Thứ Ba, 3 tháng 2, 2015

Chém Gió Muôn Mầu/ Bài 27. MEN THEO THƠ MÀ GẶP TÂM HỒN..


NGUYỄN NGUYÊN BẢY
CHÉMGIÓMUÔNMẦU
Văn ngắn/ nxb hội nhà văn
Sách dày 240 trang, khổ 20x20, bìa carton in 4 mầu, giấy Ford indo trắng, gồm tập hợp 33 bài chém gió xanh/đỏ/tím/ vàng của bút nhân Nguyễn Nguyên Bảy, chủ trang vandan BNN, đã..đã có mặt tại gia, và sẽ là món quà nhỏ/ thân/yêu tặng bầu bạn trước thềm Tết năm Mùi Ất..2015
Bài 27.

MEN THEO THƠ MÀ GẶP TÂM HỒN..



Cõi gió mây làm gì có luân hồi
Chỉ có luân hồi ở chốn có hoa thôi..



MEN THEO THƠ MÀ GẶP TÂM HỒN..
Một. Tình bạn thơ của chúng tôi, hình như bắt đầu từ năm ấy, năm em đang là sinh viên năm nhất, nhị gì đó, Đại học sư phạm văn, còn chúng tôi vừa sinh cháu đầu lòng, mà em quen miệng gọi cháu là cu Tám ( bố là Bảy), nay Tám đã tuổi 44, còn em đã sáu mươi đuôi ngắn..
Thành thực mà nói, vì em coi tôi vai trên, mà tôi bản tính kiêu căng, ngạo mạn, hay lấn lướt người, được bạn xếp vai trên, nên coi thường vai dưới, gọi em là ‘chíp’, kẻ cả vô lối, nghĩ thẹn với em vô cùng. Em thân với Lý Phương Liên hơn với tôi, mà không chỉ em, nhóm các em ‘bộ tứ’ : Em, Liên, Lưu Trọng Văn và Nguyễn thị Hồng Ngát. Sau hơn 40 năm tứ tán. Văn ở Sài Gòn, cùng miền, nhưng thoang thoảng có dịp mới gặp nhau, ý thích khác nhau, cuộc đời gây dựng khác nhau, nên không thân không sơ vẫn là tình bạn. Ngát “nên người” hơn, địa vị xã hội "áo hoa”, hoa nào chẳng cao sang hơn cỏ, nên cỏ mắc cỡ nép mình trong bụi, dẫu vậy vẫn là bạn bè. Còn em, gặp thật, theo nghĩa thật thì đúng là từ ngày tha hương, sau 75, đến nay. Gặp trên điện thoại. Em nghe và reo lên: Anh!/ Rồi giọng em chìm xuống: Anh thật phải không? Em thương anh quá./ Thế rồi em bay ngay đến. Ôm chầm anh, thật chặt. Anh cười khanh khách/ Nụ cười tu thân cả đời mới được/ Cười mà nước mắt chảy ngập ruột/ Còn em, đôi tay run bấy, vỗ vỗ vai anh, không nói thành lời, chẳng lẽ anh lại dỗ em/ đừng khóc..


Em tôi: Nguyễn Anh Tuấn./ Nghệ danh: Mai An Nguyễn Anh Tuấn. Bút danh khác: Nguyễn Yên Thế./ Sinh năm 1952 tại Hà Nội, Quê gốc Xứ Đoài/ Nghề nghiệp chính: đạo diễn điện ảnh.


Em bảo: Anh ơi, xa nhau ngần ấy năm, nhưng em vẫn luôn giõi theo anh từng lúc thời gian có thể, và em tin một cách vững chắc rằng: Anh là chiến hạm không bao giờ đắm ( hỗn danh thời trai trẻ của tôi), chiến hạm ấy nhất định cặp bờ “vào một ngày nắng đẹp” theo thơ Lý Phương Liên. Còn em, kể vắn đời tư: Ba em đã mất, mẹ ở với vợ chồng em. Em đã hôn nhân hai tập, tập 1, một cháu gái, mới lấy chồng, tập 2, cũng cháu gái..đang tuổi búp,mầm,chồi../ Thế anh ạ, còn các chuyện khác, anh tự tìm hiểu mà biết..cho vô tư../ Em muốn đãi anh bữa tiệc gặp lại nhau đầu tiên này tại nhà Tập 1 của em. Nói làm liền. Em gọi điện thoại và đầu dây bên kia, giọng nữ thanh thanh, em chào anh chị, và tiếng đọc thơ, một lèo luôn, bài “ Chờ anh dưới cột đồng hồ” của Lý Phương Liên/ Hết thơ mới là lời giới thiệu, em là Bích Ngọc, nhà thơ, mẹ của con gái đầu anh Tuấn..


Bạn văn của tôi: Nguyễn Anh Tuấn

TÁC PHẨM ĐÃ XUẤT BẢN
: / Thung lũng buồn (tiểu thuyết, nxb Thanh niên) / Người tù áo sạch (truyện ngắn, nxb Thanh Niên) / Nỗi niềm đường xa (truyện ngắn,nxb Hội nhà văn) / Lũ muộn (truyện ngắn truyện vừa, nxb Hội nhà văn)

Viết các kịch bản phim truyện điện ảnh & truyền hình đã làm phim: / Vầng trăng lửa/ Ông bầu ca nhạc/ Chuyện học đường/ Thì thầm cao nguyên/ Bản lĩnh người đẹp/ Tầng cao nghiệt ngã,/ Biển lặng/ Phiên tòa tình yêu/ Người kế thừa dòng họ/ Họ đã từng yêu như thế/ Trái tim đầu thai, v.v./  Cùng nhiều phim tài liệu nghệ thuật về văn hóa- lịch sử (về Thái sư Lê Văn Thịnh,/nho tướng Lê Đại Cang/ nhà thư pháp tranh Bùi Hạnh Cẩn/ tranh dân gian VN, Rối nước VN, v.v )

Viết nhiều bài tiểu luận về văn hóa, văn học, điện ảnh, hội họa, âm nhạc... trên các báo in và báo mạng ( Sắp in : "Trò chuyện với chân dung mộng mị"- Chân dung & Tạp luận/  và "Văn hóa Việt trong cảm nhận của một người làm phim"- Tiểu luận & Tùy bút điện ảnh )

Tôi nắm tay Tuấn, hình như hơn một lần, kiểu nắm tay thăm dò tình cảm xem nên hay không nên nói điều định nói, sau hết, tôi đã nói: Thứ nhất: Lao động văn chương được một khối lượng thành tựu thế này của Tuấn, thực đáng nể, đáng ngả mũ khâm phục, nhưng là khâm phục sức lao động, còn khâm phục tài năng thì chưa, dù anh chưa được đọc trọn tác phẩm nào của Tuấn. Vì sao, anh không biết, anh chỉ cảm là thế./ Thứ Hai: làm chủ được khối lượng tác phẩm văn chương thế này, thì chắc chắn em đã thành chuyên nghiệp, tất cả những lý thuyết luận văn chương kinh điển/ trường ốc/ trường đời..em đã nắm trong tay, vững chắc, không còn gì để nói. Ngắn gọn  là em đủ tư duy, chữ nghĩa, văn nghịch, thuyết thuận để làm Nhà Văn. Nhưng../ Tuấn đón chữ nhưng của tôi/ Anh muốn đọc tâm hồn chứ gì? Cái đó em gửi trong thơ./ Tôi reo lên: Đúng, đúng..Anh chỉ muốn đọc thơ của em thôi/ Đọc trước hết, ngay bây giờ/ vì chúng ta bắt đầu với nhau là tình thơ/ Nếu anh nhớ không lầm thì bài thơ kết bạn thơ đầu tiên giữa chúng ta, là bài thơ đầu tiên em viết viết cho Cu Tám./ Tuấn cười vỡ bát ( tiếng cười rất sảng, rất riêng của Tuấn) Trí nhớ anh tuyệt thật..Lâu quá rồi, đã ngoài 40 năm, em không còn thuộc bài thơ ấy.. Em có làm thơ anh ạ, hơi bị nhiều, nhưng đó là tiếng lòng em, vùng thiêng của em, em rất ít khi chia sẻ/ Nhưng với anh..Anh là anh trai của em, để em lấy những chép tay ngổn ngang anh đọc.


Hai.
Xin Mẹ cho con thăng hoa hồn, đi men men theo thơ Tuấn, mà đón gặp tâm hồn Em..

Con đang ở Tây Bắc, Tuấn đang dạy học ở đó, con thì không, con chỉ là kẻ lãng du mơ hồ Tây Bắc với hoa ban nở trắng núi đồi/ cọ xòe ô che lá/ Suối mát trong rì rào(*)/ cảnh đẹp hoang đường với những ban mai mặc áo sương cóng lội suối trèo đèo đến lớp, với những đêm rét cắt da thịt đốt lửa hát khắp buồn..
/Tiếng hát buồn xé rách dải sương mù/ Khói đốt nương tạm ẩn mình đất khổ/ Em gái quay sa đêm trường sương giá/ Tiếng nhị khuya man mác cả vầng trăng/ Anh từng qua những dòng- sông- suy- tưởng/ Tìm em. Và ý nghĩa của đời anh/ Nhưng chim lửa kêu thương mùa giáp hạt / Lại đưa anh về bên dòng- sông- màu- xanh…

( Khắp buồn )
Tuấn lên Tây Bắc, không phải lên để ngắm núi xem hoa, mà để ở, cũng không phải dể  ở, vì chữ ở tàng ẩn cái gì đó tạm bợ, mà là định cư, chữ định cư chưa thật đúng, mà đúng phải là Tuấn lên Tây Bắc để làm một người con Tây bắc, chọn Tây Bắc là quê hương, yêu quê hương và xây dựng quê hương ấy như một lẽ sống của đời. Và chỉ có vậy, tình cảm của Tuấn khi nói, viết về Tây Bắc mới dạt dào tình chân, cảm thật, tràn khắp tay núi, lưng đèo, lòng người, tình thầy trò, dân bản, và tình yêu..một cô tắm tiên nào đó..

/Em có biết suối này chảy về đâu/ Anh mong em. Suối vô tình thân thuộc/ Anh nhớ em. Sương rừng giăng giá buốt/ Mảnh trăng nghiêng thêm lạnh một căn phòng/ Anh lên miền Tây trời chẳng còn trong/ Mưa bất thần. Lũ về đột ngột/ Như nỗi nhớ chẳng hề báo trước/ Anh lại thèm đi. Khát gió trăm miền .../

( Lại một mùa mưa Tây Bắc)

Anh lại thèm đi. Khát gió trăm miền..
Câu thơ hào hùng này của Tuấn, đủ nói cái chí của chim bằng , cái chí chỉ có trong con người sống tràn ngập lạc quan, luôn tin tưởng ở tương lại, tự tin vào nội lực của mình. Câu thơ hào hùng ấy đi trong thênh thang, chút lãng tử, chút ngạo nghễ:/ Những trưa chói chang, những lúc sương chiều/ Hay những sớm khi chim rừng mở hội/ Trên những nẻo đường quanh co ven sông ven suối/ Có một người trai đang đi.../
( Viết trên thượng nguồn sông Mã).
Bảo là đi trong thênh thang, không có nghĩa là mọi con đường kích hoạt tâm hồn bước về phía trước đều thênh thang. Tuấn càng không ngoại lệ, bởi với người thơ, tâm hồn bén thính vô cùng, tự ái tự trọng vô cùng, và cả bẽn lẽn, nhu nhược, mặc cảm yếm thế cũng vô cùng, nên việc phải biết rũ, biết bỏ lại những đau khổ, những thất vọng, những cơn khủng hoảng là việc làm thường trực, thường nhật, để tâm hồn trong sạch, dũng cảm mà đi về phía trước, nơi có bến tương lai. Mẹ ơi, Tuấn đã đi về phía trước như thế, đôi khi vật vờ, mệt nhọc, thất vọng, chán chường, nhưng thật may là Tuấn không gục ngã:

/ Danh dự - Nhân phẩm - Tình yêu chỉ còn là đài tưởng niệm của quá khứ/ Cái thời người ta có thể rút gươm vì một chút lòng tự  trọng bị xúc phạm có còn đâu/ Cũng không còn ai dám chết vì một niềm tin xác thực, một chân lý hiển nhiên bị đe dọa/ Anh bị những “hiệp sỹ” của miếng cơm manh áo và những quyền lợi nhỏ bé bao vây/ Bị dồn đến chân tường mà chưa biết cách tự thoát, cũng chưa biết chết bằng cách nào.../

(Cơn khủng hoảng)
Không gục ngã, vẫn đi tới, đi với một tâm hồn thiết tha yêu đồng loại, vì lý tưởng xanh/sạch/đẹp cho cuộc đời mà hiến thân, tấm tâm hồn ấy, ở Tuấn, là tấm tâm hồn của người say thơ, yêu thơ, mượn thơ thay tiếng lòng, lấy thơ làm giải pháp tu thân, giải pháp góp sức cùng cộng đồng dựng xây cuộc sống ước. Tấm tâm hồn ấy chắc chắn tươi tốt, thanh cao, còn chuyện thơ, tiếng
lòng thấp cao, mở lòng chia sẻ cùng nhau mà nghênh/nén..
/ Dù nỗi xót xa, lời an ủi của nhà thơ không thay thế được miếng cơm manh áo/ dù cái sắc sảo tinh tường của ký giả không đem lại được công lý cuối cùng/ nhưng nếu như thơ ca không còn là thơ ca nữa/ ai dám chắc những con bọ của Kafka không sinh sôi nảy nở như dịch hạch?/ và nếu lương tâm của mọi nhà báo đều bị nỗi khiếp sợ bẻ gập cong queo/ ai dám chắc những tên giết người có dao hoặc không dao chẳng thể mặc áo quan toà.

( Với bạn- một nhà thơ, nhà báo)
Sau khi tốt nghiệp sư phạm Văn, Tuấn lên Tây Bắc dậy học, những bài thơ Tây Bắc đã tạo nên hồn cốt thơ của Tuấn. Nói hồn cốt, bởi Tuấn đã đắm mình sống và yêu Tây Bắc  như một người yêu nơi cắt  rốn chôn nhau của mình. Tuấn đã biết khu biệt phần xác của sinh tồn sinh lý trong ý nghĩa vị kỷ với phần hồn của tình yêu, của lý tưởng, của tranh đấu vị tha. Vì thế, Tuấn đã cố sức hơn có thể, trải nghiệm mình nơi các vùng miền khác nhau, các nghề nghiệp khác nhau, các sướng vui, đau khổ khác nhau. Nào, mời cùng men men theo thơ Tuấn, mà gặp Tâm Hồn.

Tâm hồn/ Đêm Hàng Châu

/ Tôi thao thức bên những rừng cây, những lâm viên, những bồn hoa đẹp mê hồn san sát gió Tây Hồ dịu ngọt đắm đuối làm sao vậy mà như uống nhầm thuốc đắng!/ Đây là nơi các sứ thần-thi sĩ Việt Nam từng nghỉ lại trên đường vạn dặm tới Trung Nguyên/ Nỗi cảm hoài của các vị về vận Dân, vận Nước khiến vẻ đẹp Đường thi, Tống thi cũng trở nên nhạt nhẽo, vô duyên và thiên nhiên tráng lệ càng tô đậm nỗi xót đau tựa căn bệnh kinh niên/ Những khắc khoải của các vị đến tận giờ vẫn còn đeo đẳng trong lồng ngực ọp ẹp đói dưỡng khí trong lành của tôi…/


Tâm hồn/ Gặp Tội Ác Hồn Nhiên

/ Tôi bỗng giật mình: Thì ra Tội ác cũng mang cả khuôn mặt hồn nhiên!/ Kẻ Ác hồn nhiên lấy Thánh đường của Giáo dục làm nơi hành hạ con người, hồn nhiên cướp đi sự hồn nhiên của trẻ thơ và hồn nhiên biến cái hồn nhiên đáng yêu thành nỗi kinh hoàng, thành máu chảy và đầu lâu lăn lóc.../

Tôi chợt hoang mang sợ hãi: Còn những điều sỉ nhục và hạ thấp Con Người nào đang mang vỏ bọc Hồn Nhiên?
Tâm hồn/ Nói với mai sau một lời chém đá/ Dũng Cảm Lên Con!

/Con cần có đủ lòng dũng cảm để sẽ không bị chết chìm trong những dòng thác ngôn từ hình ảnh của cái thời mà tất cả biến thành quảng cáo và mọi giá trị đều bị quy thành vàng thành tiền dù là tiền vàng dương gian hay tiền vàng âm phủ…/
/Dũng cảm lên con, để mai sau nếu có khóc bên thảm án Lệ Chi Viên, con còn có nụ cười sáng lệ trước ngọn đèn xanh hoà mưa đêm…Con sẽ cần tới lòng dũng cảm không chỉ để cõng nổi chiếc cặp sách quá tải trên lưng hay chịu đựng được ánh mắt của cô giáo khi chẳng chịu học thêm, mà còn để có sức dùng được ngọn trúc của Ức Trai dò lòng suối tìm đến cánh rừng Mai nguyên thuỷ của Tình người…/

Và sau hết, tâm hồn nở hoa/ Khúc Hát Hoa Ban

/ Thứ cây nào như ban, quẩn quanh gai góc/ Từ lưng vực sâu dâng tới ngang đèo/ Ta ngỡ tưởng vươn tay hái được/ Mà ngàn năm còn đứng giữa cheo leo.../

Tôi đã men men theo thơ Tuấn, tưởng còn đi thêm nữa, ngờ đâu, câu tứ tuyệt Khúc Hát Hoa Ban giải chiếu mời ngồi, và tiếng thơ ai đó cất lên, cao von, cong vút / Thứ cây nào như ban, quẩn quanh gai góc/ Từ lưng vực sâu dâng tới ngang đèo/ Tay ngỡ tưởng vươn tay hái được/ Mà ngàn năm còn đứng giữa cheo leo/..Bữa ấy, tôi không biết mình có hái được hoa ban, nhưng rõ ràng tay tôi đã hái được một bạn thơ, một người thơ, tên là Mai An Nguyễn Anh Tuấn…

BNN/ Sài Gòn 5.2014


Nguyễn Nguyên Bảy
/ Mời đọc tiếp bài 28/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét