Thứ Hai, 2 tháng 2, 2015

Chém Gió Muôn Mầu/ Bài 26. HOÀNG XUÂN HỌA “TRÓT MỘT THỜI YÊU”


NGUYỄN NGUYÊN BẢY
CHÉMGIÓMUÔNMẦU
Văn ngắn/ nxb hội nhà văn
Sách dày 240 trang, khổ 20x20, bìa carton in 4 mầu, giấy Ford indo trắng, gồm tập hợp 33 bài chém gió xanh/đỏ/tím/ vàng của bút nhân Nguyễn Nguyên Bảy, chủ trang vandan BNN, đã..đã có mặt tại gia, và sẽ là món quà nhỏ/ thân/yêu tặng bầu bạn trước thềm Tết năm Mùi Ất..2015
Bài 26.

HOÀNG XUÂN HỌA “TRÓT MỘT THỜI YÊU”


Con bò lạnh nhạt đứng nhai nắng tàn..

HOÀNG XUÂN HỌA “TRÓT MỘT THỜI YÊU”
 
1.Tôi tự cho mình là kẻ bị trời đầy, mẹ đẻ rơi trên cầu giải yếm cũng vì thơ, mẹ bán khoán vào chùa cũng vì tội thích thơ, cô giáo phạt đuổi học cũng vì thơ thẩn thơ, rồi lớn lên yêu người yêu thơ, kết thành vợ chồng, rồi không giữ mồm giữ miệng ba hoa thơ mà lên bờ xuống ruộng, mà đau đắng bồng bế nhau tha hương trên chính quê hương mình, rồi lủi thủi một mình với thơ, một mình yêu thích thơ mà chẳng biết yêu thích ấy có ý nghĩa gì trong cuộc sinh tồn sinh lý làm người..Ôi! xin cho thốt lên, cái sự yêu thích thơ nó mới vớ vẩn vô tích sự làm sao! Nhưng với hâm mát tôi tình yêu ấy thiêng ấm vô cùng..



Tôi tự coi mình Trương Chi từ nhí. Có thơ đăng báo Văn Nghệ Trung Ương hẳn hoi từ những năm 60. Có thơ ngâm trên Đài TNVN cũng từ những năm ấy, nhiều bài, không nhớ hết..Nhưng từ sau năm 1970, tôi từ bỏ toàn phần đàn văn chương cao sang ấy, bởi biết đàn ấy không thuộc về mình, mình không thích và ngược lại. Nhưng như đã nói ở trên, sinh ra bị trời đầy, nên cái thích yêu thơ cứ cù nhầy quàng đeo cuộc sống. Nên thường nhật lúc thích vẫn làm thơ, làm xong đọc sướng khoái một mình, đôi khi mời vợ con nghe, ép nghe mãi họ cũng chán, thế nên, để vợ con khỏi chán mình, đành là lấy việc mình tự sướng thơ mình làm lý tưởng sướng vậy. Một góc khuất trong nhà, một chiếc ghế, trưa, chính Ngọ, ngâm nga thơ cho nắng nghe, đêm, chính Tí, ru đưa thơ cùng gió lạnh.. Một tình yêu thích điên khùng quá chăng?


Không. Không điên khùng. Sinh làm người được làm cái yêu thích đó là lẽ sống. Dụng cái yêu thích đó mà sống tu thân tất được thành người tử tế. Với bạn, yêu thích này không là gì, thậm chí vớ vẩn, nhưng với tôi đó là Đạo, là đức tin, là mục tiêu thiên đường của đời tôi.

Tôi u âm trong cái gọi là thiên đường một mình đó, kéo dài hơn 40 năm, cho đến bữa kia, từ Net vang ra lời của Người Buôn Đồng Nát (hỗn nghệ danh) rao mua thơ Lý Phương Liên gõ liên hồi vào cánh cửa Một Mình của chúng tôi, bèn mở cửa mà gặp, bạn tôi, anh tôi, người mà hình như tôi đã chờ đợi từ lâu, đã mong gặp gỡ từ lâu..Anh đã tới, không phải từ thế giới ảo phẳng, mà da thịt mát tình, tay nắm tay nhau, sau lời chào giới thiệu: Tôi là Hoàng Xuân Họa/ Thưa anh Họa, tôi là Bảy, Nguyễn Nguyên Bảy. Thế là chúng tôi thành bạn thơ, bạn đời, rồi thành anh em, anh lớn tuổi hơn tôi, anh là anh trai tôi.


2. Thần tượng của đời tôi, trên mọi phương diện, cả phương diện thơ, là Người Lính của thời tôi, thời đánh Pháp, đánh Mỹ. Trong lòng tôi đó là người anh hùng, bất phân  biệt người đó là tướng hay chỉ là binh nhất. Tôi suốt đời noi theo thần tượng của mình mà sống, mà tu thân. Vì lẽ đó, tôi luôn chờ đợi những vần thơ của người lính, chỉ các anh mới viết trung thực nhất, đúng nhất về cuộc chiến tranh máu chảy thành sông, xương cao thành núi của chúng ta. Bởi các anh đã mang thơ đến tận cõi chết và trở về cõi sống hát ca. Hoàng Xuân Họa là một người lính. Đó là cái cớ đầu tiên (với tôi) cho tôi yêu thích thơ anh.

Thi nhân Hoàng Xuân Họa sinh năm 1939, là người lính thời chống Mỹ, một người lính ngoài súng đạn còn mang  thơ “Trong ba lô ra trận” (chữ thơ Nguyễn Khôi) đủ biết người lính-nghệ sĩ này yêu thơ biết là ngần nào. Đấy là cái cớ thứ hai ( với tôi) để được yêu thích thơ anh. Những ngày đầu mới quen biết nhau trên mạng, anh đã gửi cho tôi những trang sổ tay cháy xém lửa đạn chiến trường, chép tay những vần thơ anh yêu thich. Thực lòng, khi đọc những dòng sổ tay cháy xém đó, tôi đã không cầm nước mắt. Sau này, thân nhau hơn, anh gửi tặng tôi hai tập thơ Trót Một Thời Yêu 1 và 2. Tôi vồ vập đọc, hy vọng tìm thấy hình ảnh người lính rung vang trong thơ anh, là tiếng thét xung phong, là lời nhắn lại đồng đội trước khi nhắm mắt, kể cả lời hùng anh hay thù hận của máu và nước mắt…Tôi đã không tìm thấy hình ảnh người lính như mong đợi trong Trót Một Thời Yêu, nhưng tôi đã tìm thấy hình ảnh người lính trong tiểu thuyết, theo tôi đó không phải là tiểu thuyết,  mà là một tráng ca, vâng, hoàn toàn đúng như vậy, một tráng ca khủng  với tên gọi Chuyện Cõi Trời, Chuyện Cõi Âm ( NXB HNV.2013). Đó là một tráng ca dạng biệt, độc đáo viết về chiến tranh, về người lính mà tôi được đọc. Một bài thơ văn xuôi dài kỳ lạ, âm hưởng chiến tranh rung vang ba cõi thiên/địa/nhân, hình ảnh chiến tranh hiện ra đầy bát quái trắng đen, thật giả, thắng bại..với bút pháp xán lạn, trầm buồn..

Không phải người thơ nào cũng đủ thi lực để viết thơ dài, viết truyện thơ, viết trường ca. Hoàng Xuân Họa là một trong số không nhiều người thơ đủ thi lực viết trường ca, và những trường ca ấy còn được nhắc đọc nhiều thời gian sau. Đức tin của tôi mách bảo tôi vậy và đức tin ấy thăng hoa hơn khi tôi được đọc tập sách Giới thiệu Các luật thơ, thể thơ Việt nam, do HXH biên soạn, NXB Văn Hóa Dân Tộc ấn hành 2004.


3. Trở lại với hai tập thơ (bài ngắn) Trót Một Thời Yêu 1&2 của nhà thơ Hoàng Xuân Họa. Nói trở lại vì chúng ta chỉ mới lướt qua, nhấn mạnh hai từ Nhà Thơ hàm ý đẳng cấp mà anh đã tựu được.
Mời cùng mở lòng Trả Nợ với Nhà thơ.
Không biết đây có phải là bài thơ hay nhất của thi nhân Hoàng Xuân Họa? Dù chưa phải, thì với tôi đây vẫn là bài thơ hay, rất hay, và nếu được đề cử, tôi xin được đề cử, một phiếu, vào danh sách những bài thơ bất hủ của thi đàn Việt. Thú thực, tôi đã đọc bài thơ này nhiều lần, đến thuộc. Những lần đầu vẻ như hơi tiếc cho câu kết / Không vay tôi vẫn trả đời/ Tôi khờ/ Tôi dại/ Tôi người/ Trắng tay / Đã bảo rằng mình không vay gì của đời, mình vẫn tự nguyện trả cho đời tất cả những gì tốt đẹp nhất mình có thể có, có thể nghĩ, có thể làm, thì sao còn than là mình khờ, mình dại, mình là người trắng tay. Nhưng khi đọc thuộc, tiếng lòng ngân nga, thì bỗng hiểu là trải nghiệm cuộc đời qua thơ của tôi xem ra còn nông cạn lắm. Không Vay Tôi Vẫn Trả đời, một câu lục quá hay, không vay vẫn trả..Ôi, cái mà họ bảo, họ quy kết là ta vay, ta có vay đâu, như mùa thu chẳng hạn, thế mà ta cứ phải trả, trả bằng dại, bằng khờ, để rồi hết cuộc đời mới ngộ là mình trắng tay. Bài thơ xán lạn vô cùng, cao đẹp vô cùng. Mời cùng đọc trọn bài Trả Nợ

/ Tôi xin trả gió cho mây/ Trả sông cho suối, trả cây cho rừng/ Tháng năm xuôi ngược đã từng/
Trả muối cho mặn trả gừng cho cay./
/ Đời vơi đong đủ cho đầy/ Trả tối cho sáng, trả ngày cho đêm/ Trả thương cho nhớ dài thêm/ Trả thuyền cho bến, bậc thềm cho trăng./
/ Trót vay chút tím bằng lăng/ Tôi trồng trả phố xanh bằng hàng lim/ Trả mất cho kẻ đi tìm/ Trả cành cho lá, cánh chim trả trời./
/ Không vay tôi vẫn trả đời/ Tôi khờ/ Tôi dại/ Tôi người/ Trắng tay/ 

Xin tiếp tục thơ yêu với Áo Mường 

/ Ngực em chót vót Ba Vì/ Làm tôi chết đứng một thì trẻ trai/ Lưng ong vời vợi ban mai/ Làm tôi quên khuấy đường dài về quê/ Váy chàm quét mướt triền đê/ Cỏ vô phong bỏ bùa mê tôi rồi/ Hai hàng khuy bướm sóng đôi/ Tôi-người lúng túng giữa trời áo em…/

Bảo rằng các cô gái Mường có bùa yêu là cỏ vô phong động, là loài cỏ không có gió vẫn động, chỉ hai nhánh, ngày nớ ra và tối khép lại ôm nhau, có bùa yêu này, các cô gái bỏ bùa yêu…Thì cứ cho là vậy, cứ tin là vậy, nhưng thực chẳng vậy, các cô gái Mường bỏ bùa yêu bằng cánh áo cài hờ hàng khuy, quân tử bất kỳ, chẳng cứ trai Mường hay trai Kinh mà hễ cứ là nam nhi thì đều dùng dằng bỏ đi sao đành. Nhà thơ Hoàng Xuân Họa không ngoại lệ/ Hai hàng khuy bướm sóng đôi/ Tôi-người lúng túng giữa trời áo em…Câu thơ lúng túng, e thẹn, mà thật tình.
Anh trai Hoàng Xuân Họa viết được bài tình này khi nào vậy? Anh không đáp, mà cao hứng đọc thơ, dáng người nhỏ nhắn, còn săn chắc, tóc đã muối nhiều hơn tiêu, giọng bảnh, thực khó tin đây là lão ông đã ngoài bảy chục. Anh đọc bài thơ tình ngắn, như chừng mới viết. Bài thơ có cái tên khá ngộ Anh Chìm

Anh chìm ngụp giữa hội Lim
Liền anh liền chị liếc nhìn đâu anh
Bao nhiêu giếng mắt đa tình
Liếc nhau đổ quán xiêu đình người ta
Anh đây rất đỗi thực thà
Cố chen vào hội để mà nao nao
Tức điên với cái cổng chào
Chặn ngang mất lối anh vào mắt em…

Chu choa, rõ ràng không phải ông lão ngoài đầu bảy, mà là chàng trai thì mới sân si chen lấn đi chơi hội, đi chiêm ngắm tình và ngây ngất trước sắc  xuân đến thế. Dù tàng ẩn dưới cái áo tình kia là chuyện thế thái nhân tình gì đi nữa, cũng chứng tỏ bút lực của nhà thơ còn sung mãn lắm. Nhấn mạnh ẩn dụ: Tức điên với cái cổng chào/Chặn ngang mất lối anh vào mắt em…Mừng chóa lên được, ngoài đầu bảy mà vẫn tình thì bảo sao không lóa. Tôi thua anh Họa chút tuổi, cũng đầu bảy, và gần như từ nhỏ đến tận bây giờ, cứ cầm bút gieo vần là y như chỉ viết thơ yêu. Một nhà thơ Nga, VaDim Shefner (1915-?) đã bênh vực những thi nhân già khi viết thơ yêu, như chúng tôi với bài Tuổi Thứ Năm, Việt ngữ nhà thơ Bằng Việt, chép tặng anh Họa cũng là  tặng tôi.

/Tình yêu là thời điểm thứ năm của ngày/ Không phải sáng hay trưa, không phải chiều hay tối/ Khoảnh khắc có tình yêu vụt thành sáng chói/ Khi đánh mất đi rồi buổi sáng hóa đêm thâu!
Tình yêu là mùa thứ năm của năm/ Không chỉ giống xuân, hạ, thu, đông, chẳng có mùa nào thật đúng/ Mà phụ thuộc vào hai người yêu nhau sung sướng/ Say đắm, yêu thương và sáng tạo ra mùa!
Tình yêu không phải đoạn đời nào đã trải/ Chẳng phải tuổi thơ, tuổi thanh niên, tuổi trưởng thành hay cả tuổi già!/ Cũng không giống chút nào các tuổi chiêm nghiệm trong sách vở/ Tình yêu là tuổi thứ năm trong cả cuộc đời ta! /

Dẫn bài Tuổi thứ năm ở trên, để rằng: Nhà thơ Hoàng Xuân Họa không chìm trong thứ thơ xướng họa tình, hay thứ thơ tán yêu mà người khác, như tôi chẳng hạn, chìm trong thứ thơ đơn thuần yêu, yêu thực của trống mái, của âm dương, mà anh Họa chìm trong thơ tình “không mất nết”, thứ thơ tình đời của người đầu bảy, trang nghiêm nhìn tình yêu với chút tiếc nuối, chút hoài nhớ và chút mơ hồ giận hờn. Thế nên, phần lớn các bài thơ tình của nhà thơ Hoàng Xuân Họa đều là những bài thơ tình tâm trạng, tâm trạng của thế thái nhân tình, tâm trạng của trách giận, đôi khi phẫn nộ, đôi lúc cợt cười, tâm trạng  tình về làng xóm, về bằng hữu, về chính bản thân mình, như thế soi gương mà thấy cái tình khi chân thành, lúc trái ngang, lúc phê phán, khi tố cáo. Phê phán dù chỉ thoáng qua nhưng thật sâu sắc. Tố cáo, chỉ nhẹ nhàng như  tiếng thức, nhưng đủ bừng tỉnh cả mặt trời. Thơ tràn ngập những trải nghiệm đời, những ẩn dụ sống, xsa6u sắc biết bao.
Mời nghe một lời than, không phải lời than mà là một tâm sự, không hẳn là một tâm sự mà là một tấm lòng thơ tự trách mình không “ngộ tu thân” để nên nỗi Gối đầu lên chính tay mình tôi mơ/ Bài thơ đẹp ngộ như bài hát ru, tất nhiên là tự ru:

/ Gối đầu lên gió tôi mơ/ Lên sóng ào ạt tôi chờ biển im/ Gối đầu lên phút bình yên/ Lên trăng, lên nước, lên niềm tin yêu/ Gối đầu lên những buổi chiếu/ Cầu vồng, nắng quái với nhiều chênh chao/ Gối đầu lên những vì sao/ Cho căng mắt nhớ cồn cào ngày xa/ Gối lên mây thắm, ánh ngà / Lật đi giở lại hóa ra…tay mình!/

Như một giao thoa của tâm hồn thơ, ông nhà thơ Nga dẫn ở trên viết được thơ quá hay Tuổi Thứ Năm, Hoàng Xuân Họa viết bài thơ Trách Tháng Năm in trong tập Trót một thời yêu không hề thua kém. Chỉ khác nhau ở chỗ, nhà thơ Nga VaDim Shefner tụng ca tình yêu, tình yêu tạo ra một không gian mới, thời gian mới mà hình như vũ trụ bỏ quên, đó là mùa tình yêu. Còn Hoàng Xuân Họa thì lại than trách tháng năm, cứ như văn tự anh viết thì là tháng 5 theo thứ tự tháng trong năm, đã khiến khu vực thơ bị bó hẹp trong ý nghĩa không gian và thời gian, nếu chữ số 5 được thay bằng chữ Năm thì có lẽ không gian thơ, tình thơ đã lộng cánh hơn nhiều và tâm trạng thơ vì thế mà gặp gió núi, gặp sóng biển mà bát ngát mang mang…Nhưng dù sao, như đã nói, trong sách thơ Trót một thời Yêu 1 và 2, thì đây là một bài thơ vuông tròn và hay.

/ Tháng 5 nắng,tháng 5 mưa
Tháng 5 vừa tới lại thừa tháng 5 ( năm nhuận?)
Đợi chờ héo mấy con trăng
Buồn vung cá quẫy sủi tăm mặt hồ
Lộc vừng chín ngọn sóng  xô
Rắc đầy mặt sóng, đỏ bờ xác hoa
Chông chênh ghế đá một ta
Đợi người, người mải đi xa hút trời
Mặt hồ sóng rộn đầy vơi
Ta ngồi đếm sóng vời vời dửng dưng
Người đông trước mặt, sau lưng
Hồn ta xoáy gió vơ từng bóng mây
Tháng 5 vơi, tháng 5 đầy
Tháng 5 (năm) trống rỗng nhường này…tháng 5 (năm)!/

Tháng 5 (như anh viết) lại sắp về rôi, cầu cho tháng 5 này vui hơn, để thơ vui hơn, để tuổi già cùng nhau đọc mà thụ hưởng niềm vui. Còn cái tâm trạng, tâm trạng người cao tuổi chúng mình ấy mà, ta nhường cho con cháu, được không anh?.

4. Sau cùng:
Nói sau cùng, bởi anh em mình trở về với sân chơi thơ của chúng ta. Nói sân chơi thơ của chúng ta là bởi Anh đã mở cửa sân chơi thơ một mình của chúng tôi, giắt chúng tôi hòa đồng vào sân chơi thơ của cộng đồng, sân chơi thơ truyền thống, sân chơi thơ của những người đơn thuần yêu thích thơ, làm thơ và muốn kết bầu bạn thơ, cùng nhau hưng phấn sống xanh sạch đẹp cuộc đời. Tham gia sân thơ này nói vậy coi bộ khó. Không có tấm lòng trọng bạn, yêu thơ bạn ngang với yêu thơ mình, không thị phi, ganh ghét, đố kỵ và càng không thể cầu cái danh cái lợi hão huyền..thì mới tay nắm được tay nhau mà nghe tiếng lòng nhau. Tôi đi theo anh Hoàng Xuân Họa, nhìn ngắm anh say mê đọc chọn thơ bạn, tưởng thưởng mình những câu thơ hay của bạn mà anh nâng niu chăm chút, hàng trăm câu cho mỗi tập sách Thơ bạn Thơ, tính đến nay đã ba đầu sách, mỗi đầu sách trăm câu thơ hay, vị chi đã ba trăm câu thơ hay..Bạn cứ thử đọc chọn trong hàng ngàn câu thơ của bầu bạn mình rồi chọn vài trăm câu hay..bạn sẽ thấy tấm lòng người thơ Hoàng Xuân Họa thơm thảo tình thơ cỡ nào..Phẩm hạnh ấy mang thương hiệu Hoàng Xuân Họa chính là phẩm hạnh của tình yêu thơ chân chính, phẩm hạnh của người làm thơ bao dung khiêm nhường đã tôn vinh đức cao cả của thi ca..Phẩm hạnh ấy đã ban cho tôi giải pháp tu thân và tôi đã nợ Anh những thu hoạch tử tế. Cảm ơn anh trai Hoàng Xuân Họa về tấm lòng với thơ, tình yêu bạn thơ, tài nghệ làm thơ và về tất cả những gì thuộc về thơ..

Nguyễn Nguyên Bảy
/ Mời đọc tiếp bài 27/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét