Thứ Sáu, 20 tháng 2, 2015

ĐỌC TẬP CHÉM GIÓ MUÔN MÀU CỦA NGUYỄN NGUYÊN BẢY


ĐỌC TẬP CHÉM GIÓ MUÔN MÀU CỦA NGUYỄN NGUYÊN BẢY
(Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2015)
Hòa Phú Yên


Chém gió muôn màu là tập sách thứ 12 của Nguyễn Nguyên Bảy. Dù chưa bao giờ ông nhận mình là nhà văn hay nhà thơ nhưng chừng ấy những đầu sách ra đời cũng như nội dung và giá trị của từng tập sách đã cho thấy sức viết và sự am tường chữ nghĩa của ông như thế nào. Ông xứng đáng được gọi là nhà văn, nhà thơ theo đúng nghĩa của từ này.
33 bài trong Chém gió muôn màu theo cách gọi của Nguyễn Nguyên Bảy đó là 33 bài văn ngắn. Tản mạn, nghĩ gì viết nấy, viết như chơi, như đùa nhưng không có nghĩa là viết cẩu thả, hời hợt; chữ nghĩa ông dùng vừa mới, vừa lạ, vừa độc đáo, góc cạnh nhưng cũng rất “duyên dáng”… tạo nên một nét phong cách riêng không thể lẫn lộn với bất cứ một người nào khác.
Đọc những gì Nguyễn Nguyên Bảy viết, nếu ta chỉ đọc qua 1-2 lần có lẽ sẽ chưa hiểu hết những tầng ý nghĩa và thông điệp mà ông muốn gửi gắm. Có lẽ vì vậy mà những trang viết của ông rất kén độc giả.
Đọc những bài viết trong Chém gió muôn màu người đọc sẽ có được những  kiến thức bổ ích, những tư liệu quý, những câu chuyện, những chân dung… mà có thể  ta chưa biết hoặc nếu biết thì cũng mơ hồ. Độc giả có dịp để biết thêm nhiều điều bổ ích liên quan đến văn chương, con người và cuộc đời.
Tùy văn Quê mình Hà Nội gồm 4 bài nhỏ: Sau ba mươi năm, trở về; Thời cổ tích; Đi tìm những người chép cổ tích, thời tôi; Những người chép cổ tích thời nay. Ở đó là những dòng cảm xúc miên man, những kỉ niệm của quá khứ hôm qua và niềm vui của ngày trở về hôm nay. “Tôi mắc chứng bệnh nhớ nhà. Ngủ lạ nhà một đêm khó được. Nếu bảo Mệnh là từ 1-30 tuổi, thì ba mươi năm Mệnh, quê tôi là Hà Nội. Nếu bảo Thân là từ 31-60 tuổi, thì ba chục năm Thân, quê rôi là Sài Gòn. Giờ đây đã qua tuổi Mệnh Thân, ắt sẽ là Sài Gòn - Hà Nội ra vào vào ra. Chuyến đầu tiên này ba ngày nhé. Cho tôi quen lại Hà Nội, quen dần với phong, với thủy mà chữa bệnh nhớ nhà. Xin ruột thịt gần xa, xin cố nhân, bầu bạn tha cho lỗi vội vàng này của người đang bệnh. Hẹn lần sau, sẽ rất gần, thăm hỏi đủ khắp”.
Những kỉ niệm với các nhà văn, nhà thơ, nhà báo, các nhà nghiên cứu, các bạn đồng nghiệp với ông như: Mai Thúc Long, Trần Nhật Lam, Nguyễn Kim Trạch, Trúc Thông, Trần Nguyên Vấn, Hồ Quang Minh, Nguyễn Quý Châu, Vũ Quần Phương, Trần Lâm, Đoàn Tử Huyến, Nguyễn Mạnh Tuấn, Nguyễn Khắc Phục, Nguyễn Thị Hiền, Hoàng Xuân Họa, Nguyễn Anh Tuấn, Trần Ninh Hồ, NSND Đào Trọng Khánh, Y Phương, Phạm Công Trứ, Mai Quỳnh Nam, Văn Chinh, Thi Hoàng, Lê Minh Khuê, Đỗ Chu, Nguyễn Khôi, Thủy Hướng Dương, Trần Vân Hạc, Dương Hiền Nga, Hạt Cát, Chử Thu Hằng, Bích Ngọc… kể cả những người bạn vong niên và các bạn cùng lớp thuở thiếu thời. 30 năm xa đất Bắc, xa Hà Nội; sống tại Sài Gòn nhưng trong ông vẫn luôn hướng về nơi đất mẹ, nơi ông đã từng chôn nhúm rau, nơi gắn với ông và gia đình bao ký ức và  nỗi niềm thương nhớ; nơi gia đình ông và vợ  (bà Lý Phương Liên) chịu cơn thác dữ về thơ năm 1970.
30 năm là cả nửa đời người, 30 năm ấy Nguyễn Nguyên Bảy dồn nén và chất chứa bao điều. Để rồi ngày trở về quê mẹ ông vỡ òa trong những tiếng nấc nghẹn ngào khôn xiết. Những hoài niệm, vui buồn của quá khứ, hiện tại và cả những hoài vọng, mơ ước về tương lai được thể hiện khá chân tình trong Quê mình Hà Nội.

Bài rộng khổ chép ở ga Hàng Cỏ
là bài thơ được Nguyễn Nguyên Bảy viết từ năm 1972 (Chép 1972, theo chân Nguyễn Khắc Phục đi miền khói lửa, 40 năm sau, Phục gửi bản thảo về, lời lính một câu xanh: In đi, hay suốt bốn mươi năm…)
Từ những năm 1972 mà ông đã viết thơ như thế thì tuyệt lắm, nhà văn Nguyễn Khắc Phục “phán” chẳng sai: “In đi, hay suốt bốn mươi năm”.
Nguyễn Nguyên Bảy là một nhà thơ lặng lẽ nhưng say mê làm mới và sáng tạo hình thức thơ ca trữ tình hiện đại. Ông đem lại cho ngôn ngữ thơ những tín hiệu thẩm mỹ mới về khả năng dung chứa và phản ánh hiện thực. Ông kế thừa và làm mới thơ trên nhiều phương diện. Vận dụng linh hoạt những thủ pháp nghệ thuật: ẩn dụ, so sánh, nhân hóa, điệp từ, điệp câu … trong cấu trúc hình thức tác phẩm.
Vốn là một người hơn 50 năm nghiên cứu trong lĩnh vực phong thủy, có thâm niên và nhiều kinh nghiệm trong nghề. Điều đó có ảnh hưởng lớn trong công việc viết lách của Nguyễn Nguyên Bảy. Thơ Luận Dịch- Bảy bài thơ con cóc là một minh chứng cho điều đó. Độc giả biết và hiểu rõ hơn 7 bài thơ con cóc đó qua 7 bài luận giải ngắn gọn, súc tích, mang tính khoa học của nhà thơ Hạt Cát.
Tôi dừng lại đọc chậm từ trang 129 đến trang 142 của tập sách (Bài Thang Thiểu yêu, Thang Nạp âm, Than Hoan đồng), tôi càng phục ông Nguyễn Nguyên Bảy trên nhiều phương diện.
Đọc đi đọc lại nhiều lần tôi nhận ra rằng ông rất thâm thúy trong cách dùng chữ nghĩa, một khi đã hiểu, đã khai mở được tầng ý nghĩa mà Nguyễn Nguyên Bảy sử dụng, ta mới thấy cái thú vị và độc đáo,  sự tinh tế, hiểu biết sâu rộng của ông.
Những bài “đò đưa” một số tác giả cũng được Nguyễn Nguyên Bảy viết một cách linh hoạt, tự nhiên, góc cạnh. Những đánh giá, nhận định của ông về tác phẩm của họ chính là những nhận xét khách quan, chân thành bằng cả cái tâm của người cầm bút.
Đọc văn ông, như đã nói ở trên không phải dễ đọc nhưng tôi đánh giá cao cách viết và cách sử dụng ngôn từ của ông. Mới. Lạ. Độc đáo. Ấn tượng. Hấp dẫn… tạo nên một phong cách riêng, phong cách Nguyễn Nguyên Bảy.
Xin được mượn lời bài thơ Chân hương, một bài thơ ngắn của ông mà tôi rất tâm đắc để kết thúc cho bài viết này:
Cháy rồi cháy hết phần thơm

Chân hương đứng lặng nỗi buồn vô vi
Rồi mầu phẩm nhuộm phai đi
Dẫu chẳng còn gì cũng đứng chân hương
”./.

Dịp xuân Ất Mùi, 2015
Hòa Phú Yên/ Tác giả gửi bài.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét