn đời không nói năng
Đêm đi sâu quá lòng sông Đuống
Bộ đội bên sông đã trở về
Con bắt đầu xuất kích
Trại giặc bắt đầu run trong sương
Dao loé giữa chợ
Gậy lùa cuối thôn
Lúa chín vàng hoe giặc mất hồn
Ăn không ngon
Ngủ không yên
Đứng không vững
Chúng mày phát điên
Quay cuồng như xéo trên đống lửa
Mà cánh đồng ta còn chan chứa
Bao nhiêu nắng đẹp mùa xuân
Gió đưa tiếng hát về gần
Thợ cấy đánh giặc dân quân cày bừa
Tiếng bà ru cháu xế trưa
Chang chang nắng hạ võng đưa rầu rầu
"À ơi... cha con chết trận từ lâu
Con càng khôn lớn càng sâu mối thù"
Tiếng em cắt cỏ hôm xưa
Hiu hiu gió rét mịt mù mưa bay
"Thân ta hoen ố vì mày
Hờn ta cùng với đất này dài lâu..."

Em ơi! Đừng hát nữa! Lòng anh đau
Mẹ ơi! Đừng khóc nữa! Dạ con sầu
Cánh đồng im phăng phắc
Để con đi giết giặc
Lấy máu nó rửa thù này
Lấy súng nó cầm chắc tay
Mỗi đêm một lần mở hội
Trong lòng con chim múa hoa cười
Vì nắng sắp lên rồi
Chân trời đã tỏ
Sông Đuống cuồn cuộn trôi
Để nó cuốn phăng ra bể
Bao nhiêu đồn giặc tơi bời
Bao nhiêu nước mắt
Bao nhiêu mồ hôi
Bao nhiêu bóng tối
Bao nhiêu nỗi đời

Bao giờ về bên kia sông Đuống
Anh lại tìm em
Em mặc yếm thắm
Em thắt lụa hồng
Em đi trảy hội non sông
Cười mê ánh sáng muôn lòng xuân xanh.

(Việt Bắc, tháng 04/1948)


CHÙA PHẬT TÍCH

Về Kinh Bắc phải đâu em nhắm mắt
Gài mảnh gương giàn thiên lí đợi tua rua
Chùa Phật Tích ruỗi trong màn lụa bạch
Tượng Quan Âm má ửng bồ quân
Chuông chiều cởi yếm
Chuông sớm đội khăn
Câu kinh tê tê mười ngón tay măng
Mõ đêm hè cuốc lội
Ao mưa dằng dịt lá trường sinh

Gió vào trăm cửa
Gió ra hồng da trinh nữ
Gió vào xanh quan lục
Gió ra vàng thớ mít
Ong bay vai áo tiểu thon mình
Trưa hè gẫy rắc cành hoa đại
Mái hậu cung bồ các tha rơm
Liếu điếu vỗ hoa xoan lả tả
Lụa sồng nén nghẹn búp thanh xuân
Tờ kinh đắp mặt ru bươm bướm
Chuối chín cây đổ gục đứt dây bìm.


CÂY TAM CÚC

Cỗ bài tam cúc mép cong cong
Rút trộm rơm nhà đi trải ổ
Chị gọi đôi cây
trầu cay má đỏ
kết xe hồng đưa Chị đến quê Em

Nghé cây bài tìm hơi tóc ấm
Em đừng lớn nữa Chị đừng đi
Tướng sĩ đỏ đen chui sấp ngửa
Ổ rơm thơm đọng tuổi đương thì

Đứa được
chinh chuyền xủng xoẻng
Đứa thua
đáo gỡ ngoài thềm
Em đi đêm tướng điều sĩ đỏ
đổi xe hồng đưa Chị đến quê Em

Năm sau giặc giã
Quan Đốc đồng áo đen nẹp đỏ
thả tịnh vàng cưới Chị
võng mây trôi
Em đứng nhìn theo Em gọi đôi


LÁ DIÊU BÔNG

Váy Đình Bảng buông chùng cửa võng
Chị thẩn thơ đi tìm
Đồng chiều
Cuống rạ

Chị bảo
Đứa nào tìm được lá diêu bông
Từ nay ta gọi là chồng

Hai ngày em tìm thấy lá
Chị chau mày
Đâu phải lá diêu bông

Mùa đông sau em tìm thấy Lá
Chị lắc đầu
trông nắng vãn bên sông

Ngày cưới chị
Em tìm thấy lá
Chị cười xe chỉ ấm trôn kim

Chị ba con
Em tìm thấy lá
Xoè tay phủ mặt chị không nhìn

Từ thuở ấy
Em cầm chiếc lá
đi đầu non cuối bể
Gió quê vi vút gọi
Diêu bông hời...
...ới diêu bông...!


QUẢ VƯỜN ỔI

Em mười hai tuổi tìm theo Chị
Qua cầu bà Sấm, bến cô Mưa
Đi...
ngày tháng lụi
tìm không thấy
Giải yếm lòng trai mải phất cờ
Cách nhau ba bước vào vườn ổi
Chị xoạc cành ngang
Em gốc cây
- Xin chị một quả chín!
- Quả chín..
quá tầm tay
- Xin chị một quả ương
- Quả ương
chim khoét thủng
Lẽo đẽo Em đi vườn mai sau
Cúi nhặt chiều mưa dăm quả rụng.


LỜI HẸN SÔNG HƯƠNG

Em hẹn sông Hương
Em đến tắm
Nước khát chiều
.............sóng ngực em đâu

Còi tàu xa hút
Thuyền đi vắng
Sóng vuốt thân trần
................nép bến lau

Ngự Bình nhắn hộ vào mây trắng
Gợn nhớ lăn tăn khó bạc đầu.

Thơ Hoàng Cầm / Ngô Minh đọc chọn


 
3. Thơ QUANG DŨNG

  TÂY TIẾN

Sông Mã xa rồi Tây tiến ơi!
Nhớ về rừng núi, nhớ chơi vơi
Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi
Mường Lát hoa về trong đêm hơi

Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây, súng ngửi trời
Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi

Anh bạn dãi dầu không bước nữa
Gục lên súng mũ bỏ quên đời!
Chiều chiều oai linh thác gầm thét
Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người

Nhớ ôi Tây tiến cơm lên khói
Mai Châu mùa em thơm nếp xôi

Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa
Kìa em xiêm áo tự bao giờ
Khèn lên man điệu nàng e ấp
Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ

Người đi Châu Mộc chiều sương ấy
Có thấy hồn lau nẻo bến bờ
Có nhớ dáng người trên độc mộc
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa

Tây tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm

Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
Áo bào thay chiếu, anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành

Tây tiến người đi không hẹn ước
Đường lên thăm thẳm một chia phôi
Ai lên Tây tiến mùa xuân ấy
Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi.

(Phù Lưu Chanh, 1948)


MÂY ĐẦU Ô
Mây ở đầu ô mây lang thang
Ôi! Chật làm sao
Góc phố phường
Mây ở đầu ô
Hẹn những chân trời xa lạ
Qua một ngọn cột đèn
Chiều tối lại bừng con mắt đỏ
Cành bàng mái cũ khẳng khiu
Vườn đẹp khi mùa rụng lá
Cành bàng lại mở tàn xanh
Mùa hạ về theo chim sẻ
Nhưng ta có gì
Tự thấy những ngày không tẻ ?
Mây trắng lang thang
Gió đuổi bời bời phố chật
Những lớp người hai mươi tuổi
Ca nước đập vỏ bình toong
Khăn mặt thấm mồ hôi
Bụi đỏ
Bụi vàng
Trung du bóng cọ
Nắng đốt màu da họ
Là nắng triền cao
Tay sém ngấn mặt trời
Là trời công trường xa tít tắp
Áo ngực xanh yếm biển
Bay bay dãi mũ Hải Quân
Những gã hai mươi mùa xuân
Từ đâu thổi vào thành phố ?...
Mây mùa thu
Lọt qua trời hẹp ngõ
Lướt nhanh qua mái ngói ba tầng
Tiếng dương cầm...
Ta theo tiếng nhạc
Bay khỏi mái nhà
Ta mê xanh thẳm
Như cánh chim trời
Thấy
Mình còn sức trẻ
Ơi! Những bạn tôi
Vào lớp tuổi năm mươi
Mây ở đầu ô
Trời xanh lộng thế...


ĐÔI MẮT NGƯỜI SƠN TÂY

Em ở thành Sơn chạy giặc về
Tôi từ chinh chiến cũng ra đi
Cách biệt bao ngày quê Bất Bạt
Chiều xanh không thấy bóng Ba Vì

Vầng trán em vương trời quê hương
Mắt em dìu dịu buồn Tây Phương
Tôi thấy xứ Đoài mây trắng lắm
Em có bao giờ em nhớ thương ?

Mẹ tôi, em có gặp đâu không
Bao xác già nua ngập cánh đồng
Tôi nhớ một thằng con bé nhỏ
Bao nhiêu rồi xác trẻ trôi sông!

Từ độ thu về hoang bóng giặc
Điêu tàn ôi lại nối điêu tàn!
Đất đá ong khô nhiều suối lệ
Em đã bao ngày lệ chứa chan ?

Đôi mắt người Sơn Tây
U ẩn chiều lưu lạc
Buồn viễn xứ khôn khuây
Tôi gửi niềm nhớ thương
Em mang giùm tôi nhé
Ngày trở lại quê hương
Khúc hoàn ca rớm lệ

Bao giờ trở lại đồng Bương Cấn
Về núi Sài Sơn ngó lúa vàng
Sông Đáy chậm nguồn qua Phủ Quốc
Sáo diều khuya khoát thổi đêm trăng

Bao giờ tôi gặp em lần nữa
Chắc đã thanh bình rộn tiếng ca
Đã hết sắc mùa chinh chiến cũ
Còn có bao giờ em nhớ ta ?

(1949)

ĐÔI BỜ

Thương nhớ ơ hờ, thương nhớ ai ?
Sông xa từng lớp lớp mưa dài
Mắt kia em có sầu cô quạnh
Khi chớm thu về một sớm mai ?

Rét mướt mùa sau chừng sắp ngự
Kinh thành em có nhớ bên tê ?
Giăng giăng mưa bụi quanh phòng tuyến
Hiu hắt chiều sông lạnh bến tề.

Khói thuốc xanh dòng khơi lối xưa
Đêm đêm sông Đáy lạnh đôi bờ
Thoáng hiện em về trong đáy cốc
Nói cười như chuyện một đêm mơ

Xa quá rồi em người mỗi ngả
Đôi bờ đất nước nhớ thương nhau
Em đi áo mỏng buông hờn tủi
Dòng lệ thơ ngây có dạt dào ?


Thơ Quang Dũng/ Ngô Minh đọc chọn


4. Thơ TÚ MỠ-HỒ TRỌNG HIẾU

MỜI VỌNG TẢN ĐÀ


Hôm xưa qua bến Trung Hà
Rẽ qua bác Hiếu Tản Đà vào chơi
Tiểu đồng nói bác vừa xuôi
Đi chơi Hà Nội chừng đôi ba ngày
Ra đường gặp gái không may
Hay là Hiếu ấy Hiếu này vô duyên
Tiếc rằng chẳng gặp trích tiên 
Cùng nhau ta dạo chơi miền núi non
Sẵn gà quay, bánh tây giòn,
Sẵn ba chai bố rượu ngon hồ đào.
Ví chăng có bạn thi hào
Chén thù chén tạc chừng nào là vui!
Nhưng mà chẳng gặp thì thôi
Rượu ngon nhắm tốt bỏ ôi sao đành!
Rầu lòng gửi lại thiếp danh
Anh em tìm chốn cây xanh rườm rà
Ngồi trông núi Tản sông Đà
Tưởng chừng bác Hiếu đâu là có đây.
Rót đầy cốc rượu trao tay
Vắng ai ngồi vọng đưa cay cũng tình.

KHÓC VỢ HIỀN 
Bà Tú ơi! Bà Tú ơi!
Té ra bà đã qua đời, thực ư ?
Tôi cứ tưởng nằm mơ quái ác,
Vùng dậy là tỉnh giấc chiêm bao
Tỉnh dậy, nào thấy đâu nào,
Nào đâu bóng dáng ra vào hôm maị
Đâu bóng dáng con người thùy mị,
Tuy tuổi già xấp xỉ bảy mươi,
Vần còn khỏe mạnh, vui tươi,
Le te, nhanh nhẹn như thời xuân xanh.
Nhìn sau lưng vô tình cứ ngỡ
Một cô nào thiếu nữ thanh tân.
Vậy mà cái chết bất thần
Cướp bà đi mất, vô ngần xót xa!
Kể từ thuở đôi ta kết tóc,
Thấm thoát gần năm chục năm qua
Thủy chung chồng thuận vợ hòa,
Gia đình hạnh phúc thật là ấm êm.


Tôi được bà vợ hiền thuần thục,

Cảm thấy mình tốt phúc bao nhiêu!
Đôi ta cùng một cảnh nghèo,
Đạo chồng vợ lấy chữ yêu làm nền.
Nhớ khi giường bệnh đã nằm,
Bà còn thủ thỉ tình thâm thương chồng
"Tôi mà chết thì ông sẽ khổ,
Vì, cứ theo câu cổ ngữ ta
Xưa nay con cái nuôi cha
Cũng không chu đáo bằng bà nuôi ông."
Bà ơi, hãy dầu lòng yên dạ,
Giấc nghìn thu cho thỏa vong hồn,
Bà đi, đã có dâu con,
Một lòng phụng dưỡng, chăm nom bố già.

Tôi có khổ, âu là chỉ khổ
Vì thiếu bà, nhà cửa vắng tanh,
Khổ khi thức giấc tàn canh
Bên giường trống trải một mình nằm trơ.
Khổ nhớ lại sớm trưa ngày trước
Pha ấm trà chén nước mời nhau.
Giờ tôi chẳng thấy bà đâu,
Bên bàn thờ nhắp chén sầu đầy vơi...

Khổ những lúc ra sân mê tỉnh
Ngắm vườn nhà thấy cảnh thênh thang,
Mà bà khuất núi cho đang,
Quả cau tươi, lá trầu vàng ai xơi ?
Khổ trông thấy cái cơi còn đó,

Đã khô trầu, khô vỏ, khô cau.
Ba thước đất đã vùi sâu
Cặp môi cắn chỉ ăn trầu đỏ tươi
Ngẫm: cảnh già cuộc đời sung sướng,
Tưởng vợ chồng còn hưởng dài lâu
Không ngờ con tạo cơ cầu,
Bà đi, để tủi dể sầu cho tôi

Ôi! Duyên nợ thế thôi là hết,
Năm muơi năm thắm thiết yêu nhau!
Bà về trước, tôi về sau
Thôi đành tạm biệt, nuốt sầu gượng vui
Bà đi rồi nhưng tôi phải ở,
Công việc đời còn dở tí thôi,
Bao giờ nhiệm vụ xong xuôi,
Về nơi cực lạc, lại tôi với bà...

19.11.1968
 
Thơ Tú Mỡ-Hồ Trọng Hiếu/ Hoàng Xuân Họa đọc chọn

/ CÒN TIẾP/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét