Thứ Tư, 4 tháng 2, 2015

Chém Gió Muôn Mầu/ Bài 31. CÂY THƠ NGUYỄN MINH KHIÊM


NGUYỄN NGUYÊN BẢY
CHÉMGIÓMUÔNMẦU

Văn ngắn/ nxb hội nhà văn
Sách dày 240 trang, khổ 20x20, bìa carton in 4 mầu, giấy Ford indo trắng, gồm tập hợp 33 bài chém gió xanh/đỏ/tím/ vàng của bút nhân Nguyễn Nguyên Bảy, chủ trang vandan BNN, đã..đã có mặt tại gia, và sẽ là món quà nhỏ/ thân/yêu tặng bầu bạn trước thềm Tết năm Mùi Ất..2015
Bài 31.

CÂY THƠ NGUYỄN MINH KHIÊM



Mình ơi, mình ơi mom sông
Cây gạo nở đỏ cháy mông mênh trời
Thân cò hoa trắng đậu phơi
Nhự thể lửa nói những lời yêu nhau..


CÂY THƠ NGUYỄN MINH KHIÊM


Tôi có nếp quen bất kỳ đọc thơ của ai cũng đều có ghi chép thu hoạch cho riêng mình. Đương nhiên là thu hoạch mục đích học hỏi. Nhưng những ghi chép thu hoạch về thơ Nguyễn Minh Khiêm ngoại lệ, sẽ công bố dưới đây, với hai minh bạch cũng rất riêng tư.
+ Nguyễn Minh Khiêm ở xa, mãi tận vùng sâu Thanh Hóa, nên chưa một lần và thật khó, kể cả sau này, có dịp về Thanh, anh em vui trọn một đêm thơ. Nhưng tôi đã thư / alô cho NMK và đã công khai trên VandanBNN khi giới thiệu thơ NMK, rằng: Tôi thật sung sướng và tự hào được là bạn thơ và được đọc thơ của Nguyễn Minh Khiêm, một người thơ thực tài đã viết được những bài thơ thơm ngát hương hoa, mở lòng tử tế, tựu thành trân quí.
+ Tôi đã gửi bản thảo thơ của NMK đến các bằng hữu của tôi, có tài và nhiệt thành thẩm thơ bầu bạn, năn nỉ giúp tôi viết khúc đò đưa thơ Nguyễn Minh Khiêm. Tuy nhiên, vì một lý do e ngại nào đó, bầu bạn đã không trợ giúp tôi, nên đành lòng tôi phải “đánh trống qua cửa nhà sấm”, trình làng bản thu hoạch này. Xin bầu bạn mở lòng, hỷ xả và dành chút thời gian chia sẻ hoan hỉ cùng tôi về thơ Nguyễn Minh Khiêm.


CÂY THƠ NGUYỄN MINH KHIÊM
 
Thơ Nguyễn Minh Khiêm, ngắn (thơ bài lẻ), thơ dài (Trường ca/Truyện thơ) khó đong đếm số lượng (vì quá nhiều), nhưng đong đếm được tình yêu và khát vọng thơ của anh. Tình yêu và khát vọng ấy đã sinh/dưỡng/tự trọng một cây thơ tươi tốt trong Thi Lâm Việt. Tôi tuyệt nhiên không quá lời. Tôi tin mình đã đúng với thước đo công bằng, không một thiên vị riêng tư.Thơ Nguyễn Minh Khiêm (bài lẻ hay bài dài), đều xây dựng trên bốn chủ đề : 1/ Tu thân đức tin (lập ngôn) làm người tử tế./ 2. Tình yêu làng quê non nước cụ thể cùa người thơ./ 3. Thơ viết về Mẹ (mẹ của riêng anh). 4. Và sau cùng, thơ về chiến tranh, với một cách nhìn của người lính, một cách nhìn nhân bản.

CÂY THƠ NGUYỄN MINH KHIÊM
Trước hết mời đọc chiêm ngưỡng lá, hoa thơ, theo từng chủ đề mà khi đọc thơ anh tôi xếp chọn.

1.Chủ đề, Tu thân đức tin (lập ngôn) làm người tử tế:

/ Xé trời ra mà sáng / Chớp
/ Đá không thề gì cả/Nghị lực đá trước mưa,trước nắng../
Đá

ĐÁ
(Trọn bài)
Đá không thề gì cả
Nghị lực đá hiện trước mưa trước nắng
Đá không tuyên ngôn gì cả
Lòng dá cất giữ triệu năm không một tiếng ồn

Đá không tô vẽ gì cả
Mở đá ra là tinh hoa vũ trụ

Đá không nói về dáng vóc của mình
Trái đất này chỗ nào cũng đá

Đá không trưng bầy chữ nghĩa
Nhưng đá có tất cả mọi điều thế gian này muốn biết

23.11.2010

/ Rễ lầm lũi trong đất/ Không phải đề biết đất mấy tầng sâu/ Rễ lam lũ, cực nhọc và đen đúa/ Vì tầm cao trên đầu../
Rễ
/ Trăm cây mọc sinh trăm dáng lạ/ Chậm rãi thành cổ thụ nghìn năm/
Si
/ Tiễn người con đê cong lắm/ Hoàng hôn vỡ tím cả chiều/
Tiễn
/ Nhẹ tênh đi vào cõi khác/ Bung mình ra để thăng hoa/
Hoa lau
/ Trắng cho những câu thơ phải chán  nản/ Những câu thơ tự già cỗi bạc đầu/
Hoa lau /
Yến đâu biết cái nhỏ nhoi mình có/ Đã hóa thành quà tặng cả thế gian/
Chim yến làm tổ
/ Kẻ giản đơn đo cây bằng thước tấc/ Cắt da thịt cây để đếm vòng đời/
Cổ thụ.
/ ..Bằng một mùi hương đặc biệt/ Người kia phải bật gọi tên mình/
Dạ Hương
/ Tạc một khối trầm mặc/ Xóc ngược lên vòm trời/
Đa nghìn tuổi.
/ ..Danh dự làm người/ Không thể đi men/
Đi men.
/ Khoét mình ra để vi vu../
Sáo trúc
/ Biết người lớn rồi lại mơ về trẻ nhỏ/ Với con cào cào nhún gãy cả hoàng hôn/
Giữa hai mầu sợi tóc.
/ Nụ cười đi qua/ Tiếng hát đi qua/ Thời gian không hồn cuốn bụi lên trời vẽ tiên phật../?
Tự khúc của lá. 

2.Chủ đề, Tình yêu làng quê non nước cụ thể cùa người thơ.


/ Phút giây chợ ngã tư làng/ Bao nhiêu mặt cám, mặt vàng hiện lên/ Chợ ngã tư làng.
/ Đá Mài Mực, Đá Ăn Thề/ Yêu nhau đem cả biển về rửa chân../
Cứ về Thanh Hóa một lần.
/ Một đời bao thứ đánh rơi/ Dây thừng buộc được mình tôi trẻ về../
Cưỡi trâu về lại tuổi thơ.
/ Ruột mình với ruột ông cha/ Từ trong gia phả lột ra mà nhìn../
Thăm bảo tàng quê.
/ Lạ thay cái đất làng minh/ Bỏ quên sợi tóc cũng thành ca dao/
Đất làng mình.

 
ĐẤT LÀNG MÌNH (Trọn bài)
Lạ thay cái đất làng mình
Bỏ quên sợ tóc cũng thành ca dao
Lá răm lả yếm cầu ao
Trai làng chạm phải say bao nhiêu đời
Sần sùi một chiếc bình vôi
Suối nguồn hiện đến xa xôi ông bà
Đùa nhau mai thuổng quét nhà
Bỗng nghe đất nước tù và chuyển rung
Thổi bong bòng kết làm rồng
Nhói đau buốt tận thiên cung Ngọc Hoàng
Nhổ cây rau má cổng làng
Bao nhiêu lọng tía tàn vàng lung lay
Quần nâu cởi vắt đáp cày
Thế mà vững chãi thành này lũy kia
Lọt sàng hạt gạo xuống nia
Bao nhiêu sông biển không chia hết tình..

Lạ thay cái đất làng mình
Kẽo cà kẽo kẹt mà thành nghìn năm
Người thành danh, kẻ lỗi lầm
Không ai lạnh lẽo trong tâm hồn làng
Vườn mình rụng chiếc lá vàng
Cứ lo giông bão ập sang vườn người
Sân đình chèo bội í ơi
Mà bền gốc rẽ vào nơi bàn thờ
Quanh năm chỉ ruộng với bờ
Vẫn tường tận hết tỏ mờ trăng sao
Rít chung một điếu thuốc lào
Bao nhiêu dòng họ bện vào thành quê
Bỏ vò bông cải bông kê
Trăm năm chẳng sợ chiêm khê mùa trầm
Khói hương mùng một đêm rằm
Lòng người thênh thản thành tâm thánh thần…
Bàn tay mưa nắng chai sần
Mồ hôi kết tụ đồng gần đồng xa
Kể thành cổ tích dân ca
Cái nơm cái giậm úp qua bầu trời
Gió sương làm hết kiếp người
Khi đứng với bụt khi ngồi với ma
Xin làng giờ được mở ra
Muôn sau được thấy ông cha nghìn đời
Khói hương xin đặt vào lời
Ai người Thọ Lộc vế soi hồn làng..

30.11.2011

/ Con hến, con trai một đời nằm lệch/ Lấm láp đất bùn đứng thẳng cũng nghiêng/
Một góc phù sa.
/ Đói nghèo bấm nát bàn chân/ Thắp hương gọi mãi mà xuân chưa về../
Cuối thu.
/ Miếng cà nhai tự ngày xưa/ Bây giờ nghe lại vẫn chưa hết giòn../
Dấu quê.
/ Nhật ký làng có bao nhiêu mùa đói/ Đèn kéo tôm găng khắp bờ hồ../ Đêm tầng bốn.
/ Đường cày cong nghìn tuổi/ Giờ vẫn còn tập đi../
Đồng làng.
/ Hòn đá trơ lỳ bao năm tháng lăn qua/ Khi vỡ ra cạnh nào cũng sắc/
Em ơi đừng bỏ làng đi.
/ Về làng dự hội tháng ba/ Còn câu hát đúm đem ra chia phần/ Người được cây lác cây năn/ Người được cây rạ ngâm chân bùn lầy../
Hát đúm
/ Chịu mày đấy mẹ Đốp ơi/ Váy mình cứ bôc miệng người bỏ vô../ Mẹ Đốp
/ Ta vượt đại dương nghèo bằng mái chèo đòn gánh/ Trâu nai lưng kéo lên những cánh buồm/ Giai điệu xe bò/ Chở khúc dân ca vừa đi vừa ngủ../
Hát với cánh đồng

2.Chủ đề, Thơ viết về Mẹ (mẹ của riêng anh).
/ Con trượt ngã chỗ mẹ thường mất ngủ/ Ngọn đèn khuya tóc trắng sang ngày/ Giọt nước về thưa Mẹ.
/ Mẹ giơ tay về phía mặt trời, mặt trời như ép lại/ Ánh nắng bị trẻ ra, từ kẽ tay mẹ tuôn chảy/ Những dòng sông ánh sáng../
Những ngón tay của Me.
/ Yếm lá trầu mẹ ngồi bục cửa/ Nham nhở vết dao tôi băm chặt đẽo cù/ Từng sợi nắng sâu kim qua ngọn ổi/ Quần áo tôi vá víu cả mùa thu../
Bục cửa
/ Khi con lớn lên/ Cây đàn đứt nốt/ Con ôm cái hộp đàn/ Gảy từ nam chí bắc/ Thơ con rớm máu/
Cây đàn.
/ Con đi mấy chục năm xa/ Mười móng chân Mẹ mở ra hồn làng/
Mười móng chân Mẹ.
/ Nhìn thao bóng Mẹ hao gày/ Bao nhiêu nắng đổ không đầy chum tương/ Dáng người như một giọt sương/ Tôi lồng khung kính làm gương soi đời/
Nghe lá cau rơi.
/ Tuổi tên như khói, như sương/ Bảng vàng bia đá chẳng chương dòng nào/ Chỉ khoe hai tiếng đồng bào/ Mô tê răng rứa chỗ nào cũng đông!/
Bong bóng xuống đồng.

BONG BÓNG XUỐNG ĐỒNG
(Trọn bài)
 
Mẹ tôi bong bóng xuống đồng
Vinh hoa thì mất, bão giông thì còn
Thành trì của cả nước non
Đời liêu xiêu vịn bồ hòn bước đi
Máu xương dâng chẳng tiếc gì
Lá rau hạt muối chi ly từng hào
Vàng đúc tượng thấp, tượng cao
Nón mê chân đất không sao đổi đời
Mở ra góc bể chân trời
Xoay như chong chóng vẫn nơi chiêm mùa
Oản xôi Tiên Phật thờ Vua
Ra rơm bùn đất, ốc cua nuôi mình
Chở che mấy cuộc chiến tranh
Sức cùng lực kiệt để thành hậu phương
Tuổi tên như khói như sương
Bảng vàng bia đá chẳng chương dòng nào
Chỉ khoe hai tiếng đồng bào
Mô tê răng rứa chỗ nào cũng đông
Bong bóng điểm chỉ xuống đồng
Khi là thượng đế, khi không là gì!

22.4.2010

/ Cái tình cái chất làm người/ Ủ trong áo Mẹ thành tôi bây giờ/ Nén nhang về lạy bể bờ/ Rưng rưng vạt áo câu thơ nẩy mầm/
Vạt áo Mẹ.
/ Đã qua một lớp người xưa/ Con đi nhặt nắng, nhặt mưa tìm về!/ Đi chợ Hôm Bồi.
/ Cho con một khúc đồng dao/ Vỗ đôi chân Mẹ nhập vào chân con/ Để con đi tới ngọn nguồn/ Nơi nước mắt Mẹ chảy tuôn xuống đồng../
Thắp hương xin Mẹ một lời đồng dao.
/ Tôi đi chuộc lại câu thơ/ Dấu chân trên tóc bạc phơ mái đầu/ Chỉ còn lại cái bã trầu/ Kế thành trầm tích đáy sâu hồn làng../
Câu thơ Mẹ viết.
/ Ngỡ vàng tận đáy biển sâu/ Đổ bao sức lực làm tàu ra khơi/ Nhặt viên gạch vỡ cầm chơi/ Sững người/ Vẫn dáng Mẹ ngồi góc sân!../
Góc sân.
/ Mẹ thường ra kiếm củi gốc cây/ Cầu khẩn gió rung xuống từng chiếc lá/ Mẹ vắng con phải nhờ cục đá/ Kéo cây cần múc nước thổi cơm..? /
Dòng sông không ngủ.

4. Và sau cùng, thơ về chiến tranh, với một cách nhìn của người lính, một cách nhìn nhân bản.
 
/ Mùa xuân đến cho mầu cây bớt đỏ/ Chim về ca cho gió bớt cồn cào../ Bài giảng sau chiến tranh.
/ Chị thấy mình thèm khế/ Chị thấy mỉnh thèm chanh/ Mấy chục năm như thế/ Chị tôi ru bóng mình/ Chị tôi
CHỊ TÔI
(Trọn bài)
Cứ mỗi lần gà gáy
Chị tôi lại giật mình
Tưởng anh về gõ cửa
Nên ngọn nến rung rinh

Chị tôi hay nháy mắt
Hay thình lình hắt hơi
Người nhắc nhiều như thế
Chắc chỉ là anh thôi

Chị bảo anh khỏe lắm
Tóc mượt như cỏ xanh
Chắc khi họ báo tử
Đã nghi nhầm tên anh

Chị thấy mình thèm khế
Chị thấy mình thèm chanh
Mấy chục năm như thế
Chị tôi ru bóng mình

Chị khoe anh về bảo:
Em mới thật anh hùng
Một mình vẫn chiến đấu
Đến hơi thở cuối cùng!

Rồi chi tôi để lại
Sợi tóc mình bạc phơ
Cạnh Huân chương chiến thắng
Của anh trên bàn thờ

Chị tôi đi về phía
Ngày anh tôi lên đường
Cả làng lại đưa tiễn
Hệt anh ra chiến trường

Giờ mỗi lần gà gáy
Nghe lá vườn sương rơi
Tôi cứ hình dung thấy
Hai người đang sóng đôi .
10-2006
/ Những hôm trời trở gió heo may/ Mẹ cởi áo đắp cho từng tấm ảnh../ Chiếc võng
/ Bàn tay mẹ chạm tiểu sành/ Ruột mình chạm khúc ruột mình..ả ơi/ Anh về với mẹ.
/ Tôi ru em bằng câu thơ cát bụi/ Tôi vẽ cho em con đường hình hạt muối/ Tôi vẽ con đường cong qua thời gian/ Đánh lừa em cho nhọc nhằn ngắn lại../
Câu thơ trao nắng.
/ Vết thương đầy thịt đầy da/ Sống mà chẳng biết là ma hay người/ Lời giọt máu


CÂY THƠ NGUYỄN MINH KHIÊM
Cái đẹp cái hay của hoa lá cành thơ Nguyễn Minh Minh còn thật nhiều, nhưng sợ dành hết phần tự chọn của thị/thính giác bạn đọc, nên đành ngưng dẫn, chứ thực lòng còn muốn dẫn thêm nhiều nữa. Thơ Nguyễn Minh Khiêm khiến cảm xúc tôi choáng trong cảm ơn, khâm phục và thực đáng tôn vinh.Cũng vì lẽ ấy, nên phần cội/gốc của cây thơ anh, là các bài thơ dài (trường ca/ truyện thơ) tôi xin không dẫn trích mà chỉ liệt kê tên tác phẩm, và phần thẩm thơ xin tùy bạn đọc. Chỉ có lời thêm: Thơ bài lẻ của Nguyễn Minh Khiêm đã đẹp thế, cớ gì các trường/ tráng ca của anh không lộng lẫy, cao sang..Các trường ca: Bầu trời mầu hoa gạo/ Trường ca Lê Lợi/ Hồi ức một con đường/ Sau lá bồ đề/ Ba Mươi Tháng Tư/ Thuyền nan/ Làng Thọ Lộc/ Độc thoại dưới tượng đài Lý Công Uần/ Ruột đá nhiều gió hú/ Cộng là 9 bài thơ dài rộng.
Kết bài
: Nguyễn Minh Khiêm không chỉ là một Cây thơ. Tôi cũng đã được đọc và giới thiệu khá nhiều bài Văn ngắn/ dài của anh trên VnadanBNN, và anh còn hứa sẽ gửi tiểu thuyết cho tôi đọc. Cảm ơn Khiêm về tất cả, nhưng gì thì gì cũng chung thủy mãi với thơ, bạn nhé. Thơ bạn làm tâm hồn tôi phong phú hơn nhiều lắm, tình đời tôi tử tế thêm nhiều lắm. Lời cảm ơn cũng là lời năn nỉ của tôi.
BNN/ Sài Gòn 4.7.2014

Nguyễn Nguyên Bảy 
/ Mời đọc tiếp bài 32/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét