Thứ Tư, 26 tháng 10, 2016

Sách Thủng Thẳng Với Thơ/ Ba phản hồi của Hòng Xuân Họa/ Tân Linh/ Vĩnh Nguyên

1.Thủng thẳng với thơ chào bạn thơ Hà Nội
Hoàng Xuân Họa
2. THỦNG THẲNG VỚI THƠ
CÙNG LÝ PHƯƠNG LIÊN VÀ NGUYỄN NGUYÊN BẢY
Tân Linh
3.GIÃI BÀY CÁCH LÀM THƠ CỦA MỘT NHÀ THƠ
" Thủng Thẳng Với Thơ"
Vĩnh Nguyên

&
1.Thủng thẳng với thơ chào bạn thơ Hà Nội
Hoàng Xuân Họa


11giờ 15 phút trưa nay, ngày 21 – 7- 2011 tại số 37, Trần Bình trọng, Hà Nội. Đôi vợ chồng thơ Nguyễn Nguyên Bảy – Lý Phương Liên đã chào bạn thơ, người yêu thơ Hà Nội một hợp tuyển văn, thơ, lý luận – phê bình và những bức tranh sơn dầu: “Chân dung mộng mỵ” của Nguyễn Lý Phương Ngọc. Thi sĩ Nguyễn Nguyên Bảy gọi “đó là tập sách của gia đình”. Vâng, gọi là sách của gia đình… nhưng, khi chúng tôi được cầm “Thủng thẳng với thơ” còn thơm mùi mực trên tay đều cảm ra rằng: hợp tuyển này mang cấp độ quốc gia, và có thể còn hơn thế nữa về ý nghĩa nội dung. Nhiều bài thơ đã được thời gian thử thách, sàng lọc theo quy luật đào thải sau mấy chục năm, khi trở lại với công chúng những bài thơ ấy vẫn là bài thơ có phong cách hiện đại: “Lời ru với anh, Trò chuyện với Thuý Kiều (LPL), Tàu điện đêm, Sông Tương, Ga hẹn (NNB), cả nhưng bức tranh Chân dung mộng mị gam màu, hình khối lạ của cô hoạ sỹ trẻ, con gái của hai người.
Chỉ với việc hai người “cõng” mươi bịch sách của mình từ thành phố Hồ Chí Minh ra để CHÀO bạn văn Hà Nội trước khi phát hành ở phía Nam đã thấy sự trọng thị bạn đọc, bạn bè một thời thương nhớ; bạn mới, dù gặp nhau trên thế giới ảo nhưng nhịp đập của con tim đồng điệu, chân thật, gắn kết tình thơ “biết sống tử tế và nhân hậu…” ấy là có lần thi sỹ Nguyễn Nguyên Bảy rầu rầu nói với chúng tôi chính tại hồ Thuyền Quang này hồi đầu năm 2011, khi nữ sỹ Lý Phương Liên CHÀO bạn văn Hà Nội thi tập “Ca Bình Minh” sau 40 năm nữ sỹ im lặng, xa lánh thơ vì lý do riêng…

Đến dự có các nhà thơ, nhà văn: Hà Ân, Lê Hoài Nam, Nguyễn Anh Tuấn, Trân Vân Hạc, Bích Ngọc, Lý Viên Giao, Thân Đức Thi, haixuanhxh, Nguyễn Văn Thành, Phạm Đình Ân, Lê Triển, Chử Thu Hằng, Thuỷ Hướng Dương, Du Nguyên…gần ba mươi anh chị em bằng hữu.



Tin và ảnh: Hoàng Xuân Họa



Lẵng hoa thân tình của salon thơ Bích Câu do nhà thơ Lý Viên Giao trao tặng


SDC10402.JPG

Đạo diễn điện ảnh Nguyễn Anh Tuấn khai mạc buổi ra mắt “Thủng thẳng với thơ”


SDC10438.JPG


SDC10449.JPG


 
hoangxuanhoa.blog


2. THỦNG THẲNG VỚI THƠ
CÙNG LÝ PHƯƠNG LIÊN VÀ NGUYỄN NGUYÊN BẢY


Tân Linh 
 
Mấy hôm trước đạo diễn Nguyễn Anh Tuấn nhắn tin về buổi gặp gỡ ra mắt sách của đôi vợ chồng nổi tiếng một thuở Lý Phương Liên - Nguyễn Nguyên Bảy. Trưa 21/7 đã hẹn, dù bận, thôi đành nhủ lòng phải ra đảo hồ Thiền Quang với anh chị Bảy - Liên dẫu một lát để chúc mừng họ, không phải vì cuốn sách mà hơn thế, vì một tình yêu cao đẹp họ vẫn dành cho văn chương thơ phú, dù có đến mấy mươi năm chị Lý Phương Liên bởi lý do nào đó đã từng tạm gác lại niềm thơ...
Vừa đến nơi đã thấy vợ chồng anh chị có mặt ở đó. Hai người bay ra đêm qua, lòng vui mở hội bạn bè, mà hành lý cồng kềnh nhất chuyến bay. Mấy tạ sách cho bạn bè Hà Nội. Rất nhiều hoa và mỗi gương mặt bạn bè trẻ - già trưa nay như hoa. Tôi ít thấy ai đi gặp bạn bè mà hớn hở, mà như lòng hát ca vậy. Anh Bảy chị Liên tíu tít đón bạn. Bạn cũ mới thân sơ tay bắt mặt mừng. Bia được rót và lời được mở: Nguyên Bảy tươi trẻ phong độ như chưa hề...trung niên. Chị Phương Liên ra vào đón bạn, vui lên mắt: "Thưa các bạn! Chúng tôi vô cùng xúc động trước tấm tình bạn bè dành cho hôm nay. Cuốn sách cũng chỉ là cái cớ. Cái cớ để chúng tôi thấy rằng sau cuốn sách là tình yêu, là tình cảm mọi người dành cho mình. Không dễ gì có được. Cảm ơn các bạn...". Tôi nhìn thấy những nỗi niềm khác nhau trên gương mặt những bạn bè có mặt. Thì ra mỗi con người đi qua cánh đồng bao la cuộc sống, dấu vết đẹp nhất để lại không phải là vật chất mà có lẽ là thi ca. Vâng! Thi ca làm nên khổ đau và hạnh phúc. Họ đã từng khổ đau vì thi ca và bây giờ tôi thấy họ đang hạnh phúc vì thi ca...
Buổi gặp gỡ đã ra ngoài khuôn khổ tặng sách, hay gặp mặt bạn bè. Không! Mà đó là buổi tái ngộ giữa những tâm hồn đồng điệu, đồng cảm. Những câu chuyện cũ được kể, những kỷ niệm xưa được nhắc. Có mắt ai đó đỏ hoe, có khăn ai đó thấm ướt... Mấy chục năm rồi, lại được ôm nhau, ký tặng nhau vào sách... Không ai quên ai. Không có ai tẻ nhạt trên đời/ Mỗi số phận chứa một phần lịch sử... Một thi hào Nga đã viết như vậy. Vâng! Bốn mươi mốt năm rồi từ ngày Lý Phương Liên hai mươi tuổi, ấy là vào năm 1970 TK XX, lần đầu chị có thơ in trên báo Nhân dân rồi cả chùm trên báo Văng nghệ. Như vì sao mới xuất hiện trên bầu trời thi ca, thơ chị đã ngay lập tức gây được tiếng vang. Thời ấy, văn, thơ mà được in trên Nhân dân là khủng khiếp lắm! Lý Phương Liên trở thành sự kiện trong làng thơ: Nổi tiếng ngay từ những bài thơ đầu. Hồn thơ Lý Phương Liên trong trẻo, hồn nhiên... Và hệ lụy thân phận... bắt đầu từ những câu thơ... Những câu thơ vô tội... Chị nghĩ về Thúy Kiều, như để an ủi thân phận mình, một cô gái mồ côi bỏ học đi làm thay cha mẹ nuôi bốn đứa em côi cút giữa cuộc đời: "Hai trăm năm và chảy dài vô tận/ Thúy Kiều ơi nàng sống tháng năm dài...", những: "Thúy Kiều ơi!, Thúy Kiều ơi! / Bao giờ người mới thoát đời lênh đênh". Cô Lý bấy giờ thương nàng Kiều thuở trước cũng là để dặn mình vượt lên hoàn cảnh mà đóng góp với cuộc đời: "Chẳng khó riêng ai nên khó chẳng một mình/ Chung số phận với nhân dân mà chiến đấu" (Nghĩ về Thúy Kiều - Trò chuyện với Thúy Kiều - LPL). Những câu thơ gan ruột ấy là sự trải lòng của chị với cuộc đời. Như chị từng bộc bạch: "Lý Phương Liên tôi cha mẹ mất sớm thất học vì thế thơ tôi chỉ là đôi ba hoa cỏ ghi chép lại chính cuộc đời mình nào ngờ thành tiếng mõ cầu rung lên hỉ ái và cũng làm sấm sét nộ ố những năm 70 và dài theo những năm sau đó...bất chấp giông tố thị phi, bão mưa, ganh ghét... Tôi nín lặng với thơ 40 năm nay vì lời nguyền từ bỏ thơ của chính tôi, không vì bất cứ sự đe dọa, trù dập hay bất cứ áp lực nào khác. Mọi hệ lụy xô đẩy chúng tôi đến bần hàn và cơ cực không liên quan đến bất kỳ cá nhân nào, quyền lực nào..." Vâng! Dẫu chị sẻ chia như vậy nhưng đời không nghĩ vậy. Từng chỉ có những con người với con người có lúc ngộ nhận, có lúc nông nổi đến tội nghiệp mới làm đau những câu thơ... Bây giờ hãy để nội dung cuốn sách kể câu chuyện tình ấy.
Mở tập sách, không chỉ thấy có thơ của hai người yêu nhau. Mối tình ấy đẹp cả trong thơ và trong đời. Họ đã cùng nhau đi qua quá nhiều biến cố để cùng hạnh phúc bên nhau hôm nay trong mắt vui bạn bè... "Người liên quan đến thơ tôi và chịu trách nhiệm cay đắng oan ức vì thơ tôi là Nguyễn Nguyên Bảy, tình yêu của chúng tôi, chồng tôi, người thầy duy nhất dạy tôi làm thơ và cùng tôi tu thân làm người tử tế..." Chị đã từng viết như vậy.
Cuốn sách của Nguyễn Nguyên Bảy - Lý Phương Liên có thơ và lý luận của NNB. Và tranh của họa sĩ Nguyễn Lý Phương Ngọc - ái nữ của họ... "Thủng thẳng với thơ", tập sách, một tổ hợp thơ, văn, lý luận phê bình và tác phẩm tranh "Chân dung mộng mị" của gia đình nhà báo - nhà thơ Nguyễn Nguyên Bảy - Lý Phương Liên (NXB Văn học ấn hành tháng 6, năm 2011). Phần 1 của sách thơ, tựa đề Lời Ru Với Anh, gồm tập hợp 9 bài thơ của Lý Phương Liên, trong đó 8 bài đã in trong tập thơ Ca Bình Minh (NXB Văn học ấn hành T1/2011) và 1 bài mới viết về chân dung bạn thơ Ngô Thế Oanh. Phần 2 của sách thơ, tựa đề Có Một Con Thuyền Trương Chi, gồm tập hợp 41 bài thơ của Nguyễn Nguyên Bảy. Như vậy, tổng số, bao  gồm phần 1 và 2 là 50 bài thơ tình của Lý Phương Liên - Nguyễn Nguyên Bảy tính mốc 1975 ngược lại. 50 bài thơ này lấy hai câu bài thơ Hoa Nhài làm tiêu chí tuyển chọn cũng là ý muốn gửi cái tình thơ đến xa gần bằng hữu: Ướp trà em. Cài tóc em. Mà vẫn khinh em. Hoa nở đêm/ Nhưng em vẫn nở đêm. Tắm mình trăng. Tắm mình sương. Cho ngon trà. Cho ngọt tóc. Em vẫn cứ là em. Hoa Nhài.
Phần 3 của sách thơ, tựa đề Chân Dung Mộng Mị, Lời bạt tranh của Đạo diễn điện ảnh Nguyễn Anh Tuấn, với tuyển chọn 27 tranh sơn dầu của Nguyễn Lý Phương Ngọc qua triển lãm cá nhân lần thứ nhất 12/2010 tại Hội Mỹ Thuật TPHCM.
Phần 4 của sách thơ là 14 khúc đò đưa của Nguyễn Nguyên Bảy, tựa đề Thủng Thẳng Với Thơ. Hãy nghe bộc bạch của Nguyễn Nguyên Bảy: " Sáng, 14/12/2010 bỗng tìm thấy trong thư viện gia đình cuốn chép tay viết năm 1975, có tự đề Luận Văn Thứ Nhất. Tôi thực chẳng nhớ nguyên cớ gì tập tiểu luận này lại có tên là Luận Văn, ngẫm mãi, rồi tự bảo có lẽ đây là Luận Văn Thứ Nhất cho tu thân tôi trong nghiệp làm thơ, chăng? Rồi bèn rũ bụi thời gian và đọc, đọc cả những gạch xóa, sau đó ngồi viết lại trên máy và đặt cho tập chép tay này tên mới là Thủng Thẳng Với Thơ... Rồi lại nghĩ, những dòng này dù viết cách nay đã 35 năm, nhưng vẫn còn thú ích cho bản thân mình và còn lợi lạc cho bạn đọc có nhu cầu Thủng Thẳng Với Thơ không là tập sách lý luận phê bình, mà chỉ là tâm sự nghiệp thơ, nghĩ sao viết vậy, mà hồi ấy, 1975, còn trẻ người non dạ, có thể những tâm sự này làm bực lòng bạn văn thơ nào đó, xin được tha thứ. Giá bây giờ, 2011, mới viết thì chắc chắn đã khắc phục được những lỗi lạc ấy, nấu vậy, biết đâu lại chẳng mắc những lỗi lạc mới, còn gây bực dọc nhiều hơn. Thưa, đây đơn thuần chỉ là tập sách thường nhật thú vui gia đình, muốn in ra chia sẻ cùng thân bằng quyến thuộc gần xa. Đó cũng là lý do sách này in ra không thương mại, chỉ mong cầu tặng bạn chia sẻ, cúi mong nương lời khích lệ, thế tất lỗi lầm (nếu có) để vui lòng mà in tiếp những sách đang xếp hàng chờ sinh..."
Cuốn sách chỉ là cái cớ như Nguyễn Nguyên Bảy nói. Vâng! Nó đúng là cái cơ cho một chuyến trở về với thi ca của "Những người của một thời" cùng bạn bè, cùng Hà Nội hôm nay...


Tân Linh



3. GIÃI BÀY CÁCH LÀM THƠ CỦA MỘT NHÀ THƠ

" Thủng Thẳng Với Thơ"

Nhà thơ VĨNH NGUYÊN
Từ sách Cảm Thức Văn Nghệ/ NXB Thuận Hóa


Ông Nguyễn Nguyên Bảy làm thơ từ rất sớm, có danh cùng thời với Bùi Minh Quốc, Vũ Quần Phương, Bằng Việt..ở Hà Thành đến nay đã ngót nửa thế kỷ, ấy mà vẫn " Thủng Thẳng Với Thơ" thì thật lạ. Nhưng cái hay có thể là từ cái lạ, cái tưởng như đã mờ đi thì bỗng dưng tỏa sáng.
Nước Nam ta có những "cặp bài trùng" gia đình văn nghệ hay hiếm có. Đó là những cặp Xuân Sanh/ Nguyễn Thị Cẩm Thạnh, Vũ Tú Nam/Thanh Hương, Hoàng Phủ Ngọc Tường/ Lâm Thị Mỹ Dạ, Bùi Minh Quốc/ Dương Thị Xuân Quý (có thể tính thời đoạn đầu). và nay, Nguyễn Nguyên Bảy/ Lý Phương Liên, ở gia đình này còn có cô con gái của họ, Nguyễn Lý Phương Ngọc, họa sĩ, thế là "chùm ba" theo cách đọc trên khuông nhạc.
" Thủng Thẳng Với Thơ"
của nhà thơ Nguyễn Nguyên Bảy là ông giãi bày cật ruột kinh nghiệm làm thơ của ông sau 36 năm ( Hà Nội 27/7 - 8/8/1975, Sài Gòn 1/2011) NXB Văn Học ấn hành 5.2011. Nếu VTV có chương trình bình chọn "Mỗi Ngày Một Cuốn Sách", thì tôi chọn : "Thủng Thẳng Với Thơ". Một tập tiểu luận gồm 14 chương, chương nào trình bầy cũng súc tích, cô đọng, tâm huyết trong cơn đau để đẻ ra nó. Tập sách còn có "Lời Ru Với Anh" phần thơ của Lý Phương Liên, và "Chân Dung Mộng Mỵ" phần hội họa của Nguyễn Lý Phương Ngọc.
Bởi vậy, tôi có đôi lời về phần thơ Lý Phương Liên và tranh sơn dầu của Nguyễn Lý Phương Ngọc trước:

1.
Nhà thơ Lý Phương Liên nổi tiếng từ chùm 5 bài thơ in trên tuần báo Văn Nghệ tháng 8/1970. Trước đó, báo Nhân Dân đã giới thiệu chùm 5 bài thơ khác của bà, có ghi địa chỉ. Bác Hồ đã từng đến thăm ngôi nhà nhỏ cùng năm chị em của bà.
Thơ Lý Phương Liên hay, độc đáo, dễ thuộc và rất đột ngột: Xa anh nói nhớ làm sao/ Chân đứng tổ kiến lòng chao gió cành/ Và hai câu lục bát biến thể, cụm từ Buộc Cánh Anh đến ba lần điệp khúc, và xuống dòng cho giới phẩm bình văn nghệ ngỡ ngàng mà không tiếc lời tôn vinh bà: Lẽ nào em buộc cánh anh
Buộc cánh anh
Buộc cánh anh cũng chẳng thành tình yêu
(Lời ru với anh) Ca Bình Minh là từ ca ba của người thợ. Chẳng ai muốn làm việc cái ca vất vả đang ngon giấc này, nhất là phụ nữ. Nhưng máy đang vận hành thì không thể không có ca ba. Lý Phương Liên gọi Ca ba là Ca Bình Minh thì giỏi quá!
Ý nghĩ ấy gặp em như một sự vô tình
Đêm ca ba đi dọc đường Nam Bộ
Tay vẫy chào những đoàn tàu rời ga Hàng Cỏ
Đưa các anh bộ đội lên đường
các anh đi suốt ca ba thẳng tới chiến trường
Đón bình minh đất nước...
Thì, tứ thơ đẩy lên tầm tư tưởng lớn, bà thật xứng đáng là lớp thanh niên tiên phong, cánh tay đắc lực của cách mạng. Viết về tình yêu Lý Phương Liên cũng rất tài. Chờ Anh Dưới Cột Đồng Hồ là một ví dụ: Anh không nhỡ hẹn bao giờ
Chẳng giận anh đâu
Chỉ muốn vặn lại kim đồng hồ..
Trong quân đội " quân lệnh như sơn", chậm một phút có khi mất biên cương vào tay giặc. Trong tình yêu cũng vậy thôi, phải chính xác. Anh đã trễ nửa giờ, còn trễ hơn nữa. Và anh đến. Anh nhìn em bối rối..Chẳng giận anh đâu/ Chỉ muốn văn lại kim đồng hồ..là tính quyết liệt, là tứ thơ chắc nịch, tài hoa, nó rơi vào giữa bài, nó không chốt về cuối bài như nhiều người thơ khác từng làm.. Qua thơ ta có thể hiểu bà là con người tốt.

2.
Họa sĩ Nguyễn Lý Phương Ngọc.
Chị tốt nghiệp đại học mỹ thuật TPHCM 2009, tu nghiệp ngắn hạn tại Bắc Kinh/ Trung Quốc (2009-2010), triển lãm lần thứ nhất với chủ đề "Chân Dung Mộng Mỵ". Với 21 bức sơn dầu của nữ họa sĩ trẻ này cứ làm tôi bâng khuâng mãi, là bởi Nguyễn Lý Phương Ngọc vẽ những giấc mơ. Bức Lạc Giữa Vườn Đào rất lạ, vườn đào đang ở trong nước, trong sương và bóng người đi lạc bồng bềnh cùng những nụ đào, trái đào đan xen giữa biển sương mờ ảo. Những bức có các nhân vật nữ chìm trong nước, nó cứ sóng sánh lên tất cả sương khói diệu vợi mới đẹp làm sao! Bố mẹ của họa sĩ là nhà thơ nên tranh Nguyễn Lý Phương Ngọc phảng phất thần sắc của thơ chăng?


3. Bây giờ thì tôi Thủng Thẳng Với Thơ của ông Nguyễn Nguyên Bảy.
Thân chào các bạn
, ông Bảy bắt đầu nói, Cái thời trên dưới 15 tuổi đều được thổi lên thành những "anh hùng thời đại", và lứa chúng tôi ai cũng đua chen tu thân thành Paven Coócsaghin. Tôi không ngoại lệ. Chiến trường của chúng tôi là công trường làm đường Thanh Niên (Cổ Ngư) và công viên Bảy Mẫu. Tự nhiên như thể sắp đặt của Càn/Khôn, hòa trong dóng anh hùng thời đại ấy, tôi luôn được Hiệu Đoàn Trưởng giao nhiệm vụ ngồi trong lán phóng thanh và ngẫu hứng thơ về các kỷ lục của các Paven gánh đất..Và cũng tự nhiên như thể tôi thành Paven/ thi sĩ trong mắt bạn bè tôi.
" Cơm áo không đùa với khách thơ", mẹ ông phản đối. Ngăn cấm ông chuyện thơ phú. Sau này ông chép lại những lời mẹ ngăn cấm bằng văn vần: Bảy đứa con mẹ khóc khổ vì tôi nhiều nhất/ Và tôi sợ đêm rằm nhất/ Sợ lời giải cầu của mẹ linh thiêng/ Con đừng thơ phú thành điên/ Sao không đi bắc cầu sông Cái/ Sao không đi lái đò sông Con/ Sao không đi làm thầy giáo làng/ Sao không xuống bến Phà Đen làm phu khuân vác/ Mẹ ơi, lạy mẹ đừng khóc/ Đừng bán khoán con cho đền miếu làm gì/ Con chỉ là con của mẹ/ Mẹ nhắm mắt mở môi khe khẽ/ Khấn âm âm lời Chinh Phụ, lời Kiều../Năm 1960 Nguyễn Nguyên Bảy vào trường ngoại ngữ và thành thông dịch viên tiếng Nga. Ông là một con người được nâng đỡ bởi tình yêu. Một cô gái gửi thư cho ông đã viết:
Mỗi khi bước vào căn nhà ấy
Muốn bù lại cho anh bao mất mát của đời
Muốn giữ cầm hạnh phúc bị đánh rơi
Sự cần cù và đôi tay lao động
Muốn làm chiếc khăn cho trán anh bớt nóng
Muốn chung soi trên trang sách cùng anh..

Đó là sự cảm thông, hơn thế, đó là sự tàng chứa một tình yêu. Tình yêu ấy chẳng ai khác ngoài Lý Phương Liên, nhà thơ sau này đã viết tặng anh:
Bài thơ em viết tặng anh
Nắng non lấp ló ngoài mành ngẩn ngơ
Nằng ơi người muốn đọc thơ
Tình yêu viết hết bao giờ mà mong
Con gà đẻ một trái hồng
Còn bao trái chín ở trong cuộc đời..

(Trái hồng/ Thơ Lý Phương Liên)
Lúc đó ông lên tuổi ba mươi, cái tuổi lúc nào cũng khát cháy yêu thương. Tình yêu đã đến với ông như thế. Ông tự trào: Tình yêu và cái đói đó là nước nguồn mát trong vô tận cho thơ (Nước nguồn mát trong/ chương 5).
Ông tự đặt câu hỏi và trả lời, Thơ sinh ra như thế nào? Là rút ra từ gan ruột nhưng không cả trò nhảm nhí của kinh nghiệm lộng ngôn, nó không tuân theo bất kỳ một lý thuyết , trường phái kim cổ nào, chỉ đơn thuần là những lời bình dân, ngẫu hứng từ đói nghèo..viết mỗi ngày đôi dòng, mong như một thần dược hóa giải tình thơ thoát họa tự nhiên lão/tử..
Trước tuổi ba mươi, Nguyễn Nguyên Bảy đã viết các tập thơ Cố Hương Ca, Kinh Thành Cổ Tích, Nước Nam ta (sự thi). Nhưng cái đói, cái nghèo cứ bức bối trong bốn bức tường vây kín đã làm ông chán nản. Nhờ lời xưa mẹ dặn, nay ông tiếp dặn hai đứa con là không được theo con đường thơ phú của bố mẹ. Và ông đã chuyển sang làm thợ may. Nghề may kiếm được bộn tiền, ông nói. Nhưng đêm đêm khi thiếp ngủ nàng Thơ hay như nàng Đạm Tiên hiển hiện trước mặt và bảo ông: Nghiệp ngươi còn nặng, chưa thể bỏ được đâu! Rồi ông tự thốt lên: (Tôi ơi, đừng bao giờ chán  nản. Chương 3).
Tác phẩm Thủng Thẳng Với Thơ ông viết sau năm 1975 khi nước nhà thống nhất. Ông nói phải viết vội cho xong để còn "ly hương", nghĩa là ông rời Đài phát thanh tiếng nói Việt Nam để vào nhận công tác tại Đài Truyền hình TPHCM. Ông nói phải viết vội cho xong nghĩa là còn sơ lược lắm phải không? Theo tôi thì không. Chương nào ông cũng nắm vững thần hồn của nó, phân tích và luận khá kỹ. Ông " chơi" cả vào kinh dịch: Nghịch lý với bản chất của thơ, như lẽ thủy sinh mộc, nhưng thủy tham sinh là mộc úng, kim sinh thủy, kim tham sinh nên nỗi kim chìm (Thân ái chào các bạn/ Chương 2).
Theo ông phải có ba đức: Say mê/ Kiên trì/Liên tục. Ba đức ấy là quá trình trồng cấy cây thơ cho mùa ra hoa kết trái. Chỉ có ba đức ấy mới đủ sức khơi nguồn con suối chán nản, thành con suối nước chảy qua lòng đá cuội trong veo mà ngân nga..Ông Bảy luận tiếp: Tác phẩm hay nhất chưa phải là tác phẩn mình viết ra, bài thơ sắp viết còn nhiều hứa hẹn hay hơn. Đỉnh núi cao và nhọn đầu hình chóp, cho dẫu ta lên đến đỉnh thì cũng chỉ là một điểm nhỏ xíu mà thôi. Đỉnh núi thơ cớ chi xếp ghế thi vương/thi bá? (Tôi ơi, đừng bao giờ chán nản/ Chương 3).
Nhà thơ Nguyễn Nguyên Bảy đã dồn tới cao trào của tác phẩm: cái gì là đối tượng của thơ? Là danh từ chung trong đó hàm chứa dân tộc, nhân loại, vừa là em lại vừa là bạn, vừa là Chúa Trời lại vừa là Juda..Ôi chà chà..lại hỉ/nộ/ái/ố rồi! Vừa bác ái, vừa tiểu nhân rồi! Đúng. Đối tượng con người có khi là đối tượng ngợi ca cũng có khi là đối tượng nguyền rủa. Và ông thẳng thừng: Thơ là một trong số những loại hình xung kích làm nhiệm vụ đó. Sứ mệnh thật lớn lao, nhưng khốn thay, sứ mệnh lớn lao ấy đôi khi lại rơi vào tay những kẻ thiếu nhân, thừa súc. Cũng như chính xã hội con người, số quân vô lại đông đúc không thua kém những con người trung thành của Chúa. Xã hội thơ cũng vậy, tiếng lòng thơ và dã tâm thơ song hành, thích cánh chen vai. Thơ thường phụ họa theo những tỵ hiềm, ích kỷ, trì trệ ấy. Vì thế, thơ không còn chỉ tụng ca con người mà thậm chí còn báng bổ con người bằng những tụng ca, tụng ca ngay cả thân phần súc vật của con người (Khi ngôi sao rụng chín/ Chương 4).
Người làm thơ phải có bạn đường. Người ưa Puskin, người có Êsênhin, người có Erenbua, người có Lý Bạch, Đỗ Phủ, người ưa Aragông...Nguyễn Nguyên Bảy chọn Truyện Kiều. Đó là sự thích của tôi. Ông nói và viết: Thúy Kiều là ảnh Đạm Tiên/ Đoạn trường ngật ngưỡng Địa, Thiên ngả cười..Mới hay cái kiếp đoạn trường/ Cởi ra chưa hết lại luồn thêm dây. Lý Phương Liên còn bồi thêm với ông: Hai trăm năm có thể lâu hơn nữa/ Thúy Kiều ơi nàng sống tháng năm dài..Ông Bảy tiếp: Có ai chê bài Đèo Ngang (thể bát cú) là thể thơ cũ đâu. Các bài Thu của Nguyễn Khuyến cũng bát cú đấy chứ! Không phải chỉ có tự do mới là thể thơ mới, còn các thể lục bát/ tứ tuyệt/ song thất lục bát..đều cổ rồi và không sử dụng nữa. Phàm đã là hình thức thơ, thì không có hình thức nào xếp vào viện bảo tàng cả.Điều quan ngại nhất là bài thơ cần có sự hòa đồng giữa nội dung và hình thức. Đã là bài thơ hay thì hai mặt đó đều thành công. Truyện Kiều đã sử dụng thể 6/8, thử hỏi 3254 câu, có bao nhiêu câu cổ, cũ? Sự thật là truyện Kiều đọc luôn thấy mới, hiện đại, thời nào cũng hiện đại ( Bạn Đường Thân yêu/ Chương sáu).



Người làm thơ cò quyền theo cái "e" của mình, nghĩa là loại thơ mà mình thông thạo. Nhưng khi đã gọi là nghiệp rồi thì cũng phải biết có bao nhiêu loại thơ, còn các trường phái thơ khác lại khác nữa, phức tạp nữa vậy. Ông Bảy đã chỉ ra và phân tích các loại thơ rất mạch lạc:
1. Loại thơ mang tên là trí tuệ, thơ đã đi ra từ tinh hoa của óc, tính lý luận trong thơ nhiều, nặng và lạnh.
2. Loại thơ mang tên là anh hùng ca là loại phản ảnh ca hay diễn ca, hát lên cung bậc của những sự kiện mới, những mẫu người  mới, minh họa những đường lối chính sách mới. Tính thời sự trong thơ cao, loại này lối thơ vào là cửa óc, lối ra là cửa mắt.
3. Loại thơ mang tên tâm trạng, thường là những dằn vặt cá nhân, những tiếng kêu than,những lời phiền muộn, nó nhỏ nhặt, vô vi, hay dùng thanh bằng, chuốt từ, ảnh cũ và nghiêng về câu chữ. Loại này không đăng công khai, thường đọc chuyền tay và đúng như sự tồn tại của nó, ngoài da non nó không biết sống ở chỗ nào.
4. Loại thơ mang tên là trữ tình tinh tế, thực ra là những bài tả cảnh mang tính khách quan vô tư, cửa vào và cửa ra của loại thơ cùng là cửa mắt.
5. Loại thơ mang tên bàng thống, nói cách khác là thể thơ không được thực tế xã hội thừa nhận. Loại thơ này khó đánh giá, vì nó đồng thời có những cây bút hèn hạ, tầm thường, đồng thời có những cây bút cao thượng, tâm sự cá nhân hòa chan vào những tâm sự lớn của nhân dân, đất nước ( Thơ là thơ, chương 8).
Tôi tin, những người theo nghiệp thơ phú đọc được chương này sẽ cảm ơn nhà thơ Nguyễn Nguyên Bảy nhiều lắm. Bởi họ sẽ luận ra và nắm bắt và cơ may trên con đường dài hun hút kiếm tìm cho mình được chút "châu ngọc" của người đi trước đánh rơi chăng!
Nhưng thơ là thơ, đó là cái rất khó. Những người thơ đến được mút chót con đường sẽ đọng lại còn rất ít. Họ thường rơi rụng dọc đường. "Tôi ơi, đừng bao giờ chán nản!" Đó là tiếng kêu của người dũng cảm.Chính đó là tiếng lòng của nhà thơ Nguyễn Nguyên Bảy mà tôi đang nói đây. Ông đã từng chán nản, nghẽn lối và tìm lối đi riêng, mới thốt "Tôi ơi!" Ông theo lối truyện Kiều:
Nếu em là hạt mưa xuân
Anh là chồi biếc uống chầm chậm em
Nếu em ngọn gió hè lên
Anh xin là cánh diều êm lưng trời
Nếu em trăng thu chơi vơi
Anh nằm trên cỏ hát cười cùng em
Nếu em đơn chiếc mùa đông
Anh là nắng ấm ửng hồng má em
Dù em chỉ muốn là em
Nhưng anh vẫn cứ là anh bốn mùa..

(Bốn mùa/ Nguyễn Nguyên Bảy)
Ông Bảy kể: Tôi có biết một nữ thi sĩ lớp trước, chị viết được khá nhiều thi khúc thành công, đọc thơ chị người ta dễ lầm kiến thức của chị, chị chỉ mới đọc thông viết thạo, nhưng trí tưởng tượng đã nâng bổng chị lên..
Vậy làm sao có trí tưởng tượng? Mà trí tưởng tượng vốn là sự trừu tượng? làm sao biết sự trừu tượng để so sánh?
Nguyễn Nguyên Bảy: Từ cuộc sống, vốn sống, trí thức văn hóa để khám phá con người và vũ trụ cũng từ cuộc sống..Và nhà thơ tâm huyết đã thủng thẳng chỉ ra cho chúng ta những hình ảnh của sự tưởng tượng này:
Trí tưởng tượng đến với từng câu. Có khi choáng ngợp trong toàn bộ một khổ hoặc một bài thơ. Vì vậy khi trí tưởng tượng đã dẫn thơ đi thì tức khắc ngòi bút phải ghi lại, phải cô đọng hoặc phát triển, không được để nó bay đi như cô gái giận dỗi người tình đến trễ giờ hò hẹn, vùng vằng bỏ đi. Trí tượng tượng lạ đến nỗi, có khi ngay trong giấc mơ ta thấy mình đến hòn đảo lạ với biết bao nhiêu kỳ hoa dạ thảo. Có khi trí tưởng tượng vut nhảy từ lĩnh vực hư sang một liên tưởng thực, một trừu tượng đến rất cụ thể, một lý trí đến một hình ảnh. Nếu lầm giữa hình thức thơ với trí tưởng tượng thì sẽ rất tai hại, bởi lẽ dù hình thức thế nào cũng không thề cứu được nội dung, nếu như hình thức ấy không chở một nội dung thơ, mà chỉ chở một nội dung khô cứng không thuộc về thơ. Trí tưởng tượng là chất thơm của hoa, là sắc mầu của hoàng hôn và thảo nguyên, là tiếng hót của chim, là gió thổi, là vầng trăng..
( Từ trời đất đến trăng sao, chương 11).
Nguyễn Nguyên Bảy luận về thơ tự do thấu đáo, hợp lý và rất hay:
Thơ tự do chính là thơ không vần. Đúng, nó không nằm trong quy luật vần thông thường, nó tuân theo quy luật vần ẩn, vần kín, kín đáo nằm trong nhịp điệu, trong các thanh bằng trắc và chấm phẩy. Đó là sự tự do trong giới hạn thơ, chứ tuyệt nhiên không phải tự do muốn lắp ghép từ ngữ thế nào, không tôn trọng một nguyên tắc nào cũng được. Tôi đã thử làm thơ tự do, thử nhiều lần và nhận thấy thể thơ tự do cũng có vần điệu của nó, tôi gọi là vần không thông thường. Tuy nhiên, thơ vần hay không vần, điều đó không quan trọng, mà quan trọng là sử dụng những chất liệu từ ngữ vần hoặc không vần nhưng làm nên chất liệu thơ. Thực ra người làm thơ không vần cố chấp về vần, ở đây phạm trù tu vần trên thực tại là tu từ, tu những từ thơ. Xét về phương diện tu vần, nhận thấy, những vần trắc gam mầu thường nóng, ức chế một phẫn nộ nội tâm, là những nốt cao trong nhạc. Còn những vần bằng gam mầu thường lạnh, mang tâm hồn buồn vui, than thở, là những nốt trung trầm và trầm trong âm nhạc. Đối với hai loại vần này, vần bằng hợp hơn với thơ và chứa nhiều nhạc điệu, vần trắc khó sử dụng hơn vì chất điêu khắc hội họa của nó. Do vậy, có thể làm một bài thơ toàn vần bằng, chứ không nên làm một bài thơ toàn thanh trắc
( Những người đãi vàng, Chương 13).
Nhà thơ Nguyễn Nguyên Bảy lấy từ thơ làm trọng, ông cho rằng đó là xương cốt của thơ.Bây giờ nhiều người học rộng, đỗ đạt cao, tiếng nước ngoài nói như gió. Họ ngồi vào bàn chốc lát có thể làm ra dăm bài thơ. Họ có tiền in ra và in rất đẹp để "chơi" thơ, nó thành phong trào, nên có người gọi "thơ bội thực". Tôi rất chịu khó đọc thơ trẻ, kể cả phong trào nói trên và thấy rằng, họ chỉ thiên về ý nên mới sản xuất được nhiều và nhanh đến vậy. Đọc xong một tập thơ dạng này nó chuội đi đâu hết cả. Thơ là Thơ theo khảng định của Nguyễn Nguyên Bảy là tứ thơ.
Loại thơ không có tứ, hoặc tứ không rõ ràng, chẳng những chẳng có giá trị gì đối với quy luật đào thải của thời gian, mà còn mang ý nghĩa của sự tra tấn thần kinh người đọc. Tôi không thể nào chịu nổi những bài thơ không có tứ, nó cứ như người không xương vậy, suốt ngày sườn sượt trên giường.
Từ cốt lõi ấy, công việc mở đầu cho một bài thơ, theo ông có hai phương pháp:
1. Đã thuộc rất mạch lạc vấn đề mình sẽ viết, thuộc đến nỗi chỉ việc đặt bút xuống và mặc cho dòng thơ cuốn mình đi, cuốn cho đến chữ cuối cùng dừng lại, và bài thơ đã kết thúc.Chẳng những tôi thuộc lòng nội dung mà còn thuộc lòng cả hình thức thể hiện. Đối với phương pháp này, tôi có thể viết và trả lời một cách dũng cảm: Mình đã viết cái gì và đã viết như thế nào.
2. Tôi chẳng hiểu tôi đã viết cái gì nữa, câu thứ nhất đã đến rất bất ngờ và kéo theo câu thứ hai, rồi câu thứ ba. Trong quá trình tuôn chảy những câu chữ, tôi cũng đồng thời hình thành ý định của mình, nẩy ra vấn đề định viết và hướng câu chữ vào vấn đề định viết ấy. Phương pháp này thường bắt nguồn từ một hình ảnh chợt gặp, một câu thơ chợt tới, một âm vận chợt nghe, có khi từ một gợi ý của một người đối thoại nào đó. Với phương pháp này., thần thơ thường hiện ra bất ngờ và có khi đem lại những hiệu quả không thể lường được.

Thơ có tứ mạnh người đọc mới nhớ thơ lâu. Cái tạng của tôi nó hợp với tạng của ông Bảy. Tôi viết mấy dòng trên đây để giới thiệu hay điểm sách Thủng Thẳng Với Thơ của ông theo cách của tôi.Ông thì gan ruột, viết vội rồi thủng thẳng..từ từ, tu thân, tu đức 36 năm trời để "tóm"..Tình như nắng vãi khắp vườn giọt hoa/ Giọt nào cho cuộc tình ta/ Để khi tắt nắng ta ra nhặt về..Còn tôi thì "tóm"tác phẩm của ông trong trọn một ngày. Mấy ngày này trời Huế đã nhạt nắng Tôi giờ Thủng Thẳng Với Thơ ra nhặt và nhặt những lời hay, ý đẹp của ông. Ông rốt ráo Thơ Là Thơ với độc giả, rồi độc giả sẽ nhận chân giá trị của nó. Ông Bảy ơi, tôi nhặt được quá ít phải không ông, ông thì hun đúc ra từ châu ngọc từ kim cổ đông tây, quá khứ vị lai mà tôi thì có thể không biết cách nhặt nên mới được chừng đây..chắc ông chưa vừa lòng, nhưng biết làm sao được.Tôi tin sẽ có nhiều bạn đọc đồng thuận với tôi rằng, có người cần đọc dài, cũng có người vì ít thời giờ, thích đọc ngắn. Cái hay, cái sắc sảo của tập sách Luận bàn về Thơ của Nguyễn Nguyên Bảy mà Lý Phương Liên và Nguyễn Lý Phương Ngọc cùng được hưởng phúc, như là " phần thường cho cả ba người" trong một gia đìnhvăn nghệ Việt Nam quí hiếm.

Huế, Tháng 8.2014

Vĩnh Nguyên/ Sách Cảm Thức Nghệ, NXB Thuận Hóa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét